Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn tháng 12, quý IV và năm 2024

Thứ năm - 02/01/2025 19:45
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước đạt 25.779 tỷ đồng tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 6,01%.

Kinh tế Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp với nhiều khó khăn, rủi ro, thách thức; xung đột quân sự ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Sau nhiều biến động kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng chậm.

Đối với Lạng Sơn năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với một số thuận lợi như: Hoạt động đầu tư xây dựng được quan tâm, các dự án trọng điểm, nhất là các dự án có tính chất kết nối vùng, liên vùng được tập trung đẩy mạnh; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, tiếp tục duy trì tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, các cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, Nà Nưa; hoạt động thương mại diễn ra sôi động, giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân; hoạt động dịch vụ, du lịch phát triển; … Bên cạnh đó, tỉnh cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Thời tiết diễn biến bất thường, trong năm do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Bão Yagi) và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại về người và tài sản; doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; hoạt động sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm do 02 công ty chiếm tỷ trọng lớn gặp khó khăn phải giảm sản lượng sản xuất (do giá than cao nên giá điện của Công ty Nhiệt điện Na Dương -TKV không đảm bảo cạnh tranh để tham gia thị trường); cùng với những vướng mắc, chưa đồng bộ giữa các cơ chế, chính sách…

Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, sự chỉ  đạo quyết liệt UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong năm 2024 như sau:

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)

1.1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn1 (GRDP) năm 2024 ước đạt 25.779 tỷ đồng tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 6,01%, trong đó: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,78%, đóng góp 0,60 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp - xây dựng tăng 7,80%, đóng góp 1,97 điểm phần trăm vào mức tăng chung; dịch vụ tăng 6,20%, đóng góp 3,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,17% đóng góp 0,42 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

* Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 

- Nông nghiệp

Công tác chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục được các cấp uỷ, chính quyền địa phương chú trọng quan tâm, chỉ đạo sát sao. Công tác gieo trồng, chăm sóc cây hằng năm tiếp tục được phát huy, đảm bảo nguồn lương thực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phát triển theo định hướng đảm bảo lương thực có hạt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả. Công tác cấp mới, duy trì mã số vùng trồng được thực hiện tích cực, đến nay đã cấp mới 10 giấy xác nhận mã số vùng trồng nội tiêu; công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thực hiện đúng quy định, trong năm công nhận mới 09 sản phẩm OCOP, công nhận lại 10 sản phẩm, đến nay toàn tỉnh có 112 sản phẩm đã được công nhận còn thời hạn theo quy định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Bão Yagi) và hoàn lưu sau bão xảy ra đầu tháng 9 đã gây ảnh hưởng thiệt hại diện tích gieo trồng cho cây lương thực, hoa màu và khoảng 12 ha cây ăn quả các loại (tương ứng khoảng 22.000 cây) bị thiệt hại, gãy đổ. Sau ảnh hưởng của bão, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm khôi phục lại sản xuất, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra; đối với diện tích cây nông nghiệp bị ảnh hưởng người dân đã thực hiện các biện pháp dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng và chăm sóc cây trồng sau bão. Diện tích cây lâu năm ước năm 2024 đạt 53.510 ha, tăng 2,59% (+1.351 ha) so với cùng kỳ; tổng sản lượng lương thực có hạt thực hiện được 321.886 tấn, tăng 1,56% (+4.934 tấn) so với cùng kỳ.

Chăn nuôi phát triển ổn định, tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi, tái phát triển đàn vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái và nhu cầu của thị trường; tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn. Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm; tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học… Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, như: dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục,... Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 1.384,74 tấn, tăng 3,57%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 26.895 tấn, tăng 0,91%; tổng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 18.745,28 tấn, tăng 6,58%.

- Lâm nghiệp: Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tiếp tục được tuyên truyền, triển khai thực hiện; phát huy những lợi thế, tiềm năng phát triển rừng; tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị sản xuất lâm nghiệp; thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Lâm nghiệp đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần không nhỏ trong cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ nghề rừng cho người dân trong tỉnh. Tuy nhiên do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều diện tích lâm nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Sau ảnh hưởng của bão người dân khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm khôi phục lại sản xuất, dựng lại cây và buộc cọc chống đỡ, tận thu, khai thác triệt để lâm sản, thực hiện dọn vệ sinh rừng chuẩn bị công tác trồng lại rừng ngay sau khi thời tiết thuận lợi. 

- Thủy sản: Phát huy thế mạnh mặt nước sẵn có, nuôi trồng thủy sản tăng về diện tích, năng suất, chất lượng thủy sản, sản phẩm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần thay đổi phương thức sản xuất từ khai thác thủy sản tự nhiên sang nuôi trồng có đầu tư theo quy trình kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mặt nước, cải thiện đời sống người dân. Tiếp tục xây dựng quy trình kỹ thuật hướng dẫn nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa, áp dụng các giải pháp kỹ thuật nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Sản lượng thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ước đạt 2.225,7 tấn, tăng 3,29% (+70,8 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác ước 320,3 tấn, tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước.

* Khu vực công nghiệp - xây dựng

 - Hoạt động công nghiệp: Năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn có mức tăng trưởng thấp, dự ước năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,97% do ảnh hưởng của một số ngành như: sản xuất và phân phối điện giảm 14,02%, do nguyên liệu sản xuất nhiệt điện không đảm bảo, doanh nghiệp phải nhập than từ nơi khác với chi phí cao, giá điện không đảm bảo cạnh tranh để tham gia thị trường, mặt khác do công ty sản xuất theo kế hoạch của Tổng Công ty nên sản lượng giảm so cùng kỳ; sản lượng khai thác than của Công ty Than Na Dương giảm, do chất lượng than nguyên khai không đạt yêu cầu.

Bên cạnh những ngành sản xuất có chỉ số giảm, ngành chế biến, chế tạo dự ước tăng 9,47%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, trong đó: 

+ Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 34,48%, do sự phát triển kinh tế rừng tại địa phương đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất gỗ bóc, các cơ sở chủ động tìm kiếm các thị trường, ký kết được nhiều đơn hàng nên sản lượng tăng so với cùng kỳ.

+ Ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 21,45%, do doanh nghiệp chuyển địa điểm, mở rộng sản xuất, nhu cầu tiêu thụ tăng nên sản lượng tăng cao hơn so cùng kỳ.

+ Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 17,22% so với cùng kỳ do trên địa bàn tỉnh, hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao tiếp tục diễn ra sôi động, nhà hàng, quán ăn mở rộng hoạt động, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống tăng theo.

+ Ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 13,37%, sản phẩm chủ yếu là muối công nghiệp, nhựa thông.

- Hoạt động xây dựng: Năm 2024, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, xử lý các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản và công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đôn đốc triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh có tính kết nối, tác động lan tỏa tới sự phát triển liên vùng và địa phương, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn cũng đang tiếp tục được các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nhiều công trình đầu tư xây dựng của khu vực hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình cũng được khởi công xây dựng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương trong thời gian qua. Vốn đầu tư thực hiện năm 2024 ước đạt 24.823 tỷ đồng, tăng 12,58% (+ 2.775 tỷ đồng) so với cùng kỳ.

1.2. Cơ cấu kinh tế

Quy mô GRDP theo giá hiện hành ước tính đạt 49.736 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,51%, công nghiệp - xây dựng 23,71%, dịch vụ 50,31%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,47%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 61,10 triệu đồng, tương đương 2.484 USD.

 

2. Tài chính, tín dụng

2.1. Tài chính2

- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn

Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức thu ngân sách; rà soát, quản lý các khoản thu, các nguồn thu, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; đẩy mạnh công tác chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, tăng cường các biện pháp xử lý nợ thuế. Tiếp tục đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện thành phố, rà soát và tổ chức bán đấu giá tài sản công theo quy định; đôn đốc thu kịp thời các khoản thu theo kiến nghị, kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong niên độ 2024. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện năm 2024 là 10.740,8 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ, trong đó:

Thu nội địa: Ước đạt 3.102,0 tỷ đồng, tăng 24,8% dự toán tỉnh giao, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt kết quả tích cực, Cơ quan thuế đã chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung tổ chức thực hiện tốt các Luật Thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách mới ban hành, thực hiện tốt công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế... bằng nhiều hình thức. Triển khai các Đề án chống thất thu đã được ban hành trong các lĩnh vực; tích cực thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế.

 

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: Ước đạt 7.621,2 tỷ đồng, tăng 52,4% so với dự toán, tăng 49,3% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh qua địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, thuận lợi, thông suốt. Năm 2024, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, nhất là bão số 3, song hoạt động xuất khẩu hàng hóa diễn ra sôi động tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Chi Ma, Tân Thanh. Từ ngày 27/5/2024, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức vận hành các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, góp phần nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn, cơ bản chuyển đổi toàn diện từ các giao dịch thương mại biên giới sang thương mại chính ngạch.

Các khoản huy động, đóng góp: 10,8 tỷ đồng.

- Chi ngân sách địa phương

Tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm. Trên cơ sở dự toán đã được cân đối từ đầu năm, trong quá trình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm được quan tâm bố trí vốn hợp lý; công tác giải ngân, thanh toán các nguồn vốn, tạm ứng theo hợp đồng được khẩn trương, kiểm soát chặt chẽ, đúng chế độ, chính sách, đơn giá, định mức theo quy định hiện hành.

Dự ước tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện là 19.079,0 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ, trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 12.980,3 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ; chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 3.269,9 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

 

2.2 Ngân hàng3

Các tổ chức tín dụng duy trì triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Bám sát chủ trương của Chính phủ, định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và sự chỉ đạo của chính quyền địa phương; thực hiện tốt công tác huy động vốn, đáp ứng đủ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh; quan tâm đầu tư tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; giảm mặt bằng lãi suất trên cơ sở theo dõi diễn biến thị trường và định hướng của NHNN; đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; tích cực thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; tập trung thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia; các chương trình hỗ trợ lãi suất; thực hiện triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, hỗ trợ khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của NHNN Việt Nam; các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Tổng huy động vốn ước ước thực hiện đến ngày 31/12/2024 đạt 48.900 tỷ đồng, tăng 11,6% so với 31/12/2023.

Các ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường huy động vốn mở rộng đầu tư tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tăng cường khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế. Thực hiện giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đến nay lãi suất của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được duy trì ổn định ở mức thấp phù hợp với thị trường và định hướng của NHNN. Dư nợ tín dụng ước đạt 47.200 tỷ đồng, tăng 8,0% so với 31/12/2023.

3. Chỉ số giá tiêu dùng 

3.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 12/2024

* So với tháng trước: CPI tháng 12/2024 nhìn chung ổn định, không có biến động lớn, tăng 0,13% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,12%; khu vực nông thôn tăng 0,14%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, gồm 08 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 02 nhóm mặt hàng không biến động. Cụ thể: 

- Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%. Trong đó nhóm lương thực tăng 0,2%, nhóm thực phẩm tăng 0,04.

+  Lương thực 

Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,2%, chủ yếu tăng: gạo tăng 0,31% (gạo tẻ thường tăng 0.35%, gạo tẻ ngon tăng 0,24%), giá gạo tăng do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; lương thực chế biến tăng 0,04% (miến tăng 0,06%, bột ngô tăng 0,3%, ngũ cốc khác tăng 0,43%...).

+  Thực phẩm 

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,04%, tăng chủ yếu ở một số nhóm như: nhóm giá thịt gia súc tăng 0,16% (Thịt lợn tăng 0,2%, tác động CPI tăng 0,01 điểm phần trăm); nhóm giá thịt gia cầm tăng 0,06% (thịt gà tăng 0,08%); nhóm thịt chế biến tăng 0,01% (thịt quay, giò, chả tăng 0,01%); nhóm thuỷ sản tươi sống tăng 0,01%; nhóm thuỷ sản chế biến tăng 0,4%. Trong nhóm, thịt và sản phẩm từ thịt có chỉ số tăng do những tháng cuối năm nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao, đặc biệt vào tháng giáp Tết, mặt khác do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) người dân tái đàn nhưng chưa đến kỳ xuất bán nên nguồn cung giảm, giá thịt hơi tiếp tục giữ xu hướng tăng. Đây cũng là nhóm luôn có chỉ số biến động vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thiên tai, dịch bệnh và nguồn cung ứng đầu vào.

 +  Chỉ số giá nhóm ăn, uống ngoài gia đình tăng 0,01% tăng chủ yếu mặt hàng uống ngoài gia đình, tăng 0,24%.

- Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,31%. Nhóm này tăng chủ yếu ở mặt hàng điện sinh hoạt, tăng 1,53%.

- Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%, trong đó: nhóm đồ dùng trong nhà tăng 0,07% (bàn là điện tăng 0,24%; lò vi sóng, bếp nướng, bếp từ tăng 0,21%, giường tăng 0,3%; đệm tăng 0,42%...). Nhóm này luôn có biến động tăng, giảm do nhu cầu tiêu thụ của người dân và do các siêu thị, các cửa hàng, các hộ kinh doanh cá thể thay đổi chương trình khuyến mại theo nhà phân phối hoặc xả hàng để kích cầu tiêu dùng.

- Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó: nhóm thuốc và thiết bị y tế tăng 0,11%, nhóm dụng cụ y tế tăng 0,08%.

- Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,46%. Nhóm này tăng chủ yếu ở một số nhóm như: nhiên liệu tăng 1,21% (xăng tăng 1,28%, dầu mỡ nhờn tăng 1,03%) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng, dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,22%. Giá xăng, dầu biến động tăng, giảm theo giá nhiên liệu thế giới, tính đến ngày 27/12/2024, trong tháng có 4 kỳ điều chỉnh (ngày 05/12, 12/12, 19/12, 26/12). 

- Chỉ số giá các nhóm còn lại ổn định (nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm giáo dục) hoặc có mức tăng giảm ít hơn mức tăng chỉ số giá chung (nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%, nhóm văn hoá giải trí và du lịch tháng tăng 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%).

 

* So với cùng kỳ năm trước: CPI tháng 12/2024 tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng có 08 nhóm tăng giá và 03 nhóm giảm giá. Cụ thể: 

- 08 nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,61%,(lương thực tăng 9,52%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,25%); đồ uống và thuốc lá tăng 4,46%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,52% ( may mặc tăng 0,65%, giầy dép tăng 0,18%...); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dụng tăng 4,08%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,18%; nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 0,36%; nhóm văn hoá, giải trí, du lịch tăng 0,94%, hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,89%.

- 03 nhóm giảm giá so với cùng kỳ gồm: Nhóm giao thông giảm 1,61%, bưu chính viễn thông giảm 0,27% và giáo dục giảm 14,47%.

3.2. Chỉ số giá tiêu dùng quý IV năm 2024 so với cùng kỳ năm trước

Chỉ số giá tiêu dùng quý IV năm 2024 tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước %. Trong đó có 08 nhóm tăng giá và 03 nhóm giảm giá, cụ thể:

Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ tăng 5,17%, trong đó: lương thực tăng 9,50% (gạo tăng 15,46%,bột mỳ và ngũ cốc khác tăng 0,91%, lương thực chế biến tăng 2,03%); thực phẩm tăng 5,61% (thịt gia súc tăng 9,74%,thịt chế biến tăng 4,32%, dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 11,91%...); ăn uống ngoài gia đình tăng 1,24%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 4,65% (đồ uống không cồn tăng 1,29%, rượu bia tăng 4,63%, thuốc hút tăng 5,63%...). Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,60% (may mặc tăng 0,71%, giày dép tăng 0,23%...). Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 3,98% (nhà ở tăng 2,77%, nước sinh hoạt và dịch vụ khác liên quan đến tăng 16,41%, điện và dịch vụ điện tăng 6,55%...). Nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 2,07% (đồ dùng trong nhà tăng 2,39%, dịch vụ trong gia đình tăng 2,34%...), đây cũng là nhóm luôn có biến động vì các cửa hàng, trung tâm thương mại thường xuyên áp dụng chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,49% so với quý cùng kỳ (thuốc và thiết bị y tế tăng 2,13%, dụng cụ y tế tăng 3,85%...). Nhóm văn hoá giải trí và du lịch tăng 0,87% (giải trí tăng 0,8%...). Nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,92% (đồ dùng cá nhân tăng 2,45%, dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,03%...). Nhóm giao thông giảm 3,32% (nhiên liệu giảm 10,85%...), nhóm này luôn có biến động do ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá xăng, dầu. Nhóm giáo dục giảm 14,45% (dịch vụ giáo dục giảm 19,25%...). Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,27% so với cùng kỳ năm trước.

3.3. Bình quân 12 tháng năm 2024

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước (khu vực thành thị tăng 2,48%; khu vực nông thôn tăng 3,01%), gồm 08 nhóm có chỉ số giá tăng và 03 nhóm có chỉ số giá giảm. Các yếu tố chính tác động làm tăng CPI bình quân năm 2024 là:

- Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân năm 2024 tăng 4,06% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính tác động tăng chỉ số giá bình quân năm 2024 là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi dẫn đến giá cả thịt lợn tăng; do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm chế biến sẵn và một phần tác động gián tiếp từ việc tăng lương, tăng các dịch vụ liên quan tiền lương, dịch vụ xã hội, dẫn đến việc tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Trong đó, chỉ số giá: nhóm lương thực tăng 9,05%, nhóm thực phẩm tăng 4,14%, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 1,12%.

- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 3,51%, trong đó nhóm điện sinh hoạt tăng 4,66 %, nguyên nhân do nhu cầu sử dụng điện tăng và tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá điện bình quân tăng 4,8% từ ngày 11/10/2024.

- Chỉ số giá nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 10,29% do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023, nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,91%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,54%. 

Bên cạnh đó, nhóm hàng có chỉ số giá bình quân năm 2024 giảm so với cùng kỳ là nhóm giao thông giảm 0,21% (tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 46 kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu, trong đó có 15 kỳ tăng đồng loạt, 11 kỳ giảm giá, 20 kỳ giảm giá xăng, dầu tăng – giảm đan xen); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,44%, giáo dục giảm 4,67%.

 

3.4. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Tháng 12/2024, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Trên xu hướng giá vàng trong nước giảm trong thời gian vừa qua, giá vàng trên địa bàn giảm 2,17% so với tháng trước, tăng 37,18% so với cùng kỳ năm trước, tăng 112,93% so với giá gốc 2019. Chỉ số giá vàng bình quân năm 2024 tăng 30,91% so với cùng kỳ. 

Trong tháng 12/2024, đô la Mỹ tăng 0,03% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34% và so với năm gốc năm 2019 tăng 9,47%. Chỉ số giá đô la Mỹ  bình quân năm 2024 tăng 2,23% so với cùng kỳ.

4. Đầu tư, xây dựng

4.1. Tình hình vốn đầu tư thực hiện 

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình các chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm, kiểm soát kế hoạch thực hiện và giải ngân chi tiết theo tháng, quý, thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo định kỳ (hằng tháng, quý và cả năm), để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tập trung hoàn tất công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu đối với nhóm dự án hoàn thành đến ngày 31/12/2024; khẩn trương hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư (phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu), giải phóng mặt bằng bảo đảm điều kiện khởi công đối với nhóm dự án khởi công mới. 

Ngày 11/12, tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn diễn ra Lễ khai trương Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn. Đây là công viên logistics đầu tiên ở Việt Nam, có quy mô hạ tầng lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Công viên Logistics Viettel có diện tích 143,7ha, tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, có khả năng xử lý 1.500 xe thông quan mỗi ngày (tăng 2 lần hiệu suất thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn hiện nay). Với cơ sở hạ tầng đồng bộ, đây là trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam cung cấp chuỗi dịch vụ logistics xuất nhập khẩu toàn trình từ thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho đến vận tải xuyên biên giới. Hệ thống dữ liệu tại công viên cũng sẽ được chuẩn hóa và kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan Việt Nam và Trung Quốc, bảo đảm tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thời gian xử lý thông quan từ 4-5 ngày xuống dưới 24 giờ, giảm chi phí thông quan 30-40%, tăng hiệu quả xe container lạnh vận tải trái cây từ 2,5 chuyến/tháng lên 4-5 chuyến/tháng.

 

Lễ Khai trương Công viên Logistics Viettel

Dự án Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2 có tổng diện tích gần 25 ha, vốn đầu tư trên 280 tỷ đồng. Dự án nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, bao gồm các khu chức năng như đất công nghiệp khoảng 16 ha, đất hành chính, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh và giao thông khoảng 9 ha đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng. Dự án tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; tạo việc làm và nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân địa phương. Đặc biệt, trong 16 ha đất hạ tầng công nghiệp, Công ty Cổ phần đầu tư TDG Global đang tiến hành đồng thời lập dự án nhà máy điện sinh khối công suất 12 MW, tổng trị giá khoảng 600 tỷ đồng.

 

Lễ khởi công dự án Cụm Công nghiệp Bắc Sơn 2

 Dự ước vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh quý IV năm 2024

* Phân theo nguồn vốn: 

Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 8.411,5 tỷ đồng, tăng 15,19% (tương đương tăng 1.109,2 tỷ đồng) so với cùng kỳ, trong đó:

- Vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện đạt 1.799,7 tỷ đồng, tăng 16,66% (tương đương tăng 257 tỷ đồng so với cùng kỳ).

- Vốn ngoài Nhà nước: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngoài Nhà nước quý IV năm 2024 đạt 6.610,2 tỷ đồng, tăng 15,01% (tương đương tăng 862,5 tỷ đồng). Trong đó, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện đạt 4.502,3 tỷ đồng, vốn đầu tư của khu vực dân cư đạt 2.108 tỷ đồng.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn đầu tư trưc tiếp nước ngoài quý IV năm 2024 ước đạt 1,6 tỷ đồng.

* Phân theo khoản mục đầu tư: 

Đầu tư xây dựng cơ bản quý IV năm 2024 đạt 6.601,1 tỷ đồng, chiếm 78,48%; đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản ước đạt 999 tỷ đồng, chiếm 11,88%; vốn đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp tài sản cố định ước đạt 811,4 tỷ đồng, chiếm 9,65%; vốn bổ sung vốn lưu động dưới dạng hiện vật bằng vốn tự có đạt 75 triệu đồng; vốn đầu tư khác đạt 50 triệu đồng.

* Dự ước vốn đầu tư thực hiện năm 2024

Năm 2024, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, xử lý các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản và công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt là việc đôn đốc triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh có tính kết nối, tác động lan tỏa tới sự phát triển liên vùng và địa phương, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn cũng đang tiếp tục được các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nhiều công trình đầu tư xây dựng của khu vực hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình cũng được khởi công xây dựng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương trong thời gian qua.

 

* Phân theo nguồn vốn: 

Vốn đầu tư thực hiện năm 2024 ước đạt 24.823,4 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.688,1 tỷ đồng, tăng 6,87% so với cùng kỳ. Vốn ngoài Nhà nước 19.131,4 tỷ đồng, tăng 14,71% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 3,9 tỷ đồng.

* Phân theo khoản mục đầu tư: 

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024 ước đạt 19.735 tỷ đồng, chiếm 79,50%; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản ước đạt 2.707,6 tỷ đồng, chiếm 10,91%; vốn đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp tài sản cố định ước đạt 2.308,7 tỷ đồng, chiếm 9,30%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động ước đạt 72,1 tỷ đồng chiếm 0,29%; vốn đầu tư khác ước đạt 2,4 tỷ đồng chiếm 0,01%.

4.2. Tình hình triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm

- Dự án tuyến Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý), công trình có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 12/2024 ước thực hiện được 809,2 tỷ đồng, đạt 16,18% so với kế hoạch.

- Dự án Đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18, huyện Đình Lập: Tổng mức đầu tư 338,9 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 12/2024 ước thực hiện được 189,6 tỷ đồng, đạt 55,94% kế hoạch. 

- Dự án xây dựng mở mới tuyến đường liên xã từ thị trấn Chi Lăng vào xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, công trình có tổng mức đầu tư 164,3 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 12/2024 ước thực hiện được 53,6 tỷ đồng, đạt 32,61% so với kế hoạch.

- Dự án Kè chống sạt lở cấp bách khu vực trung tâm thị trấn Đình Lập, xã Bính Xá, huyện Đình Lập và khu vực thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 12/2024 ước thực hiện được 38,5 tỷ đồng, đạt 38,57% kế hoạch. 

5. Tình hình doanh nghiệp

- Từ đầu năm đến hết tháng 11/2024, có 1.127 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 71,54% so với cùng kỳ.

 - Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 9.127,5 tỷ đồng tăng 55,94% so với cùng kỳ.

- Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 609 doanh nghiệp tăng 70,59%, doanh nghiệp thông báo giải thể 140 doanh nghiệp tăng 40% so với cùng kỳ.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Công tác chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục được các cấp uỷ, chính quyền địa phương chú trọng quan tâm, chỉ đạo sát sao. Công tác gieo trồng, chăm sóc cây hằng năm tiếp tục được phát huy, đảm bảo nguồn lương thực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hệ thống các công trình thuỷ lợi thường xuyên được quan tâm, kịp thời sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo tích trữ nước trong các hồ đập sẵn sàng phục vụ nước tưới cho sản xuất. Vật tư nông nghiệp, giống cây trồng và phân bón cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân. Công tác dự báo, phát hiện dịch hại trên cây trồng đã được cơ quan chuyên môn thực hiện thường xuyên, kịp thời khuyến cáo người dân biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng ít ảnh hưởng tới năng suất cây trồng và không gây thành dịch trên địa bàn. Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai. Hoạt động khai thác thuỷ sản được duy trì, phong trào nuôi cá ao, hồ, nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô hộ gia đình; liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, các chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ bền vững đang trong quá trình nghiên cứu, hình thành; sản xuất chủ yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất hàng hóa vẫn chưa thực sự rõ nét. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên. Đầu tháng 9/2024, do ảnh hưởng của bão số 3 gây thiệt hại về người và tài sản. Một số diện tích nông nghiệp và nhiều diện tích lâm nghiệp cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão. Sau ảnh hưởng của bão người dân đã khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm khôi phục lại sản xuất, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

6.1. Nông nghiệp

6.1.1. Cây hằng năm

Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm toàn tỉnh thực hiện được 92.210,4 ha, giảm 0,44% (-403,4 ha) so với cùng kỳ. 

Tổng sản lượng lương thực có hạt thực hiện được 321.885,67 tấn, tăng 1,56% (+4.934,08 tấn) so với cùng kỳ.

Cây lúa diện tích gieo trồng ước thực hiện được 47.833,1 ha, giảm 0,03% (-14,84 ha), do diện tích giảm ở vụ Mùa; cây lúa vụ Đông Xuân diện tích gieo trồng thực hiện 15.461,71 ha, tăng 0,17% (+26,23 ha, do thời tiết thuận lợi, bà con tận dụng nguồn nước sẵn gieo cấy kịp thời vụ. Năng suất đạt 45,54 tạ/ha, tăng 1,17% (+0,53 tạ/ha). Sản lượng đạt 217.828,96 tấn, tăng 1,14% (+2.460,97 tấn).

Cây ngô diện tích gieo trồng cả năm thực hiện 20.012,33 ha, tăng 0,42% (+82,77 ha), năng suất ước đạt 51,98 tạ/ha, (+1,01 tạ/ha), sản lượng đạt 104.024,27 tấn, tăng 2,4% (+2.440,67 tấn). Trong đó, vụ Đông Xuân diện tích gieo trồng ngô thực hiện 13.795,96 ha, tăng 1,17% (+159,81 ha), do người dân chuyển một phần diện tích trồng thạch đen sang trồng ngô; ngoài ra, bổ sung gieo trồng các giống ngô lai, giống mới, cho năng suất, sản lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất chăn nuôi.

Cây thuốc lá là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao và giá cả ổn định, sản phẩm thu hoạch có đầu ra; được người dân quan tâm đầu tư, chăm sóc. Doanh nghiệp thực hiện cung ứng và bao tiêu sản phẩm, bao gồm: hạt giống, phân bón các loại, thuốc diệt chồi... và ký hợp đồng thu mua với các hộ nông dân nhận đầu tư nên người dân yên tâm mở rộng sản xuất. Diện tích gieo trồng thực hiện được 2.732,9 ha, tăng 6,14% (+158 ha). Cây thuốc lá chủ yếu được thực hiện gieo trồng, thu hoạch trong vụ Đông Xuân, năm 2024 điều kiện thời tiết thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển, năng suất đạt 23,31 tạ/ha, tăng 1,75% (+0,4 tạ/ha). Sản lượng đạt 6.369,6 tấn, tăng 8,0% (+471,73 tấn).

Cây rau các loại diện tích gieo trồng ước thực hiện được 8.721,71 ha, giảm 0,31% (-27,38 ha), diện tích giảm chủ yếu ở cây rau lấy quả và rau lấy củ, rễ hoặc lấy thân. Năng suất đạt 133,61 tạ/ha, tăng 0,96% (+1,27 tạ/ha), sản lượng đạt 116.527,46 tấn, tăng 0,64% (+743,99 tấn) so với cùng kỳ.

Diện tích gieo trồng ớt cay ước thực hiện được 2.059,89.ha, tăng 30,36% (+479,77 ha). Năng suất đạt 88,71 tạ/ha (-3,98 tạ/ha), sản lượng đạt 18.273,11 tấn, tăng 24,76% (+3.627,02 tấn). Diện tích cây ớt cay do những năm gần đây, ớt trở thành cây chủ lực trong sản xuất vụ Đông Xuân của nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn. Từ năm 2022, quả ớt chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; hiện nay hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc được thông quan thuận lợi, giá các loại nông sản xuất khẩu tăng, giá ớt theo đó cũng có mức tăng tốt.

Cây thạch đen, hiện nay sản lượng thạch tiêu thụ giảm, mức giá thu mua thấp, nên người dân chuyển sang trồng cây hằng năm khác, diện tích gieo trồng cả năm ước đạt 1.020,97 ha, giảm 57,23% (-1.366,02 ha); sản lượng ước đạt 5.536,75 tấn, giảm 54,95% (-6.753,2 tấn).

 

6.1.2. Cây lâu năm 

Ước tính diện tích cây lâu năm sơ bộ 2024 đạt 53.509,89 ha, tăng 2,59% (+1.350,99 ha) so với cùng kỳ, trong đó:

Cây na diện tích hiện có 4.587,28 ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ, trồng chủ yếu ở 02 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng; người dân áp dụng kỹ thuật trong công tác chăm sóc, thu hoạch sản phẩm. Hiện nay na gối vụ được người dân quan tâm, chú trọng, hạn chế sâu bệnh, mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao. Các hình thức quảng bá sản phẩm na được quan tâm đầu tư, mở rộng như tham gia các hội chợ nông sản, phát triển bán hàng qua các kênh bán hàng online… Năng suất 103,2 tạ/ha, giảm 0,05% (-0,05 tạ/ha). Sản lượng ước đạt 41.068,86 tấn, tăng 5,74% (+2.230,69 tấn). 

Cây hồng diện tích sơ bộ đạt 2.189,48 ha, tăng 3,38% (+71,62 ha), được trồng nhiều ở các huyện: Văn Lãng, Cao Lộc, Chi Lăng. Năng suất 74,45 tạ/ha, giảm 1,73% (-1,31 tạ/ha). Sản lượng ước 11.657,28 tấn, tăng 3,72% (+418,38 tấn). Hiện nay, diện tích hồng được đầu tư, mở rộng; đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật cho hiệu quả, năng suất cao. Giá bán hồng trên thị trường tương đối cao và ổn định (từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg).

Các loại cây ăn quả có múi thuộc họ cam, quýt diện tích hiện có là 3.153,99 ha, giảm 9,1% (-315,78 ha) so với cùng kỳ. Diện tích giảm do cây trồng không phù hợp với thổ nhưỡng dẫn đến cây bị sâu bệnh nhiều, già cỗi thoái hóa, khi cho quả không đảm bảo chất lượng, năng suất thấp, người dân đã chặt bỏ để chuyển sang trồng cây hàng năm. Một phần giảm do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra làm đất vườn cây ăn quả bị sạt lở, cây bị đổ gẫy.

Cây hồi diện tích hiện có là 35.097,59 ha, tăng 4,83% (+1.618,41 ha) so với cùng kỳ. Cây hồi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, được định hướng là một trong những cây trồng chủ lực cây chủ lực của địa phương vì có giá trị kinh tế cao, hưởng lợi lâu dài, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững. Năng suất 5,84 tạ/ha, giảm 0,76% (-0,04 tạ/ha). Sản lượng 16.656,52 tấn, tăng 5,32% (+841,51 tấn) so với cùng kỳ chủ yếu do diện tích tăng nên cho sản phẩm tăng.

6.1.3. Chăn nuôi

Tổng đàn trâu ước có 54.120 con, giảm 8,02% (-4.720 con) so với cùng kỳ, do nhu cầu sức kéo bằng gia súc được thay thế bằng máy nông nghiệp, các hộ nuôi chủ yếu với mục đích bán thương phẩm nhưng nuôi thương phẩm cũng chưa hình thành rõ nét vì vậy người dân xuất bán ra thị trường và không tái đàn.

Tổng đàn bò ước đạt 28.120 con, giảm 1,09% (-310 con) so với cùng kỳ. Hiện nay, các ngành chức năng đã và đang cùng với đồng hành cùng người dân thực hiện các dự án phát triển, tăng số lượng đàn bò thương phẩm; tuy nhiên, do vốn đầu tư ban đầu cao, số lượng hộ được hưởng chính sách hỗ trợ ít, hộ nông dân chưa mạnh dạn tự đầu tư chăn nuôi bò do đó đàn bò có mức giảm nhẹ so với cùng kỳ. Số bò xuất chuồng ước đạt 6.380 con, tăng 3,25% (+201 con), tương ứng với sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 1.384,74 tấn, tăng 3,57% (+47,74 tấn) so với cùng kỳ.

Ước tổng đàn lợn là 190.612 con, tăng 1,42% (+2.670 con) so với cùng kỳ năm trước. Trong năm, bệnh dịch tả lợn châu Phi (TLCP) bùng phát và lây lan trên địa bàn toàn tỉnh.Với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp và sự chủ động của người dân, các ổ bệnh dịch TLCP đã và đang từng bước được khống chế. Năm 2024, số lợn xuất chuồng ước đạt 331.950 con, giảm 1,68%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 26.895 tấn, tăng 0,91% (+242,02 tấn) so với cùng kỳ, sản lượng tăng nhẹ chủ yếu do trọng lượng bình quân xuất chuồng tăng so với cùng kỳ.

Ước tính tổng đàn gia cầm là 4.885,75 nghìn con, tăng 4,01% (+188,26 nghìn con) so với năm trước. Hiện nay, do tính hiệu quả về chất lượng và kinh tế của việc chăn nuôi gà đồi thả vườn, nên người chăn nuôi đang chú trọng phát triển. Tổng số con xuất chuồng gia cầm chính ước đạt 7.873,72 nghìn con, tăng 5,29% (+395,41 nghìn con); tương đương tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 18.745,28 tấn, tăng 6,58% (+1.157,89 tấn) so với cùng kỳ.

 

6.2. Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới thực hiện được 9,61nghìn ha, giảm 13,86% so với cùng kỳ. Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai; các cấp, các ngành vận động, hướng dẫn người dân tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất lâm nghiệp. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng được các chủ rừng thực hiện thường xuyên theo quy chế quản lý rừng.

Ươm giống cây lâm nghiệp ước thực hiện được 565,04 triệu cây, giảm 3,3% so với cùng kỳ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số diện tích ươm giống bị thiệt hại, làm giảm sản lượng cây giống so với cùng kỳ.

 Sản lượng gỗ khai thác ước thực hiện 770,5 nghìn m3, giảm 3,85% so với cùng kỳ, là sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn tỉnh, do vậy, sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, đối với diện tích lâm nghiệp bị thiệt hại, người dân tận dụng khai thác triệt để diện tích gẫy đổ hoàn toàn; đối với các diện tích có thể phục hồi, khẩn trương dựng, chống cây để cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển.

 Sản lượng củi khai thác và tiêu thụ ước 566,6 nghìn ste, giảm 0,49% so với cùng kỳ năm trước.

6.3. Thủy sản

Sản lượng thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.225,7 tấn, tăng 3,29% (+70,8 tấn) so với cùng kỳ. 

Sản lượng thủy sản khai thác ước 320,3 tấn, tăng 6,72% so với cùng kỳ. Do mực nước trên các sông, suối, lòng hồ cơ bản ổn định; tận dụng nguồn nước ở sông, suối, người dân tranh thủ lúc thời vụ nông nhàn để khai thác, vừa để cải thiện bữa ăn vừa để tăng thêm thu nhập.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong năm ước 1.905,36 tấn, tăng 2,73%. Trong đó, sản lượng cá nuôi ước đạt 1.896,46 tấn, tăng 2,59% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng do điều kiện thời tiết trong năm thuận lợi, dịch bệnh trên thủy sản không có phát sinh, mô hình nuôi cá lồng phát triển đã tận dụng, khai thác tối đa diện tích mặt nước đối với các loài cá truyền thống và các loài cá khác.

7. Sản xuất công nghiệp

Năm 2024, ngành công nghiệp tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát triển các sản phẩm mũi nhọn, triển khai các biện pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh; chỉ số sản xuất có xu hướng tăng chậm lại; một số sản phẩm gặp khó khăn trong cung ứng, chất lượng nguyên liệu đầu vào nên giảm sản xuất so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có mức tăng trưởng khá, góp phần quan trọng duy trì, đảm bảo xu hướng sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp.

7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 12/2024

7.1.1. So với tháng trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 năm 2024 tăng 2,83% so với tháng trước, cụ thể: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,83%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 4,22%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 1,26%. 

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,83%, trong đó: khai thác than tăng 12,97%, do nhu cầu tiêu thụ than của Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV tăng nên dự kiến tăng sản lượng sản xuất.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhẹ so với tháng trước, dự ước tăng 1,6%. Nguyên nhân chính công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng là do vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tăng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cá thể công nghiệp nhận được thêm đơn hàng nên dự kiến tăng sản lượng sản xuất, bên cạnh đó là do tháng trước một số doanh nghiệp tập trung tiêu thụ hàng tồn kho, giảm sản xuất, sang tháng 12 sản xuất bình thường nên sản lượng tăng, cụ thể: Sản xuất đồ uống tăng 9,39%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 64,84%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,44%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,98%; riêng sản xuất phương tiện vận tải khác (xe đạp điện, xe máy điện) tăng 21,95%, do Công ty TNHH Xe Điện DK Việt Nhật phục hồi sản xuất sau sự cố cháy xưởng gia tăng sản xuất sản phẩm, đủ tồn kho hầu hết các mặt hàng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng 4,22%, trong đó: điện sản xuất tăng 4,14% (+2,77 triệu KWh), điện thương phẩm 4,81% (+3,42 triệu KWh).

Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải có chỉ số sản xuất tăng 1,26%. Trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp tăng 0,51%; hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tăng 4,17%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 1,6%.

7.1.2. So với cùng kỳ

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12/2024 so với cùng kỳ tăng 3,12%. Nguyên nhân chung tác động chỉ số sản xuất chung tăng so với cùng kỳ do nhu cầu thị trường tăng, các cơ sở sản xuất nhận được thêm đơn hàng nên tăng sản lượng sản xuất, cụ thể:

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 21,02%, trong đó hoạt động khai thác than cứng và than non tăng cao so cùng kỳ năm trước, do tháng 12/2023 Công ty than Na Dương gặp khó khăn trong khai thác nguyên liệu phục vụ trong quá trình sản xuất than sạch, máy hoạt động với công suất thấp; Khai khoáng khác giảm 26,06%, do sang tháng 12 các công ty khai thác đá đã khai thác gần hết sản lượng được cấp phép năm 2024 nên giảm sản lượng so cùng kỳ.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,43%, một số sản phẩm sản xuất tăng khá so với tháng cùng kỳ như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 28,57%, do Công ty Cổ phần thương mại sản xuất da Nguyên Hồng nhận được thêm các đơn hàng gia công từ các doanh nghiệp trong nước nên sản lượng gia công tăng; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 18,35%, do doanh nghiệp mở rộng sản xuất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 20,91%, do nhu cầu hoàn thiện công trình xây dựng tăng nên các hoạt động gia công cơ khí tăng; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 10,16%, do doanh nghiệp sản xuất nhập đầy đủ linh kiện để sản xuất nên chủ động tăng công suất; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 77,78%, do sau khi khắc phục xong sự cố cháy xưởng, doanh nghiệp gia tăng sản xuất đảm bảo đáp ứng nhu cầu, đơn hàng ký kết. 

Một số ngành trong công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 27,22%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 37,5%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 12,26%. Riêng 2 ngành: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 7,95%, do sang tháng 12 Công ty Cổ phần Chè Thái Bình Lạng Sơn dừng sản xuất do hết vụ chè, chỉ tiêu thụ sản phẩm tồn kho; in, sao chép bản ghi các loại giảm 24,15%, do Công ty cổ phần in Thiên Ngân Lạng Sơn mở rộng cơ sở sản xuất vào cuối năm 2023, khối lượng sản xuất cùng kỳ năm trước lớn, sang năm 2024, doanh nghiệp chủ động sản xuất ngay từ đầu năm nên đến cuối năm 2024 khối lượng sản xuất giảm, sản lượng thấp hơn so với tháng cùng kỳ.

Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,87%. Trong đó: điện sản xuất giảm 2,79%, tương đương giảm 2 triệu Kwh; điện thương phẩm tăng 3,68%, tương đương tăng 2,65 triệu Kwh.

Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,38%: Hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 1,98%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 4,5%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 4,68% so với cùng kỳ. 

 

7.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV và cả năm 2024 so với cùng kỳ

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp dự ước quý IV năm 2024 tăng 4,64% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính khiến chỉ số sản xuất tăng là do nhu cầu thị trường tăng, các doanh nghiệp nhận được thêm đơn hàng nên tăng sản xuất để đáp ứng yêu cầu, trong đó một số ngành có chỉ số sản xuất tăng, như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 54,38%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ (gỗ lạng có độ dày không quá 6mm) tăng 21,49%, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 12,75%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 27,06%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 34,33%. Riêng hoạt động  khai thác than cứng và than non tăng 52,59%, do cuối năm 2023 doanh nghiệp gặp khó khăn trong khai thác than, máy hoạt động với công suất thấp nên chỉ số sản xuất quý IV tăng cao so với cùng kỳ; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 13,02%, do nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng nên sản lượng sản xuất tăng so cùng kỳ; thoát nước và xử lý nước thải tăng 16,16%, do thời tiết hanh khô, và vào tháng cuối năm, triển khai tăng cường hoạt động của hệ thống thoát nước (mạng lưới thoát nước, các trạm bơm thoát nước mưa, nước thải, các công trình xử lý nước thải…) và thực hiện duy tu và bảo dưỡng hệ thống thoát nước. 

Tuy nhiên trong kỳ có một số ngành có chỉ số sản xuất giảm, như: Khai khoáng khác giảm 14,55% do các doanh nghiệp khai thác đá đã khai thác gần hết sản lượng cấp phép nên giảm sản lượng so cùng kỳ; một số ngành do sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, khó tiêu thụ; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 37,28%, sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 33,51%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 16,99%, công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 20,45%.

 

Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024 tăng nhẹ so với năm 2023, dự ước năm 2024 tăng 0,97%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,02%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,47%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp; sản xuất và phân phối điện giảm 14,02%; cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 3,5%.

Trong năm có một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp nhưng có sản lượng giảm như: Sản phẩm Xi măng Portland đen ước đạt 1.282,74 nghìn tấn, giảm 1,49%, clanhke xi măng dự ước đạt 704,67 nghìn tấn, giảm 12,11%. Sản phẩm xi măng đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho hoạt động xây dựng chủ yếu trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho một số tỉnh lân cận, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2024 Công ty Cổ phần xi măng Hồng Phong hoàn thiện thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu cho Công ty Cổ phẩn gạch ngói Hợp Thành, nên nhà máy sản xuất cầm chừng, bên cạnh đó do việc cạnh tranh giữa các thương hiệu xi măng sản xuất trong nước, sản phẩm khó tiêu thụ nên doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất. Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành giảm sản xuất sản phẩm clanhke do lợi nhuận mang lại từ sản xuất không cao như cùng kỳ năm trước, clanhke sản xuất chủ yếu phục vụ chế biến tiếp sản phẩm Xi măng Portland, mặt khác, doanh nghiệp thay phiên dừng lò để bảo dưỡng máy móc nên sản xuất giảm.

 

Sản lượng điện sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là của Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV, sản lượng điện cả năm ước đạt 689,27 triệu Kwh, giảm 16,95% (khoảng 140,72 triệu Kwh) so với cùng kỳ do nguyên liệu sản xuất nhiệt điện không đảm bảo, doanh nghiệp phải nhập than từ nơi khác với chi phí cao, giá điện không đảm bảo cạnh tranh để tham gia thị trường, mặt khác do công ty sản xuất theo kế hoạch của Tổng Công ty nên sản lượng giảm so cùng kỳ. Sản lượng khai thác than của Công ty Than Na Dương ước đạt 417,58 nghìn tấn, giảm 16,32% (khoảng 81,44 nghìn tấn) so với cùng kỳ, do chất lượng than nguyên khai không đạt yêu cầu, doanh nghiệp không khai được tại các vỉa than có chất lượng tốt.

7.3. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2024 giảm 5,81% so với cùng kỳ, năm 2024 giảm 0,71% so với cùng kỳ. 

Chỉ số tiêu thụ trong tháng 12/2024 giảm ở một số ngành do nhu cầu thị trường giảm, sản phẩm khó cạnh tranh nên sản phẩm tiêu thụ chậm, cụ thể: Sản xuất chế biến thực phẩm (chè) giảm 9,76%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 19,11%, in, sao chép bản ghi các loại giảm 22,66%, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 27,19%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm  12,07%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (xi măng, clanke) giảm 10,46%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 78,72%, sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 36,91%, công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 47,44%.

Bên cạnh đó chỉ số tiêu thụ còn tăng cao ở một số ngành như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 93,37%, do sản phẩm đang được sản xuất với khối lượng lớn nhằm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 47,8%, do nhu cầu gia công cơ khí các công trình nhà ở trong dân cư tăng so với cùng kỳ. Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 78,44%, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là xe máy điện, xe đạp điện do nhu cầu thị trường tăng nên sản lượng tiêu thụ tăng cao.

Chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo tháng 12/2024 giảm 13,21% so với tháng trước và giảm 37,1% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ chỉ số tồn kho giảm sâu chủ yếu ở một số ngành như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 82,9%, Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 19,38%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 37,79%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm  96,52, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 97,28%, công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 24,53. Nguyên nhân chính các nhóm ngành trên có chỉ số tồn kho giảm là nhu cầu tăng, sản phẩm tiêu thụ tốt nên tồn kho giảm. 

7.4. Chỉ số sử dụng lao động 

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 12/2024 tăng 0,61% so với tháng trước và tăng 3,61% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ năm trước do sáp nhập doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất và doanh nghiệp nhận được thêm đơn hàng tuyển dụng thêm lao động, tăng sản xuất nhằm đáp ứng đơn hàng đã ký kết.

Chia theo ngành: chỉ số sử dụng lao động ngành khai khoáng giảm 1,66%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,26%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,85%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,95%.

Chia theo loại hình sở hữu: chỉ số sử dụng lao động trong doanh nghiệp nhà nước tăng 1,86%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 5,48%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,19%.

7.5. Xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV năm 2024

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên tổng số 33 doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo hỏi về xu hướng kinh doanh. Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý IV/2024 so với quý trước: 30,3% doanh nghiệp đánh giá tốt lên; 39,39% doanh nghiệp giữ ổn định; 30,30% số doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. 

Trong đó, chia theo hình thức sở hữu: Khu vực FDI 20% doanh nghiệp đánh giá tốt lên, 80% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất giữ ổn định. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước: 32,14% đánh giá tốt lên và 32,14% giữ ổn định, 35,71% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn quý trước. 

Chia theo ngành kinh tế: sản xuất chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, sản xuất phương tiện vận tải khác là 3 ngành với 100% doanh nghiệp đánh giá tốt lên; tiếp đến là ngành sản xuất chế biến thực phẩm với 50% doanh nghiệp đánh giá tốt lên. Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, sản xuất kim loại, sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu là 3 ngành với 100% doanh nghiệp đánh giá  ổn định. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành với 100% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

8. Thương mại và dịch vụ

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024 tiếp tục có những biến chuyển tích cực, hoạt động thương mại, dịch vụ có mức tăng khá, hàng hoá có giá cả ổn định đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu ngân sách trên địa bàn tiếp tục tăng so với cùng kỳ.

Để đạt được những kết quả tích cực, ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh Lạng Sơn đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều giải pháp đã được tích cực triển khai thực hiện như: tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, quảng bá sản phẩm của địa phương thu hút đông đảo các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước quan tâm, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu, hợp tác phát triển du lịch; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Nhờ đó, hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải trên địa bàn tỉnh năm 2024 phát triển mạnh mẽ.

8.1. Bán lẻ hàng hóa 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 12/2024 ước tính đạt 3.017,1 tỷ đồng, giảm 1,22% so với tháng trước và tăng 10,79% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm so với tháng trước là do trong tháng 11 tập trung nhiều sự kiện, lượng khách du lịch tăng đột biến. Trong đó: Nhóm lương thực, thực phẩm giảm 5,59%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) giảm 6,14%; nhóm hàng hoá khác giảm 0,13%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 7,9%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 6,75%.

Bên cạnh những nhóm hàng hóa giảm cũng có những nhóm hàng hóa tăng như: Nhóm hàng may mặc tăng 2%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 0,86%; nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 4,5%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 4,41% do nhu cầu hoàn thiện các công trình vào cuối năm; nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng mạnh 26,97% do nhu cầu mua sắm của người dân, mặt khác, nhiều hãng xe hiện đang có các chương trình ưu đãi nhằm kích cầu người dân mua dịp cuối năm; nhóm phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 1,26%; nhóm xăng dầu các loại tăng 0,88% 

Dự ước năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 32.756,7 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,42%. Tăng chủ yếu ở các nhóm hàng hóa như: Lương thực, thực phẩm tăng 17,2%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 27,16% và doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 66,43%; xăng, dầu các loại tăng 25,62% do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân tăng cao;…

8.2. Dịch vụ

8.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 12/2024 ước đạt 269,5 tỷ đồng, tăng 19,46% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 14,7 tỷ đồng, tăng 7,94% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 254,8 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 2,13 tỷ đồng, tăng 3,88% so với cùng kỳ.

Cộng dồn doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2024 ước đạt 2.881,3 tỷ đồng, tăng 15,24% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 25 tỷ đồng, tăng 12,37% so với cùng kỳ.

8.2.2. Doanh thu dịch vụ khác

Doanh thu dịch vụ khác tháng 12/ 2024 ước đạt 153,1 tỷ đồng  giảm 9,77% so với cùng kỳ. Cộng dồn 12 tháng ước đạt 1.737,6 tỷ đồng giảm 9,89% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ như: Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 153,8 tỷ đồng, tăng 12,38% so với cùng kỳ; dịch vụ giáo dục và đào tạo ước đạt 115,7 tỷ đồng, tăng 38,43% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ ước đạt 150,9 tỷ đồng, tăng 11,75% so với cùng kỳ;...

Bên cạnh những nhóm dịch vụ tăng còn có nhóm dịch vụ giảm như: Dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 6,51%; dịch vụ khác giảm 17,51%  do nhu cầu người dân sử dụng dịch vụ giảm.

8.3. Vận tải 

Hoạt động vận tải tháng 12 và năm 2024 duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước do hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa được đẩy mạnh; số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch nội địa năm nay tăng cao so với cùng kỳ, nhu cầu đi lại của người dân tăng. 

Dự ước doanh thu vận tải, kho bãi tháng 12 đạt 219,8 tỷ đồng, tăng 2,84% so với tháng trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 28,8 tỷ đồng, tăng 1,57% so với tháng trước và tăng 19,22% so với cùng kỳ phục vụ người dân đi lại dịp cuối năm; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 102,8 tỷ đồng, tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 15,94% so với cùng kỳ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp đón lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch sắp tới; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 87,8 tỷ đồng, tăng 1,65% so với tháng trước và tăng 9,55% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 0,32 tỷ đồng, tăng 7,05% so với tháng trước và tăng 17,32% so với cùng kỳ. 

 

Dự ước doanh thu vận tải kho bãi cả năm 2024 đạt 2.532,4 tỷ đồng, tăng 9,77% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 327,1 tỷ đồng, tăng 11,99%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.192,9 tỷ đồng, tăng 11,86%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.009,1 tỷ đồng, tăng 6,72%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 3,4 tỷ đồng, tăng 7,96% so với cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 6,3 triệu hành khách (HK), tăng 9,47% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 400,1 triệu HK.km, tăng 9,87% so với cùng kỳ.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 18,96% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 608,9 triệu tấn.km, tăng 7,87% so với cùng kỳ.

II. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dân số, lao động, việc làm

Dân số trung bình năm 2024 ước tính 814,0 nghìn người, tăng 0,83% tương đương tăng 6,7 nghìn người so với cùng kỳ. Trong tổng số, dân số thành thị là 192,3 nghìn người, chiếm 23,6%; dân số nông thôn 621,7 nghìn người, chiếm 76,4%; nam 416,5 nghìn người, chiếm 51,2%; nữ 397,5 nghìn người, chiếm 48,8%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2023 là 104,8 nam/100 nữ.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước năm 2024 là 338,8 nghìn người, tăng 10,5 nghìn người so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực thành thị là 91,0 nghìn người, tăng 1,8 nghìn người so với cùng kỳ; khu vực nông thôn là 247,8 nghìn người, tăng 8,7 nghìn người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 98,06%, tăng 0,1 điểm phần trăm.

Năm 2024, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 332,2 nghìn người, tăng 16,9 nghìn người (tương ứng tăng 5,36%) so với cùng kỳ. Phân theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm năm 2024 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 121,1 nghìn người, chiếm 36,45% và tăng 3,0 nghìn người so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp và xây dựng là 85,1 nghìn người, chiếm 25,62% và tăng 8,6 nghìn người; khu vực dịch vụ là 126,0 nghìn người, chiếm 37,93% và tăng 5,36 nghìn người so với cùng kỳ. Nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa cải thiện về chất lượng khi số lao động làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng4

Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và và tinh thần thái độ phục vụ, sự hài lòng của người bệnh; Đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất… phục vụ khám chữa bệnh. Triển khai các hoạt động duy trì thành quả của chương trình y tế - dân số và các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, đặc biệt là sởi, Rubela, bệnh dại, bệnh bạch hầu....

Kết quả trong tháng 12 khám được 123.240 lượt, cộng dồn 12 tháng khám được 1.409.082 lượt, đạt 97,5% kế hoạch năm, điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã 12.838 lượt, cộng dồn được 147.695 lượt, đạt 94,7% kế hoạch năm, điều trị ngoại trú 10.377 lượt, cộng dồn được 134.348 lượt, đạt 146,0% kế hoạch năm.

Khám chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập: Trong tháng khám được 28.697 lượt (cộng dồn 349.465 lượt), trong đó khám bảo hiểm y tế 22.682 lượt (cộng dồn 326.302 lượt); chuyển tuyến 977 lượt (cộng dồn 13.270 lượt); khám sức khỏe 2.962 lượt, khám sức khỏe lái xe 2.144 lượt (cộng dồn 18.165 lượt).

Công tác tiêm chủng mở rộng: Trong năm 2024, công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai đồng bộ tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy trình và yêu cầu an toàn tiêm chủng. Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin đạt 96,1% (tăng 12% so với cùng kỳ). Tiêm vắc xin phòng viêm gan B trong 24 giờ sau sinh đạt 87,7%, duy trì mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh ở mức ≤1 trường hợp/trẻ đẻ sống.

Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong tháng được đẩy mạnh tại các tuyến huyện, xã với nhiều hình thức đa dạng và phong phú nhằm nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh.

3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch5

Hoạt động văn hóa được chú trọng và quan tâm: Tổ chức thành công các sự kiện Lễ hội Hoa Đào Xứ Lạng và các hoạt động mừng Đảng mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 với nhiều hoạt động phong phú ; đặc biệt là tham mưu tổ chức đăng cai Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn, năm 2024 và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 193 năm Ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (04/11/1831 - 04/11/2024) và kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2024).

Công tác thể dục thể thao: Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Phối hợp Công ty CP Ðường Ðua Mới tổ chức thành công giải chạy “Mẫu Sơn Mount Paths” năm 2024. Giải Việt dã Mùa Xuân, Biểu diễn võ thuật, Ðua bè mảng trên sông Kỳ Cùng năm 2024 và các giải thể thao cấp tỉnh theo kế hoạch. Tham gia 03 giải thể thao quốc tế ở môn Wushu, Điền kinh và Cử tạ. Kết quả đạt 01 HCÐ nội dung Nam quyền nam tại giải Vô địch Wushu Châu Á tại Ma Cao, 01 HCV chạy 5000m nữ tại giải Điền kinh trẻ Đông Nam Á tổ chức tại Malaysia. Tăng cường tham gia các hoạt động thể thao đoàn kết, hữu nghị, tham dự các giải thi đấu tại thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, đối với các môn thể thao được nhân dân khu vực biên giới yêu thích như: Bóng đá, Bóng chuyền, đua Xe đạp, Cờ tướng

Hiện trên địa bàn tỉnh có 53 điểm du lịch cấp tỉnh đã được công nhận tập trung ở các loại hình Du lịch tâm linh, cộng đồng, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Các địa phương thành lập Ban quản lý, ban hành Quy chế quản lý các di tích, danh thắng tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng, xây dựng các mô hình trải nghiệm, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực du lịch với các điểm đã và đang khai thác. Bước đầu đưa sản phẩm du lịch nông nghiệp vào khai thác gắn với trải nghiệm các làng du lịch cộng đồng. Trong năm trình 01 hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch cấp tỉnh (Điểm sinh thái và trải nghiệm Bắc Sơn Hoa - xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn). 

Tổng lượng khách du lịch năm 2024 đạt 4.216.000 lượt khách, tăng 7,6% so với cùng kỳ 2023, đạt 103,8% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó: Khách quốc tế đạt 142.500 lượt khách, tăng 312,8% so với cùng kỳ 2023, đạt 89,1% so với kế hoạch năm 2024; Khách trong nước đạt 4.073.500 lượt khách, tăng 4,89% so với cùng kỳ 2023, đạt 104,5% so với kế hoạch năm 2024; Doanh thu ước đạt 4.350 tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023, đạt 101,2% so với kế hoạch năm 2024. Dịch vụ lữ hành: Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành17. Năm 2024, đã thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa cho 02 doanh nghiệp; thu hồi Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa (Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Sen Vàng). Trong năm 2024 đã tiếp nhận, thẩm định cấp đổi, cấp mới 54 thẻ HDV du lịch. Trong đó: 52 hồ sơ đủ điều kiện cấp (06 thẻ HDV nội địa, 46 thẻ HDV quốc tế).

4. Giáo dục

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh hoàn thành việc tổ chức 02 vòng thi chọn đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia trung học phổ thông năm học 2024- 2025 đúng kế hoạch, đúng quy chế. Kết quả có 90 thí sinh thí sinh được xét chọn vào đội tuyển chính thức và 09 thí sinh được chọn là thành viên dự bị tích cực ôn luyện tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024 - 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào cuối tháng 12/2024. Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Trong quý III sáp nhập 12 cặp trường và thành lập 01 trường mới. Tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; xây dựng “trường học hạnh phúc”; thực hiện phong trào “Giáo viên giúp đỡ đồng nghiệp phát triển, giáo viên giúp đỡ học sinh tiến bộ”, xây dựng “Hũ gạo tình thương”.

5. Trật tự - An toàn giao thông6

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tổ chức thực hiện các đợt cao điểm trấn áp các loại tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội. Trong tháng xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9 người, bị thương 44 người. 

6. Môi trường

Trong tháng phát hiện 02 vụ vi phạm môi trường (tương đương với tháng trước). Năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 166 vụ vi phạm môi trường (giảm 211 vụ so với cùng kỳ), trong đó khởi tố 13 vụ, với 27 bị can (6 vụ/15 bị can tội Hủy hoại rừng, 7 vụ/12 bị can tội vì phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm); đã xử phạt hành chính 147 vụ với tổng số tiền xử phạt là 630 triệu đồng; 3 vụ không xử phạt và 3 vụ đang xử lý.

7. Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng trên địa bàn tỉnh không phát sinh thiệt hại do thiên tai. Năm 2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 05 vụ thiệt hại về thiên tai: 01 vụ do rét hại; 03 vụ do mưa lớn; 01 vụ do bão gây ra, so với năm 2023 tăng 01 vụ. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là cơn bão số 3 (Yagi) vào đầu tháng 9 năm 2024 gây thiệt lớn về nhà cửa, hoa màu và gia súc, gia cầm.

III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2025

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; là năm cuối thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 và tạo tiền đề cho việc xác định các mục tiêu nhiệm vụ của nhiệm kỳ giai đoạn 2026 - 2030. Để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

Thứ nhất; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung tổ chức có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được phê duyệt. Chủ động chuẩn bị và triển khai kế hoạch sản xuất đảm bảo thời vụ. Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Thứ hai; đối với khu vực công nghiệp cần tạo sự đột phá và lấy lại đà tăng trưởng, tìm kiếm đơn hàng, đẩy mạnh thị  trường xuất khẩu góp phần mở  rộng quy mô sản xuất đối với những ngành tăng trưởng còn khiêm tốn, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của Công ty Than Na Dương, nhà máy nhiệt điện Na Dương và các cơ sở sản xuất công nghiệp khác. Phấn đấu hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 khu công nghiệp VSIP, các cụm công nghiệp. Duy trì ổn định các dự án thủy điện; tiếp tục thu hút đầu tư đối với các dự án thủy điện, điện gió, điện sinh khối, điện rác theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ ba; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tiếp tục rà soát, đánh giá tính hiệu quả của các dự án đầu tư trên địa bàn và có những cam kết, biện pháp xử lý phù hợp đối với những dự án ngưng thi công nhiều năm. Huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là các dự án hạ tầng giao thông, đô thị trọng điểm có tính liên vùng.

Thứ tư; cần tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như dịch vụ du lịch chất lượng cao, dịch vụ logistics. Tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Khai thác hiệu quả và phát triển thị trường nội địa. Tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa. Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Thứ năm; thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chú trọng giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động.

 

[1] Công văn số 2530/TCTK-TKQG  ngày 02/12/2024 của Tổng cục Thống kê  về việc thông báo số liệu GRDP ước tính quý IV, cả năm 2024

[2] Nguồn: Sở Tài chính

[3] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn

[4] Nguồn: Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn

[5] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch.

[6] Nguồn: Công an tỉnh Lạng Sơn.

 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây