1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
* Tình hình sản xuất các loại cây trồng hằng năm vụ Mùa năm 2021
Cây lúa: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 32.383,52 ha, giảm 0,42% so với cùng kỳ. Diện tích giảm do người dân chuyển sang trồng cây khác có giá trị cao hơn như thạch đen, cây ăn quả; một số diện tích đầu vụ thời tiết nắng nóng, không chủ động được nguồn nước nên người dân đã chuyển sang trồng cây hằng năm khác. Trong quá trình sản xuất, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã hướng dẫn người dân vệ sinh đồng ruộng, làm đất, phòng trừ các loại sâu bệnh kịp thời nên không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của lúa. Diện tích thu hoạch trong tháng ước 6.789,5 ha, tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa ước đạt 39,25 tạ/ha, tăng 0,33% so với cùng kỳ, do người dân sử dụng giống lúa thuần chủng, chất lượng, cho năng suất cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn như giống lúa Bao thai.... Sản lượng lúa ước đạt 26.648,9 tấn tăng 0,37% so với cùng kỳ.
Cây ngô: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 5.295,07 ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây ngô tăng do người dân chăn nuôi tái đàn lợn trở lại, nên mở rộng diện trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi. Diện tích thu hoạch trong tháng ước 828,2 ha, tăng 0,15% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất ước tính 46,64 tạ/ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Sản lượng ước tính 3.862,96 tấn, tăng 0,85% so với cùng kỳ.
Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 1.009,83 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Người dân mở rộng diện tích trồng để làm thức ăn chăn nuôi. Diện tích thu hoạch trong tháng ước 60,58 ha, tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất đạt 68,82 tạ/ha, tăng 0,54% so với cùng kỳ. Sản lượng đạt 371,81 tấn, tăng 0,29% so với cùng kỳ.
Cây đậu tương: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 173,26 ha, tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất thu hoạch ước 15,58 tạ/ha, tăng 0,78% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước 269,94 tấn, tăng 1,22% so với cùng kỳ năm trước.
Cây lạc: Diện tích gieo trồng ước thực hiện 1.782,53 ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng tăng do giá bán lạc tươi 2 năm gần đây ổn định từ 18.000 - 22.000đồng/kg, công đầu tư ít mà giá trị kinh tế đem lại cao. Diện tích thu hoạch trong tháng ước 321 ha, tăng 0,31% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất ước đạt 18,02 tạ/ha, tăng 0,05%; sản lượng đạt 578,38 tấn, tăng 0,36% so với cùng kỳ.
Rau các loại: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học trong sản xuất luôn được quan tâm; mô hình rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGap tiếp tục phát triển. Dự ước diện tích gieo trồng thực hiện 2.674,81 ha, tăng 1,13%. Diện tích thu hoạch trong tháng ước 709 ha, tăng 0,28% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng đạt 8.458,86 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
* Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có xu hướng giảm về số lượng đàn trâu, tăng tổng đàn bò; tổng đàn gà, vịt tiếp tục phát triển ổn định; tổng đàn lợn tăng cao so với cùng kỳ do duy trì, đẩy mạnh công tác tái đàn. Cụ thể:
Ước tính đàn trâu trong tháng 10 vẫn giảm dần do hiệu quả kinh tế không cao và môi trường chăn thả bị thu hẹp, một số hộ xuất bán trâu để lấy vốn đầu tư vào trồng rừng. Ước tính số lượng đầu con trâu hiện có 74.010 con; số con trâu xuất chuồng ước đạt 2.068 con, tăng 0,34% so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng đạt 498,39 tấn.
Đàn bò của tỉnh tăng so với cùng kỳ do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức cao, người chăn nuôi có lãi ổn định. Ước tính số lượng đầu con bò trong tháng 10 hiện có 33.590 con; tăng 0,03% so với cùng kỳ; số con bò xuất chuồng đạt 750 con tăng 1,35%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 145,58 tấn, tăng 1,35% so với cùng kỳ năm trước,
Đàn lợn trong tháng ước 118.241 con, tăng 7,18% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng đầu con tăng là do khống chế dịch tả lợn châu Phi nên người dân tái đàn trở lại; số con xuất chuồng ước 17.865 con, tương đương sản lượng hơi xuất chuồng đạt 1.484,58 tấn, tăng 5,31% so với cùng kỳ năm trước.
Đàn gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định. Ước tổng đàn gia cầm hiện có 5.516 nghìn con, tăng 3,61% so với cùng kỳ. Chăn nuôi các loại gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí, đầu ra ổn định, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân; sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm đạt 1.225,42 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 5.764,63 nghìn quả.
Tình hình dịch bệnh: Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 255 hộ của 61 thôn, 52 xã và 10 huyện, tổng số mắc bệnh 1.070 con. Dịch cúm gia cầm H5N8: Trong tháng 10 bệnh xảy ra tại 03 hộ của 03 thôn, 03 xã và 02 huyện (Tràng Định và Văn Lãng) phải tiêu hủy 259 con gia cầm với tổng trọng lượng là 623 kg; trong tháng tình hình dịch bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh không phát sinh.
1.2. Lâm nghiệp
Ước tính tháng 10 năm 2021, diện tích rừng trồng mới đạt 281,85 ha, tăng 0,92% so với cùng kỳ. Số cây trồng phân tán thực hiện được 2,47 triệu cây, quy đổi ra ha tương đương 1.235,8 ha. Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.
Tổng sản lượng gỗ khai thác trong tháng 10 năm 2021 đạt 12.135,64 m3, tăng 3,23% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gỗ nhóm 5; 6 và 7. Nguyên nhân do trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, các cây trồng đã đến tuổi khai thác, người dân và doanh nghiệp chủ động khai thác để tái sản xuất rừng trồng mới. Khai thác gỗ nhiều ở các huyện Hữu Lũng, huyện Lộc Bình, huyện Đình Lập.
Sản lượng củi khai thác và tiêu thụ trong tháng 10 năm 2021 ước đạt 112.353,41 ste, giảm 0,27% so với cùng kỳ năm trước. Khai thác củi tập trung chủ yếu ở khu vực cá thể, được dùng cho mục đích đun nấu và một phần được tiêu thụ trên thị trường. Khai thác củi giảm chủ yếu do nhu cầu sử dụng tiêu dùng củi trong dân giảm.
1.3. Thủy sản
Thời gian qua, Nhân dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tiếp tục đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá rô phi, cá nước lạnh,...) và các loài cá bản địa, đặc hữu để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên. Diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, đối tượng nuôi trồng thủy sản phong phú, môi trường nuôi không bị ô nhiễm và không có dịch bệnh xảy ra.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021
2.1.1. So với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp dự ước tháng 10 so với tháng 9 tăng 14,47%, trong đó: ngành khai khoáng tăng 41,89%; ngành chế biến, chế tạo tăng 11,82%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,11%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,39%.
Trong ngành công nghiệp khai khoáng: Khai thác than dự ước tăng 46,51% do nhu cầu tiêu thụ than từ Nhà máy Nhiệt điện Na Dương tăng; ngành khai khoáng khác dự ước tăng 37,06% so với tháng trước, hoạt động xây dựng cuối năm tăng kéo theo nhu cầu sử dụng đá xây dựng tăng.
Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành cấp 2 có chỉ số tăng như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 112,35%, do trong tháng 9/2021 Công ty cổ phần thương mại sản xuất da Nguyên Hồng cho lao động nghỉ luân phiên để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 10,03%, chủ yếu tăng sản lượng sản phẩm bánh quy, do tình hình vận chuyển hàng hóa lưu thông ở một số địa phương đã được nới lỏng, nên Công ty TNHH Thành Long đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, ký kết thêm đơn hàng; sản xuất hóa chất tăng 15,62%, do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng; sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 18,02%; khoáng phi kim loại tăng 14,09%, chủ yếu tăng ở sản phẩm bột đá mài (tăng 94,03%), tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất trở lại bình thường; một số ngành có chỉ số sản xuất tăng, đáp ứng ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng vào dịp cuối năm như sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 33,33%; sản xuất giường, tủ tăng 20,16%; các cơ sở cá thể dệt, sản xuất trang phục, sửa chữa máy móc hoạt động tăng so với tháng trước... Tuy nhiên, một số ngành cấp 2 có chỉ số giảm như sản xuất kim loại; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (giảm 26,32%), khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, nhu cầu thị trường giảm, lượng hàng tồn lớn, các doanh nghiệp chủ động cắt giảm sản lượng sản xuất.
Ngành sản xuất và phân phối điện dự ước tăng 12,11% so với tháng trước, trong đó, lượng điện sản xuất ước tăng 13,93%, điện thương phẩm tăng 0,99% do nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của dân cư và các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 2,39%, cụ thể: Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 2,76%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 9,49%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 1,59%.
2.1.2. So với cùng kỳ
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2021 tăng 4,61%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 8,38%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,29%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 3,49%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,19% so với cùng kỳ.
Trong ngành công nghiệp khai khoáng, hoạt động khai thác than tăng 7,69% so với cùng kỳ; hoạt động khai khoáng khác tăng 9,16% do trong tháng 10/2021 trên địa bàn tỉnh triển khai tu sửa, nâng cấp và mở rộng một số công trình giao thông, nhu cầu sử dụng đá trong xây dựng tăng.
So với cùng kỳ năm trước, một số ngành cấp 2 trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo có chỉ số tăng khá như: chế biến gỗ tăng 11,19%; in và sao chép bản ghi tăng 13,07%; sản xuất hóa chất tăng 41,9%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 26,13%; sản xuất đồ uống tăng 11,46%... Bên cạnh đó, một số sản phẩm có sản lượng giảm so với tháng cùng kỳ như: chì thỏi trong tháng 10/2021 doanh nghiệp sản xuất tạm nghỉ để bảo dưỡng, sữa chữa nhà xưởng, máy móc; chè xanh giảm 41,18% do việc quy định tiêu chuẩn về chất lượng của một số nước đối với các loại nông sản nói chung, trong đó có sản phẩm chè ngày càng khắt khe, theo đánh giá của các nước nhập khẩu quy trình chăm sóc, thu hái chè chưa đáp ứng được yêu cầu nên tạm dừng nhập khẩu, sản lượng chè xuất khẩu giảm mạnh, kéo theo giá trị chè thương phẩm cũng giảm theo; sản phẩm rượu trắng giảm sâu (giảm 96,09%) do tiêu thụ gặp khó khăn, các cơ sở sản xuất hoạt động cầm chừng; sản phẩm bật lửa ga giảm 40,49%, do doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh.
Ngành công nghiệp điện: Sản lượng điện sản xuất tháng 10 tăng 3,65%; điện thương phẩm tăng 2,38% so với cùng kỳ.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 6,19%, cụ thể: Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 3,33%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 3,52%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 9,27% so với cùng kỳ.
2.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ
Nhìn chung, trong 10 tháng năm 2021 hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và tiếp tục duy trì, dần phục hồi sản xuất song song với ứng phó, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,59%.
Trong ngành công nghiệp khai thác, sản phẩm than sạch giảm 0,51%; đá khai thác tăng 7,55%, riêng sản phẩm đá xây dựng do thời tiết khô ráo thuận tiện cho hoạt động khai thác đá và từ đầu năm các công trình xây dựng dân dụng, đường giao thông được duy tu sửa chữa thường xuyên và làm mới nhiều tuyến đường.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,45%, có 18/20 ngành cấp 2 tăng trưởng so với cùng kỳ: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 23,97%, khi doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm và liên kết với các doanh nghiệp trong nước, hiện nay doanh nghiệp chủ yếu là hoạt động gia công cho các công ty khác ở trong nước; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 18,27%, chủ yếu nhờ cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại; sản xuất kim loại tăng 29,79%, chủ yếu do Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ chuyển đổi sản phẩm sản xuất từ sản phẩm bạc là chủ yếu sang sản xuất sản phẩm chì thỏi là chủ yếu; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 40,08% (trong đó sản phẩm oxit molipden tăng 162,49% do Công ty Cổ phần Kim Đạt mở rộng sản xuất, ký kết đơn hàng tiêu thụ; sản phẩm colophan tăng 21,67% do sản lượng nhựa thông khai thác tăng, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, bên cạnh đó doanh nghiệp chủ động ký kết đơn hàng xuất khẩu, ổn định sang Trung Quốc). Đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh là sản phẩm Xi măng Portland đen tăng 9,68%, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, nên nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng các công trình tăng, từ đầu năm 02 công ty sản xuất sản phẩm xi măng của tỉnh đều có đơn hàng tăng so với cùng kỳ.
Một trong những nguyên nhân giúp cho tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng, mặc dù bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch Covid-19 chính là hiệu quả từ phát triển kinh tế số trên địa bàn, sau 3 tháng triển khai phát triển kinh tế số, số cửa hàng số là 68.311 (tăng 68 lần), số tài khoản thanh toán điện tử 57.973 (tăng 192 lần), tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng 2.312 tổ công nghệ cộng đồng tại các thôn, bản với 9.636 thành viên, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế số.
Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 3,16%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 0,49%.
Trong sản xuất và phân phối điện: Sản lượng điện sản xuất giảm 1,92%; điện thương phẩm tăng 7,19% so với cùng kỳ.
Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Nước uống được tăng 4,24%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế tăng 7,70%.
2.3. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 10/2021 tăng 0,55% so với tháng trước và giảm 2,17% so với cùng kỳ. Trong đó, so với cùng kỳ ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 5,80%, cho thấy ngành công nghiệp khai khoáng việc ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất ngày càng cao; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,51%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 0,33%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,87%. Bình quân 10 tháng năm 2021, chỉ số sử dụng lao động giảm 0,46% so với cùng kỳ năm trước.
Trong ngành công nghiệp, chia theo loại hình kinh doanh, riêng chỉ số lao động của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 10 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng cao (tăng 21,09%) chủ yếu do sự thay đổi lao động từ Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ.
3. Đầu tư, xây dựng
Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động về giá thép đến các hoạt động xây dựng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công và tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư các nguồn vốn năm 2021. Từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, có 366 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 24,48% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 3.295,7 tỷ đồng tăng 50,16% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 177 doanh nghiệp tăng 37,20%, doanh nghiệp thông báo giải thể 163 doanh nghiệp.
Kế hoạch đầu tư công năm 2021, tỉnh Lạng Sơn tập trung bố trí cho các dự án thanh toán nợ, hoàn thành và chuyển tiếp, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân. Tiến độ thực hiện dự án cơ bản theo tiến độ được phê duyệt... Tuy nhiên, do dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát nên chủ đầu tư cũng như các đơn vị khảo sát, thiết kế, thi công, tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đều bị ảnh hưởng, làm chậm tiến độ thực hiện; bên cạnh đó, giá của một số nguyên vật liệu tăng cao bất thường cũng đã dẫn đến nhà thầu thi công cầm chừng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Vẫn còn nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp, một số chủ đầu tư còn thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện dự án. Tỷ lệ giải ngân đối với nguồn vốn ODA còn thấp không đảm bảo giải ngân theo kế hoạch giao do xây dựng kế hoạch (phân khai vốn) chậm, vướng mắc về thủ tục điều chỉnh dự án; hiện nay kế hoạch nguồn vốn ODA giảm 213,7 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm. Tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng nhìn chung còn chậm, nguyên nhân chủ yếu do các tác động như: như thời tiết mưa nhiều (quý I), ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,… Trước thực trạng này, để kịp thời hoàn thành các dự án và giải ngân các nguồn vốn, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý vốn đầu tư, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây lắp, hoàn thiện các thủ tục làm căn cứ giải ngân vốn đầu tư. Mục tiêu đến hết năm 2021,việc giải ngân sẽ đạt kế hoạch đề ra.
Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 10/2021 ước thực hiện 250 tỷ đồng, đạt 9,27% so với kế hoạch năm 2021, giảm 34,25% so với cùng kỳ. Chia ra: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 180,7 tỷ đồng, giảm 27,30% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 69,3 tỷ đồng, giảm 47,36% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 10 tháng năm 2021, ước thực hiện 2.316,6 tỷ đồng, giảm 10,72% so với cùng kỳ. Chia ra: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.510,3 tỷ đồng, giảm 7,70% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 806,3 tỷ đồng, giảm 15,88% so với cùng kỳ.
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700-km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 10/2021 ước thực hiện được 238,0 tỷ đồng, đạt 24,08% kế hoạch.
Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần): Công trình có tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 10/2021 ước thực hiện được 339,3 tỷ đồng; đạt 24,62% kế hoạch.
Dự án Khu tái định cư và dân cư Nam thành phố Lạng Sơn: Công trình với tổng mức đầu tư 450,7 tỷ đồng. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 10/2021 ước thực hiện được 393,5 tỷ đồng; đạt 87,30% kế hoạch.
Dự án đường đến trung tâm xã Tân Yên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn: Công trình với tổng mức đầu tư 432,1 tỷ đồng. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 10/2021 ước thực hiện được 327,6 tỷ đồng, đạt 75,82% kế hoạch.
4. Tài chính, ngân hàng
4.1. Tài chính
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 10 năm 2021 đạt 741,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: thu nội địa là 241,1 tỷ đồng tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2020, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 500 tỷ đồng tăng 39,0% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 10 tháng năm 2021 là 8.752 tỷ đồng, đạt 155,3% so với dự toán Trung ương giao, đạt 150% so với dự toán tỉnh giao, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Thu nội địa: 2.464 tỷ đồng, đạt 103,3% so với dự toán tỉnh giao, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 6.283,4 tỷ đồng, đạt 182,1% so với dự toán giao, tăng 97,3% so với cùng kỳ năm 2020; Các khoản huy động, đóng góp: 4,6 tỷ đồng, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm 2020.
- Về chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 10 năm 2021 là 959,9 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 10 tháng đầu năm 2021 là: 7.876,3 tỷ đồng, đạt 73,4% dự toán giao đầu năm, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2020, Trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 6.765,7 tỷ đồng, đạt 76,2% dự toán giao đầu năm và tăng 2,9% so cùng kỳ năm 2020; Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 1.110,5 tỷ đồng, đạt 59,6% dự toán, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong chi cân đối ngân sách địa phương: Chi đầu tư phát triển là 1.239,5 tỷ đồng, đạt 84,7% dự toán, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2020. Chi thường xuyên: 5.365 tỷ đồng, đạt 74,2% dự toán, bằng 95,4% so với cùng kỳ năm 2020.
4.2. Ngân hàng
Chính sách điều hành tín dụng trên địa bàn được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế. Khả năng thanh khoản của các ngân hàng được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế và chi trả cho khách hàng, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ước thực hiện đến 31/10/2021: Tổng huy động vốn ước đạt 32.940 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ, tăng 5,5% so với 31/12/2020. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 35.995 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ, tăng 7% so với 31/12/2020.
5. Thương mại và dịch vụ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các dịch vụ lưu trú, ăn uống, các nhà hàng, các dịch vụ khác trên địa bàn trong quý II và quý III gặp khó khăn, doanh thu giảm so với cùng kỳ... Trong 10 tháng năm 2021, thị trường Lạng Sơn không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và khan hiếm hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu nguồn cung đủ và ổn định. Đến nay, nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm cả các hoạt động karaoke, quán bar, xông hơi, massage, điểm truy cập internet… trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được phép hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 10 năm 2021 dự ước đạt 1.554,5 tỷ đồng, tăng 2,70% so với tháng trước và tăng 8,57% so với cùng kỳ.
Hầu hết các nhóm ngành hàng hoá đều tăng so với tháng trước, cụ thể:
+ Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 850,8 tỷ đồng, tăng 2,03% so với tháng trước, tăng 15,28% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của người dân tăng.
+ Nhóm hàng may mặc ước đạt 168,6 tỷ đồng, tăng 1,26% so với tháng trước, do thời tiết bắt đầu vào mùa lạnh nhu cầu mua sắm quần áo ấm và các đồ dùng phục vụ cá nhân như khăn quàng, bít tất, giầy dép….
+ Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 161 tỷ đồng, tăng 4,52% so với tháng trước, tăng 18,15% so với cùng kỳ. Tại các cửa hàng, đại lý trên địa bàn tỉnh hiện nay đang áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để kích cầu người tiêu dùng mua sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ cho mùa đông như điều hoà, bình nóng lạnh, lò sưởi, lò vi sóng…. được tiêu thụ số lượng lớn trên thị trường.
+ Gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 127,7 tỷ đồng, tăng 5,52% so với tháng trước, do những tháng cuối năm các công trình xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện để bàn giao do đó các mặt hàng thuộc nhóm vật liệu xây dựng tăng.
+ Nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 1,4 tỷ, tăng 3,52% so với tháng trước do nhu cầu mua sắm phương tiện phục vụ đi lại tăng cao.
+ Phương tiện đi lại trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) ước đạt 31,6 tỷ đồng, giảm 3,66% so với tháng trước, tăng 16,77% so với cùng kỳ chủ yếu giảm ở mặt hàng xe đạp và phụ tùng xe đạp vì tháng trước vào dịp năm học mới nhu cầu mua sắm phục vụ cho học sinh đi lại tiêu thụ nhiều hơn.
+ Xăng, dầu, các loại ước đạt 60,3 tỷ đồng, tăng 3,78% so với tháng trước. Sau khi nới lỏng giãn cách, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục vụ cho vận tải cũng như các phương tiện khác tăng. Bên cạnh đó giá xăng dầu tăng và nhu cầu đi lại tăng.
+ Đá quý, kim loại quý ước đạt 18,7 tỷ đồng, tăng 6,90% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, trao đổi, mua bán của khách hàng và đặc biệt trong tháng có ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 các mặt hàng trang sức thường được tiêu thụ mạnh trong các dịp lễ để làm quà tặng...
+ Hàng hóa khác ước đạt 84,6 tỷ đồng, tăng 5,88% so với tháng trước, tăng 8,33% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các mặt hàng lương, thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân thì nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng hoá thiết yếu khác cũng không thể thiếu trong sinh hoạt đời sông hằng ngày.
+ Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ước đạt 38,4 tỷ đồng, tăng 1,82% so với tháng trước và giảm 2,81% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước tổng mức bán lẻ 10 tháng năm 2021 đạt 15.733 tỷ đồng, tăng 12,21% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm ngành trong 10 tháng năm đều tăng so với cùng kỳ, trong đó có 3/12 nhóm hàng tăng trên 10%, lần lượt: nhóm hàng lương thực tăng 17,85%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 15,84%; nhóm hàng hoá khác tăng 17,40%, các nhóm hàng còn lại tăng ở mức bình thường, không có hiện tượng khan hiếm hàng hoá, tăng đột biến về giá.
5.2. Dịch vụ
5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Do ảnh hưởng của dịch, các tuor du lịch nước ngoài hiện nay vẫn đang tạm thời chưa hoạt động. Chủ yếu là du lịch nội tỉnh và khách hội thảo, hội nghị…Doanh thu du lịch lữ hành tháng 10/2021 ước đạt 0,7 tỷ đồng, tăng 5,77% so với tháng trước và tăng 56,33% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn cơ bản đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các cơ sở phục vụ nhu cầu ăn uống vẫn phải thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch theo quy định.
Ước tính doanh thu lưu trú, ăn uống tháng 10/2021 ước đạt 159,6 tỷ đồng, tăng 13,45% so với tháng trước và tăng 11,04% so với cùng kỳ năm trước.
Dự tính doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng năm 2021 đạt 1.369,5 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,68%. Doanh thu lữ hành dự ước 10 tháng đạt 7,6 tỷ đồng, giảm 6,21% so với cùng kỳ năm trước.
5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Hoạt động các ngành dịch vụ tháng 10/2021 tăng so với tháng trước và so cùng kỳ năm trước; một số ngành dịch vụ như: cắt tóc, gội đầu, spa đã ổn định và hoạt động trở lại bình thường. Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 10 năm 2021 ước đạt 34,3 tỷ đồng, tăng 2,57% so với tháng trước và giảm 8,37% so cùng kỳ năm trước. Dự ước doanh thu dịch vụ 10 tháng năm 2021 đạt 372,7 tỷ đồng, tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước.
5.3. Vận tải
Từ đầu năm 2021 đến nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc liên tục thay đổi các biện pháp kiểm soát, tăng cường phòng chống dịch đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nỗ lực đàm phán với các cơ quan liên quan của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại 04/12 cặp cửa khẩu chủ lực và hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bản tỉnh diễn ra sôi động.
Dự ước doanh thu ngành vận tải tháng 10/2021 là 152,5 tỷ đồng, tăng 15,18% so với tháng trước và tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 15,8 tỷ đồng, giảm 17,53%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 89, tỷ đồng, tăng 3,55%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ ước đạt 47,2 tỷ đồng tăng 23,94%; hoạt động chuyển phát ước đạt 0,3 tỷ đồng, giảm 20,63% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước 10 tháng năm 2021, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi đạt 1.328,9 tỷ đồng, tăng 8,07% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 144,5 tỷ đồng, giảm 20,11%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 4.484 nghìn khách tăng 1,77%; khối lượng luân chuyển đạt 194.115 nghìn HK.Km, giảm 15,47%. Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 786,2 tỷ đồng, tăng 6,36%, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 4.003 nghìn tấn, tăng 18,61%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 448.652 nghìn tấn.km, tăng 9,16%. Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 395,3 tỷ đồng, tăng 28,75% và hoạt động chuyển phát đạt 2,8 tỷ đồng, tăng 14,53%.
6. Chỉ số giá
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 10/2021 giảm 0,4% so với tháng trước, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước , cụ thể:
* Nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm:
- May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,13% chủ yếu ở các mặt hàng: găng tay, bít tất, thắt lưng, mũ nón, áo mưa ... Do trong tháng có đợt không khí lạnh và mưa nhiều, nhu cầu mua sắm phục vụ tiêu dùng cá nhân tăng.
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,25%, biến động chủ yếu ở một số mặt hàng: Giá điện sinh hoạt giảm 1,26%, giá nước sinh hoạt giảm 0,25% so với tháng trước, do thời tiết chuyển mùa nên nhu cầu sử dụng điện của người dân giảm. Giá dầu hỏa tăng 8,01%, do trong kỳ liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá vào ngày 11/10 theo diễn biến giá dầu của thế giới. Giá gas tăng 9,64% so với tháng trước, nguyên nhân giá gas thế giới tăng do nhu cầu sử dụng gas, khí đốt để sưởi ấm của các quốc gia châu Âu vào chu kỳ cuối năm tăng cao.
- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%: Chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu ở mặt hàng rượu, bia (tăng 0,05%), nhu cầu tiêu dùng rượu, bia của người dân tăng.
- Nhóm giao thông tăng 1,84%:
+ Chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,66% so với tháng trước. Do trong kỳ có điều chỉnh tăng giá xăng vào 15 giờ 00 ngày 11/10, trong đó, giá xăng A95 III là 22.983đ/lít (tăng 1.260đ/lít); giá dầu Diezen là 17.542đ/lít (tăng 1.325đ/lít). Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu thành phẩm thế giới trong tháng tăng do kinh tế các nước trên thế giới đang dần hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng, dầu liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá ở mức độ cao. Dự kiến giá xăng, dầu sẽ điều chỉnh lần 2 vào ngày 26/10.
* Nhóm hàng hóa chủ yếu có chỉ số giá giảm so với tháng trước
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,86%:
+ Giảm chủ yếu ở những mặt hàng thực phẩm, so với tháng trước giảm 2,7%. Trong đó, giá thịt gia súc tươi sống giảm 7,67%, riêng giá thịt lợn giảm 8,7% do nguồn cung dồi dào, giá bán lẻ trên thị trường bình quân dao động ở mức từ 90.000đ/kg – 130.000đ/kg (giảm từ 7.000đ/kg – 10.000đ/kg so với tháng trước); giá thịt lợn giảm kéo theo giá thịt chế biến giảm. Bên cạnh đó, cũng có một số nhóm hàng thực phẩm khác giá tăng hơn so với tháng trước, cụ thể: Giá thịt gia cầm tươi sống tăng 0,31% do nhu cầu tiêu dùng tăng; giá rau tươi tăng 1,53%, chủ yếu tăng ở các mặt hàng trái vụ thu hoạch như bắp cải, su hào, khoai tây.... các mặt hàng này chủ yếu được nhập từ các địa phương khác.
+ Lương thực tăng 0,46%: Chỉ số giá nhóm lương thực tăng chủ yếu ở mặt hàng gạo (tăng 0,19%), khoai (tăng 5,05%), do lượng hàng hóa hiện tại từ vụ Xuân không còn dồi dào như các tháng trước nên giá ở các mặt hàng này tăng.
+ Ăn uống ngoài gia đình: Trong tháng, các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống đã mở cửa và hoạt động ổn định, giá so với tháng trước không thay đổi.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2021 so với cùng kỳ năm trước
CPI chung toàn tỉnh tháng 10/2021 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 8,23%; Nhóm may mặc, mũ nón giày dép giảm 0,43%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,3%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,88%.
6.2 Bình quân 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước
CPI chung bình quân 10 tháng năm 2021 giảm 0,36% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 4,88%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,08%; Nhóm may mặc, mũ nón giày dép giảm 0,35%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,15%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,74%.
6.3. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
- Chỉ số giá vàng: Trong tháng 10, giá vàng thế giới biến động mạnh hơn các tháng trước, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng, giảm theo giá thị trường thế giới. Giá vàng trong nước so với tháng trước giảm 0,19%, so với cùng kỳ năm trước giảm 2,26%, so với năm gốc năm 2019 tăng 31,83%. Bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 8,55% so với cùng kỳ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ: So với tháng trước giảm 0,43%, so với cùng kỳ năm trước không đổi, so với năm gốc năm 2019 tăng 0,09%. Bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 0,78% so với cùng kỳ.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội
Tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách pháp luật lao động 1.668 lượt người, số người đăng ký tìm việc làm: 229 người; số người được giới thiệu việc làm: 222 người, số người nhận được việc làm là 116 người
Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến là 87 hồ sơ; Lũy kế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân 1.447 hồ sơ. Thực hiện nhiệm vụ đảm bảo 100% hộ người có công có mức sống trung bình trở lên: Các huyện đã thực hiện hỗ trợ được 46/107 hộ có mức sống dưới trung bình (04 hộ nghèo, 42 hộ cận nghèo) đạt 42,99% kế hoạch. Toàn tỉnh còn 14 hộ người có công thuộc hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,55%, 47 hộ người có công thuộc hộ cận nghèo chiếm 1,84%.
Tính đến ngày 11/10/2021 toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 2.054 tổ chức, doanh nghiệp, 905 hộ kinh doanh và 5.660 người, tổng kinh phí đã giải ngân, hỗ trợ là trên 16.868 triệu đồng, cụ thể: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.015 đơn vị; tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho 04 đơn vị; vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 35 đơn vị; 905 hộ kinh doanh; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 653 người; ngừng việc cho 600 người; trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế cho 950 người; hướng dẫn viên du lịch cho 33 người; hỗ trợ lao động tự do cho 3.424 người.
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng
7.2.1. Công tác y tế dự phòng
Công tác phòng chống dich COVID-19 tính đến 15h00 ngày 24/10/2021:
Trong tháng 10 phát hiện 07 F0, lũy tích toàn tỉnh đến nay có 219 F0. Tổng số hiện đang điều trị: 06 trường hợp (03 tại TTYT huyện Hữu Lũng, 01 tại Phòng khám ĐKKV Đồng Đăng, 02 điều trị tại TTYT huyện Chi Lăng). Hiện tại theo dõi 17F1, 71F2: liên quan lái xe đường dài, người Trung Quốc xuất cảnh từ Việt Nam về Trung Quốc và công dân tỉnh Cao Bằng về từ tỉnh Bình Dương.
- Tình hình cách ly: Cách ly tại khu Quân sự (cộng dồn 18.878 người): hiện có 266 người đang cách ly, 18.612 người đã hoàn thành cách ly. Cách ly tại khách sạn (cộng dồn 13.537 người): Hiện không có chuyên gia Trung Quốc đang cách ly tại khách sạn, 13.537 người đã hoàn thành cách ly.
- Tình hình xét nghiệm: Lũy tích từ ngày 06/5/2021 đến ngày 24/10/2021, tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện trên toàn tỉnh là: 285.847 mẫu xét nghiệm RT-PCR; 187.266 mẫu Test nhanh.
- Công tác tiêm chủng vắc xin phòng chống COVID-19: Tính đến ngày 22/10/2021, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm được 810.944/851.620 liều đã tiếp nhận (479.254 người được tiêm mũi 1 (đạt 86,7%) và 331.690 người được tiêm đủ 2 mũi (60%), có 53.620/69.467 người trên 65 tuổi được tiêm ít nhất ít 1 mũi vắc xin (77,2%)
* Công tác phòng, chống dịch bệnh khác
Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát; không để dịch lớn xảy ra. Trong tháng có 01 bệnh có số mắc tăng và 10 bệnh có số mắc giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ. Các ca bệnh có số mắc tăng đều phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch.
7.2.2. Công tác khám chữa bệnh
Các đơn vị khám, chữa bệnh tổ chức trực 04 cấp, đảm bảo trực 24/24 giờ; đảm bảo cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, hậu cần, bố trí đủ cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng đảm bảo các điều kiện để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Kết quả khám và chữa bệnh công lập cả 3 tuyến trong tháng 10: Khám được 120.120 lượt; điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã cho 10.151 lượt; điều trị ngoại trú cho 11.073 lượt. Cộng dồn 10 tháng: Khám được 1.068.333 lượt. Khám chữa bệnh ngoài công lập: Trong tháng khám được 18.491 lượt, trong đó số khám bảo hiểm y tế 13.587 lượt; Chuyển viện 606 lượt; Tổng số khám sức khỏe 1466 lượt. Cộng dồn 10 tháng khám được 181.295 lượt.
7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch
Đối với hoạn động thư viện, đã tiếp nhận và xử lý nghiệp vụ sách từ các nguồn, gồm nguồn sách luân chuyển được 186 tên sách, 1116 bản sách. Nguồn biếu tặng được 48 tên sách,105 bản sách. Xử lý nghiệp vụ sách từ các nguồn bổ sung, biếu tặng, sách ngoại văn, báo tạp chí; số hóa tài liệu được 400 trang; phục vụ bạn đọc tại chỗ 2.500 lượt, luân chuyển 7.500 lượt sách; luân chuyển 45 điểm kho lưu động phục vụ 8.100 lượt độc giả, với 12.350 lượt sách, báo luân chuyển.
Hoạt động chiếu phim phục vụ tại cơ sở đạt 132 buổi chiếu, đạt 660 lượt tuyên truyền đến 26 lượt xã, 132 lượt thôn, phục vụ khoảng 11.000 lượt người. Do dịch Covid-19, Rạp chiếu phim Đông Kinh tiếp tục dừng chiếu phim theo Thông báo số 245/TB-UBND, ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh cho đến khi có thôngbáo mới.
Tiếp tục duy trì mở cửa nhà trưng bày, phòng triển lãm chuyên đề tại Bảo
tàng tỉnh và đón tiếp 306 lượt khách tham quan. Thực hiện tốt nghiệp vụ kiểm
kê, bảo quản tài liệu, hiện vật
Tổ chức thành công giải Bóng chuyền hơi Người cao tuổi tỉnh Lạng Sơn
năm 2021 diễn ra trong 02 ngày, từ ngày 06-07/10/2021. Giải có sự tham gia của 9 đoàn với 133 VĐV (68 nam, 65 nữ); tham gia thi đấu 2 nội dung gồm đồng đội nam, đồng đội nữ. Trong khuôn khổ Đại hội TDTT cấp tỉnh, tổ chức môn Bơi trong 02 ngày 16 -17/10/2021 tại bể bơi Nhung Bin, thôn Thâm Luông, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định; môn Bóng bàn tổ chức 04 ngày 21-24/10/2021 tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh.
Dự ước tổng lượng khách tháng 10/2021 đạt 300 lượt khách trong nước. Doanh thu ước đạt 0,15 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng năm 2021 đạt 1.094.408 lượt khách, tăng 2,06% so với cùng kỳ, đạt 33% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó: Khách quốc tế đạt 12.273 lượt khách, giảm 95% so với cùng kỳ, đạt 2,5% so với kế hoạch năm 2021. Khách trong nước đạt 1.082.135 lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 38,79% so với kế hoạch năm2021. Doanh thu ước đạt 617 tỷ đồng,tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 32,48% so với kế hoạch năm 2021.
7.4. Giáo dục
Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh có 675 đơn vị trường học với hơn 200.000 học sinh nhập học. Hiện nay, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công tác giảng dạy, học tập trong điều kiện bình thường mới; đảm bảo an toàn, thiết thực trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng các phương án, kịch bản để dạy và học trực tiếp kết hợp với trực tuyến; xác định trọng tâm, nội dung, kiến thức cốt lõi trong tổ chức dạy và học; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch môn học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài.
7.5. Trật tự - An toàn giao thông
Tháng 10 năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng ở các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn; làm 4 người chết, 01 người bị thương. Cộng dồn 10 tháng toàn tỉnh xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông làm 31 người chết, 9 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 3 vụ (-8,57%), giảm 05 người chết (-13,89%), giảm 05 người bị thương (-35,71%). Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do phóng nhanh vượt ẩu của người điều khiển phương tiện đã không làm chủ được tốc độ.
7.6. Môi trường
Trong tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 01 trường hợp vi phạm môi trường, tiến hành xử lý vi phạm 60 triệu đồng; không xảy ra cháy nổ. Cộng dồn từ đầu năm đã xảy ra 22 vụ cháy, nổ không có thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại là 2.364 triệu đồng.
7.7. Thiệt hại do thiên tai
Tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh trong tháng 10 năm 2021 không có thiệt hại do thiên tai.
Các nguồn vốn đầu năm 2021 kế hoạch được phân bổ thấp hơn năm 2020
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
Viêm gan virut khác 06 (tăng 06 ca).
Sốt xuất huyết 0 ca ( giảm 02 ca); Tay chân miệng 0 ca (giảm 16 ca); Viêm gan Virut B 01 ca ( tương đương 2020); Bệnh do virut Adeno 09 ca (giảm 07 ca); Cúm 399 ca (giảm 510 ca); Lỵ Amip 02 ca (giảm 01ca); Lỵ trực trùng 02 ca (giảm 02 ca); Quai bị 04 ca (giảm 20 ca); Thủy đậu 06 ca (giảm 09 ca); Tiêu chảy 162 ca (giảm 80 ca).
Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.
Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh.