Sửa Luật Thống kê để thu thập, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời

Thứ năm - 11/11/2021 03:56
Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Sau 5 năm triển khai, Luật đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại.
luat sua doi bo sung luat thong ke co nhieu diem moi de thu thap cung cap thong tin day du kip thoi tinh hinh kinh te xa hoi

 

Thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: “Việc thông qua dự án Luật này tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thu thập, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những thông tin thống kê phản ánh năng suất, hiệu quả, tăng trưởng, phản ánh các nhóm yếu thế…”.Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đồng thời giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến dự án Luật đến các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, tổ chức và cá nhân khác có liên quan, ngày 9/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến về dự án Luật này.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật gồm: Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17; Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48; Thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này.

Theo ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê, Tổng cục Thống kê, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia sẽ cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời, phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của đất nước, bảo đảm tính khả thi và bảo đảm so sánh quốc tế.

Trong đó, Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia giữ nguyên 128 chỉ tiêu, sửa tên 44 chỉ tiêu, bổ sung 58 chỉ tiêu và bỏ 14 chỉ tiêu. Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây.

Cụ thể: 19 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; 17 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; 52 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung về phát triển bền vững; 22 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá việc thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; 12 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; 26 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá về giới và bình đẳng giới.

Cùng với đó, Danh mục đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Cụ thể: 10 chỉ tiêu thống kê tương ứng với các chỉ tiêu thống kê giới ở cấp độ toàn cầu; 33 chỉ tiêu thống kê tương ứng với các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu (SDG); 29 chỉ tiêu thống kê tương ứng với các chỉ tiêu thống kê cấp độ ASEAN; 5 chỉ tiêu thống kê thuộc bộ chỉ tiêu phát triển công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu (IDI); 03 chỉ tiêu thống kê thuộc bộ chỉ tiêu đánh giá Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Ngoài ra, Danh mục đã cập nhật các chỉ tiêu thống kê phản ánh, dự báo, đo lường sự phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm cũng như cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng và nhóm yếu thế.

“Danh mục các chỉ tiêu thống kê mới không chỉ rất quan trọng cho việc xây dựng chính sách và thực thi chính sách mà còn giúp nhiều cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình ra quyết định đầu tư hay lên kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh”, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kỳ vọng.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê đã được Chính phủ trình, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có báo cáo thẩm tra và ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội. Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật này ngày 13/11/2021.

Tác giả bài viết: Lê Đỗ

Nguồn tin: thoibaonganhang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây