Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2024

Thứ sáu - 28/06/2024 05:18
Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Thực hiện chủ trương tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo bước chuyển biến mới trong thu hút đầu tư, tỉnh tích cực hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trọng điểm. Hoạt động sản xuất công nghiệp cơ bản ổn định, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ và các hợp đồng đặt hàng. Hoạt động thương mại diễn ra sôi động, giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân, không có hiện tượng thiếu hàng cũng như tăng giá đột biến. Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế  Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, Nà Nưa. Lượng phương tiện chở hàng hóa trung bình đạt 1.200 xe/ngày. Tiến độ gieo trồng cây trồng vụ Xuân đảm bảo theo khung thời vụ, vật tư phân bón, giống cây trồng được đáp ứng đầy đủ. Kết quả tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2024 đạt được một số kết quả như sau:
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 
1.1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,72% so với cùng kỳ. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,99%, đóng góp 0,85 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,48%, đóng góp 1,34 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 4,38%, đóng góp 2,16 điểm phần trăm vào mức tăng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,59%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm vào mức tăng chung. 
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Trong 6 tháng đầu năm 2024, thời tiết trên địa bàn tỉnh ấm hơn, ít xảy ra các đợt rét đậm, rét hại so với năm trước, thuận lợi cho công tác gieo trồng vụ Đông Xuân. Gieo trồng cây hằng năm phát triển theo định hướng đảm bảo lương thực có hạt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như thuốc lá, ớt; Tuy nhiên, diện tích cây thạch đen giảm 1.079,26 ha  so với cùng kỳ, góp phần làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cây hằng năm và của ngành trồng trọt. Tổng diện tích gieo trồng cây  hằng năm vụ Đông  Xuân năm 2024 ước thực hiện được 45.389 ha, giảm 0,38% (-173,1 ha). Một phần diện tích gieo trồng cây hằng năm giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất công cộng, chuẩn bị mặt bằng xây dựng công trình giao thông.
Khu vực công nghiệp và xây dựng: Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn cơ bản ổn định, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Ngành chế biến, chế tạo dự ước tăng trên 15,77%, đóng góp lớn vào mức tăng chung toàn ngành. Tuy nhiên một số ngành có tốc độ tăng chậm và giảm sâu so với cùng kỳ đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của ngành công nghiệp như ngành khai thác than cứng và than non giảm 15,81% do sản lượng khai thác than sơ khai không đáp ứng đủ cho sản xuất; Sản xuất đồ uống giảm 8,85% do giảm chủ yếu ở hoạt động nấu rượu trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể) do việc kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông, ý thức người dân được nâng cao nên lượng tiêu thụ rượu giảm; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,82%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 36,56%, do năm 2024, nhu cầu sử dụng giảm, các đại lý tiêu thụ giảm đơn đặt hàng nên Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Xe Điện ĐK Việt Nhật giảm sản xuất; ngành sản xuẩt gường, tủ, bàn, ghế giảm 38,27%, do nhu cầu người dân chuyển sang sử dụng sản phẩm giường, tủ bán sẵn, nhu cầu đặt làm tại cơ sở sản xuất giảm. Đặc biệt là ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí chiếm 30,38% của ngành công nghiệp và chiếm 3,81% trong GRDP của tỉnh, trong 6 tháng sản lượng điện sản xuất của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương giảm khoảng 11,28% so với cùng kỳ (tương ứng giảm 47,25 triệukwh), do nguyên liệu sản xuất nhiệt điện không đảm bảo, doanh nghiệp phải nhập than từ nơi khác với chi phí cao, mặt khác do công ty sản xuất theo kế hoạch của Tổng Công ty nên sản lượng điện giảm so cùng kỳ. Bên cạnh đó Nhà máy thủy điện Thác Xăng giảm sản lượng sản xuất theo lệnh điều động sản xuất từ Tổng công ty 6 tháng đầu năm sản lượng sản xuất giảm -9,5% so với cùng kỳ (tương đường giảm 3,18 Triệu Kwh).
Hoạt động xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều dự án đã và đang được triển khai, xây dựng. Nhằm đảm bảo tiến độ thi công theo kế hoạch đề ra, các nhà thầu, tổ, đội xây dựng đã tập trung mọi nguồn lực,tranh thủ những ngày  nắng ráo để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng ngay từ những tháng đầu năm, khẩn trương hoàn thành đúng hoặc trước thời hạn các hạng mục công trình trước khi mùa mưa đến có thể ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Dự ước giá trị sản xuất theo giá hiện hành ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7.835,3 tỷ đồng, tăng 9,62%. 
Khu vực dịch vụ: 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động thương mại diễn ra sôi động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân, không có hiện tượng thiếu hàng cũng như tăng giá đột biến. Hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa ổn định, thông suốt, an toàn. Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục được cải thiện, nâng cao về chất lượng. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, các chương trình, hoạt động du lịch, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, số lượng người tham gia các lễ hội truyền thống của tỉnh tăng cao. Bên cạnh đó vẫn còn một số ngành bị giảm sâu như ngành kinh doanh bất động sản do thị trường bán đất bị chững lại, nguồn vốn đầu tư hạn chế và nguồn cung nhà mới có giá bán cao, nhu cầu của người dân giảm dẫn đến tăng trưởng ngành này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước giảm 23,55%. 
1.2. Cơ cấu kinh tế
Quy mô GRDP theo giá hiện hành ước tính đạt  22.699 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,14%, công nghiệp và xây dựng 23,18%, dịch vụ 50,92%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,76%. 
2. Tài chính, ngân hàng    
2.1. Tài chính 1

Trong 6 tháng đầu năm trên cơ sở dự toán được giao, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thành phố đã phân bổ kịp thời vốn cho từng chương trình, dự án, trong đó tập trung đầu tư vào các chương trình, dự án trọng điểm có tính kết nối liên vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Công tác thu, chi ngân sách được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, chủ động đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) đáp ứng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội góp phần ổn định đời sống Nhân dân.
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Ước thực hiện thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu là 5.020.694 triệu đồng, đạt 68,0% dự toán Trung ương giao, đạt 67,1% dự toán tỉnh giao, tăng 31,3% so với cùng kỳ, trong đó:
 Thu nội địa: 1.420.000 triệu đồng, đạt 59,5% dự toán Trung ương giao, đạt 57,1% dự toán tỉnh giao, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung  triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, duy trì ổn định và tăng trưởng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Thị trường hàng hoá diễn ra sôi động, đa dạng, các hoạt động vận tải, dịch vụ tỉnh tiếp tục được cải thiện, nâng cao về chất lượng góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung. Thu nội địa nếu trừ đi các khoản thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết và thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu ước đạt 932.992 triệu đồng, đạt 68,1% dự toán. Trong tổng số 15 khoản thu nội địa, có 12  khoản thu đạt và vượt tiến độ dự toán giao, có 02 khoản thu chưa đạt tiến độvà 01 khoản thu chưa phát sinh số thu (thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế).
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 3.600.000 triệu đồng, đạt 72,0% dự toán giao, tăng 42,9% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh qua địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi, ổn định do phía Trung Quốc đã bình thường hoá các hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa  khẩu. Các lực lượng  chức năng  tăng cường công tác thông tin trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc  để đề nghị thống nhất triển khai các nội dung thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa; đồng thời, phối hợp tổ chức triển khai phương án phân luồng, điều tiết phương tiện chở hàng hoá xuất, nhập khẩu đảm bảo khoa học, hợp lý để hoạt động thông quan hàng hoá luôn diễn ra thông suốt với hiệu suất cao nhất.
Các khoản huy động, đóng góp: 694 triệu đồng.
- Về chi ngân sách địa phương
Ủy ban nhân dân tỉnh đã điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, các nhiệm vụ chi được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, quản lý nhà nước và đảm bảo kinh phí phòng chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN. Các đơn vị sử dụng ngân sách và các cấp ngân sách đã nghiêm túc tổ chức triển khai các giải pháp đề ra, thực hiện chi ngân sách bám sát quy định về định mức chi; công tác thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy định. 
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 5.422.928  triệu đồng,  tăng 19,2% so với cùng kỳ, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 392.008  triệu đồng, tăng 1,4%  so cùng kỳ. Chi thường xuyên là 4.244.000 triệu đồng, tăng 26,6% so cùng kỳ.
2.2. Ngân hàng 2
Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và pháp luật về hoạt động ngân hàng, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường huy động vốn, mở rộng đầu tư tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường khả năng, hấp thụ vốn cho nên kinh tế. Thực hiện giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Kết quả huy động vốn và cho vay ước thực hiện đến 30/6/2024: Tổng huy động vốn ước đạt 45.234 tỷ đồng, tăng 10,91% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 43.920 tỷ đồng, tăng 8,05% so với cùng kỳ.
Tình hình thực hiện lãi suất: Lãi suất của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định ở mức thấp phù hợp với thị trường và định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 
Lãi suất huy động bằng VND đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng dao động ở mức 0,1 - 0,2%/năm; đối với kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng dao động từ 1,9 - 3,85%/năm; kỳ hạn từ 06 tháng đến dưới 12 tháng dao động từ 3,0 – 4,8%/năm; tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 4,5 – 5,3%/năm. Lãi suất huy động bằng USD tối đa đối với cá nhân và tổ chức là 0%/năm theo quy định của NHNN Việt Nam.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 05 lĩnh vực ưu tiên tối đa là 4,0%/năm; cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh phổ biến ở mức 7,0- 8,5%/năm; cho vay ngắn hạn khác phổ biến ở mức 8,2 - 10,0%/năm; cho vay trung, dài hạn sản xuất kinh doanh phổ biến ở mức 9,0 - 11,0%/năm; cho vay trung dài hạn khác phổ biến ở mức 9,5-11%/năm. 
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn áp dụng mức lãi suất riêng theo quy định; lãi suất cho vay thấp nhất là 3%/năm, lãi suất cho vay cao nhất là 9%⁄năm.
3. Chỉ số giá 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,31% so với tháng trước, tăng 1,96% so với tháng 12/2023 và tăng 4,12% so với cùng kỳ. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,98% so với bình quân cùng kỳ.
So với tháng trước, tháng 6 năm 2024 có 6 nhóm hàng CPI tăng giá, trong đó nhóm: Nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,38%, chủ yếu là CPI thực phẩm tăng như thịt lợn tăng 6,25%, do dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn các huyện, thành phố có chiều hướng lây lan từ cuối tháng 5, nguồn cung thịt lợn có nguy cơ giảm, các cơ sở mua bán, giết thịt nhập giá lợn hơi tăng dẫn đến giá bán lẻ tăng so với tháng trước; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,19%, do hầu hết các mặt hàng đều tăng; Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,09%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; Giáo dục tăng 0,03%. Trong tháng có 4 nhóm hàng CPI giảm giá so với tháng trước: Nhóm Giao thông giảm 1,92%, do giá xăng, dầu biến động tăng, giảm liên tục theo giá nhiên liệu thế giới và mức thuế bảo vệ môi trường; Bưu chính viễn thông giảm 0,2%; Văn hoá giải trí và du lịch giảm 0,15%; Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,03% và 01 nhóm giữ nguyên giá là nhóm May mặc, mũ nón, giày dép.
Chỉ số giá quý II năm 2024 tăng 0,71% so với quý trước, tăng 3,95% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,51% so với kỳ gốc năm 2019. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, có 10 nhóm hàng tăng giá, 01 nhóm hàng giảm giá. Nguyên nhân chỉ số giá quý II tăng là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng, bên cạnh đó một số hoa quả mất mùa (vải , xoài …) và một số mặt hàng rau củ quả cuối vụ nên giá cả tăng cao.
Bình quân 6 tháng năm 2024, CPI tăng 2,98% so với cùng kỳ, trong đó: 10 nhóm hàng CPI tăng: Nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,48% (lương thực tăng 8,15%; thực phẩm tăng 3,48%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,99%); Đồ uống, thuốc lá tăng 4,08%; May mặc, mũ nón giầy dép tăng 0,87%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,05%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,06%; Thuốc và dụng cụ y tế tăng 11,28%; Giao thông tăng 2,13% (tính từ đầu năm đến nay, xăng có 14 lần tăng giá, 10 lần giảm giá, mặt hàng dầu có 12 lần tăng giá và 12 lần giảm giá); Giáo dục tăng 0,6%; Văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,06%; Hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,11% và 01 nhóm giảm giá là Bưu chính viễn thông giảm 0,61%.
Chỉ số giá vàng: Tháng 6 năm 2024, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới và các phương án bình ổn giá vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, giá vàng trong nước từ đầu năm đã liên tục lập các đỉnh mới về giá, nên trong tháng giá vàng miếng có giảm nhưng vẫn giữ mức tăng cao. Tháng 6, giá vàng trên địa bàn giảm 0,53% so với tháng trước, tăng 32,62% so với cùng kỳ năm trước, tăng 88,91% so với giá gốc 2019. Bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 22,99% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Trong tháng 6 năm 2024, đồng đô la Mỹ so với tháng trước tăng 0,99% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,93% và so với năm gốc năm 2019 tăng 10,47%. Bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,42% so với cùng kỳ.
4. Đầu tư, xây dựng
Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều dự án đã và đang được triển khai, xây dựng. Các dự án được đầu tư, xây dựng trong thời gian tới góp phần nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, từng bước hiện thực chương trình phát triển nhà ở, giải quyết được nhu cầu mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp đầu tư thứ cấp, qua đó tăng cường năng lực cạnh tranh, giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh và góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong những năm tiếp theo như: Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn với tổng mức đầu tư 6.321,7 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) với tổng mức đầu tư 7.946,8 tỷ đồng; dự án nâng cấp đoạn Km18 - Km80 quốc lộ 4B với tổng mức đầu tư 2.296,4 tỷ đồng; Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng mức đầu tư 11.024 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án 5.495 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư thu xếp: 5.529 tỷ đồng); dự án Nhà máy nhiệt điện Na Dương II với tổng mức đầu tư 4.088,9 tỷ đồng; dự án Khu đô thị mới Hữu Lũng với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng...
Tổng vốn đầu tư thực hiện quý II năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt 5.352,8 tỷ đồng, tăng 14,13% (+ 662,8 tỷ đồng) so với cùng kỳ, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện đạt 1.392,4 tỷ đồng, tăng 2,33% (+ 31,7 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn đầu tư ngoài Nhà nước đạt 3.959,8 tỷ đồng, tăng 19,40% (+ 643,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 571 triệu đồng.
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 9.818,6 tỷ đồng, tăng 14,74% (+ 1.261,1 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Trong đó, vốn Nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.525,7 tỷ đồng, tăng 13,69% (+ 304,2 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn đầu tư ngoài Nhà nước 7.292,1 tỷ đồng, tăng 15,47% (+ 977,0 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 734,7 triệu đồng. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong vùng với tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng), ưu tiên đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mới theo quy hoạch.
Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
Dự án Đường tránh ngập vào trung tâm các xã nghèo miền núi 30A, Cường Lợi - Đồng Thắng - Lâm Ca (huyện Đình Lập), công trình với tổng mức đầu tư 542,8 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 6/2024 ước thực hiện được 341,4 tỷ đồng, đạt 62,89% so với kế hoạch.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 - km18): Tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 6/2024 ước thực hiện được 921,5 tỷ đồng, đạt 93,25% kế hoạch.
Dự án Đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18, huyện Đình Lập: Tổng mức đầu tư 338,9 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 6/2024 ước thực hiện được 127,6 tỷ đồng, đạt 37,64% kế hoạch. 
Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28), huyện Cao Lộc: Tổng mức đầu tư 299,7 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 6/2024 ước thực hiện được 262 tỷ đồng, đạt 87,41% so với kế hoạch.
5. Tình hình doanh nghiệp
Từ đầu năm đến hết tháng 5 năm 2024, có 503 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 123,6% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 4.313 tỷ đồng, tăng 259,1% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 352 doanh nghiệp tăng 65,3%. Doanh nghiệp thông báo giải thể 68 doanh nghiệp tăng 88,9% so với cùng kỳ.
Xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế  tạo trên tổng số 33 doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo hỏi về xu hướng kinh  doanh. Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý  II so với quý trước: 27,27% doanh nghiệp đánh giá tốt lên; 45,46% doanh nghiệp giữ ổn định; 27,27% số doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Trong  đó, khu vực đầu tư nước ngoài 20,0% doanh nghiệp đánh giá tốt lên; 60,0% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất giữ ổn định; 20,0% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước: 28,6% đánh giá tốt lên và 42,9% giữ ổn định và 28,5% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn quý trước.
Xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh, trong quý II, có 32,70% doanh nghiệp có kết quả SXKD thuận lợi hơn;  22,40% doanh nghiệp giữ ổn định và 44,90% doanh nghiệp gặp khó khăn hơn (chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài nhà nước). Dự báo về biến động chi phí nguyên, vật liệu có 55,10% doanh nghiệp đánh giá tăng so với quý trước;  32,70% doanh nghiệp đánh giá giảm và 12,20% doanh nghiệp đánh giá không đổi. Chi phí nhân công có 46,90% doanh nghiệp đánh giá tăng; 30,60% doanh nghiệp đánh giá giảm và 22,50% doanh nghiệp đánh giá không đổi.
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định, trong tháng 06, người dân tập trung chủ yếu vào khâu chăm sóc đồng thời thu hoạch các cây rau màu vụ Xuân kết hợp làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ Mùa. Các công trình thủy lợi cơ bản đảm bảo phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp. Các đơn vị cung ứng giống trên địa bàn tỉnh chuẩn bị đảm bảo đủ lượng giống cung ứng cho người dân sản xuất. Hoạt động chăn nuôi ổn định, đảm bảo nguồn cung thịt và sản phẩm từ thịt, riêng số lượng đàn trâu, bò có xu hướng giảm. Công tác bảo vệ và phát triển rừng thực hiện có hiệu quả. Hoạt động khai thác thuỷ sản, phong trào nuôi cá ao, hồ, nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định.
Tuy nhiên, thời tiết từ cuối tháng 5 đến nay có nhiều ngày mưa nên ảnh hưởng tiến độ thu hoạch cây trồng vụ Xuân năm 2024; xuất hiện các đàn châ chấu tre lưng vàng gây hại trên cây trồn, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn ngăn chặn tác hại của châu chấu tre, không để phát tán gây hại trên diện rộng; dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra trên địa bàn các huyện, thành phố và có chiều hướng lây lan và phát sinh mạnh do mầm bệnh vẫn còn tồn lưu trong môi trường gặp điều kiện thuận lợi phát sinh thành dịch. 
6.1. Nông nghiệp
* Cây hằng năm

Trong tháng 6, các hộ nông dân đang thu hoạch cây trồng vụ Xuân (ngô, khoai, thuốc lá, ớt...); bắt đầu thu hoạch lúa Xuân sớm và chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho sản xuất vụ Mùa. Thời tiết hiện nay cơ bản thuận lợi cho khâu làm đất và gieo trồng các loại cây trồng, lượng nước đảm bảo bước đầu phục vụ cho sản xuất. Thu hoạch lúa Xuân trong tháng đạt 321,55 ha, tăng 2,08% (+6,55 ha) so với cùng kỳ; diện tích gieo trồng ngô ước 175 ha, giảm 1,96% (-3,5 ha) so với cùng kỳ; trong tháng thu hoạch 624,01 ha ngô, tăng 2,13% so với cùng kỳ. Cây khoai lang diện tích gieo trồng ước 65,27 ha, tăng 3,6% (+2,27 ha); cây lạc gieo trồng 122,25 ha, giảm 1,57% (-1,95 ha); đậu tương gieo trồng  81,65 ha, giảm 3,49% (-2,95 ha). Ngoài ra, trong tháng người dân thu hoạch đậu tương 104,24 ha, lạc (254,98 ha), rau các loại (1.338,17 ha), đậu các loại (148,69 ha)... 
 

Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông Xuân năm 2024 sơ bộ thực hiện được 45.388,76 ha, giảm 0,38% (-174,10 ha). Một phần diện tích gieo trồng cây hằng năm giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất công cộng, chuẩn bị mặt bằng xây dựng công trình giao thông. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước thực hiện được 152.015 tấn, tăng 0,79% (+1.195,66 tấn) so với cùng kỳ. 
Cây lúa diện tích gieo trồng sơ bộ thực hiện 15.457,71 ha, tăng 0,14% (+22,23 ha). Từ cuối tháng 5, thời tiết mưa rào, cung cấp kịp thời nước tưới tiêu cho các xứ đồng, với việc sử dụng các lọai giống lúa lai có sức phát triển cao, kháng sâu bệnh tốt. Mặc dù có phát sinh một số loại sâu bệnh gây hại như: rầy nâu, ốc bươu vàng, châu chấu…, tuy nhiên mức độ gây hại ít không ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh trưởng chung của cây lúa. Năng suất lúa sơ bộ đạt 51,65 tạ/ha, tăng 1,03% (+0,53 tạ/ha), sản lượng lúa đạt 79.845,23 tấn, tăng 1,17% (+926,14 tấn) so với cùng kỳ.
Cây ngô diện tích gieo trồng sơ bộ thực hiện 13.792,26 ha, tăng 1,15% (+157,11 ha). Cây ngô đang trong giai đoạn phát triển ổn định, tiến hành phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo đúng quy trình hướng dẫn. Sơ bộ năng suất ngô vụ Đông Xuân đạt 52,32 tạ/ha, giảm 0,78% (-0,41 tạ/ha), sản lượng ngô đạt 72.169,8 tấn, tăng 0,37% (+264,52 tấn) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, xuất hiện các đàn châu chấu tre lưng vàng phá hại cây rừng và di chuyển từ trên đồi cao xuống các khe suối, bờ bụi và bắt đầu xuất hiện gây hại một số diện tích lúa, ngô xảy ra tại 05 huyện (Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình) với diện tích nhiễm 59,5 ha. Cơ quan chức năng đã hỗ trợ, khoanh vùng, hướng dẫn người dân phun trừ; đến nay, diện tích xuất hiện châu chấu đã được phun thuốc phòng trừ, không có thiệt hại lớn xảy ra.
Cây thuốc diện tích gieo trồng sơ bộ đạt 2.732,9 ha, tăng 6,14% (+158 ha). Những năm gần đây, thuốc lá được trồng nhiều trở lại, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, thu sản phẩm tại hộ, giá bán thuốc lá ổn định ở mức 50.000 đồng - 53.000 đồng/kg nên người dân yên tâm mở rộng sản xuất. Thuốc lá trồng từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, tại các huyện Bắc Sơn, Chi Lăng và Hữu Lũng. Năng suất sơ bộ đạt 22,61 tạ/ha, giảm 1,3% (- 0,3 tạ/ha), do thuốc lá là loại cây năng suất phụ thuộc chất nhựa trong cây, đến thời điểm thu hoạch, thời tiết mưa nhiều, lá phát triển, tuy nhiên ít nắng ảnh hưởng quá trình quang hợp, chất nhựa trong lá thuốc thu hoạch ít hơn, giảm năng suất. Sản lượng đạt 6.178,59 tấn, tăng 4,76% (+280,72 tấn) so với cùng kỳ. 
Cây ớt cay: Những năm gần đây, sản phẩm ớt cay là sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, được chú trọng đầu tư, phát triển về diện tích, đầu tư kỹ thuật, chăm sóc, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá bán trong vụ dao động từ 11.000 đồng - 20.000 đồng/kg. Một số diện tích ớt được quy hoạch vào mô hình sản phẩm sạch, bao tiêu sản phẩm và đầu tư phân bón, giống... Diện tích gieo trồng ớt cay toàn tỉnh sơ bộ đạt 1.979,28 ha, tăng 31,92% (+467,73 ha. Sản lượng sơ bộ đạt 17.492,86 tấn, tăng 27,32% (+3.753,55 tấn) so với cùng kỳ.
Cây thạch đen diện tích gieo trồng có xu hướng giảm, từ cuối năm 2022 đến nay do khâu tiêu thụ sản phẩm khó khăn, người dân chuyển đổi cây trồng sang các loại cây hàng năm, cây lâu năm khác. Sơ bộ diện tích gieo trồng trong vụ chỉ bằng 46,82% so với cùng kỳ, diện tích gieo trồng giảm, sản lượng thạch đen sơ bộ đạt 4.909,2 ha, bằng 47,55% so với cùng kỳ. 
* Cây lâu năm 
Lạng Sơn có khí hậu nhiệt đới gió mùa, rất thích hợp phát triển các loại cây ăn quả, cây dược liệu lâu năm. Để phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, thời gian qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển, nâng cao chất lượng cây ăn quả, thực hiện đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. … Người dân đã dần thay đổi phương thức sản xuất như: Tỉa cành tạo tán, ghép cải tạo cây già cỗi; sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ước tính diện tích cây lâu năm 6 tháng đầu năm năm 2024 đạt 52.322,36 ha tăng 2,84% ( +1.445,24 ha) sovới cùng kỳ, chủ yếu tăng ở những cây có giá trị kinh tế cao như cây hồng vành khuyên, cây hồi, cây na…
Trong đó, cây hồi diện tích hiện có đạt 33.674,11 ha chiếm 98,54% trong tổng diện tích cây gia vị, dược liệu, tăng 4,51% (+1.451,68 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch hồi tứ quý trong 6 tháng đầu năm ước đạt 4.615,17 tấn, tăng 7,12% (+306,76 tấn). Là cây trồng truyền thống phù hợp với điều kện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, có hiệu quả kinh tế cao; trong đó vùng Hồi ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng có diện tích 22.006,55 ha, chiếm 65,35% trong tổng số diện tích hồi toàn tỉnh. Giá bán hồi tươi vụ tứ quý dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg tươi, 145.000 - 148.000 đồng/kg khô.
Cây na diện tích hiện có là 4.542,8 ha, tăng 2,42%, trồng chủ yếu ở huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, do phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho chất lượng quả ngon. Giá trị kinh tế của quả na đem lại giúp người dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện nay, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, người nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển, ra na trái vụ, tuy sản lượng chưa cao nhưng đã phần nào đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, một số diện tích cây ăn quả đã già cỗi, cho năng suất thấp nên người dân chặt bỏ và những cây ăn quả giá trị sản phẩm thấp, khó tiêu thụ nên giảm diện tích trồng. Cây chuối diện tích ước 1.083,14 ha, giảm 9,04% (-107,7 ha); cây bưởi hiện có 1.259,96 ha, giảm 6,28% (-84,46 ha), giống bưởi diễn trồng nhiều trên địa bàn hiện nay được mùa, nhưng giá bán có xu hướng giảm, thị hiếu người tiêu dùng có phần chuyển sang sử dụng các giống quả chất lượng cao hơn như bưởi da xanh, bưởi nhập khẩu; cây xoài diện tích hiện có 381,28 ha, giảm 1,89% (-7,34 ha)... 
* Chăn nuôi
Ước tổng đàn trâu hiện có 56.133 con, giảm 11,41% (-7.230 con) so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đâu năm số con trâu xuất chuồng đạt 7.655 con, giảm 8,01% so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng ước đạt 2.092,7 tấn, giảm 3,15%.
Ước tổng đàn bò hiện có 28.714 con, giảm 1,31% (-382 con) so với cùng kỳ năm trước. Số bò xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước 2.491 con, tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 548,0 tấn, tăng 1,22% (+6,6 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Ước tổng đàn lợn số con hiện có 185.801 con, tăng 4,35% (+7.750 con) so với cùng kỳ năm trước. Số con xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước 161.663 nghìn con, tăng 1% (+1.601 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hơi xuất chuồng đạt 13.903,0 tấn, tăng 5,16% (+682,5 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm DTLCP xảy ra trên địa bàn các huyện, thành phố và có chiều hướng lây lan và phát sinh mạnh do mầm bệnh vẫn còn tồn lưu trong môi trường gặp điều kiện thuận lợi phát sinh thành dịch. Phát sinh từ đầu năm đến ngày 23/6/2024 xảy ra 131 ổ DTLCP trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Lũy kế từ đầu năm đến nay tiêu hủy 6.853 con với tổng trọng lượng 319.594 kg. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 114 ổ dịch/11 huyện chưa qua 21 ngày.
Ước tính tổng đàn gia cầm ước 5.042,5 nghìn con, tăng 4,76% so với cùng kỳ (trong đó, tổng đàn gà là 4.538,6 nghìn con). Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước 8.933,8 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 35,5 triệu quả (trong đó, số lượng trứng gà đạt 32,5 triệu quả).
6.2. Lâm nghiệp
Công tác quản lý, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng được các chủ rừng thực hiện thường xuyên theo quy chế quản lý rừng. Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết tại các vùng trên địa bàn tỉnh, kịp thời cảnh báo tới chính quyền các cấp, các chủ rừng và người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng ước đạt 1,45 nghìn ha, giảm 4,28% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh trồng rừng tập trung đạt 6,74 nghìn ha, giảm 3,1% (-188,01 ha).
Khai thác gỗ tròn các loại trong tháng ước 150,9 nghìn m3, giảm 0,68% (-1,04 nghìn m3) so cùng kỳ, chủ yếu do từ đầu tháng, thời tiết mưa rào nhiều nơi, hạn chế trong hoạt động khai thác gỗ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng gỗ ước đạt 357,7 nghìn m3, tăng 2,94% so với cùng kỳ. Diện tích trồng rừng sản xuất ngày càng mở rộng do trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, cây lâm nghiệp được trồng chủ yếu là keo, mỡ, bạch đàn; các cơ sở chế biến gỗ ép ngày càng tăng công suất, đáp ứng được đầu ra cho người dân tại địa phương.
Củi các loại: Ước khai thác trong tháng đạt 65,9 nghìn ste, tăng 0,31% so cùng kỳ; Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng củi ước đạt 353,7 nghìn ste, tăng 1,13% so với cùng kỳ. Củi chủ yếu tận thu từ khai thác gỗ, phát cành từ rừng sản xuất đáp ứng nhu cầu sử dụng củi đun trong sinh hoạt.
6.3. Thủy sản
Diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, đối tượng nuôi trồng thủy sản phong phú, không có dịch bệnh xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 1.079,64 tấn. Sản lượng cá ước đạt 1.021,22 tấn, tăng 1,61% so với cùng kỳ; thủy sản khai thác đạt 155,8 tấn; thủy sản nuôi trồng đạt 923,83 tấn, tăng 0,89% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng tăng là do nhu cầu tiêu dùng, chủ yếu là cá và số lượng ít tôm, ốc được đánh bắt ở sông, suối. Từ đầu năm đến nay đã thực hiện cung ứng được 512.000 con cá giống các loại.
7. Sản xuất công nghiệp
Ngành công nghiệp tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng, phát triển ổn định, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất với số lượng lớn, đảm bảo hợp đồng các đơn đặt hàng và phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh tập trung phát triển một số ngành chính gồm công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo (chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất kim loại), sản xuất và phân phối điện. 
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 ước tính tăng 7,73% so với cùng kỳ, do các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhận được thêm đơn hàng, nhu cầu từ thị trường và các dự án tăng nên sản xuất tăng. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,83%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,71%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 4,55%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,71%.
Dự ước quý II năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 6,97% so với cùng kỳ, với ngành khai khoáng tăng 6,91%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,99%; sản xuất và phân phối điện tăng 1,23%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 2,98%. Mức tăng chủ yếu của ngành khai khoáng tập trung ở sản phẩm khai khoáng khác (+26,35%); ngành chế biến, chế tạo tập trung ở các ngành: Sản xuất chế biến thực phẩm (+22,4%), chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ (+39,46%); in, sao chép bản ghi các loại (+49,72%), sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+18,65%), sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (+18,36%), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (+28,69%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự ước 6 tháng năm 2024 tăng 4,89% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,59%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,77%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp; sản xuất và phân phối điện giảm 9,01%; cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 1,62%. 
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 năm 2024 giảm 14,45% so với cùng kỳ, do một số ngành do khối lượng sản xuất tăng, nhu cầu tiêu thụ tăng như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+16,77%); Sản xuất đồ uống (+21,58%); In, sao chép bản ghi các loại (+47,56%); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+29,84%); Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (+10,3%); Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (+53,54%). Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng năm 2024 tăng 2,67% so với cùng kỳ.
Chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo tháng 6 năm 2024 giảm 8,4% so với tháng trước và tăng 80% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ chỉ số tồn kho tăng chủ yếu ở một số ngành như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+125,79%), sản xuất đồ uống (+26,01%), sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (+28,7%), sản xuất kim loại (+45,75%), do sản phẩm khó tiêu thụ nên tồn kho tăng; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ (+856,3%), do khối lượng sản xuất tăng nên tồn kho tăng cao; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, công nghiệp chế biến, chế tạo khác, do doanh nghiệp sản xuất khối lượng lớn chờ tiêu thụ nên tồn kho tăng cao.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 6 năm 2024 tăng 0,09% so với tháng trước và giảm 2,51% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động giảm so với cùng kỳ năm trước do một số doanh nghiệp có sản phẩm khó tiêu thụ, giảm sản lượng sản xuất nên cắt giảm lao động, doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động thực hiện tinh giảm lao động theo kế hoạch của Tổng công ty, doanh nghiệp chuyển đổi chủ sở hữu nên thực hiện cắt giảm lao động.
8. Thương mại và dịch vụ
Hoạt động xuất nhập khẩu3 trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế  Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, Nà Nưa. Hiện nay đang bước vào giai đoạn cao điểm xuất khẩu nông sản, trái cây. Lượng phương tiện chở hàng hóa trung bình đạt 1.200 xe/ngày (cao điểm gần 1.400 xe/ngày), trong đó  xuất khẩu khoảng 350 xe (trong đó nông sản, trái cây chiếm trên 80%), nhập  khẩu khoảng 850 xe. Năng lực thông quan tại cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng đạt khoảng 35 toa/ngày (xuất 15 toa/ngày, nhập 20 toa/ngày). Các cơ  quan chức năng tại cửa khẩu đã tăng cường phối hợp, linh hoạt điều tiết phương tiện dừng, đỗ, không để  ảnh hưởng tới an toàn  giao thông, an ninh trật tự  và vệ sinh môi trường. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn của tất cả các loại hình XNK từ 13/5-12/6/2024 đạt 4.925,5 triệu USD, lũy  kế  đến 12/6/2024 đạt 25.089,8 triệu USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mở tờ khai tại các chi cục hải quan tỉnh Lạng Sơn trong tháng  ước đạt 560 triệu USD, lũy kế 6 tháng ước đạt 2.720 triệu USD, đạt 53,3% kế hoạch, tăng 20,8% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu trong tháng ước đạt 300 triệu USD, lũy kế 6 tháng ước đạt 1.300 triệu USD, đạt 43,3% kế hoạch, tăng 3,3 % so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu trong tháng đạt 260 triệu USD, lũy kế ước đạt 1.420 triệu USD, đạt 67,6% kế hoạch, tăng 43,1% so với cùng kỳ. Hàng địa phương xuất khẩu trong tháng ước đạt 15 triệu USD, lũy kế 6 tháng ước đạt 74 triệu USD, đạt 43,8% kế hoạch, tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch. Cùng với hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn đã thu hút khách du lịch và người dân đến thăm quan, mua sắm. Đồng thời, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị tổ chức nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng của người dân trong dịp lễ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu trên địa bàn tỉnh. Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh 6 tháng năm 2024 đạt 17.836,1 tỷ đồng, tăng 13,13% so với cùng kỳ. 
8.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ lưu trú và ăn uống, lữ hành
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 6 năm 2024 ước đạt 2.662,2 tỷ đồng, tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 14,41% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng chủ yếu ở Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 2,27%; nhóm hàng may mặc tăng 3,42%; nhóm đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,48%; nhóm ô tô con tăng 4,37%; nhóm phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 1,36%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 2,85%; nhóm hàng hóa khác tăng 2,63%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá 6 tháng ước đạt 15.577,2 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 15,27%. Tăng chủ yếu ở các nhóm hàng hóa: lương thực, thực phẩm tăng 15,75%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 30,81% và phương tiện đi lại, trừ ô tô con tăng 15,12%; xăng, dầu các loại tăng 20,53% do nhu cầu mua sắm phục vụ đi lại của nhân dân tăng cao…
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, lữ hành: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đang được chú trọng đầu tư và phát triển thu hút khách du lịch đến thăm quan và du lịch, nghỉ dưỡng các cơ sở hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 6 năm 2024 ước đạt 228,3 tỷ đồng, tăng 0,64%, tăng 16,73% so với cùng kỳ; cộng dồn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.392 tỷ đồng, tăng 12,75% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 6 đạt 2,1 tỷ đồng, tăng 14,91% so với cùng kỳ; cộng dồn 6 tháng đầu năm ước đạt 12,1 tỷ đồng, tăng 13,42% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 6 năm 2024 ước đạt 143,4 tỷ đồng, giảm 10,03% so với cùng kỳ. Cộng dồn 6 tháng ước đạt 854,7 tỷ đồng, giảm 9,26% so với cùng kỳ. 
8.2. Hoạt động vận tải, kho bãi
Trong tháng 6 năm 2024 hoạt động vận tải kho bãi trên địa bàn tỉnh giảm so tháng trước, chủ yếu ở hoạt động vận tải hàng hóa do thởi tiết không thuận lợi cho hoạt động xây dựng nên nhu cầu vận chuyển vật liệu cho các công trình và nhu cầu vận chuyển nông sản giảm. Bên cạnh đó hoạt động vận tải hành khách lại có xu hướng tăng do nhu cầu đi lại của người dân sử dụng dịch vụ tacxi khi cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn.
Dự ước tổng doanh thu vận tải, kho bãi tháng 6 đạt 214,5 tỷ đồng, giảm 1,06% so với tháng trước và tăng 9,41% so với cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 27,2 tỷ đồng, tăng 0,79% so với tháng trước và tăng 11,05% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 103,5 tỷ đồng, giảm 1,83% so với tháng trước và tăng 14,24% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 83,5 tỷ đồng, giảm 0,71% so với tháng trước và tăng 3,49% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 0,29 tỷ đồng, tăng 2,91% so với tháng trước và tăng 8,17% so với cùng kỳ. 
Dự ước doanh thu vận tải kho bãi 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.256,1 tỷ đồng, tăng 9,39% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 163 tỷ đồng, tăng 11,44%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 595,2 tỷ đồng, tăng 12,15%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 496,3 tỷ đồng, tăng 5,64%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 1,6 tỷ đồng, tăng 4,53% so với cùng kỳ.
II. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Việc làm và bảo đảm an sinh xã hội 4

* Giải quyết việc làm
Thẩm định, thông báo chấp thuận 26 vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh của 08 lượt doanh nghiệp. Thẩm định,  cấp 25 giấy phép lao động, trong đó cấp mới 16 giấy phép lao động, gia hạn 09 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy  phép lao động  tại Công  ty TNHH MTV InnovGreen Lạng Sơn (01 người). Xác nhận thu hồi Giấy phép lao động của 04 người lao động nước ngoài làm việc tại 04 doanh nghiệp.
Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 962 người, tăng 6,41% so với cùng kỳ, lũy kế từ đầu năm đến nay là 3.050 người. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 980 người, lũy kế từ đầu là 2.776  người. Số tiền trợ cấp thất nghiệp là 15.520 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm đến nay là 43.370 triệu đồng.
* Bảo đảm an sinh xã hội
Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 3.557 người có công và thân nhân với kinh phí 8.420,1 triệu đồng, trong đó chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho 1.001 người có công và thân nhân, kinh phí 2.379,3 triệu đồng. Luỹ kế chi trả trợ cấp cho 21.562 lượt người có công và thân nhân với kinh phí 50.411,2 triệu đồng, trong đó chi trả qua tài khoản cho 5.928  lượt người có công và thân nhân với kinh phí 14.111 triệu đồng. Nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 thực hiện chuyển quà tặng của Chủ tịch nước tới 7.111 đối tượng chính sách Người có công, kinh phí là 2,2 tỷ đồng, chuyển quà của Tỉnh đến 7.111 đối tượng, kinh phí là 4,3 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh trực tiếp thăm, tặng quà 40 gia đình chính sách người có công, kinh phí 100 triệu đồng, thăm, chúc tết 55 đơn vị lực lượng vũ trang, một số cơ quan, đơn vị, kinh phí 275 triệu đồng. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thăm, tặng 2.209 suất quà, kinh phí 853,2 triệu đồng cho các gia đình chính sách.
2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng 5
Các đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần thái độ phục vụ, thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến khám sức khỏe, khám sức khỏe người lái xe theo chỉ đạo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Duy trì thực hiện Đề án “Khám chữa bệnh từ  xa”; cập nhật hồ sơ sức khỏe điện tử thực hiện kê đơn thuốc điện tử và gửi đơn thuốc bằng hình thức điện tử  tới người bệnh… Đảm bảo thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.
Trong tháng 6 khám được 138.904 lượt, cộng dồn 06 tháng khám được 675.421 lượt, đạt 46,7% kế hoạch năm; điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã 15.021 lượt; cộng dồn đạt 45,4% kế hoạch năm; điều trị ngoại trú 12.029 lượt, cộng dồn đạt 75,9%.
Khám chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa ngoài công lập trong tháng khám được 31.252 lượt (cộng dồn 165.932 lượt), trong đó khám bảo hiểm y tế  27.480 lượt (cộng dồn 141.173 lượt); chuyển tuyến 1.161 lượt (cộng dồn 6.660 lượt); khám sức khỏe 2.438 lượt (cộng dồn 14.066 lượt) (trong đó, khám sức khỏe: 967 lượt (cộng dồn 6.060 lượt), khám sức khỏe lái xe 1471 lượt (cộng dồn 8.006 lượt).
Công tác y tế dự phòng: Trong tháng trên toàn tỉnh không có dịch bệnh lớn, dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Qua báo cáo ghi nhận 01 ổ dịch Sốt xuất huyết tại huyện Cao Lộc; số ca mắc thuỷ đậu rải rác (cao nhất là tại huyện Bình Gia 31 ca), các ca bệnh chủ yếu phân bổ rải rác tại các xã, không ghi nhận ổ dịch. Số  trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin tháng 05/2024 (từ 01/5 đến 31/5/2024) là 1.120/800 trẻ, đạt 140%; Số trẻ em được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B < 24 giờ là 654/730 trẻ, đạt 89,6%; số phụ nữ có hai tiêm đủ AT2+ là 676/800 người, đạt 84,5%.
3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch 6
Về văn hóa dân tộc: Trong 6 tháng đầu năm tổ chức Lễ hội hoa Đào và các hoạt động mừng Đảng mừng Xuân 2024, tổ chức Cuộc thi vườn Đào đẹp, cây Đào đẹp; tổ chức Chương trình gặp mặt văn nghệ sĩ, trí thức và các cơ quan báo chí xuân Giáp Thìn 2024. 
Về hoạt động Thư viện: Tham dự Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc  tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024) tại tỉnh Điện Biên; tổ  chức Chương  trình “Vui đọc sách hè” năm 2024; tổ chức Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc" tỉnh Lạng Sơn năm 2024; triển khai thực hiện phần mềm quản lý, phần mềm thư viện số cho Thư viện tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm tổ chức Hội Báo xuân Xứ Lạng; trưng bày phòng đọc sách Hồ Chí Minh, tổ chức phòng đọc Báo Xuân Giáp Thìn; trưng bày, triển lãm sách, báo Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại Thư viện tỉnh.
Về hoạt động Bảo tàng: Tham gia khảo sát di chỉ khảo cổ với Trung tâm nhiệt đới Việt -  Nga tại các huyện Chi Lăng, Bình Gia, Tràng Định. Trong 6 tháng tổ chức  triển lãm chuyên đề: “Nghe dòng sông kể chuyện; không gian văn hoá chợ phiên Kỳ Lừa”. Thực hiện chỉnh lý gian khánh tiết, gian trưng bày quan hệ Việt Nam - Triều Tiên; gian trưng bày bia Thủy Môn Đình. Phân loại 296 mẫu vật do Trung tâm Thông tin lưu trữ và Bảo tàng Địa chất thuộc Cục Địa chất Việt Nam bàn giao.   
Về điện ảnh: Công tác chiếu phim và tuyên truyền trong 6 tháng đầu năm 2024 chiếu được  817/1.670 buổi chiếu, đạt 50% kế hoạch năm 2024; phục  vụ 817 lượt  thôn,  149 lượt xã; phục vụ khoảng trên 73.000 lượt người nghe, xem. 
Về nghệ thuật biểu diễn: Tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật  phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn của tỉnh được 22 chương trình; tổ chức giao lưu 03 chương trình nghệ thuật với nước ban Trung Quốc. Tính đến ngày 09/6/2024 đã thực hiện biểu diễn được 55/110 chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ các nhiệm vị chính trị, các ban ngành và cơ sở.
Lĩnh vực thể dục, thể thao: Tổ chức thành công giải chạy “Mẫu Sơn Mount Paths” năm 2024. Giải Việt dã Mùa Xuân, Biểu diễn võ thuật, đua bè mảng trên sông Kỳ  Cùng năm 2024 . Giải Bóng đá Thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2024. Tổ  chức Lễ  khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ  em và Phát động toàn dân tập luyện môn Bơi phòng, chống đuối nước năm 2024; tổ chức thành công giải Vô địch Cử tạ Thanh thiếu niên quốc gia năm 2024 tại Lạng Sơn.
Trong 6 tháng đầu năm thu hút 2.971 nghìn lượt khách du lịch, tăng 5,3% so với cùng kỳ, đạt 73,2% kế hoạch. Trong đó: Khách quốc tế đạt 78 nghìn lượt khách, tăng 391,4% so với cùng kỳ, đạt 48,8% so với kế hoạch năm; khách trong nước đạt 2.893 nghìn lượt khách, tăng 3,1% so với  cùng kỳ, đạt 74,2% so với kế hoạch năm.
4. Giáo dục
Tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông (THPT) năm học 2024-2025. Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức thi và thanh tra thi, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tổ chức sơ kết 03 năm cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Tham gia Hội nghị đánh giá thực trạng triển khai nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh về giảng dạy, học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ coi thi, kiểm tra Kỳ thi Tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025. Tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 5 Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” trực tuyến. Chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; triển khai rà soát thông tin thí sinh lớp 12 trên cơ sở dữ liệu ngành phục vụ thi tốt nghiệp và xét tuyển sinh Đại học - Cao đẳng.
5. Trật tự - An toàn giao thông 7
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Tháng 6 năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 06 người chết, 26 người bị thương. Cộng dồn 6 tháng năm 2024 toàn tỉnh xảy ra 228 vụ tai nạn giao thông làm 43 người chết, 213 người bị thương. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do phóng nhanh vượt ẩu của người điều khiển phương tiện đã không làm chủ được tốc độ.
6. Môi trường
Trong tháng phát hiện 07 vụ vi phạm môi trường, giảm 24 vụ so với cùng kỳ năm trước, giảm 10 vụ so với tháng trước. Trong tổng số vụ vi phạm, khởi tố 02 vụ, 03 bị can về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm và xử phạt hành chính 01 vụ với số tiền xử phạt 7 triệu đồng, tăng 4 triệu đồng so với tháng trước. Lũy kế quý 6 đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh phát hiện 132 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 109 vụ với tổng số tiền phạt là 451,8 triệu đồng.
7. Thiệt hại do thiên tai 
Do ảnh hưởng của mưa ngày 17/6/2024, có nơi mưa to kèm giông lốc trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại về  nhà ở, hoa màu của người dân: Thiệt hại về nhà  ở  ước tính 12 ngôi nhà; diện tích hoa màu bị thiệt hại ước tính 4,36 ha; diện tích rừng bị thiệt hại ước tính 6,2 ha. Ước giá trị thiệt hại 28 tỷ đồng.
III. Đề xuất giải pháp
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm, để phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong 6 tháng cuối năm các cấp, các ngành cần nâng cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chỉ đạo của cấp trên, chủ động, sáng tạo, hành động quyết liệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất: Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh,  thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.
Thứ hai: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Thứ ba: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ mùa; tăng cường kiểm tra, theo dõi, phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại dịch bệnh hại cây trồng; cung ứng kịp thời, đầy đủ, kiểm soát chặt chẽ  chất lượng các loại giống cây trồng, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Chỉ đạo đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Chỉ đạo thực hiện tốt chăm sóc rừng trồng; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng,  phòng cháy và chữa cháy rừng. Chủ  động các biện pháp phòng, chống thiên tai, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; kiểm tra các công trình thủy lợi, quản lý điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên  truyền;  tổ chức  thực hiện Chương trình mỗi xã  một sản phẩm (OCOP) năm 2024.
Thứ tư: Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, công nghiệp xanh, an toàn và hiện đại, liên kết đồng bộ, tham gia các chuỗi giá trị trong điều kiện hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp chế biến và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc tuyến đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp, trong đó trú trọng đầu tư thu hút FDI trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ năm: Chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý ngân sách nhà  nước. Tăng  cường phối hợp giữa cơ quan thu và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý; rà soát, xác định rõ các nguồn thu, sắc thuế, đổi mới biện pháp thu hiệu quả hơn; kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế. Quản lý chi ngân sách theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm.
Thứ sáu: Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục…Thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Quan tâm, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đầu tư công, tập  trung hoàn thành thi  công các dự  án dự  kiến hoàn thành trong năm. Tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 -2025, vốn đầu tư công năm 2024, kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 và các năm trước kéo dài sang để bố trí kế hoạch vốn cho các dự án quan trọng, dự án có khả năng hấp thụ nguồn vốn, có khả năng thực hiện và giải ngân tốt. Rà soát, xây dựng danh mục dự án kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 theo quy định Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh.


[1] Nguồn: Sở Tài chính.
[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn.
[3] Nguồn số liệu Sở Công Thương.
[4] Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
[5] Nguồn: Sở Y tế.
[6] Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
[7] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây