1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng 4, điều kiện thời tiết thuận lợi, người dân đẩy nhanh tiến độ làm đất và gieo trồng các cây trồng chủ yếu như lúa, ngô..., dự tính đến cuối tháng 4, toàn tỉnh cơ bản thực hiện gieo trồng xong các loại cây trồng vụ Xuân năm 2023. Chăn nuôi cơ bản duy trì ổn định, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên, kịp thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm thiệt hại và lây lan phát sinh. Công tác bảo vệ và phát triển rừng thực hiện có hiệu quả; rừng tiếp tục được quản lý bảo vệ theo quy định; công tác quản lý giống cây lâm nghiệp thường xuyên được cập nhật, theo dõi.
1.1. Nông nghiệp
1.1.1 Trồng trọt
Từ đầu tháng 4, thời tiết trong tháng có mưa phùn, độ ẩm cao, thuận lợi cho khâu làm đất, gieo cấy vụ Xuân. Tuy nhiên, lượng mưa thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ gieo trồng. Công tác thuỷ lợi được quan tâm, cung cấp nước từ các hồ chứa để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất, gieo trồng vụ Xuân. Hiện nay các địa phương cơ bản đã lấy nước phục vụ gieo cấy, dung tích còn lại trong các hồ chứa cơ bản đảm bảo đủ tưới cho sản xuất.
Diện tích gieo trồng lúa trong tháng ước đạt 14.190,05 ha, giảm 0,06% (-7,95 ha) so với cùng kỳ. Gieo trồng ngô ước 7.362,59 ha, tăng 1,86% (+134,59 ha) so với cùng kỳ. Cây khoai lang, diện tích gieo trồng ước 211,55 ha, tăng 4,62% (+9,34 ha) so với cùng kỳ. Cây mía, diện tích gieo trồng ước 102,7 ha, giảm 0,97% (-1,01 ha) so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tiến độ gieo trồng một số loại cây tăng so với cùng kỳ như: Diện tích gieo trồng lạc ước đạt 1.252,44 ha, tăng 0,19% (+2,32 ha) so với cùng kỳ; rau các loại trong tháng ước gieo trồng đạt 820,6 ha, tăng 1,6% (+12,95 ha) so với cùng kỳ; các giống rau chủ yếu là rau diếp, cải các loại, bắp cải, su hào; đậu các loại diện tích gieo trồng ước 91,63 ha, tăng 0,42% (+0,38 ha) so với cùng kỳ.
Hình 1: Gieo trồng một số cây hằng năm (Tính đến 15/4/2023)
so với cùng kỳ năm trước
1.1.2 Chăn nuôi
Đàn gia súc, gia cầm cơ bản phát triển ổn định, công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện hiệu quả. Riêng chăn nuôi lợn tái đàn tăng, được thực hiện chủ yếu ở các hộ dân, chăn nuôi doanh nghiệp, hợp tác xã vấn được duy trì. Chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi tháng 4/2023 giảm 5,29% so với cùng kỳ chủ yếu giảm ở các sản phẩm chăn nuôi trâu, bò, lợn. Giá thịt lợn hơi trong tháng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp, trung bình từ 43- 52.000đ/kg thịt lợn hơi. Giá gia cầm trong tháng ổn định; trong đó giá thịt gà hơi có xu hướng tăng 3,08% so với cùng kỳ (gà công nghiệp trung bình khoảng 70.000đ/kg, gà ta bình quân khoảng 140.000 đồng/kg, vịt khoảng 40.000 đồng/kg, ngan khoảng 65.000 đồng/kg).
Tổng đàn trâu, bò: Chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do hiện nay thị trường tiêu thụ chậm, giá bán thịt hơi cả trâu và bò đều giảm do không bán được sang thị trường Trung Quốc nên xu hướng người dân giảm xuất chuồng; đàn trâu, bò được nuôi chủ yếu với mục đích nuôi vỗ béo để xuất bán thương phẩm và bán con giống. Tổng đàn trâu ước tính số đầu con trâu hiện có 61.587 con, tăng 0,3%; số lượng xuất chuồng ước đạt 1.841 con, giảm 8,5% (-171 con) so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng ước đạt 460,25 tấn, giảm 2,8% (- 13,25 tấn) so với cùng kỳ. Tổng đàn bò số con hiện có 26.890 con, tăng 0,44% (+118 con) so với cùng kỳ. Số bò xuất chuồng ước 610 con, tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 122 tấn, tăng 0,23% (+0,28 tấn) so với cùng kỳ.
- Tổng đàn lợn: Số con hiện có 180.846 con, tăng 8,5% (+14.172 con) so với cùng kỳ. Đàn lợn phát triển tương đối ổn định, đầu con tăng so với cùng kỳ do nhân dân tái đàn sau dịp Tết Nguyên đán; số con xuất chuồng ước 26.947 con, tăng 4,6% (+1.185 con) so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 2.007,56 tấn, tăng 3,9% (+75,41 tấn) so với cùng kỳ.
- Tổng đàn gia cầm ước 5.217,69 nghìn con, giảm 0,04% so với cùng kỳ (trong đó, tổng đàn gà là 4.487,21 nghìn con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước 1.165,68 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 4,63 triệu quả (trong đó, số lượng trứng gà đạt 4,17 triệu quả).
Hình 2: Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu
so với cùng kỳ năm trước
1.2. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 4 ước đạt 1.850,04 ha, tăng 1,36% (+24,81 ha) so với cùng kỳ. Khai thác gỗ tròn các loại trong tháng ước 14,46 nghìn m3, tăng 4,3% (0,6 nghìn m3) so cùng kỳ. Khác thác gỗ từ đầu năm tăng cao diện tích trồng rừng sản xuất ngày càng mở rộng do trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, cây lâm nghiệp được trồng chủ yếu là keo, mỡ, bạch đàn; các cơ sở chế biến gỗ ép ngày càng tăng công suất, đáp ứng được đầu ra cho người dân tại địa phương. Khai thác củi các loại ước đạt 63,23 nghìn ste, tăng 1,18% (+0,7 nghìn ste) so cùng kỳ do hiện nay xu hướng giá gas tăng, một phần các hộ dân ở nông thôn xu hướng chuyển sang dùng củi để giảm chi phí sinh hoạt. Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy rừng, thiệt hại khoảng 2,67 ha (Đình Lập 01 vụ, diện tích thiệt hại 2,0 ha; Lộc Bình 01 vụ, diện tích thiệt hại 0,6 ha; Thành phố 01 vụ, diện tích thiệt hại 0,067 ha). Lũy kế từ đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy rừng, thiệt hại khoảng 10,42 ha rừng trồng.
1.3. Thủy sản
Sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu khai thác từ các ao, hồ đang nuôi thả; người dân tập trung chăm sóc đàn cá đã thả theo đúng quy trình kỹ thuật; tiếp tục chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá bố, mẹ theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo cá phát triển tốt, tỷ lệ thành thục cao, phục vụ tốt quy trình sinh sản nhân tạo đầu năm 2023. Tiếp tục thực hiện cung ứng cá giống đảm bảo chất lượng cho nông dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong tháng cung ứng được 42.000 con cá giống các loại cho người dân trên địa bàn tỉnh.
2. Sản xuất công nghiệp
Bước sang tháng 4, tình hình sản xuất công nghiệp giảm so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ do một số ngành công nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng lớn giảm làm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Khai thác than, đá, sản xuất điện.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2023
2.1.1. So với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 giảm 2,92%, trong đó:
Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 9,23% (sản phẩm than đá, than cứng loại khác giảm 7,81 nghìn tấn) do trong tháng thời tiết không thuận lợi mưa nhỏ và nồm ẩm kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động khai thác ngoài trời và theo nhu cầu sản xuất điện của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương nên sản lượng khai thác than giảm 14%, ngành khai khoáng khác giảm 3,34% (sản phẩm đá xây dựng khác giảm 8,79 nghìn m3);
Các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước, do doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất cá thể trở lại hoạt động, các đơn hàng trong tháng tăng cao ở một số ngành: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa, sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 13,64% (sản phẩm ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tăng 914,17 nghìn m3); ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 22,99% tương đương 1,62 triệu trang; ngành sản xuất kim loại tăng 42,26% (khuôn đúc kim loại màu đạt 267,37 tấn), ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 12,31% (sản phẩm colophan và axit nhựa cây tăng 240 tấn); ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 10,75% (sản phẩm Clanhke xi măng 22,29 nghìn tấn, sản phẩm Xi măng Portland đen tăng 3,45 nghìn tấn).
Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất giảm 17,11% so với tháng trước, trong đó, sản lượng điện sản xuất giảm 19,35%, tương đương giảm 15,85 triệu KWh do Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương đang tiến hành sửa chữa định kỳ một số bộ phận lò hơi; điện thương phẩm tăng 1,0%, tương đương tăng 0,62 triệu KWh so với tháng trước.
Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,24% so với tháng trước; với hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 3,61%, hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải giảm 1,12% so với tháng trước.
2.1.2. So với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 so với cùng kỳ giảm 0,24%, trong đó:
Hình 3: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 năm 2023
so với cùng kỳ năm trước
Ngành công nghiệp khai thác giảm 4,17%, giảm chủ yếu ở sản phẩm đá xây dựng giảm 7,91% (tương ứng giảm 21,9 nghìn tấn) do thời tiết không thuận lợi cho hoạt động khai thác đá ngoài trời, bên cạnh đó các công trình, dự án, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị khởi công khởi công xây dựng.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số tăng 5,63% so với cùng kỳ, trong đó: Sản xuất đồ uống tăng 23,86% trong đó tăng cao ở sản phẩm nước tinh khiết do một số doanh nghiệp lớn sản xuất trong ngành ký được đơn hàng tiêu thụ ổn định, các nhà hàng mở của kinh doanh trở lại và do thời tiết nóng dẫn nên lượng tiêu thụ đồ uống trong dân tăng; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 107,72% (sản phẩm Colophan và axit nhựa cây tăng 970 tấn) nguyên nhân chính do tháng 4 năm 2022 Công ty TNHH Long Tân ngừng hoạt động để sửa chữa máy móc định kỳ nên không thực hiện sản xuất trong tháng; một số ngành tăng do nhu cầu tiêu thụ trong dân tăng nhu sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 24,26%, (chủ yếu các sản phẩm gia công cơ khí như hoạt động hàn xì, sản xuất cửa hoa, cửa sắt trong dân cư); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 27,56%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ cụ thể: Sản xuất sản trang phục, phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (Công ty TNHH MTV điện tử Dũng Nam và Công ty TNHH Tuấn Anh trong tháng không thực hiện sản xuất sản phẩm); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất máy bơm.
Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 7,37%, sự tăng giảm sản lượng ngành điện phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Sản lượng điện sản xuất tháng 4 giảm 8,56%; điện thương phẩm tăng 0,97% so với cùng kỳ.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước giảm 1,65%. Cụ thể: Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 3,61%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 0,49% do việc nâng cấp sửa chữa đường ống, tăng công suất hoạt động của nhà máy xử lý nước thải đã hoàn thành; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải giảm 0,07%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh 4 tháng đầu năm 2023: Xi măng ước đạt 433,96 nghìn tấn, tăng 12,59% so với cùng kỳ, đạt 45,2% kế hoạch của tỉnh; điện sản xuất ước đạt 306 triệu Kwh, tăng 1,28% so với cùng kỳ, đạt 34,38% kế hoạch của tỉnh; than ước đạt 202,57 nghìn tấn, tăng 1,61% so với cùng kỳ, đạt 36,2% kế hoạch của tỉnh; đá xây dựng các loại ước đạt 1.040,9 nghìn m3, giảm 2,04% so với cùng kỳ, đạt 23,87% kế hoạch của tỉnh.
2.2. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 4/2023 giảm 0,37% so với tháng trước và giảm 6,91% so với tháng cùng kỳ. Bình quân, 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sử dụng lao động giảm 6,97% so với cùng kỳ, cụ thể: Ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 0,64%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 13,07% do một số lao động nghỉ việc, thôi việc hoặc doanh nghiệp tổ chức sắp xếp lại sản xuất kinh doanh nên cắt giảm nhân sự, một số ngành do áp dụng máy móc thay thế con người hoặc do cắt giảm sản lượng nên lao động giảm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,38%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,85% do thực hiện quá trình cổ phần hóa và cắt giảm lao động dôi dư do đơn vị áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
3. Đầu tư, xây dựng
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch kiểm tra tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công của các huyện, thành phố và một số cơ quan đơn vị cùng với kiểm tra tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị giao chi tiết kế hoạch vốn tới các chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quy định hiện hành.
Trong tháng, Ủy ban nhân dân tỉnh họp xem xét, đôn đốc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công khởi công mới năm 2023. Yêu cầu các chủ đầu tư hiện nay chưa hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật cần lưu ý đảm bảo chất lượng các hồ sơ trình thẩm định; chủ động lập kế hoạch tiến độ, kế hoạch giải ngân cho từng dự án được giao. Các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ chủ đầu tư để tổ chức giải phóng mặt bằng đáp ứng được tiến độ dự án.
Dự ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước tháng 4/2023 trên địa bàn đạt 270,5 tỷ đồng, tăng 21,31% so với tháng trước, tăng 50,96% (+91,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện được 175,1 tỷ đồng (chiếm 64,73% trong tổng số), tăng 20,18% so với tháng trước, tăng 47,40% so với cùng kỳ. vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện được 95,3 tỷ đồng, tăng 23,46% so với tháng trước, tăng 57,94% (+ 34,9 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 đạt 865,7 tỷ đồng, đạt 18,88% kế hoạch, tăng 47,07% (+277 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 548,3 tỷ đồng (chiếm 63,34% tổng nguồn vốn), đạt 16,79% kế hoạch, tăng 51,49% (+ 186,4 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 317,3 tỷ đồng, tăng 40% (+ 90,6 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp: Từ đầu năm đến hết tháng 3/2023, có 128 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 6,67% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 565,6 tỷ đồng, giảm 43,61% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 152 doanh nghiệp, tăng 18,75%; doanh nghiệp thông báo giải thể 27 doanh nghiệp, tăng 12,50% so với cùng kỳ.
Hình 4: Tình hình đăng ký kinh doanh
(Từ đầu năm đến tháng 3 năm 2023)
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
Dự án Kè trái bờ sông Kỳ Cùng, đoạn từ sân bay Mai Pha đến cầu Đông Kinh, công trình có tổng mức đầu tư 195,5 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 4/2023 ước thực hiện được 113,2 tỷ đồng, đạt 57,93% so với kế hoạch.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 - km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 4/2023 ước thực hiện được 669,5 tỷ đồng, đạt 67,75% kế hoạch.
Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần): Công trình có tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 4/2023 ước thực hiện được 551,7 tỷ đồng, đạt 40,05% kế hoạch.
Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28), huyện Cao Lộc công trình có tổng mức đầu tư 299,7 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 4/2023 ước thực hiện được 225 tỷ đồng, đạt 75,07% so với kế hoạch.
4. Tài chính, ngân hàng
4.1. Tài chính [1]
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tiếp tục chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, giá cả được kiểm soát, thị trường bình ổn. Triển khai thực hiện tốt các các chính sách hỗ trợ của Trung ương: giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH 15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các cấp, các ngành chủ động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 4/2023 là 680.659 triệu đồng, trong đó: thu nội địa ước thực hiện 211.141 triệu đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 469.518 triệu đồng. Luỹ kế ước thực hiện 4 tháng đầu năm là 2.363.437 triệu đồng, đạt 29,2% so với dự toán Trung ương giao, đạt 28,8% so với dự toán tỉnh giao, bằng 101,4% so với cùng kỳ, trong đó:
Thu nội địa: 834.427 triệu đồng, đạt 39,8% dự toán Trung ương giao, đạt 37,9% so với dự toán tỉnh giao, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 1.527.533 triệu đồng, đạt 25,5% so với dự toán giao, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình xuất nhập khẩu qua địa bàn diễn ra tương đối thuận lợi. Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các cơ quan liên quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm gia tăng năng lực thông quan, hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ phương tiện vận tải hàng hóa tại các cửa khẩu, phấn đấu tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu so với những tháng quý I, đảm bảo hoàn thành dự toán giao.
Các khoản huy động, đóng góp: 1.477 triệu đồng, bằng 88,4% so với cùng kỳ.
- Về chi ngân sách địa phương
Đối với chi đầu tư phát triển và các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ khác: Trên cơ sở dự toán đã được cân đối từ đầu năm, trong quá trình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm được quan tâm bố trí vốn hợp lý; công tác giải ngân, thanh toán các nguồn vốn, tạm ứng theo hợp đồng được khẩn trương, kiểm soát chặt chẽ, đúng chế độ, chính sách, đơn giá, định mức theo quy định hiện hành. Công tác thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được quan tâm, đẩy mạnh, đảm bảo đúng quy trình, quy định. Công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được thực hiện nghiêm túc, theo đúng đơn giá, định mức, chế độ.
Đối với chi thường xuyên: Điều hành trong phạm vi dự toán được giao, trên cơ sở tiêu chuẩn, chế độ, định mức; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 4/2023 là 1.226.805 triệu đồng, ước thực hiện 4 tháng đầu năm 2023 là 3.302.000 triệu đồng, đạt 24,3% dự toán giao đầu năm, bằng 129,2% so với cùng kỳ năm 2022, Trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 2.822.200 triệu đồng, đạt 28,1% dự toán giao đầu năm và bằng 118,2% so cùng kỳ năm 2022 (trong đó: Chi đầu tư phát triển là 293.800 triệu đồng, đạt 23,5% dự toán, bằng 116,4% so với cùng kỳ năm 2022. Chi thường xuyên: 2.507.000 triệu đồng, đạt 29,5% dự toán, bằng 119,4% so với cùng kỳ). Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 480.000 triệu đồng đạt 13,5% dự toán, bằng 287,1% so với cùng kỳ.
4.2. Ngân hàng [2]
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, các nhiệm vụ trọng tâm ngành Ngân hàng trong năm 2023; tăng cường huy động vốn để đáp ứng vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; quan tâm đầu tư tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách của Nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 và Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ; chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất, quản lý ngoại hối; chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt góp phần thực hiện chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông… Ước thực hiện đến ngày 30/4/2023 tổng huy động vốn ước đạt 39.743 tỷ đồng, tăng 7,1% so với 31/12/2022. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 39.893 tỷ đồng, tăng 1,3% so với 31/12/2022.
5. Thương mại và dịch vụ
Hoạt động thương mại, dịch vụ có mức tăng khá, hàng hoá có giá cả ổn định đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu ngân sách trên địa bàn tiếp tục tăng so với cùng kỳ.
Tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, các hệ thống phân phối hàng hoá đảm bảo nguồn hàng cung ứng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Hoạt động du lịch diễn ra ổn định, thời tiết thuận lợi, các tour du lịch trong nước liên tục có những ưu đãi, khuyến mãi với các gói du lịch trong tuần để kích cầu khách du lịch.
5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4/2023 ước tính đạt 2.329,8 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 26,52% so với cùng kỳ.
- Các nhóm hàng hóa tháng 4/2023 tăng so với tháng trước: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 3,73%; nhóm hàng may mặc tăng 5,76%; nhóm đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,75%; nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 2,88%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 4,46%; nhóm ô tô con tăng 12,51%; phương tiện đi lại, trừ ô tô con tăng 8,5%; nhiên liệu khác tăng 5,88%. Các nhóm hàng hóa trên tăng là do: Trong tháng 4 có tiết Thanh minh và Tết Hàn Thực (03/3 Quý Mão), do vậy nhu cầu mua sắm đồ lễ của nhóm lương thực, thực phẩm tăng cao; nhóm đồ dùng trang thiết bị gia đình tăng chủ yếu ở các mặt hàng điện lạnh như: Quạt, điều hoà, tủ lạnh, máy hút ẩm … chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa hè và độ ẩm tăng cao …, ngoài ra nhóm gỗ và vật liệu xây dựng, nhóm ô tô con và phương tiện đi lại trừ ô tô con trong tháng cũng tăng khá, do sang quý II vào mùa xây dựng hầu hết những mặt hàng vật liệu xây dựng được tiêu thụ mạnh, đảm bảo nguồn cung ứng vật liệu cho các nhà thầu thi công công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
- Các nhóm hàng hóa giảm, gồm: Xăng, dầu các loại giảm 0,67%; nhóm đá quý, kim loại quý giảm 1,64% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn giảm.
Dự ước 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 8.817,9 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 19,57%. Tăng chủ yếu ở các nhóm hàng hóa: lương thực, thực phẩm tăng 22,94%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,42% do giá nguyên liệu đầu vào tăng; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 16,89% và phương tiện đi lại, trừ ô tô con tăng 20,63% do nhu cầu mua sắm phục vụ đi lại của nhân dân tăng cao.
5.2. Dịch vụ
5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 4/2023 dự ước doanh thu đạt 221,9 tỷ đồng, giảm 4,2% so với tháng trước và tăng 28,79% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 4/2023 ước hơn 1,1 tỷ đồng, giảm 0,14% so với tháng trước và so với cùng kỳ tăng 23,14%.
Tình hình dịch bệnh của các nước trên thế giới hiện nay đã được kiểm soát tốt, do đó các tour du lịch trong và ngoài nước hoạt động trở lại mạnh mẽ so với cùng kỳ, dịch vụ lữ hành tăng cao so với năm trước.
5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 4 năm 2023 đạt 47,5 tỷ đồng, tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 10,06% so cùng kỳ.
Hầu hết các nhóm dịch vụ trong tháng tăng hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên có vài nhóm giảm như dịch vụ nghệ thuật vui chơi giải trí; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm do nhu cầu tiêu dùng của người dân và lượng khách tham quan, du lịch có phần giảm so với tháng trước.
5.3. Vận tải
Dự ước doanh thu ngành vận tải tháng 4 đạt 195,4 tỷ đồng tăng 14,48% so với cùng kỳ, trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 21,05 tỷ đồng, tăng 21,06% về doanh thu; tăng 29,08% về khối lượng vận chuyển và tăng 19,72% về khối lượng luân chuyển. Doanh thu về vận tải hàng hóa đạt 58,8 tỷ đồng, giảm 6,44% về doanh thu; giảm 1,83% về khối lượng vận chuyển và giảm 21,99% về khối lượng luân chuyển. Doanh thu ngành kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 115,3 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ.
Hình 5: Doanh thu hoạt động vận tải tháng 4 năm 2023
So với cùng kỳ năm trước
Lũy kế 4 tháng so với cùng kỳ, tổng doanh thu ngành vận tải ước đạt 733,9 tỷ đồng, tăng 8,11% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng chủ yếu ở doanh thu về vận chuyển hành khách và doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải; trong đó: vận chuyển hành khách tăng 18,07%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 13,1%. Hoạt động vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn có xu hướng giảm so với cùng kỳ do hiện nay các doanh nghiệp có quy mô vừa trên địa bàn hiện đang tạm ngừng, bán xe hoặc chuyển sang hoạt động cho thuê xe vận tải không trực tiếp hoạt động vận tải hàng hóa.
Doanh thu ngành kho bãi đang có tốc độ giảm dần tuy nhiên doanh thu ngành dịch vụ hỗ trợ vận tải lại tăng do lực lượng chức năng tại các cửa khẩu và các cơ quan liên quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm gia tăng năng lực thông quan, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc phương tiện vận tải hàng hóa tại các cửa khẩu. Bên cạnh đó, giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, buổi trưa, ngày nghỉ và tăng thời gian làm việc để đảm bảo thông quan hàng hóa trong ngày.
6. Chỉ số giá
Tháng 4/2023, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào cùng với điều kiện thời tiết ấm hơn các tháng trước, nhu cầu sử dụng điện dùng cho các thiết bị sưởi ấm giảm, nên giá điện sinh hoạt có xu hướng giảm là những nguyên nhân chủ yếu tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 4/2023 giảm 0,97% so với tháng trước, tăng 1,72% so với cùng kỳ, tăng 4,39% so với năm gốc (năm 2019). Giá xăng dầu, giá gas, giá vàng, giá đô la tiếp tục tăng, giảm theo sự biến động chung của thế giới.
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 4/2023 giảm 0,97% so với tháng trước, tăng 1,72% so với cùng kỳ:
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 năm 2023 so với tháng trước
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, trong đó có 6 nhóm hàng tăng giá; 5 nhóm hàng giảm giá.
- Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 4/2023 giảm 1,92%, chia ra các nhóm: Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 4/2023 giảm 0,2% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo giảm 1,21% (khu vực thành thị giảm 3,34%; khu vực nông thôn tăng 0,91%). Nguyên nhân giá gạo ở thành thị giảm là do nguồn cung dồi dào hơn, ở nông thôn phần lớn là tự sản tự tiêu nên nguồn hàng cung cấp cũng ít hơn nên giá có cao hơn so với thành thị. Giá các mặt hàng lương thực chế biến khác tăng 1,21%; chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 4/2023 giảm 2,58% so với tháng trước. Nguyên nhân do nguồn cung dồi dào một số loại rau củ vào mùa vụ, nguồn cung cấp lợn, gà thịt gối đàn sau Tết cũng đã đến kỳ xuất chuồng nên giá cả có giảm nhẹ hơn so với tháng trước; chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 4/2023 giảm 0,32% so với tháng trước, trong đó giá ăn ngoài gia đình giảm 0,33%; uống ngoài gia đình giảm 0,58%; đồ ăn nhanh mang đi ổn định.
- Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 4/2023 tăng 0,19% so với tháng trước do giá cả một số mặt hàng tăng (nước quả ép tăng 0,86%; rượu các loại tăng 0,32%, thuốc lá tăng 0,18%, thuốc lào tăng 0,09%).
- Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 4/2023 tăng 0,12%. Trong đó, may mặc khác tăng 0,09% so với tháng trước; mũ nón tăng 0,08%; giày dép tăng 0,9%.
- Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 4/2023 giảm 1,35%. Trng đó, diễn biến giá một số mặt hàng trong nhóm như sau: Giá điện sinh hoạt giảm 5,08%; giá gas giảm 12,63%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,23%; Giá nước sinh hoạt tăng 1,45%; giá dịch vụ về nước sinh hoạt tăng 12,04% (tiền công thợ nước).
- Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 4/2023 giảm 0,73% so với tháng trước. Trong đó, giá tủ lạnh giảm 0,87%, máy hút bụi giảm 1,29%; bình nước nóng nhà tắm giảm 2,93%; quạt điện giảm 0,48%. Nguyên nhân nhóm này giảm do hệ thống siêu thị, trung tâm và các cửa hàng áp dụng chương trình giảm giá chào hè 2023.
- Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 4/2023 tăng 0,15% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước tăng, giảm liên tục theo giá nhiên liệu thế giới và mức thuế bảo vệ môi trường. Trong tháng có 3 kỳ điều chỉnh ngày 3/4/2023; ngày 13/4/2023 và ngày 21/4/2023.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng trong tháng tăng 0,13%; nhiên liệu tăng 0,96% so với tháng trước; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân ổn định; dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,21%.
- Chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 4/2023 tăng 0,06% so với tháng trước. Tăng chủ yếu là các loại văn phòng phẩm (bút viết tăng 0,73%; văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,44%).
- Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 4/2023 giảm 0,13% so với tháng trước chủ yếu do thiết bị văn hoá giảm 0,47%; bên canh đó có một số mặt hàng tăng nhẹ như sách báo tạp trí các loại tăng 0,24%, thiết bị dụng cụ thể thao tăng 0,06%; dịch vụ giải trí tăng 0,01%...
- Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 4/2023 tăng nhẹ, tăng 0,01% so với tháng trước, tập trung ở giá các nhóm đồ dùng cá nhân tăng 0,06%; trang sức tăng 0,92%, các nhóm mặt hàng khác ổn định.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 năm 2023 so với cùng kỳ
CPI tháng 4/2023 tăng 1,72% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Trong 9 nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ, nhóm giáo dục tháng 4/2023 tăng cao nhất với 14,87% do học phí năm học 2022 – 2023 không còn được áp dụng miễn, giảm học phí do ảnh hưởng của dịch và các mặt hàng văn phòng phẩm tăng giá so với; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 8,61% do các dịch vụ văn hóa, giải trí được phục hồi, giá cả tăng so với cùng kỳ; các mặt hàng khác tăng trong khoảng 1-2%. Ở chiều ngược lại 02 nhóm hàng gồm nhóm giao thông giảm 5,34% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,14% so với cùng kỳ.
6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
- Chỉ số giá vàng: Tháng 4/2023, giá vàng trong nước tiếp tục biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Trên xu hướng giá vàng trong nước tăng, giá vàng trên địa bàn tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 1,01% so với cùng kỳ, bình quân 4 tháng tăng 3,07% so với cùng kỳ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ: Trong tháng 4/2023, đồng đô la Mỹ quay đầu giảm trong bối cảnh giới phân tích cắt giảm kỳ vọng về những đợt tăng lãi suất tiếp theo ở Mỹ. Hiện tại, triển vọng của đô la vẫn nghiêng về mặt tiêu cực khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho sự kết thúc của chu kỳ nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang. Tuy nhiên, các quan chức của Fed đã nỗ lực để nhấn mạnh rằng lạm phát vẫn đang ở mức cao và lãi suất phải tiếp tục tăng.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội
Tuyên truyền, tư vấn chính sách pháp luật về lao động - việc làm, học nghề: 3.513 lượt người, lũy kế từ đầu năm là 13.354 lượt người. Giới thiệu việc làm và nhận được việc làm cho 17 người. Tổ chức 12 phiên giao dịch việc làm với 2.430 lượt người tham gia.
Duy trì tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và thực hiện các quy trình có liên quan đến giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kết quả: Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp: 1.164 người, lũy kế từ đầu năm là 2.346 người; Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: 642 người, lũy kế từ đầu năm là 1.725 người; Số kinh phí chi trả trợ cấp thất nghiệp: 8.931 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm là 23.835 triệu đồng.
Tổ chức thẩm định hồ sơ xác định quỹ tiền lương thực hiện năm 2022 và kế hoạch sử dụng lao động, quỹ tiền lương năm 2023 đối với Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lạng Sơn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn; Phối hợp với các ngành liên quan xem xét 06 hồ sơ của người lao động có thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh rà soát, đánh giá việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến.Thẩm định 03 nội quy lao động, 01 thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.
Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 3.701 người có công và thân nhân với kinh phí 6.987 triệu đồng, lũy kế chi trả trợ cấp là 14.920 lượt người có công, kinh phí: 28.150,5 triệu đồng. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến là 168 hồ sơ, lũy kế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân: 598 hồ sơ.
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng [2]
Trong tháng 4 năm 2023, công tác y tế đã tập trung chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra theo kế hoạch. Tập trung triển khai thủ tục đầu tư các dự án do Sở Y tế làm chủ đầu tư, đôn đốc các đơn vị thực hiện các thủ tục. Tiếp tục tăng cường các hoạt động: Phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh mùa hè; tuyên truyền, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức cho người dân; các hoạt động duy trì hiệu quả Chương trình mục tiêu y tế - dân số... Thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2023.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Tính đến ngày 07/4/2023) 159.952F0 (trong đó 611 ca mắc lần 2; 14 ca mắc lần 3 được báo cáo); đã khỏi bệnh 159.851 ca; tử vong 101 ca. Đánh giá cấp độ dịch của tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế (đánh giá ngày 03/10/2022): Quy mô xã: 200/200 xã, phường, thị trấn: Cấp 1 “Vùng xanh”. Tình hình tiêm chủng: tổng số liều vắc xin đã tiếp nhận: 2.084.836 liều (liều lọ): Từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 102,32%, mũi 2 đạt 100,96% (Bao gồm tiêm cho người ngoại tỉnh); Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại (mũi 3): 92,07%; Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4): 124,88% (bao gồm cả đối tượng mở rộng); trẻ em từ 12-17 tuổi: Tỷ lệ mũi 1 đạt 99,08%; Tỷ lệ mũi 2 đạt 98,88%; Tỷ lệ tiêm liều nhắc lại (mũi 3): Đạt tỷ lệ 77,52%.
Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát, không để dịch lớn xảy ra. Tình hình bệnh truyền nhiễm trong quý (tính từ ngày 01/03/2023 - 31/03/2023) so với số liệu cùng kỳ năm 2022, có 04 bệnh có số mắc tăng; 04 bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ. Các bệnh truyền nhiễm phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch.
Công tác An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn thực phẩm và các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Kiểm tra đột xuất 01 cơ sở kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Kết quả kiểm tra, phát hiện cơ sở vi phạm “Không lưu trữ thông tin hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm”. Chi cục đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở trên là 6.000.000 đồng. Cấp giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP: 06 cơ sở. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm: 01 hồ sơ.
Hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em tiếp tục được duy trì
thực hiện: Tổng số trẻ dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi: 1.135/18.270 trẻ được cân; Luỹ kế: 4.596/75.183 trẻ được cân. Tổng số trẻ sinh ra <2500 gram/ Tổng số trẻ đẻ ra sống được cân: 07 trẻ/625 trẻ đẻ ra sống được cân, Luỹ kế: 53 trẻ/2.664 trẻ đẻ ra sống được cân. Số bà mẹ sau đẻ được uống bổ sung vitamin A trong tháng: 451/628 (đạt 71,8%); Luỹ kế: 1.503/1.990 (đạt 75,5%).
7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch [4]
Tiếp tục thực hiện công tác hướng dẫn các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các nội dung về xây dựng văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” như: Kế hoạch kiểm tra Nông thôn mới (NTM) huyện Cao Lộc; Thực hiện thẩm định bằng hồ sơ và trực tiếp tại cơ sở 8 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu năm 2022.
Tiếp tục thực hiện tốt nghiệp vụ thư viện tại thư viện tỉnh; bàn giao sách do các nhà xuất bản biếu tặng về cơ sở. Trao đổi các ấn phẩm báo xuân với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tăng cường công tác tuyên truyền đến các trường học, các cơ quan nâng cao nhận thức về về thư viện, ý nghĩa của việc đọc sách. Phục vụ bạn đọc tại chỗ 2.000 lượt độc giả, luân chuyển: 6.000 lượt sách, phục vụ phòng đa phương tiện đạt: 100 lượt. Điểm luân chuyển: Lượt độc giả: 19.200 lượt; Lượt sách, báo luân chuyển: 29.000 lượt; tổ chức Cuộc thi Đại Sứ Văn hóa đọc tỉnh Lạng Sơn năm 2023; tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 tại các huyện Bắc Sơn.
Tổng hợp các phim truyện, phim phóng sự tài liệu theo chủ đề, chuyên đề để cung cấp cho các Đội chiếu bóng lưu động, chiếu phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Chiếu chương trình phim dành cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Kết quả: Trong tháng 4 các đội chiếu bóng lưu động thực hiện được 139 buổi chiếu (đến nay đã đạt 406/1.670 buổi = 24% kế hoạch năm), 26 lượt xã, 139 lượt thôn, 500 lượt nội dung tuyên truyền, hơn 11.000 lượt người nghe và xem; hoạt động chiếu phim tại Rạp: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị phim: giới thiệu trên trang page Rạp, trên bảng led điện tử...doanh thu 2 phòng chiếu đạt 44 suất chiếu, doanh thu đạt 10.685.000đ, với 200 lượt người xem.
Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, phối hợp các ngành và các huyện, TP tổ chức các hoạt động TDTT cơ sở nhằm thúc đẩy phòng trào tập luyện TDTT của người dân; ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ khai mạc hè, ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2023; thực hiện ban hành Điều lệ, tổ chức giải Bóng đá Thiếu niên Nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2023; Điều lệ giải Vô địch Bóng bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023. Trong tháng 4 tham gia tập huấn và thi đấu 05 giải toàn quốc đạt 16 huy chương các loại. Tiếp tục duy trì công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên năng khiếu, huấn luyện các đội tuyển tham gia các giải thể thao khu vực và toàn quốc.
Lũy kế 4 tháng năm 2023 đạt 1.964.278 lượt khách, tăng 36,8% so với cùng kỳ, đạt 52,2% so với kế hoạch năm 2023, trong đó: Khách quốc tế đạt 11.729 lượt khách, tăng 262% so với cùng kỳ, đạt 5,9% so với kế hoạch năm 2023; khách trong nước đạt 1.952.549 lượt khách, tăng 36,4% so với cùng kỳ, đạt 54,8% so với kế hoạch).
7.4. Giáo dục
Tổ chức các lớp bồi dưỡng ôn tập thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và dạy học lớp 10. Tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, 11 năm học 2022 - 2023. Tổ chức Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp Trung học cơ sở năm học 2022-2023. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia năm học 2022-2023.
Tổ chức Hội nghị tập huấn rà soát quy định thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục năm 2023 và hướng dẫn thực hiện Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ; Hội nghị tập huấn bồi dưỡng dạy học chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1; tổ chức tập huấn giáo viên Tiếng Anh theo dự án “phát triển phương pháp giảng dạy tiếng Anh thích ứng với văn hóa bản địa dành cho giáo viên ở các khu vực dân tộc thiểu số”. Tổ chức Hội thảo tăng cường tiếng Việt cho trẻ Mầm non vùng dân tộc thiểu số năm học 2023 – 2024. Tổ chức giải Vovinam học sinh phổ thông tỉnh Lạng Sơn năm 2023.
Triển khai thực hiện Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục năm 2023. Tổ chức Lớp bồi dưỡng công tác ôn thi tốt nghiệp THPT và dạy học lớp 10. Hoàn thiện hồ sơ thực nghiệm sách giáo khoa mới đối với lớp 9,12. Tổ chức họp Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2023 -2024. Hướng dẫn chuẩn bị cho cuộc thi lập trình điều khiển robot cấp trung học.
7.5. Trật tự - An toàn giao thông [5]
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoàn thành công tác tuyển quân năm 2023, đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu được giao. Trong tháng xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 01 người; So cùng kỳ năm 2022 giảm 03 vụ, giảm 03 người chết, giảm 03 người bị thương; lũy kế từ đầu năm 2023 xảy ra 15 vụ, làm chết 15 người, bị thương 05 người.
7.6. Môi trường
Trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, không có vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý. So với tháng 3/2023 và 4/2022 cũng không có vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý. Lũy kế từ đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát hiện và xử lý 01 vụ, xử phạt 160 triệu đồng.
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không xảy ra thiên tai; so với tháng 4 năm 2022 cũng không xảy ra thiên tai.
7.7. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không xảy ra thiên tai; so với tháng 4 năm 2022 cũng không xảy ra thiên tai.
[1] Nguồn: Sở Tài chính
[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
[3] Nguồn: Sở Y tế
[4] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh
[5] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh.