Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023
Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn
2023-11-28T20:11:45-05:00
2023-11-28T20:11:45-05:00
https://cucthongkelangson.gov.vn/bao-cao-kinh-te-xa-hoi-thang/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-thang-11-va-11-thang-nam-2023-385.html
https://cucthongkelangson.gov.vn/lsouploads/news/2023_11/image_6.png
Trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn
https://cucthongkelangson.gov.vn/lsouploads/logo_ctk_langson.png
Thứ ba - 28/11/2023 12:01
Chỉ số giá tiêu dùng toàn tỉnh tháng 11/2023 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,65% so với cùng kỳ năm trước, tăng 6,34% so với kỳ gốc 2019 và tăng 1,74% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu, giá gas, giá vàng, giá Đô la Mỹ tiếp tục tăng, giảm theo sự biến động chung của thế giới.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
1.1.1 Trồng trọt
Trong tháng 11, thời tiết thuận lợi cho việc thu hoạch các cây trồng vụ Mùa, làm đất chuẩn bị gieo trồng các cây trồng vụ Đông. Nhân dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, khẩn trương thu hoạch các loại cây trồng. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học trong sản xuất luôn được quan tâm; mô hình rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGap tiếp tục phát triển.
Cây lúa: diện tích thu hoạch lúa mùa trong tháng đạt 23.369,48 ha, tăng 4,09%; năng suất lúa đạt 41,02 tạ/ha, tăng 4,56%; sản lượng đạt 95.861,61 tấn, tăng 8,84%.
Cây ngô: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 3.136,93 ha, tăng 3,21% so với cùng kỳ; năng suất đạt 49,73 tạ/ha, giảm 0,66%; sản lượng đạt 15.601,42 tấn, tăng 2,54%.
Cây khoai lang: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 757,63 ha, giảm 2,65% so với cùng kỳ; năng suất thu hoạch ước 69,18 tạ/ha, tăng 2,35%; sản lượng thu hoạch ước 5.241,14 tấn, giảm 0,36% so với cùng kỳ.
Cây lạc: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 833,56 ha, giảm 3,35% so với cùng kỳ; năng suất thu hoạch ước 18,92 tạ/ha tăng 0,58%; sản lượng thu hoạch trong tháng ước 1.576,86 tấn, giảm 2,80% so với cùng kỳ.
Cây đậu tương: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 98,86 ha, giảm 3,59% so với cùng kỳ; năng suất thu hoạch ước 16,11 tạ/ha tăng 0,88%; sản lượng thu hoạch trong tháng ước 159,24 tấn, giảm 2,76% so với cùng kỳ.
Rau các loại: Diện tích thu hoạch trong tháng ước thực hiện 850,53 ha, tăng 0,25% so với cùng kỳ; sản lượng thu hoạch trong tháng ước 13.950,04 tấn, tăng 1,65% so với cùng kỳ.
1.1.2 Chăn nuôi
Trong kỳ báo cáo, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 32 hộ/11 thôn/07 xã/04 huyện (Bắc Sơn, Lộc Bình, Văn Lãng, Cao Lộc) tiêu hủy 122 con lợn với tổng trọng lượng 6.710kg. Các loại dịch bệnh khác xảy ra lẻ tẻ ở một số địa phương như tụ huyết trùng (THT) gia cầm, THT trên đàn trâu, bò, phó thương hàn, Ecoli trên đàn lợn, bệnh care trên đàn chó.
Tổng đàn trâu: Ước tính số lượng trâu hiện có 65.996 con, giảm 0,05%; số con xuất chuồng ước đạt 1.471 con, tăng 3,23% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 433,61 tấn, tăng 3,68% so với cùng kỳ. Số lượng và sản lượng xuất bán tăng do người dân thay đổi mục đích chăn nuôi gia súc lớn bán thương phẩm và một phần thiếu nhân lực chăm sóc.
Tổng đàn bò: Ước tính số lượng bò hiện có 28.233 con, giảm 0,44% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân về nguồn vốn; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi; nhiều mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt, kết hợp xử lý chất thải làm phân bón hữu cơ rất có hiệu quả. Trong tháng 11, số con xuất chuồng ước 498 con, tăng 4,18% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 126,06 tấn, tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn lợn: Ước tính số lượng lợn hiện có 191.424 con, tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước. Tập trung đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại và hộ chăn nuôi có quy mô lớn, đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh, chuẩn bị tốt nguồn cung thịt lợn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán và các ngày lễ trong quý IV. Số con xuất chuồng trong tháng ước 25.741 con, tăng 3,88%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.978,84 tấn, tăng 2,23% so với cùng kỳ.
Tổng đàn gia cầm: phát triển tốt, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được quan tâm, ước tính số lượng đầu con hiện có là 4.555,39 nghìn con, tăng 3,28% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm đạt 1.425,93 tấn, tăng 4,52%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5.785,44 nghìn quả tăng 4,79% so với cùng kỳ.
Giá cả vật nuôi và thức ăn chăn nuôi: Trong tháng, trên địa bàn giá gà ta bình quân ở mức 121,93 nghìn đồng/kg; gà công nghiệp thịt hơi phổ biến ở mức 72,23 nghìn đồng/kg. Giá gà ta giống ở mức 16,94 nghìn đồng/con, gà công nghiệp giống bình quân ở mức 15,95 nghìn đồng/con. Giá lợn hơi bình quân ở mức 57,59 nghìn đồng/kg; giá lợn giống ở mức 88,87 nghìn đồng/kg. Bình quân, giá thịt trâu, bò hơi ở mức 110 - 120 nghìn đồng/kg, xấp xỉ 90% giá cùng kỳ năm trước.
1.2. Lâm nghiệp
Công tác quản lý, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng được các chủ rừng thực hiện thường xuyên theo quy chế quản lý rừng. Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết tại các vùng trên địa bàn tỉnh, kịp thời cảnh báo tới chính quyền các cấp, các chủ rừng và nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng…Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.
Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng ước đạt 524,74 ha, giảm 0,99% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 34,99 nghìn cây, tăng 1,02%. Trong tháng 11, sản lượng gỗ khai thác đạt 77,12 nghìn m3, tăng 1,03% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, sản lượng củi khai thác đạt 59,77 nghìn ste, tăng 2,12%. Sản lượng gỗ khai thác tăng so với cùng kỳ năm trước do hoạt động chế biến, xuất khẩu sản phẩm từ gỗ tăng khá, nhu cầu gỗ nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gỗ tăng.
1.3. Thủy sản
Trong tháng, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định. Tiếp tục thực hiện cung ứng cá giống đảm bảo chất lượng cho nông dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong tháng Trung tâm Khuyến nông cung ứng được 35.000 con cá giống cho người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã cung ứng được 1,02 triệu con cá giống các loại. Mực nước tại các ao, hồ từ trong tháng ổn định. Khai thác thuỷ sản trong trong tháng vẫn được người dân duy trì khai thác và đánh bắt đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng này.
2. Sản xuất công nghiệp
Trong bối cảnh nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước; nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để thúc đẩy sản xuất, phục hồi nền kinh tế trong nước; cùng với định hướng phát triển kinh tế tỉnh Lạng Sơn, các cấp, ngành đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2023
2.1.1. So với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 1,76% so với tháng trước, cụ thể: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,18%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,41%, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 2,53%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,59%.
Trong ngành công nghiệp khai khoáng, ngành khai thác than tăng 1,77% (sản phẩm than đá, than cứng loại khác tăng 0,92 nghìn tấn); ngành khai khoáng khác giảm 4,98% (sản phẩm đá xây dựng khác giảm 21,35 nghìn m3), nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng giảm so với tháng trước.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,41% so với tháng trước, trong đó có 9 ngành kinh tế tăng và 7 ngành kinh tế giảm so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao do nhu cầu tiêu thụ tăng và một số đơn vị sản xuất nhận thêm đơn đặt hàng nên đơn vị tăng sản lượng sản xuất như: ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,26%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 12,24%; ngành sản xuất trang phục tăng 9,2%; ngành chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ tăng 6,53%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 6,94%; ngành sản xuất và chế biến thực phẩm tăng 4,49%. Bên cạnh đó, có một số ngành có chỉ số sản xuất giảm sâu do trong tháng doanh nghiệp không ký được đơn hàng mới hoặc nhận được ít hơn đặt hàng hơn tháng trước như: ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 14,58%; ngành sản xuất kim loại giảm 14,7%; ngành in, sao chép bản ghi các loại giảm 6,98%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 8% so với tháng trước.
Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng 2,53%, sản lượng điện sản xuất tăng 2,83%, (+2,03 triệu KWh), điện thương phẩm tăng 1% so với tháng trước.
Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải có chỉ số sản xuất tăng 0,59%; trong đó hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 1,16% so với tháng trước.
2.1.2. So với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 so với cùng kỳ tăng 9,42%. Cụ thể:
Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 22,34%, trong đó: sản phẩm than tăng 13,63% (tương ứng +6,36 nghìn tấn) do trong tháng thời tiết thuận lợi Công ty Than Na Dương đã tăng công suất khai thác than để dự trữ cho những tháng nghỉ lễ và những tháng thời tiết không thuận lợi cho hoạt động khai thác ngoài trời; sản phẩm đá xây dựng tăng 29,89% (tương ứng +93,81 nghìn m3) do nhu cầu thị trường tăng, những tháng cuối năm hoạt động xây dựng nhà và sửa chữa nhà cửa của người dân thường tăng; bên cạnh đó các công trình, dự án (dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700-km18); dự án Nút giao cao tốc vào Khu công nghiệp Hữu Lũng; dự án Đường tránh ĐT.226 (đoạn qua thị trấn Bình Gia, Văn Mịch) và khu tái định cư, dân cư thị trấn Bình Gia; dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh đông bắc Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,23% so với cùng kỳ; một số ngành có chỉ số công nghiệp tăng cao như: ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 218,73% (sản phẩm in +14,42 triệu trang) do các công ty in ấn tăng sản lượng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết, Công ty cổ phần Thiên Ngân Lạng Sơn chuyển địa điểm và mở rộng sản xuất so với cùng kỳ; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 46,29% (sản phẩm ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự +2,23 nghìn m3) do nguyên liệu gỗ từ rừng trồng lớn, các cơ sở sản xuất nhận thêm nhiều đơn đặt hàng; ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 57,78% (sản phẩm muối công nghiệp +43,35%, sản phẩm Colophan và axit nhựa cây +63,48%) các cơ sở tăng sản lượng sản xuất đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và thị trường Châu Âu; ngành sản xuất kim loại tăng 23,49% (sản phẩm khuôn đúc bằng kim loại +194 tấn) do Công ty cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ đã đầu tư thêm thiết bị sản xuất mới nên tăng sản lượng sản xuất đáp ứng các đơn hàng đã ký kết; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 18,53% (sản phẩm xi măng Portland đen +25,33% tương ứng +28,17 nhìn tấn so với cùng kỳ) do hoạt động xây dựng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng theo. Bên cạnh đó, còn có một số ngành giảm sâu như: ngành sản xuất phương tiện vận tải (xe đạp, xe máy điện) giảm 41,03% do cùng kỳ năm trước doanh nhiệp mở rộng sản xuất khối lượng trong tháng lớn, sang năm 2023 các hoạt động ổn định ngay từ đầu năm nên tháng giảm so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác (sản phẩm bật lửa ga, bóng thể thao) giảm 76,83% do doanh nghiệp tạm dừng để bảo trì máy móc nên trong tháng không có sản xuất.
Riêng ngành điện giảm 2,54% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm ở sản lượng điện sản xuất giảm 5,81% (tương ứng -4,55 triệu KWh) do Nhà máy thủy điện Thác Xăng không tích được nước cho mùa khô nên công suất chỉ bằng 1/2 so với cùng kỳ; riêng đối với hoạt động sản xuất nhiệt điện, hiện nay ngoài nguồn nguyên liệu than từ Công ty Than Na Dương, trong tháng Công ty cổ phẩn Nhiệt điện Na Dương còn nhập thêm nguồn nguyên liệu than từ Quảng Ninh nên hoạt động sản xuất điện đảm bảo ổn định; điện thương phẩm tăng 19,79% (tương ứng +13,85 triệu KWh) so với cùng kỳ.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước giảm 5,9%. Cụ thể: khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 7,51% do nhu cầu sử dụng nước của người dân giảm; hoạt động thoát nước và xử lý nước thải giảm 24,42% do nhà máy xử lý nước thải giảm công suất hoạt động xử lý nước thải do trời mưa ít; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải giảm 2,18% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự ước 11 tháng năm 2023 tăng 7,28% so với cùng kỳ, cụ thể: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,83%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,372%, đây là ngành tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp trong 11 tháng; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,37%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải giảm 0,52% so với cùng kỳ.
2.2. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 11/2023 tăng 0,23% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động cộng dồn đến cuối tháng 11 giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước do một số doanh nghiệp có sản phẩm khó tiêu thụ nên giảm sản lượng sản xuất, doanh nghiệp thực hiện quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu,... nên cắt giảm lao động. Chia theo ngành: chỉ số sử dụng lao động ngành khai khoáng giảm 0,15%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,72%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,03%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,73%. Chia theo loại hình sở hữu: chỉ số sử dụng lao động trong doanh nghiệp nhà nước tăng 5,15%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 13,84%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,06%.
3. Đầu tư, xây dựng
Nguồn vốn đầu tư trong tháng chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp như: Cải tạo, nâng cấp QL.4B (đoạn Km3+700-Km18); Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần); Cải tạo nâng cấp tuyến Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28), huyện Cao Lộc; Đường tránh ngập vào trung tâm các xã nghèo miền núi 30A, Cường Lợi, Đồng Thắng, Lâm Ca (GĐ2); Dự án Mở rộng đường vận chuyển hàng hóa chuyên dụng tại khu vực mốc 1119-1120 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; Đường tránh ĐT.226 (đoạn qua thị trấn Bình Gia, Văn Mịch) và khu TĐC, DC thị trấn Bình Gia; Dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 03 Trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Lạng Sơn; Hệ thống trạm bơm điện Bản Chúc, huyện Văn Lãng, Văn Quan; Dự án xây dựng mở mới tuyến đường liên xã từ thị trấn Chi Lăng vào xã Y Tịch, huyện Chi Lăng …
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước tháng 11/2023 trên địa bàn đạt 316,7 tỷ đồng, giảm 19,27% (- 75,6 tỷ đồng) so với cùng kỳ, tăng 1,43% so với tháng trước. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện được 224,5 tỷ đồng (chiếm 70,87% trong tổng số), tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 14,91% (+29,1 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện được 92,3 tỷ đồng, tăng 4,61% so với tháng trước, giảm 53,16% (-104,7 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2023 ước đạt 3.260,6 tỷ đồng, đạt 84,45% kế hoạch, tăng 19,27% (+526,7 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 2.300,5 tỷ đồng (chiếm 70,55% tổng nguồn vốn), đạt 83,45% kế hoạch, tăng 53,12% (+798 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 960,1tỷ đồng, giảm 22,03% (-271,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 - km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2023 ước thực hiện được 831,6 tỷ đồng, đạt 84,14% kế hoạch.
Dự án Kè trái bờ sông Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn), đoạn từ sân bay Mai Pha đến cầu Đông Kinh, công trình có tổng mức đầu tư 195,5 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2023 ước thực hiện được 127,8 tỷ đồng, đạt 65,34% so với kế hoạch.
Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần): Công trình có tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2023 ước thực hiện được 677,2 tỷ đồng, đạt 49,15% kế hoạch.
Dự án xây dựng mở mới tuyến đường liên xã từ thị trấn Chi Lăng vào xã Y Tịch, huyện Chi Lăng công trình có tổng mức đầu tư 164,3 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2023 ước thực hiện được 38,3 tỷ đồng, đạt 38,2% so với kế hoạch.
4. Tài chính, ngân hàng
4.1. Tài chính1
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 11 là 669.530 triệu đồng, trong đó: thu nội địa ước thực hiện 179.358 triệu đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 490.172 triệu đồng. Luỹ kế ước thực hiện 11 tháng là 6.932.335 triệu đồng, đạt 85,6% so với dự toán Trung ương giao, đạt 84,5% so với dự toán tỉnh giao, bằng 106,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó:
+ Thu nội địa: 2.309.000 triệu đồng, đạt 110,3% dự toán Trung ương giao, đạt 105% so với dự toán tỉnh giao, bằng 91,1% so với cùng kỳ.
+ Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 4.607.683 triệu đồng, đạt 76,8% so với dự toán giao, bằng 115,7% so với cùng kỳ.
+ Các khoản huy động, đóng góp: 15.652 triệu đồng, bằng 366,6% so với cùng kỳ.
- Về chi ngân sách địa phương
Chi ngân sách nhà nước được điều hành chủ động, linh hoạt, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm; đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách do tỉnh ban hành. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thẩm tra quyết toán các dự án khi đã đủ hồ sơ, trình phê duyệt quyết toán đảm bảo đúng thời gian quy định.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 11 năm 2023 là 1.728.402 triệu đồng, ước thực hiện 11 tháng năm 2023 là 9.574.966 triệu đồng, đạt 70,4% dự toán giao đầu năm, bằng 113,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó:
+ Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 7.859.500 triệu đồng, đạt 78,3% dự toán giao đầu năm và bằng 107,1% so cùng kỳ năm 2022, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 807.100 triệu đồng, đạt 64,6 % dự toán, bằng 80,6 % so với cùng kỳ năm 2022; Chi thường xuyên là 6.951.000 triệu đồng, đạt 81,9% dự toán, bằng 112,1% so với cùng kỳ năm 2022.
+ Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác 1.715.466 triệu đồng đạt 48,3% dự toán, bằng 158,2% so với cùng kỳ năm 2022.
4.2. Ngân hàng2
Các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực, đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh; tăng cường huy động vốn để đáp ứng đủ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh; quan tâm đầu tư tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn và đẩy mạnh cho vay các chương trình hỗ trợ lãi xuất của Chính phủ và địa phương; chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định của pháp luật về lãi suất, quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng; chủ động thực hiện giải pháp xử lý nợ xấu; tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng bằng nhiều sản phẩm tiện ích, ứng dụng dữ liệu dân cư vào hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt, phối hợp thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng, thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông ... Ước thực hiện đến ngày 31/10/2023 tổng huy động vốn ước đạt 42.159 tỷ đồng, tăng 13,6% so với 31/12/2022. Dư nợ tín dụng ước đạt 40.925 tỷ đồng, tăng 3,9% so với 31/12/2022.
5. Thương mại và dịch vụ
Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được triển khai, tổ chức nhằm kích cầu du lịch, cùng với hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn đã thu hút lượng lớn khách du lịch và người dân tham gia trải nghiệm, thăm quan, mua sắm. Đồng thời, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị tổ chức nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng của người dân trong các dịp lễ, tết. Nhờ đó mà các hoạt động thương mại, ăn uống, vui chơi giải trí trở nên sôi động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động thương mại dịch vụ tháng 11 diễn ra khá sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 4,27% so với tháng trước và tăng 28,85% so với cùng kỳ năm trước.
5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
So với tháng trước, doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11 tăng 4,6%. Trong đó, nhóm lương thực, thực phẩm tăng 3,73%, nhóm hàng may mặc tăng 5,47% ; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,24%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,86%; nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 16,89% do ảnh hưởng của các chính sách: gói hỗ trợ lãi suất vay, lãi suất trả góp từ các ngân hàng nhằm kích cầu tiêu dùng, nhiều mẫu xe được giảm miễn thuế trước bạ nên sức mua tăng, kéo theo doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 5,79%. Nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 9,29% do giá vàng thế giới biến động ảnh hưởng đến giá vàng trong nước.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước đạt 28.341,3 tỷ đồng, tăng 28,67% so với cùng kỳ. Một số nhóm ngành hàng tăng cao so với cùng kỳ: Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 2.536,1 tỷ đồng, tăng 74,02%, tiếp theo là nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình ước đạt 2.537.3 tỷ đồng, tăng 30,99%; nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 16.024 tỷ đồng, tăng 24,21% so với cùng kỳ;...
5.2. Dịch vụ
Hoạt động dịch vụ tiếp tục đà tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ. Tỉnh đã có nhiều chính sách kích cầu kịp thời, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng các loại dịch vụ.
5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11 năm 2023 ước đạt 250,1 tỷ đồng, tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 30,25% so với cùng kỳ. Chia ra: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 13,2 tỷ đồng, bằng 99,08% so với tháng trước và tăng 30,43% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 236,9 tỷ đồng, tăng 0,53% so với tháng trước và tăng 30,24% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 1,3 tỷ đồng, tăng 3,33% so với tháng trước và tăng 6,61% so với cùng kỳ.
Dự ước 11 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 2.555,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 27,69%. Hiện nay, tỉnh cũng đã và đang tập trung phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, như: Lộc Bình, Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng…. mục tiêu phát triển du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn tới.
5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Doanh thu dịch vụ khác tháng 11 năm 2023 ước đạt 49 tỷ đồng, tăng 2,97% so với tháng trước và tăng 11,43% so với cùng kỳ. Cộng dồn 11 tháng ước đạt 524 tỷ đồng, tăng 12,94% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ như: Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 61,3 tỷ đồng, tăng 9,86% so với cùng kỳ; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước đạt 60,6 tỷ đồng, tăng 18,42% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ ước đạt 110,8 tỷ đồng, tăng 17,49% so với cùng kỳ...
5.3. Vận tải
Dự ước doanh thu vận tải, kho bãi tháng 11 đạt 202,3 tỷ đồng, tăng 1,83% so với tháng trước và tăng 26,70% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 23,5 tỷ đồng, tăng 1,84% so với tháng trước và tăng 26,73% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 75 tỷ đồng, tăng 1,46% so với tháng trước và tăng 0,86% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 103,6 tỷ đồng, tăng 2,22% so với tháng trước và tăng 55,81% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 0,3 tỷ đồng, bằng 67,16% so với tháng trước và bằng 81,74% so với cùng kỳ.
Hoạt động vận tải 11 tháng 2023 duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước do hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa phục hồi; số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch nội địa năm nay tăng cao so với cùng kỳ, nhu cầu đi lại của người dân tăng trở lại.
Dự ước doanh thu vận tải kho bãi 11 tháng năm 2023 đạt 2.158 tỷ đồng, tăng 18,11% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 241,1 tỷ đồng, tăng 18,05%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 721,8 tỷ đồng, bằng 99,1%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.192,2 tỷ đồng, tăng 33,67%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 2,9 tỷ đồng, tăng 8,16% so với cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 5,5 triệu HK, tăng 13,26% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 279,8 triệu HK.km, tăng 19,18% so với cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 7,9 triệu tấn, tăng 8,52% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 708,7 triệu tấn.km, tăng 0,38% so với cùng kỳ.
6. Chỉ số giá
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 11/2023
Chỉ số giá tiêu dùng toàn tỉnh tháng 11/2023 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,65% so với cùng kỳ năm trước, tăng 6,34% so với kỳ gốc 2019 và tăng 1,74% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu, giá gas, giá vàng, giá Đô la Mỹ tiếp tục tăng, giảm theo sự biến động chung của thế giới.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2023 so với tháng trước
Chỉ số giá tháng 11/2023 giảm 0,26% (khu vực thành thị tăng 0,04%; khu vực nông thôn giảm 0,42%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, có 4 nhóm hàng tăng giá; 3 nhóm hàng giảm giá và 4 nhóm giữ nguyên giá.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,56%, nguyên nhân chỉ số hàng dịch vụ ăn uống giảm là do chỉ số nhóm thực phẩm giảm 0,95%, giảm ở một số mặt hàng như: thịt gia súc giảm 2,08%; thịt gia cầm giảm 0,71; thịt chế biến giảm 0,52%; trứng các loại và dầu mỡ ăn cũng giảm. Nhóm các loại rau tươi, khô và chế biến giảm 3,49% nhóm chỉ số giá này giảm là do một số loại rau củ bắt đầu vào vụ, nguồn cung ứng dồi dào dẫn đến giá thành giảm so với tháng trước. Đây cũng là nhóm luôn có chỉ số biến động nhiều nhất vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mùa vụ, thiên tai, dịch bệnh và nguồn cung ứng đầu vào.
Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục tháng 11/2023 ổn định so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,39%. Diễn biến giá một số mặt hàng trong nhóm như sau: vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,39% (nhóm này giảm chủ yếu là các mặt hàng sắt, thép, cát xây dựng); giá gas và các loại chất đốt khác giảm 0,04%; giá điện, nước sinh hoạt tháng này giảm nhẹ do thời tiết bắt đầu vào mùa đông nên nhu cầu dùng các thiết bị như quạt, điều hoà giảm (nước giảm 1,04%; điện sinh hoạt giảm1,9%) so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,34%; trong đó, nhóm thiết bị đồ dùng trong nhà được các cửa hàng, đại lý hết chương trình khuyến mại như: tủ lạnh tăng 0,11%; máy xay sinh tố, máy ép hoa quả tăng 0,52%, nồi cơm điện tăng 0,17%, lò vi sóng, lò nướng, bếp từ tăng 0,27%... so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0,14% so với tháng trước do giá xăng, dầu bình quân trong tháng giảm. Giá xăng, dầu biến động tăng, giảm liên tục theo giá nhiên liệu thế giới và mức thuế bảo vệ môi trường.
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,11% so với tháng trước, giảm chủ yếu mặt hàng tivi màu (giảm 0,45%); các nhóm dịch vụ văn hoá, thể thao khác giữ mức ổn định như: vật phẩm văn hoá, sách báo tạp trí các loại, dịch vụ văn hoá, dịch vụ thể thao...
Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23% so với tháng trước, tăng ở mặt hàng đồ trang sức tăng 2,90%; dịch vụ hành chính pháp lý tăng 44,22% nhóm này tăng do lệ phí cấp mới đăng ký xe máy áp dụng Thông tư 60/2023/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 07/9/2023 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Các mặt hàng khác trong nhóm nhìn chung ổn định.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 năm 2023 so với cùng kỳ
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2023 tăng 0,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng có 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Trong 9 nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ: đồ uống và thuốc lá tăng 3,06%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,42%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dụng tăng 2%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,62%; nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 0,57%; nhóm giao thông tăng 0,2%; nhóm giáo dục tăng 0,82%; nhóm văn hoá, giải trí, du lịch tăng 0,98%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,26% ... Ở chiều ngược lại 02 nhóm hàng giảm gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,05% do mặt hàng thực phẩm giảm 0,98%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,22% so với cùng kỳ.
* Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng năm 2023
Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng năm 2023 tăng 1,74% so với cùng kỳ năm trước, gồm 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Nguyên nhân chính tác động tăng chỉ số giá trong 11 tháng là do đời sống dân cư được cải thiện, các hoạt động văn hoá, giải trí, thể thao hoạt động bình thường trở lại dẫn đến nhu cầu tiêu dùng trong dân cư tăng. Giá cả một số nhóm hàng tăng như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,76% (lương thực tăng 4,99%; thực phẩm tăng 2,67%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,87%); nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 2,75%; nhóm may mặc, mũ nón giầy dép tăng 2,55%; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 1,80%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,51%; nhóm giáo dục tăng cao nhất 10,88%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 5,94%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 2,67%. Riêng 02 nhóm hàng gồm nhóm giao thông và nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ.
6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng: Tháng 11/2023, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Trên xu hướng giá vàng trong nước tăng, giá vàng trên địa bàn tăng 3,73% so với tháng trước, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 11 tháng tăng 3,45% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Trong tháng 11/2023, đồng đô la Mỹ so với tháng trước tăng 0,05% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,86% và so với năm gốc năm 2019 tăng 5,61%. Bình quân 11 tháng năm 2023 chỉ số giá đô la Mỹ tăng 4,73% so với bình quân cùng kỳ.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội3
Tư vấn về chính sách pháp luật lao động, việc làm, định hướng nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động, học sinh, sinh viên cho 3.915 lượt người tăng 28,65% so với cùng kỳ năm 2022 (3.043 lượt người), trong đó: tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh thu hút 262 người tham gia, 11 phiên giao dịch việc làm lưu động với 1.701 người tham gia. Lũy kế từ đầu năm: 43.625 lượt người. Số người lao động đăng ký tìm việc làm: 545 lượt người; Số người lao động được giới thiệu việc làm nhận được việc làm: 440 người.
Duy trì tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và thực hiện các quy trình có liên quan đến giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kết quả: Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 700 người tăng 20,27% so với cùng kỳ năm 2022 (582người), lũy kế từ đầu năm 2023 là 7.422 người; Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 573 người tăng 8,52% so với cùng kỳ năm 2022 (528 người), lũy kế từ đầu năm 2023 là 7.191 người; Kinh phí trợ cấp thất nghiệp trong tháng là 8.986 triệu đồng, luỹ kế thực hiện là 102.940 triệu đồng.
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng4
Công tác khám chữa bệnh: các đơn vị nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế chuyên môn; đảm bảo thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh; thực hiện Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” theo kế hoạch. Kết quả trong tháng khám được 137.976 lượt, điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã 13.338 lượt, điều trị ngoại trú 10.130 lượt. Cộng dồn 11 tháng: khám bệnh 1.302.149 lượt; điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã 129.089 lượt; điều trị ngoại trú 116.628 lượt. Khám chữa bệnh tại các PKĐK ngoài công lập: trong tháng khám được 31.676 lượt, cộng dồn khám được 296.611 lượt.
Công tác khám giám định y khoa được duy trì thực hiện tốt, trong tháng đã khám giám định cho 90 người; Cộng dồn 11 tháng đã khám 1.124 người thuộc các đối tượng nghỉ hưu trước tuổi, khuyết tật, công an nghĩa vụ, thương binh, tai nạn lao động… Công tác giám định pháp y: cơ bản thực hiện tốt theo yêu cầu nhiệm vụ, góp phần hỗ trợ cho công tác điều tra, tố tụng. Trong tháng khám giám định 47 ca; Cộng dồn 11 tháng đã khám 478 ca.
Tình hình tiêm chủng: Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong tháng (từ 01/10 đến 31/10/2023) đạt 62,1%; Số liệu cộng dồn đạt 86,1% (cùng kỳ năm 2022 là 74,4%). Số trẻ em được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B < 24 giờ trong tháng đạt 80,6%; Số liệu cộng dồn đạt 85,5% (cùng kỳ năm 2022 là 84,6%) Số phụ nữ có thai tiêm đủ AT2+ trong tháng đạt 89,2%; Số liệu cộng dồn đạt 80,6% (cùng kỳ năm 2022 là 70,9%).
Công tác phòng, chống dịch bệnh khác: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 01 ổ dịch Tay - Chân - Miệng tại huyện Văn Lãng với tổng số: 08 ca mắc. Ghi nhận 17 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue thuộc 04 huyện (Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Lãng, Bình Gia) với tổng số ca mắc 106 ca. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện triển khai các biện pháp phòng chống dịch, điều tra, giám sát dịch tễ ca bệnh, phun khử khuẩn môi trường các trường học, hướng dẫn nhà trường và hộ dân trên địa bàn thực hiện công tác khử khuẩn các vật dụng và đồ chơi của trẻ, khu dân cư bằng các chất khử khuẩn thông thường từ xà phòng; cách ly các trường hợp bị bệnh và theo dõi giám sát tình hình dịch bệnh, tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch cho người dân trên địa bàn.
7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch5
Về nghệ thuật biểu diễn: Trong tháng 11/2023 đã tổ chức được 12 Buổi biểu diễn phục vụ các cơ quan và cơ sở: Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc thành phố Lạng Sơn năm 2023; Phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và Cao Lộc tổ chức phục vụ được 07 chương trình nghệ thuật tại cơ sở.
Về thể dục, thể thao: Tổ chức họp rút kinh nghiệm tổ chức giải vô địch Karate quốc gia lần thứ năm 2023; Phối hợp với Liên đoàn cầu lông tổ chức giải Cầu lông các câu lạc bộ tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Tổ chức giải Bóng chuyền hơi tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Báo cáo kết quả thực hiện Đề án 641 về phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023.
Tổng lượng khách du lịch 11 tháng năm 2023 ước đạt 3.764.820 lượt khách, tăng 10,15% so với cùng kỳ, đạt 100,13% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, Khách quốc tế đạt 31.443 lượt khách, tăng 16,44% so với cùng kỳ 2022, đạt 15,72% so với kế hoạch năm 2023; khách trong nước đạt 3.733.377 lượt khách, tăng 10,1% so với cùng kỳ 2022, đạt 104,87% so với kế hoạch năm 2023. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức thực hiện việc cấp, thu hồi giấy phép, thẻ hướng dẫn viên du lịch. Thực hiện đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch chấp hành tốt mọi quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch. Tăng cường tuyên truyền quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, qua các nền tảng mạng xã hội.
7.4. Giáo dục
Triển khai công tác giáo dục An toàn giao thông và cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho giáo viên và học sinh cấp trung học năm học 2023 - 2024. Tổ chức vòng chung kết Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp và Ngày hội Khởi nghiệp của học sinh, sinh viên năm 2023. Tổ chức "Cuộc thi tuyên truyền cải cách hành chính năm 2023" của ngành Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện CTGDPT 2018 và phương pháp đánh giá thường xuyên, biên soạn đề, tổ chức thực hiện bài kiểm tra định kỳ các môn học theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 và Quyết định số 2904/QĐ-BGDĐT ngày 07/10/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
7.5. Trật tự - An toàn giao thông
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tổ chức thực hiện các đợt cao điểm trấn áp các loại tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Tháng 11 xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 18 người, bị thương 22 người.
7.6. Môi trường
Trong tháng phát hiện 33 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 17 vụ (xử lý hình sự 03 vụ, xử lý vi phạm hành chính 14 vụ với số tiền xử phạt 63,25 triệu đồng), trong đó khởi tố 01 vụ, 02 bị can về hành vi vi phạm về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm; khởi tố 02 vụ, 03 bị can về tội hủy hoại rừng.
7.7. Thiệt hại do thiên tai: Không có.
Nguồn: Sở Tài chính.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn.
Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.
Nguồn: Sở Y tế.
Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch.
Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn