Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023

Chủ nhật - 28/05/2023 23:29
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2023 ước tính đạt 2.511,9 tỷ đồng, tăng 10,37% so với tháng trước và tăng 32,62% so với cùng kỳ, do nhu cầu thị trường vào hè tăng.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Đến trung tuần tháng 5/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản kết thúc diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2023. Chăn nuôi tiếp tục duy trì ổn định, các ngành chức năng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Nhu cầu vật tư phân bón, giống cây trồng được đáp ứng đầy đủ, hệ thống các công trình thuỷ lợi được quan tâm sửa chữa nâng cấp. Công tác bảo vệ và phát triển rừng thực hiện có hiệu quả; rừng tiếp tục được quản lý bảo vệ theo quy định; công tác quản lý giống cây lâm nghiệp thường xuyên được cập nhật, theo dõi.
1.1. Nông nghiệp
1.1.1 Trồng trọt
Tháng 5/2023, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, công tác giám sát, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng được thực hiện thường xuyên, kịp thời và hiệu quả tỷ lệ gây hại thấp, mức độ gây hại nhẹ như: Sâu non bọ ánh kim, bệnh thán thư hại hồi…; hiện nay cây trồng đang trong thời kỳ phát triển,  cây lúa đang thời kỳ làm đòng. Việc giám sát vật tư nông nghiệp được các ngành chức năng quan tâm giúp ổn định giá cả, chất lượng vật tư, phân bón, thức ăn gia súc đảm bảo, tạo sự an tâm cho người dân.
Diện tích gieo trồng lúa trong tháng ước đạt 977,6 ha, giảm 1,13% (-11,17 ha) so với cùng kỳ. Cây khoai lang, diện tích gieo trồng ước 108,0 ha, giảm 2,37% (-2,62 ha) so với cùng kỳ năm trước. Cây lạc, diện tích gieo trồng ước đạt 67,8 ha, giảm 3,74% (-2,63 ha) so với cùng kỳ. Rau các loại, diện tích gieo trồng ước đạt 232,4 ha, tăng 2,78% (+6,29 ha) so với cùng kỳ năm trước; đậu các loại diện tích gieo trồng ước 68,0 ha, giảm 2,95% (-2,07 ha) so với cùng kỳ.
Ước tính kết thúc vụ Đông Xuân, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt được 45.373,1 ha, giảm 0,58% (-263,58 ha), trong đó diện tích gieo trồng lúa ước thực hiện 15.584,5 ha, giảm 0,09% (-13,59 ha); Cùng với việc gieo cấy lúa xuân, tính đến giữa tháng diện tích gieo trồng ngô vụ Đông Xuân ước thực hiện được 13.696,1 ha, tăng 2,87 (+382,5 ha) so với cùng kỳ.
Hình 1: Gieo trồng một số cây hằng năm (Tính đến 15/5/2023)
so với cùng kỳ năm trước 
image 20230529110125 1
 1.1.2 Chăn nuôi
Đàn gia súc, gia cầm cơ bản phát triển ổn định, công tác kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn đang được các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ; công tác tiêm phòng kiểm soát giết mổ và kiểm dịch vận chuyển, vệ sinh thú y được quan tâm thực hiện. Trong tháng, bệnh Dịch tả lợn Châu phi xảy ra tại 01 hộ gia đình ở thôn Đại Nam, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định. Đến ngày 15/5/2023, tổng số lợn tiêu hủy 16 con lợn thịt, lợn giống với trọng lượng 1,2 tấn của 04 hộ/02 thôn của xã Đại Đồng. Ngoài ra, trong tháng, xảy ra một số bệnh lẻ tẻ của địa phương như: Tụ huyết trùng gia cầm, Ecoli trên đàn lợn, bệnh care trên đàn chó… Chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi tháng 5/2023 giảm 0,04% so với cùng kỳ chủ yếu giảm ở các sản phẩm chăn nuôi dê, gia cầm. Giá thịt lợn hơi trong tháng có mức tăng so với tháng trước, trung bình từ 45.000-52.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Giá gia cầm trong tháng giảm; trong đó giá thịt gà hơi giảm 1,35% so với tháng trước (gà công nghiệp trung bình khoảng 66.000 đồng/kg, gà ta bình quân khoảng 120.000 đồng/kg, vịt khoảng 78.000 đồng/kg, ngan khoảng 83.000 đồng/kg).
- Tổng đàn trâu: Ước tính số đầu con trâu hiện có 62.615 con, giảm 2,11% so với cùng kỳ; số lượng xuất chuồng ước đạt 1.331 con, tăng 2,38% (+31 con) so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng ước đạt 334,0 tấn, tăng 2,76% (+8,97 tấn) so với cùng kỳ do hiện nay thị trường tiêu thụ chậm, giá bán thịt hơi cả trâu và bò đều giảm do không bán được sang thị trường Trung Quốc nên xu hướng người dân giảm xuất chuồng; đàn trâu bò được nuôi chủ yếu với mục đích nuôi vỗ béo để xuất bán thương phẩm và bán con giống
- Tổng đàn bò: Số con hiện có 27.680 con, giảm 2% (-565 con) so với cùng kỳ năm trước. Số bò xuất chuồng ước 610 con, tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 140,3 tấn, tăng 2,4% (+3,29 tấn) so với cùng kỳ năm trước. 
- Tổng đàn lợn: Số con hiện có 169.561 con, tăng 1,8% (+2.998 con) so với cùng kỳ năm trước, do kiểm soát được dịch nên người dân tiếp tục tái đàn, số con xuất chuồng ước 26.947 con, tăng 1,86% (+491 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hơi xuất chuồng đạt 2.236,6 tấn, tăng 4,03% (+86,64 tấn) so với cùng kỳ năm trước. 
- Tổng đàn gia cầm ước 6.238,7 nghìn con, tăng 2,08% so với cùng kỳ (trong đó, tổng đàn gà là 4.608 nghìn con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước 1.402,5 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 5,33 triệu quả (trong đó, số lượng trứng gà đạt 5,17 triệu quả). 
Hình 2: Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu
so với cùng kỳ năm trước 
 
image 20230529110125 2

1.2. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 5 ước đạt 1.658,6 ha, giảm 2,65% (-45,15ha) so với cùng kỳ năm trước. Khai thác gỗ tròn các loại trong tháng ước 137,6 nghìn m3, giảm 1,85% (-2,6 nghìn m3) so cùng kỳ. Khác thác chủ yếu từ diện tích trồng rừng sản xuất, diện tích rừng trồng ngày càng mở rộng do trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, cây lâm nghiệp được trồng chủ yếu là keo, mỡ, bạch đàn; các cơ sở chế biến gỗ ép ngày càng tăng công suất, đáp ứng được đầu ra cho người dân tại địa phương. Khai thác củi các loại ước đạt 63,23 nghìn ste, tăng 2,35% (+1.452 ste) so cùng kỳ do hiện nay xu hướng giá gas tăng, một phần các hộ dân ở nông thôn xu hướng chuyển sang dùng củi để giảm chi phí sinh hoạt. Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy rừng, thiệt hại khoảng 0,53 ha. Lũy kế từ đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng, thiệt hại khoảng 10,95 ha rừng trồng
1.3. Thủy sản
Sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu khai thác từ các ao, hồ đang nuôi thả; người dân tập trung chăm sóc đàn cá đã thả theo đúng quy trình kỹ thuật; tiếp tục chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá bố, mẹ theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo cá phát triển tốt, tỷ lệ thành thục cao, phục vụ tốt quy trình sinh sản nhân tạo đầu năm 2023. Tiếp tục thực hiện cung ứng cá giống đảm bảo chất lượng cho nông dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong tháng cung ứng được 42.000 con cá giống các loại cho người dân trên địa bàn tỉnh. 
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng 5/2023 hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì ổn định, các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường và các đơn hàng mới để đẩy mạnh sản xuất. Một số ngành hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ đóng góp vào mức tăng chung của toàn ngành như: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 115,88%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 43,98%.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2023
2.1.1. So với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 giảm 2,79%, trong đó: 
Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,49%, trong đó ngành khai thác than giảm 2,96% (sản phẩm than đá, than cứng loại khác giảm 1,51 nghìn tấn), ngành khai khoáng khác tăng 10,35% (sản phẩm đá xây dựng khác tăng 29,03 nghìn m3).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,59% (trong đó: 8 ngành kinh tế giảm, 8 ngành kinh tế tăng) so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu ở ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 15,59% (do Công ty cổ phần Xi măng Hồng Phong dừng sản xuất để chuyển đổi chủ sở hữu) và ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 14,46%, đây là 02 ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp và yếu tố chủ yếu làm chỉ số của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 8,18% do chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh (chủ yếu khối cá thể); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,85%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 2,78% do sản phẩm khó tiêu thụ nên doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất; sản xuất đồ uống giảm 2,05% do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm rượu trong tháng giảm; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 1,75% trong tháng doanh nghiệp sản xuất ít do khối lượng hàng tồn kho đầu tháng còn nhiều và ngành sản xuất kim loại giảm 1,75% do thiếu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất. 
Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng 2,56% so với tháng trước, trong đó sản lượng điện sản xuất tăng 2,8%, tương đương tăng 1,86 triệu KWh; điện thương phẩm tăng 1,0%, tương đương tăng 0,69 triệu KWh so với tháng trước...
Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,1% trong đó: hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 3,75%; thoát nướcvà xử lý nước thải giảm 4,11%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 1,23% so với tháng trước.
2.1.2. So với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 so với cùng kỳ tăng 1,19%, trong đó:
Ngành công nghiệp khai thác giảm 4,17% so với cùng kỳ, giảm chủ yếu ở sản phẩm đá xây dựng giảm 7,91% (tương ứng giảm 21,9 nghìn tấn) do thời tiết không thuận lợi cho hoạt động khai thác đá ngoài trời, bên cạnh đó các công trình, dự án, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị khởi công khởi công xây dựng.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,9% so với cùng kỳ, do một số sản phẩm sản xuất tăng cao so với tháng cùng kỳ như: Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 115,88% do Công ty TNHH Long Tân khôi phục vào sản xuất và Công ty cổ phần Kim Đạt sản xuất thêm sản phẩm mới (muối công nghiệp NH4); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 43,98% do một số doanh nghiệp tìm kiếm thị được trường tiêu thụ mới và nhận thêm đơn hàng trong tháng; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế tăng 20,13% tăng chủ yếu ở các sản phẩm ván ép do nguồn nguyên liệu được đảm bảo, đơn đặt hàng tăng. Bên cạnh đó, còn có một số ngành giảm sâu như: Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 45,31% do sản phẩm khó tiêu thụ nên doanh nghiệp chỉ sản xuất theo kế hoạch; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 44,19%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 24,9%.
Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 0,76% so với cùng kỳ. Do sản lượng phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Sản lượng điện sản xuất tháng 5 giảm 0,84%; tuy nhiên, sản  lượng điện thương phẩm tăng 11,72% so với cùng kỳ do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng.
Hình 3: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2023
so với cùng kỳ năm trước 
 
image 20230529110125 3

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh 5 tháng đầu năm 2023: Xi măng ước đạt 528,24 nghìn tấn, tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước, đạt 55,03% kế hoạch của tỉnh; điện sản xuất ước đạt 374,65 triệu Kwh, tăng 0,94% so với cùng kỳ, đạt 42,09% kế hoạch của tỉnh; than ước đạt 255,17 nghìn tấn, tăng 1,65% so với cùng kỳ, đạt 45,57% kế hoạch của tỉnh; đá xây dựng các loại ước đạt 1.376,13 nghìn m3 , tăng 0,51% so với cùng kỳ, đạt 31,56% kế hoạch của tỉnh; nhựa thông ước đạt 5,9 nghìn tấn, tăng 45,77% so với cùng kỳ, đạt 26,82% kế hoạch của tỉnh.
2.2. Chỉ số sử dụng lao động 
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 5/2023 tăng 0,23% so với tháng trước và giảm 5,05% so với tháng cùng kỳ. Bình quân, 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sử dụng lao động giảm 6,53% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ chia theo ngành cấp I: Ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 0,46%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,31%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,3%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,59%. Bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ chia theo loại hình: Doanh nghiệp nhà nước tăng 5,04%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 15,04%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,21% .
3. Đầu tư, xây dựng
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021- 2025. Trong tháng các ngành, các địa phương và các đơn vị chủ đầu tư đã kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm hoàn tất thủ tục thanh toán, đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước tháng 5/2023: Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và biến động giá nhiên liệu, vật liệu đến các hoạt động xây dựng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công và tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Chỉ đạo các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ ban hành văn bản hướng dẫn, tập huấn các Luật liên quan đến đầu tư, xây dựng mới được ban hành, sửa đổi; chủ động theo dõi, kiểm tra giám sát đánh giá thực hiện dự án; đồng thời tiếp tục rà soát vướng mắc khó khăn trong thực hiện Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và văn bản hướng dẫn thực hiện Luật để báo cáo các bộ, ngành có liên quan tổng hợp, giải quyết làm cơ sở đẩy nhanh việc triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng, thi công công trình, dự án, ... Dự ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước tháng 5/2023 trên địa bàn đạt 339,0 tỷ đồng, tăng 22,34% so với tháng trước, tăng 44,36% (+104,2 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện được 242,1 tỷ đồng (chiếm 71,43% trong tổng số), tăng 25,88% so với tháng trước, tăng 80,82% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện được 96,8 tỷ đồng, tăng 14,32% so với tháng trước, giảm 4,02% (- 4,1 tỷ đồng) so với cùng kỳ. 
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm 2023: Dự ước đạt 1.221,3 tỷ đồng, đạt 25,99% kế hoạch, tăng 47,09% (+387,8 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 807,8 tỷ đồng (chiếm 66,68% tổng nguồn vốn), đạt 22,72% kế hoạch, tăng 62,89% (+ 311,9 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 403,6 tỷ đồng, tăng 23,19% (+ 76,0 tỷ đồng) so với cùng kỳ. 
Tình hình đăng ký doanh nghiệp: Từ đầu năm đến hết tháng 4/2023, có 172 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 5,52% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 899,8 tỷ đồng, giảm 67,22% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 185 doanh nghiệp, tăng 20,12% so với cùng kỳ; doanh nghiệp thông báo giải thể 32 doanh nghiệp.
Hình 4: Tình hình đăng ký kinh doanh
 (Từ đầu năm đến hết tháng 4 năm 2023) 
image 20230529110125 4

* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
Dự án Kè trái bờ sông Kỳ Cùng, đoạn từ sân bay Mai Pha đến cầu Đông Kinh, công trình có tổng mức đầu tư 195,5 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 5/2023 ước thực hiện được 115,7 tỷ đồng, đạt 59,18% so với kế hoạch.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 - km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 5/2023 ước thực hiện được 687,5 tỷ đồng, đạt 69,57% kế hoạch.
Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần): Công trình có tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 5/2023 ước thực hiện được 579,7 tỷ đồng, đạt 42,08% kế hoạch.
Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28), huyện Cao Lộc công trình có tổng mức đầu tư 299,7 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 5/2023 ước thực hiện được 223 tỷ đồng, đạt 74,40% so với kế hoạch.
4. Tài chính, ngân hàng    
4.1. Tài chính1
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 
 Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phấn đấu thu đạt tiến độ dự toán ngân sách Nhà nước. Và rà soát, hoàn thiện các thủ tục để tổ chức đấu giá các khu đất có tài sản trên đất theo kế hoạch.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 5 năm 2023 là 875.438  triệu đồng,  trong đó: Thu nội địa ước thực hiện 255.000 triệu đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 620.438 triệu đồng. 
Luỹ kế ước thực hiện 5 tháng đầu năm là 3.198.334 triệu đồng, đạt 39,5% so với dự toán Trung ương giao, đạt 39% so với dự toán tỉnh giao, bằng 113,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó:Thu nội địa: 1.079.384 triệu đồng, đạt 51,5% dự toán Trung ương giao, đạt 49,1% so với dự toán tỉnh giao, bằng 112,8% so với cùng kỳ năm 2022. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 2.115.473  triệu  đồng, đạ  35,3% so với dự toán giao, bằng 114,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình xuất nhập khẩu  qua địa bàn diễn ra thuận lợi. Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các cơ quan liên quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm gia tăng năng lực thông quan,  phấn đấu  thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt tiến độ dự toán giao. Các khoản huy động, đóng góp: 3.477 triệu đồng, bằng 208,2% so với cùng kỳ năm 2022.
- Về chi ngân sách địa phương
Đối với chi đầu tư phát triển và các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ khác: Trên cơ sở dự toán đã được cân đối từ đầu năm, trong quá trình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm được quan tâm bố trí vốn hợp lý; công tác giải ngân, thanh toán các nguồn vốn, tạm ứng theo hợp đồng được khẩn trương, kiểm soát chặt chẽ, đúng chế độ, chính sách, đơn giá, định mức theo quy định hiện hành.
Đối với chi thường xuyên: Điều hành trong phạm vi dự toán được giao, trên cơ sở tiêu chuẩn, chế độ, định mức; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 5 năm 2023 là 1.118.947 triệu đồng, ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2023 là 3.880.700 triệu đồng, đạt 28,6% dự toán giao đầu năm, bằng 119,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Chi  trong cân đối ngân sách địa phương là 3.226.200 triệu đồng, đạt 32,1% dự toán giao đầu năm và bằng 105% so cùng kỳ năm 2022, trong đó: Chi  đầu tư phát  triển là 299.800  triệu  đồng, đạt 24%  dự  toán, bằng 106% so với cùng kỳ năm 2022. Chi thường  xuyên: 2.895.000 triệu đồng, đạt 34,1% dự  toán, bằng 105,4% so với cùng kỳ năm 2022. Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác  654.500  triệu đồng đạt 18,4% dự toán, bằng 358,8% so với cùng kỳ năm 2022.
4.2. Ngân hàng2
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, các nhiệm vụ trọng tâm ngành Ngân hàng trong năm 2023; triển khai chương trình kết Ngân hàng - Doanh nghiệp; tăng cường huy động vốn để đáp ứng vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; tích cực thực hiện chương trình tín dụng tháo gỡ khó khăn theo chủ trương của Chính phủ và địa phương. Chi nhánh tiếp tục duy số điện thoại dây đường nóng để tiếp nhận giải đáp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ Về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh... Ước thực hiện đến ngày 31/5/2023 tổng huy động vốn ước đạt 40.078 tỷ đồng, tăng 8,0% so với 31/12/2022. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 39.696 tỷ đồng, tăng 0,8% so với 31/12/2022. 
5. Thương mại và dịch vụ
Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, giá cả được kiểm soát.  
5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2023 ước tính đạt 2.511,9 tỷ đồng, tăng 10,37% so với tháng trước và tăng 32,62% so với cùng kỳ, do nhu cầu thị trường vào hè tăng.
- Các nhóm hàng hóa tháng 5/2023 tăng so với tháng trước: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 2,96% do dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài nên nhu cầu người dân tăng; nhóm hàng may mặc tăng 6,08% và nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,28% nguyên nhân do thời tiết trong thời gian chuyển mùa, nhu cầu mua sắm tăng so với tháng trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng mạnh 112,09% do trong tháng các nhà thầu tập trung xây dựng công trình trước khi mùa mưa sắp tới; nhóm xăng, dầu các loại và nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 8,98%  do nhu cầu thị trường tăng; nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô xe máy và xe có động cơ khác tăng 7,13% nhu cầu bảo dưỡng ô tô tăng do ảnh hưởng của việc thắt chặt đăng kiểm định kỳ.
- Nhóm hàng hóa giảm: Vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 6,2% so với tháng trước do năm học 2022 - 2023 chuẩn bị kết thúc nên nhu cầu mua sắm vật phẩm giảm.
Dự ước 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 11.275,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 21,65%. Tăng chủ yếu ở các nhóm hàng hóa: Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 869,8 tỷ đồng tăng 39,50%, tiếp theo là nhóm phương tiện đi lại, trừ ô tô con ước đạt 404,2 tỷ đồng, tăng 25,54%; nhóm ô tô con ước đạt 16,9 tỷ đồng, tăng 25,23% so với cùng kỳ; nhóm hàng hóa khác ước đạt 557,6 tỷ đồng, tăng 24,3%; nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 6.308,4 tỷ đồng, tăng 22,66% so với cùng kỳ ...
5.2. Dịch vụ
5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 5/2023 dự ước đạt 220,7 tỷ đồng, tăng 3,92% so với tháng trước và tăng 19,99% so với cùng kỳ, do trong tháng 5 là thời điểm rơi vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, với thời gian nghỉ lễ kéo dài là tiền đề để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, khách du lịch thập phương nói chung và người dân tỉnh Lạng Sơn nói riêng tập trung đến những địa điểm du lịch như đỉnh núi Mẫu Sơn (Cao Lộc), Đồng Lâm (Hữu Lũng), home stay Dũng Nam (Bình Cằm, Mai Pha), điểm du lịch suối Mỏ Mắm (Bắc Sơn), thác Bản Khiếng (Lộc Bình), khu du lịch sinh thái thác Đăng Mò (Bình Gia) ... đã tạo điều kiện  cho việc phát triển ngành dịch vụ. Doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 5/2023 ước hơn 1,2 tỷ đồng, tăng 0,70% so với tháng trước và tăng 1,63% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.111,1 tỷ đồng, tăng 26,99% so với cùng kỳ (nguyên nhân tăng cao so với cùng kỳ do sự phục hồi của tất cả các ngành kinh tế sau Đại dịch Covid-19).
5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 5 năm 2023 ước đạt 47,6 tỷ đồng, tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ. 
Doanh thu hoạt động dịch vụ 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 235 tỷ đồng tăng 9,52% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu ở nhóm: Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 25,9 tỷ đồng, tăng 13,81% so với cùng kỳ; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước đạt 27,3 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ ước đạt 50,1 tỷ đồng, tăng 18,04% so với cùng kỳ.
5.3. Vận tải
Trong tháng 5/2023 hoạt động vận tải kho bãi trên địa bàn tỉnh sẽ sôi động hơn tháng trước, đặc biệt là hoạt động vận tải hành khách do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao vào các dịp nghỉ lễ trong tháng 4 (lễ Giỗ tổ 10/3 âm lịch và kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5); bên cạnh đó hoạt động vận tải hàng hóa cũng dần đi vào ổn định. Dự ước doanh thu vận tải, kho bãi đạt 203,1 tỷ đồng, tăng 3,93% so với tháng trước và tăng 20,7% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 63,7 tỷ đồng, tăng 8,23% so với tháng trước và bằng 98,14% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 21,3 tỷ đồng, tăng 1,26% so với tháng trước và tăng 19,47% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 117,8 tỷ đồng, tăng 2,22% so với tháng trước và tăng 38,18% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 0,2 tỷ đồng, tăng 8,79% so với tháng trước và tăng 2,95% so với cùng kỳ. 
Hình 5: Doanh thu hoạt động vận tải tháng 5 năm 2023
So với cùng kỳ năm trước
image 20230529110125 7

 Doanh thu vận tải kho bãi 5 tháng đầu năm 2023 dự ước đạt 937,0 tỷ đồng, tăng 10,61% so với cùng kỳ, trong đó: Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 295,9 tỷ đồng, bằng 97,57%; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 105,8 tỷ đồng, tăng 18,35%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 534,2 tỷ đồng, tăng 17,82%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 1,1 tỷ đồng, tăng 3,79% so với cùng kỳ.
6. Chỉ số giá 
Tháng 5/2023, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào cùng với điều kiện thời tiết bắt đầu vào hè nắng nóng hơn các tháng trước, nhu cầu sử dụng điện dùng cho các thiết bị điện như quạt, điều hoà tăng, thêm vào đó là ngày 4 tháng 5 năm 2023 EVN thông báo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân nên giá điện sinh hoạt có xu hướng tăng là những nguyên nhân chủ yếu tác động làm chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 5/2023 giảm 0,08% so với tháng trước, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước, tăng 4,31% so với năm gốc (năm 2019). Giá xăng dầu, giá gas, giá vàng, giá đô la tiếp tục tăng, giảm theo sự biến động chung của thế giới.
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 5/2023 giảm 0,88% so với tháng trước, tăng 1,59% so với cùng kỳ:
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2023 so với tháng trước 
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2023 giảm 0,88% so với tháng trước (chủ yếu ở nhóm giao thông giảm 3,27%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, trong đó có 8 nhóm hàng tăng giá; 3 nhóm hàng giảm giá, trong đó:
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5/2023 tăng 0,29%, chia ra các nhóm: Nguyên nhân giá các mặt hàng lương thực chế biến khác tăng 0,44% như miến tăng 0,04%; mì sợi, mì, phở, cháo ăn liền tăng 0,29%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,25%; ngũ cốc khác tăng 0,38%; bún phở, bánh đa tăng 2,01% so với tháng trước; Chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 5/2023 tăng 0,35% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng: Giá thịt lợn tăng 1,19%, trong đó giá thịt lợn tăng chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn tăng 1,81%. Khu vực nông thôn chủ yếu là tự sản tự tiêu nên nguồn cung không nhiều như khu vực thành thị (giá thịt lợn tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg); giá thịt gà giảm 0,09%; giá thịt chế biến tăng 0,07%; giá một số loại rau củ vào cuối vụ thu hoạch nên giá cả tăng, giá các loại rau tươi, khô và chế biến tăng 2,17%, trong đó giá bắp cải tăng 21,15%, su hào tăng 18,33%, khoai tây tăng 9.65%, măng tươi tăng 2,57%, đó cũng là  nguyên nhân dẫn đến giá thực phẩm tháng này tăng; Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 5/2023 tăng 0,25% so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 5/2023 tăng 0,85%, trong đó: Giá nhà ở tăng 1,05% do một số nhà chủ cho thuê cải tạo nâng cấp lại nhà nên giá thuê nhà tăng, dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,03%. Giá điện sinh hoạt tăng 0,59% do EVN thông báo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vào ngày 4 tháng 5; giá gas và các loại chất đốt khác giảm 0,04%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,05%; Giá nước sinh hoạt  giảm 0,93%; giá dịch vụ về nước sinh hoạt tăng 0,86% (tiền công thợ nước).
Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 5/2023 tăng 0,61% so với tháng trước. Trong đó, giá điều hoà nhiệt độ tăng 0,36%, tủ lạnh tăng  0,48%, máy giặt tăng 0,29%; thiết bị gia đình lớn có động cơ  tăng 1,29%, ổn áp điện tăng 1,79%, nồi cơm điện tăng 0,17% ...Nguyên nhân nhóm này tăng do hệ thống siêu thị, trung tâm và các cửa hàng hết áp dụng chương trình giảm giá.
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 5/2023 giảm 3,27% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước tăng, giảm liên tục theo giá nhiên liệu thế giới và mức thuế bảo vệ môi trường. Trong tháng có 3 kỳ điều chỉnh ngày 04/5/2023; ngày 11/5/2023 và ngày 22/5/2023.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 năm 2023 so với cùng kỳ 
CPI tháng 5/2023 tăng 1,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Trong 9 nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ, nhóm giáo dục tháng 5/2023 tăng cao nhất với 14,73% do học phí năm học 2022 – 2023 không còn được áp dụng miễn, giảm học phí do ảnh hưởng của dịch và các mặt hàng văn phòng phẩm tăng giá so với năm trước; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 6,08% do các dịch vụ văn hóa, giải trí được phục hồi, giá cả tăng so với cùng kỳ; các mặt hàng khác tăng trong khoảng 1-2%. Ở chiều ngược lại 02 nhóm hàng gồm nhóm giao thông giảm 10,71% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06% so với cùng kỳ.
6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
 Chỉ số giá vàng: Tháng 5/2023, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng giảm ngược chiều với giá vàng thế giới. Trên xu hướng giá vàng trong nước tăng, giá vàng trên địa bàn tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,26% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 5 tháng tăng 2,71% so với cùng kỳ.  
Chỉ số giá đô la Mỹ: Trong tháng 5/2023, Đô la so với tháng trước giảm nhẹ 0,99%, so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,15% và so với năm gốc năm 2019 tăng 5,24%. Bình quân 5 tháng năm 2023 giá chỉ số giá đô la Mỹ tăng 7,38% so với bình quân cùng kỳ.
7. Một số tình hình xã hội 
7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội3
Tuyên truyền, tư vấn chính sách pháp luật về lao động - việc làm, định hướng nghề và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên: 5.230 lượt người, tăng 77,16% so với cùng kỳ năm 2022 (2.952 lượt người, lũy kế từ đầu năm là 18.584 lượt người. Số lượt người lao động được tư vấn hàng ngày tại Văn phòng Trung tâm: 1.587 lượt người. Tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm với 3.634 lượt người tham gia. 
Duy trì tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và thực hiện các quy trình có liên quan đến giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, kết quả: Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp: 1.106 người tăng 6,34% so với cùng kỳ năm 2022 (1.040 người), lũy kế từ đầu năm 2023 là 3.452 người; Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: 1.068 người tăng 162,4% so với cùng kỳ năm 2022 (407 người), lũy kế từ đầu năm 2023 là 2.793 người
Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quá trình xem xét hồ sơ các trường hợp có thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 chưa được giải quyết chế độ nay đề nghị được cấp sổ bảo hiểm xã hội.
Thẩm định, thông báo chấp thuận 52 vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh của 10 lượt tổ chức, doanh nghiệp. Thẩm định, cấp 19 giấy phép lao động, trong đó cấp mới 17 giấy phép lao động, gia hạn 02 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 3.696 người có công và thân nhân với kinh phí 6.977 triệu đồng, lũy kế chi trả trợ cấp: 18.616 lượt người có công, kinh phí: 35.128 triệu đồng. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến là 144 hồ sơ, lũy kế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân: 742 hồ sơ.
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng4
Tiếp tục  các bước xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về  định mức chi các nhiệm vụ  thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên; Nghị quyết hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023-2025.
Tăng cường các hoạt động: Phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh mùa  hè; các hoạt động duy trì hiệu quả Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số...  triển khai các hoạt động “Tháng hành động vì chất lượng vệ  sinh an toàn thực phẩm năm 2023”.
Chỉ  đạo  các  đơn vị khám chữa bệnh công lập tiếp tục thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực cấp cứu 24/24 giờ,đôn đốc thực hiện thực hiện Đề án  “Khám chữa bệnh từ xa”; giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy chế chuyên  môn,  đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân. 
Công tác phòng, chống dịch COVID-19 (tính đến ngày 19/5/2023) 160.961 F0 (trong đó 930 ca mắc lần 2;  34 ca mắc lần 3 được báo cáo); đã khỏi bệnh 160.677 ca; tử vong 101 ca. Đánh giá cấp độ  dịch của tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính  phủ và Quyết  định số  218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế (đánh giá ngày 03/10/2022): Quy mô xã: 200/200 xã, phường, thị trấn: Cấp 1 “Vùng xanh”. 
Tình hình tiêm chủng: Tổng số liều vắc xin đã tiếp nhận: 2.087.136 liều (liều lọ): Từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 102,33%, mũi 2 đạt 100,97% (Bao gồm tiêm cho người ngoại tỉnh); Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại (mũi 3): 92,12%; Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4): 125,27% (bao gồm cả đối tượng mở rộng). Trẻ em từ 12-17 tuổi: Tỷ lệ mũi 1 đạt 99,08%; Tỷ lệ mũi 2 đạt 98,88%; Tỷ lệ tiêm liều nhắc lại (mũi 3): Đạt tỷ lệ 77,52%. Trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi: Tỷ lệ mũi 1đạt 101,6%. (bao gồm cả đối tượng của các địa phương  khác). 
Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát, không để dịch lớn xảy ra. Tình hình bệnh truyền nhiễm trong tháng (tính từ ngày 01/4/2023 - 31/4/2023) so với số liệu cùng kỳ năm 2022, có 08 bệnh có số mắc tăng; 02 bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ. Các bệnh truyền nhiễm phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch.
Công tác An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP): Kiểm tra liên ngành dịp “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” được tổng số 25 cơ sở thực phẩm; đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 cơ sở do không thực hiện quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn” và kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, với số tiền là 4.800.000 đồng. Cấp giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP: 07 cơ sở. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm: 03 hồ sơ.
Hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ  em: Tổng số trẻ dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi: 1.126/18.675 trẻ được cân; Luỹ kế: 5.722/93.858 trẻ được cân. Tổng số trẻ sinh ra <2500 gram/Tổng số trẻ đẻ ra sống được cân: 18 trẻ/574 trẻ đẻ ra sống được cân, Luỹ  kế: 71 trẻ/3.238 trẻ đẻ  ra sống được cân. Số bà mẹ sau đẻ được uống bổ sung vitamin A trong tháng: 418/575 (đạt 72,7%); Luỹ kế: 1.921/2.565 (đạt 74,9%).
 7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch5
Tiếp tục thực hiện công tác hướng dẫn các hoạt động  bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng về quy trình thực hiện tu bổ di tích Đền Trần, đền Chầu Năm; Tham gia ý kiến về việc bổ sung hệ thống tượng thờ tại hang Thủy Cung, di tích Chùa Tiên - Giếng Tiên, thành phố Lạng  Sơn; Báo cáo kết quả phối hợp với Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga khảo sát cổ sinh tại huyện Bình Gia; Thông báo kết luận kiểm tra hệ thống bài trí tượng, hiện vật tại di tích Đền Mới, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn.
Tiếp tục triển khai, cụ  thể  hóa các nội dung về  xây dựng văn hóa cơ sở  và phong trào  “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  như:  Ban hành Kế hoạch Tập huấn, hướng dẫn thực hiện tiêu chí “Văn hóa” trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn năm 2023.
Tiếp tục thực hiện tốt nghiệp vụ thư viện tại thư viện tỉnh; bàn giao sách do các nhà xuất bản biếu tặng về cơ sở. Trao đổi các  ấn phẩm báo xuân với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu sách, tài liệu đến bạn đọc; Thực hiện công tác luân chuyển sách, Phục vụ lưu động  một số trường tại các huyện: Bắc Sơn, Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng. Thư viện tỉnh phối hợp cùng Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa thể thao và Thông tin, Phòng giáo dục đào tạo thành phố, các huyện: Văn Quan; Bắc  Sơn; Cao Lộc; Lộc Bình; Chi Lăng, tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Hội sách 21/4 và Văn hóa đọc Việt Nam tại các điểm trường học, tượng đài chiến thắng Chi Lăng, Phố đi bộ Kỳ Lừa với nhiều nội dung phong phú như: Trưng bày, xếp sách nghệ thuật; tìm hiểu kiến thức qua sách báo; giao lưu văn nghệ, kể chuyện theo sách; tô tranh có thưởng…Tổ chức các hoạt động "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 và ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 và thực hiện phục vụ xe Thư viện lưu động đa phương tiện tại trường Tiểu học - Trung học cơ sở Mỏ Đá, huyện Chi Lăng. Phục vụ  bạn đọc tại chỗ 2.500 lượt độc giả, luân chuyển: 7.500 lượt sách, phục vụ phòng đa phương tiện đạt: 100 lượt.  Điểm luân chuyển: Lượt độc giả: 24.000 lượt; Lượt sách, báo luân chuyển: 51.910 lượt. Trong tháng 5 cấp phát, đổi thẻ:18 thẻ.
Hoạt động bảo tàng: Đón tiếp, phục vụ khách tham quan nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng đạt: 2.290 lượt khách (luỹ kế 17.447/15.000 lượt/năm); đăng tải 25 tin bài trên trang Thông tin điện tử và facbook của đơn vị.
Tổng hợp các phim truyện, phim phóng sự  tài liệu theo chủ đề, chuyên đề để cung cấp cho các Đội chiếu bóng lưu động, chiếu phục vụ nhân dân vùng  sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Chiếu chương trình phim dành cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Kết quả: Trong tháng 5 các đội chiếu bóng lưu động thực hiện được 144 buổi chiếu (đến nay đã đạt  550/1.670  buổi đạt 32% kế hoạch năm), 25 lượt xã, 144 lượt thôn, 700 lượt nội dung tuyên truyền, hơn 12.000 lượt người nghe và xem.
Hoạt động chiếu phim tại Rạp: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị phim: giới thiệu trên trang page Rạp, trên bảng led điện tử ... doanh thu 2 phòng chiếu đạt 52 suất chiếu, doanh thu đạt 16.335.000 đồng, với 286 lượt người xem.
Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, phối hợp các ngành và các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động thể dục thể thao cơ sở nhằm thúc đẩy phòng trào tập luyện thể dục thể thao của người dân; Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở, phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền phát triển phong trào “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Đồng thời  tích cực  thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch. Tiếp tục duy trì công tác  đào tạo, huấn luyện vận động viên năng khiếu, huấn luyện các đội tuyển tham gia các giải thể thao khu vực và toàn quốc. Xây dựng kế hoạch tập huấn và thi đấu giải Bóng đá U11Toàn quốc Cúp Nestle Milo tại tỉnh Thái Bình năm 2023; Tổ chức Giải Bóng đá  thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2023; Xây dựng kế hoạch tổ chức Giải vô địch Bóng bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2023.
Hoạt động du lịch: Lũy kế 5 tháng năm 2023 đạt 2.455.748 lượt khách, tăng 28,2% so với cùng kỳ, đạt 65,3% so với kế hoạch năm 2023, trong đó: Khách quốc tế đạt 13.759  lượt  khách, tăng 230,7% so với cùng  kỳ, đạt 6,9% so với kế hoạch; khách trong nước đạt 2.441.989 lượt khách, tăng 27,7% so với cùng kỳ, đạt 68,6% so với kế hoạch. 
7.4. Giáo dục
Tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá 2 năm thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025. Hội thảo biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lạng Sơn lớp 4 (lần 2). Tập huấn đánh giá và sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu giáo dục IOC EDU. Tham gia tập huấn  triển khai Tài liệu truyền thông, giáo dục về phòng, chống tác hại thuốc lá mới (Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức). Bồi dưỡng  đổi mới  phương  pháp dạy học, kiểm  tra  đánh giá môn Ngữ văn năm học 2022-2023. Tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên các trường Phổ thông dân tộc nội  trú, Phổ thông dân tộc bán trú về thực hiện các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp năm học 2022-2023. 
Triển khai khảo sát, đánh giá việc thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định tại Luật Giáo dục 2019. Hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 tỉnh Lạng Sơn. Hướng dẫn đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học - Cao đẳng năm 2023.
7.5. Trật tự - An toàn giao thông6
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoàn thành công tác tuyển quân năm 2023, đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu được giao. Trong tháng xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 7 người, tăng 08 người bị thương; So cùng kỳ năm 2022 tăng 08 vụ, tăng 04 người chết, tăng 06 người bị thương; lũy kế từ đầu năm 2023 xảy ra 26 vụ, làm chết 22 người, bị thương 13 người.
7.6. Môi trường
Trong  tháng 5, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, không có vi phạm môi  trường được phát hiện và xử lý. So với tháng 4/2023 và 5/2022 cũng không có vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý. Lũy kế từ đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát hiện và xử lý 01 vụ, xử phạt 160 triệu đồng.
7.7. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không xảy ra thiên tai; so với tháng 5/2022 (có mưa lớn sảy ra trên diện rộng làm thiệt hại 390.643 triệu đồng) giảm 390,6 tỷ đồng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
[1] Nguồn: Sở Tài chính
[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
[3] Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
[4] Nguồn: Sở Y tế.
[5] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.
     [6] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây