Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn tháng 11 và 11 tháng năm 2024

Thứ hai - 02/12/2024 20:53
Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng 12,71%, trong đó: điện sản xuất tăng 15,4% (+9,3 triệu KWh), do tháng 11 bước vào mùa khô, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm, tăng huy động điện từ các nhà máy nhiệt điện nên Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV tăng sản lượng sản xuất.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

1.1.1 Trồng trọt

Trong tháng 11, thời tiết tương đối thuận lợi cho sự phát triển, sinh trưởng và thu hoạch các loại cây trồng vụ Mùa. Người dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, khẩn trương thu hoạch các loại cây trồng, đảm bảo tiến độ để chuẩn bị làm đất và gieo trồng vụ Đông. Đến thời điểm hiện nay, các loại cây trồng chính vụ Mùa cơ bản đã được thu hoạch xong. Diện tích còn lại chưa thu hoạch chủ yếu là ngô, mía, sắn... 

Diện tích thu hoạch lúa mùa trong tháng đạt 23.640 ha, tăng 1,16% so với cùng kỳ; năng suất ước đạt 42,18 tạ/ha, tăng 2,82%; sản lượng đạt 99.701,4 tấn, tăng 4,01%.

Cây ngô tiến độ thu hoạch trong tháng đạt 3.280 ha, tăng 4,56% so với cùng kỳ; năng suất ước đạt 49,63 tạ/ha, giảm 0,21%; sản lượng đạt 16.278,3 tấn, tăng 4,34%

Cây lạc thu hoạch trong tháng được 1.083 ha, tăng 3,09% so với cùng kỳ; năng suất ước đạt 18,51 tạ/ha, tăng 1,39%; sản lượng đạt 2.005,2 tấn, tăng 4,53%.

Trong tháng, rau các loại vụ Đông gieo trồng được 728 ha, giảm 1,01%; diện tích thu hoạch đạt 868 ha, giảm 0,13%; sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 3.199 tấn, tăng 3,14% so với cùng kỳ.

1.1.2. Chăn nuôi 

Trong tháng, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 21 hộ/8 thôn/13 xã/08 huyện, thành phố. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy 64 con với tổng trọng lượng 2.938 kg. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 13/11/2024 tiêu hủy 16.656 con với tổng trọng lượng 724.232 kg. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 09 xã/6 huyện, thành phố chưa qua 21 ngày. Bệnh Dại xảy ra 01 ổ dịch tại thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch và tiêm phòng. Dịch bệnh đã được khống chế và kiểm soát không phát sinh lây lan ra các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Các loại dịch bệnh khác xảy ra lẻ tẻ ở một số địa phương nhưng không phát thành dịch như THT gia cầm, THT trên đàn trâu, bò, THT, Phó thương hàn, Ecoli trên đàn lợn, bệnh care trên đàn chó.

Tổng đàn trâu: Ước tính số lượng trâu hiện có 55.126 con, giảm 16,47% (-10.870 con); số con xuất chuồng ước đạt 1.412 con, giảm 4,01% (-59 con) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng xuất chuồng ước đạt 378,4 tấn, giảm 12,73% (-55,2 tấn) so với cùng kỳ. Số lượng và sản lượng xuất bán giảm chủ yếu do diện tích chăn thả bị thu hẹp, nhu cầu sử dụng sản phẩm, đầu con hiện có giảm so với cùng kỳ và một phần thiếu nhân lực chăm sóc.

Tổng đàn bò: Ước tính số lượng bò hiện có 28.343 con, tăng 0,39% (+110 con) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân về nguồn vốn; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi; nhiều mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt, kết hợp xử lý chất thải làm phân bón hữu cơ rất có hiệu quả. Trong tháng 11, số con xuất chuồng ước 505 con, tăng 1,41% (+7 con) so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 116,7 tấn, tăng 0,51% (+0,6 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn lợn: Ước tính số lượng lợn hiện có 191.833 con, giảm 2,68% (-5.287 con) so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, DTLCP cơ bản được khống chế, người dân tập trung đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại và hộ chăn nuôi có quy mô lớn, đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh, chuẩn bị tốt nguồn cung thịt lợn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp tết Dương lịch và tết Nguyên đán và các ngày lễ trước, trong và sau Tết. Số con xuất chuồng trong tháng ước 26.178 con, tăng 1,7% (+437 con) so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 2.249,86 tấn, tăng 4,70% (+101,02 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

 

Tổng đàn gia cầm: Phát triển tốt, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được quan tâm, ước tính số lượng đầu con hiện có là 4.665,66 nghìn con, tăng 2,42% (+110,27 nghìn con) so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm đạt 1.484,62 tấn, tăng 4,12% (+58,69 tấn) so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 6.047,52 nghìn quả, tăng 4,53% (+262 nghìn quả) so với cùng kỳ.

1.2. Lâm nghiệp

Công tác quản lý, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng được các chủ rừng thực hiện thường xuyên theo quy chế quản lý rừng. Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết tại các vùng trên địa bàn tỉnh, kịp thời cảnh báo tới chính quyền các cấp, các chủ rừng và nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng… Trong tháng xảy ra 01 vụ cháy rừng tại thôn Bản Tẳng, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình, gây thiệt hại với diện tích 0,58 ha rừng trồng thông. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát khai thác gỗ rừng tự nhiên, gỗ rừng trồng và cây trồng phân tán trên địa bàn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng ước đạt 1.621,12 ha, tăng 19,66% so với cùng kỳ. Khai thác gỗ tròn các loại trong tháng ước 103,35 nghìn m3, tăng 34,02% so với cùng kỳ. Hiện nay, các ngành, chức năng đang tập trung triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Sản lượng củi khai thác trong kỳ đạt 50,08 nghìn ste, tăng 0,62% so với cùng kỳ, chủ yếu đáp ứng nhu cầu sử dụng củi đun trong sinh hoạt, củi chủ yếu là tận thu từ việc phát cành từ rừng sản xuất.

1.3. Thủy sản

Tiếp tục thực hiện cung ứng cá giống đảm bảo chất lượng cho nông dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong tháng Trung tâm Khuyến nông cung ứng 50.500 con cá giống các loại cho người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã cung ứng được 1,01 triệu con cá giống các loại. Mực nước tại các ao, hồ từ trong tháng ổn định. Khai thác thuỷ sản trong trong tháng vẫn được người dân duy trì khai thác và đánh bắt đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và giữ được tốc độ tăng trưởng. Trong tháng 11 toàn ngành tăng 9,99%, ngành khai khoáng tăng 9,76%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,13%,  ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 18,25%,  ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước.

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2024

2.1.1. So với tháng trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 năm 2024 tăng 4,44% so với tháng trước, trong đó: 

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,79%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,35%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 12,71%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 0,16%.

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,79%, trong đó: khai thác than tăng 19,45%, do nhu cầu tiêu thụ than của Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV tăng nên dự kiến tăng sản lượng sản xuất so với tháng trước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhẹ so với tháng trước, dự ước tăng 0,35%. Nguyên nhân chính công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng là do các doanh nghiệp cơ sở cá thể công nghiệp nhận được thêm đơn hàng nên dự kiến tăng sản lượng sản xuất, bên cạnh đó là do tháng trước một số doanh nghiệp tập trung tiêu thụ hàng tồn kho, giảm sản xuất, sang tháng 11 sản xuất bình thường nên sản lượng tăng, cụ thể: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 5,52%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,96%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 9,26%, sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 11,11%. 

Tuy nhiên, vẫn có nhóm ngành có chỉ số sản xuất giảm như: In, sao chép bản ghi các loại giảm 29,68%, do trong tháng 10, doanh nghiệp nhận được đơn hàng in ấn lớn, khối lượng sản xuất tăng cao so với các tháng trước, sang tháng 11 hoạt động sản xuất ổn định trở lại nên khối lượng giảm.

Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng 12,71%, trong đó: điện sản xuất tăng 15,4% (+9,3 triệu KWh), do tháng 11 bước vào mùa khô, sản lượng điện huy động từ các nhà máy thủy điện giảm, tăng huy động điện từ các nhà máy nhiệt điện nên Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV tăng sản lượng sản xuất. Điện thương phẩm giảm 0,67% (-0,49 triệu KWh) so với tháng trước.

Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải có chỉ số sản xuất giảm 0,16%. Trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 2,6%; hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tăng 5,88%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 1,55% so với tháng trước.

 

2.1.2. So với cùng kỳ

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 9,99% so với cùng kỳ, do các cơ sở sản xuất nhận thêm đơn hàng nên tăng sản lượng sản xuất, trong đó:

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,76%, trong đó hoạt động khai thác than cứng và than non tăng 45,44%, do nhu cầu tiêu thụ than từ Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV tăng nên dự kiến tăng sản lượng sản xuất so cùng kỳ.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,13%, một số sản phẩm sản xuất tăng khá so với tháng cùng kỳ như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,93%, tăng chủ yếu ở hoạt động chế biến thực phẩm khối cá thể do các cơ sở sản xuất sản phẩm chuẩn bị cho dịp tết Nguyên đán và cung cấp thực phẩm cho các cơ sở ăn uống phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh trong tháng; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 85,71%, do Công ty Cổ phần thương mại sản xuất da Nguyên Hồng nhận được thêm các đơn hàng gia công từ các doanh nghiệp trong nước nên sản lượng gia công tăng; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 25,89%, do doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 36,27%, do tháng 11 Công ty TNHH Cao Thành nhận thêm nhiều đơn hàng nên sản xuất sản phẩm tăng cao so cùng kỳ; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 54,07%, do Công ty TNHH Thực Giai Việt Nam nhận thêm nhiều đơn hàng, mặt khác cùng kỳ năm trước Công ty TNHH Tuấn Anh không sản xuất sản phẩm, chỉ tiêu thụ hàng tồn kho nên sản lượng sản xuất tăng cao so cùng kỳ.

Một số ngành trong công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ nên doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất, cụ thể: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 25,86%, sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 31,03%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 20,27%. Riêng ngành sản xuất phương tiện vận tải khác (xe máy, xe đạp điện) giảm 20% do Công ty TNHH MTV Xe Điện DK Việt Nhật đang trong giai đoạn khắc phục sự cố cháy xưởng nên sản xuất giảm so cùng kỳ.

Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,25%, tăng chủ yếu ở điện sản xuất +20,4%, tương đương tăng 11,8 triệu Kwh, do nhu cầu sử dụng điện trên thị trường tăng, lệnh huy động đối với các nhà máy nhiệt điện trên hệ thống sản xuất tăng so cùng kỳ. Điện thương phẩm tăng 7,4%, tương đương tăng 5,03 triệu Kwh.

Trong ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,45%: Hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 14,67%, do nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng so với năm trước; thoát nước và xử lý nước thải tăng 0,32%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu giảm 4,87% so với cùng kỳ.

2.2. Cộng dồn 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ

Tình hình sản xuất các ngành công nghiệp chủ yếu tỉnh Lạng Sơn từ đầu năm 2024 tăng nhẹ so với năm 2023. Cộng dồn 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 0,8% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1,85%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,27%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 14,81%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,74%.

Sản phẩm chủ lực của tỉnh: Sản phẩm gỗ lạng (có độ dày không quá 6mm) cộng dồn 11 tháng ước đạt 66,7 nghìn m3, tăng 145,8% so với cùng kỳ, nguồn nguyên liệu địa phương đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, đồng thời, tận thu gỗ sau ảnh hưởng bão số 3, tháng 11 và 11 tháng sản lượng gỗ bóc tiếp tục đà tăng từ đầu năm. Sản phẩm Xi măng Portland đen ước đạt 1.114 nghìn tấn, giảm 2,39%, clanhke xi măng dự ước đạt 611,68 nghìn tấn, giảm 13,06%. Sản phẩm xi măng đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho hoạt động xây dựng chủ yếu trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho một số tỉnh lân cận, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2024 Công ty Cổ phần xi măng Hồng Phong hoàn thiện thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu cho Công ty Cổ phẩn gạch ngói Hợp Thành, nên nhà máy sản xuất cầm chừng, bên cạnh đó do việc cạnh tranh giữa các thương hiệu xi măng sản xuất trong nước, sản phẩm khó tiêu thụ nên doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất. Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành giảm sản xuất sản phẩm clanhke do lợi nhuận mang lại từ sản xuất không cao như cùng kỳ năm trước, clanhke sản xuất chủ yếu phục vụ chế biến tiếp sản phẩm Xi măng Portland, mặt khác, doanh nghiệp thay phiên dừng lò để bảo dưỡng máy móc nên sản xuất giảm.

 

Sản lượng điện sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là của Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV, cộng dồn 11 tháng sản lượng điện ước đạt 622,6 triệu Kwh, giảm 17,91% so với cùng kỳ do nguyên liệu sản xuất nhiệt điện không đảm bảo, doanh nghiệp phải nhập than từ nơi khác với chi phí cao, giá điện không đảm bảo cạnh tranh để tham gia thị trường, mặt khác do công ty sản xuất theo kế hoạch của Tổng Công ty nên sản lượng giảm so cùng kỳ. Sản lượng khai thác than của Công ty Than Na Dương 11 tháng ước đạt 371 nghìn tấn, giảm 25,47% (khoảng 126,8 nghìn tấn) so với cùng kỳ, do chất lượng than nguyên khai không đạt yêu cầu, doanh nghiệp không khai được tại các vỉa than có chất lượng tốt nên giảm sản lượng sản xuất.

2.3. Chỉ số sử dụng lao động 

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 11/2024 tăng 0,43% so với tháng trước và tăng 3,63% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ năm trước tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do một số doanh nghiệp, cơ sở cá thể công nghiệp nhận được thêm đơn hàng, tăng sản xuất nên tuyển dụng thêm lao động nhằm đáp ứng đơn hàng mới, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất nên tuyển dụng thêm lao động (ngành 16).

Chia theo ngành công nghiệp: Chỉ số sử dụng lao động ngành khai khoáng giảm 1,44%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,19%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,97%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,14%.

Chia theo loại hình sở hữu: Chỉ số sử dụng lao động trong doanh nghiệp nhà nước tăng 0,8%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 6,39%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,07%.

3. Đầu tư, xây dựng

Trong những tháng cuối năm, các chủ đầu tư quan tâm và đẩy nhanh tiến độ các công trình, các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán, dự thầu, thủ tục nghiệm thu, thanh toán; thu hồi tạm ứng vốn; nghiêm túc tuân thủ các quy định của Nhà nước về công tác quản lý đầu tư xây dựng, đấu thầu, giám sát đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thanh quyết toán các công trình; rà soát các dự án thực hiện khối lượng thấp không có khả năng giải ngân, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn, đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, cương quyết xử lý các cơ quan, đơn vị không giải ngân hết vốn được giao, phải hủy dự toán. 

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước tháng 11/2024 trên địa bàn đạt 440,7 tỷ đồng, tăng  36,29% (+ 117,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ, tăng 3,71% so với tháng trước. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện được 271,8 tỷ đồng (chiếm 61,67% trong tổng số), tăng 4,67% so với tháng trước, tăng 18,44% (+42,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện được 168,9 tỷ  đồng, tăng 2,20% so với tháng trước, tăng 79,946% (+ 75 tỷ đồng) so với cùng kỳ. 

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2024 ước đạt 3.424,3 tỷ đồng, đạt 85,25% kế hoạch, tăng 5,74% (+185,9 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2023. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 2.076,8 tỷ đồng (chiếm 60,64% tổng nguồn vốn), đạt 84,78% kế hoạch, giảm 8,59% (- 195 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 1.347,5 tỷ đồng, tăng 39,41% (+ 380,9 tỷ đồng) so với cùng kỳ. 

Đăng ký kinh doanh: Từ đầu năm đến hết tháng 10/2024, có 1.072 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 84,50% so với cùng kỳ.Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 8.592 tỷ đồng, tăng 73,79% so với cùng kỳ, do vốn điều lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp thấp. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động: 583 doanh nghiệp tăng 71,47%. Doanh nghiệp thông báo giải thể 131 tăng 50,57% so với cùng kỳ.

* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:

 - Dự án tuyến Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý), công trình có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2024 ước thực hiện được 689,2 tỷ đồng, đạt 13,78% so với kế hoạch.

- Dự án Đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18, huyện Đình Lập: Tổng mức đầu tư 338,9 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2024 ước thực hiện được 139,6 tỷ đồng, đạt 41,19% kế hoạch. 

- Dự án xây dựng mở mới tuyến đường liên xã từ thị trấn Chi Lăng vào xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, công trình có tổng mức đầu tư 164,3 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2024 ước thực hiện được 52,6 tỷ đồng, đạt 32% so với kế hoạch.

- Dự án Kè chống sạt lở cấp bách khu vực trung tâm thị trấn Đình Lập, xã Bính Xá, huyện Đình Lập và khu vực thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2024 ước thực hiện được 27,6 tỷ đồng, đạt 27,75% kế hoạch. 

4. Tài chính, ngân hàng

4.1. Tài chính1 

- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 11 năm 2024 là 867,1 tỷ đồng, luỹ kế ước thực  hiện 11 tháng là 9.952,7 tỷ đồng, tăng 41,0% so với cùng kỳ, trong đó:

Thu nội địa là 2.660,0 tỷ đồng, đạt 111,5% dự toán Trung ương giao, đạt 107,0% so với dự toán tỉnh giao, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Do các đơn vị liên quan tập trung tổ chức thực hiện tốt các Luật Thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách mới ban hành,  thực hiện tốt công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế của người  nộp thuế... bằng nhiều hình thức; tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, triển khai hoá đơn xăng dầu theo từng lần phát sinh gắn với hiện đại hoá, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử; chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; triển khai các Đề án chống thất thu đã được ban hành trong các lĩnh vực; tích cực thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 6.744,3 tỷ đồng, đạt 134,9% so với dự toán giao, tăng 45,0% so với cùng kỳ. Hoạt  động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất  nhập cảnh qua địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, thuận lợi, thông suốt. Các lực lượng chức năng cửa khẩu luôn chú trọng công tác phối, kết hợp đạt hiệu quả cao, kịp thời trao đổi thông tin để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Các khoản huy động, đóng góp: 9,8 tỷ đồng. Trong đó: Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế nộp kinh phí sửa chữa trụ sở Sở Y tế 2.500 triệu đồng; các địa phương hỗ trợ thiệt hại do cơn bão số 3(Thành phố Đà Nẵng 2.000 triệu đồng, tỉnh Quảng Nam 1.000 triệu đồng, tỉnh Bắc Ninh 1.000 đồng, tỉnh Nghệ An 500 triệu đồng, tỉnh Hà Tĩnh 300 triệu đồng…).

- Về chi ngân sách địa phương

Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 11 tháng năm 2024 là 11.385,4 tỷ  đồng, đạt 78,1% dự toán giao đầu năm, tăng 29,5% so với cùng kỳ, trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 9.419,7 tỷ đồng, đạt 79,1% dự toán giao đầu năm và tăng 30,4% so cùng kỳ; chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 1.965,6 tỷ đồng đạt 73,6% dự toán, tăng 25,2% so với cùng kỳ.

 

4.2. Ngân hàng2  

Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh duy trì triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng; Bám sát chủ trương của  Chính phủ, định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và sự chỉ  đạo của  chính  quyền  địa  phương; thực hiện tốt công tác huy động vốn, đáp ứng đủ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh; quan tâm đầu tư tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo ch ủ trương của Chính phủ; giảm mặt bằng lãi suất trên cơ sở theo dõi diễn biến thị trường và định hướng của NHNN; đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; tích cực thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; tập trung thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia; các chương trình hỗ trợ lãi suất; thực hiện triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, hỗ trợ khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học theo Quyết định số 2345/QĐ -NHNN của NHNN Việt Nam; các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Kết quả huy động vốn và cho vay ước thực hiện đến 30/11/2024: Tổng huy động vốn ước đạt 48.595 tỷ đồng, tăng 10,8% so với 31/12/2023. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 43.669 tỷ đồng, tăng 0,6% so với 31/12/2023.

Tình hình thực hiện lãi suất: Lãi suất của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được duy trì ổn định ở mức thấp phù hợp với thị trường và định hướng của NHNN. 

Lãi suất huy động bằng VND đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng dao động ở mức 0,1 - 0,2%/năm; đối với kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng dao động từ 2,9 - 4,5%/năm; kỳ hạn từ 06 tháng trở lên ở mức 3,3 - 6,1%/năm. Lãi suất huy động bằng USD tối đa đối với cá nhân và tổ chức là 0%/năm theo quy định của NHNN Việt Nam.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 05 lĩnh vực ưu tiên tối đa là 4,0%/năm; cho vay ngắn hạn bằng VND dao động ở mức 7,0-10,0%/năm; cho vay trung dài hạn bằng VND dao động ở mức 9,0-11,0%/năm.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn áp dụng mức lãi suất riêng theo quy định; lãi suất cho vay thấp nhất là 3%/năm, lãi suất cho vay cao nhất là 9%⁄năm.

5. Thương mại và dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ có mức tăng khá, hàng hoá có giá cả ổn định đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu ngân sách trên địa bàn tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Trong tháng 11, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc diễn ra từ ngày 2 – 4/11, với chủ đề “Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024 là một sự kiện văn hóa quy mô lớn, với sự tham gia của 8 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn; lễ hội Thảo nguyên Đồng Lâm huyện Hữu Lũng diễn ra trong 2 ngày 15 - 16/11 đã có trên 15.000 lượt người đến tham quan, trải nghiệm tại lễ hội; ngày 20 - 21/11, tại Lạng Sơn diễn ra Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XX, Đại hội đã quy tụ khoảng 8.000 giáo dân về Lạng Sơn dự đại hội.

Hoạt động xuất nhập khẩu khẩu3: Công tác quản lý, theo tình hình hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn được thực hiện thường xuyên, kịp thời; tiếp tục tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng hiệu suất thông quan, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai Bên.Trong tháng, hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì tại 05 cửa khẩu, gồm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua khu vực mốc 1119-1120, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua khu vực mốc 1088/2-1089, lối thông quan Cốc Nam - Lũng Nghịu qua khu vực mốc 1104-1105), Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu song phương Chi Ma, các cửa khẩu phụ Na Hình, Nà Nưa. Các cơ quan chức năng tại cửa khẩu tiếp tục phối hợp với phía Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng hiệu suất thông quan, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai bên.

Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn trong tháng ước đạt 530 triệu USD, lũy kế 11 tháng ước đạt 5.090 triệu USD, đạt 99,8% kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ, cụ thể: kim ngạch xuất khẩu trong tháng ước đạt 260 triệu USD, lũy kế 11 tháng ước đạt 2.360 triệu USD, đạt 78,7% kế hoạch, giảm 8,9% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 270 triệu USD, lũy kế 11 tháng ước đạt 2.730 triệu USD, đạt 130% kế hoạch, tăng 36,8% so với cùng kỳ. Hàng địa phương xuất khẩu trong tháng ước đạt 16 triệu USD, lũy kế 11 tháng đạt 154 triệu USD, đạt 91,1% kế hoạch, tăng 7,7 so với cùng kỳ.

5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng 11, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu lưu trú, ăn uống, dịch vụ các dịch vụ khác tiếp tục đà tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ. Tỉnh đã có nhiều chính sách kích cầu kịp thời, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng các loại dịch vụ; các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, giá cả không có nhiều biến động, nguồn cung dồi dào,...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11/2024 ước tính đạt 3.082,2 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ.Trong đó: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 28,51%;; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,62%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 6,3%; nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 8,83%; nhóm xăng dầu các loại tăng 16,74%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 29,99%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 33,87%; nhóm hàng hóa khác tăng 23,59%. Bên cạnh những nhóm hàng hóa tăng cũng có những nhóm hàng hóa giảm như: Nhóm hàng may mặc giảm 1,03%; nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục giảm 47,06%; nhóm phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) giảm 3,57%.

Dự ước 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 29.767,4 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,91%. Tăng chủ yếu ở các nhóm hàng hóa: lương thực, thực phẩm tăng 18,01%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 27,97% và doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 88,87%; xăng, dầu các loại tăng 22,51% do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân tăng cao;…

5.2. Dịch vụ

Trong tháng 11, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu lưu trú, ăn uống, dịch vụ các dịch vụ khác tiếp tục đà tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ. Tỉnh đã có nhiều chính sách kích cầu kịp thời, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng các loại dịch vụ; các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, giá cả không có nhiều biến động, nguồn cung dồi dào,...

5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11/2024 ước đạt 274 tỷ đồng, tăng 5,11% so với tháng trước và tăng 23,1% so với cùng kỳ. Chia ra: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 16,9 tỷ đồng, tăng 6,93% so với tháng trước và tăng 28,44% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 257,1 tỷ đồng, tăng 4,99% so với tháng trước và tăng 22,76% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 2,1 tỷ đồng, tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 5,62% so với cùng kỳ.

Cộng dồn doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng năm 2024 ước đạt 2.614,3 tỷ đồng, tăng 14,93% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 22,9 tỷ đồng, tăng 13,44% so với cùng kỳ.

5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác

Doanh thu dịch vụ khác tháng 11/ 2024 ước đạt 153,1 tỷ đồng, tăng 1,89% so với tháng trước và bằng 92,11% so với cùng kỳ. Cộng dồn 11 tháng ước đạt 1.586,2 tỷ đồng bằng 90,2% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ như: Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 139,7 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ; dịch vụ giáo dục và đào tạo ước đạt 104,8 tỷ đồng, tăng 36,11% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ ước đạt 136,4 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ;...

Bên cạnh những nhóm dịch vụ tăng còn có nhóm dịch vụ giảm như: Dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 6,35%; dịch vụ khác giảm 17,29%  do nhu cầu người dân sử dụng dịch vụ giảm.

5.3. Vận tải

Trong tháng 11/2024, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh tăng so với tháng trước, vận tải hành khách đặc biệt là hoạt động vận chuyển hành khách bằng tacxi khi cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn. Bên cạnh đó sự phát triển của các hãng tacxi trên địa bàn (tacxi truyền thống; tacxi điện) tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở kinh doanh vận tải, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hoạt động vận tải hàng hóa tăng do nhu cầu vận chuyển tăng khi các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng tăng do hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi cùng với việc phát triển nền tảng cửa khẩu số được triển khai thành công và hiệu quả, lưu lượng xe chở hàng thông quan qua cửa khẩu tăng.

Dự ước doanh thu vận tải, kho bãi tháng 11 đạt 216,7 tỷ đồng, tăng 2,23% so với tháng trước và tăng 13,21% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 28,2 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 101,3 tỷ đồng, tăng 3,29% so với tháng trước và tăng 14,24% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 86,9 tỷ đồng, tăng 1,05% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 0,3 tỷ đồng, tăng 2,82% so với tháng trước và tăng 9,11% so với cùng kỳ.

 

Dự ước tổng doanh thu vận tải, kho bãi 11 tháng năm 2024 đạt 2.315,6 tỷ đồng, tăng 9,54% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 298,1 tỷ đồng, tăng 11,27%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.092,6 tỷ đồng, tăng 11,76%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 921,8 tỷ đồng, tăng 6,52%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 3,1 tỷ đồng, tăng 7,16% so với cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 5,7 triệu hành khách (HK), tăng 8,67% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 365,1 triệu HK.km, tăng 9,29% so với cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,1 triệu tấn, tăng 17,95% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 559,9 triệu tấn.km, tăng 8,29% so với cùng kỳ.

6. Chỉ số giá

6.1. Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 11/2024

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn tỉnh tháng 11/2024 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,2% so với kỳ gốc năm 2019. Trong tháng, giá xăng dầu, giá gas, giá vàng, giá Đô la Mỹ tiếp tục tăng, giảm theo sự biến động chung của thế giới. Bình quân 11 tháng năm 2024, CPI tăng 2,85% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2024  so với tháng trước 

CPI tháng 11/2024 tăng 0,13% (khu vực thành thị tăng 0,11%; khu vực nông thôn tăng 0,13%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 07 nhóm hàng tăng giá, 02 nhóm hàng giảm giá so và 02 nhóm mặt hàng không biến động so với tháng trước.

 

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21% , chia ra: 

+ Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 11/2024 tăng 0,62%, chủ yếu tăng: gạo tăng 1,07% (gạo tẻ thường tăng 1,22%, gạo tẻ ngon tăng 0,44%); lương thực chế biến tăng 0,03% (miến tăng 0,03%, bột ngô tăng 0,42%, ngũ cốc khác tăng 0,18%...).

+ Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 11/2024 tăng 0,2%, tăng chủ yếu ở một số nhóm như: nhóm giá thịt gia súc tăng 0,17% (Thịt lợn tăng 0,21%, tác động CPI tăng 0,01 điểm phần trăm, nội tạng động vật tăng 0,04%); nhóm giá thịt gia cầm tăng 0,5% (thịt gà tăng 0,49%, thịt gia cầm khác tăng 0,56%); nhóm thịt chế biến tăng 0,01% (thịt quay, giò, chả tăng 0,01%); nhóm thuỷ sản tươi sống tăng 0,12%; nhóm thuỷ sản chế biến tăng 1,15%; nhóm các loại rau tươi, khô và chế biến tăng 0,22% do trong tháng một số loại rau củ thời điểm cuối, đầu, trái vụ thu hoạch như: su hào tăng 1,23%, cà chua tăng 2,08%, đỗ quả tươi tăng 2,12%, rau dạng quả củ tăng 0,4%,...so với tháng trước. Trong nhóm, thịt và sản phẩm từ thịt có chỉ số tăng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) từ những tháng trước nên tháng này nguồn cung ứng thịt lợn chưa được dồi dào. Đây cũng là nhóm luôn có chỉ số biến động vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mùa vụ, thiên tai, dịch bệnh và nguồn cung ứng đầu vào.

+ Chỉ số giá nhóm ăn, uống ngoài gia đình tháng 11/2024 tăng 0,01%, tăng chủ yếu mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, tăng 0,3%.

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 11/2024 giảm 0,04%. Nhóm này giảm chủ yếu mặt hàng bia lon, giảm 0,64%.

Chỉ số giá của nhóm này tăng chủ yếu ở nhóm mặt hàng vải các loại, tăng 1,14%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,22%, tác động làm tăng CPI 0,04 điểm phần trăm. Nhóm này tăng chủ yếu ở nhóm mặt hàng dầu hỏa, tăng 3,49%.

Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 11/2024 tăng 0,12%, trong đó: nhóm thiết bị dùng trong gia đình tăng 0,12% ( máy giặt tăng 0,1%), nhóm đồ dùng trong nhà tăng 0,14% ( máy xay sinh tố, ép hoa quả tăng 0,07%;    ấm, phích nước điện tăng 0,29%...). Nhóm này luôn có biến động tăng, giảm do các siêu thị, các cửa hàng, các hộ kinh doanh cá thể thay đổi chương trình khuyến mại theo nhà phân phối hoặc xả hàng để kích cầu tiêu dùng.

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng 11/2024 tăng 0,04%, trong đó: nhóm thuốc và thiết bị y tế tăng 0,21%, nhóm dụng cụ y tế tăng 1,07%.

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 11/2024 giảm 0,04%. Nhóm này giảm chủ yếu ở một số nhóm như: nhiên liệu giảm 0,11% (xăng giảm 0,28%), dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,09%. Giá xăng, dầu biến động tăng, giảm theo giá nhiên liệu thế giới. Tính đến ngày 27/11/2024, trong tháng có 3 kỳ điều chỉnh, 

Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông không biến động so với tháng trước, các mặt hàng nhìn chung ổn định giá.

Chỉ số nhóm giáo dục tháng 11/2024 giữ nguyên so với tháng trước, các mặt hàng đều ở mức ổn định giá.

Chỉ số nhóm văn hoá giải trí và du lịch tháng 11/2024 tăng 0,06%, tăng chủ yếu ở các nhóm mặt hàng: văn hóa tăng 0,08%, thể thao và giải trí khác tăng 0,2, giải trí tăng 0,08%.

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 11/2024 tăng 0,20%, tăng chủ yếu ở mặt hàng túi xách, va ly, ví, tăng 2,57%; mặt hàng đồ trang sức tăng 2,88%.

* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 năm 2024 so với cùng kỳ 

CPI tháng 11/2024 tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng có 08 nhóm tăng giá và 03 nhóm giảm giá. Cụ thể 08 nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ: hàng ăn và dịch vụ ăn uống  tăng 5,35%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,73%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,65%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dụng tăng 4,25%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,91%; nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 11,26%; nhóm văn hoá, giải trí, du lịch tăng 0,92%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,92%. 

 

* Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng năm 2024

Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng năm 2024 tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước (khu vực thành thị tăng 2,54%; khu vực nông thôn tăng 3,02%), gồm 08 nhóm tăng giá và 03 nhóm giảm giá. Nguyên nhân chính tác động tăng chỉ số giá trong 11 tháng năm 2024 là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi dẫn đến giá cả thịt lợn tăng; do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm chế biến sẵn và một phần tác động gián tiếp từ việc tăng lương, tăng các dịch vụ liên quan tiền lương, dịch vụ xã hội, dẫn đến việc tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Giá cả một số nhóm hàng tăng như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,92% (lương thực tăng 9,01%, thực phẩm tăng 3,95%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,1%); nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 4,37%; nhóm may mặc, mũ nón giầy dép tăng 0,8%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,41%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 3,46%; thuốc và dụng cụ y tế tăng 11,24%, nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,91%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,51%. Bên cạnh đó, nhóm hàng có chỉ số giá 11 tháng năm 2024 giảm so với cùng kỳ là nhóm giao thông giảm 0,09% (tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 42 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 14 kỳ tăng đồng loạt, 11 kỳ giảm giá, 17 kỳ giảm giá xăng dầu tăng – giảm đan xen), nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,45%, giáo dục giảm 3,72%.

6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Tháng 11/2024, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Trên xu hướng giá vàng trong nước tăng cao trong thời gian vừa qua, giá vàng trên địa bàn tăng 2,78% so với tháng trước, tăng 45,29% so với cùng kỳ năm trước, tăng 117,65% so với giá gốc 2019. Bình quân 11 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 30,36% so với cùng kỳ.

Trong tháng 11/2024, đồng đô la Mỹ tăng 2% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,62% và so với năm gốc năm 2019 tăng 9,44%. Bình quân 11 tháng đầu năm, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,04% so với cùng kỳ.

 

7. Một số tình hình xã hội 

7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội4

Giải quyết việc làm: Kiểm tra hồ sơ, thông báo chấp thuận 09 vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh của 05 lượt doanh nghiệp . Cấp 19 giấy phép lao động. Xác nhận thu hồi giấy phép lao động của người lao động nước ngoài làm việc tại 02 doanh nghiệp.

Bảo hiểm xã hội: Trợ cấp cho 3.509 người có công và thân nhân với kinh phí 8.314,4 triệu đồng, trong đó chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho 1.046 người có công và thân nhân, kinh phí 2.480,1 triệu đồng đạt tỷ lệ 29,8%. Luỹ kế chi trả trợ cấp cho 39.213 lượt người có công và thân nhân với kinh phí 92.154,8 triệu đồng, trong đó chi trả qua tài khoản cho 11.092 lượt người có công và thân nhân với kinh phí 26.603,3 triệu đồng.

7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng5

Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và tinh thần thái độ phục vụ, sự hài lòng của người bệnh. Đảm bảo công tác y tế và chế độ thường trực cấp cứu 24/24 giờ; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại cơ sở; tháo gỡ khó khăn và vướng mắc trong thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của các đơn vị.

Kết quả trong tháng 11 khám được 145.677 lượt, cộng dồn 11 tháng khám được 1.285.852 lượt, đạt 89,0%  kế hoạch năm, điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã 13.681 lượt, cộng dồn được 134.855 lượt, đạt 86,4% kế hoạch năm, điều trị ngoại trú 10.443 lượt, cộng dồn được 124.224 lượt, đạt 135,0% kế hoạch năm.

Khám chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập: Trong tháng khám được 32.891 lượt (cộng dồn 320.768 lượt), trong đó khám bảo hiểm y tế  2.603 lượt (cộng dồn 303.620 lượt); chuyển tuyến 1.089 lượt (cộng dồn 12.293 lượt); khám sức khỏe 3.010 lượt, khám sức khỏe lái xe 1.973 lượt (cộng dồn 16.021lượt).

Công tác tiêm chủng mở rộng: Tiếp tục được triển khai tại 11 huyện, thành phố. Trong tháng 11/2024, đã có 953 trẻ  dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ  các loại vắc xin, cộng dồn tháng 10, tổng số trẻ được tiêm chủng đạt 8.022/8.352 trẻ, đạt 96% chỉ  tiêu kế hoạch năm. Tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu đạt 92,4% trong tháng (912/987 trẻ), cộng dồn từ  đầu năm đạt 87,3% (7.270/8.331 trẻ). Phụ nữ mang thai, số người được tiêm đủ  mũi AT2+ trong tháng đạt 86,4% (746/1.009 người), cộng dồn là 6.685/8.352  phụ nữ mang thai được tiêm đủ. Kết quả loại trừ uốn ván sơ sinh đảm bảo tỷ lệ  ≤ 1 trường hợp/trẻ đẻ sống, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.

Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong tháng được đẩy mạnh tại  các tuyến  huyện, xã với nhiều hình thức đa dạng và phong phú nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe.

7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch6

Về nghệ thuật biểu diễn: Tổ chức được 09 chương trình biểu diễn. Tính đến ngày 15/11/ 2024 đã thực hiện biểu diễn được 81/110 chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ các nhiệm vị chính trị, các ban ngành, cơ sở và vùng sâu, vùng xa (Đạt 81% Kế hoạch giao). Trong đó: 60 chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị và các ban ngành đoàn thể; 03 chương trình giao lưu nghệ thuật với nước bạn Trung Quốc;  18  chương trình biểu diễn phục vụ cơ sở (Trong đó có 15 buổi phục vụ các xã vùng 3). Ước tính số lượt người xem khoảng trên 200.000 lượt người.

Về thể dục, thể thao: Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” Phòng QL TDTT đã tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng phong trào phát triển thể thao quần chúng, chương trình, kế hoạch, thể lệ, điều lệ tổ chức các hoạt động thể thao. Tổ chức giải Vô địch Bóng chuyền tỉnh Lạng Sơn năm 20247 . Tổ chức thành công 04 môn thể thao Đẩy gậy, Kéo co, Cà kheo, Tung còn trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn. Hỗ trợ trợ tổ chức thành công Đại hội điểm Đại hội TDTT xã Gia Cát, huyện Cao Lộc8. Phối hợp với Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam tổ chức Vòng loại khu vực phía Bắc – giải Vô địch Cờ tướng không chuyên toàn quốc năm 2024 tại thành phố Lạng Sơn. Tham dự 01 giải thi đấu quốc tế giải Cúp Taolu Thế giới năm 2024 tại Nhật Bản tham gia ở nội dung Nam quyền nam xếp hạng 8/10

Về du lịch: Dự ước tổng lượng khách tháng 11/2024 đạt: 185.000 lượt khách. Trong đó:  Khách quốc tế đạt 13.000  lượt khách; Khách trong nước đạt 172.000 lượt khách; Doanh thu ước đạt 167 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng năm 2024 đạt 4.026.000 lượt khách, tăng 6,94% so với cùng kỳ, đạt 99,16% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó: Khách quốc tế đạt 129.000 lượt khách, tăng 310,27% so với cùng kỳ, đạt 80,63% so với kế hoạch năm 2024; Khách trong nước đạt 3.897.000 lượt khách, tăng 4,38% so với cùng kỳ, đạt 99,92% so với kế hoạch năm 2024; Doanh thu ước đạt 3.504 tỷ đồng, tăng 16,85% so với cùng kỳ, đạt 81,49% so với kế hoạch năm 2024.

7.4. Giáo dục

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp và Ngày hội Khởi nghiệp cấp tỉnh của học sinh, sinh viên năm 2024; Hội nghị tập huấn triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác Bình đẳng giới năm 2024; Hội thảo tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số năm học 2024 - 2025;  Hội nghị sinh hoạt chuyên môn lần thứ  nhất và tập huấn thực hiện chương  trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông năm học 2024 - 2025. Tập huấn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá cấp tiểu học năm học 2024 - 2025; tập huấn dạy học hoà nhập học sinh rối loạn phổ tự kỷ, năm học 2024 - 2025; tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên dạy học hoà nhập học sinh rối loạn phổ tự kỷ, năm học 2024 - 2025. 

7.5. Trật tự - An toàn giao thông

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tổ chức thực hiện các đợt cao điểm trấn áp các loại tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội. Trong tháng xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 15 người, bị thương 56 người. 

7.6. Môi trường

Trong tháng phát hiện 02 vụ vi phạm môi trường, giảm 12 vụ so với cùng kỳ, giảm 04 vụ so với tháng trước; khởi tố 01 vụ vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Lũy kế từ đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát hiện 167 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 116 vụ với tổng số tiền phạt là 475,3 triệu đồng.

1Nguồn: Sở Tài chính

2Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn

3Nguồn: Sở Công Thương

4Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.

5Nguồn: Sở Y tế.

6Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch.

7Khai mạc 7h30 ngày 07/11/2024 tại Nhà thi đấu Thể thao tỉnh. Tham gia gồm 9 đoàn với 9 đội nam và 4 đội nữ VĐV đến từ 5 huyện thành phố và 4 cơ quan ban ngành trên địa bàn toàn tỉnh. Giải đã tổ chức thành công tốt đẹp.

8Lễ khai mạc ngày 09/11/2024 đã thành công, Ban chỉ đạo đã tổ chức họp rút kinh nghiệm và ban hành các văn bản để xã phường thị trấn tổ chức tố Đại hội TDTT cấp xã.

 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây