Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12, quý IV và cả năm 2021

Thứ ba - 28/12/2021 19:20
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính năm 2021 tăng 6,67% so với cùng kỳ. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,86%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,31%, đóng góp 2,26 điểm phần trăm;
Kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng động lực đã yếu đi so với nửa đầu năm 2021. Theo IMF, sự xuất hiện của nhiều biến thể SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền nhanh hơn và gây chết người hơn có thể kéo dài thời gian đại dịch và tác động đến hoạt động kinh tế là một trong những yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sự khác biệt trong triển vọng kinh tế giữa các quốc gia từ sự chênh lệch trong tiếp cận vắc-xin và hỗ trợ chính sách.
Gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội trong năm 2021. Triển vọng về sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong quý IV năm 2021 bị giảm sút bởi tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao, tiếp tục hạn chế đi lại ở một số tỉnh và nguồn cung lao động hạn chế ở các thành phố lớn. Đối với cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng, năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Lạng Sơn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Với sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, giám sát của HĐND tỉnh, đồng thuận của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo với quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Sau một năm nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế.

1.1. Tổng sản phẩm

Tổng sản phẩm trên địa bàn[1] (GRDP) ước tính năm 2021 tăng 6,67% so với cùng kỳ. Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,86%, đóng góp 1,26 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,31%, đóng góp 2,26 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,66%, đóng góp 2,79 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,41%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Trong  năm 2021 sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện tương đối thuận lợi. Cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, tập trung cho các nhóm sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương; khoa học và công nghệ được ứng dụng, từng bước mang lại hiệu quả; công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được quan tâm, đã tạo nên thương hiệu và giá trị cho một số sản phẩm của địa phương. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, trong đó đàn lợn tăng cao so với cùng kỳ do dịch tả lợn châu Phi được khống chế, người chăn nuôi yên tâm đẩy mạnh công tác tái đàn, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được duy trì và phát triển; tăng cường phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.
Khu vực công nghiệp - xây dựng. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn cơ bản ổn định và tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 ước tăng 5,61% so với cùng kỳ. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Thành lập Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, huyện Cao Lộc; xem xét bổ sung Cụm công nghiệp Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng; Cụm công nghiệp Đình Lập vào Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Hữu Lũng; phối hợp triển khai lập quy hoạch chi tiết, lựa chọn nhà đầu tư, thành lập Khu công nghiệp Hữu Lũng. Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng được tập trung thực hiện quyết liệt, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công.  Đã hoàn thành nhiều công trình, dự án, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, cải thiện đời sống Nhân dân. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển giao thông nông thônKhu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,31% so với cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ: Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại nội địa vẫn được duy trì ổn định, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và khan hiếm hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm cung ứng đầy đủ. Với sự chỉ đạo kịp thời, quyết đoán, quyết tâm kiểm soát, chiến thắng, đẩy lùi dịch bệnh, dự báo đúng diễn biến của dịch bệnh cùng với sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát và hạn chế thấp nhất lây lan trong cộng đồng; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ tiếp tục được duy trì trong khoảng an toàn. Hầu hết các ngành dịch vụ đều đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước.
Thuế sản phẩm trừ (-) trợ cấp sản phẩm: Tăng 7,41%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
1.2. Cơ cấu kinh tế
Tốc độ tăng trưởng và cơ cấu kinh tế năm 2021
 

 

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện: Công trình thủy lợi được nâng cấp, sửa chữa; chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng của địa phương; Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030” tiếp tục được triển khai, sản phẩm dựa trên lợi thế về nguyên liệu của địa phương; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất giá trị,việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng được quan tâm; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, chú trọng nâng cao hiệu quả liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình tiêu thụ của các loại nông sản khi vào chính vụ thu hoạch; giá cả đầu vào (thức ăn chăn nuôi, con giống ...) tăng cao, tình hình dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng; thời tiết trong những tháng đầu năm khô hạn, ít mưa ảnh hưởng đến việc tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân và số vụ cháy rừng tăng so với cùng kỳ.

 

2.1. Nông nghiệp

2.1.1. Cây hằng năm

Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm toàn tỉnh thực hiện được  92.265,3 ha, giảm 0,56% so với cùng kỳ năm trước. Vụ Đông Xuân năm 2021 triển khai trong điều kiện thời tiết không thuận lợi đầu vụ ít mưa, diện tích đất ở cuối nguồn nước không chủ động được sản xuất và tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm (ớt cay). Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông Xuân năm 2021 thực hiện được 47.031,8 ha, giảm 0,67% so với cùng kỳ, diện tích gieo trồng giảm chủ yếu ở cây lúa và cây ngô. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Mùa thực hiện được 45.233,5 ha, giảm 0,46% so với cùng kỳ, diện tích giảm là do chuyển dịch cơ cấu cây trồng, một phần diện tích nương, bãi, ruộng được bà con chuyển sang trồng cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao hơn. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2021 đạt 297.102,1 tấn, giảm 2,31% so với cùng kỳ; sản lượng giảm chủ yếu do điều kiện thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến công tác gieo trồng (thời tiết đầu vụ Đông Xuân mưa ít), quá trình sinh trưởng cây (hoàn lưu cơn bão số 8 ảnh hưởng một số diện tích lúa đang trong giai đoạn chắc xanh bị đổ rạp, ngập úng) và do người dân chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế cao hơn.

Diện tích lúa gieo trồng thực hiện được 47.243,8 ha, giảm 1,8% so với cùng kỳ; năng suất đạt 43,1 tạ/ha, tăng 0,23%, sản lượng đạt 203.608,2 tấn, giảm 1,57% so với cùng kỳ.
Diện tích gieo trồng cây ngô thực hiện 18.716,6 ha, giảm 3,68% so với cùng kỳ. Năng suất ước đạt 49,95 tạ/ha, sản lượng đạt 93.493,9 tấn, giảm 3,88% so với cùng kỳ.
Cây khoai lang: Diện tích gieo trồng thực hiện được 1.383,1 ha, giảm 115,9 ha so với cùng kỳ, do nhu cầu sử dụng khoai lang làm thức ăn chăn nuôi giảm. Năng suất ước đạt 66,02 tạ/ha, tăng 1,7%, sản lượng đạt 9.131,3 tấn, giảm 6,16% so với cùng kỳ.
- Cây lạc: Diện tích gieo trồng thực hiện được 3.092,3 ha, tăng 0,32% so với cùng kỳ. Diện tích cây lạc tăng do giá bán lạc tươi 2 năm gần đây từ 18.000 - 22.000đồng/kg, công đầu tư cho lạc ít mà giá trị kinh tế của lạc đem lại cao. Năng suất ước đạt 18,56 tạ/ha, tăng 0,18%; sản lượng đạt 5.739,4 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
- Cây ớt cay: Diện tích gieo trồng thực hiện được 1.776,2 ha, giảm 8,08%. Diện tích cây ớt cay giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp người chuyển một phần diện tích sang trồng cây hằng năm hoặc cây lâu năm khác. Năng suất ước đạt 90,31 tạ/ha, sản lượng đạt 16.041,18 tấn.
- Cây thạch đen: Trồng tập trung chủ yếu ở huyện Tràng Định, Bình Gia và Văn Lãng. Hiện nay trên địa bàn huyện Tràng Định có công ty TNHH sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý thu mua cây thạch đen và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm thạch đen để xuất khẩu sang Trung Quốc. Diện tích gieo trồng thực hiện được 2.789,38 ha, tăng 31,54% so với cùng kỳ. Năng suất ước đạt 51,09 tạ/ha, tăng 0,46%, sản lượng đạt 14.249,9 tấn, tăng 32,14% so với cùng kỳ.
2.1.2. Cây lâu năm
Toàn tỉnh diện tích cây lâu năm là 49.873,06 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Trong đó, cây ăn quả 16.945,54 ha, chiếm 33,97% tổng diện tích cây lâu năm, giảm 0,26%; cây chè 459,16 ha, giảm 20,98%; cây gia vị, cây dược liệu lâu năm là 31.657,61 ha, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng diện tích cây lâu năm (63,48%), tăng 1,88%; cây lâu năm khác 762,41 ha, giảm 2,63%.
* Cây ăn quả
- Cây na: Diện tích cây na 4.065, ha, tăng 12,76%, được trồng chủ yếu ở huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng; năng suất 100,54 tạ/ha, tăng 0,51%; sản lượng 35.606 tấn, tăng 20,4% do diện tích cho sản phẩm tăng 19,79%. Triển khai thí điểm kinh tế số, cửa hàng số tại địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng. Thời điểm na Chi Lăng đang vào chính vụ thu hoạch, có những cửa hàng số bán được 80-100 đơn mỗi ngày (tương đương 5 tạ na). Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khâu vận chuyển gặp nhiều khó khăn, sử dụng sàn thương mại điện tử cho thấy hiệu quả của mô hình phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn của cả nước nói chung và của tỉnh Lạng Sơn nói riêng.
- Các loại quả có múi thuộc họ cam, quýt: Diện tích là 3.999 ha, giảm 7,34% so với cùng kỳ năm trước, giảm ở tất cả các cây trong nhóm do thời tiết trong năm 2021 lúc chính vụ nắng khô và bệnh sâu đục thân phát triển, dẫn đến diện tích cây bị chết, một số địa phương do không hợp thổ nhưỡng nên cây cho quả khô, chất lượng kém, bị chặt bỏ chuyển sang cây trồng khác. Năng suất các cây trong nhóm nhìn chung giảm so với cùng kỳ năm trước. Các giống cây trồng chủ yếu là giống cam đường Canh, cam vàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi ruột hồng, quýt vàng. Trong đó: Cây quýt chiếm diện tích chủ yếu trong nhóm là 1.557 ha, giảm 15,52% do cây già cỗi bị chặt bỏ chưa được trồng mới thay thế. Năng suất đạt 49,86 tạ/ha, giảm 0,44%; sản lượng đạt 5.675 tấn, tăng 6,41% so với cùng kỳ.
- Cây nhãn, vải: Diện tích 2.665 ha, giảm 6,66% so với cùng kỳ năm trước, do chất lượng quả nhóm cây này không cao, không có thương hiệu như vải Lục Ngạn hay nhãn lồng Hưng Yên nên có giá bán thấp, nên người dân đã từng bước chuyển sang trồng cây khác đem lại hiệu quả cao hơn. Cây nhãn trồng 1.105 ha, giảm 6,01%;  năng suất 70,97 tạ/ha, tăng 8,41%, sản lượng 6.049 tấn, tăng 9,91% so với cùng kỳ năm trước. Cây vải là 1.560 ha, giảm 7,11% so với cùng kỳ năm trước, hiệu quả kinh tế không cao chủ yếu là bán lẻ tại địa phương, thị trường tiêu thụ ít. Cây vải năm nay được mùa, năng suất đạt 77,51 tạ/ha, tăng 4,6%; sản lượng đạt 11.435 tấn, giảm 3,34% do diện tích cho sản phẩm giảm 7,59% so với cùng kỳ năm trước.
* Cây công nghiệp lâu năm
Diện tích chè 459 ha, giảm 20,98% so với cùng kỳ năm trước; năng suất đạt 43,98 tạ/ha; sản lượng đạt 1.948 tấn, giảm 22,38% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích trồng chè búp là chủ yếu với 399 ha, chiếm khoảng 87% trong tổng diện tích chè, giảm 22,66% so với cùng kỳ năm trước do người dân chuyển sang trồng cây lâm nghiệp như: thông, keo, bạch đàn và cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn; năng suất 44,95 tạ/ha, tăng 0,74%; sản lượng 1.733,95 tấn, giảm 23,49% do diện tích cho sản phẩm giảm 24,05%. Giá bán chè búp thấp, dao động từ 7.000 – 10.000 đồng/kg tươi (cùng kỳ năm trước giá bán từ 12.000 – 17.000 đồng/kg). Cây chè búp trồng chủ yếu ở huyện Đình Lập và các huyện Lộc Bình, Bình Gia, Bắc Sơn.
* Cây gia vị, dược liệu lâu năm
Diện tích là 31.658 ha, tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm cây dược liệu, hương liệu lâu năm chiếm phần lớn diện tích là 31.643 ha, tăng 1,93% do có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó:
- Cây hồi: 31.207 ha, tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo năm nay hồi tứ quý và hồi chính vụ đều cho năng suất cao so với cùng kỳ năm trước, năng suất 6,53 tạ/ha, tăng 7,53%, sản lượng 16.155,02 tấn, tăng 6,95% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán hồi bình quân khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg tươi, 120.000 – 150.000 đồng/kg khô. Cây hồi được trồng chủ yếu ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Tràng Định, Văn Lãng, Đình Lập.… Đặc biệt, trong 3 năm trở về đây, huyện Văn Quan đang thực hiện đề án phát triển hồi hữu cơ, có tỉ lệ đậu hoa cao hơn từ 15% đến 20% so với trồng truyền thống trước kia.
- Cây sa nhân: 301 ha, tăng 2,62% được trồng nhiều ở huyện Tràng Định và Đình Lập. Năng suất 6,42 tạ/ha, giảm 3,76%, sản lượng 56,31 tấn, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm trước do diện tích cho sản phẩm tăng 21,77%.
- Cây trồng khác như: Cây bảy lá một hoa được trồng thí điểm 1,4 ha ở huyện Lộc Bình; cây sâm (sâm nam, sâm cát) và cây chè hoa vàng tiếp tục được triển khai trồng mới tại nhiều huyện theo các chương trình dự án.
2.1.3. Chăn nuôi
Năm 2021 tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có xu hướng giảm về số lượng đàn trâu, tăng tổng đàn bò; tổng đàn gà, vịt tiếp tục phát triển ổn định; tổng đàn lợn tăng cao so với cùng kỳ, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
- Tổng đàn trâu: 70.981 con, giảm 10,33% so với cùng kỳ năm trước là do: Một số hộ gia đình bán đi để lấy vốn đầu tư vào trồng rừng sản xuất  lâm nghiệp, diện tích chăn thả bị thu hẹp, nhu cầu sức kéo giảm do thay bằng máy nông nghiệp. Thiếu nhân lực chăn dắt do lực lượng lao động nông thôn tham gia sản xuất nông nghiệp giảm (lao động nông thôn đi làm tại các doanh nghiệp sản xuất phi nông, lâm nghiệp tăng lên).
- Tổng đàn bò: 33.600 con, tăng 0,03% so với cùng kỳ, bò chủ yếu được nuôi để lấy thịt. Để hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế, một số chương trình đã được tổ chức và thực hiện có hiệu quả như dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã nông thôn mới và chương trình 30a hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các hộ gia đình (Đình Lập, Bình Gia).
- Tổng đàn lợn: 118.251 con, tăng 7,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng đàn lợn thịt có 86.600 con, tăng 1,06% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tinh cơ bản đã được kiểm soát nên các hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi chủ động tái đàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tuy nhiên tốc độ tái đàn còn chậm, tổng đàn lợn toàn tỉnh vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn như trước thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh.
- Tổng đàn gia cầm: 5.113,79 nghìn con, giảm 3,95% so với cùng năm trước. Do đàn lợn cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường, nên nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm giảm. Hiện nay, chăn nuôi gia cầm quy mô lớn đang được đầu tư phát triển, áp dụng  khoa học kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ dịch bệnh. Các cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn tập trung chủ yếu ở các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Đình Lập.

 

2.2. Lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng mới năm 2021 thực hiện được 10.985,27 ha, tăng 10,46% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Diện tích rừng sản xuất trồng mới tập trung là 10.770,74 ha, tăng 10,59% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng do thời tiết những tháng trong năm mưa nhiều, thuận lợi thích hợp trồng cây con nên bà con chủ động mở rộng diện tích rừng trồng. Những năm gần đây trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao, khâu tiêu thụ sản phẩm được đảm bảo, giúp cho người dân yên tâm mở rộng sản xuất (cây trồng chủ yếu là gỗ keo, thông, bạch đàn...).  Số cây trồng phân tán thực hiện được 2,87 triệu cây, tương đương 1.435,26 ha, tăng 21,31% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng phân tán tăng mạnh do có dự án cấp giống cây trồng nên bà con tận dụng những diện tích cây phân tán đã khai thác từ năm trước và những diện tích đất trống, rải rác để trồng cây các loại cây lâm nghiệp. Diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh thực hiện 9.612,56 ha, tăng 25,73% so với cùng kỳ năm trước. Ươm giống cây lâm nghiệp năm 2021 sơ bộ thực hiện được 90,54 triệu cây, tăng 6,4% (+5,44 triệu cây) so với cùng kỳ năm trước, do ươm giống cây lâm nghiệp đem lại thu nhập cao cho các hộ sản xuất giống cây lâm nghiệp.
Sản lượng gỗ khai thác năm 2021 đạt 168,55 nghìn m3, tăng 18,16%) so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gỗ nhóm 5, 6,7. Sản lượng gỗ khai thác tăng do trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích rừng sản xuất ngày càng lớn; gỗ đến tuổi khai thác và nhu cầu chế biến gỗ.
Sản lượng củi khai thác và tiêu thụ năm 2021 đạt 1.314,32 nghìn ste, giảm 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Khai thác củi tập trung chủ yếu ở khu vực hộ cá thể, được dùng cho mục đích đun nấu và một phần được tiêu thụ trên thị trường.
Sản lượng nhựa thông khai thác đạt 44.000 tấn, tăng 20,68% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm nhựa thông đang là ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn huyện Đình Lập và Lộc Bình, sản lượng tăng cao là do nhiều rừng trồng đã đến tuổi khai thác nhựa, bên cạnh đó giá nhựa thông trong năm ổn định, giá dao động trung bình từ 28.000 - 40.000đ/kg nên các hộ gia đình tăng sản lượng khai thác nhựa để tạo thêm thu nhập cho gia đình.

 

2.3. Thủy sản

Lạng Sơn là tỉnh miền núi với số lượng ao, hồ ít nên nuôi trồng thủy sản không phải là thế mạnh. Phương thức nuôi chủ yếu là nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Các hộ dân chủ yếu nuôi trồng thủy sản tại các ao, hồ phân tán nên diện tích nuôi trồng thủy sản khá nhỏ, nguồn nước mặt còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào lượng nước mưa, nên nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm thường không chủ động được nguồn nước, khó phát triển sản xuất thủy sản thâm canh, bán thâm canh. Ước tính diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2021 đạt 1.286,43 ha, tăng 0,09% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở các loại cá cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao như cá trắm, chép, mè, trôi. Sản lượng thủy sản cả năm 2021 đạt 1.776,24 tấn, tăng 2,49% so với cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu ở sản phẩm thủy sản nuôi trồng (chiếm 83,76%). Người dân nuôi thủy sản đã tìm hiểu, biết áp dụng kỹ thuật và cách phòng dịch cho cá, trong quá trình nuôi trồng thủy sản luôn giữ được mức ổn định. Các hộ nuôi cá lồng chủ yếu ở huyện Văn Quan đang phát triển mở rộng thêm đến nhiều xã trong huyện như: Xuân Mai, Bình Phúc, Tú Xuyên, Lương Năng...
- Sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 đạt 288,40 tấn, tăng 1,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác cá 186,56 tấn, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước, do mực nước trên các sông, suối, lòng hồ ổn định. Ở những huyện có nhiều sông, suối, người dân tranh thủ lúc thời vụ nông nhàn để khai thác, vừa để cải thiện bữa ăn vừa để tăng thêm thu nhập. Sản lượng khai thác thủy sản chủ yếu tập trung nhiều ở các xã có lòng hồ đập, ven sông suối như các xã: Bắc La, Thành Hòa, Bắc Hùng, Bắc Việt của huyện Văn Lãng,.... Đặc biệt, tại xã Bắc La người dân thu được nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ thủy điện Thác Xăng và đã đầu tư phương tiện đánh bắt với khoảng 63 chiếc thuyền, bè các loại phục vụ khai thác thủy sản.
- Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 1.487,84 tấn, tăng 2,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá nuôi trồng là 1.478,47 tấn, tăng 2,70% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng là do phát triển mô hình nuôi cá lồng nhằm tận dụng, khai thác tối đa diện tích mặt nước đối với các loài cá truyền thống và các loài cá khác nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống của người dân nuôi trồng thủy sản; nhận thức của người dân được nâng cao thay đổi phương thức sản xuất chuyển từ khai thác thủy sản tự nhiên sang nuôi  trồng  thủy sản có chất lượng. thúc đẩy phát triển nuôi cá lồng và gắn liền tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

 

3. Sản xuất công nghiệp

Năm 2021, sản xuất công nghiệp tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát triển, các hoạt động sản xuất kinh doanh được khuyến khích, các nhà xưởng, nhà máy sản xuất hoạt động hiệu quả với năng suất cao góp phần đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Ngành công nghiệp đã và đang khai thác tốt lợi thế trong các lĩnh vực sản xuất sản phẩm thế mạnh: khai thác than, đá, xi măng, hóa chất cơ bản, chế tạo động cơ… tuy còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn sản xuất kinh doanh, thị trường đầu ra, thiếu hụt lao động có năng lực, tay nghề, nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động ổn định, phát triển sản phẩm công nghiệp của địa phương ngày một nâng lên về sản lượng và chất lượng. Sản phẩm than của Công ty Than Na Dương luôn chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, sản phẩm xi măng cũng chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất lớn, việc phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, nhu cầu cung cấp vật liệu cho hoạt động xây dựng tăng, do vậy ngành sản xuất xi măng luôn có thị trường tiêu thụ ổn định. Các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao và có ảnh hưởng quyết định đến chỉ số phát triển công nghiệp như: Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành, Công ty TNHH Bảo Long, Công ty TNHH Thành Long, Công ty Nhiệt điện Na Dương, Công ty Than Na Dương, Công ty cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ… đã duy trì được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020.

3.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12/2021

3.1.1. So với tháng trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 toàn ngành so với tháng trước giảm 0,31%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,12%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,26%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 0,36%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,05%.
Trong ngành công nghiệp khai khoáng, sản lượng than khai thác dự ước đáp ứng nhu cầu sản xuất điện của Công ty Nhiệt điện Na Dương, giảm 1,38% so với tháng trước; sản lượng đá khai thác dự ước tăng 7,38% so với tháng 11, do vào tháng 12 thời tiết hanh khô thuận lợi cho việc khai thác, đáp ứng nhu cầu thị trường về hoạt động xây dựng vào dịp cuối năm.
Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dự ước phần lớn các ngành công nghiệp cấp 2 đều tăng so với tháng trước, cụ thể: Các ngành chính chiếm tỷ trọng cao như sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,86%; công nhiệp chế biến chế tạo khác tăng 14,44%, tăng chủ yếu ở sản phẩm bật lửa ga do doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn đảm bảo cho quá trình sản xuất. Một số ngành công nghiệp khác do sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng đạt tốc độ tăng cao so với tháng trước như: ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 12,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,19%; chế biến gỗ tăng 7,43%; ngành in và sao chép bản ghi tăng 7,28%,… Mặc dù phần lớn các ngành công nghiệp chế biến chế tạo đều tăng so với tháng trước nhưng chỉ số toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm do có sự giảm sâu của ngành sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất, giảm 15,06%, chủ yếu sản phẩm colophan giảm 27,93% do sản lượng nhựa thông khai thác trong dân cư giảm so với tháng trước nên thiếu nguyên vật liệu để sản xuất; sản phẩm khuôn đúc bằng kim loại màu giảm 50,08% do yếu tố giá cả nguyên vật liệu đầu vào, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc mua nguyên liệu từ các tỉnh Hưng Yên, Bắc Kạn.
Ngành sản xuất và phân phối điện: Cung ứng điện sản xuất và điện thương phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng điện của các cơ sở sản xuất kinh doanh; điện sản xuất dự ước giảm 1,16%, điện thương phẩm tăng 5,41% so với tháng trước.
Trong ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 1,42%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 1,08% so với tháng trước.

3.1.2. So với cùng kỳ

Nhìn chung, trong tháng 12 năm 2021 hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn cơ bản ổn định và tiếp tục duy trì so với cùng kỳ năm trước, một số sản phẩm có thế mạnh của địa phương với thị trường ngày càng được mở rộng, tiếp tục có sự tăng trưởng khá (các sản phẩm từ nhựa thông, thạch đen, gỗ và các sản phẩm từ gỗ...)
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 so với cùng kỳ tăng 5,16%. Ngành công nghiệp khai thác tăng 5,74%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,84%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 3,19%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 10,82% so với tháng cùng kỳ.
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số sản phẩm sản xuất tăng so với tháng cùng kỳ như: Colophan và các sản phẩm nhựa cây tăng 46,81%; sản phẩm muối công nghiệp tăng 40,7%, do nhu cầu nhập khẩu sản phẩm để làm chế phẩm công nghiệp từ phía đối tác Trung Quốc tăng. Sản phẩm bột đá mài tăng 31,83%, hiện nay trên địa bàn tỉnh có Công ty cổ phần đá mài Hải Dương sản xuất sản phẩm, trong năm công ty đã chú trọng đổi mới thiết bị công nghệ tăng năng suất, bên cạnh đó nhu cầu sử dụng bột đá mài trong sản xuất các sản phẩm từ sắt, thép tăng, cùng với nguyên vật liệu đầu vào ổn định. Một số sản phẩm do cùng kỳ năm trước không nhập khẩu được linh kiện sản xuất, sang năm 2021 đã chủ động ký kết nhập khẩu linh kiện, đảm bảo quá trình sản xuất liên tục, sản lượng xuất xuất tăng cao so với cùng kỳ như sản phẩm bơm chân không tăng 34,06%, sản phẩm xe điện tăng 13,3%, ăng teng các loại tăng 41,7%. Một số doanh nghiệp ký kết được đơn hàng tiêu thụ sản phẩm: sản phẩm móc khóa cài tăng 71,4%, bóng thể thao tăng 700%....Bên cạnh đó còn nhiều ngành có chỉ số giảm chủ yếu là các ngành sản xuất theo đơn đặt hàng như sản xuất da, sản xuất các sản phẩm từ giấy, sản xuất cấu kiện kim loại (cửa hoa, cửa sắt) và sản xuất rượu giảm mạnh ở khu vực doanh nghiệp…
Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, sự tăng giảm sản lượng phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực. Sản lượng điện sản xuất tháng 12/2021 ước tăng 2,72%; sản lượng điện thương phẩm ước tăng 6,34% so với cùng kỳ. Hệ thống điện của tỉnh đang vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
So với cùng kỳ năm trước, ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 7,44%; hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tăng 21,91% do trong năm 2021 Công ty cổ phần cấp thoát nước Lạng Sơn đã đầu tư máy móc, thiết bị, tiến hành sửa chữa, cải tạo đường ống nhằm tăng công suất hoạt động; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 27,28%, để đảm bảo tiêu chí vệ sinh môi trường cần tập trung thu gom rác thải và xử lý theo quy định nên hoạt động thu gom rác thải, tái chế phế liệu được tăng cường.

3.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 so với cùng kỳ

Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2021 so với cùng kỳ tăng 5,61%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,80%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,47%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,02%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,87%.

Hoạt động khai khoáng tại Lạng Sơn chủ yếu tập trung vào khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản kim loại và than… Trong đó, sản phẩm than mang lại giá trị công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong toàn ngành, dự ước năm 2021, Công ty Than Na Dương cung cấp cho Công ty Nhiệt điện Na Dương 630,9 nghìn tấn than sạch, tăng 0,16% so với năm 2020. Ngoài than, trong ngành công nghiệp khai khoáng, tỉnh Lạng Sơn được đánh giá là địa phương có tiềm năng rất lớn về khoáng sản là đá vôi sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường. Các mỏ và điểm mỏ tập trung chủ yếu ở các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định, Bình Gia và Bắc Sơn; ước tính năm 2021, hoạt động khai thác đá đạt sản lượng đạt 3,5 triệu m3, tăng 7,79% so với năm 2020.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,02%: Đối với ngành sản xuất dệt may, chủ yếu gia công sản phẩm túi công nghiệp cho nước ngoài, trong năm 2021 gặp khó khăn do giá hàng hóa gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu. Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,17%, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 14,81%, chủ yếu nhờ cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Sản xuất kim loại tăng 29,64% do trong năm có sự chuyển đổi sản phẩm sản xuất, cùng với đó, doanh nghiệp chú trọng đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực sản xuất. Sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 39,02%, trong đó sản phẩm muối công nghiệp  tăng 113,98%, do doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thêm sản phẩm sản xuất mới, đồng thời chủ động ký kết đơn hàng tiêu thụ xuất khẩu sang Trung Quốc; sản phẩm colophan tăng 25,4%, do lợi ích từ việc trồng thông mang lại hiệu quả kinh tế, diện tích rừng thông đến tuổi khai thác tăng, việc khai thác có kỹ thuật hơn nên đảm bảo sản lượng thông cho việc sản xuất, bên cạnh đó nhu cầu sử dụng sản phẩm làm chế phẩm công nghiệp tăng nên thị trường tiêu thụ ổn định. Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 6,23%, trong đó sản phẩm xi măng Portland đen sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng 6,66%, do hoạt động xây dựng các công trình tăng, các doanh nghiệp chủ động tăng sản lượng sản xuất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nguyên vật liệu cho ngành xây dựng; bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đã chủ động đổi mới máy móc thiết bị, tích cực quảng bá sản phẩm, nâng cao chất lượng và khẳng định vị thế trên thị trường.
Trong sản xuất và phân phối điện: Sản lượng điện sản xuất giảm 0,81%; điện thương phẩm tăng 5,66% so với cùng kỳ.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải  tăng 6,87%.  Hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 2,16%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 8,23% (Các hoạt động này vận hành theo nhu cầu sử dụng trong dân cư, khi nhu cầu sử dụng tăng thì chỉ số sản xuất của ngành tăng). Hoạt động thu gom và xử lý rác thải tăng 11,24%.

3.3. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2021 tăng 10,99% so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng khá cao: sản xuất hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất tăng 45,71%; ngành sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 29,04%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,94%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử tăng 19,16%, những sản phẩm này đều có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ nên chỉ số tiêu thụ của các sản phẩm tăng. Chỉ số tiêu thụ ngành sản xuất đồ uống giảm 18,74% do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng từ các nhà hàng, quán ăn giảm; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 20,75% do đơn đặt hàng gia công từ các công ty trong nước giảm.
Tồn kho ngành chế biến chế tạo tháng 12/2021 tăng 14,5% so với tháng trước, giảm 3,34%  so với cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ do chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất đồ uống giảm 44,25%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 23,53%. Để duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, ngoài việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch các doanh nghiệp đã nỗ lực kết nối, tìm kiếm đơn hàng, thị trường mới, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho. Bên cạnh đó, ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn có chỉ số tồn kho tăng cao (tăng 51%), chủ yếu sản phẩm móc khóa các loại có lượng sản xuất lớn.

3.4. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 12/2021 tăng 0,53% so với tháng trước, giảm 2,66% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 4,46%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,22%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,40%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,35%. Chỉ số lao động cả năm 2021 giảm 0,98% so với cùng kỳ năm trước.
Một số ngành khối lượng sản xuất tăng cao so với cùng kỳ nhưng chỉ số sử dụng lao động giảm, cho thấy các doanh nghiệp đã đẩy mạnh sử dụng máy móc tiên tiến, dây chuyền hiện đại vào sản xuất, do vậy các doanh nghiệp đã chú trọng đến công tác tuyển dụng và đào tạo lao động có tay nghề cao, đáp ứng được yêu cầu công việc, tăng hiệu suất sử dụng lao động.

4. Tài chính, ngân hàng       

4.1. Tài chính[2]

- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Những tháng đầu năm dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước phục hồi tạo đà cho kim ngạch xuất nhập khẩu của các nhóm hàng nguyên liệu sản xuất tăng. một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: hoa quả, ván gỗ bóc, đồ gỗ mỹ nghệ, thủy sản đều tăng so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số tỉnh đã tạm thời đóng cửa khẩu, các chủ hàng đã chuyển hướng xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Doanh nghiệp nhập khẩu một số mặt hàng như điện thoại, hàng tiêu dùng, tạp hóa đã thay đổi hình thức từ vận chuyển đường biển sang vận chuyển đường bộ để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển. Nhu cầu nhập khẩu các loại phương tiện vận tải, máy móc thiết bị phục vụ các dự án lớn như sân bay, đường cao tốc vẫn tiếp tục gia tăng
Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 ước đạt 10.795 tỷ đồng, tăng 48,38% so với năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt 2.965 tỷ đồng, tăng 0,26% so với năm 2020, thu Hải quan đạt 7.790 tỷ đồng, tăng 81,54% so với năm 2020.
- Về chi ngân sách địa phương
Tập trung quản lý chi ngân sách Nhà nước theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; rà soát, cắt giảm hoặc tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện năm 2021: 14.040 tỷ đồng, tăng 2,77% so với năm 2020. Trong đó: Chi cân đầu tư phát triển: 3.473 tỷ đồng, giảm 7,52% so với năm 2020. Chi thường xuyên: 8.417 tỷ đồng giảm 14,22%% so với năm 2020.

4.2. Ngân hàng[3]

Các ngân hàng trên địa bàn chủ động rà soát, nắm bắt tình hình kinh doanh của khách hàng, áp dụng kịp thời các biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ kịp thời cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ước thực hiện đến ngày 31/12/2021: Tổng huy động vốn đạt 33.138 tỷ đồng, tăng 6,2% so với 31/12/2020; Dư nợ tín dụng đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 10,1% so với 31/12/2020.

5. Tình hình doanh nghiệp

Từ đầu năm đến hết tháng 11/2021, có 454 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 18,23% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 4.242.05 tỷ đồng tăng 59,07% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động là 197 doanh nghiệp, tăng 18,67%, doanh nghiệp thông báo giải thể là 307 doanh nghiệp tăng 49,02% so với cùng kỳ.
Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp quý IV/2021 so với quý trước, có 26,47% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn; 26,47% số doanh nghiệp đánh giá khó khăn và 47,06% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Trong đó, xu hướng sản xuất khả quan hơn ở các ngành: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất phương tiện vận tải... Dự kiến quý I/2022 so với quý IV/2021 có 29,41% số doanh nghiệp cho rằng xu hướng sẽ tốt lên; 23,53% số doanh nghiệp dự báo kém đi và 47,06% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Qua kết quả khảo sát các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp các yếu tố quan trọng nhất là nhu cầu thị trường trong nước thấp chiếm 67,65%, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao chiếm 35,29%,  lý do khác (do ảnh hưởng của dịch Covid-19) chiếm 20,59%. Vì vậy, các doanh nghiệp và các ngành chức năng trên địa bàn cần quan tâm chú ý mở rộng thị trường để doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sâu, rộng hơn. Các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm đầu ra để đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường.
Xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp xây dựng trên tổng số 80 doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh cho thấy xu hướng tổng quan tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp quý IV/2021 thuận lợi hơn so với quý III/2021. Đánh giá tình hình hoạt động xây dựng quý IV/2021, có 48,75% doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn, 36,25% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn, 15% doanh nghiệp đánh giá tình hình không đổi so với quý trước. Dự kiến sang quý I/2022 đa phần các doanh nghiệp đánh giá tình hình khó khăn hơn so với quý IV/2021 với nhận định của 52,5% các doanh nghiệp trong mẫu, nguyên nhân chủ yếu là trong quý IV/2021 các dự án công trình sẽ tập trung nguồn lực vào cuối năm để kịp bàn giao, sang quý I/2022 chủ yếu là các công trình từ năm 2021 chuyển sang.

6. Đầu tư, xây dựng

Quý IV và cả năm 2021, kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2021 duy trì xu hướng tăng trưởng cao 12,40% so với cùng kỳ, nguyên nhân tăng chủ yếu do nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, các dự án lớn được được cấp phép đang khẩn trương đầu tư xây dựng như: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư và dân cư nông thôn xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư 357 tỷ đồng; dự án Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với tổng mức đầu tư 3.299 tỷ đồng; dự án Quần thể khu sinh thái cáp treo Mẫu Sơn với tổng mức đầu tư 3.499 tỷ đồng; dự án Khu đô thị mới Mai Pha, thành phố Lạng Sơn với tổng vốn đầu tư 3.380 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Phú Lộc I + II với tổng mức đầu tư 877 tỷ đồng.... Các dự án lớn triển khai sẽ mang lại cho thành phố Lạng Sơn một tổ hợp công trình có chất lượng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội; các dự án cũng là bước cụ thể hóa chủ trương phát triển nhà ở tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 của tỉnh Lạng Sơn.
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh quý IV ước đạt 5.495,01 tỷ đồng, tăng 14,46% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở khu vực vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 4.037,86 tỷ đồng, tăng 25,15% so với cùng kỳ; vốn huy động khác đạt 636,78 tỷ đồng, tăng 81,57% . Nguồn vốn thuộc các khu vực còn lại giảm so với cùng kỳ, trong đó nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện ước đạt 778,9 tỷ đồng, giảm 32,26% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn đầu tư trưc tiếp nước ngoài quý IV năm 2021 ước đạt 19,92 tỷ đồng, giảm 2,21% so với cùng kỳ.
Phân theo khoản mục đầu tư, đầu tư xây dựng cơ bản quý IV năm 2021 ước đạt 4.770,27 tỷ đồng, chiếm 86,81%; đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản ước đạt 404,3 tỷ đồng, chiếm 7,36%; vốn đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp tài sản cố định ước đạt 319,67 tỷ đồng, chiếm 5,82% so với cùng kỳ.
Dự ước vốn đầu tư thực hiện năm 2021 đạt 16.965,92 tỷ đồng, tăng 12,40% so với cùng kỳ. Phân theo nguồn vốn, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện ước đạt 2.881,89 tỷ đồng, giảm 14,88% so với cùng kỳ; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 21,51 tỷ đồng, giảm 13,24% ; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 12.491,97 tỷ đồng, tăng 19,67%  so với cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 73,14 tỷ đồng, tăng 1,25%; vốn huy động khác đạt 1.439,7 tỷ đồng, tăng 41,7% so với cùng kỳ.
Phân theo khoản mục đầu tư, đầu tư xây dựng cơ bản cả năm 2021 ước đạt 14.446,89 tỷ đồng, chiếm 85,15%; vốn đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản ước đạt 1.360,63 tỷ đồng, chiếm 8,02%; vốn đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp tài sản cố định ước đạt 1.156,79 tỷ đồng, chiếm 6,82%; vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động ước đạt 0,72 tỷ đồng; vốn đầu tư khác ước đạt 0,9 tỷ đồng.

7. Thương mại và dịch vụ

Tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những biến chuyển tích cực các lĩnh vực, hoạt động thương mại, dịch vụ có mức tăng khá, hàng hoá giá cả ổn định đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; Hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm khá sôi động, hàng hoá xuất, nhập khẩu được duy trì thông quan chủ yếu tại 04 cửa khẩu: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu song phương Chi Ma, cửa khẩu phụ Tân Thanh. Tại các cửa khẩu, lực lượng cơ quan chức năng đã chủ động nắm bắt tình hình trong công tác quản lý cửa khẩu, điều tiết các hoạt động thông quan hàng hóa, kiểm tra chặt chẽ về y tế để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; thường xuyên trao đổi, hội đàm với các bên hữu quan của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc để thống nhất các biện pháp thúc đẩy thông quan hàng hóa, giải quyết ùn ứ phương tiện tại cửa khẩu và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh. Thị trường hàng hóa đa dạng phong phú, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và khan hiếm hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm cung ứng đầy đủ, nhất là các nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế, thiết bị phòng dịch bệnh..., các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh  -  trật tự an toàn xã hội được tăng cường; duy trì môi trường ổn định.

7.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá quý IV năm 2021 dự ước đạt 4.878 tỷ đồng tăng 8,65% so với quý trước và tăng 7,43% so với cùng kỳ.
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2021 đạt 19.057 tỷ đồng, so với so với cùng kỳ tăng 11,24%.  Hầu hết các nhóm ngành hàng đều tăng mạnh so với năm trước, cụ thể: Có 7/12 nhóm ngành hàng tăng trên 5% đó là: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 16,75%; nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6,76%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,6%; nhóm ô tô con tăng 7,7%; nhóm phương tiện đi lại tăng 7,32%; nhóm hàng hóa khác tăng 14,19% và nhóm sửa chữa ô tô, xe máy tăng 8,86%. Nguyên nhân các nhóm ngành hàng hóa trên tăng là do thời tiết đã vào mùa Đông, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống, sinh hoạt hằng ngày như: Lò sưởi, lò vi sóng, điều hòa, thảm, đệm điện… được tiêu thụ nhiều; ngoài ra, nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng mạnh chủ yếu ở các mặt hàng như sơn các loại, gạch lát nền, tấm lợp, đá ốp, các mặt hàng đá, cát, sỏi xi măng, sắt thép do vào cuối năm các nhà thầu thường đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng để hoàn thiện kịp bàn giao đưa vào sử dụng và hoàn thành kế hoạch năm.

7.2. Dịch vụ

7.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Năm 2021, lĩnh vực du lịch bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Do ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh Lạng Sơn du lịch nội tỉnh là chủ yếu, hiện nay một số điểm du lịch trên địa bàn cũng đã và đang được đầu tư và phát triển mạnh như: Điểm du lịch thác Bản Khiếng, khu du lịch Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), du lịch cộng đồng Homstay Hữu Liên, du lịch mạo hiểm ở xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng) những điểm du lịch này trong năm 2021 cũng đã thu hút được một số lượt khách đến nghỉ ngơi, tham quan, du lịch và trải nghiệm…còn hoạt động du lịch nước ngoài tạm thời chưa hoạt động trở lại, chỉ có số ít khách đi công tác, hội thảo đăng ký qua Trung tâm lữ hành. Doanh thu lữ hành quý IV/2021ước đạt 2,3 tỷ đồng tăng 25% so với quý trước và tăng 80% so với cùng kỳ. Dự ước cả năm 2021 doanh thu lữ hành đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước.
  Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý IV năm 2021 ước đạt 526,4 tỷ đồng tăng 36,85% so với quý trước và tăng 17,33% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu cả năm 2021 đạt 1.736 tỷ đồng, tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù do ảnh hưởng của dịch diễn biến phức tạp nhưng một số nhà hàng, cơ sở phục vụ nhu cầu ăn uống cho người dân vẫn được hoạt động trong phạm vi cho phép và chủ cơ sở phải cam kết, đảm bảo tuân thủ công tác phòng chống dịch thực hiện đúng theo quy định.

7.2.2. Doanh thu dịch vụ khác

Hầu hết các nhóm dịch vụ trong năm 2021 đều tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Dự ước doanh thu dịch vụ quý IV/2021 ước đạt 115,7 tỷ đồng tăng 11,39% so với quý trước và tăng 1,28% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu cả năm đạt 454,2 tỷ đồng, tăng 7,43% so với cùng kỳ. Có 4/5 nhóm ngành dịch vụ tăng so với năm trước, riêng nhóm dịch vụ vui chơi giải trí giảm do chịu ảnh hưởng của dịch. Vào những thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát hầu hết các quán bar, quán karaoke, các cơ sở tập gym, câu lạc bộ thể hình… đều tạm ngừng hoạt động chờ đến khi có quyết định mới được hoạt động trở lại, bên cạnh đó các dịch vụ như cắt tóc gội đầu, spa phục vụ nhu cầu cá nhân cũng phải đóng cửa hàng để đảm bảo công tác phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng.

7.3. Vận tải

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động vận tải được duy trì và vẫn theo chu kỳ hằng năm. Các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh tích cực tìm nguồn hàng (chủ yếu vận chuyển hàng hoá đường dài đến một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á như: Lào, Campuchia, Thái Lan và một số lái xe là người của tỉnh Lạng Sơn vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại) nên doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi tăng cao so với cùng kỳ năm trước góp phần vào tăng trưởng chung của cả năm 2021.
Hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh vận tải, kho bãi trong quý IV/2021 có bước tăng trưởng khá cao so với quý III/2021. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 các tỉnh phía Nam không vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không được, phải chuyển sang đường bộ. Do đó, việc vận chuyển hàng hoá lưu thông quá cảnh sang Trung Quốc và các nước khác chủ yếu bằng đường bộ và đường sắt nên doanh thu hoạt động vận tải hàng hoá tăng cao; bên cạnh đó, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên nhu cầu lưu bãi tăng, các kho bãi đã khai thác tối đa công suất để đáp ứng nhu cầu lưu giữ hàng hoá do vậy doanh thu hoạt động kho bãi tăng mạnh so với năm trước. Các cơ sở kinh doanh vận tải tích cực chủ động trong khai thác nguồn hàng nhằm phục vụ nhu cầu vẩn chuyển hàng hóa cũng như đi lại dịp cận tết. Những tháng cuối năm do ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua một số cửa khẩu trên địa bàn tỉnh cũng như một số địa phương lân cận gặp khó khăn nên lượng xe dồn về cửa khẩu tăng bất thường; do điều kiện bến bãi có hạn, để đảm bảo công tác phòng chống dịch các lực lượng chức năng đã thống nhất phương án bố trí phương tiện dừng đỗ chờ xuất khẩu.
Dự ước doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi tháng 12 đạt 196,6 tỷ đồng tăng 9,52% so với cùng kỳ năm trước (Doanh thu vận tải hành khách đạt 22,2 tỷ đồng, tăng 10,80%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 123,1 tỷ đồng tăng 10,06%; doanh thu hoạt động kho bãi đạt 50,8 tỷ đồng tăng 7,76% và doanh thu hoạt động chuyển phát tăng 0,66%).
Dự ước cả năm, tổng doanh thu toàn ngành đạt 1.711,3 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm 2020. Hoạt động vận tải hành khách doanh thu ước đạt 192,6 tỷ đồng, giảm 12,42% về doanh thu; tăng 9,82% về khối lượng hành khách vận chuyển và giảm 7,68% khối lượng hành khách luân chuyển. Hoạt động vận tải hàng hóa doanh thu đạt 1.037,9 tỷ đồng, tăng 9,31% về doanh thu, tăng 17,67% về khối lượng hàng hóa vận chuyển, tăng 10,41% về khối lượng hàng hóa luân chuyển so với năm 2020. Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 477,3 tỷ đồng, tăng 20,25%; doanh thu hoạt động chuyển phát đạt 3,6 tỷ đồng, tăng 10,62% so với năm 2020.

8. Chỉ số giá

8.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 12/2021 giảm 0,21% so với tháng trước, giảm 0,57% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,16%  so với năm gốc (năm 2019).

Trong tháng 12, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng không có sự tăng giá đột biến; chỉ số giá chung toàn tỉnh giảm nhẹ so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm mặt hàng chính, có 4 nhóm hàng tăng, 5 nhóm hàng giảm và 2 nhóm hàng không thay đổi so với tháng trước
* Một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước:
- Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,17%: Chỉ số giá tăng chủ yếu ở các mặt hàng: quần áo ấm, găng tay, bít tất, thắt lưng, mũ nón, áo mưa... Do thời tiết mùa Đông và trong tháng có đợt không khí lạnh nhu cầu mua sắm phục vụ tiêu dùng cá nhân tăng.
- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,23%: Chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu ở mặt hàng rượu, bia (tăng 0,49%), do nhu cầu tiêu dùng rượu, bia của người dân tăng vào dịp cuối năm.
* Nhóm hàng hóa chủ yếu có chỉ số giá giảm so với tháng trước
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%:
 + Giảm chủ yếu ở mặt hàng thực phẩm, so với tháng trước giảm 0,06%. Trong đó, giá thịt gia súc tươi sống giảm 0,39%, giá trứng các loại giảm 1,26%, giá rau tươi giảm 2,07%. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dồi dào dẫn đến giá bán các mặt hàng thực phẩm giảm. Bên cạnh đó, cũng có một số nhóm hàng thực phẩm khác giá tăng hơn so với tháng trước, cụ thể: Giá thịt gia cầm tươi sống tăng 0,31% do nhu cầu tiêu dùng tăng; giá nước mắm, nước chấm tăng 4,66% mặt hàng này chủ yếu được nhập từ các địa phương khác, giá tăng do chi phí vận chuyển tăng.
+ Nhóm lương thực tăng 0,25%: Chỉ số giá nhóm lương thực tăng chủ yếu ở mặt hàng gạo (tăng 0,45%), giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tích lũy của người dân lo lắng dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
+ Ăn uống ngoài gia đình giảm nhẹ 0,05%: Trong tháng, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm nhẹ do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, phần lớn người dân chỉ mua mang về hoặc liên hệ với nhà hàng vận chuyển đến tại nhà.
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,13%: Chỉ số giá biến động chủ yếu ở một số mặt hàng sau: Giá điện sinh hoạt giảm 0,25%, do nhu cầu sử dụng điện của người dân giảm. Giá dầu hỏa giảm 5,46%, do trong kỳ liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá vào ngày 10/12 theo diễn biến giá dầu của thế giới. Giá gas giảm 3,16% so với tháng trước, nguyên nhân do giá giao dịch gas thế giới giảm về mức 772,5 USD/tấn, giảm 77,5 USD/tấn so với tháng 11 và kéo giá gas bán lẻ trong nước giảm mạnh.
- Nhóm giao thông giảm 1,86%: Chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 5,03% so với tháng trước: Do trong kỳ có điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào ngày 10/12, trong đó, giá xăng A95 III là 23.611đ/lít (giảm 1.646đ/lít); giá dầu Diezen là 18.015đ/lít (giảm 1.065đ/lít). Về trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 700 đồng/lít, dầu diesel ở mức 250 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít, dầu mazut ở mức 700 đồng/kg. Dự kiến giá xăng, dầu sẽ điều chỉnh lần 2 vào ngày 26/12.
- Nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,12%: Chỉ số giá nhóm này giảm chủ yếu ở mặt hàng thiết bị điện thoại do trên thị trường xuất hiện thêm nhiều dòng sản phẩm mới hiện đại, phong phú, đa dạng về mẫu mã, kiểu cách, chất lượng và giảm giá những dòng sản phẩm cũ hơn để kích cầu người tiêu dùng.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2021 so với cùng kỳ năm trước
CPI chung toàn tỉnh tháng 12/2021 giảm 0,57% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 7,26%; Nhóm may mặc, mũ nón giày dép giảm 0,01%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,16%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,73%.

8.2. Bình quân năm 2021 so với cùng kỳ năm trước

CPI chung bình quân năm 2021 giảm 0,37% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 5,34%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,3%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,98%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,9%. Ngoài các nhóm hàng tiêu dùng giảm so với cùng kỳ, 5/11 nhóm hàng có chỉ số tăng so với cùng kỳ, trong đó Nhóm giao thông tăng 11,95% do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới tăng so với cùng kỳ.

8.3. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

- Chỉ số giá vàng: Trong tháng 12, giá vàng thế giới biến động mạnh hơn các tháng trước, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng, giảm theo giá thị trường thế giới. Giá vàng trong nước so với tháng trước giảm 2,06%, so với cùng kỳ năm trước giảm 1,51%, so với năm gốc năm 2019 tăng 32,59%. Bình quân 12 tháng năm 2021 tăng 6,96% so với cùng kỳ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ: So với tháng trước tăng 1,08%, so với cùng kỳ năm trước tăng 1,29%, so với năm gốc năm 2019 tăng 0,95%. Bình quân 12 tháng năm 2021 tăng 0,74% so với cùng kỳ.

II. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Dân số, lao động - việc làm và đời sống dân cư

1.1.Dân số, lao động

Dân số trung bình của tỉnh năm 2021 ước tính đạt 796.939 người, tăng 1,04% so với năm 2020, bao gồm: dân số nam 406.846 người, chiếm 51,05% tổng dân số cả tỉnh, tăng 0,85% so với năm trước; dân số nữ 390.093 người, chiếm 48,95%, tăng 1,24%. Trong tổng dân số cả tỉnh năm nay, dân số thành thị 183.888 người, chiếm 23,07% tổng dân số, tăng 1,2% so với năm trước; dân số khu vực nông thôn là 613.051 người, chiếm 76,93%, tăng 1% so với năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 ước đạt 505,6 nghìn người, tăng 1,04% so với năm trước; trong đó lao động nữ từ 15 tuổi trở lên có 246,7 nghìn người, chiếm 48,80%, tăng 2,54% so với năm 2020. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc ước đạt 497 nghìn người, tăng 0,97% so với năm trước, lao động làm việc trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 57,71%; ngành dịch vụ chiếm 32,80%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 9,50% trong tổng số lao động đang làm việc.

1.2. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội[4]

Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thực hiện các chính sách lao động - việc làm được duy trì thường xuyên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Tăng cường công tác hỗ trợ, giám sát thực hiện pháp luật về lao động, tiền lương, quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội. Triển khai kịp thời các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Ước tạo việc làm mới cho khoảng 14.100 người lao động trên địa bàn tỉnh, đạt 100,7% kế hoạch, trong đó từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của tỉnh cho vay 92.607 triệu đồng với 2.235 dự án, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.235 người lao động; từ phát triển kinh tế - xã hội (thành lập mới doanh nghiệp) khoảng 2.500 người; từ chuyển đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp với thực tiễn khoảng 2.500 người; từ chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 80 người và lao động đi làm việc ngoài tỉnh khoảng trên 7.200 người..
Tuyên truyền, tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách, pháp luật lao động cho trên 11.281 lượt người; Số người lao động tìm việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm: 467 người; Số người được giới thiệu việc làm: 316 người; Số người được giới thiệu việc làm nhận được việc làm: 188 người. Tổ chức 38 phiên giao dịch việc làm vào thứ 5 hàng tuần; 21 phiên lưu động; 02 phiên giao dịch việc làm online trực tuyến. Duy trì tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và thực hiện các quy trình có liên quan đến giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kết quả: Số người nộp hồ sơ hưởng BHTN là 3.927 người; Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 3.313 người; Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là 43.684,4 triệu đồng..

1.3. Công tác an sinh xã hội

Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả như: Hỗ trợ giáo dục, đào tạo.  Năm 2021, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo và người dân tộc thiểu số ước đạt 396.610 thẻ; trong đó, bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số là 390.121 thẻ.
Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo năm 2021, Ban Chỉ đạo (BCĐ) các CTMTQG của tỉnh và các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo công tác giảm nghèo, chú trọng lồng ghép các nguồn lực của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và chính sách an sinh xã hội. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2021: qua báo cáo sơ bộ kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,2% tương đương giảm 5.143 hộ, đạt kế hoạch đề ra. Hộ nghèo (theo chuẩn nghèo theo giai đoạn 2022- 2025) là 12,18% tương đương 23.480 hộ và hộ cận nghèo là 23.141 hộ tương đương 12,01%
Thực hiện hỗ trợ gạo cứu đói: 184.295 kg gạo, trị giá 2.767 triệu đồng; Tổ chức bàn giao 212.430 kg gạo, giá trị 2.353 triệu đồng theo Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 29/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ cho các huyện, thành phố. Thực hiện tốt công tác tổ chức chúc thọ cho người cao tuổi (thọ từ 90 tuổi trở lên) trên địa bàn tỉnh. Nguồn ngân sách tỉnh cứu trợ 235.300kg gạo, tổng kinh phí 3.318,8 triệu đồng.

2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng[5]

2.1. Công tác y tế dự phòng

* Công tác phòng chống dich Covid-19  tính đến 15h00 ngày 23/12/2021:
Đánh giá cấp độ dịch của tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế: 186/200 xã, phường, thị trấn: Cấp 1 “Vùng xanh” ; 11/200 xã (xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); xã Đồng Thắng (huyện Đình Lập) phường Hoàng Văn Thụ, phường Tam Thanh, phường Vĩnh Trại, xã Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn); xã Quang Trung (huyện Bình Gia); xã Hòa Cư, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc); xã Tú Đoạn, xã Yên Khoái (huyện Lộc Bình)): Cấp 2 “Vùng vàng”; 03/200 xã ((xã Điềm He (huyện Văn Quan); xã Thiện Thuật (huyện Bình Gia); xã Yên Vượng (huyện Hữu Lũng)): Cấp 3 “Vùng cam”. 11/11 huyện, thành phố: Cấp 1. Quy mô tỉnh: Cấp 1
Lũy tích toàn tỉnh từ ngày 06/5/2021 đến nay: 1.499 F0; 16.481 F1; đã khỏi bệnh 884 ca; tử vong 04. Hiện còn theo dõi 611 F0 (609 điều trị tại tỉnh, 02 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
- Phân loại theo mức độ: Mức độ nhẹ: 599 bệnh nhân; Mức độ trung bình: 03 bệnh nhân; Mức độ nặng: 02 bệnh nhân (điều trị tại BVĐK)
- Tình hình tiêm chủng: Lũy kế đến nay đã tiêm: 1.081.075  liều, đạt 99,93% liều cơ bản được cấp. Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 (bao gồm cả tiêm tại tỉnh và ngoài tỉnh) đạt 95,27%; Trong ngày (tính đến 15h00) tiêm được 469 mũi 1; Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được đủ 2 mũi (bao gồm cả tiêm tại tỉnh và ngoài tỉnh) đạt 90,78%. Trong ngày (tính đến 15h00) tiêm được 558 mũi 2; Tỷ lệ tiêm vắc xin  mũi 1 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đạt 99,5%; Triển khai tiêm vắc xin mũi 2 cho trẻ em từ 12-14 tuổi từ ngày 13/12 đến nay: 31.788 liều.
* Phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng đã xét nghiệm: 2.882 mẫu, 03 mẫu dương tính; Số HIV mới phát hiện được quản lý: 02; Số chuyển AIDS: 02; Số tử vong: 01. Cộng dồn 12 tháng: Tổng số mẫu xét nghiệm là 27.094 mẫu, trong đó số mẫu xét nghiệm dương tính: 20; số mẫu xét nghiệm dương tính quản lý được: 17; Số HIV mới phát hiện được quản lý: 17; Số chuyển AIDS: 14; Số tử vong: 10 (09 nam, 01 nữ).
* Công tác phòng, chống dịch bệnh khác: Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát; Các ca bệnh có số mắc tăng đều phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch.

2.2. Công tác tiêm chủng mở rộng

Duy trì tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 01 tuổi trên 11 huyện, thành phố; đảm bảo an toàn trong tiêm chủng. Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin tháng 12/2021 (Từ 01/11-30/11/2021) là 909/1.116 trẻ đạt 81,5%; Số liệu cộng dồn (Từ 01/01/2021-30/11/2021) là 10.260/12.276 trẻ đạt 83,1%. Một số huyện có tỷ lệ TCMR chưa đạt chỉ tiêu như TPLS: 58,8%, Hữu Lũng: 77,5%, Văn Lãng: 80,7%. Đây là 3 địa bàn trong năm 2021 xuất hiện ổ dịch COVID-19 trên địa bàn, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai của công tác tiêm chủng mở rộng cũng như tâm lý e ngại đưa trẻ đi tiêm của các phụ huynh. Số trẻ em được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B < 24 giờ trong tháng là 975/1.139 trẻ, đạt 85,6%. Số liệu cộng dồn là 9.047/10.699 trẻ đạt 84,8%. Số phụ nữ có thai tiêm đủ AT2+ trong tháng đạt 52,3%; Số liệu cộng dồn đạt 61,6%. Duy trì kết quả loại trừ uốn ván sơ sinh.

2.3. Công tác khám chữa bệnh

Các đơn vị khám, chữa bệnh tổ chức trực 04 cấp, đảm bảo trực 24/24 giờ; đảm bảo cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, hậu cần, bố trí đủ cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng đảm bảo các điều kiện để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19. Tiếp tục thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa theo kế hoạch.
Kết quả khám và chữa bệnh công lập cả 3 tuyến trong tháng 12: Khám được 114.983 lượt; điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã cho 11.821 lượt; điều trị ngoại trú cho 12.217 lượt. Cộng dồn 12 tháng: Khám được 1.303.628 lượt, đạt 89% kế hoạch năm; điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã cho 123.879 lượt, đạt 84% kế hoạch năm; điều trị ngoại trú cho 138.815 lượt, đạt 294% kế hoạch năm.
Khám chữa bệnh ngoài công lập: Trong tháng khám được 17.762 lượt, trong đó số khám bảo hiểm y tế 12.716 lượt; Chuyển viện 460 lượt; Tổng số khám sức khỏe 1.252 lượt. Cộng dồn 12 tháng khám được 214.817 lượt, trong đó số khám bảo hiểm y tế 151.883 lượt; Chuyển viện 6.037 lượt.

3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch[6]

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong năm 2021 một số thời điểm đã dừng tổ chức các hoạt động lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, thể thao tập trung đông người để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất, tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Tổ chức Lễ tôn vinh Danh hiệu “Công dân Lạng Sơn ưu tú” lần thứ Nhất; tổng kết phong trào thi đua đặc biệt và trao giải các cuộc thi chào mừng Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn.
Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng và phát triển Khu di tích Chi Lăng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó đã hoàn thành xây dựng các hạng mục Đền Chi Lăng giai đoạn 1. Tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn; xét tặng danh hiệu “Công dân Lạng Sơn ưu tú”. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được thực hiện tích cực. Đang triển khai các bước lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chi Lăng, huyện Chi Lăng Quy hoạch bảo quản tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt - di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn. Thực hiện tu bổ di tích nhà bia Thủy Môn Đình đạt 35% khối lượng[7].
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng đã thực hiện 4/7 giải theo kế hoạch (giải vô địch trẻ Cờ vua, Cờ tướng tỉnh Lạng Sơn năm 2021, giải vô địch Cầu lông tỉnh Lạng Sơn năm 2021, giải Bóng chuyền hơi tỉnh Lạng Sơn năm 2021). Tổ chức thành công giải Thể thao cán bộ lãnh đạo quản lý tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Tổ chức tốt các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2021); tổ chức Hội thảo khoa học và giao lưu thể thao. Phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 33. .. Thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động TDTT đảm bảo an toàn cho vận động viên tham gia thi đấu. Tổ chức thành công 6 môn thi đấu trước Đại hội Thể dục thể thao (Bơi, Bóng bàn, Quần vợt, Bóng chuyền, Bóng đá, Việt dã 

4. Giáo dục

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020-2021 tại các cấp phổ thông; các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời trưng dụng cơ sở vật chất để phục vụ công tác cách ly phòng chống dịch bệnh. Hoàn thành công tác thi tốt nghiệp THPT bảo đảm đúng quy chế, an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021-2022; hoàn thành xây dựng tài liệu giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6. Triển khai Chương trình Sữa học đường năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức lại 03 Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS thành trường liên cấp phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT các huyện Cao Lộc, Văn Quan, Chi Lăng. Công nhận 20 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 252 trường. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, đa dạng hóa các loại hình giáo dục ngoài công lập[8].

5. Trật tự - An toàn giao thông[9]

Trong tháng 12/2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông (giảm 01 vụ so với cùng kỳ), làm chết 10 người và 02 người bị thương (giảm 3 người so với cùng kỳ). Tính từ tháng 01/2021 đến 15/12/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 52 vụ, làm chết 49 người và bị thương 19 người; số vụ tại nạn giao thông bằng số vụ so với năm trước, giảm  3 người chết, giảm 01 người bị thương.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông: Chủ yếu là do ý thức kém của người tham gia giao thông như: uống rượu bia, chạy quá tốc độ, đi sai phần đ­ường, không chú ý quan sát.... Ban An toàn giao thông các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về chấp hành Luật giao thông đường bộ.

6. Môi trường

Trong tháng 12, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không có vụ vi phạm môi trường được phát hiện, vì vậy không có vụ vi phạm cần phải xử lý và tiến hành xử phạt. Lũy kế từ đầu năm đã có 04 vụ vi phạm môi trường được phát hiện, tiến hành xử lý 04 vụ và xử phạt với tổng số tiền là 280 triệu đồng, trong đó: 02 vụ vi phạm môi trường của 02 cá nhân tại thành phố Lạng Sơn về việc vận chuyển và tập kết đất không đúng địa điểm, tiến hành xử phạt mỗi cá nhân 10 triệu đồng; 01 vụ vi phạm môi trường của 01 doanh nghiệp về khai thác khoáng sản vượt công suất được cấp phép, xử phạt 200 triệu đồng; 01 vụ vi phạm môi trường của 01 doanh nghiệp về thực hiện quan trắc không đầy đủ tấn suất theo báo cáo tác động môi trường được duyệt, xử phạt 60 triệu đồng. So với tháng 12 năm 2020 cũng không có vụ vi phạm môi trường được phát hiện; so với lũy kế cùng kỳ năm 2020 giảm 04 vụ tương ứng 50%, số tiền xử phạt tăng 47 triệu, tăng 120%.

7. Thiệt hại do thiên tai

Trong tháng 12, không xảy ra thiên tai; trên địa bàn tỉnh có sảy ra rét nhưng chưa rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi. Nhân dân đã chủ động che chắn chuồng trại, lưu trữ thức ăn vật nuôi phòng trừ rét đậm rét hại xảy ra. So với tháng 12 năm 2020 cũng không có thiên tai phát sinh; lũy kế giá trị thiệt hại từ đầu năm là 11.869,5 triệu đồng. Thiên tai xảy ra chủ yếu trên địa bàn tỉnh trong năm là do giông lốc, mưa đá, sét đánh làm chết gia súc, dập nát hoa màu, đổ gập, ngập úng lúa, sạt lở đường.

III- NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM

1. Do tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với kế hoạch, nhất là các lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Trên địa bàn tỉnh một số dịch vụ không thiết yếu tạm dừng hoạt động, học sinh, sinh viên kết thúc năm học sớm hơn kế hoạch; tạm dừng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; công tác tuyển sinh giáo dục dạy nghề gặp nhiều khó khăn; số người lao động mất việc làm, thất nghiệp có xu hướng gia tăng...; một số huyện, xã, thị trấn phát sinh các ca nhiễm Covid-19 phải thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa nên ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ, tiêu thụ nông sản khi đến mùa vụ.
2. Thời tiết trong những tháng đầu năm khô hạn, ít mưa đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân và cháy rừng tại một số địa bàn. Đến thời điểm hiện tại, các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ vốn ngân sách trung ương, do đó một số dự án chưa được khởi công, chỉ thực hiện được công tác chuẩn bị đầu tư để sẵn sàng triển khai thực hiện khi được giao vốn. Chất lượng hoạt động của một số hợp tác xã, hiệu quả thực hiện một số mô hình sản xuất chưa cao; việc duy trì, nâng cao một số tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới có mặt còn hạn chế.
3. Mặc dù UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhưng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng nhìn chung còn chậm; một số huyện chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vấn đề thực tiễn phát sinh, còn lúng túng trong công tác chuyên môn, cũng như tư tưởng trông chờ hết đợt dịch mới tập trung triển khai thực hiện.
4. Công tác chỉ đạo, điều hành của một số cơ quan, đơn vị cũng còn có mặt hạn chế. Công tác phối hợp giữa các đơn vị, các sở, ngành, các huyện, các cơ quan trung ương trên địa bàn tuy đã có chuyển biến nhưng có một số việc chưa thật sự hiệu quả. Chất lượng góp ý và một số cuộc họp chưa cao đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật còn có sự chồng chéo, không thống nhất, nhiều văn bản ban hành chưa kịp thời hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều lần nên khó khăn trong quá trình áp dụng, triển khai thực hiện trong thực tiễn, vì vậy nhiều việc phải tổ chức họp bàn nhiều lần, xin ý kiến nhiều ngành, cấp, nếu chủ động vận dụng để đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là để đảm bảo tính kịp thời, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển..., dễ dẫn đến hậu quả và trách nhiệm cho người thực thi công vụ, tạo nên tâm lý e ngại và ảnh hưởng đến tính năng động, sáng tạo.

IV- ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP

Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022 rất to lớn và nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành của địa phương phải thực hiện kiên quyết và đồng bộ những giải pháp mà Chính phủ và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra; đồng thời phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong đoàn thể, quần chúng; từ đó huy động toàn bộ hệ thống chính trị và sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, hành chính nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế và giữ vững ổn định xã hội. Đề xuất một số giải pháp thực hiện như sau:
Thứ nhất, tập trung thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các kế hoạch, chương trình, đề án của UBND tỉnh về phát triển các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai, tiếp tục xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Thực hiện tốt công tác kiểm soát chặt chẽ tại khu vực biên giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về xuất nhập cảnh; bảo đảm an toàn dịch bệnh trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; kiểm soát chặt lái xe chuyên trách, lái xe đường dài và người đi cùng. Tổ chức rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản phòng, chống dịch, chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế để bổ sung, trang bị phù hợp theo từng cấp độ dịch. Tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ mua sắm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ ba, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030; đẩy mạnh xã hội hoá trồng rừng, tăng cường quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cung ứng đầy đủ, kịp thời, bảo đảm chất lượng các loại giống, vật tư nông nghiệp; chủ động ngăn ngừa phòng, chống dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Chủ động phương án phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai.
Thứ tư, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hình thức đối tác công tư tại các vùng khó khăn. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa như: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3+700-Km18); các dự án sử dụng vốn ODA, khởi công mới các dự án Nút giao vào Khu công nghiệp Hữu Lũng; Khu tái định cư, dân cư xã Hồ Sơn và xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng; cải tạo, mở rộng đường Bà Triệu (đoạn Lý Thái Tổ - Nguyễn Đình Chiểu); dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (gồm cả đoạn tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam); thực hiện giải phóng mặt bằng dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn.
Thứ năm, nâng cao khả năng dự báo tình hình, nắm bắt các chính sách, biện pháp áp dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc, kịp thời đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa qua địa bàn tỉnh, hạn chế ùn tắc hàng hóa và bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
Thứ sáu, tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để ổn định và nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, công nghiệp xanh, an toàn và hiện đại; khuyến khích đầu tư các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp ứng dụng, công nghiệp phụ trợ. Hoàn thành các thủ tục thành lập, khởi công xây dựng Khu công nghiệp Hữu Lũng, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, thực hiện có hiệu quả các phương án cung ứng hàng hóa. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh chuyển giao chợ cho doanh nghiệp và hợp tác xã quản lý, đầu tư có hiệu quả. Tập trung phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa. Tăng cường công tác quản lý giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt hoạt động tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp, Nhân dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.
Thực hiện các biện pháp kích cầu, phục hồi du lịch; tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ du lịch; từng bước phát triển hạ tầng du lịch để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức khởi công và xây dựng một số hạng mục chính của dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn./.
 

[1]Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 30/11/2021, thực hiện theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
[2] Nguồn: Sở Tài chính
[3] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
[4] Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
[5] Nguồn: Sở Y tế.
[6] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch.
 
[8] Năm học 2021 - 2022, Trường mầm non Hoa Hướng Dương, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đã đi vào hoạt động theo mô hình trường mầm non có lớp chất lượng cao, tự chủ một phần tài chính. Đã đưa vào hoạt động 01 trường tư thục liên cấp mầm non gắn với phổ thông (trường mầm non và tiểu học Anh Việt, thành phố Lạng Sơn).
  [9] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh
 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây