Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn tháng 5 năm 2025

Thứ năm - 05/06/2025 05:17
Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 5 năm 2025 ước đạt 405,6 tỷ đồng, đạt 6,16% kế hoạch năm 2025, tăng 15,37% so với tháng trước và tăng 38,42% so với cùng kỳ.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

* Trồng trọt

Trong tháng thời tiết có mưa, thuận lợi cho việc trồng và chăm sóc cây trồng như: làm cỏ đợt 1 và phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh trên diện tích đã gieo cấy cho cây lúa, ngô,….và thu hoạch sớm một số loại rau màu vụ Xuân.

Ước tính kết thúc vụ Đông Xuân, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt được 45.958,77 ha, tăng 1,19%. Trong đó, diện tích gieo trồng lúa ước thực hiện 15.203 ha, giảm 1,67% so với cùng kỳ; gieo trồng ngô vụ Đông Xuân ước thực hiện được 13.736 ha, giảm 0,43% so với cùng kỳ. Cây khoai lang, diện tích gieo trồng ước 376 ha, giảm 4,63% so với cùng kỳ. Cây lạc, diện tích gieo trồng ước đạt 1.085 ha, giảm 4,84% so với cùng kỳ. Rau các loại, diện tích gieo trồng ước đạt 6.291 ha, tăng 0,53% so với cùng kỳ; đậu các loại diện tích gieo trồng ước 414 ha, tăng 27,79% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do thời tiết giai đoạn đầu vụ khô hạn dẫn đến một số diện tích đất canh tác không đảm bảo được nguồn nước tưới tiêu, cày ải dẫn đến diện tích lúa, ngô năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước; riêng đậu các loại tăng do là cây ngắn ngày, giá trị kinh tế cao hơn một số loại rau khác

Giá các vật tư phân bón có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Phân đạm và lân tăng nhẹ 3 - 4%: Phân Đạm Ure 12.000 - 14.000 đồng/kg (tăng 200 - 600 đồng/kg so với tháng trước và tăng 1.000 - 1.200 đồng/kg so với cùng kỳ); phân Supe lân giá dao động 6.720 - 10.160 đồng/kg (tăng 200 - 400 đồng/kg so với  tháng trước và tăng 1.600 - 4.880 đồng/kg so với cùng kỳ); phân NPK 6.720 - 18.000 đồng/kg (tương đương so với tháng trước và tăng 50 - 100 đồng/kg so với cùng kỳ tùy thuộc vào hàm lượng) và phân kali 10.400 đồng/kg (tương đương so với  tháng trước và giảm 1.600 đồng/kg so với cùng kỳ).

* Chăn nuôi

Trong tháng trên địa bàn tỉnh bệnh dịch1 tả lợn Châu Phi tiếp tục xảy ra tại 05 hộ/04 thôn/04 xã/03 huyện, tiêu hủy 38 con, tổng trọng lượng 930 kg. Lũy kế từ đầu năm đến nay bệnh xảy ra tại 08 hộ/07 thôn/05 xã/04 huyện Bình Gia, Văn Lãng, Hữu Lũng, Lộc Bình. Tổng số tiêu hủy 93 con, tổng trọng lượng 2.341 kg. Hiện có 01/05 xã đã qua 21 ngày không phát sinh dịch (Xã Mông Ân, huyện Bình Gia).

Tổng số lượng đàn trâu, đàn bò toàn tỉnh ước tính thời điểm tháng 5/2025 hiện có: Đàn trâu ước đạt 48.585 con, giảm 14,68% so với cùng kỳ, tổng đàn bò là 26.368 con, giảm 3,53% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm chủ yếu là do diện tích chăn nuôi bị thu hẹp, thiếu lao động chăn dắt, hiện nay nhân dân sử dụng cơ giới hóa làm đất nhiều, nhu cầu sử dụng sức kéo giảm.

Tổng đàn lợn ước đạt 186.513 con, tăng 4,90% so với cùng kỳ, do dịch bệnh đã được kiểm soát người dân dần tái đàn trở lại; tổng đàn gia cầm chính (gồm gà, vịt, ngan) ước đạt 5.423,3 nghìn con, tăng 1,72% so với cùng kỳ, do giá thị trường có sự biến động tăng khuyến khích nhân dân chuyển sang đầu tư chăn nuôi gia cầm.

Số lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu

thời điểm tháng 5 năm 2025 so với cùng kỳ

1.2. Lâm nghiệp

Tiếp tục triển khai kế hoạch trồng rừng cho các địa phương, tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng chống cháy rừng, chống chặt phá rừng và bảo vệ rừng trồng... Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng ước đạt là 1.745 ha, tăng 5,21% so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng là 145.325 m3 tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 vụ cháy gây thiệt hại đến rừng, diện tích thiệt hại khoảng 117,32 ha, trong đó rừng trồng khoảng 94,68 ha chủ yếu là các loài cây thông, bạch đàn, keo, trám, sở…; rừng tự nhiên khoảng 22,64 ha chủ yếu thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Luỹ kế từ đầu năm, xảy ra 30 vụ cháy rừng, thiệt hại khoảng 123,07 ha. 

1.3. Thủy sản

Mực nước ở các ao, sông, hồ được bổ sung sau các đợt mưa trong tháng, thuận lợi cho công tác nuôi trồng và hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn. Sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu khai thác từ các ao, hồ đang nuôi thả; thủy sản nuôi trồng, người dân tập trung chăm sóc đàn cá đã thả theo đúng quy trình kỹ thuật; thực hiện cung ứng cá giống đảm bảo chất lượng, trong tháng Trung tâm Khuyến nông thực hiện cung ứng 139.100 con cá giống các loại phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh. Lũy kế từ đầu năm thực hiện cung ứng 253.950 con. 

2. Sản xuất công nghiệp

2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2025

* So với tháng trước

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2025 tăng 3,8% so với tháng trước, do 4 nhóm ngành đều tăng: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,89%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,15%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 4,33%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 1,73%.

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,89%, trong đó: khai thác than tăng 4,74%, do nhu cầu tiêu thụ than của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương tăng. Khai khoáng khác tăng 0,22%, tăng ở sản phẩm đá xây dựng, cơ bản đáp ứng đủ vật liệu cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh và xây dựng trong dân cư.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự ước tăng 4,15%, tăng chủ yếu ở nhóm ngành sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 11,9% do đảm bảo được nguồn nguyên liệu dùng sản xuất sản phẩm dầu nhựa thông, đáp ứng các đơn đặt hàng nên doanh nghiệp gia tăng sản xuất sản phẩm so tháng trước; nhóm ngành sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 13,09% do tháng 5 công ty TNHH Xe Điện DK Việt Nhật nhận thêm đơn hàng mới nên tăng sản xuất sản phẩm so với tháng trước; các nhóm ngành còn lại trong kỳ tăng nhẹ (tăng từ 0,9% đến 5%), do các doanh nghiệp nhận được thêm đơn hàng, sản xuất chủ yếu đáp ứng các đơn hàng đã ký kết trước đó.

Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng 4,33%, trong đó: Điện sản xuất tăng 5,1% (tăng 3,43 triệu kwh), điện thương phẩm tăng 0,23% (tăng 0,18 triệu kwh), do nhu cầu điện cho sản xuất tăng và trong sinh hoạt tăng. 

Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải có chỉ số sản xuất tăng 1,73%: trong đó khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,57%, thoát nước và xử lý nước thải tăng 3,39%, hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 2,52%.

* So với cùng kỳ

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2025 tăng 10,10%, một trong những nguyên nhân chung tác động chỉ số sản xuất chung tăng so với cùng kỳ là do các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhận được thêm đơn hàng, nhu cầu thị trường tăng nên sản xuất tăng so với cùng kỳ.

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 14,62%, trong đó: Hoạt động khai thác than tăng 12,20%, do nhu cầu tiêu thụ than của Công ty nhiệt điện Na Dương tăng nên sản lượng than tăng so cùng kỳ; hoạt động khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 16,17%, do năm 2025, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án, công trình xây dựng lớn, sản phẩm có thị trường tiêu thụ nên các doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất so với cùng kỳ.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,93%, tăng chủ yếu ở một số nhóm ngành như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 10,35%, với lợi thế rừng trồng tại địa phương lớn, có nguyên liệu sản xuất ổn định, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo đầu ra cho người dân trồng rừng; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 54,29% do cùng kỳ năm trước sản phẩm clanke của công ty Cổ phần xi măng Đồng Bành bảo dưỡng máy móc theo định kỳ; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 61,92% do cùng kỳ năm trước Công ty TNHH Tuấn Anh không sản xuất sản phẩm, chỉ tiêu thụ hàng tồn kho; các ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 18,68%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 21,93%; công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 43,61%, nguyên nhân là do các doanh nghiệp nhận thêm đơn hàng mới nên tăng sản xuất so với cùng kỳ. 

Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,65%: Hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,57%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 0,46%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu giảm 4,83% so với cùng kỳ.

* Cộng dồn 5 tháng năm 2025 so với cùng kỳ

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp dự ước 5 tháng đầu năm 2025 tăng 5,13% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính khiến chỉ số sản xuất tăng là do nhu cầu thị trường tăng, các doanh nghiệp nhận được thêm đơn hàng nên tăng sản xuất để đáp ứng yêu cầu, trong đó một số ngành có chỉ số sản xuất tăng, như: Khai thác than cứng và than non tăng 5,44%. Khai khoáng khác tăng 20,46%, do nhu cầu đá xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh tăng, các doanh nghiệp tăng sản lượng khai thác. Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 19,52%, do doanh nghiệp mở rộng sản xuất ngành chế biến gỗ nên tăng sản lượng so cùng kỳ. Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 34,68%, do nhu cầu xây dựng phục vụ cho các dự án công trình của tỉnh và xây dựng trong dân cư tăng, doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất clanke, xi măng để đáp ứng nhu cầu, đơn đặt hàng và đảm bảo nguồn cung cho hoạt động xây dựng. Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 37,15%, do doanh nghiệp nhận được thêm đơn hàng nên tăng sản xuất so với cùng kỳ.

Sản lượng một số sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng so với cùng kỳ: Sản lượng khai thác than của Công ty Than Na Dương 5 tháng đầu năm ước đạt 228,83 nghìn tấn, tăng 5,44%; sản phẩm gỗ lạng (có độ dày không quá 6mm) ước đạt 57,13 nghìn m3, tăng 33,93%; ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự ước đạt 23,6 nghìn m3, tăng 34,13%; sản phẩm clanhke ước đạt 342,98 nghìn tấn, tăng 38,25%, xi măng Portland đen ước đạt 609,45 nghìn tấn, tăng 36,21%.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 5/2025 tăng 4,40% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ do sáp nhập doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, tuyển dụng thêm lao động.

Chia theo ngành: Chỉ số sử dụng lao động ngành khai khoáng tăng 0,6%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,96% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu ở nhóm ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,40%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3% so với cùng kỳ.

Chia theo loại hình sở hữu: Chỉ số sử dụng lao động trong doanh nghiệp nhà nước tăng 2,43%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 6,50%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,60%.

3. Đầu tư, xây dựng

3.1. Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước

Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 5 năm 2025 ước đạt 405,6 tỷ đồng, đạt 6,16% kế hoạch năm 2025, tăng 15,37% so với tháng trước và tăng 38,42% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 242,7 tỷ đồng, tăng 36,90% cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 162,9 tỷ đồng, tăng 40,74% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 5 tháng năm 2025 ước thực hiện 1.558,5  tỷ đồng, đạt 23,66% kế hoạch năm, tăng 38,97% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.001,8 tỷ đồng, tăng 48,19% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 553,7 tỷ đồng , tăng 26,35% so với cùng kỳ.

* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh

Dự án tuyến Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT công trình có tổng mức đầu  tư 11.024 tỷ đồng  (trong đó, nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý 5.000 tỷ đồng), lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 5/2025 ước thực hiện đạt 13,78% so với kế hoạch.

Dự án Đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18, huyện Đình Lập: Tổng mức đầu tư 338,9 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 5/2025 ước thực hiện đạt 76,86% kế hoạch. 

Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700-km18), công trình có tổng mức đầu tư 1.214,5 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 5/2025 ước thực hiện đạt 84,65% so với kế hoạch.

Dự án đường Lý Thái Tổ kéo dài và khu dân cư, tái định cư thành phố Lạng Sơn, tổng mức đầu tư 690,3 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 5/2025 ước thực hiện đạt 18,07% kế hoạch.

3.2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Từ đầu năm đến hết tháng 4/2025, có 250 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 33,65% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 2.213,5 tỷ đồng, giảm 30,93% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động là 294 doanh nghiệp, tăng 5,75%; số doanh nghiệp thông báo giải thể là 44 doanh nghiệp, giảm 2,22% so với cùng kỳ.

4. Thương mại và dịch vụ

4.1. Xuất nhập khẩu hàng hóa2

Trong tháng 5, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; theo dõi xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh của các đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp; chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa... Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng khi vực mốc 1119- 1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ  15/4/2025 đến hết ngày 14/5/2025 của tất cả các loại hình xuất nhập khẩu (Kinh doanh, quá cảnh, chuyển khẩu, vận chuyển động lập) đạt 7.770,86 triệu USD. Trong đó, kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu mở tờ khai tại địa bàn đạt 539,33 triệu USD (Xuất nhập khẩu đạt 134,0 triệu USD, nhập khẩu đạt 405,33 triệu USD).

Lũy kế từ 01/01/2025 đến hết ngày 14/5/2025, Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn của tất cả các loại hình qua địa bàn đạt 28.441,95 triệu USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Chi cục đạt 1.792,6 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 381,9 triệu USD; nhập khẩu đạt 1.410,7 triệu USD.

4.2. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 5/2025 đạt 3.577,0 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông và chuyên môn khoa học), tăng 0,85% so với tháng trước và tăng 16,60% so với cùng kỳ. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 năm 2025

* Tổng mức bán lẻ hàng hóa 

So với tháng trước: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5/2025 ước tính đạt 3.139,3 tỷ đồng, tăng 0,57%. Các nhóm mặt hàng tăng như: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 1,39%; nhóm hàng may mặc tăng 2,5%; nhóm đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,34%; nhóm ô tô con tăng 0,33%; nhóm phương tiện đi lại, trừ ô tô con tăng 0,63%; nhiên liệu khác tăng 1,34%; hàng hóa khác tăng 1,69%. Các nhóm hàng hóa trên tăng là do nhu cầu mua sắm đồ dùng trang thiết bị gia đình tăng chủ yếu ở các mặt hàng điện lạnh như: Quạt, điều hoà, tủ lạnh, máy hút ẩm…, những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt khi thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa hè và độ ẩm tăng cao…

So với cùng kỳ: Nhìn chung các nhóm hàng trong tổng mức bán lẻ hàng hoá đều tăng, tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 16,28% so với cùng kỳ cụ thể: Lương thực, thực phẩm tăng 20,37%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,57%; ô tô các loại (loại 9 chỗ ngồi trở xuống) tăng 23,40%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 79,85%; hàng hoá khác tăng 24,70%; dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 22,87%;...

Dự ước 5 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 15.751,1 tỷ đồng, tăng 16,21% so với cùng kỳ. Tăng chủ yếu ở các nhóm hàng hóa: Lương thực, thực phẩm tăng 22,57%; xăng, dầu các loại tăng 14,54%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 62,09%; hàng hóa khác tăng 19,53%; do nhu cầu mua sắm phục vụ đi lại của nhân dân tăng cao;…

* Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành

Trong tháng 5 là thời điểm rơi vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, với thời gian nghỉ lễ kéo dài là tiền đề để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Khách du lịch tập trung đến những địa điểm du lịch như đỉnh núi Mẫu Sơn (Cao Lộc), Hữu Liên (Hữu Lũng), homestay Dũng Nam (Bình Cằm, Mai Pha), điểm du lịch suối Mỏ Mắm, vườn quýt Hang Hú (Bắc Sơn), thác Bản Khiếng (Lộc Bình), khu du lịch sinh thái thác Đăng Mò (Bình Gia) ... đã tạo điều kiện cho phát triển ngành dịch vụ trên địa bàn.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 5/2025 ước đạt 276,9 tỷ đồng, tăng 2,26% so với tháng trước và tăng 22,06% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 16,4 tỷ đồng, tăng 0,94% so với tháng trước và tăng 16,12% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 260,6 tỷ đồng, tăng 2,34% so với tháng trước và tăng 22,45% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 1,0 tỷ đồng, tăng 3,17% so với tháng trước và tăng 19,35% so với cùng kỳ.

Cộng dồn 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.376,2 tỷ đồng, tăng 18,47% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lữ hành cộng dồn 5 tháng đạt 4,7 tỷ đồng, tăng 12,54% so với cùng kỳ.

* Doanh thu dịch vụ khác

 Doanh thu dịch vụ khác tháng 5/2025 ước đạt 159,8 tỷ đồng, tăng 4,07% so với tháng trước và tăng 13,83% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm doanh thu dịch vụ khác ước đạt 762,3 tỷ đồng, tăng 7,75% so với cùng kỳ.

4.3. Vận tải

Dự ước tổng doanh thu vận tải, kho bãi tháng 5 đạt 241,4 tỷ đồng, tăng 11,26% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 30,6 tỷ đồng, tăng 1,03% so với tháng trước và tăng 13,43% so với cùng kỳ do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 112,3 tỷ đồng, tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 6,37% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 98,1 tỷ đồng, tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 16,65% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 0,4 tỷ đồng, tăng 1,40% so với tháng trước và tăng 27,54% so với cùng kỳ.

Dự ước tổng doanh thu vận tải, kho bãi 5 tháng đầu năm 2025 đạt 1.168,4 tỷ đồng, tăng 12,12% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 151,2 tỷ đồng, tăng 11,43%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 541,8 tỷ đồng, tăng 10,05%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 473,6 tỷ đồng, tăng 14,75%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 1,7 tỷ đồng, tăng 29,29% so với cùng kỳ.

5. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ 

5.1 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 

* Chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước: Chỉ số giá tháng 5/2025 chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tăng 0,11%. Chỉ số giá tiêu dùng giảm chủ yếu ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,20%, cụ thể:

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25% so với tháng trước, chủ yếu ở chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,28%, do giá thịt lợn tăng dưới tăng 0,89%; nhóm thịt chế biến tăng 0,47% (tăng 0,48% ở các mặt hàng thịt quay, giò, chả); nhóm dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 0,5% (dầu thực vật tăng 0,09%, mỡ động vật tăng 0,58%); chỉ số giá nhóm ăn, uống ngoài gia đình tăng 0,49%.  

Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Dịch Covid đang có xu hướng quay trở lại, nên nhu cầu mua thuốc hạ sốt, kháng viêm tăng (chỉ số giá tăng 0,36%), nhu cầu mua thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng (chỉ số tăng 0,26%). 

Nhóm bưu chính viễn thông trong tháng tăng 0,08%. Hiện nay nhu cầu sửa chữa điện thoại tăng khiến cho tiền công sửa chữa điện thoại tăng (chỉ số giá tăng 0,52%), kéo theo chỉ số giá tăng.

Nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,20%. Do giá vàng tăng, kéo theo các mặt hàng đồ trang sức tăng giá, khiến cho chỉ số giá tăng.

* Chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ: Chỉ số giá tháng 5/2025 so với cùng kỳ tăng 1,69%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng có 09 nhóm tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,38% (lương thực tăng 3,98%; thực phẩm tăng 6,98%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,42%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,16%(nhóm may mặc khác và mũ nón tăng 0,42%, nhóm dịch vụ may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,61%...); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,38%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,06%; nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 6,32%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,10%; nhóm văn hoá, giải trí, du lịch tăng 0,88%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 4,01%.02 nhóm hàng hóa giảm: Nhóm giao thông giảm 6,12%; giáo dục giảm 14,60.

* Chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng năm 2025: So với cùng kỳ tăng 1,99%, do chỉ số giá một số nhóm hàng tăng, như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,22%, (lương thực tăng 6,69%; thực phẩm tăng 6,35%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,33%), so với cùng kỳ năm trước nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng như thịt gia súc, thuỷ sản chế biến, rau tươi khô và chế biến,... nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 2,29%. Nhóm may mặc, mũ nón giầy dép tăng 0,32%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,78%. Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,34%. Thuốc và dụng cụ y tế tăng 6,38%, nhóm này có chỉ số giá tăng do giá dịch vụ y tế tăng theo Nghị quyết 28/2024/NQ -HĐND ngày 31/12/2024 của HĐND tỉnh Lạng Sơn, áp dụng từ ngày 01/01/2025. Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,03%. Nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,94%.

5.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Tháng 5/2025, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Đây là nhóm có chỉ số biến động nhiều nhất, trên xu hướng giá vàng trong nước tăng trong thời gian vừa qua, giá vàng trên địa bàn tăng 9,90% so với tháng trước, tăng 48,50% so với cùng kỳ năm trước, so với giá gốc 2019 tăng 182,02%. Chỉ số giá vàng bình quân 05 tháng năm 2025 tăng 39,89% so với cùng kỳ.

Trong tháng 5/2025, đồng đô la Mỹ tăng 0,83% so với tháng trước, tăng 2,68% so với cùng kỳ, so với năm gốc năm 2019 tăng 12,33%. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 5 tháng năm 2025 tăng 3,36% so với cùng kỳ.

6. Tài chính, ngân hàng 

6.1. Tài chính3

- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 5 năm 2025 là 1.243,8 tỷ đồng. Luỹ kế ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2025 là 5.581,4 tỷ đồng, đạt 61,3% so với dự toán Trung ương giao, đạt 56,2% so với dự toán tỉnh giao, bằng 134,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó:

Thu nội địa: 1.413,1 tỷ đồng, đạt 53,3% so với dự toán Trung ương giao, đạt 40,5% dự toán tỉnh giao, bằng 114,5% so với cùng kỳ. Do các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Kế hoạch thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025; đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế số; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 4.165,2 tỷ đồng, đạt 64,6% so với dự toán giao, bằng 142,8% so với cùng kỳ. Các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp, tích cực tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thông quan hàng hóa, kết hợp công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn khu vực cửa khẩu biên giới, thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn

Các khoản huy động, đóng góp: 3,1 tỷ đồng.

- Về chi ngân sách địa phương

Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 5 năm 2025 là 6.326,0 tỷ đồng, đạt 33,8% dự toán giao đầu năm, bằng 160,5% so với cùng kỳ,  trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 5.286,0 tỷ đồng, đạt 37% dự toán giao đầu năm và bằng 155,5% so cùng kỳ. Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 1.036,0 triệu đồng đạt 23,6% dự toán, bằng 192,3% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn, định mức. Đối với chi thường xuyên chủ yếu chi lương, các khoản có tính chất lương và chi hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Chi đầu tư chủ yếu thực hiện thanh toán vốn đối với các công trình đã có khối lượng thực hiện năm 2024 chuyển sang. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách bảo đảm đúng định mức, chế độ; thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện chi trả nợ và kiểm soát nợ công ngay trong dự toán giao đầu năm.

6.2. Ngân hàng4

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 5 tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn. Các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện các quy định về quản lý ngoại hối trên địa bàn đảm bảo cân đối ngoại tệ đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu và nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 06 địa điểm được cấp phép kinh doanh vàng miếng thuộc 03 Chi nhánh ngân hàng thương mại và 02 doanh nghiệp; có 21 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng, trang sức, mỹ nghệ; 01 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ; 03 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.

Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh ước thực hiện đến 31/5/2025 ước đạt 52.635 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2024, tăng 5,2% so với cuối năm 2024. Tổng  dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh đến 31/5/2025 ước đạt 47.610 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 11,8% so với cùng kỳ, tăng 4,5% so với cuối năm 2024.

Tình hình thực hiện lãi suất: Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mai đối với các giao dịch phát sinh mới tiếp tục duy trì ở mức thấp; tiếp tục thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

+ Về lãi suất huy động phổ biến ở mức: 0,05-0,5%/năm đối với các khoản gửi tiền không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 0,2-4,0%/năm đối với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 2,8-5,0%/nămđối với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; 4,7-5,6%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

+ Về lãi suất cho vay VNĐ: Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên là 4,0%/năm; cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh phổ biến dao động ở mức 5,0-8,0%/năm; cho vay ngắn hạn khác phổ biến ở mức 7,0-10,5%/năm; cho vay trung, dài hạn sản xuất kinh doanh phổ biến dao động ở mức 7,5-9,0%/năm; cho vay trung dài hạn khác phổ biến ở mức 8,5-13,5%/năm.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội5

Giải quyết việc làm: Thẩm định, chấp thuận 19 vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh của 05 lượt doanh nghiệp; thực hiện cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động theo quy định. Duy trì tư vấn học nghề cho người lao động, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn về kỹ năng tham gia dự tuyển về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong và ngoài nước; tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút lao động giữa Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang; tổ chức 08 phiên giao dịch việc làm online trực tuyến; tổ chức Hội nghị trao đổi, thảo luận về thực hiện giải quyết và chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và Hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại huyện Bắc Sơn.

Tổng số người được tư vấn về chính sách pháp luật lao động, việc làm, định hướng nghề và giới thiệu việc làm là 2.425 lượt người giảm 38,13% so với cùng kỳ, luỹ kế năm 2025 là 16.380 lượt người; tổng số người lao động đăng ký tìm việc làm trực tiếp 73 lượt người giảm 42,03% so với cùng kỳ, luỹ kế năm 2025 là 342 lượt người; lao động được giới thiệu việc làm: 73 lượt người giảm 39,16% so với cùng kỳ, luỹ kế năm 2025 là 318 lượt người. Người lao động được giới thiệu việc làm nhận được việc làm: 44 lượt người, giảm 64,8 % so với cùng kỳ, luỹ kế năm 2025 là 257 người.

Bảo đảm an sinh xã hội: Thực hiện chi trả trợ cấp cho 3.451 người có công và thân nhân với kinh phí 10.123 triệu đồng. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến tháng 04 là 246 hồ sơ, luỹ kế tiếp nhận và giải quyết 761 hồ sơ người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến; triển khai, phê duyệt, chuyển quà tặng của Chủ tịch nước nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm Ngày quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho 6.960 người có công và thân nhân, gia đình liệt sĩ, kinh phí 3.480 triệu đồng.

7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng6

Sở Y tế tăng cường thực hiện Cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính theo kế hoạch; thực hiện các thủ tục cấp, đổi, thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề; theo quy định; xây dựng Đề án, Phương án sắp xếp, quản lý đối với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và Trạm Y tế xã, phường theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; đảm bảo thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh; thực hiện các thủ tục cấp, đổi, thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Công tác khám, chữa bệnh: Khám chữa bệnh công lập, trong tháng, trong tháng khám được 117.966 lượt (cộng dồn đạt 515.269/1.031.687 lượt, đạt 50% kế hoạch năm); điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã đạt 13.786 lượt (cộng dồn 61.449 lượt/159/368, đạt 38,5% kế hoạch năm); điều trị ngoại trú 16.415 lượt (cộng dồn 61.620/68.228 lượt đạt 90,3% kế hoạch năm). Khám chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa ngoài công lập, trong tháng khám được 25.875 lượt (cộng dồn 78.764 lượt), trong đó khám bảo hiểm y tế 23.019 lượt (cộng dồn 69.198 lượt); chuyển tuyến 961 lượt (cộng dồn 3.460 lượt); khám sức khỏe 2.526 lượt (cộng dồn 6.748 lượt).

Công tác phòng chống dịch bệnh: Hoạt động y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh được duy trì và kiểm soát. Tháng 5 ghi nhận 54 ca sốt phát ban nghi Sởi/Rubella; tính từ đầu năm, địa bàn tỉnh ghi nhận 79 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi/Rubella, không có tử vong, không ghi nhận các ổ dịch sởi, Rubella trong cộng đồng. Tiếp tục triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi đợt 2, đợt 3 trên địa bàn toàn tỉnh. Duy trì thực hiện tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi trên 11 huyện, thành phố. Đảm bảo thực hiện nghiêm quy định, quy trình tiêm chủng, không có tai biến xảy ra trong tiêm chủng.

Công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục sức khỏe tiếp tục đẩy mạnh thông qua các hình thức truyền thông trực tiếp và gián tiếp. Trong tháng duy trì thực hiện chuyên mục “Sức khỏe cộng đồng” trên báo Lạng Sơn, chuyên mục “Sức khoẻ đời sống” trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Website Sở Y tế. Tiếp tục huy động sự tham gia, phối hợp của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh tật, ATTP, phòng chống HIV/AIDS.

7.3. Giáo dục7

Sở Giáo dục và Đào tạo Tổ chức lớp bồi dưỡng khai thác, sử dụng phần mềm tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 đối với các trường có cấp trung học phổ thông (THPT); Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên năm (GDTX) 2025; lớp bồi dưỡng công tác triển khai thí điểm học bạ số cấp trung học và GDTX; tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh năm học 2024-2025; lớp bồi dưỡng sử dụng phần mềm tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2025-2026; tập huấn, hướng dẫn triển khai thí điểm học bạ số cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên; Hội nghị sinh hoạt chuyên môn lần thứ hai, bồi dưỡng ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với giáo dục thường xuyên năm học 2024-2025;Hội thi giáo viên làm tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2025; Đại hội Thể dục thể thao ngành Giáo dục và Đào tạo lần thứ X năm 2025; thành lập Ban tổ chức, Ban giám khảo, tổ phục vụ Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật ngành giáo dục năm học 2024- 2025.

Tiếp tục triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tỉnh, văn bản hướng dẫn của ngành tới các đơn vị trực thuộc. Tình hình trật tự, an toàn giao thông, phòng chống thiên tai, phòng cháy chữa cháy tại các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý được đảm bảo.

7.4. Trật tự - An toàn giao thông8

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tổ chức thực hiện các đợt cao điểm trấn áp các loại tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Tháng 5 xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 05 người, bị thương 46 người. 

7.5. Môi trường

Trong tháng trên địa bàn tỉnh phát hiện 01 vụ vi phạm môi trường, tăng  01 vụ so với tháng trước, giảm 5,88%  so với cùng kỳ, cộng dồn 5 tháng năm 2025 là 27 vụ, giảm 21,60% so với cùng kỳ, do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân. Trong tổng số vụ vi phạm phát hiện đã xử lý lũy kế từ đầu năm đến tháng báo cáo là 15 vụ; số tiền xử phạt lũy kế từ đầu năm đến tháng báo cáo là 151,7 triệu đồng.

7.6. Thiệt hại do thiên tai: Trong tháng, trên khu vực tỉnh Lạng Sơn không xảy ra thiên tai.


[1] Nguồn: Sở nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn.

[2] Nguồn: Chi cục Hải quan Khu vực VI.

[3] Nguồn: Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn.

[4] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Khu vực 5.

[5] Nguồn : Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn.

[6] Nguồn: Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn.

[7] Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn.

[8] Nguồn: Công an tỉnh Lạng Sơn.

Tác giả bài viết: Chi cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây