Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất lúa bền vững giai đoạn 2016-2021

Thứ ba - 09/01/2024 21:03
Nông nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong những năm gần đây, nông nghiệp ngày càng thể hiện vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Các chính sách phát triển nông nghiệp bền vững cộng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có cơ cấu lại cây lúa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sản xuất lúa phải đi liền với phát triển bền vững
Nông nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong những năm gần đây, nông nghiệp ngày càng thể hiện vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Các chính sách phát triển nông nghiệp bền vững cộng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có cơ cấu lại cây lúa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình trồng lúa chuyên canh chất lượng cao được đưa vào sản xuất, đồng thời chủ động chuyển đổi theo kế hoạch diện tích gieo trồng lúa hằng năm không cân đối được nguồn nước sang trồng rau, màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được nhân rộng, phát triển. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã rút ngắn được quá trình sản xuất, giảm chi phí trung gian, nâng cao chất lượng và tăng giá thành sản phẩm. Sản lượng sản xuất ra không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Mặc dù đạt được nhiều thành tích nổi bật nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Chất lượng không khí, nguồn nước tưới tiêu bị ảnh hưởng bởi quá trình công nghiệp hóa và việc sử dụng một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu đã gây ra không ít hệ lụy về sức khỏe con người, đe dọa tới khả năng canh tác lúa hiệu quả trong tương lai. Chính vì vậy sản xuất lúa phải đi liền với phát triển bền vững là một yêu cầu cấp thiết, do đó, cần xác định và đánh giá đầy đủ những nhân tố ảnh hưởng tới sản xuất lúa bền vững hiện nay.

Các yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất lúa bền vững

Yếu tố về kinh tế

Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng lúa
Duy trì hoặc cải thiện năng suất đất là khía cạnh quan trọng trong tính bền vững của hoạt động sản xuất lúa nói riêng và hoạt động trồng trọt nói chung. Yếu tố giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng lúa phản ánh công nghệ và quy trình sản xuất, năng lực sản xuất của từng quốc gia, từng địa phương đối với hoạt động sản xuất lúa. Hiện nay, canh tác lúa tại Việt Nam chủ yếu là canh tác độc canh.
Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, giá trị sản phẩm trên 1 ha trồng lúa đã tăng 10,3 triệu/ha, tương ứng tăng 11,4 %. Tuy nhiên giá trị sản phẩm trên 1 ha trồng lúa nếu so sánh với hiệu quả sản xuất với các loại cây trồng lâu năm hoặc với ngành nuôi trồng thủy sản thì vẫn còn khiêm tốn. Năm 2020, giá trị sản phẩm trên 1 ha trồng lâu năm đạt 102,8 triệu /ha, bằng 149,9% giá trị sản phẩm trên 1 ha trồng lúa; giá trị sản phẩm trên 1 ha nuôi trồng thủy sản đạt 237,3 triệu /ha, bằng 345,9%. Do sự chênh lệch quá lớn về hiệu quả sản xuất nên nhiều nơi người dân tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản.

Thu nhập ròng từ hoạt động trồng lúa
Yếu tố thu nhập ròng chính là khả năng sinh lời từ hoạt động trồng lúa, tính ổn định và mức độ sinh lời sẽ kìm hãm hoặc thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thái độ, hành vi và quyết định sản xuất của nông hộ.
Qua khảo sát, tính toán về giá thành sản xuất lúa ở ÐBSCL của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT: Chi phí làm đất chiếm 8,0%, giống 9,0%, phân bón chiếm 22,0% và thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16,0%, chi phí thu hoạch 11,0% và chi phí lao động chiếm 28,0% trong tổng chi phí. Như vậy, tổng các chi phí mà người dân bắt buộc phải bỏ ra tới 66,0%. Nếu chỉ tính thu nhập từ hoạt động trồng lúa trong ba năm (2017, 2018, 2019) có 14,6% số hộ thuần trồng lúa1 không có lãi trong cả ba năm; 18,3% hộ có lãi một trong ba năm; 16,8% hộ có lãi hai trong ba năm; 50,3% hộ có lãi cả ba năm. Đây cũng là những năm thời tiết có những biến đổi bất thường, đầy thách thức và khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp.

Khả năng thích ứng với rủi ro trong sản xuất
Sự tiếp cận hoặc hưởng lợi của nông hộ từ cơ chế chính sách tín dụng; bảo hiểm phòng chống ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; đa dạng trong sản xuất chính là cơ chế giảm thiểu rủi ro nhằm đảm bảo sản xuất lúa bền vững.
Hệ thống tín dụng, ngân hàng được mở rộng ở khu vực nông thôn sẽ là nguồn cung ứng vốn quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Năm 2020, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp toàn quốc được tiếp cận với tín dụng là 17,7%, tỷ lệ này với hộ thuần trồng lúa đạt 11,3%.
Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp; Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng nhằm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù là nước nông nghiệp nhưng tỷ lệ hộ nông nghiệp được tiếp cận với bảo hiểm năm 2020 đạt thấp với 4,5%, hộ thuần trồng lúa tiếp cận bảo hiểm với tỷ lệ thấp hơn với 2,9%.
Độc canh trong sản xuất nông nghiệp sẽ khiến cho sâu bệnh dễ phát triển. Đa dạng hóa trong sản xuất không chỉ khắc phục được nhược điểm này mà còn mang tính chất bảo hiểm cho nông hộ vì nếu một vụ mất mùa hoặc một loại cây nào đó mất giá thì vẫn còn vụ khác, sản phẩm khác. Đây chính là nguyên tắc “trứng chia nhiều giỏ” trong kinh tế. Năm 2020, tỷ lệ hộ nông nghiệp đảm bảo đa dạng sản phẩm trong sản xuất đạt tỷ lệ 15,4%, trong đó hộ thuần trồng lúa có luân canh với cây hằng năm khác, nuôi thủy sản trong ruộng lúa đạt 11,0%.

Yếu tố về môi trường

Tỷ lệ thoái hóa đất
Sản xuất lúa ở nước ta, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL, ngoài những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và lối canh tác liên tục không cho đất nghỉ ngơi, việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu không đúng cách cũng là nguyên nhân làm cho nguồn đất bị thoái hóa, bạc màu.
Với những hộ thuần sản xuất lúa, tỷ lệ hộ có diện tích đất trồng lúa bị thoái hóa do yếu tố xói mòn đất trong 3 năm 2017, 2018, 2019 là 2,0%; do giảm độ phì nhiêu đất 9,9%; ngập úng, lũ lụt 4,4%; xâm nhập mặn 3,1%; hạn hán 6,6%. Nhóm hộ có tỷ lệ thoái hóa đất trồng lúa dưới 10% chiếm 81,3% tổng hộ trồng lúa; nhóm hộ có tỷ lệ thoái hóa đất trồng lúa từ 10% đến 50,1% là 16,6% và thoái hóa trên 50% chiếm 2,1%. Tại thời điểm 01/7/2020, tình trạng diện tích đất lúa bị bỏ hoang do chất lượng kém, nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất không hiệu quả diễn ra hầu khắp các địa phương trên cả nước tại 60/63 tỉnh, thành phố trung ương. Diện tích đất trồng lúa không sản xuất trong vòng 12 tháng qua tính đến 01/7/2020 là 33,7 nghìn ha, chiếm 0,78% tổng diện tích đất trồng lúa.

Sự ổn định của nguồn nước tưới
Xây dựng hệ thống đường kênh mương thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu nước kịp thời được xem là giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng phát triển hoàn thiện, bền vững. Tại thời điểm 01/7/2020, hệ thống kênh mương thủy nông trên địa bàn nông thôn do xã và hợp tác xã quản lý có tổng chiều dài 167,86 nghìn km; bình quân mỗi xã 20,23 km. Chất lượng kênh mương phục vụ cho tưới tiêu ngày càng được nâng cao, chiều dài kênh mương kiên cố hóa đạt trên 75,57 nghìn km, chiếm 45,02%. Cả nước có trên 17,89 nghìn trạm bơm tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản; bình quân mỗi xã có 2,16 trạm bơm.
 Ngoài ra, sự ổn định về nguồn nước còn được thể hiện qua sự đánh giá của nông hộ thông qua các tiêu chí: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu; Sự sụt giảm của mực nước ngầm, sông, hồ, suối; Tổ chức phân bổ nguồn nước tưới có hiệu quả hay không. Kết quả khảo sát cho thấy, 53,1% hộ thuần sản xuất lúa toàn quốc có nhu cầu tưới đảm bảo được nguồn nước trong giai đoạn 2017-2019.

Sử dụng phân bón
Số liệu cho thấy, trong tất cả các biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường do sử dụng phân hóa học thì “bón phân theo định mức” là biện pháp đạt tỷ lệ số nông hộ thuần canh tác lúa sử dụng cao nhất 53,3% vào năm 2019. Người nông dân thường có xu hướng bón vượt quá định mức khi có dấu hiệu sụt giảm về năng suất. Biện pháp “sử dụng phân hữu cơ” cũng đang dần được các nông hộ quan tâm và sử dụng, với tỷ lệ đạt 10,6%, nhưng biện pháp “sử dụng phân xanh” ở các vùng rất khiêm tốn 3,1%. “Sử dụng phân bón theo từng giai đoạn tăng trưởng” tỷ lệ hộ thực hiện khoảng 25,8%. Biện pháp “xem xét loại đất và khí hậu trong quyết định liều lượng và tần suất” có tỷ lệ thực hiện khá cao đạt 51,2%, thường hình thức này được hình thành qua kinh nghiệm canh tác. “Lấy mẫu đất 5 năm một lần để tính toán dinh dưỡng đất” là biện pháp khá “xa lạ” với hầu hết nông dân Việt Nam nên có tỷ lệ thực hiện rất thấp, chỉ đạt 0,8%. Dinh dưỡng đất phản ánh mức độ ô nhiễm phân bón và các yếu tố khác, tác động trực tiếp đến hiệu quả canh tác nhưng nông hộ không nhận thức được tầm quan trọng của việc lấy mẫu đo lường dinh dưỡng đất. Hơn nữa, biện pháp này tốn kinh phí nên nông dân ít thực hiện. Biện pháp “Quản lý dinh dưỡng theo vùng đặc thù” có tỷ lệ thực hiện thấp, chưa đến 2% toàn quốc, “sử dụng thảm thực vật” cũng có tỷ lệ thực hiện thấp 1,6%. Biện pháp “sử dụng thảm thực vật” chính là một phần của nông nghiệp hệ sinh thái nhưng đa phần người nông dân chưa tiếp cận được. Nó không hề tốn chí phí, thân thiện với môi trường và mang lại hiệu quả cao trong dài hạn.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Các nhà chuyên môn cho rằng, thiếu đi thuốc bảo vệ thực vật, hơn nửa sản lượng lương thực toàn cầu sẽ bị thất thoát do tác hại của sâu, bệnh và cỏ dại, gây thiệt hại lớn về kinh tế và tác động xấu đến đời sống, thu nhập của người nông dân.
Kết quả khảo sát cho thấy, năm 2019, tỷ lệ hộ tuân thủ ít nhất 2/3 biện pháp bảo vệ sức khỏe và ít nhất 2/7 biện pháp kiểm soát dịch bệnh nêu trên là 29,5%. Trong đó, 11,5% số hộ tuân thủ 3/3 biện pháp bảo vệ sức khỏe và tuân thủ ít nhất 4/7 biện pháp kiểm soát dịch bệnh; 18,0% diện tích thuộc nhóm hộ tuân thủ ít nhất 2/3 biện pháp bảo vệ sức khỏe và tuân thủ ít nhất 2/7 biện pháp kiểm soát dịch bệnh. 69,5% số hộ chỉ thực hiện 1/3 hoặc không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ sức khỏe, đồng thời chỉ thực hiện 1 biện pháp hoặc không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để kiểm soát dịch bệnh.
Trong nhóm biện pháp bảo vệ sức khỏe khi sử dụng thuốc trừ sâu bọ năm 2019, tỷ lệ hộ tuân thủ hướng dẫn trên nhãn mác thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng thiết bị bảo hộ đạt khá cao với 90,9%.
Trong nhóm hộ thuần canh tác lúa có sử dụng thuốc trừ sâu, tỷ lệ hộ sử dụng thuốc trừ sâu loại nặng của toàn quốc năm 2019 là 11,2%. Tỷ lệ này hàm ý rằng quản lý việc sử dụng thuốc trừ sâu còn hạn chế, thiếu hiểu biết hoặc diện tích canh tác phải đối mặt với nguy cơ sâu bệnh nặng. Tỷ lệ hộ không áp dụng bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ mọi người khỏi các rủi ro sức khỏe khi dùng thuốc bảo vệ thực vật của toàn quốc là 8,7%. Tỷ lệ thực hiện biện pháp “Bảo dưỡng và vệ sinh thiết bị bảo vệ khi sử dụng” và “Xử lý chất thải an toàn” còn khiêm tốn càng làm rõ hơn luận điểm nhận thức của nông hộ phần đa là nhận thức cảm tính nên chưa tác động nhiều đến hành vi khi tỷ lệ hộ không biết về rủi ro về môi trường và sức khỏe khi dùng thuốc trừ sâu, bọ là 9,2%.

Áp dụng hỗ trợ đa dạng sinh học trong sản xuất
Các nghiên cứu và canh tác thực nghiệm đã chỉ ra rằng áp dụng hỗ trợ đa dạng sinh học trong trồng lúa sẽ giúp nông dân tăng năng suất đất, tăng hiệu quả kinh tế trong dài hạn. Một phần trong “Áp dụng hỗ trợ đa dạng sinh học” chính là đa dạng cây trồng, vật nuôi trên đất lúa. Dưới góc độ kinh tế, đa dạng sản phẩm chính là việc áp dụng nguyên tắc kinh tế kinh điển “trứng chia nhiều giỏ” và là một cơ chế giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Áp dụng hỗ trợ đa dạng sinh học trong sản xuất lúa sẽ được phản ánh qua việc nông hộ không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, có hoạt động luân canh, xen canh trong sản xuất hoặc có chứng nhận hoặc đang trong quá trình chứng nhận lúa hữu cơ.
Theo kết quả khảo sát, 0,4% số hộ thuần trồng lúa có sản phẩm chứng nhận hữu cơ hoặc đang trong quá trình chứng nhận hữu cơ. Phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa trong sản xuất, tuy nhiên người nông dân cũng gặp nhiều trở ngại khi bắt đầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ như: Cơ chế hỗ trợ, nguồn lực tài chính, con người, đất đai, tiếp cận khoa học và công nghệ, tiếp cận thông tin về nguyên vật liệu đầu vào chất lượng, ví dụ như giống, hiểu biết và thói quen của người tiêu dùng và sự minh bạch về thông tin trên thị trường tiêu dùng.
Năm 2019, tỷ lệ hộ thuần trồng lúa toàn quốc có hoạt động luân canh trên 80% diện tích lúa đạt 23,9%. Khi thay thế sản xuất độc canh cây lúa bằng việc áp dụng hỗ trợ đa dạng sinh học như luân canh cây màu trên đất lúa sẽ làm năng suất tích hợp tăng, tức là tăng năng suất đất, tăng hiệu quả kinh tế. Nuôi thủy sản trong ruộng lúa cũng là một hình thức sản xuất phá vỡ thế độc canh của cây lúa, góp phần tăng tính đa dạng trong sản xuất. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên ruộng lúa năm 2020 đạt khoảng hơn 200 nghìn ha, chiếm khoảng 22% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản và 2,8% tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm.

Yếu tố về xã hội

An ninh lương thực Quốc gia
Nhìn từ góc độ hộ, vẫn xảy ra tình trạng mất an ninh lương thực, thường gặp nhất ở hộ nghèo, cận nghèo, người vô gia cư, hộ, người già neo đơn hay trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, hộ có thu nhập thấp, không ổn định. Đo lường tình trạng an ninh lương thực, thực phẩm của chính những hộ sản xuất ra lương thực, thực phẩm sẽ đánh giá sát hơn mức độ bền vững của sản xuất nông nghiệp ở khía cạnh xã hội.
Tỷ lệ hộ thuần sản xuất lúa lo lắng sẽ không đủ thức ăn đạt cao nhất trong 8 yếu tố ảnh hưởng tới tình trạng an ninh lương thực với 4,6%, tuy nhiên đây là yếu có mang tính chất tâm lý do nền sản xuất của nước ta còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, thời tiết, thiên tai dịch bệnh, rủi ro trong sản xuất. Tỷ lệ này sẽ giảm đi khi khả năng kiểm soát những yếu tố ảnh hưởng tốt hơn qua cơ chế giảm thiểu rủi ro, đồng nghĩa với tâm lý an tâm sản xuất của người dân. Hộ không thể mua lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe và hộ chỉ ăn một vài loại thực phẩm đạt tỷ lệ lần lượt 3,1% và 2,7%, cho thấy sự ảnh hưởng của yếu tố thu nhập thấp tới chất lượng sống của người nông dân. Tình trạng hộ mất an ninh lương thực trầm trọng như bỏ bữa ăn, bị đói nhưng không được ăn,… đều chiếm tỷ lệ thấp dưới 1,0% tổng số hộ thuần sản xuất lúa. Kết quả này cũng phần nào phản ánh những thành tựu của Việt Nam trong giảm nghèo bền vững.

Đảm bảo quyền sử dụng đất
Luật đất đai số 45/2013/QH13 của Việt Nam quy định Điều 4 quy định về quyền sở hữu đất đai: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Nông dân có xu hướng sản xuất kém năng suất nếu họ bị hạn chế trong việc tiếp cận, kiểm soát các nguồn lực đặc biệt là đất đai.
Năm 2019, tỷ lệ hộ thuần sản xuất lúa của toàn quốc có giấy tờ hợp pháp do cơ quan đăng ký đất đai, địa chính cấp quyền sử dụng đất lúa là 82,4%. Trong đó, 63,9% có giấy tờ hợp pháp với tên chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu quyền sử dụng trên đó hoặc có quyền bán bất kỳ lô đất sản xuất nông nghiệp nào hoặc có quyền thừa kế bất kỳ lô đất sản xuất nào; 18,5% số hộ có giấy tờ hợp pháp ngay cả khi không có bất kỳ thành viên nào được ghi tên người đó là chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu quyền sử dụng; 17,6% số hộ còn lại chưa đảm bảo được quyền sử dụng đất đai có thể là những hộ canh tác trên đất thuê mượn, đấu thầu, phá rừng làm rẫy, xâm canh… Như vậy, quyền của người sử dụng đất mà pháp luật đất đai quy định đã cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ, tập trung đất đai nhằm phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Để sản xuất lúa đạt mục tiêu bền vững
Từ kết quả phân tích những yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất lúa bền vững giai đoạn 2016- 2021, nhóm nghiên cứu đề xuất những khuyến nghị nhằm phát triển sản xuất lúa bền vững như sau:
Thứ nhất, sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới, có thể hướng tới sử dụng các giống lúa đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng và nhu cầu chế biến sâu.
Thứ hai, tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, sản xuất quy mô lớn để cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, thuận lợi khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng nông dân được cung cấp đầu vào bảo đảm chất lượng với giá thấp hơn, đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn như vậy nông hộ sẽ khắc phục được khả năng thích ứng với rủi ro thấp hiện nay.
Thứ ba, áp dụng quy trình canh tác bền vững theo hướng “5 giảm”. Những vùng lúa chất lượng cao sẽ phải được áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch. Với hệ thống canh tác này, sản xuất lúa sẽ tiết kiệm tài nguyên, ít gây ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ tư, tăng cường đa dạng sinh học trong sản xuất lúa, thông qua phát triển trồng lúa theo mô hình nông nghiệp sinh thái thông qua luân canh lúa - màu hoặc nuôi thủy sản trong ruộng lúa. Mô hình này đảm bảo được đồng thời 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường./.
  
(1) Những số liệu về hộ thuần trồng lúa trong báo cáo được khai thác từ kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ 2020

Tác giả bài viết: Phạm Thị Thùy, Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản - Tổng cục Thống kê

Nguồn tin: consosukien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây