Trong 9 tháng năm 2021, kinh tế thế giới đã có dấu hiệu khởi sắc khi triển khai tiêm phòng vắc-xin nhanh chóng đã giúp giảm nhanh số ca lây nhiễm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, đợt dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 4/2021 đã làm cho tình hình kinh tế - xã hội trở nên xấu đi, trong tháng 8 khi số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh. Việc phải kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh đã làm một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng. Ngày 06/5/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của năm 2021và sau 47 ngày không phát sinh ca nhiễm mới thì đến ngày 27/7/2021 tiếp tục phát hiện ca dương tính làm một số hoạt động sản xuất kinh doanh bị hạn chế và tạm ngừng các hoạt động không thiết yếu. Căn cứ vào số lượng vắc xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế cấp, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai tiêm phòng theo đúng kế hoạch và đúng đối tượng. Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nên đến nay tình hình dịch bệnh đã được khống chế (đến ngày 24/9/2021 tỉnh đã qua 18 ngày không phát sinh ca nhiễm mới).
Bên cạnh công tác phòng chống dịch Covid-19, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư; kết quả tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2021 đạt được một số kết quả như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
Trong tháng 9, người dân thu hoạch một số cây hoa màu cho thu hoạch sớm như: rau các loại thu hoạch 257,5 ha, đậu các loại thu hoạch 68,29 ha. Đối với diện tích chưa được thu hoạch đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển người dân tiếp tục tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đến trung tuần tháng 9, toàn tỉnh đã gieo cấy xong toàn bộ diện tích cây trồng vụ Mùa năm 2021.
Hiện nay điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi, cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển tốt, mặc dù có phát sinh một số loại sâu bệnh như: rầy các loại, châu chấu, sâu đục thân... gây hại với mật độ, tỷ lệ thấp đã được bà con chủ động phòng trừ kịp thời. Cây ngô gieo trồng được 784,71 ha, tăng 0,09% so với cùng kỳ. Diện tích cây ngô tăng do người dân chăn nuôi tái đàn lợn trở lại, nên mở rộng diện trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi. Cây lạc gieo trồng được 275,62 ha, tăng 0,55% so với cùng kỳ. Diện tích tăng do giá bán lạc tươi 2 năm gần đây ổn định từ 18.000 - 22.000đồng/kg, công đầu tư ít mà giá trị kinh tế cao.
1.1.1 Sản xuất các loại cây trồng hằng năm vụ Đông Xuân 2021
Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông Xuân năm 2021 triển khai trong điều kiện thời tiết không thuận lợi đầu vụ ít mưa, diện tích đất ở cuối nguồn nước không chủ động được sản xuất và tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp như: ớt cay, nhựa thông. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông Xuân năm 2021 được 47.031,76 ha, giảm 0,67% so với cùng kỳ, diện tích gieo trồng giảm chủ yếu ở cây lúa và cây ngô, cụ thể:
- Cây lúa: Diện tích gieo trồng thực hiện 15.006,1 ha, giảm 3,74%. Diện tích cây lúa giảm do thời tiết đầu vụ mưa ít nên người dân không chủ động được nguồn nước, chuyển đổi sang trồng cây hằng năm khác. Đồng thời do ảnh hưởng của giá nhựa thông, hoa hồi tăng so với cùng kỳ nên nhiều hộ dân đã giảm diện tích gieo trồng lúa vụ Đông Xuân và đi thu nhặt hoa hồi, khai thác nhựa thông. Năng suất lúa đạt 51,72 tạ/ha, tăng 1,23% so với cùng kỳ, do người dân sử dụng giống lúa chất lượng, cho năng suất cao, chủ động phòng chống sâu bệnh kịp thời. Sản lượng lúa đạt 77.609,94 tấn, giảm 2,56% so với cùng kỳ.
- Cây ngô: Diện tích gieo trồng thực hiện 13.227,18 ha, giảm 6,74%. Diện tích ngô trồng giảm do sản phẩm ngô chủ yếu là làm thức ăn chăn nuôi của hộ, giá bán không cao nên người dân chuyển sang trồng cây thạch đen, cây thuốc lá hoặc cây hằng năm khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn; một số bãi đất cao người dân chuyển sang trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả đến nay đã khép tán nên người dân không tận dụng trồng xen được cây ngô. Năng suất đạt 51,47 tạ/ha, tăng 0,058%, năng suất tăng do thời tiết vào chính vụ mưa đều nên đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. Sản lượng ngô đạt 68.078,01 tấn, giảm 6,70% so với cùng kỳ.
- Cây thuốc lá: Diện tích gieo trồng thực hiện được 2.184,14 ha, tăng 11,72%. Thuốc lá được trồng chủ yếu ở các huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, giá bán trên thị trường hai năm trở lại đây giữ mức ổn định. Năng suất đạt 20,67 tạ/ha, giảm 0,77% , do đầu tháng 5 có mưa lớn làm ngập úng một số diện tích bị thối cây, lá. Sản lượng đạt 4.514,22 tấn, tăng 10,86% so với cùng kỳ.
- Cây lạc: Diện tích gieo trồng thực hiện được 1.329,4 ha, tăng 0,23% do người dân tận dụng trồng thêm trên các bãi nhỏ lẻ do hạn để đất trống, công đầu tư cho chăm sóc cây lạc ít mà giá trị đem lại cao. Năng suất lạc đạt 19,25 tạ/ha, tăng 0,19% so với cùng kỳ do người dân sử dụng giống lạc đỏ siêu củ mẩy, hạt đều, mang lại hiệu quả kinh tế. Sản lượng lạc đạt 2.559,10 tấn, tăng 0,42% so với cùng kỳ.
- Cây ớt cay: Chủ yếu được trồng ở các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan. Diện tích gieo trồng thực hiện được 1.720,49 ha, giảm 8,29%. Diện tích cây ớt cay giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên không xuất khẩu được nhiều sang thị trường Trung Quốc, giá bán dao động 5.000 - 12.000 đồng/kg. Năng suất đạt 90,34 tạ/ha, tăng 1,57%, sản lượng đạt 15.543,72 tấn, giảm 6,85% so với cùng kỳ.
1.1.2. Tình hình các loại cây trồng hằng năm vụ Mùa năm 2021
Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Mùa ước thực hiện 45.418,16 ha, giảm 23,56 ha so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích cây lương thực có hạt ước đạt 37.678,59 ha giảm 0,24% so với cùng kỳ. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 151.796,64 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Cây lúa gieo trồng ước thực hiện 32.383,52 ha, giảm 0,42% so với cùng kỳ. Năng suất lúa ước đạt 39,25 tạ/ha, tăng 0,34%, sản lượng lúa đạt 127.100,43 tấn, giảm 0,08% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng ngô ước thực hiện 5.295,07 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây ngô tăng do người dân chăn nuôi tái đàn lợn trở lại, nên mở rộng diện trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi. Năng suất ước 46,64 tạ/ha, tăng 0,7%, sản lượng 24.969,21 tấn, tăng 1,61% so với cùng kỳ.
1.1.3. Cây lâu năm
Dự ước 9 tháng đầu năm 2021, diện tích cây lâu năm toàn tỉnh Lạng Sơn là 50.149,02 ha, tăng 1,36% so với cùng kỳ năm trước. Do chuyển đổi từ cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ ổn định hơn do đó diện tích các loại cây có biến động. Ngoài ra, diện tích, sản lượng thu hoạch một số cây trồng giảm do thời tiết diễn biến thất thường, đầu năm khô hạn, ít mưa đã ảnh hưởng đến việc trồng cây mới và việc thụ phấn hoa, khiến, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
* Cây ăn quả: diện tích hiện có 17.104,77 ha, chiếm 34,11% tổng diện tích cây lâu năm, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước .Phong trào trồng cây ăn quả tiếp tục duy trì và phát triển ở tất cả các huyện, thành phố. Cây ăn quả được chú trọng phát triển, hình thành các vùng trồng cây ăn quả như: na ở các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng; quýt ở các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định; hồng ở các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng;... Hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên nguồn lực, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển các cây ăn quả chủ lực có thương hiệu như na, quýt, hồng; chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tích cực phổ biến, hướng dẫn triển khai kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, có nhiều loại cây đang đứng trước nguy cơ thoái hóa, ảnh hưởng đến diện tích, chất lượng và năng suất (như cây vải, lê, mơ). Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất cây con giống còn hạn chế, chưa có vườn ươm cây giống. Bệnh thán thư, bọ ánh kim được phát hiện kịp thời và tổ chức chỉ đạo phòng trừ có hiệu quả, ít ảnh hưởng tới năng suất cây trồng và không gây thành dịch.
- Diện tích cây na là 3.690,15 ha, tăng 2,36%. Sản lượng na ước đạt 28.083,13 tấn, giảm 0,04% do thời điểm lần đầu chấm thụ phấn hoa tỉ lệ đậu quả thấp nên sản lượng ước tính giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, từ tháng 6/2021, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND huyện Chi Lăng, VietnamPost (postmart.vn) và Viettel Post (voso.vn) triển khai thí điểm kinh tế số, cửa hàng số (gian hàng số) tại địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng. Việc bán hàng thuận lợi là động lực để chính những người nông dân chia sẻ, hướng dẫn thêm nhiều hộ khác tham gia mở cửa hàng số. Giữa lúc đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn, sử dụng sàn TMĐT cho thấy hiệu quả của mô hình phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn.
- Các loại quả có múi thuộc họ cam, quýt: Diện tích 4.304,13 ha, giảm 0,27% so với cùng kỳ năm trước, diện tích chủ yếu là quýt 1.807,34 ha và bưởi 1.488,76 ha. Diện tích giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do các cây già cỗi, có năng suất và chất lượng sản phẩm kém hiệu quả bị người dân chặt bỏ, chưa kịp bổ sung trồng mới. Mặt khác, cây quýt trồng mới ở một số huyện đang trong giai đoạn quả nhỏ, có phát sinh sâu đục thân dẫn đến tỉ lệ cây bị chết, còi cọc tương đối lớn. Diện tích, sản lượng cây bưởi tăng so với cùng kỳ năm trước do giá trị kinh tế hiệu quả, giá ổn định, nhu cầu tiêu dùng nhiều và một số trồng theo chương trình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, trồng chủ yếu là giống cam đường canh, cam vàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi ruột hồng, quýt vàng.
* Cây công nghiệp lâu năm: Diện tích chè 525,06 ha, giảm 9,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích trồng chè búp là chủ yếu với 461,39 ha, chiếm khoảng 88% trong tổng diện tích chè, giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước do giá bán thấp, chè búp tươi từ 7-10 nghìn đồng/kg (cùng kỳ năm tước giá bán từ 12-17 nghìn đồng/kg), diện tích cây già cỗi, chết đi được chuyển đổi sang trồng các cây lâm nghiệp như thông, keo, bạch đàn, quế. Sản lượng ước đạt 1.710,18, giảm 5,68% so với cùng kỳ.
* Cây gia vị, cây dược liệu lâu năm: Diện tích 31.682,37 ha, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước, nhóm cây dược liệu, hương liệu lâu năm chiếm phần lớn diện tích là 31.672,37 ha, tăng 2,02% do có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó: cây hồi 31.262,26 ha, tăng 2,01% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hoa hồi khô ước đạt 14.274,93 tấn, tăng 14,04% so với cùng kỳ năm trước (hoa hồi tươi ước đạt 49.962,3 tấn). Giá bán hồi bình quân khoảng 30-35 nghìn đồng/kg tươi, 120-150 nghìn đồng/kg khô. Cây hồi được trồng nhiều ở các huyện: Văn Quan. Bình Gia, Đình Lập,… Đặc biệt, trong 3 năm trở về đây, huyện Văn Quan đang thực hiện đề án phát triển hồi hữu cơ, có tỉ lệ đậu hoa cao hơn từ 15% đến 20% so với trồng truyền thống trước kia.
1.1.4. Chăn nuôi
Ước tính số lượng trâu hiện có 77.008 con, giảm 3,77 %; số xuất chuồng ước đạt 2.072 con, tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng xuất chuồng ước đạt 486,92 tấn, tăng 0,77% so với cùng kỳ. Tổng đàn trâu giảm do môi trường chăn thả bị thu hẹp; cơ giới hóa trong sản xuất, một số hộ xuất bán trâu để lấy vốn đầu tư vào trồng rừng. Lũy kế 9 tháng, số con trâu xuất chuồng ước đạt 18.741, tăng 0,33% so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng đạt 5.069 tấn.
Số lượng bò ước tính hiện có 33.570 con, tăng 0,01% so với cùng kỳ năm trước. Đàn bò trên địa bàn tỉnh tăng do mang lại giá trị kinh tế, giá bán thịt bò hơi ở mức cao, người chăn nuôi có lãi ổn định, đồng thời được sự hỗ trợ về nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, người dân chuyển hướng chăn nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo để lấy thịt. Nhiều mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt, kết hợp xử lý chất thải làm phân bón hữu cơ rất có hiệu quả. Trong tháng 9, số con xuất chuồng ước 755 con, tăng 1,21% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 146 tấn, tăng 1,39% so với cùng kỳ năm trước. số con bò xuất chuồng 9 tháng đạt 6.407 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.246,3 tấn, tăng 10,72% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng lợn ước tính hiện có 107.205 con, tăng 13,75% so với cùng kỳ năm trước, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế. Số con xuất chuồng trong tháng ước 18.566 con, tăng 12,63% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.542,87 tấn. số con xuất chuồng 9 tháng ước 220.936 con, tương đương sản lượng hơi xuất chuồng đạt 18.582 tấn, tăng 14,17% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn gia cầm của tỉnh phát triển tốt, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được quan tâm. không có dịch bệnh lớn xảy ra, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định. Ước tổng đàn gia cầm hiện có 5.320 nghìn con, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Chăn nuôi các loại gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí, đầu ra ổn định, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân; sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm đạt 11.871,8 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 42.192 nghìn quả.
Trong 9 tháng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra một số dịch bệnh truyền nhiễm như: Dịch tả lợn châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến ngày 8/9/2021 bệnh xảy ra tại 2.366 hộ trên 542 thôn trên 147 xã trên11 huyện chết, buộc phải tiêu hủy 9.240 con, tổng trọng lượng 495.463 kg. Nguyên nhân xảy ra dịch là do mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi, thời tiết thay đổi, sức đề kháng của vật nuôi giảm làm phát sinh dịch bệnh; công tác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi chưa được thực hiện đồng bộ nên bệnh lây lan và kéo dài; người dân tái đàn còn sử dụng nguồn giống không rõ nguồn gốc nguy cơ tiền ẩn làm phát sinh và lây lan dịch. Bệnh Viêm da nổi cục xảy ra tại 624 hộ trên 275 thôn trên 108 xã trên 11 huyện, thành phố, tổng số gia súc mắc bệnh 1.419 con chết, tiêu hủy 110 con/20.107 kg.
1.2. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng ước thực hiện 292,9 ha, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Do trồng rừng mang lại hiêu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định; sản lượng gỗ khai thác trong tháng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác giảm so với cùng kỳ năm trước do người dân chuyển sang sử dụng bếp gas thay cho củi đun.
Chăm sóc, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng: toàn bộ diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các chủ rừng tiến hành quản lý, bảo vệ, thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng; diện tích rừng trồng chưa thành rừng tiếp tục được thực hiện các biện pháp chăm sóc, phát dọn để cây trồng sinh trưởng, phát triển thành rừng; kết quả thực hiện 9 tháng diện tích rừng trồng mới đạt 8.366,03 ha, tăng 4,28%. Số cây trồng phân tán thực hiện được 1,9 triệu cây tương đương 991,97 ha.
Tổng sản lượng gỗ khai thác 9 tháng năm 2021 đạt 130,4 nghìn m3, tăng 24,36% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gỗ nhóm 5; 6 và 7. Nguyên nhân do trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, các cây trồng đã đến tuổi khai thác, người dân và doanh nghiệp chủ động khai thác để tái sản xuất rừng trồng mới. Khai thác gỗ nhiều ở các huyện Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập. Sản lượng củi khai thác 9 tháng năm 2021 ước đạt 990,8 nghìn ste, giảm 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Khai thác củi tập trung chủ yếu ở khu vực cá thể, được dùng cho mục đích đun nấu và một phần được tiêu thụ trên thị trường.
1.3. Thủy sản
Trong tháng 9, diện tích nuôi trồng thủy sản ước thực hiện 291 ha, tăng 0,17% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 412,08 tấn, tăng 0,14% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng năm 2021, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.286,43 ha, tăng 0,17% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.111,80 tấn, tăng 0,53% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng lồng cá đạt 570 lồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Cung ứng giống thủy sản năm 2021 đảm bảo tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đảm bảo đời sống cho người lao động; thực hiện thả 2.862.000 con cá bột, cá hương, cá giống ương nuôi các loại (chép, trắm, vược, rô phi), đạt 95% kế hoạch năm; cung ứng khoảng 989.797 con cá giống các loại (trắm, chép, mè, trôi,chim, trê, vược...). Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 220 tấn, tăng 1,85% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác cá là 150,5 tấn, tăng 2,38% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tăng chủ yếu là cá các loại do thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản vào một số hồ chứa.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2021
2.1.1. So với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 12,39% so với tháng trước, chủ yếu tăng ở ngành khai khoáng (tăng 44,96%) và ngành sản xuất, phân phối điện (tăng 47,15%) do trong tháng 8, Công ty Nhiệt điện Na Dương điều tiết sản xuất, luân phiên sửa chữa, bảo dưỡng lò nhiệt điện. Ngành chế biến, chế tạo dự ước giảm 6,96%, trong đó 02 ngành cấp 2 giảm sâu là ngành sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất (giảm 24,26% do Công ty cổ phần Kim Đạt ít nhận đơn hàng từ Trung Quốc) và ngành sản xuất kim loại do Công ty cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ tạm nghỉ để sửa chữa nhà xưởng, bảo dưỡng máy móc sản xuất. Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,48%.
2.1.2. So với cùng kỳ
So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2021 tăng 4,8%. Đối với ngành công nghiệp khai khoáng; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác tiếp tục hoạt động ổn định, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có tăng trưởng. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ (tăng 6,04%), trong đó một số sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng cao, các doanh nghiệp chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm và ký kết được đơn hàng như sản phẩm bóng thể thao khác của Công ty cổ phần động lực Thành Phát (tăng 300%); sản phẩm gỗ dán của Công ty TNHH lâm sản Woodman (tăng 23,33%); Công ty cổ phần Kim Đạt trong tháng 9/2021 phía đối tác Trung Quốc đặt hàng số lượng lớn gồm hai sản phẩm muối công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm tăng rất cao (tăng 711,07%). Một số sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm như ngành sản xuất kim loại do Công ty cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ tạm nghỉ, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (giảm 48,18%) do các công ty sản xuất sản phẩm thuộc địa bàn huyện Văn Lãng, lao động sản xuất luân phiên nghỉ để đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (giảm 33,64%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác (giảm 25,54%) do sản phẩm tiêu thụ chậm, thiếu vốn sản xuất kinh doanh.
2.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp Quý III năm 2021
2.2.1. So với quý trước
Toàn ngành công nghiệp ước giảm 3,39%; các ngành công nghiệp cấp 1 gồm: ngành khai khoáng giảm 22,35%; ngành chế biến, chế tạo tăng 9,06%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 13,42%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,23%.
Trong ngành công nghiệp khai khoáng: Hoạt động khai thác than giảm 23,36%, Công ty Nhiệt điện Na Dương thay phiên dừng lò sản xuất để bảo dưỡng, giảm nhu cầu nhập than từ Công ty Than Na Dương; hoạt động khai khoáng khác (khai thác đá xây dựng) ước giảm 21,29% so với quý II.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,06%, đóng góp lớn vào tốc độ tăng của ngành đó là các ngành sản xuất sản phẩm muối công nghiệp (tăng 536,92%), colophan (tăng 89,41%), bánh quy (tăng 49,53%), sản phẩm bóng thể thao khác (tăng 61,76%),.. các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng mạng lưới dịch vụ cung cấp.
Ngành sản xuất và phân phối điện giảm mạnh, ước giảm 13,42% so với quý trước: trong đó lượng điện sản xuất giảm 17,27% (do Nhiệt điện Na Dương bảo dưỡng lò trong tháng 8/2021, đây cũng là nguyên nhân kéo theo sự giảm sản lượng của hoạt động khai thác than), điện thương phẩm tăng 12,45% theo sự điều tiết của EVN.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 3,23%, cụ thể nước uống được tăng 6,86%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải giảm 0,22%; hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tăng 7,6% so với quý trước.
2.2.2 So với quý cùng kỳ
Toàn ngành công nghiệp tăng 5,56%; các ngành công nghiệp cấp 1 gồm: ngành khai khoáng tăng 0,17%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,82%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 0,28%; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,04% so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp khai khoáng: Hoạt động khai thác than giảm 4,06%; hoạt động khai thác đá tăng 4,97%, trên địa bàn tỉnh triển khai tu sửa, nâng cấp và mở rộng một số công trình giao thông, dự án công trình lớn triển khai thực hiện nên nhu cầu sử dụng đá trong xây dựng tăng.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Chỉ số tăng khá so với cùng kỳ do một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh có mức tăng cao như sản phẩm muối công nghiệp tăng 667,71%; sản phẩm gỗ dán tăng 19,2%; sản phẩm cửa ra vào bằng sắt, thép tăng 49,64%, sản phẩm bóng thể thao khác tăng rất cao do doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đơn hàng ký kết tiêu thụ ổn định. Đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh (sản phẩm xi măng Portland đen) tăng 6,26% so cùng kỳ năm trước, nhà máy hoạt động sản xuất được duy trì ổn định, sản phẩm được thị trường trong nước tin dùng và phục vụ xuất khẩu. Một số ngành sản xuất có chỉ số giảm như ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 31,03%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 14,72%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 12,38%;....nguyên nhân chủ yếu do đơn hàng giảm, lượng hàng tồn đầu tháng còn lớn, doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất.
Ngành sản xuất và phân phối điện: Sản lượng điện sản xuất giảm 1,79%; điện thương phẩm tăng 8,33% so với cùng kỳ. Hệ thống điện của tỉnh đang vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 6,04%, cụ thể: Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 1,69%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 3,8%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 10,65%.
2.3. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ
Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 5,68%.
Công nghiệp khai thác trên địa bàn tỉnh chủ yếu là khai thác đá các loại, đất sét phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng thông thường, xi măng; khai thác than nâu phục vụ cho sản xuất điện. Ngoài ra còn khai thác với quy mô nhỏ một số loại quặng như: bauxit, sắt, chì, kẽm, than bùn,… để làm phụ gia cho sản xuất xi măng, hạt mài, sản xuất phân bón và xuất khẩu. Chính quyền địa phương có chính sách thu hút được các dự án khai thác, chế biến khoáng sản với quy mô công nghiệp, công nghệ khai thác tiên tiến, chế biến sâu, nâng cấp đồng bộ máy móc, tạo sản phẩm có giá trị cao.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,39%: Đối với nhóm ngành chế biến sản phẩm chè, bánh, kẹo, rượu, tinh dầu hồi, tinh bột, chế biến gỗ, ván bóc, nguyên liệu thuốc lá, nhựa thông, bột thạch,... Một số cơ sở chế biến đã đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, hướng ra xuất khẩu. Nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng các sản phẩm chủ yếu gồm gạch, xi măng, hiện nay toàn tỉnh có 02 nhà máy sản xuất xi măng, trong đó Công ty Xi măng Đồng Bành hoạt động sản xuất được duy trì ổn định, sản phẩm được thị trường trong nước tin dùng và phục vụ xuất khẩu; Công ty Xi măng Hồng Phong trong năm 2020 hoạt động cầm chừng do khó khăn về vốn, công nghệ lạc hậu, sản phẩm tiêu thụ chậm, sang năm 2021 ổn định hoạt động, sản lượng sản xuất tăng.
Một số sản phẩm sản xuất tăng so với cùng kỳ như sản phẩm muối công nghiệp (tăng 241,11%), sản phẩm colophan (tăng 13,64%), sản phẩm chì thỏi (tăng 42,3%),…chủ yếu nhờ cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Nhóm ngành lắp ráp, điện tử, hàng tiêu dùng hầu hết mới dừng lại ở công đoạn gia công, sản xuất một số chi tiết, linh kiện, phụ tùng thiết bị và lắp ráp sản phẩm, nguyên vật liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu (Công ty TNHH xe điện DK Việt Nhật; Công ty TNHH Bảo Long; Công ty cổ phần Kim Đạt và Công ty TNHH Công nghệ luyện kim VICMET Việt Nam nhập khẩu 100% nguyên liệu).
Trong sản xuất và phân phối điện: Sản lượng điện sản xuất giảm 2,71%, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến, theo lệnh điều độ của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Nhiệt điện Na Dương giảm sản lượng sản xuất; điện thương phẩm tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Nước uống được tăng 4,41%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế tăng 7,55%.
2.4. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2021 giảm 7,64% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất sản phẩm từ giấy và sản xuất kim loại các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong tháng 9/2021 nên không có sản phẩm tiêu thụ; sản xuất đồ uống giảm 17,44% do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tạm ngừng một số hoạt động không thiết yếu; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 64,11% do doanh nghiệp thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, khối lượng sản xuất và tiêu thụ đều giảm. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 52,19%, chủ yếu sản phẩm bóng thể thao khác do mở rộng sản xuất, có đơn hàng ổn định.
Cộng dồn 9 tháng, chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với năm 2020 tăng 13,21%. Một số ngành sản phẩm có chỉ số tiêu thụ tăng khá như: công nghiệp chế biến, chế tạo khác 82,23%; sản xuất kim loại 39,84%, sản phẩm từ caosu và plastic 22,44%,...so với cùng kỳ. Những sản phẩm này đều có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ nên chỉ số tồn kho của các sản phẩm tăng.
Tồn kho ngành chế biến chế tạo tháng 9/2021 tăng 12,98% so với tháng trước, tăng 5,58% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ là: sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (giảm 29,44% giảm chủ yếu sản phẩm móc khóa các loại), sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (giảm 29,71%), để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, ngoài việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch các doanh nghiệp đã nỗ lực kết nối, tìm kiếm đơn hàng, thị trường mới, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho. Bên cạnh đó, ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ (tăng 82,78%), ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 34,63%) doanh nghiệp ký kết đơn hàng tiêu thụ tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản lượng xuất kho tiêu thụ giảm.
2.5. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 9/2021 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,44% so với cùng kỳ. Trong đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 8,42%, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,59%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,43% và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 10,06% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sử dụng lao động giảm 0,19% so với cùng kỳ năm trước.
2.6. Xu hướng sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2021
Trước những khó khăn đặt ra từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp hiện đang nỗ lực trong khâu sản xuất sản phẩm, tìm kiếm thị trường đầu ra. Thu thập ý kiến đánh giá chiều hướng sản xuất chung quý III, về hiện trạng và năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Kết quả tổng hợp cho thấy xu hướng tổng quan tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp quý III/2021 khó khăn hơn so với quý II/2021. Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý III/2021 so với quý trước, có 23,53% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn; 26,47% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn và 50% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV/2021 so với quý III/2021 có 32,25% số doanh nghiệp cho rằng xu hướng sẽ tốt lên; 23,53% số doanh nghiệp dự báo kém đi và 44,12% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Dựa theo kết quả điều tra xu hướng có thể thấy rằng phần lớn các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo đều kỳ vọng kết quả kinh doanh trong những tháng cuối năm năm 2021 sẽ phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục gia tăng sản xuất, tạo tăng trưởng chung cho ngành công nghiệp cả năm 2021 đạt mức khá so với cùng kỳ năm 2020.
3. Đầu tư, xây dựng
Trong 9 tháng năm 2021, các cấp chính quyền, các ngành tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong năm tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như: Ban hành các Nghị quyết chuyên đề xây dựng cơ chế nhằm thu hút đầu tư; thành lập các ban chỉ đạo điều hành dự án, thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện công trình dự án… Song song với đó, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tập trung cụ thể hóa các chính sách ưu đãi đầu tư; triển khai việc lập, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động về giá thép đến các hoạt động xây dựng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công và tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư các nguồn vốn năm 2021.
Từ đầu năm đến hết tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 332 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 30,70% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 2.809,54 tỷ đồng, tăng 40,13% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 164 doanh nghiệp, tăng 34,42%, doanh nghiệp thông báo giải thể 155 doanh nghiệp.
3.1. Tình hình vốn đầu tư thực hiện quý III năm 2021
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 4.477,2 tỷ đồng, tăng 6,09% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 821,7 tỷ đồng, bằng 83,38% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân Quý III đạt 3.251 tỷ đồng, tăng 15,43%. Vốn của các tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước dự ước 5 tỷ đồng.Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quý III đạt 18,5 tỷ đồng giảm 2,61% so với cùng kỳ. Theo khoản mục đầu tư: Đầu tư xây dựng cơ bản quý III năm 2021 đạt 3.637,7 tỷ đồng, chiếm 81,25%; đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản đạt 429,5 tỷ đồng, chiếm 9,59%; vốn đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp tài sản cố định đạt 408,1 tỷ đồng, chiếm 9,12%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động đạt 50 triệu đồng; vốn đầu tư khác đạt 1.787 triệu đồng.
3.2. Dự ước vốn đầu tư thực hiện 9 tháng năm 2021
Tỉnh Lạng Sơn đã và đang phát huy hiệu quả Quỹ phát triển đất, đầu tư các điểm tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Toàn cầu TMS, Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam, Công ty Cổ phần đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (APEC)…
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2021 ước đạt 11.376,23 tỷ đồng, tăng 10,52% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước ước đạt 2.116,4 tỷ đồng, giảm 5,34% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước thực hiện 8.350 tỷ đồng, tăng 15,78%. Nhiều dự án lớn quan trọng đã và đang được các nhà đầu tư triển khai tạo cú hích quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh như: Dự án Cáp treo Mẫu Sơn, khu đô thị phía Đông thị trấn Đồng Mỏ, dự án nhà ở xã hội số 2; dự án khu trung chuyển hàng hóa; dự án khu đô thị mới Diamond Park của tập đoàn APEC; cụm công nghiệp Hợp Thành số 1, 2 và khu tái định cư Hợp Thành và nhiều dự án khu đô thị mới tại các huyện và thành phố Lạng Sơn… Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn đầu tư trưc tiếp nước ngoài 9 tháng năm 2021 ước đạt 53,22 tỷ đồng tăng 2,61% so với cùng kỳ.
Đầu tư xây dựng cơ bản 9 tháng năm 2021 ước đạt 9.421,3 tỷ đồng, chiếm 82,81%; đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản ước đạt 1.011,4 tỷ đồng, chiếm 8,89%; vốn đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp tài sản cố định ước đạt 940,8 tỷ đồng, chiếm 8,27%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động ước đạt 770 triệu đồng; vốn đầu tư khác đạt 1,9 tỷ đồng.
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700-km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,25 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 9/2021 ước thực hiện được 201,00 tỷ đồng, đạt 20,33% kế hoạch.
Dự án đường giao thông Khu phi thuế quan, huyện Văn Lãng: Công trình có tổng mức đầu tư 255,15 đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 9/2021 ước thực hiện được 206,80 tỷ đồng, đạt 81,04% kế hoạch.
Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần): Công trình có tổng mức đầu tư 1.377,61 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 9/2021 ước thực hiện được 325,35 tỷ đồng, đạt 23,61% kế hoạch.
Dự án Hợp phần bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án hồ chứa nước Bản Lải: Công trình có tổng mức đầu tư 1.293,47 tỷ đồng. Luỹ kế vốn thực hiện từ khi khở công dự án đến tháng 9/2021 ước thực hiện được 1.156,05 tỷ đồng, đạt 89,37% kế hoạch.
4. Tài chính, ngân hàng
4.1. Tài chính
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 9 tháng năm 2021 là 8.087,5 tỷ đồng, đạt 138,6% dự toán, tăng 65,16% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Thu nội địa đạt 2.141,3 tỷ đồng, đạt 89,78% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 5.904,8 tỷ đồng, đạt 172,20% dự toán tăng 110, ,25 so với cùng kỳ năm 2020; Các khoản huy động, đóng góp: 5,5 tỷ đồng, tăng 115,6% so với cùng kỳ năm 2020.
- Về chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2021 là 8.058,2 tỷ đồng, đạt 75,05% dự toán, bằng 92,21% so với cùng kỳ năm 2020, Trong đó: Chi đầu tư phát triển là 2.429,2 tỷ đồng, đạt 126,84% dự toán, bằng 76,43% so với cùng kỳ năm 2020; Chi thường xuyên đạt 5.994,4 tỷ đồng, đạt 80,91% dự toán, bằng 97,59% so với cùng kỳ năm 2020; Chi các nhiệm vụ khác là 284,2 tỷ đồng đạt bằng 70,37% so với cùng kỳ năm 2020.
4.2. Ngân hàng
Chính sách điều hành tín dụng trên địa bàn được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế. Khả năng thanh khoản của các ngân hàng được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế và chi trả cho khách hàng, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ước thực hiện đến 31/9/2021: Tổng huy động vốn ước đạt 32.560 tỷ đồng, tăng 7,83% so với cùng kỳ, tăng 4,31% so với 31/12/2020. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 35.335 tỷ đồng, tăng 10,32% so với cùng kỳ, tăng 5,1% so với 31/12/2020.
5. Thương mại và dịch vụ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các dịch vụ lưu trú, ăn uống, các nhà hàng, các dịch vụ khác trên địa bàn trong quý II và quý III gặp khó khăn, doanh thu giảm so với cùng kỳ. Để bình ổn thị trường hàng hóa, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa ứng phó với dịch bệnh Covid-19; điều chỉnh các hoạt động của ngành đáp ứng với từng cấp độ dịch Covid-19 ở từng địa phương; tổ chức thực hiện cung ứng hàng hóa thiết yếu, đảm bảo cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa...; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cần thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19...; tăng cường giám sát thực hiện bình ổn giá cả tại các điểm đăng ký phân phối hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn... Đồng thời, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các siêu thị, trung tâm thương mại, ban quản lý các chợ trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân tại các địa phương và những vùng đang có dịch... Nhờ vậy, nhìn chung trong 9 tháng năm 2021, thị trường Lạng Sơn không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và khan hiếm hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu nguồn cung đủ và ổn định.
5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9 năm 2021 dự tính đạt khoảng 1.528,9 tỷ đồng, tăng 2,13% so với tháng trước và tăng 11,26% so với cùng kỳ. Trong đó:
+ Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 834,4 tỷ đồng, tăng 1,21% so với tháng trước, tăng 16,17% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của người dân tăng.
+ Nhóm hàng may mặc ước đạt 180,4 tỷ đồng, tăng 3,37% so với tháng trước, do nhu cầu mua sắm tăng trong tháng 9/2021 có ngày khai trường nên các mặt hàng may mặc, giầy dép, túi sách đều được tiêu thụ với số lượng lớn hơn tháng trước .
+ Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 155,8 tỷ đồng, tăng 4,95% so với tháng trước, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Vào những tháng cuối năm các cửa hàng đại lý thường có những chương trình khuyến mại để kích cầu người tiêu dùng. Do đó, tâm lý người dân thường hay mua sắm vào đợt có khuyến mại để được giảm giá các mặt hàng được tiêu thụ mạnh như điều hòa, lò vi sóng, ti vi…
+ Vật phẩm văn hóa giáo dục ước đạt 6,1 tỷ đồng, tăng 3,95% so với tháng trước, do học sinh, sinh viên bắt đầu bước vào năm học mới.
+ Gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 120,4 tỷ đồng, tăng 4,33% so với tháng trước, một mặt do giá vật liệu xây dựng tăng (giá sắt thép tăng khoảng 25% từ đầu năm đến nay), mặt khác, do những tháng cuối năm hầu hết các công trình dần hoàn thiện, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng vật liệu xây dựng tăng.
+ Nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 1,3 tỷ, tăng 5,22% so với tháng trước, tăng 11,02% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mua sắm phương tiện phục vụ đi lại tăng cao.
+ Phương tiện đi lại trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) ước đạt 33,2 tỷ đồng tăng 5,41% so với tháng trước, tăng 18,09% so vời cùng kỳ , trong đó xe đạp và phụ tùng tăng 4,41% so với tháng trước, tăng 3,95% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mua sắm mặt hàng xe đạp điện là chủ yếu.
+ Xăng, dầu, các loại ước đạt 57,8 tỷ đồng, tăng 2,35% so với tháng trước.
+ Đá quý, kim loại quý ước đạt 16,9 tỷ đồng, giảm 5,62% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng ít, đặc biệt giá cả mặt hàng này trong những tháng gần đây tăng giảm thất thường.
+ Hàng hóa khác ước đạt 80,4 tỷ đồng, tăng 3,25% so với tháng trước, tăng 8,97% so với cùng kỳ năm trước.
+ Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ước đạt 37,4 tỷ đồng, giảm 3,01% so với tháng trước và giảm 5,32% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước tổng mức bán lẻ 9 tháng năm 2021 đạt 14.193,7 tỷ đồng, tăng 12,74% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm ngành trong 9 tháng đầu năm đều tăng.
5.2. Dịch vụ
5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Ngành du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh hiện nay hoạt động cầm chừng, do ảnh hưởng của dịch, các tuor du lịch nước ngoài tạm thời chưa hoạt động. Doanh thu du lịch lữ hành tháng 9/2021 ước đạt 681,4 triệu đồng, tăng 4,16% so với tháng trước và tăng 37,94% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn đã hoạt động trở lại, so với tháng trước. Ước tính doanh thu lưu trú, ăn uống đạt 140,9 tỷ đồng, tăng 13,11% so với tháng trước và tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước.
Dự tính doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2021 đạt 1.210,1 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,79%. Doanh thu lữ hành dự ước 9 tháng đạt 6,9 tỷ đồng, giảm 9,98% so với cùng kỳ năm trước.
5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Hiện nay, toàn tỉnh các hoạt động dịch vụ được phép hoạt động trở lại, trừ hoạt động karaoke, masage; riêng trên địa bàn thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng đang thực hiện theo Chỉ thị số 15. Hoạt động các ngành dịch vụ tháng 9/2021 giảm nhẹ hơn so với tháng trước và so cùng kỳ năm trước giảm. Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 9 năm 2021 đạt 33,6 tỷ đồng, giảm 2,28% so với tháng trước và giảm 5,07% so cùng kỳ năm trước. Dự ước doanh thu dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 338,6 tỷ đồng, tăng 9,76% so với cùng kỳ năm trước.
5.3. Vận tải
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, doanh thu từ hoạt động vận tải giảm, đặc biệt vận tải hành khách. Dự ước quý III/2021, doanh thu toàn ngành chỉ bằng 89,3% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi 9 tháng năm 2021 tăng 8,14% so với cùng kỳ, tốc độ tăng chủ yếu tăng cao trong quý I và quý II/2021. Sang đến quý III/2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên hoạt động vận tải nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề, cụ thể:
Dự ước doanh thu toàn ngành vận tải quý III/2021 là 367 tỷ đồng, giảm 10,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 31,1 tỷ đồng, giảm 42,37%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 197,2 tỷ đồng, giảm 20,03%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ ước đạt 137,9 tỷ đồng tăng 26,27%; hoạt động chuyển phát ước đạt 0,9 tỷ đồng, giảm 19,93% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng năm 2021, dự ước doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi đạt 1.174,2 tỷ đồng, tăng 8,14% so với cùng kỳ, trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 128,3 tỷ đồng, giảm 20,66%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 3.933 nghìn hành khách, giảm 0,85%; khối lượng luân chuyển đạt 171.845 nghìn HK.Km, giảm 15,97%. Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 693,2 tỷ đồng, tăng 6,16%, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 3.610 nghìn tấn, tăng 20,62%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 391.408 nghìn tấn.Km, tăng 7,56%. Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 350,2 tỷ đồng, tăng 30,17% và hoạt động chuyển phát đạt 2,6 tỷ đồng, tăng 22,82%.
6. Chỉ số giá
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,5% so với tháng trước, giảm 0,79% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2021 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể:
* Nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm:
- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%: Chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu ở mặt hàng rượu, bia (tăng 0,14%), nhu cầu tiêu dùng rượu, bia của người dân tăng.
- Nhóm giáo dục tăng 0,12%: Trong tháng 9, học sinh trên địa bàn toàn tỉnh khai giảng năm học mới, mặc dù giá dịch vụ giáo dục không thay đổi nhưng giá đồ dùng học tập tăng 0,45% so với tháng trước, do nhu cầu phục vụ học tập vào đầu năm của học sinh các cấp.
* Nhóm hàng hóa chủ yếu có chỉ số giá giảm so với tháng trước
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,95% :
+ Giảm chủ yếu ở những mặt hàng thực phẩm, so với tháng trước giảm 1,33%. Trong đó, giá thịt gia súc tươi sống giảm 3,7%, trong đó riêng giá thịt lợn giảm 4,03% do nguồn cung dồi dào, giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường bình quân dao động ở mức từ 102.000đ/kg – 137.000đ/kg (giảm từ 5.000đ/kg – 10.000đ/kg so với tháng trước), giá thịt lợn giảm kéo theo giá thịt chế biến giảm. Giá thịt gia cầm tươi sống giảm 1,27% do nhu cầu tiêu dùng giảm. Giá rau tươi tăng 2,26%, tăng chủ yếu ở các mặt hàng trái vụ thu hoạch (được nhập ở các địa phương khác) như bắp cải, su hào, cà chua....
+ Lương thực giảm 0,15%: Chỉ số giá nhóm lương thực giảm chủ yếu ở mặt hàng gạo (giảm 0,47%), khoai (giảm 0,1%), lượng sản phẩm dồi dào từ thu hoạch vụ Xuân là nguyên nhân chính dẫn đến giá lương thực giảm.
- May mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,24%: Trong tháng các cửa hàng quần áo và giày dép cũng đang áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá nhằm kích cầu người dân tiêu dùng nên chỉ số giá nhóm này giảm so với tháng trước.
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,25%: Chỉ số giá nhóm hàng trên biến động chủ yếu ở một số mặt hàng sau: Giá điện sinh hoạt giảm 1,4%, giá nước sinh hoạt giảm 0,1% so với tháng trước, do thời tiết chuyển mùa nên nhu cầu sử dụng điện của người dân giảm. Giá dầu hỏa giảm 1,36%, do trong kỳ liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá vào ngày 10/9 theo diễn biến giá dầu của thế giới. Giá gas không thay đổi so với tháng trước.
- Nhóm giao thông giảm 0,63%:
+ Chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 1,47% so với tháng trước. Do trong kỳ có điều chỉnh tăng giá xăng vào 15 giờ 00 ngày 10/9, trong đó, giá xăng A95 III là 21.723đ/lít (giảm 297đ/lít); giá dầu Diezen là 16.217đ/lít (giảm 737đ/lít). Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu thành phẩm thế giới trong tháng tăng, giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm nhẹ. Do tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, vì vậy liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá ở mức độ cao. Dự kiến giá xăng dầu sẽ điều chỉnh lần 2 vào ngày 26/9.
+ Giá vé tàu hỏa giảm 0,72%; giá vé máy bay không đổi, với tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, mọi hoạt động di chuyển, của người dân hạn chế nên giá dịch vụ giao thông giảm so với tháng trước.
- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm nhẹ 0,01%: Trong tháng, các cửa hàng điện máy áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi các mặt hàng như máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt ... nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân lên mức cao nhất.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 năm 2021 so với cùng kỳ năm trước.
CPI chung toàn tỉnh tháng 9/2021 giảm 0,79% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 7,3%; Nhóm may mặc, mũ nón giày dép giảm 0,43%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,82%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,49%.
6.2 Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm 2021
CPI chung bình quân 9 tháng năm 2021 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,11%; Nhóm may mặc, mũ nón giày dép giảm 0,34%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,25%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,61%.
6.3. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ.
- Chỉ số giá vàng: Trong tháng 9, giá vàng thế giới biến động mạnh hơn các tháng trước, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng, giảm theo giá thị trường thế giới. Giá vàng trong nước so với tháng trước tăng 0,19%, so với cùng kỳ năm trước giảm 2,44%, so với năm gốc 2019 tăng 32,08%. Bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 9,82% so với cùng kỳ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ: So với tháng trước giảm 0,21%, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,56%, so với năm gốc 2019 tăng 0,52%. Bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 0,87% so với cùng kỳ.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Đời sống dân cư
Đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản ổn định không có biến động lớn, giá cả một số mặt hàng được bình ổn, cung ứng đầy đủ nguồn hàng chính sách và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Chính sách bảo đảm an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện đồng bộ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện đầy đủ. Các chính sách về dân tộc, tôn giáo được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện, không để phát sinh những vấn đề nổi cộm về tôn giáo.
Thực hiện hỗ trợ gạo cứu đói: 184.295 kg gạo, trị giá 2.767 triệu đồng; Tổ chức bàn giao 212.430 kg gạo. Ước giảm tỷ lệ hộ nghèo 9 tháng năm 2021 đạt 1,34% tương đương khoảng 2.700 hộ, đạt 67% so với kế hoạch. Trợ cấp thường xuyên cho 35.545 lượt người có công và thân nhân với kinh phí 63.852 triệu đồng. Tiếp nhận và giải quyết 1.400 hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân. Cấp thẻ BHYT: 27.605 thẻ, trong đó cấp 7.056 thẻ cho người có công và thân nhân, 20.549 thẻ cho đối tượng cựu chiến binh, người tham gia kháng chiến theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7.2. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội
Trong 9 tháng đầu năm 2021, ước tạo việc làm mới cho khoảng 13.048 người lao động trên địa bàn tỉnh, đạt 93,2% kế hoạch. Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của tỉnh cho vay 72.884 triệu đồng với 1.792 dự án, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 1.792 người lao động. Tuyên truyền, tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách pháp luật lao động cho trên 9.600 lượt người đạt 80% so với kế hoạch, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2020; Số người lao động nhận việc làm mới ngoài tỉnh: 225 người; số người nhận việc trong tỉnh: 78 người. Toàn tỉnh có 48 người lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường lao động như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo kết quả tổng hợp sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tính đến 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 2.687 doanh nghiệp, trong đó 1.502 doanh nghiệp và hợp tác xã đang hoạt động, sử dụng khoảng 20.914 lao động; mức thu nhập bình quân đầu người ở các doanh nghiệp khoảng 6,0– 6,5 triệu đồng/người/tháng. Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có khoảng 29.314 cơ sở. Số lao động trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu là lao động người Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số lao động bị ảnh hưởng khoảng 2.700 người.
Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo và người dân tộc thiểu số ước đạt 396.560 thẻ; trong đó, bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số là 390.000 thẻ.
7.3. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng
7.3.1. Công tác y tế dự phòng
Công tác phòng chống dich Covid-19 tính đến 15h00 ngày 23/9/2021:
- Trong tháng 9 phát hiện 66 F0, toàn tỉnh đến nay có 212 F0, đã điều trị khỏi 202. Tổng số BN hiện đang điều trị: 10 trường hợp. Tổng số F1 đang theo dõi: 24 F1 (Văn Lãng 22, Chi Lăng 02).
- Tình hình xét nghiệm: Lũy kế từ ngày 06/5/2021 đến ngày 15/9/2021, tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện trên toàn tỉnh là: 279.150 mẫu xét nghiệm.
Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát; không để dịch lớn xảy ra. Trong tháng có 04 bệnh có số mắc tăng[5] và 07 bệnh có số mắc giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ[6]. Các ca bệnh có số mắc tăng đều phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch.
Duy trì tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 01 tuổi trên 11 huyện, thành phố; đảm bảo an toàn trong tiêm chủng.
7.3.2. Công tác khám chữa bệnh
Các đơn vị khám, chữa bệnh tổ chức trực 04 cấp, đảm bảo trực 24/24 giờ; đảm bảo cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, hậu cần, bố trí đủ cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Tiếp tục thực hiện phân luồng, phân loại khám ngay từ khi người bệnh đến bệnh viện, nhằm phát hiện những ca nghi ngờ mắc Covid-19 để cách ly kịp thời. Đảm bảo các điều kiện để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa theo kế hoạch.
Kết quả khám và chữa bệnh công lập cả 3 tuyến trong tháng 9: Khám được 103.093 lượt; điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã cho 10.030 lượt; điều trị ngoại trú cho 11.171 lượt. Cộng dồn 9 tháng: Khám được 948.213 lượt, điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã cho 91.584 lượt, điều trị ngoại trú cho 103.925 lượt.
7.4. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Lạng Sơn hạn chế tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và biên tập các tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đã tổ chức một số chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị. Các đội chiếu bóng lưu động bóng đã tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tại các xã vùng biên giới; tuyên truyền về chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng, chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ… Trong 09 tháng đầu năm 2021 các Đội Chiếu bóng lưu động thực hiện được: Số buổi chiếu phim: 1037 buổi (trong đó có 12 buổi chiếu chính trị), đến được 188 lượt xã, 1037 lượt thôn, phục vụ 93.486 lượt người nghe tuyên truyền và xem phim; tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 được. 199 buổi tại 185 lượt xã, phục vụ khoảng trên 92.000 người nghe tuyên truyền. Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19: 09 buổi, đến được 19 lượt xã, ước khoảng trên 9.000 người nghe tuyên truyền.
Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid -19 trong lĩnh vực thể dục, thể thao; tạm hoãn tổ chức thi đấu giải như: giải Bóng bàn, Cầu lông Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2021; môn Bơi trước khai mạc Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX – năm 2022; Giải chạy bộ “Mẫu Sơn Jungle Paths” năm 2021. Tiếp tục duy trì công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên năng khiếu, huấn luyện các đội tuyển tham gia các giải thể thao khu vực và toàn quốc; các đội tuyển tăng thời gian tập luyện trong thời gian dịch bệnh.
Về hoạt động du lịch, tổng lượng khách tháng 9 không có lượt khách nào. Lũy kế 09 tháng năm 2021 đạt 1.094.108 lượt khách, tăng 20,6 % so với cùng kỳ, đạt 33% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó: Khách quốc tế đạt 12.273 lượt khách, giảm 78,9 % so với cùng kỳ, đạt 2,5% so với kế hoạch năm 2021. Khách trong nước đạt 1.081.835 lượt khách, tăng 27,4 % so với cùng kỳ, đạt 38,7% so với kế hoạch năm 2021. Doanh thu ước đạt 617,1 tỷ đồng, tăng 57,7% so với cùng kỳ, đạt 38,7% so với kế hoạch năm 2021.
7.5. Giáo dục
Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 675 đơn vị trường học với hơn 200.000 học sinh nhập học. Để bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, các đơn vị trường học tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2021-2022 đảm bảo an toàn, thiết thực trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Riêng địa bàn giãn cách xã hội là huyện Văn Lãng 51 trường từ cấp mầm non đến THCS, từ ngày 6/9, các trường sẽ tổ chức dạy học trực tuyến; hết thời gian giãn cách xã hội các đơn vị trường học trên địa bàn huyện học tập trung từ ngày 22/9. Ngoài ra, ngành giáo dục tỉnh đã xây dựng kịch bản tổ chức dạy học ứng phó với tình hình diễn biến dịch Covid-19 năm học 2021 -2022.
7.6. Trật tự - An toàn giao thông
Tháng 9 năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng và 01 vụ rất nghiêm trọng; làm 03 người chết, 01 người bị thương. Cộng dồn 9 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 28 vụ tai nạn giao thông làm 27 người chết, 08 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 05 vụ (-15,15%), giảm 07 người chết (-20,59%), giảm 05 người bị thương (-39,46%). Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do phóng nhanh vượt ẩu của người điều khiển phương tiện đã không làm chủ được tốc độ.
7.7. Môi trường
Trong tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không xảy ra trường hợp vi phạm môi trường, không xảy ra cháy nổ. Cộng dồn từ đầu năm đã xảy ra 22 vụ cháy, nổ không có thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại là 2.364 triệu đồng.
7.8. Thiệt hại do thiên tai
Tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh trong những tháng 9 năm 2021 không có thiệt hại do thiên tai.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
Viêm gan virut B 01 ca (tăng 01ca); bệnh do virut Adeno 12 ca (tăng 05 ca); Lỵ trực trùng 04 ca (tăng 02ca); Viêm gan virut khác 04 ca (tăng 04ca).
Tay chân miệng 0ca (giảm 03ca); Viêm gan virut A 0 ca (giảm 01ca); Cúm 348 ca (giảm 204ca); Lỵ Amip 02 ca (giảm 01 ca); Quai bị 04ca (giảm 12ca); Thủy đậu 14ca (giảm 05ca);Tiêu chảy 185ca (giảm 37ca).
Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.
Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh.