Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023

Chủ nhật - 27/08/2023 23:02
Doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8/2023 ước tính đạt 2.667,8 tỷ đồng tăng 3,62% do nhu cầu thị trường tăng.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Bước sang tháng 8, thời tiết mát mẻ, có các đợt mưa rào đã chấm dứt tình trạng khô hạn trên các xứ đồng là điều kiện thuận lợi cho bà con đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ Mùa, chăm sóc và làm cỏ cho lúa, ngô và các loại cây rau màu. Trên địa bàn đã tiến hành thu hoạch xong các cây trồng vụ Xuân. Các sinh vật gây hại trên cây trồng có mật độ, tỷ lệ gây hại thấp. 
1.1. Nông nghiệp
1.1.1. Trồng trọt
- Cây lúa: Toàn tỉnh đã thu hoạch xong lúa Xuân, diện tích đã gặt 15.435,48 ha, giảm 1,04% (-162,63 ha) so với vụ Xuân năm 2022. Do thời tiết khô hạn, lượng mưa ít và nhuận tháng Hai âm lịch nên ảnh hưởng đến công tác làm đất gieo trồng, làm giảm diện tích gieo trồng, năng suất thu hoạch giảm. Năng suất lúa đạt 51,13 tạ/ha, giảm 0,95% (-0,49 tạ/ha). Sản lượng lúa đạt sản lượng đạt 78.919,09 tấn, giảm 1,98% (-1.598,25 tấn).
- Cây ngô: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 5.742,64 ha, giảm 1,36% (-78,89 ha) so với cùng kỳ; cộng dồn từ đầu năm ước 14.309,68 ha, tăng 0,04% (+5,11 ha).
- Cây khoai lang: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 172,05 ha, giảm 1,26% (-2,2 ha) so với cùng kỳ. Năng suất thu hoạch ước 59,46 tạ/ha, tăng 1,43% (+0,84 tạ/ha) so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước 1.022,98 tấn, tăng 0,15% (+1,53 tấn) so với cùng kỳ. 
- Cây lạc: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 341,41 ha, tăng 1,7% (+5,7 ha) so với cùng kỳ. Năng suất thu hoạch ước 19,82 tạ/ha, tương đương sản lượng thu hoạch trong tháng ước 676,67 tấn, tăng 4,65% (+30,1 tấn) so với cùng kỳ.
Rau các loại: Diện tích thu hoạch trong tháng ước thực hiện 878,25 ha, tăng 1,82% (+15,72 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước 11.352,13 tấn, tăng 3,38% (+370,76 tấn) so với cùng kỳ.  

1.1.2. Chăn nuôi
Trong tháng dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 75 hộ/27 thôn/26 xã/07 huyện, tiêu hủy 293 con lợn với tổng trọng lượng 8.636 kg, đến nay trên địa bàn tỉnh có 32/50 xã qua 21 ngày không phát sinh dịch. Các loại dịch bệnh khác xảy ra lẻ tẻ ở một số địa phương như: Bệnh THT gia cầm, THT trên đàn trâu, bò, THT, Phó thương hàn, Ecoli trên đàn lợn, bệnh care trên đàn chó.
- Tổng đàn trâu: Ước tính số trâu hiện có 63.875 con, tăng 0,99% (+625 con); số con trâu xuất chuồng đạt 1.283 con tăng 3,89% (+48 con) so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng đạt 336,15 tấn.
- Tổng đàn bò: Ước tính số bò hiện có 29.341 con, tăng 3,95% (+1.116 con) so với cùng kỳ năm trước; số con bò xuất chuồng đạt 488 con tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 113,76 tấn, tăng 1,58% (+1,77 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân về nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương. Nhiều mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt, kết hợp xử lý chất thải làm phân bón hữu cơ đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. 
- Tổng đàn lợn: Số con hiện có ước 174.821 con, tăng 0,74% (+1.279 con) so với cùng kỳ năm trước; Tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế, việc kiểm soát dịch bệnh ngày càng chủ động, các cơ sở chăn nuôi tiếp tục tăng đàn và tái đàn, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được duy trì và phát triển. Tập trung đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại và hộ chăn nuôi có quy mô lớn, đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh, nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sản lượng tiêu thụ trong tháng tăng 7,97% so với cùng kỳ năm trước. 
- Tổng đàn gia cầm: Tổng đàn gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Ước tổng đàn gia cầm hiện có 5.812,23 nghìn con, tăng 3,17% (+178,65 nghìn con) so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm đạt 1.616,52 tấn, tăng 4,92% (+75,84 tấn). Sản lượng trứng gia cầm đạt 5.218,18 nghìn quả (Trong đó, số lượng trứng gà đạt 4.365,23 nghìn quả), tăng 1,02%. Hiện nay, người chăn nuôi sử dụng giống gà siêu trứng cho năng suất cao, giá trứng gà ta dao động 40-50 nghìn đồng/10 quả, giá trứng gà công nghiệp dao động 20-25 nghìn đồng/10 quả.
Giá cả vật nuôi và thức ăn chăn nuôi: Trong tháng, trên địa bàn giá gà ta bình quân ở mức 121,06 nghìn đồng/kg, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,07%; gà công nghiệp thịt hơi phổ biến ở mức 70,04 nghìn đồng/kg, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,09% so với cùng kỳ. Giá gà giống ổn định so với cùng kỳ, trong đó giá gà ta giống ở mức 16,94 nghìn đồng/con. Giá lợn hơi bình quân ở mức 60,34 nghìn đồng/kg; giá lợn giống ở mức 88,87 nghìn đồng/kg. Bình quân, giá thịt trâu,bò hơi ở mức 110 - 120 nghìn đồng/kg, xấp xỉ 90% giá cùng kỳ năm trước. Giá thức ăn chăn nuôi nhìn chung ổn định so với cùng kỳ. 

1.2. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng ước thực hiện 653,94 ha, tăng 2,34% (+14,94 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm gỗ có thị trường tiêu thụ ổn định. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng Thường xuyên được quan tâm, cập nhật tình hình thời tiết tại các vùng trên địa bàn tỉnh, kịp thời cảnh báo tới chính quyền các cấp, các chủ rừng và nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng… Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Cộng dồn từ đầu năm xảy ra 13 vụ cháy, gây thiệt hại 10,97 ha. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước thực hiện 118,54 nghìn m3; củi khai thác ước thực hiện 84,2 nghìn ste. 
1.3. Thủy sản
Trong tháng, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định. Hiện nay, các địa phương đang tập trung thu hoạch và chăm sóc đàn cá, đối tượng nuôi trồng thủy sản phong phú, môi trường nuôi không bị ô nhiễm và không có dịch bệnh xảy ra. Trong tháng Trung tâm Khuyến nông cung ứng được 185.200 con cá giống cho người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã cung ứng được trên 896.000 con cá giống các loại. 
2. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn duy trì ổn định, các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, chủ động tìm kiếm ở rộngh thị trường. Một số ngành hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ đóng góp vào mức tăng chung của toàn ngành so với cùng kỳ như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 44,45%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 89,33%.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023
2.1.1. So với tháng trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 17,4%, trong đó: 
Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 34,27%, trong đó ngành khai thác than giảm 56,09% (sản phẩm than đá, than cứng loại khác giảm 28,85 nghìn tấn) do nhu cầu tiêu thụ than từ  Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương giảm; ngành khai khoáng khác giảm 13,01% (sản phẩm đá xây dựng khác giảm 40,07 nghìn m3) một số doanh nghiệp cắt giảm sản lượng khai thác do thời tiết mưa nhiều.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,12%. Nguyên nhân chủ yếu ở một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: Sản xuất phương tiện vận tải (xe đạp, xe máy điện) giảm 54,92% do Công ty TNHH Xe điện DK Việt Nhật không nhận thêm được đơn hàng mới nên giảm sản lượng sản xuất, trong tháng doanh nghiệp chỉ tiêu thụ hàng tồn kho; sản xuất máy móc, thiết bị chưa phân vào đâu giảm 38,27% do doanh nghiệp nhận được ít đơn đặt hàng; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 18,53% chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất sản phẩm clanhke tăng nhưng giá xuất khẩu thấp nên doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng theo kế hoạch, sản lượng clanhke xi măng trong tháng giảm 36,97 nghìn tấn so với cùng kỳ.
Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 31,31% do Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương sang tháng 8 có 1 tổ máy nghỉ để bảo dưỡng máy móc, thiết bị sản xuất nên sản lượng điện sản xuất tháng 8 dự kiến giảm sâu. Sản lượng điện sản xuất giảm 36,89% (giảm 27,75 triệu KWh), điện thương phẩm tăng 1% do nhu cầu tiêu thụ điện tăng so với tháng trước. 
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,77%; trong đó, hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 2,35%, hoạt động xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 3,44% so với tháng trước.
2.1.2. So với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 0,79% so với cùng kỳ, trong đó:
Ngành công nghiệp khai thác tăng 1,91%, trong đó sản phẩm than đá giảm 21,93% (giảm 6,35 nghìn tấn) do nhu cầu tiêu thụ than từ Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương giảm; sản phẩm đá xây dựng tăng 19,93%, do hoạt động xây dựng nhà ở của người dân có xu hướng tăng, bên cạnh đó các công trình, dự án, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai đầu tư xây dựng mới dẫn đến nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng tăng theo.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 44,45% so với cùng kỳ, do các đơn vị sản xuất chủ động tìm kiếm thị trường và nhận thêm nhiều đơn đặt hàng mới: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 14,61% (sản phẩm cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 40%), sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất tăng 10,02% do các đơn vị sản xuất kinh doanh nhận thêm nhiều đơn đặt hàng mới hơn so với cùng kỳ; ngành in, sao chép bản in các loại tăng 89,33% (sản phẩm in khác tăng 6,82 triệu trang) do Công ty cổ phần Thiên Ngân Lạng Sơn mở rộng sản xuất; ngành sản xuất trang phục tăng 10,45% do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người dân tăng so với cùng kỳ.
Ngành điện giảm 7,4% do Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương bảo dưỡng máy móc, thiết bị định kỳ.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 0,63%. Do hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tăng 1%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 4,61% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh 8 tháng năm 2023: Xi măng Portland đen ước đạt 846,89 nghìn tấn giảm 4,25%, sản phẩm clanhke xi măng ước đạt 564,6 nghìn tấn, giảm 12,71% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương ước 8 tháng đầu năm 2023 sản lượng điện đạt 579,11 triệu Kwh, tăng 3,24% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác than của Công ty Than Na Dương 8 tháng đầu năm 2023 đạt 381,72 nghìn tấn, giảm 0,81% so với cùng kỳ.
 
2.2. Chỉ số sử dụng lao động 
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 8/2023 giảm 1,19% so với tháng trước và giảm 7,06% so với cùng kỳ. Cộng dồn đến cuối tháng báo cáo chỉ số sử dụng lao động giảm 6,44% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 1,19%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,14%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,05%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,03%. 
3. Đầu tư, xây dựng
Trong tháng các ngành, các địa phương và các đơn vị chủ đầu tư đã bám sát chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức, triển khai, thực hiện và giải ngân các công trình, dự án kế hoạch năm 2023; đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công; các đơn vị đã chủ động cập nhật thường xuyên tiến độ triển khai thực hiện, báo cáo định kỳ về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, qua đó nhiều khó khăn, vướng mắc đã được các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án đã được chủ đầu tư chủ động phối hợp tốt với các địa phương bảo đảm mặt bằng thi công, đơn giá vật liệu xây dựng được điều chỉnh và cập nhật thường xuyên. 
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước tháng 8/2023: Hiện nay, các chủ đầu tư, nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án công trình. Ước tính tháng 8/2023, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn Nhà nước tháng 8/2023 trên địa bàn đạt 359,9 tỷ đồng, tăng 24,83% (+71,6 tỷ đồng) so với cùng kỳ, giảm 2,17% so với tháng trước. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện được 261,5 tỷ đồng (chiếm 72,66% trong tổng số), giảm 4,52% so với tháng trước, tăng 75,72% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện được 98,4 tỷ đồng, tăng 4,67% so với tháng trước, giảm 29,46% (-41,1 tỷ đồng) so với cùng kỳ. 
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.295,0 tỷ đồng, đạt 59,44% kế hoạch, tăng 33,38% (+574,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.609,1 tỷ đồng (chiếm 70,11% tổng nguồn vốn), đạt 58,37% kế hoạch, tăng 62,60% (+619,5 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 685,9 tỷ đồng, giảm 6,18% (-45,2 tỷ đồng) so với cùng kỳ. 
Từ đầu năm đến hết tháng 8/2023, có 358 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 34,14% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 2.930,2 tỷ đồng, giảm 20,63% so với cùng kỳ, do vốn điều lệ đăng ký thành lập doanh nghiệp thấp. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động: 270 doanh nghiệp tăng 19,46%. Doanh nghiệp thông báo giải thể 51 giảm 15% so với cùng kỳ. 

* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 - km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8/2023 ước thực hiện được 756,6 tỷ đồng, đạt 76,55% kế hoạch.
Dự án Kè trái bờ sông Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn), đoạn từ sân bay Mai Pha đến cầu Đông Kinh, công trình có tổng mức đầu tư 195,5 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8/2023 ước thực hiện được 121,8 tỷ đồng, đạt 62,28% so với kế hoạch.
Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần): Công trình có tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8/2023 ước thực hiện được 655,2 tỷ đồng, đạt 47,56% kế hoạch. 
Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28), huyện Cao Lộc công trình có tổng mức đầu tư 299,7 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8/2023 ước thực hiện được 220 tỷ đồng, đạt 73,40% so với kế hoạch.
4. Tài chính, ngân hàng    
4.1. Tài chính1
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 
 Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phấn đấu thu đạt tiến độ dự toán ngân sách nhà nước; xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, lập Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026 và đánh giá khả năng thực hiện Kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở thảo luận dự toán thu, chi ngân sách năm 2024 với Bộ Tài chính theo quy định.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 8 là 599.676 triệu đồng, trong đó: Thu nội địa ước thực hiện 192.485 triệu đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 405.497 triệu đồng, các khoản huy động, đóng góp 1.694 triệu đồng.
 Luỹ kế ước thực hiện 8 tháng đầu năm là 5.049.066 triệu đồng, đạt 62,4% so với dự toán Trung ương giao, đạt 61,6% so với dự toán tỉnh giao, bằng 93,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó:
+ Thu nội địa: 1.695.736 triệu đồng, đạt 81% dự toán Trung ương giao, đạt 77,1% so với dự toán tỉnh giao, bằng 80,1% so với cùng kỳ. Do Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã sau đại dịch Covid-19 còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh. Một số khoản thu nội địa chưa đạt tiến độ dự toán, giảm so với cùng kỳ do tác động của các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế của Quốc hội, Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế. Thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh đạt thấp do ảnh hưởng thị trường bất động sản trầm lắng, một số khu đất bán đấu giá nhưng không có khách hàng tham gia, vướng mắc trình tự, thủ tục giao đất cho nhà đầu tư đối với một số dự án dự kiến thu tiền sử dụng đất năm 2023.
+ Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 3.339.544 triệu đồng, đạt 55,7% so với dự toán giao, bằng 102,1% so với cùng kỳ. Tình hình xuất nhập khẩu qua địa bàn diễn ra thuận lợi. Hiện nay, Trung Quốc chưa mở cửa hoạt động trở lại tại 6/12 cặp cửa khẩu, dẫn đến hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hoá giảm; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bến bãi phải ngừng hoạt động; tại một số cửa khẩu phía Trung Quốc cho mở hoạt động trở lại (như: cửa khẩu Chi Ma, Cốc Nam) lưu lượng thông quan hàng hoá ít. Một số mặt hàng có số thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu như: Phương tiện vận tải, sắt, thép, nội thất, hoá chất, nguyên liệu sản xuất... chịu ảnh hưởng bởi chính sách điều tiết xuất khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị với hạn mức 10-15 xe/ngày của phía Trung Quốc cũng như lộ trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định thương mại ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2022 - 2027 làm giảm lượng hàng hoá và thuế xuất nhập khẩu.
+ Các khoản huy động, đóng góp: 13.786 triệu đồng, bằng 737,2% so với cùng kỳ. Do phát sinh khoản thu tài trợ của Tổng Công ty Viglacera -CTCP để tổ chức lập quy hoạch chung khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hữu Lũng 7.500 triệu đồng, kinh phí tỉnh Đồng Nai hỗ trợ làm nhà ở cho hộ dân tộc thiểu số nghèo 2.000 triệu đồng.
- Về chi ngân sách địa phương
Đối với chi đầu tư phát triển và các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ khác: trên cơ sở dự toán đã được cân đối từ đầu năm, trong quá trình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm được quan tâm bố trí vốn hợp lý; công tác giải ngân, thanh toán các nguồn vốn, tạm ứng theo hợp đồng được khẩn trương, kiểm soát chặt chẽ, đúng chế độ, chính sách, đơn giá, định mức theo quy định hiện hành.
Đối với chi thường xuyên: điều hành trong phạm vi dự toán được giao, trên cơ sở tiêu chuẩn, chế độ, định mức; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 8 năm 2023 là 1.328.491 triệu đồng, ước thực hiện 8 tháng đầu năm 2023 là 6.675.966 triệu đồng, đạt 49,1% dự toán giao đầu năm, bằng 114,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: 
+ Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 5.460.400 triệu đồng, đạt 54,4% dự toán giao đầu năm và bằng 103,6% so cùng kỳ năm 2022, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 585.000 triệu đồng, đạt 46,8% dự toán, bằng 89,9% so với cùng kỳ năm 2022; chi thường xuyên là 4.804.000 triệu đồng, đạt 56,6% dự toán, bằng 106,5% so với cùng kỳ năm 2022.
+ Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác 1.215.566 triệu đồng đạt 34,2% dự toán, bằng 216,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Thu, chi ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2023 

4.2. Ngân hàng2
Các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngành Ngân hàng và các cơ chế chính sách và các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng. Triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác huy động vốn, đáp ứng đủ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh; quan tâm đầu tư tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên; tích cực thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn và đẩy mạnh cho vay các chương trình hỗ trợ lãi xuất của Chính phủ và địa phương; chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định của pháp luật về lãi suất, quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng; chủ động thực hiện giải pháp xử lý nợ xấu; tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng bằng nhiều sản phẩm tiện ích, ứng dụng dữ liệu dân cư vào hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt, phối hợp thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng, thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông ... Ước thực hiện đến ngày 31/8/2023 tổng huy động vốn ước đạt 40.900 tỷ đồng, tăng 10,2% so với 31/12/2022. Dư nợ tín dụng ước đạt 41.190 tỷ đồng, tăng 4,6% so với 31/12/2022. 
5. Thương mại và dịch vụ
Hoạt động xuất nhập khẩu khẩu3 : Từ ngày 24/7/2023, cửa khẩu Na Hình được khôi phục thông quan hàng hóa, đến nay hoạt động xuất nhập khẩu được triển khai tại 06 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu chính Chi Ma, cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình). Hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu diễn ra bình thường, kim ngạch giảm so với tháng trước một phần do đã cuối vụ thu hoạch của quả vải thiều, sầu riêng. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 8 ước đạt 330 triệu USD, lũy kế 8 tháng ước đạt 2.945 triệu USD, đạt 77,5% kế hoạch, tăng 70,3% so với cùng kỳ, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 180 triệu USD, lũy kế 8 tháng ước đạt 1.620 triệu USD, đạt 124,6% kế hoạch, tăng 274,1% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 150 triệu USD, lũy kế 8 tháng đạt 4 1.325 triệu USD, đạt 53% kế hoạch, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Hàng xuất khẩu địa phương trong tháng 8 ước đạt 14 triệu USD, lũy kế 8 tháng đạt 97 triệu USD, đạt 63% kế hoạch, tăng 15,5% so với cùng kỳ.
5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8/2023 ước tính đạt 2.667,8 tỷ đồng tăng 3,62% do nhu cầu thị trường tăng. Trong đó, nhóm lương thực, thực phẩm tăng 2,95%, nhóm hàng may mặc tăng và nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng ăn uống tăng 4,83% do nhu cầu mua trang phục, đồng phục chuẩn bị năm học mới; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 5,5% do trong tháng các nhà thầu tập trung đẩy mạnh tiến độ xây dựng công trình; nhóm ô tô con  (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 14,4% do ảnh hưởng của các chính sách: Gói hỗ trợ lãi suất vay, lãi suất trả góp từ các ngân hàng nhằm kích cầu tiêu dùng, nhiều mẫu xe được giảm miễn thuế trước bạ nên sức mua tăng.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước đạt 19.087,8 tỷ đồng,  tăng 25,79% so với cùng kỳ. Một số nhóm ngành hàng tăng cao so với cùng kỳ: Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.717,8 tỷ đồng tăng 66,93%, tiếp theo là nhóm phương tiện đi lại, trừ ô tô con ước đạt 677,9 tỷ đồng, tăng 31,15%; nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 10.536,9 tỷ đồng, tăng 22,41% so với cùng kỳ; nhóm hàng hóa khác ước đạt 899,5 tỷ đồng, tăng 24,11%; nhóm ô tô con ước đạt 25 tỷ đồng, tăng 18,84% so với cùng kỳ;...
5.2. Dịch vụ
Hoạt động dịch vụ tiếp tục đà tăng so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ. Tỉnh đã có nhiều chính sách kích cầu kịp thời, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng các loại dịch vụ.
5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 8 năm 2023 ước đạt 224,9 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 22,68% so với cùng kỳ (chia ra: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 11,8 tỷ đồng, bằng 95,32% so với tháng trước và tăng 23,2% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 213,1 tỷ đồng, tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 22,65% so với cùng kỳ). Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 1,2 tỷ đồng, tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 5,16% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.781 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 9,5 tỷ đồng, tăng 10,97% so với cùng kỳ.
5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Doanh thu dịch vụ khác tháng 8 năm 2023 ước đạt 47,8 tỷ đồng, bằng 99,32% so với tháng trước và tăng 20,17% so với cùng kỳ. 
Cộng dồn 8 tháng ước đạt 379,6 tỷ đồng tăng 11,77% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ như: Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 43 tỷ đồng, tăng 10,16% so với cùng kỳ; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước đạt 44,3 tỷ đồng, tăng 22,76% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ ước đạt 80,3 tỷ đồng, tăng 19,46% so với cùng kỳ; 

5.3. Vận tải
Trong tháng 8/2023 hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh tăng so với tháng trước, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
Dự ước doanh thu vận tải, kho bãi tháng 8 đạt 209,5 tỷ đồng, tăng 0,82% so với tháng trước và tăng 28,62% so với cùng kỳ, trong đó: Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 69,5tỷ đồng, tăng 3,38% so với tháng trước và tăng 0,52% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 22,3 tỷ đồng, tăng 2,62% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 117,4 tỷ đồng, bằng 99,05% so với tháng trước và tăng 59,5% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 0,25 tỷ đồng, bằng 95,78% so với tháng trước và bằng 95,88% so với cùng kỳ. 
Dự ước doanh thu vận tải kho bãi 8 tháng năm 2023 đạt 1.564 tỷ đồng, tăng 16,65% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 500,6 tỷ đồng, bằng 98,39%; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 171,6 tỷ đồng, tăng 15,88%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 890 tỷ đồng, tăng 30,47%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 1,8 tỷ đồng, tăng 3,19% so với cùng kỳ.

6. Chỉ số giá 
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 8/2023 

Tháng 8/2023, thời tiết sắp chuyển sang thu, nền nhiệt độ giảm hơn so với các tháng trước, nhu cầu sử dụng điện dùng cho các thiết bị điện như quạt, điều hoà cũng giảm; bên cạnh đó, một số nhóm hàng, mặt hàng có chỉ số tăng so với tháng trước như lương thực thực phẩm, hàng may mặc, giao thông, bưu chính viễn thông do ảnh hưởng của giá cả thế giới, chính sách điều tiết giá cả của Nhà nước, nhu cầu sử dụng tăng hoặc do tác động của yếu tố mùa vụ. Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn tỉnh tháng 8/2023 tăng 0,77% so với tháng trước, tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước, tăng 6,4% so với năm gốc (năm 2019). Giá xăng dầu, giá gas, giá vàng, giá đô la tiếp tục tăng, giảm theo sự biến động chung của thế giới.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2023 so với tháng trước 
CPI tháng 8/2023 tăng 0,77% (khu vực thành thị tăng 0,5%; khu vực nông thôn tăng 0,92%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, trong đó có 5 nhóm hàng tăng giá; 3 nhóm hàng giảm giá và 3 nhóm giữ nguyên giá .
- Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2023 tăng 1,07%, chia ra các nhóm:
+ Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,63% so với tháng trước giá, giá các mặt hàng gạo tăng 0,74%, bột mì và ngũ cốc khác tăng 3,36%; các mặt hàng lương thực chế biến tăng 0,32% so với tháng trước. Khu vực thành thị tăng 0,13% do nguồn cung cấp từ nhiều nơi nên giá cả tăng nhẹ; khu vực nông thôn chủ yếu là tự sản tự tiêu, nguồn cung từ nơi khác đến cước phí vận chuyển cao hơn nên khu vực này tăng 0,90% so với tháng trước.
+ Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 1,40% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng: thịt gia súc tăng 3,23%; giá thịt lợn tăng 3,89%; giá thịt bò tăng 0,29%; thịt gia cầm tăng 0,27%; giá thịt chế biến tăng 2,0%, ... Nguyên nhân tăng giá ở nhóm hàng này do thời gian qua trên địa bàn tỉnh một số nơi vẫn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi dẫn đến giá lợn tăng cao (tăng từ 5.000 - 15.000 đồng/kg); giá một số loại rau củ vào cuối vụ thu hoạch nên giá cả tăng.
+ Chỉ số giá nhóm ăn, uống ngoài gia đình tăng 0,09% so với tháng trước chủ yếu giảm ở nhóm hàng ăn ngoài gia đình (cơm bình dân); nhóm uống ngoài gia đình và đồ ăn nhanh mang đi giữ giá ổn định.
- Đồ uống và thuốc lá : Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 8/2023 so với tháng trước giữ giá ổn định, không có biến động tăng giảm.  
- May mặc, mũ nón, giày dép: Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 8/2023 tăng 0,17%. Trong đó: May mặc khác và mũ nón tăng 0,04%; giày dép tăng 1,03% so với tháng trước.
- Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng: Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 8/2023 giảm 0,24%. Diễn biến giá một số mặt hàng trong nhóm như sau: vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,07%; giá gas và các loại chất đốt khác tăng 4,46% (ga tăng 6,85%; dầu hoả tăng 15,99%). Bên cạnh đó giá dịch vụ sửa chữa nhà ở ổn định; giá nước sinh hoạt tăng 1,50%; giá điện sinh hoạt giảm 2,63%.
- Thiết bị và đồ dùng gia đình: Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 8/2023 giảm 0,34% so với tháng trước. Trong nhóm này nhiều mặt hàng đồ gia dụng giá thường xuyên biến động như: Đồ dùng trong nhà giảm 0,38%; quạt điện giảm 0,35%; máy đánh trứng, máy trộn đa năng giảm 1,42%; nồi cơm điện giảm 1,10%... 
- Giao thông: Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8/2023 tăng 3,75% so với tháng trước. Nguyên nhân tăng ở nhóm này chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước tăng, giảm liên tục theo giá nhiên liệu thế giới và mức thuế bảo vệ môi trường. Trong tháng có 3 kỳ điều chỉnh.Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 24 đợt điều chỉnh, trong đó có 14 đợt tăng, 7 đợt giảm và 3 đợt giữ nguyên.
- Bưu chính viễn thông: Nhóm này chủ yếu biến động ở một số mặt hàng như máy điện thoại di động (+1,39%), máy tính bảng (+0,63%) ...
- Giáo dục: Chỉ số giá nhóm giáo dục ổn định không có biến động do học sinh các trường vẫn đang trong kỳ nghỉ hè. 
- Văn hóa, giải trí và du lịch: Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 8/2023 giảm 0,01% so với tháng trước, giảm chủ yếu mặt hàng thiết bị văn hoá giảm 0,03%, giải trí giảm 0,07%; hoa, cây cảnh giảm 0,12%. Bên cạnh đó có một số mặt hàng giữ mức ổn định như: vật phẩm văn hoá, sách báo tạp trí các loại, dịch vụ văn hoá, dịch vụ thể thao...
- Hàng hóa và dịch vụ khác: Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 8/2023 tăng 0,08% so với tháng trước, tập trung ở nhóm dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,07%; đồ trang sức tăng 1,87%; dịch vụ về hiếu tăng 0,18%... Các mặt hàng khác trong nhóm nhìn chung ổn định.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2023 so với cùng kỳ 
CPI tháng 8/2023 tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Trong 9 nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ: nhóm giáo dục tháng 8/2023 tăng cao nhất với 14,11% do học phí năm học 2022 – 2023 tăng, mặt hàng đồ dùng học tập và văn phòng phẩm tăng 0,86%, bút viết các loại tăng 2,30%, dịch vụ giáo dục tăng 19,11%; nhóm hàng lương thực tăng 3,81% và thực phẩm giảm 0,26%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 3,15% (trong đó: nước khoáng, nước có ga +3,91%; rượu bia + 4,31%; thuốc hút +1,52%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,85%; nhóm may mặc, mũ nón giầy dép tăng 2,13%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,87%; các mặt hàng khác tăng trong khoảng 0,5-1%. Ở chiều ngược lại 02 nhóm hàng gồm nhóm giao thông giảm 1,42% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,41% so với cùng kỳ, nguyên nhân 2 nhóm này giảm là do biến động tăng giảm của giá xăng dầu và thiết bị điện thoại di động.
* Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng năm 2023
Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng năm 2023 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước (khu vực thành thị tăng 1,74%; khu vực nông thôn tăng 2,29%), gồm 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Những nguyên nhân chính tác động tăng chỉ số giá trong 8 tháng đầu năm do nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng làm giá cả một số nhóm hàng tăng như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,87% (lương thực +4,62%; thực phẩm +4,10%; ăn uống ngoài gia đình +2,61%);  nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 2,58%; nhóm may mặc, mũ nón giầy dép tăng 3,18%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,4%; nhóm giáo dục tăng cao nhất 14,63%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 7,86%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 2,50%. Riêng 02 nhóm hàng gồm nhóm giao thông và nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ.
6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
 Chỉ số giá vàng: Tháng 8/2023, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Trên xu hướng giá vàng trong nước tăng, giá vàng trên địa bàn tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 8 tháng tăng 2,69% so với cùng kỳ.  
Chỉ số giá đô la Mỹ: Trong tháng 8/2023, Đô la so với tháng trước tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,98% và so với năm gốc năm 2019 tăng 5,32%. Bình quân 8 tháng năm 2023  giá chỉ số giá đô la Mỹ tăng 6,23% so với bình quân cùng kỳ.
7. Một số tình hình xã hội 
7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội4

Trong tháng, đã tư vấn việc làm, học nghề, chính sách pháp luật lao động cho 4.598 lượt người, lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 32.907 lượt. Tuyển sinh và đào tạo trong tháng được 2.076 học viên, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 được 5.927 học viên5. Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 3.675 người có công và thân nhân với kinh phí 6.918 triệu đồng, lũy kế 8 tháng chi trả trợ cấp cho 29.659 lượt với tổng kinh phí 55.944 triệu đồng. Tiếp tục triển khai các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp năm 2023. Tiếp tục làm tốt công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới. Công tác tôn giáo và dân tộc được triển khai đúng định hướng. Tiếp tục triển khai và tháo gỡ các khó khăn cho các dự án tại Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021 - 2025.
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng6
Tổ chức kiểm tra thực hiện nhiệm vụ; thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và công tác chỉ đạo tuyến, Đề án 1816, Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa”, lập hồ sơ sức khỏe điện tử... 06 tháng đầu năm 2023 tại các đơn vị trực thuộc.
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị phương án sẵn sàng bảo đảm an toàn về người và tài sản trong phòng, chống thiên tai, bão lũ mùa mưa bão.
Công tác y tế dự phòng được tăng cường, các hoạt động duy trì hiệu quả Chương trình mục tiêu y tế - dân số được triển khai hiệu quả. Công tác tiêm chủng mở rộng được thực hiện tốt trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định; không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được thực hiện tốt, chất lượng khám chữa bệnh và thái độ chăm sóc phục vụ bệnh nhân được nâng cao7. Thực hiện tốt công tác chăm sóc - bà mẹ, trẻ em, giám định y khoa, giám định pháp y.
Công tác An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP): Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn thực phẩm và các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm7; tổ chức 05 lớp tập huấn hướng dẫn phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho viên chức y tế, với tổng số 106 người tham gia. Công tác kiểm tra hậu kiểm về ATVSTP: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với 04 cơ sở sản xuất thực phẩm tổng số tiền xử phạt: 120.000.000 đồng (Một trăm, hai mươi triệu đồng chẵn) do lỗi “Sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”. Cấp giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP: 08 cơ sở; tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm: 03 hồ sơ.
  7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch8
Lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao tiếp tục được tổ chức, triển khai theo kế hoạch. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9. Tiếp tục triển khai công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Triển khai tổ chức cuộc thi Giọng hát hay tỉnh Lạng Sơn năm 2023.
 Thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả, đạt 46 huy chương các loại tại các giải vô địch trẻ quốc gia . Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được triển khai sâu rộng, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Công tác tuyên truyền được tổ chức sâu rộng, thiết thực, hiệu quả; hình thức và nội dung tuyên truyền phong phú, đưa tuyên truyền gắn sát tại cơ sở.
7.4. Giáo dục
Tổ chức Hội nghị tổng kết, tuyên dương khen thưởng năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024. Tham dự Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Bộ GDĐT. Phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn chính trị hè năm 2023. Tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục STEM cấp tiểu học. Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho CBQL,GVMN và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1 đáp ứng yêu cầu liên thông CT GDPT. Tổ chức Kỳ thi chọn đội tuyển vòng 1 của tỉnh tham dự kỳ thi chọn HSG Quốc gia lớp 12 THPT năm học 2023-2024. Tổ chức Hội thi tuyên truyền viên giỏi về công tác xóa mù chữ tỉnh Lạng Sơn năm 2023.
7.5. Trật tự - An toàn giao thông
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được tăng cường, ổn định, duy trì môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực biên giới. Trong tháng xảy ra 06 vụ tai nạngiao thông,  làm  chết 06  người, bị thương 01 người; lũy kế từ đầu năm 2023 xảy ra 40 vụ, làm chết 35 người, bị thương 18 người.
7.6. Môi trường
Trong  tháng  8,  trên  địa  bàn  tỉnh  Lạng  Sơn  có  02  vụ  vi  phạm  môi  trường được phát hiện, đã tiến hành xử phạt vi phạm tổng số tiền 27 triệu đồng; hành vi vi phạm được phát hiện là không gửi báo cáo, không lập báo cáo môi trường. So với  tháng 7/2023 và tháng 8/2022 tăng 02 vụ, tăng 27 triệu đồng  tiền xử phạt (tháng 7/2023 và tháng 8/2022 không có vụ vi phạm môi trường  được  phát hiện). Lũy kế từ đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát hiện và xử lý 03 vụ, xử phạt 187 triệu đồng. 
7.7. Thiệt hại do thiên tai
Trong 8 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có xảy ra mưa lớn, làm ảnh hưởng đến nhà ở, lúa, hoa màu của người dân. Số nhà ở bị ảnh hưởng: 07 nhà, trong đó: 03 nhà bị sạt lở, 04 nhà bị ngập nước có ảnh hưởng nhẹ dưới 30%. Diện tích lúa bị ảnh hưởng 10,61 ha; diện tích hoa màu ảnh hưởng 0,68 ha. Ước giá trị thiệt hại 642,3 triệu đồng, so với cùng kỳ năm  2022 tăng 642,3 triệu đồng giá trị thiệt hại.

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây