Tổng quan kinh tế thế giới quý IV và năm 2021

Thứ tư - 12/01/2022 03:47
Kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng động lực đã yếu đi so với nửa đầu năm 2021. Sự khác biệt trong triển vọng kinh tế giữa các quốc gia do chênh lệch lớn trong tiếp cận vắc-xin và hỗ trợ chính sách vẫn là một mối lo ngại lớn.
Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 của các tổ chức quốc tế có sự khác nhau: Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng 5,9%; Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế 5,6%; Liên minh châu Âu 5,8%; Fitch Ratings 5,7%; Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển 5,3%. Tăng trưởng toàn cầu Quý IV/2021 được Fitch Rating nhận định tăng 1,3% so với quý trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. OECD dự báo GDP của Hoa Kỳ, khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Trung Quốc trong năm 2021 tăng lần lượt là 5,6%, 5,2%, 1,8% và 8,1%. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng của In-đô-nê-xi-a đạt 5,0%, Phi-li-pin đạt 5,1%, Thái Lan đạt 1%, Xin-ga-po đạt 6,9%, Ma-lai-xi-a đạt 3,8%.

XU HƯỚNG KINH TẾ VĨ MÔ TOÀN CẦU
 
Tăng trưởng toàn cầu phục hồi chậm
 
Báo cáo Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng động lực đã yếu đi, chủ yếu do đại dịch. Nền kinh tế toàn cầu dự kiến tăng trưởng 5,9% năm 2021 (điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm cho năm 2021 so với dự báo đưa ra trong tháng 7/2021).
 
Trong Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế phát hành vào tháng 12/2021, OECD nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi nhưng tăng trưởng GDP được điều chỉnh giảm nhẹ, đạt 5,6% năm 2021, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2021.
 
Theo Liên minh Châu Âu, GDP toàn cầu (không bao gồm EU) được dự báo tăng ở mức 5,8% vào năm 2021, giảm nhẹ so với mức 5,9% của dự báo đưa ra vào tháng 5/2021. Fitch Ratings dự báo GDP thế giới sẽ tăng 5,7% trong năm 2021, điều chỉnh giảm so với mức dự báo 6,0% đưa ra vào tháng 9/2021. Như vậy, tất cả các tổ chức đều điểu chỉnh giảm tăng trưởng của toàn cầu.
 
Nguyên nhân của điều chỉnh giảm nói trên là do đã có sự gián đoạn nguồn cung ở các quốc gia phát triển và diễn biến đại dịch ngày càng nghiêm trọng ở các nền kinh tế đang phát triển. Những hạn chế trong chuỗi cung ứng đã phần nào cản trở sản xuất công nghiệp, khi nhu cầu toàn cầu về hàng hóa tiêu dùng lâu bền tăng. Các điều chỉnh giảm đối với dự báo tăng trưởng năm 2021 của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức đã phản ánh sự gián đoạn sản xuất công nghiệp trong những tháng gần đây liên quan đến tình trạng thiếu chất bán dẫn và linh kiện. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển phải đối mặt với các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và rút dần chính sách hỗ trợ mặc dù tăng trưởng không như kỳ vọng.
 
Tổng quan biến động thị trường thế giới
 
Phục hồi thương mại toàn cầu có xu hướng chậm dần. Thước đo thương mại hàng hóa của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) trong tháng 11/2021 đạt 99,5, giảm mạnh so với giá trị 110,4 trong tháng 8/2021, cho thấy tốc độ tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa chậm lại trong nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, thương mại dịch vụ trong tháng 9/2021 đã có xu hướng phục hồi một phần. Thước đo thương mại dịch vụ trong tháng 9/2021 đạt 102,5.
 
Giá cả và lạm phát có xu hướng tăng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá năng lượng tiếp tục tăng cao. Giá kim loại cũng tăng, trong đó kẽm tăng nhiều nhất. Giá năng lượng cao đã làm giá phân bón tăng. Chỉ số giá lương thực FAO (FFPI) đạt trung bình 134,4 điểm vào tháng 11 năm 2021, tăng 1,6 điểm (1,2%) so với tháng 10 và 28,8 điểm (27,3%) so với tháng 11 năm 2020. Đây là mức tăng tháng thứ tư liên tiếp của FFPI, đưa chỉ số này lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2011.
 
Theo IMF, lạm phát đã tăng ở Hoa Kỳ và một số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong những tháng gần đây do chênh lệch giữa cung - cầu trước tác động của đại dịch.
 
Thị trường tài chính nhìn chung vẫn tích cực. Theo WB, điều kiện tài chính ở các quốc gia phát triển vẫn hỗ trợ tăng trưởng, với việc định giá vốn cổ phần tăng lên mức cao kỷ lục. Ngược lại, các điều kiện tài chính tiếp tục thắt chặt tại các thị trường mới nổi và đang phát triển với việc nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất trong tháng 11 do áp lực lạm phát.
 
Thị trường lao động phục hồi không đồng đều. Theo IMF, thị trường lao động đang phục hồi nhưng không đồng đều. Do tác động của đại dịch, số giờ làm việc giảm tương đương với 255 triệu việc làm toàn thời gian bị mất. Việc làm trên toàn thế giới vẫn ở dưới mức trước đại dịch.  Thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển bị ảnh hưởng nặng hơn so với các nền kinh tế phát triển.
 
Đầu tư quốc tế dự kiến tăng trong thời gian tới. UNCTAD nhận định dòng vốn FDI toàn cầu dự báo sẽ chạm đáy vào năm 2021, trước khi tăng từ 10% đến 15% trong thời gian tới. Các dự báo hiện tại cho thấy năm 2022, FDI sẽ tăng mạnh hơn và quay trở lại mức năm 2019.
 
Rủi ro và các yếu tố phi kinh tế khác. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới đang đối mặt với bảy yếu tố rủi ro làm giảm tăng trưởng sau:
 
Thứ nhất, sự xuất hiện của nhiều biến thể SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền nhanh hơn và gây chết người hơn có thể kéo dài thời gian đại dịch và tác động đến hoạt động kinh tế.
 
Thứ hai, chênh lệch cung - cầu do đại dịch gây ra có thể kéo dài hơn dự kiến, dẫn đến áp lực giá cả và kỳ vọng lạm phát tăng.
 
Thứ ba, thị trường tài chính có thể biến động do tâm lý nhà đầu tư thay đổi nhanh chóng trước những tin tức bất lợi về đại dịch hoặc diễn biến chính sách.
 
Thứ tư, bất ổn xã hội đã giảm trong giai đoạn đầu của đại dịch nhưng lại tăng lên trong nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021 do người dân thất vọng với việc xử lý đại dịch, giá lương thực tăng, tăng trưởng việc làm chậm và sự xói mòn lòng tin đối với các cơ quan chính phủ.
 
Thứ năm, trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra, các cú sốc khí hậu có thể đặt ra nhiều thách thức hơn nữa đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
 
Thứ sáu, sự gia tăng mức độ lây lan và sự phá hoại của các cuộc tấn công mạng liên quan đến cơ sở hạ tầng quan trọng có thể tác động đến quá trình phục hồi kinh tế.
 
Thứ bảy, leo thang căng thẳng thương mại và công nghệ, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có thể ảnh hưởng đến đầu tư và tăng trưởng năng suất, gây thêm những trở ngại cho phục hồi kinh tế.
 
TĂNG TRƯỞNG CỦA MỘT SỐ NỀN KINH TẾ
 
Hoa Kỳ
 
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ dự báo đạt 5,5% năm 2021, điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra trong báo cáo cập nhật tháng 9/2021. OECD dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ đạt 5,6%, điều chỉnh giảm 0,4% so với dự báo đưa ra vào tháng 9/2021. FR dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ năm 2021 đạt 5,7%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với mức dự báo 6,2% trong tháng 9/2021.
 
Trong tháng 12/2021, chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) của Hoa Kỳ đạt 56,9 điểm, giảm so với mức 57,2 điểm của tháng trước đó, nhưng vẫn cho thấy dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động doanh nghiệp khu vực tư nhân.
 
Theo Trading Economics, GDP Quý IV/2021 của Hoa Kỳ dự báo tăng 4% so với quý trước và tăng 3,8% so với Quý III/2020.
 
Khu vực đồng Euro
 
Khu vực đồng Euro đã phục hồi mạnh trong Quý III/2021, đạt mức cao trong lịch sử, tăng 9,1% so với quý trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước nhờ chi tiêu dùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, tăng trưởng đã giảm tốc trong Quý IV/2021 do tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu đã đè nặng lên sản xuất công nghiệp từ tháng 8/2021 kết hợp với số ca mắc Covid-19 gần đây gia tăng. Nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của Quý III nên ADB đã tăng dự báo tăng trưởng năm 2021 của khu vực này lên 4,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2021.
 
OECD dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ đạt 5,2% năm 2021, điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo trong tháng 9/2021.
 
Chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) khu vực đồng Euro trong tháng 12/2021 đạt 53,4 điểm, thấp hơn so với mức 55,4 điểm trong tháng 11 và giảm sâu so với mức cao đỉnh điểm trong vòng 15 năm qua của tháng 7 (60,2 điểm).
 
Theo Trading Economics, GDP Quý IV/2021 của khu vực này dự báo tăng 1,5% so với Quý III/2021 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
 
Nhật Bản
 
ADB dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản đạt 2,1% năm 2021, điều chỉnh giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo trong tháng 9/2021. FR điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản giảm 0,6% so với dự báo trong tháng 9/2021, xuống còn 1,9% năm 2021.
 
Theo Trading Economics, tăng trưởng GDP Quý IV/2021 của Nhật Bản dự báo đạt 1,0% so với quý trước và 1,6% so với Quý IV/2020.
 
Trung Quốc
 
ADB điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc xuống 8,0% năm 2021, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 9/2021 do tăng trưởng kinh tế Quý IV dự báo sẽ giảm xuống mức thấp hơn mức 4,9% của Quý III/2021. Con số 8,0% cũng là mức dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc mà FR đưa ra trong tháng 12. OECD nhận định tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự báo đạt 8,1% năm 2021.
 
Theo Trading Economics, GDP Quý IV/2021 của quốc gia này dự báo tăng 1,3% so với Quý III/2021 và tăng 5,3% so với Quý IV/2020.
 
Đông Nam Á
 
 Theo ADB, tăng trưởng khu vực Đông Nam Á chậm lại trong Quý III/2021 do hạn chế di chuyển trước sự lây lan của biến thể Delta. Dự báo tăng trưởng của Ma-lai-xi-a và Việt Nam trong năm 2021 được điều chỉnh giảm do tăng trưởng giảm dần trong Quý III/2021. Ngược lại, triển vọng kinh tế của Phi-li-pin, Xin-ga-po và Thái Lan được điều chỉnh tăng sau khi kết quả kinh tế cải thiện trong Quý III. Dự báo tăng trưởng của các quốc gia còn lại trong khu vực được giữ nguyên.
 
Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng của In-đô-nê-xi-a năm 2021 đạt 3,5%. Tăng trưởng GDP của Ma-lai-xi-a được ADB điều chỉnh giảm, từ 4,7% xuống 3,8% cho năm 2021. Đối với Phi-li-pin, ADB nâng dự báo tăng trưởng của quốc gia này năm 2021 lên 5,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2021. ADB cũng điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Xin-ga-po năm 2021, từ 6,5% lên 6,9%. GDP của Thái Lan được ADB điều chỉnh tăng từ 0,8% lên 1,0% cho năm 2021.
 
Theo Trading Economics, dự báo tăng trưởng Quý IV/2021 so với Quý III/2021 của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái Lan, Xin-ga-po lần lượt là 1,8%, 2%, 2%, 1,5% và 3%. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng Quý IV/2021 của các quốc gia trên lần lượt là 3,9%, 3%, 5,5%, 2,5% và 4,5%.
 
Việt Nam
 
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra vào tháng 10/2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 2-2,5% năm 2021. Trong ấn phẩm Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2021, WB cho rằng mặc dù số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 gia tăng trong tháng 11, nhưng nhờ đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc-xin nên tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm bắt đầu xu hướng giảm. Tình hình kinh tế tiếp tục được cải thiện.
 
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững” sáng 5/12/2021, Trưởng đại diện Văn phòng IMF tại Việt Nam nhận định nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi, bắt đầu từ quý IV/2021. Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 2,5% trong năm 2021 và 6,6% trong năm 2022.
 
Dự báo tăng trưởng cho năm 2021 của Việt Nam được ADB điều chỉnh giảm từ 3,8% xuống còn 2,0%. Dự báo tăng trưởng cho năm 2022 được duy trì ở mức 6,5%, do việc mở rộng phạm vi tiêm chủng có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP. Nhu cầu thấp hơn ở Việt Nam sẽ giữ lạm phát ở mức 2,2% vào năm 2021, thấp hơn so với dự báo trước đó, nhưng dự báo cho năm 2022 được điều chỉnh lên 3,8% do biến động giá cả thế giới và khả năng suy yếu của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ.
 
Trading Economic dự báo tăng trưởng GDP Quý IV/2021 của Việt Nam tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tác giả bài viết: Vụ hợp tác quốc tế - TCTK

Nguồn tin: consosukien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây