I. BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI, TRONG NƯỚC VÀ TỈNH LẠNG SƠN
1. Tình hình thế giới
Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Cùng với đó, thiên tai, thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
2. Tình hình trong nước
Triển vọng kinh tế của Việt Nam được nhìn nhận khá tích cực, cơ hội và rủi ro ở thế cân bằng. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu dẫn đến thay đổi mô hình thương mại và đầu tư, Việt Nam đang hưởng lợi từ việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế trong khu vực và với các quốc gia lớn khác, từ đó có thể giúp tạo ra các chế độ thương mại cởi mở và ổn định hơn. Sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã làm tăng năng suất của các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực. Năng suất tăng lên từ tự động hóa và quy mô sản xuất cao hơn đã giúp tạo việc làm cho những người lao động có tay nghề cao.
3. Tình hình của tỉnh
3.1. Thuận lợi: Các hoạt động văn hóa, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ được triển khai hiệu quả tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế có nhiều điểm sáng, hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch, thu ngân sách.
3.2. Khó khăn: Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân kéo dài từ những năm trước, làm cho hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, người dân đã dần phục hồi nhưng còn chậm, chưa ổn định, một số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả phải tạm ngừng, giải thể, rút lui khỏi thị trường.
Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, xảy ra bão, lũ, ngập úng, nhất là cơn bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại về người, tài sản, hoạt động sản xuất; công tác triển khai hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả của bão số 3 còn chậm, chưa tạo được sự động viên kịp thời đối với người dân bị ảnh hưởng.
II. KINH TẾ, XÃ HỘI NĂM 2024
1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
Tổng sản phẩm trên địa bàn1 (GRDP) năm 2024 ước đạt 25.779 tỷ đồng tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 6,01%, trong đó: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,78%, đóng góp 0,60 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp - xây dựng tăng 7,80%, đóng góp 1,97 điểm phần trăm vào mức tăng chung; dịch vụ tăng 6,20%, đóng góp 3,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,17% đóng góp 0,42 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản:
Tiếp tục phát triển theo định hướng đảm bảo lương thực có hạt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Bão Yagi) và hoàn lưu sau bão xảy ra đầu tháng 9 đã gây ảnh hưởng thiệt hại diện tích gieo trồng cho cây lương thực, hoa màu và khoảng 12 ha cây ăn quả các loại (tương ứng khoảng 22.000 cây) bị thiệt hại, gãy đổ.
Chăn nuôi phát triển ổn định, tiếp tục triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi, tái phát triển đàn vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái và nhu cầu của thị trường.
Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tiếp tục được tuyên truyền, triển khai thực hiện; phát huy những lợi thế, tiềm năng phát triển rừng.
Khu vực công nghiệp và xây dựng:
- Hoạt động công nghiệp: Năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn có mức tăng trưởng thấp, dự ước năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,97% do ảnh hưởng của một số ngành như: sản xuất và phân phối điện giảm 14,02%, do nguyên liệu sản xuất nhiệt điện không đảm bảo, doanh nghiệp phải nhập than từ nơi khác với chi phí cao, giá điện không đảm bảo cạnh tranh để tham gia thị trường, mặt khác do công ty sản xuất theo kế hoạch của Tổng Công ty nên sản lượng giảm so cùng kỳ; sản lượng khai thác than của Công ty Than Na Dương giảm, do chất lượng than nguyên khai không đạt yêu cầu.
Bên cạnh những ngành sản xuất có chỉ số giảm, ngành chế biến, chế tạo dự ước tăng 9,47%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
- Hoạt động xây dựng: Năm 2024, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, xử lý các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản và công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đôn đốc triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh có tính kết nối, tác động lan tỏa tới sự phát triển liên vùng và địa phương, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn cũng đang tiếp tục được các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện; nhiều công trình đầu tư xây dựng của khu vực hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình cũng được khởi công xây dựng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương trong thời gian qua.
Khu vực dịch vụ: Hoạt động thương mại phát triển đúng định hướng, giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân, không có hiện tượng thiếu hàng cũng như tăng giá đột biến. Các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng và rộng khắp từ khu vực đô thị đến các trung tâm khu vực nông thôn. Hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa ổn định, thông suốt, an toàn.
Quy mô GRDP theo giá hiện hành ước tính đạt 49.736 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,51%, công nghiệp - xây dựng 23,71%, dịch vụ 50,31%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,47%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 61,10 triệu đồng, tương đương 2.484 USD.
2. Tài chính, ngân hàng
2.1. Tài chính2
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện năm 2024 là 10.740,8 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ, trong đó:
Thu nội địa: Ước đạt 3.102,0 tỷ đồng, tăng 24,8% dự toán tỉnh giao, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Thu nội địa đạt kết quả tích cực, Cơ quan thuế đã chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung tổ chức thực hiện tốt các Luật Thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.
- Về chi ngân sách địa phương
Dự ước tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện là 19.079,0 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ, trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 12.980,3 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ; chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 3.269,9 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
2.2. Ngân hàng3
Các tổ chức tín dụng duy trì triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động ngân hàng. Bám sát chủ trương của Chính phủ, định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và sự chỉ đạo của chính quyền địa phương; thực hiện tốt công tác huy động vốn, đáp ứng đủ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh; quan tâm đầu tư tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Tổng huy động vốn ước ước thực hiện đến ngày 31/12/2024 đạt 48.900 tỷ đồng, tăng 11,6% so với 31/12/2023. Dư nợ tín dụng ước đạt 47.200 tỷ đồng, tăng 8,0% so với 31/12/2023.
3. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước (khu vực thành thị tăng 2,48%; khu vực nông thôn tăng 3,01%), gồm 08 nhóm có chỉ số giá tăng và 03 nhóm có chỉ số giá giảm. Các yếu tố chính tác động làm tăng CPI bình quân năm 2024 là:
- Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân năm 2024 tăng 4,06% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính tác động tăng chỉ số giá bình quân năm 2024 là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi dẫn đến giá cả thịt lợn tăng.
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 3,51%, trong đó nhóm điện sinh hoạt tăng 4.66 %, nguyên nhân do nhu cầu sử dụng điện tăng và tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá điện bình quân tăng 4,8% từ ngày 11/10/2024.
- Chỉ số giá nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 10,29% do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Bên cạnh đó, nhóm hàng có chỉ số giá bình quân năm 2024 giảm so với cùng kỳ là nhóm giao thông giảm 0,21% (tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 46 kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu, trong đó có 15 kỳ tăng đồng loạt, 11 kỳ giảm giá, 20 kỳ giảm giá xăng, dầu tăng – giảm đan xen); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,44%, giáo dục giảm 4,67%.
Chỉ số giá vàng: Bình quân năm 2024 tăng 30,91% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá đô la Mỹ: Bình quân năm 2024 tăng 2,23% so với cùng kỳ.
4. Đầu tư, xây dựng
Năm 2024, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, xử lý các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản và công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt là việc đôn đốc triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh có tính kết nối, tác động lan tỏa tới sự phát triển liên vùng và địa phương, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vốn đầu tư thực hiện năm 2024 ước đạt 24.823 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.688,1 tỷ đồng, tăng 6,87% so với cùng kỳ. Vốn ngoài Nhà nước 19.132 tỷ đồng, tăng 14,71% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4 tỷ đồng.
5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Công tác chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tiếp tục được các cấp uỷ, chính quyền địa phương chú trọng quan tâm, chỉ đạo sát sao. Công tác gieo trồng, chăm sóc cây hằng năm tiếp tục được phát huy, đảm bảo nguồn lương thực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hệ thống các công trình thuỷ lợi thường xuyên được quan tâm, kịp thời sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo tích trữ nước trong các hồ đập sẵn sàng phục vụ nước tưới cho sản xuất.
5.1. Nông nghiệp
5.1.1. Cây hằng năm
Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm toàn tỉnh thực hiện được 92.210,4 ha, giảm 0,44% (-403,4 ha) so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng lương thực có hạt thực hiện được 321.885,67 tấn, tăng 1,56% (+4.934,08 tấn) so với cùng kỳ.
Cây lúa diện tích gieo trồng ước thực hiện được 47.833,1 ha, giảm 0,03% (-14,84 ha), do diện tích giảm ở vụ Mùa; cây lúa vụ Đông Xuân diện tích gieo trồng thực hiện 15.461,71 ha, tăng 0,17% (+26,23 ha, do thời tiết thuận lợi, bà con tận dụng nguồn nước sẵn gieo cấy kịp thời vụ.
Cây ngô diện tích gieo trồng cả năm thực hiện 20.012,33 ha, tăng 0,42% (+82,77 ha), Trong đó, vụ Đông Xuân diện tích gieo trồng ngô thực hiện 13.795,96 ha, tăng 1,17% (+159,81 ha), do người dân chuyển một phần diện tích trồng thạch đen sang trồng ngô; ngoài ra, bổ sung gieo trồng các giống ngô lai, giống mới, cho năng suất, sản lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất chăn nuôi.
Cây thuốc lá là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao và giá cả ổn định, sản phẩm thu hoạch có đầu ra; được người dân quan tâm đầu tư, chăm sóc. Diện tích gieo trồng thực hiện được 2.732,9 ha, tăng 6,14% (+158 ha). Cây thuốc lá chủ yếu được thực hiện gieo trồng, thu hoạch trong vụ Đông Xuân, năm 2024 điều kiện thời tiết thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển, năng suất đạt 23,31 tạ/ha, tăng 1,75% (+0,4 tạ/ha). Sản lượng đạt 6.369,6 tấn, tăng 8,0% (+471,73 tấn).
5.1.2. Cây lâu năm
Ước tính diện tích cây lâu năm sơ bộ 2024 đạt 53.509,89 ha, tăng 2,59% (+1.350,99 ha) so với cùng kỳ, trong đó:
Cây na diện tích hiện có 4.587,28 ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ, trồng chủ yếu ở 02 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng; người dân áp dụng kỹ thuật trong công tác chăm sóc, thu hoạch sản phẩm. Các hình thức quảng bá sản phẩm na được quan tâm đầu tư, mở rộng như tham gia các hội chợ nông sản, phát triển bán hàng qua các kênh bán hàng online… Năng suất 103,2 tạ/ha, giảm 0,05% (-0,05 tạ/ha). Sản lượng ước đạt 41.068,86 tấn, tăng 5,74% (+2.230,69 tấn).
Cây hồng diện tích sơ bộ đạt 2.189,48 ha, tăng 3,38% (+71,62 ha), được trồng nhiều ở các huyện: Văn Lãng, Cao Lộc, Chi Lăng. Năng suất 74,45 tạ/ha, giảm 1,73% (-1,31 tạ/ha). Sản lượng ước 11.657,28 tấn, tăng 3,72% (+418,38 tấn). Hiện nay, diện tích hồng được đầu tư, mở rộng; đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật cho hiệu quả, năng suất cao. Giá bán hồng trên thị trường tương đối cao và ổn định (từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg).
Các loại cây ăn quả có múi thuộc họ cam, quýt diện tích hiện có là 3.153,99 ha, giảm 9,1% (-315,78 ha) so với cùng kỳ. Diện tích giảm do cây trồng không phù hợp với thổ nhưỡng dẫn đến cây bị sâu bệnh nhiều, già cỗi thoái hóa, khi cho quả không đảm bảo chất lượng, năng suất thấp, người dân đã chặt bỏ để chuyển sang trồng cây hàng năm. Một phần giảm do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra làm đất vườn cây ăn quả bị sạt lở, cây bị đổ gẫy.
Cây hồi diện tích hiện có là 35.097,59 ha, tăng 4,83% (+1.618,41 ha) so với cùng kỳ. Cây hồi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, được định hướng là một trong những cây trồng chủ lực cây chủ lực của địa phương vì có giá trị kinh tế cao, hưởng lợi lâu dài, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân góp phần xoá đói, giảm nghèo bền vững. Năng suất 5,84 tạ/ha, giảm 0,76% (-0,04 tạ/ha). Sản lượng 16.656,52 tấn, tăng 5,32% (+841,51 tấn) so với cùng kỳ chủ yếu do diện tích tăng nên cho sản phẩm tăng...
5.1.3. Chăn nuôi
Tổng đàn trâu ước có 54.120 con, giảm 8,02% (-4.720 con) so với cùng kỳ, do nhu cầu sức kéo bằng gia súc được thay thế bằng máy nông nghiệp, các hộ nuôi chủ yếu với mục đích bán thương phẩm.
Tổng đàn bò ước đạt 28.120 con, giảm 1,09% (-310 con) so với cùng kỳ. Hiện nay, các ngành chức năng đã và đang cùng với đồng hành cùng người dân thực hiện các dự án phát triển, tăng số lượng đàn bò thương phẩm; tuy nhiên, do vốn đầu tư ban đầu cao, số lượng hộ được hưởng chính sách hỗ trợ ít, hộ nông dân chưa mạnh dạn tự đầu tư chăn nuôi bò do đó đàn bò có mức giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Ước tổng đàn lợn là 190.612 con, tăng 1,42% (+2.670 con) so với cùng kỳ năm trước. Trong năm, bệnh dịch tả lợn châu Phi (TLCP) bùng phát và lây lan trên địa bàn toàn tỉnh.Với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp và sự chủ động của người dân, các ổ bệnh dịch TLCP đã và đang từng bước được khống chế.
Ước tính tổng đàn gia cầm là 4.885,75 nghìn con, tăng 4,01% (+188,26 nghìn con) so với năm trước. Hiện nay, do tính hiệu quả về chất lượng và kinh tế của việc chăn nuôi gà đồi thả vườn, nên người chăn nuôi đang chú trọng phát triển.
5.2. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới thực hiện được 9,61nghìn ha, giảm 13,86% so với cùng kỳ. Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai; các cấp, các ngành vận động, hướng dẫn người dân tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất lâm nghiệp.
Ươm giống cây lâm nghiệp ước thực hiện được 565,04 triệu cây, giảm 3,3% so với cùng kỳ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số diện tích ươm giống bị thiệt hại, làm giảm sản lượng cây giống so với cùng kỳ.
Sản lượng gỗ khai thác ước thực hiện 770,5 nghìn m3, giảm 3,85% so với cùng kỳ, là sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn tỉnh, do vậy, sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, đối với diện tích lâm nghiệp bị thiệt hại, người dân tận dụng khai thác triệt để diện tích gẫy đổ hoàn toàn; đối với các diện tích có thể phục hồi, khẩn trương dựng, chống cây để cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển.
Sản lượng củi khai thác và tiêu thụ ước 566,6 nghìn ste, giảm 0,49% so với cùng kỳ năm trước.
5.3. Thủy sản
Sản lượng thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.225,7 tấn, tăng 3,29% (+70,8 tấn) so với cùng kỳ.
Sản lượng thủy sản khai thác ước 320,3 tấn, tăng 6,72% so với cùng kỳ. Do mực nước trên các sông, suối, lòng hồ cơ bản ổn định; tận dụng nguồn nước ở sông, suối, người dân tranh thủ lúc thời vụ nông nhàn để khai thác, vừa để cải thiện bữa ăn vừa để tăng thêm thu nhập.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong năm ước 1.905,36 tấn, tăng 2,73%. Trong đó, sản lượng cá nuôi ước đạt 1.896,46 tấn, tăng 2,59% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng do điều kiện thời tiết trong năm thuận lợi, dịch bệnh trên thủy sản không có phát sinh, mô hình nuôi cá lồng phát triển đã tận dụng, khai thác tối đa diện tích mặt nước đối với các loài cá truyền thống và các loài cá khác.
6. Sản xuất công nghiệp
Năm 2024, ngành công nghiệp tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát triển các sản phẩm mũi nhọn, triển khai các biện pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh; chỉ số sản xuất có xu hướng tăng chậm lại; một số sản phẩm gặp khó khăn trong cung ứng, chất lượng nguyên liệu đầu vào nên giảm sản xuất so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có mức tăng trưởng khá, góp phần quan trọng duy trì, đảm bảo xu hướng sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024 tăng nhẹ so với năm 2023, dự ước năm 2024 tăng 0,97%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,02%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,47%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp; sản xuất và phân phối điện giảm 14,02%; cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 3,5%.
Trong năm có một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp nhưng có sản lượng giảm như: Sản phẩm Xi măng Portland đen ước đạt 1.282,74 nghìn tấn, giảm 1,49%, clanhke xi măng dự ước đạt 704,67 nghìn tấn, giảm 12,11%. Sản phẩm xi măng đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho hoạt động xây dựng chủ yếu trên địa bàn tỉnh và cung cấp cho một số tỉnh lân cận, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2024 Công ty Cổ phần xi măng Hồng Phong hoàn thiện thủ tục chuyển đổi chủ sở hữu cho Công ty Cổ phẩn gạch ngói Hợp Thành, nên nhà máy sản xuất cầm chừng, bên cạnh đó do việc cạnh tranh giữa các thương hiệu xi măng sản xuất trong nước, sản phẩm khó tiêu thụ nên doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất. Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành giảm sản xuất sản phẩm clanhke do lợi nhuận mang lại từ sản xuất không cao như cùng kỳ năm trước, clanhke sản xuất chủ yếu phục vụ chế biến tiếp sản phẩm Xi măng Portland, mặt khác, doanh nghiệp thay phiên dừng lò để bảo dưỡng máy móc nên sản xuất giảm.
Sản lượng điện sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là của Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV, sản lượng điện cả năm ước đạt 689,27 triệu Kwh, giảm 16,95% (khoảng 140,72 triệu Kwh) so với cùng kỳ do nguyên liệu sản xuất nhiệt điện không đảm bảo, doanh nghiệp phải nhập than từ nơi khác với chi phí cao, giá điện không đảm bảo cạnh tranh để tham gia thị trường, mặt khác do công ty sản xuất theo kế hoạch của Tổng Công ty nên sản lượng giảm so cùng kỳ. Sản lượng khai thác than của Công ty Than Na Dương ước đạt 417,58 nghìn tấn, giảm 16,32% (khoảng 81,44 nghìn tấn) so với cùng kỳ, do chất lượng than nguyên khai không đạt yêu cầu, doanh nghiệp không khai được tại các vỉa than có chất lượng tốt.
7. Thương mại và dịch vụ
Hoạt động xuất, nhập khẩu qua địa bàn được thực hiện thường xuyên, kịp thời; tiếp tục duy trì thực hiện thông quan hàng hóa tại 05 cửa khẩu. Quản lý tốt các địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế. Các hoạt động kích cầu, xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch được triển khai như Lễ hội Hoa Đào Xứ Lạng; Hội chợ Thương mại, Du lịch quốc tế Việt - Trung năm 2024; Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam tại Hà Nội... Cùng với hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn đã thu hút một lượng lớn khách du lịch và người dân đến thăm quan, mua sắm. So với cùng kỳ dự ước năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 32.756,7 tỷ đồng, tăng 14,42%. doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.881,3 tỷ đồng, tăng 15,24%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 25 tỷ đồng, tăng 12,37%, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.737,6 tỷ đồng giảm 9,89%.
8. Vận tải
Dự ước doanh thu vận tải kho bãi cả năm 2024 đạt 2.532,4 tỷ đồng, tăng 9,77% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 327,1 tỷ đồng, tăng 11,99%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.192,9 tỷ đồng, tăng 11,86%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.009 tỷ đồng, tăng 6,72%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 3,4 tỷ đồng, tăng 7,96% so với cùng kỳ.
9. Một số lĩnh vực xã hội
Công tác an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng được quan tâm kịp thời, công tác giảm nghèo, dân tộc, tôn giáo, nâng cao đời sống Nhân dân được chú trọng.
Dân số lao động: Dân số trung bình năm 2024 ước tính 814,0 nghìn người, tăng 0,83% tương đương tăng 6,7 nghìn người so với cùng kỳ. Trong tổng số, dân số thành thị là 192,3 nghìn người, chiếm 23,6%; dân số nông thôn 621,7 nghìn người, chiếm 76,4%; Tỷ số giới tính của dân số năm 2023 là 104,8 nam/100 nữ.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước năm 2024 là 338,8 nghìn người, tăng 10,5 nghìn người so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực thành thị là 91,0 nghìn người, tăng 1,8 nghìn người so với cùng kỳ; khu vực nông thôn là 247,8 nghìn người, tăng 8,7 nghìn người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 98,06%, tăng 0,1 điểm phần trăm.
Y tế: Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và và tinh thần thái độ phục vụ, sự hài lòng của người bệnh; Đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất… phục vụ khám chữa bệnh. Triển khai các hoạt động duy trì thành quả của chương trình y tế - dân số và các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, đặc biệt là sởi, Rubela, bệnh dại, bệnh bạch hầu....
Văn hóa, thể thao: Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm phát triển toàn diện, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân và thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tham gia.
Giáo dục: Chất lượng giáo dục, đào tạo tiếp tục nâng cao và cải thiện toàn diện. Hoàn thành chương trình năm học 2023 - 2024 đúng thời gian, tiến độ chung của cả nước; chuẩn bị và tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 và tuyển sinh năm học 2024 - 2025. Tham gia đầy đủ và đạt kết quả cao tại các kỳ thi cấp quốc gia ; tổ chức thành công các cuộc thi, hội thi cấp tỉnh.
Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn