Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023

Thứ năm - 27/07/2023 22:26
Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 duy trì tại tại 05 cửa khẩu (Hữu Nghị, Ga Đồng Đăng, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam). Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 ước đạt 470 triệu USD, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.755 triệu USD, đạt 72,5% kế hoạch, tăng 82,9% so với cùng kỳ.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng 7, thời tiết có nhiều ngày nắng nóng, xen kẽ mưa rào, mưa dông nên thuận lợi cho việc thu hoạch cây trồng vụ Xuân, đồng thời, tại các địa phương đang khẩn trương làm đất và gieo trồng vụ Mùa năm 2023. Do lịch gieo trồng vụ Xuân năm 2023 (nhuận hai tháng 2 âm lịch) nên tiến độ công tác thu hoạch vụ Xuân, làm đất chuẩn bị gieo trồng cây vụ Mùa muộn hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu để làm đất và gieo trồng. Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên, kịp thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm thiệt hại và lây lan phát sinh. Công tác bảo vệ, quản lý, phát triển rừng được thực hiện có hiệu quả. Công tác nuôi trồng, khai thác thủy sản tiếp tục được quan tâm, phát triển sản xuất.
1.1. Nông nghiệp
1.1.1 Trồng trọt

Dự kiến đến cuối tháng 7, toàn tỉnh cơ bản sẽ thu hoạch xong diện tích cây trồng vụ Xuân. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân tích cực xuống đồng gieo cấy lúa Mùa năm 2023 và cây hằng năm khác; sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai và cây giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thời vụ.
- Cây lúa: Dự ước gieo cấy lúa vụ Mùa đạt 17.004,72 ha, giảm 3,68% so với cùng kỳ, do lịch gieo trồng vụ Xuân năm 2023 muộn, công tác thu hoạch vụ Xuân, làm đất chuẩn bị gieo trồng cây vụ Mùa muộn hơn so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, nguồn nước tưới được đảm bảo, mạ phát triển tốt đáp ứng đủ cho diện tích gieo cấy vụ Mùa năm 2023. Trong tháng ước thu hoạch được 11.347,6 ha, tăng 2,89% so với cùng kỳ; đến nay, cộng dồn diện tích lúa đã thu hoạch được khoảng 11.667,6 ha, tăng 2,90% so với cùng kỳ, bằng 75,59% diện tích gieo trồng. 
- Cây ngô: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 670 ha, tăng 0,87% (+5,75 ha) so với cùng kỳ. Dự kiến người dân sẽ mở rộng diện tích trồng do nhu cầu sử dụng ngô làm thức ăn chăn nuôi tăng (chăn nuôi lợn phục hồi, xu hướng nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo ngày càng tăng). Diện tích thu hoạch trong tháng ước 7.651,2 ha, giảm 0,58% so với cùng kỳ; cộng dồn là 8.567,04 ha, tăng 0,99% so với cùng kỳ; bằng 59,88% diện tích gieo trồng; sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 39.901 tấn, tăng 0,97% so với cùng kỳ.
- Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 149,2 ha, giảm 1,48% so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch trong tháng ước 250,90 ha, giảm 1,85% so với cùng kỳ. Năng suất thu hoạch ước 59,12 tạ/ha, tăng 2,53% (+1,46 tạ/ha) so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước 1.483,33 tấn, tăng 0,64% (+381,97 tấn) so với cùng kỳ.
Hiện nay, xu hướng gieo trồng khoai lang, đỗ tương, lạc giảm so với cùng kỳ, ở một số địa phương, người dân chuyển đổi cây trồng sang cây thuốc lá, cây ớt, các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
- Rau các loại: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 1.202,83 ha, tăng 3,21% (+37,41 ha) so với cùng kỳ. Hiện nay, diện tích trồng rau an toàn ngày càng mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao vì thị trường rau sạch đáp ứng được nhu cầu của người tiêu thụ, giá bán ổn định. Một số Hợp tác xã trồng rau an toàn hình thành và phát triển ở các huyện: Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn. Diện tích thu hoạch trong tháng ước 532,31 ha, tăng 4,45% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước 6.830,12 tấn, tăng 4,78% (+311,66 tấn) so với cùng kỳ.
Diện tích gieo trồng một số cây hằng năm (Tính đến 15/7/2023)
so với cùng kỳ năm trước 
 

1.1.2 Chăn nuôi
Trong kỳ báo cáo dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 267 hộ/60 thôn/30 xã/05 huyện, tiêu hủy 1.107 con lợn với tổng trọng lượng 54.741 kg (lợn thịt, lợn con: 930 con, trọng lượng 32.737 kg; lợn nái, đực giống: 177 con, trọng lượng: 22.004 kg). Lũy kế từ đầu năm đến ngày 9/7/2023 bệnh xảy ra tại 371 hộ/89 thôn/35 xã/06 huyện, tiêu hủy 1.531 con lợn với tổng trọng lượng 78.811kg (lợn thịt, lợn con: 1.283 con, trọng lượng 46.393 kg; lợn nái, đực giống: 248 con, trọng lượng: 32.418 kg). Đến nay trên địa bàn tỉnh có 11/35 xã qua 21 ngày không phát sinh dịch. 
- Tổng đàn trâu: Ước tính số trâu hiện có 64.075 con, tăng 1,29% (+817 con); số trâu xuất chuồng là 1.403 con, tăng 2,04% (+28 con) so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng đạt 378,81 tấn. Nhu cầu sử dụng sức kéo bằng gia súc giảm và môi trường chăn thả bị thu hẹp, một số hộ bán trâu để lấy vốn đầu tư vào trồng rừng; hiện nay các hộ dân cư chủ yếu nuôi trâu bò vỗ béo, lấy thịt.
- Tổng đàn bò: Ước tính số bò hiện có 30.294 con, tăng 0,2% (+61 con) so với cùng kỳ năm trước; số con xuất chuồng là 408 con, tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 89,76 tấn, tăng 3,32% (+2,89 tấn) so với cùng kỳ năm trước, do thực hiện mô hình chăn nuôi bò năng suất cao theo hướng nhốt chuồng, vỗ béo. 
- Tổng đàn lợn: Số con hiện có dự ước 173.578 con, tăng 4,22% (+7.035 con) so với cùng kỳ năm trước, tổng đàn lợn tăng do hiện nay giá bán sản phẩm lợn thịt, lợn hơi ổn định, có xu hướng tăng so với thời điểm đầu năm, người chăn nuôi có lãi; mặt khác, để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng thịt lợn vào dịp lễ, tết trong thời gian tới nên người chăn nuôi đã chủ động tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất. 
- Tổng đàn gia cầm: Ước tổng đàn gia cầm hiện có 4.812 nghìn con, tăng 4,71% (+216,46 nghìn con) so với cùng kỳ; trong đó, tổng đàn gà là 4.393 nghìn con, tăng 4,57% (+191,86 nghìn con) so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm là 1.403 tấn; trong đó, sản lượng gà hơi đạt 1.363 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 5.340 nghìn quả; trong đó, số lượng trứng gà đạt 4.538 nghìn quả. 
Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tháng 7 năm 2023
so với cùng kỳ năm trước 
 
1.2. Lâm nghiệp
Diện tích trồng rừng ước thực hiện được 1.185,65 ha, bằng 65,04% so với cùng kỳ do thời tiết nắng nóng, một số vùng nắng khô, điều kiện không thuận lợi trong công tác trồng mới. Ngành chức năng thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết tại các vùng trên địa bàn tỉnh, kịp thời cảnh báo tới chính quyền các cấp, các chủ rừng và nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Luỹ kế từ đầu năm xảy ra 13 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 10,97 ha rừng trồng. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 121,3 nghìn m3; củi khai thác ước đạt 63,2 nghìn ste. 
1.3. Thủy sản
Trong những năm vừa qua diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, đối tượng nuôi trồng thủy sản phong phú, môi trường nuôi không bị ô nhiễm và không có dịch bệnh xảy ra. Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện sản xuất và cung ứng cá giống đảm bảo chất lượng cho nông dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong tháng cung ứng được 244.800 con cá giống; lũy kế từ đầu năm đến nay đã cung ứng được 710.800 con cá giống các loại (mè, trôi, trắm, chép, chim, trê,…).
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng 7/2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì ổn định, các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường và các đơn hàng mới để đẩy mạnh sản xuất. Một số ngành hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ đóng góp vào mức tăng chung của toàn ngành như: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 115,88%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 43,98%.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2023
2.1.1. So với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 7,95%, trong đó: 
Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,57%, trong đó trong đó ngành khai thác than tăng 2,32% (sản phẩm than đá, than cứng loại khác tăng 1,2 nghìn tấn); ngành khai khoáng khác tăng 2,84% (sản phẩm đá xây dựng khác tăng 7,87 nghìn m3).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,78%. Nguyên nhân chủ yếu ở một số ngành có chỉ số sản xuất tăng như: Ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại khác tăng 61,81% doanh nghiệp dự kiến trong tháng sẽ bảo dưỡng lò xong và sẽ tăng sản xuất sản phẩm clanhke; sản xuất trang phục tăng 9,83%; công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 4,8%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 3,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 3,23% do nhận thêm đơn hàng. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số giảm sâu như: Ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 18,5% do doanh nghiệp ít đơn đặt hàng; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 8,56% do cơ sở sản xuất cầm chừng chờ đơn đặt hàng mới; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 4,53% giảm chủ yếu ở sản phẩm dịch vụ sản xuất các hoá chất vô cơ cơ bản khác (muối công nghiệp giảm 42,3%) do trong tháng doanh nghiệp hoàn thành xong đơn hàng xuất sang Châu Âu và đang chờ đơn hàng mới.
Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng 6,49% so với tháng trước, trong đó sản lượng điện sản xuất tăng 7,3% (tăng 5,71 triệu KWh); điện thương phẩm tăng 1,01% do nhu cầu tiêu thụ điện tăng so với tháng trước.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có chỉ số sản xuất tăng 0,63%; trong đó, hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 1,14%, hoạt động xử lý nước thải  giảm 0,1%, hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 0,2% so với tháng trước.
2.1.2. So với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 12,77% so với cùng kỳ, trong đó:
Ngành công nghiệp khai thác tăng 4,09%, trong đó sản phẩm than tăng 1,27%; sản phẩm đá xây dựng tăng 7,34% (tăng 19,44 nghìn m3) do nhu cầu xây dựng nhà cửa của người dân có xu hướng tăng, bên cạnh đó các công trình, dự án, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai đầu tư xây dựng mới dẫn đến nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng tăng.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,08% so với cùng kỳ, do các đơn vị sản xuất nhận thêm nhiều đơn đặt hàng mới và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người dân tăng như: Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 95,69% (sản phẩm xe máy, xe đạp điện tăng 3,4 nghìn chiếc); chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ tăng 53,29% (riêng sản phẩm ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự tăng 81,82% tương ứng 2,06 nghìn m3); in, sao chép bản ghi các loại tăng 46,74% (sản phẩm in khác tăng 3,39 triệu trang); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 42,31% (sản phẩm móc cài, khoá móc cài tăng 71 tấn); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 17,13% (sản phẩm clanhke tăng 67,7 nghìn tấn, sản phẩm đá mài tăng 160 tấn); sản xuất đồ uống tăng 12,39% (sản phẩm nước tinh khiết tăng 52,1 nghìn lít, sản phẩm rượu trắng tăng 4,22 nghìn lít). Bên cạnh đó, còn có một số ngành giảm sâu như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 24,02% do doanh nghiệp chỉ tiêu thụ hàng tồn kho và trong tháng không sản xuất (sản phẩm thước cuộn); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 55,56% (sản phẩm bơm chân không bằng điện do sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, khó tiêu thụ nên khối lượng sản xuất giảm hơn năm trước.
Ngành điện tăng 12,61% do nhu cầu thị trường tăng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương tăng sản lượng nhiệt điện bổ sung nguồn điện đảm bảo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong điều kiện thời tiết nắng nóng; riêng điện sản xuất tăng 15,78% so với cùng kỳ.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 0,26%, cụ thể: Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 1,14% do nguồn nước phục vụ cho sản xuất nước sinh hoạt đảm bảo (sản phẩm nước uống được tăng 10,32 nghìn m3); thoát nước và xử lý nước thải tăng 4,86% do nhà máy xử lý nước thải tăng công suất hoạt động; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải giảm 1,05% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2023
so với cùng kỳ năm trước 
 

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh 7 tháng năm 2023: Xi măng Portland đen ước đạt 747,91 nghìn tấn giảm 4,05%, sản phẩm clanhke xi măng ước đạt 512,64 nghìn tấn, giảm 13,94% so với cùng kỳ do trong tháng Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành dừng lò để bảo dưỡng định định kỳ hằng năm. Sản lượng điện sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương ước 7 tháng đầu năm 2023 sản lượng điện đạt 540,38 triệu Kwh, tăng 6,11% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác than của Công ty Than Na Dương 7 tháng đầu năm 2023 đạt 360,69 nghìn tấn, tăng 1,35% so với cùng kỳ.
2.2. Chỉ số sử dụng lao động 
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 7 năm 2023 tăng 0,16% so với tháng trước và giảm 4,9% so với cùng kỳ. Cộng dồn đến cuối tháng chỉ số sử dụng lao động giảm 6,15% so với cùng kỳ năm trước, các ngành sản xuất công nghiệp đều giảm do một số doanh nghiệp có sản phẩm khó tiêu thụ, giảm sản lượng sản xuất, doanh nghiệp tổ chức sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, một số ngành do áp dụng máy móc thay thế con người, doanh nghiệp thực hiện quá trình cổ phần hóa, ... nên cắt giảm lao động, cụ thể: Ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 1,22%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,38%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,08%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,36%. 
3. Đầu tư, xây dựng
Công tác giải ngân vốn đầu tư công và vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 tiếp tục được quan tâm; các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư dự án bám sát Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 19/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 20/3/2023 của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; tận dụng mọi nguồn lực cùng với yếu tố thời tiết thuận lợi đảm bảo tiến độ thi công để sớm hoàn thiện, bàn giao, đưa vào sử dụng công trình, dự án trọng điểm và triển khai có hiệu quả các dự án mới.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước tháng 7 năm 2023: Hiện nay, các chủ đầu tư, nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án công trình, đồng thời gấp rút thực hiện các thủ tục đầu tư để khởi công các dự án mới trong năm 2023. Ước tính tháng 7 năm 2023, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước tháng 7/2023 trên địa bàn đạt 377,9 tỷ đồng, tăng 4,60% so với tháng trước, tăng 24,37% (+74,1 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện được 282,6 tỷ đồng (chiếm 74,77% trong tổng số), tăng 5,53% so với tháng trước, tăng 68,10% so với cùng kỳ. vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện được 95,3 tỷ đồng, tăng 1,94% so với tháng trước, giảm 29,77% (- 40,4 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm 2023: Dự ước đạt 1.945,1 tỷ đồng, đạt 50,38% kế hoạch, tăng 35,80% (+512,7 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.356,3 tỷ đồng (chiếm 69,73% tổng nguồn vốn), đạt 49,20% kế hoạch, tăng 61,31% (+ 515,5 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 588,8 tỷ đồng, giảm 0,46% (- 2,7 tỷ đồng) so với cùng kỳ. 
Từ đầu năm đến hết tháng 6/2023, có 292 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 1.637,9 tỷ đồng, giảm 52,09% so với cùng kỳ, do vốn điều lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp thấp. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động: 240 doanh nghiệp tăng 1,15%. Doanh nghiệp thông báo giải thể 43 giảm 24,57% so với cùng kỳ.
Tình hình đăng ký kinh doanh
 (Từ đầu năm đến hết tháng 6 năm 2023)  
 

* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
Dự án Kè trái bờ sông Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn), đoạn từ sân bay Mai Pha đến cầu Đông Kinh, công trình có tổng mức đầu tư 195,5 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 7/2023 ước thực hiện được 121,8 tỷ đồng, đạt 62,28% so với kế hoạch.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 - km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 7/2023 ước thực hiện được 734,5 tỷ đồng, đạt 74,32% kế hoạch.
Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần): Công trình có tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 7/2023 ước thực hiện được 647,2 tỷ đồng, đạt 46,98% kế hoạch. 
Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28), huyện Cao Lộc công trình có tổng mức đầu tư 299,7 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 7/2023 ước thực hiện được 215 tỷ đồng, đạt 71,73% so với kế hoạch.
4. Tài chính, ngân hàng    
4.1. Tài chính 1
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 
 Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phấn đấu thu đạt tiến độ dự toán ngân sách Nhà nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 7 năm 2023 là 650.329 triệu đồng, trong đó: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 450.000 triệu đồng, thu từ nội địa ước thực hiện 199.264 triệu đồng. 
Luỹ kế ước thực hiện 7 tháng đầu năm là 4.474.214 triệu đồng, đạt 55,3% so với dự toán Trung ương giao, đạt 54,6% so với dự toán tỉnh giao, bằng 103,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó:
+ Thu nội địa: 1.492.290 triệu đồng, đạt 71,3% dự toán Trung ương giao, đạt 67,8% so với dự toán tỉnh giao, bằng 85,5% so với cùng kỳ năm 2022. Do triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương: Giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ; giảm thuế bảo vệ  môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH 15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng. Một số chính sách của Chính phủ, Bộ Tài chính có hiệu lực từ 01/7/2023 để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2023 như: Nghị định 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội; Thông tư số 44/2023/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp tục ảnh hưởng đến số thu nội địa, làm giảm thu so với cùng kỳ.
+ Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 2.969.882 triệu đồng, đạt  49,5% so với dự toán giao, bằng 115,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình xuất nhập khẩu qua địa bàn diễn ra thuận lợi. Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các cơ quan liên quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tăng năng lực thông quan, phấn đấu thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt tiến độ dự toán giao.
+ Các khoản huy động, đóng góp: 12.042 triệu đồng, bằng 644% so với cùng kỳ năm 2022. Do phát sinh khoản thu tài trợ của Tổng Công ty Viglacera -CTCP để tổ chức lập quy hoạch chung khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hữu Lũng 7.500 triệu đồng, kinh phí tỉnh Đồng Nai hỗ trợ làm nhà ở cho hộ dân tộc thiểu số nghèo 2.000 triệu đồng.
- Về chi ngân sách địa phương
Đối với chi đầu tư phát triển và các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ khác: Trên cơ sở dự toán đã được cân đối từ đầu năm, trong quá trình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm được quan tâm bố trí vốn hợp lý; công tác giải ngân, thanh toán các nguồn vốn, tạm ứng theo hợp đồng được khẩn trương, kiểm soát chặt chẽ, đúng chế độ, chính sách, đơn giá, định mức theo quy định hiện hành.
Đối với chi thường xuyên: Điều hành trong phạm vi dự toán được giao, trên cơ sở tiêu chuẩn, chế độ, định mức; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 7 năm 2023 là 1.640.072 triệu đồng, ước thực hiện 7 tháng đầu năm 2023 là 6.187.656 triệu đồng, đạt 45,5% dự toán giao đầu năm, bằng 128,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 5.010.590 triệu đồng, đạt 49,9% dự toán giao đầu năm và bằng 113,6% so cùng kỳ năm 2022, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 500.190 triệu đồng, đạt 40% dự toán, bằng 107,4% so với cùng kỳ năm 2022. Chi thường xuyên: 4.464.000 triệu đồng, đạt 52,6% dự  toán, bằng 115% so với cùng kỳ năm 2022. Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác 1.177.066 triệu đồng đạt 33,1% dự toán, bằng 291,7% so với cùng kỳ.
Thu, chi ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2023 
4.2. Ngân hàng2
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng. Các chi nhánh tổ chức tín dụng đảm bảo nguồn vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh; chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định của pháp luật về lãi suất, quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng; chủ động thực hiện giải pháp xử lý nợ xấu; tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng bằng nhiều sản phẩm tiện ích, ứng dụng dữ liệu dân cư vào hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt, phối hợp thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng, thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông ... Ước thực hiện đến ngày 31/7/2023 tổng huy động vốn ước đạt 40.775 tỷ đồng, tăng 9,8% so với 31/12/2022. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 40.800 tỷ đồng, tăng 3,6% so với 31/12/2022. 
5. Thương mại và dịch vụ3
Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 7 duy trì tại tại 05 cửa khẩu (Hữu Nghị, Ga Đồng Đăng, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam). Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 ước đạt 470 triệu USD, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.755 triệu USD, đạt 72,5% kế hoạch, tăng 82,9% so với cùng kỳ. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu tháng 7 ước đạt 300 triệu USD, lũy kế 7 tháng ước đạt 1.580 triệu USD, đạt 121,5% kế hoạch, tăng 335,3% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 170 triệu USD, lũy kế 7 tháng đạt 1.175 triệu USD, đạt 47% kế hoạch, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Hàng xuất khẩu địa phương trong tháng 7 ước đạt 13 triệu USD, lũy kế 7 tháng đạt 83 triệu USD, đạt 53,9% kế hoạch, tăng 16,9% so với cùng kỳ
5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7/2023 ước tính đạt 2.606,8 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước do nhu cầu thị trường tăng. Trong đó, nhóm lương thực, thực phẩm tăng 2,11% và nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,44%, nguyên nhân do thời tiết nắng nóng và trong tháng luân phiên cắt điện tại khu vực nông thôn, nhu cầu mua sắm sản phẩm đồ gia dụng (quạt, đèn tích điện, máy phát điện...), ăn uống, giải khát tăng so với tháng trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5,08% do trong tháng các nhà thầu tập trung đẩy mạnh tiến độ xây dựng công trình trước khi mùa mưa, bão sắp tới; nhóm ô tô con  (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 12,58%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 5,92% do nhu cầu thị trường tăng.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm 2023 ước đạt 16.452,2 tỷ đồng,  tăng 25,60% so với cùng kỳ. Một số nhóm ngành hàng tăng cao so với cùng kỳ: Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.437,2 tỷ đồng tăng 61,23%, nhóm phương tiện đi lại, trừ ô tô con ước đạt 586,7 tỷ đồng, tăng 30,57%; nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 9.105,1 tỷ đồng, tăng 23,88% so với cùng kỳ; nhóm hàng hóa khác ước đạt 787,6 tỷ đồng, tăng 24,68%; nhóm ô tô con ước đạt 22 tỷ đồng, tăng 20,35% so với cùng kỳ;...
5.2. Dịch vụ
5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Hoạt động doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 7 năm 2023 ước đạt 224,5 tỷ đồng, tăng 2,14% so với tháng trước và tăng 24,55% so với cùng kỳ. Chia ra: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 1,27% so với tháng trước và tăng 18,14% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 212,1 tỷ đồng, tăng 2,19% so với tháng trước và tăng 24,94% so với cùng kỳ. Tháng 7 cũng là thời gian học sinh, sinh viên được nghỉ hè nên các tour du lịch trong tỉnh thực hiện nhiều gói ưu đãi, khuyến mãi giảm giá sâu để kích cầu khách du lịch. Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 1,2 tỷ đồng, tăng 1,24% so với tháng trước và bằng 96,7% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng năm 2023 ước đạt 1.556,1 tỷ đồng, tăng 24,08% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 8,3 tỷ đồng, tăng 11,88% so với cùng kỳ (nguyên nhân tăng so với cùng kỳ do nhu cầu sử dụng dịch vụ lưu trú, ăn uống trong các dịp lễ, Tết, các kỳ nghỉ lễ của nhân dân sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát).
5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 7 năm 2023 ước đạt 48,1 tỷ đồng, tăng 1,96% so với tháng trước và tăng 12,18% so với cùng kỳ. 
Doanh thu hoạt động dịch vụ 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 330,3 tỷ đồng tăng 10,13% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ như: Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 37,2 tỷ đồng, tăng 9,63% so với cùng kỳ; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước đạt 38,4 tỷ đồng, tăng 22,71% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ ước đạt 70 tỷ đồng, tăng 19,24% so với cùng kỳ;... 
Thương mại và dịch vụ 7 tháng năm 2023 
so với cùng kỳ năm trước  

 
5.3. Vận tải
Trong tháng 7/2023 hoạt động vận tải kho bãi trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ so với tháng trước, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; bên cạnh đó hoạt động vận tải hàng hóa và kho bãi cũng tăng do nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng và hàng nông sản ở các tỉnh phía Nam về khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Dự ước doanh thu vận tải, kho bãi tháng 7 đạt 210,4 tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 27,4% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 68,0 tỷ đồng, tăng 0,16% so với tháng trước và bằng 98,22% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 21,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 13,62% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 120,4 tỷ đồng, tăng 0,41% so với tháng trước và tăng 57,35% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 0,2 tỷ đồng, tăng 1,23% so với tháng trước và tăng 0,61% so với cùng kỳ. 
Doanh thu hoạt động vận tải tháng 7 năm 2023
So với cùng kỳ năm trước
 

Dự ước doanh thu vận tải kho bãi 7 tháng năm 2023 đạt 1.357,2 tỷ đồng, tăng 15,22% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 431,7 tỷ đồng, bằng 98,22%; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 149,5 tỷ đồng, tăng 16,57%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 774,4 tỷ đồng, tăng 27,25%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 1,6 tỷ đồng, tăng 3,25% so với cùng kỳ.
6. Chỉ số giá 
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 7/2023 
Tháng 7/2023, thời tiết vào hè nắng nóng hơn các tháng trước, nhu cầu sử dụng điện dùng cho các thiết bị điện như quạt, điều hoà tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 7/2023 tăng 1,07 % so với tháng trước, tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước, tăng 5,59% so với năm gốc (năm 2019). Giá xăng dầu, giá gas, giá vàng, giá đô la tiếp tục tăng, giảm theo sự biến động chung của thế giới.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2023 so với tháng trước 
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2023 tăng 1,07% so với tháng trước (chủ yếu ở hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,61%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, trong đó có 8 nhóm hàng tăng giá; 2 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm giữ nguyên giá, trong đó:
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 7/2023 tăng 2,61%, chia ra các nhóm: Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 7/2023 tăng 0,22% so với tháng trước giá các mặt hàng lương thực chế biến khác tăng 0,67% như: Bánh mì tăng 3,58% chủ yếu ở khu vực nông thôn; miến tăng 0,25%; mì sợi, mì, phở, cháo ăn liền tăng 0,48%; ngũ cốc khác tăng 0,90%; bún phở, bánh đa tăng 0,08%; bột ngô tăng 0,22% so với tháng trước. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 7/2023 tăng 3,73% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng: Giá thịt lợn tăng 11,49%; giá thịt chế biến tăng 3,32% nguyên nhân giá thịt lợn tăng từ 5.000 - 15.000 đồng/kg là do thời gian qua trên địa bàn tỉnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lây lan ở một số nơi dẫn đến giá lợn tăng cao. Giá một số loại rau củ vào cuối vụ thu hoạch nên giá cả tăng như: Giá các loại rau tươi, khô và chế biến tăng 1,45%, trong đó giá bắp cải tăng 6,13%, su hào tăng 0,86%, khoai tây tăng 2,82%, đỗ quả tươi tăng 4,32% các loại rau tươi khác tăng 4,20%, rau chế biến các loại tăng 2,36%... đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giá thực phẩm tháng này tăng so với tháng trước. Chỉ số giá nhóm ăn, uống ngoài gia đình tháng 7/2023 giảm 0,1% so với tháng trước chủ yếu giảm ở nhóm hàng ăn ngoài gia đình; nhóm uống ngoài gia đình và đồ ăn nhanh mang đi giữ giá ổn định.
Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 7/2023 tăng 0,24% so với tháng trước do giá cả một số mặt hàng như: Nước khoáng và nước có ga tăng 0,95%; rượu, bia tăng 0,23%, thuốc lá tăng 0,07%.
Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 7/2023 tăng 0,14%, trong đó: May mặc tăng 0,03%; may mặc khác và mũ nón tăng 0,23%; giày dép tăng 0,43% so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 7/2023 giảm 0,09%. Trong đó, diễn biến giá một số mặt hàng trong nhóm như sau: Vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,39%; giá gas và các loại chất đốt khác giảm 2,53%. Bên cạnh đó giá dịch vụ sửa chữa nhà ở ổn định; giá dịch vụ về nước tăng 1,51% (giá tiền công thợ nước tăng); giá điện sinh hoạt tăng 1,03%.
Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 7/2023 tăng 0,39% so với tháng trước. Trong nhóm này nhiều mặt hàng đồ gia dụng có giá biến động tăng, giảm liên tục do hệ thống siêu thị, trung tâm và các cửa hàng như: Giá đồ dùng trong nhà tăng 0,55%; quạt điện tăng 0,09%; máy đánh trứng, trộn đa năng tăng 1,45%; bếp ga tăng 1,01%; nồi cơm điện tăng 0,41% ... 
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7/2023 tăng 0,19% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước tăng, giảm liên tục theo giá nhiên liệu thế giới và mức thuế bảo vệ môi trường.
Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 7/2023 tăng 1,98% so với tháng trước, tập trung ở nhóm dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,02%; nhóm dịch vụ lệ phí công chứng, bảo hiểm và dịch vụ khác tăng 10,23% (chủ yếu là bảo hiểm y tế (BHYT) tăng 19,82% so với tháng trước, nguyên nhân tăng là do mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng từ ngày 01/7/2023 theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do đó BHYT cũng điều chỉnh tăng theo).
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 năm 2023 so với cùng kỳ 
CPI tháng 7/2023 tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Trong 9 nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ: Nhóm giáo dục tháng 7/2023 tăng cao nhất với 14,51% do học phí năm học 2022 - 2023 tăng, đồ dùng học tập và văn phòng phẩm tăng 2,26%, bút viết các loại tăng 4,63%; nhóm hàng lương thực tăng 4,59% và thực phẩm tăng 3,15%; nhóm đồ uống thuốc lá tăng 3,22%; nhóm may mặc, mũ nón giầy dép tăng 3,37%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 8,82% do các dịch vụ văn hóa, giải trí được phục hồi, giá cả tăng so với cùng kỳ; các mặt hàng khác tăng trong khoảng 1-2%. Ở chiều ngược lại 02 nhóm hàng gồm nhóm giao thông giảm 10,32% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,76% so với cùng kỳ.
6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá vàng: Tháng 7/2023, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng giảm ngược chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước giảm, giá vàng trên địa bàn giảm nhẹ 0,07% so với tháng trước, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 7 tháng tăng 2,52% so với cùng kỳ.  
Chỉ số giá đô la Mỹ: Trong tháng 7/2023, Đô la so với tháng trước tăng nhẹ 0,02%,so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,31% và so với năm gốc năm 2019 tăng 5,30%. Bình quân 7 tháng năm 2023 giá chỉ số giá đô la Mỹ tăng 6,56% so với bình quân cùng kỳ.
7. Một số tình hình xã hội 
7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội 4
Tư vấn về chính sách pháp luật lao động, việc làm, định hướng nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động, học sinh, sinh viên cho 3.018 lượt người. Số người lao động được giới thiệu việc làm, nhận được việc làm là: 468 người. 
Duy trì tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và thực hiện các quy trình có liên quan đến giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kết quả: Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 693 người tăng 61,16% so với cùng kỳ; Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 857 người tăng 62,31% so với cùng kỳ; Kinh phí trợ cấp thất nghiệp là 12.784 triệu đồng.
Xem xét, thẩm định, thông báo chấp thuận 15 vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh của 08 lượt tổ chức, doanh nghiệp; Thẩm định, cấp 09 giấy phép lao động (Cấp mới 08 giấy phép lao động, gia hạn 01 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam).
Giới thiệu Công ty cổ phần Hợp tác quốc tế CEMA phối hợp triển khai chương trình truyền thông, đào tạo, tư vấn, tuyển dụng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giới thiệu Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn, Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội thành phố, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc các huyện để triển khai tuyển dụng lao động làm việc cho công ty.
Chuyển  05  hồ sơ người lao động có thời gian công tác trước 01/01/1995 và các tài liệu có liên quan tới Bảo hiểm xã hội tỉnh  thực hiện giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thẩm định 07 nội quy lao động của doanh nghiệp. Phúc đáp văn bản của UBND huyện Bình Gia về việc phối hợp xem xét giải quyết chính sách đối với người lao động có thời gian công tác trước ngày 01/01/1995.
Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 3.683 người có công và thân nhân với kinh phí 6.946 triệu đồng, lũy kế chi trả trợ cấp: 25.984 lượt người có công, kinh phí: 49.025 triệu đồng (Trong đó thực hiện chi trả không dùng tiền mặt tháng 6,7 cho 1.385 lượt người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, kinh phí 2.619 triệu đồng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn).
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng 5
Chỉ đạo các đơn vị đảm bảo y tế kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ chăm sóc phục vụ bệnh nhân; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế chuyên môn; đảm bảo thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch  bệnh; thực hiện Đề án “Khám chữa bệnh từ  xa” theo kế hoạch.
Tăng cường các hoạt động: Phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh mùa hè; các hoạt động duy trì hiệu quả Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số...  triển khai các hoạt động “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2023”.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19: Tính đến 15h ngày 13/7/2023 luỹ tích (từ 01/01 - 13/7/2023) toàn tỉnh ghi nhận 1.339 ca mắc; Lũy tích toàn tỉnh từ ngày 06/5/2021 đến nay: 161.259 F0 (trong đó 987 ca mắc lần 2; 40 ca  mắc lần 3 được báo cáo);  đã khỏi bệnh 161.143 ca; tử vong 101 ca.
Tình hình tiêm chủng: Từ 15/6 đến 15/7 toàn tỉnh tiêm được 53 liều vắc xin COVID-19 (cho đối tượng trên 18 tuổi, trong đó 07 mũi 1, 07 mũi 2, 19 mũi 3, 20 mũi 4). Lũy kế đã tiêm được 2.108.911 mũi tiêm/2.087.136 liều (liều lọ) đã tiếp nhận. Hiện tồn vắc xin tại tỉnh: 1.155 liều (Verocell).
Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát, không để dịch lớn xảy ra. Tình hình bệnh truyền nhiễm trong tháng (tính từ ngày 01/06/2023 - 30/06/2023) so với số liệu cùng kỳ năm 2022, có 10 bệnh có số mắc tăng; 03 bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ. Các bệnh truyền nhiễm phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch.
Công tác An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP): Tổ chức 03 lớp tập huấn tuyên truyền kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho viên chức y tế xã, với tổng số 64 người tham gia. Kiểm tra hậu kiểm được tổng số 34 cơ sở thực phẩm, trong đó có 32 cơ sở sản xuất, 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 01 cơ sở tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung. Đã lấy 32 mẫu, trong đó có 01 mẫu thực phẩm bổ sung, 25 mẫu nước uống đóng chai/đóng bình và 06 mẫu nước đá dùng liền để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm (chưa có kết quả kiểm nghiệm). Cấp giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều  kiện ATVSTP: 08 cơ sở; tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm: 01 hồ sơ.
Hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em: Tổng số trẻ dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi: 1.096/15.169 trẻ được cân; Luỹ kế: 8.097/127.452 trẻ được cân. Tổng số trẻ sinh ra <2500 gram/Tổng số trẻ đẻ ra sống được cân: 13 trẻ/514 trẻ đẻ ra sống được cân, Luỹ  kế: 103 trẻ/4.388 trẻ đẻ  ra sống được cân. Số bà mẹ sau đẻ được uống bổ sung vitamin A trong tháng: 284/515 (đạt 55,1%); Luỹ kế: 2.599/3.724 (đạt 69,79%).
7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch6
Tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 17/2020/NQ-HĐND, ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2025; triển khai thực  hiện kếhoạch “xây dựng và phát triển Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng  Sơn giai đoạn 2021-2025”.
Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tiểu dự án 14 thuộc dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” năm 2023: Hỗ trợ Điểm du lịch cộng đồng xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; kế hoạch “xây dựng và phát triển Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025”; kế hoạch phát động chương trình "Đại sứ  du lịch Lạng Sơn"; kế hoạch thực hiện đề án bảo tồn trang phục truyền thống; Đề án múa sư tử; Đề án dân ca dẫn vũ, dân nhạc.
Biên tập được 02 bài tuyên truyền (Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2023; Kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2023).
Tiến hành khảo sát, nghiên cứu xây dựng mô hình văn hóa truyền thống Bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng phàn Slình (Nùng Cúm Cọt) trên địa bàn huyện Cao Lộc. Đã tổ chức triển khai xây dựng 03 mô hình Câu lạc bộ  sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Hữu Lũng, Tràng Định và Văn Quan; Tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống Xứ Lạng; Câu lạc bộ Trang phục  truyền thống Xứ Lạng trực thuộc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh.
Hoàn thành xây dựng 10/10 mô hình Câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, thành phố (Dự án số 6, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).
Tổ chức thành công cuộc thi “Đại Sứ Văn hóa đọc” tỉnh Lạng Sơn năm 2023 theo Kế hoạch số 93/KHSVHTTDL ngày 29/4/2023 của Sở Văn hóa, Thể  thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.
Thư viện tỉnh: phục vụ bạn đọc tại chỗ 3.000 lượt độc giả, thực hiện luân  chuyển sách 9.000 lượt, phục vụ phòng đa phương tiện 150 lượt, tại điểm luân chuyển thực hiện 1.060 lượt độc giả, luân chuyển chuyển 1.285 lượt sách, báo luân chuyển. Tổ chức thành công cuộc thi “Đại Sứ Văn hóa đọc” tỉnh Lạng Sơn năm 2023 theo kế hoạch số 93/KHSVHTTDL ngày 29/4/2023 của Sở Văn hóa,  Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn.
Hoàn thành xây dựng 10/10 mô hình Câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, thành phố (Dự án số 6, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030).
Nghệ thuật biểu diễn: Tổ chức 12 chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ các cơ qua ban ngành và cơ sở; 01 chương trình nghệ thuật đặc biệt biểu diễn tại Quảng trương Hùng Vương; 01 màn nghệ thuật truyền thống chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn (15/6/1933-15/6/2023) với Chủ đề  “Sáng mãi một niềm tin”; Tham gia biểu diễn giao lưu nghệ thuật " Liên hoan văn nghệ  nhân dân biên giới Trung - Việt năm 2023" tại Thị Bằng Tường, Quảng tây, Trung Quốc. Tham gia chương trình  “Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2023” (từ  ngày 20/6 - 24/6/2023) tại tỉnh Hòa Bình. Đạt 01 giải Nhì tiết mục hòa tấu.
Chiếu phim và tuyên truyền: 146 buổi chiếu, hơn 1.000 lượt tuyên truyền,  tính đến thời điểm hiện tại các đội chiếu bóng lưu động đã chiếu được 976/1.670 buổi chiếu, đạt 58% kế hoạch năm 2023.
Tổ chức thành công giải Bơi Thanh, Thiếu niên tỉnh Lạng Sơn năm 2023; Tham mưu ban hành Điều lệ giải Bóng bàn, Cầu lông Thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn được tổ chức từ ngày 11 - 13/8/2023. Tổ chức thành công giải Bóng đá Thiếu niên nhi đồng các lớp thể thao hè năm 2023 (12/7 - 18/7 tại sân vận động Đông Kinh). Tham gia thi đấu giải vô địch trẻ Karate quốc gia 2023 tại Khánh Hòa (7/6 - 20/6) đạt 05 huy chương (01 huy chương bạc, 04 huy chương đồng).Tham gia thi đấu giải vô địch Điền kinh các lứa tuổi trẻ quốc gia năm 2023 tại Bến Tre (13/6-26/6) đạt 04 Huy chương (03 huy chương vàng, 01 huy chương bạc).
Hoạt động du lịch: Lũy kế 7 tháng năm 2023 đạt 3.142.518 lượt khách, tăng 14,0% so với cùng kỳ, đạt 83,5% so với kế hoạch năm 2023, trong đó: Khách quốc tế đạt 19.254 lượt khách, tăng 163,8% so với cùng kỳ; khách trong nước đạt 3.123.264 lượt khách, tăng 13,6% so với cùng kỳ, đạt 87,7% so với kế hoạch. 
7.4. Giáo dục
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giáo viên sử dụng sáo Recorder và kèn Pianica trong dạy học âm nhạc cấp tiểu học. Tập huấn nâng  cấp phần mềm kế toán Mimosa Desktop lên bản Mimosa Online; thanh toán không dùng tiền mặt, Đề án cho thuê tài sản công. Tập huấn sử dụng sách giáo khoa Tiếng Anh, Tin học lớp 4. Tổ chức giao ban quý II và triển khai nhiệm vụ quý III năm  2023. Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn đấu thầu, gói thầu “mua sắm thiết bị phòng học Bộ môn trang bị cho các trường học trên địa bàn tỉnh” sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định giá thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3 năm học 2023-2024 trang bị cho các trường học trên địa bàn tỉnh. Thông báo điểm chuẩn các trường trung học phổ thông, tổ chức phúc khảo bài thi tuyển sinh.
7.5. Trật tự - An toàn giao thông
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Triển khai công tác quốc phòng địa phương; giáo dục quốc phòng, an ninh; thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng và an ninh theo kế hoạch. Trong tháng xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông, làm chết 03 người, bị thương 03 người; lũy kế từ đầu năm 2023 xảy ra 34 vụ, làm chết 29 người, bị thương 17 người.
7.6. Môi trường
Trong  tháng 7, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, không có vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý. So với tháng 6/2023 và tháng 7 năm 2022 cũng không có vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý. Lũy kế từ đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát hiện và xử lý 01 vụ, xử phạt 160 triệu đồng. 
7.7. Thiệt hại do thiên tai
Trong 7 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có xảy ra mưa lớn, làm ảnh hưởng 206 ngôi nhà, trong đó: 01 ngôi nhà bị sập, đổ thiệt hại trên 70%; 04  ngôi nhà bị thiệt hại trên 30%; 41 ngôi nhà bị thiệt dưới 30%; còn lại bị ảnh hưởng nhẹ. Diện tích lúa bị ảnh hưởng 342,19 ha; diện tích hoa màu ảnh hưởng 216,85 ha. Ước giá trị thiệt hại 6.111,7 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 6.016,7 triệu đồng giá trị thiệt hại. 


[1] Nguồn: Sở Tài chính.
[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn.
[3] Nguồn: Sở Công thương.
[4] Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
[5] Nguồn: Sở Y tế.
[6] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây