1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
* Trồng trọt
Trong tháng 02, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, người dân tiến hành thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông, chủ yếu là nhóm cây rau như: bắp cải, su hào, rau cải các loại,... đến nay đã thu hoạch cơ bản xong, dung tích các hồ chứa đảm bảo đủ tưới cho sản xuất vụ Xuân năm 2025 trong phạm vi công trình thuỷ lợi. Đối với cây Lúa vụ Xuân người dân đang gieo mạ. Đồng thời, trong tháng nhân dân bắt đầu tiến hành gieo trồng các cây trồng như: ớt, thuốc lá, thạch đen; lượng giống cây trồng cơ bản đảm bảo phục vụ gieo trồng vụ Xuân. Diện tích gieo trồng ngô đến cuối tháng 02 ước đạt 418,9 ha, giảm 2,57% so với cùng kỳ; rau các loại gieo trồng ước đạt 3.113,7 ha, ước tăng 0,27%; cây thuốc lá ước tính đến nay đã gieo trồng trên 1.100 ha; ớt cay gieo trồng đạt khoảng trên 600 ha.
Diện tích gieo trồng một số cây hằng năm đến tháng 02 năm 2025 so với cùng kỳ
Giá vật tư nông nghiệp xu hướng biến động tăng với tháng trước và cùng kỳ năm trước (CKNT) như: Đạm Ure dao động từ 11.000 - 12.800 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg so với tháng trước và tăng 500 - 800 đồng/kg so với CKNT); phân Supe Lân giá dao động từ 5.280 - 9.720 đồng/kg (tương đương so với tháng trước và tăng 200 đồng/kg so với CKNT); phân NPK dao động từ 6.560 - 17.000 đồng/kg (tương đương so với tháng trước và giảm 120 - 1.200 đồng/kg so với CKNT tùy thuộc vào hàm lượng) và phân Kali giá 10.400 đồng/kg (tương đương so với tháng trước và giảm 1.900 đồng/kg so với CKNT).
* Chăn nuôi
Trong tháng trên địa bàn toàn tỉnh không có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, một số bệnh địa phương phát ra lẻ tẻ, rải rác nhưng không phát thành dịch.
Tổng số lượng đàn trâu, đàn bò toàn tỉnh ước tính thời điểm tháng 02/2025 hiện có: Đàn trâu ước đạt 52.259 con, giảm 9,82% so với cùng kỳ; đàn bò ước đạt 27.466 con, giảm 2,77% với cùng kỳ.
Tổng đàn lợn và đàn gia cầm: Tổng đàn lợn ước đạt 167.190 nghìn con, giảm 3,29% so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm chính (gồm gà, vịt, ngan) ước đạt 4.225,4 nghìn con, giảm 1,02% so với cùng kỳ (Trong đó: đàn gà ước đạt 3.554,1 nghìn con, giảm 2,33%). Xu hướng sau thời gian lễ, hội người dân tăng cường tái đàn, tiếp tục phát triển hoạt động chăn nuôi, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hàng hóa xuất bán. Đầu năm, giá thức ăn chăn nuôi nhìn chung vẫn giữ ổn định, mặc dù nhu cầu về giống vật nuôi hiện nay có xu hướng tăng đảm bảo công tác tái đàn và phát triển chăn nuôi; riêng giá lợn giống tăng nhẹ so với tháng trước (tăng 0,12%).
Số lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu thời điểm tháng 02/2025 so với cùng kỳ
1.2. Lâm nghiệp
Công tác quản lý giống cây lâm nghiệp tiếp tục được các địa phương của tỉnh thực hiện tốt, cơ bản đáp ứng nguồn cây giống phục vụ chương trình trồng rừng theo chỉ tiêu được giao và xuất bán ra thị trường các tỉnh lân cận đảm bảo chất lượng. Trong tháng, tranh thủ thời gian nông nhàn và để chuẩn bị cho vụ trồng cây đầu năm, người dân đã tiến hành phát dọn và cuốc hố sẵn sàng trồng mới khi thời tiết có mưa Xuân tăng độ ẩm cho đất và có cây con giống. Trồng rừng mới từ đầu năm ước đạt 276,2 ha.
Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 15,7 nghìn m³, tăng 7,7% so với cùng kỳ, chủ yếu là khai thác gỗ thông, keo, bạch đàn của các hộ gia đình.
Các cấp, các ngành chức năng thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết tại các vùng trên địa bàn tỉnh, kịp thời cảnh báo tới chính quyền các cấp, các chủ rừng và người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại 1,6 ha; lũy kế đến 02 tháng, đã xảy ra 02 vụ cháy với diện tích thiệt hại là 1,8 ha.
1.3. Thủy sản
Trong tháng diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, đối tượng nuôi trồng thủy sản phong phú, môi trường nuôi không bị ô nhiễm và không có dịch bệnh xảy ra. Thời tiết tháng 02, nền nhiệt vẫn thấp nên người dân chưa tiến hành nuôi thả cá giống mà chỉ tập trung nạo vét, vệ sinh ao để nuôi thả cá giống khi nhiệt độ môi trường ấm hơn trong các tháng sắp tới.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 02/2025
2.1.1. So với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2025 giảm 12,97%, cụ thể: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,48%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 24,56%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 6,88%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 1,84%.
Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,48%, trong đó: khai thác than tăng 11,44%, do nhu cầu tiêu thụ than của Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV tăng nên dự kiến tăng sản lượng sản xuất.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 24,56%. Nguyên nhân chính công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm là do tháng trước rơi vào Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng trước tết tăng nên doanh nghiệp tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sang tháng 2, doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu tiêu thụ giảm; mặt khác do bảo dưỡng máy móc và thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến khai thác nguyên liệu cho sản xuất nên sản lượng sản xuất giảm, cụ thể: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 60,24%1 (giảm chủ yếu ở sản phẩm clanke do bảo dưỡng máy móc), in, sao chép bản ghi các loại giảm 27,55%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 24,63%, sản xuất trang phục giảm 22,83%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 18,05%.
Tuy nhiên, trong công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn có nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao: Sản xuất phương tiện vận tải khác (xe máy điện, xe đạp điện) tăng 82,48%, do doanh nghiệp nhập được đủ linh kiện, dự kiến gia tăng sản xuất đảm bảo có sẵn sản phẩm cung cấp cho các đại lý.
Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất 6,88%, trong đó: điện thương phẩm giảm 8,71% (-6,44 triệu kwh), do nhu cầu điện cho sản xuất giảm; điện sản xuất tăng 10,27% (+5,73 triệu kwh) do tháng 2 Công ty Cổ phần Nhiệt điện Na Dương huy động cả 2 tổ máy sản xuất điện nên dự kiến sản lượng tăng (tháng 1 chỉ huy động 01 tổ máy).
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải có chỉ số sản xuất giảm 1,84%. Trong đó, khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 4,4%; hoạt động thoát nước và xử lý nước thải giảm 4,17%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 0,85%.
2.1.2. So với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2025 so với cùng kỳ tăng 17,65%. Nguyên nhân chính tác động chỉ số sản xuất chung tăng so với cùng kỳ do trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh có các công trình dự án lớn, nhu cầu thị trường tăng, nguồn nguyên liệu tại địa phương đảm bảo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhận được thêm đơn hàng nên tăng sản lượng sản xuất.
Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 37,15%, trong đó hoạt động khai thác than cứng và than non tăng 33,82%, do nhu cầu tiêu thụ than từ Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV tăng dẫn đến sản lượng khai thác tăng so với cùng kỳ. Khai khoáng khác (đá xây dựng) tăng 39,27%, do có nhiều dự án xây dựng lớn trên địa bàn tỉnh, sản phẩm có thị trường tiêu thụ nên tăng năng suất sản xuất so với cùng kỳ; mặt khác do năm trước Tết Nguyên đán vào tháng 2 nên thời gian sản xuất giảm, năm nay Tết chủ yếu rơi vào tháng 01, thời gian sản xuất dài hơn nên sản lượng tăng.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,79%, một số sản phẩm sản xuất tăng như: Sản xuất đồ uống tăng 9,39%, do các cơ sở sản xuất đồ uống, rượu tăng sản lượng sản xuất để phục vụ lễ hội và các hoạt động văn hóa đầu Xuân. Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 14,08%, do sản phẩm dễ tiêu thụ nên tăng sản xuất. In, sao chép bản ghi các loại tăng 19,02%, do các doanh nghiệp in nhận được nhiều đơn hàng hơn. Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 29,41%, do trong năm 2025, tỉnh có nhiều công trình, dự án xây dựng lớn, sản phẩm có thị trường tiêu thụ nên tăng năng suất sản xuất. Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 44,1%, với lợi thế về rừng trồng tại địa phương lớn, nguồn nguyên liệu sản xuất ổn định, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo đầu ra cho người dân trồng rừng. Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 57,06%, do Công ty TNHH Tuấn Anh cùng kỳ năm trước chủ yếu tiêu thụ hàng tồn kho, không sản xuất sản phẩm nên sản lượng tăng.
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất giảm do doanh nghiệp không nhận được thêm đơn hàng, cụ thể: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 31,51%, Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 25,89%.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 27,55%, do nhu cầu tiêu thụ điện của người dân tăng, trong đó: điện thương phẩm tăng 7,32%, tương đương tăng 4,6 triệu kwh; điện sản xuất tăng 32,03%, tương đương tăng 14,94 triệu kwh.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,53%: Thoát nước và xử lý nước thải tăng 3,23%; hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,19%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu giảm 0,92%.
2.1.3. Cộng dồn 02 tháng năm 2025 so với cùng kỳ
Tình hình sản xuất các ngành công nghiệp chủ yếu tỉnh Lạng Sơn 02 tháng đầu năm tăng nhẹ so với năm 2024. Cộng dồn 02 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,87%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 7,73%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,12%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 2,03%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 1,46%.
Sản phẩm chủ lực của tỉnh: Sản phẩm Xi măng Portland đen ước đạt 190,32 nghìn tấn, tăng 50,66%; clanhke xi măng dự ước đạt 93,31 nghìn tấn, tăng 114,64%; sản phẩm gỗ lạng (có độ dày không quá 6mm) ước đạt 32,9 nghìn m3, tăng 130,15%, nguồn nguyên liệu địa phương đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, danh nghiệp mở rộng quy mô nên sản lượng tăng cao.
Sản lượng điện sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là của Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV, sản lượng điện ước đạt 117,4 triệu Kwh, giảm 3,64%, do tháng 1 doanh nghiệp chỉ dùng 1 lò sản xuất nhiệt điện, mặt khác do mùa khô hạn kéo dài, mực nước sông, hồ ở mức thấp ảnh hưởng đến sản xuất thuỷ điện nên sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ. Sản lượng khai thác than của Công ty Than Na Dương ước đạt 77,79 nghìn tấn, giảm 0,63% (khoảng 0,49 nghìn tấn) do nhu cầu tiêu thụ từ công ty nhiệt điện Na Dương trong tháng 1 giảm dẫn đến sản lượng khai thác giảm.
2.2. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 02/2025 giảm 0,4% so với tháng trước và tăng 7,42% so với cùng kỳ. Chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng kỳ năm trước do sáp nhập doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất và doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất nên tuyển dụng thêm lao động.
Chia theo ngành so với cùng kỳ năm trước: Chỉ số sử dụng lao động ngành khai khoáng giảm 0,96%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,62%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,1%.
Chia theo loại hình sở hữu so với cùng kỳ năm trước: Chỉ số sử dụng lao động trong doanh nghiệp nhà nước tăng 0,75%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 13,45%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,3%.
3. Đầu tư, xây dựng
3.1. Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước
Trong tháng 02/2025, diễn ra các hoạt động của Tết cổ truyền, do đó các hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra muộn và cầm chừng. Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 02/2025 ước đạt 269,5 tỷ đồng, đạt 4,09% kế hoạch năm 2025, tăng 5,11% so với tháng trước và tăng 47,98% (+87,4 tỷ đồng) so với cùng kỳ, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 193,7 tỷ đồng, tăng 78,50% (+85,2 tỷ đồng); vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 75,8 tỷ đồng, tăng 3,01% (+2,2 tỷ đồng) so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 02 tháng năm 2025 ước thực hiện 525,9 tỷ đồng, đạt 7,99% kế hoạch năm, tăng 43,72% (+160 tỷ đồng) so với cùng kỳ, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 355,6 tỷ đồng, tăng 58,66% (+131,5 tỷ đồng); vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 170,3 tỷ đồng, tăng 20,10% (+28,5 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2024.
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh
- Dự án tuyến Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý), công trình có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 02/2025 ước thực hiện được 771,2 tỷ đồng, đạt 15,42% so với kế hoạch.
- Dự án Đường giao thông kết nối Quốc lộ 4B đến Quốc lộ 18, huyện Đình Lập: Tổng mức đầu tư 338,9 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 02/2025 ước thực hiện được 223,5 tỷ đồng, đạt 65,94% kế hoạch.
- Dự án xây dựng mở mới tuyến đường liên xã từ thị trấn Chi Lăng vào xã Y Tịch, huyện Chi Lăng, công trình có tổng mức đầu tư 164,3 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 02/2025 ước thực hiện được 56,6 tỷ đồng, đạt 34,43% so với kế hoạch.
- Dự án Kè chống sạt lở cấp bách khu vực trung tâm thị trấn Đình Lập, xã Bính Xá, huyện Đình Lập và khu vực thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 02/2025 ước thực hiện được 85,6 tỷ đồng, đạt 85,57% kế hoạch.
3.2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Từ đầu năm đến hết tháng 01/2025, có 70 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 1,41% so với cùng kỳ.
Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 659,8 tỷ đồng, giảm 24,34% so với cùng ký.
Số doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động là 219 doanh nghiệp, tăng 22,35%; số doanh nghiệp thông báo giải thể là 6 doanh nghiệp, giảm 50% so với cùng kỳ.
4. Thương mại và dịch vụ
4.1. Xuất nhập khẩu hàng hóa2
Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu diễn ra sôi động, từ ngày 25/01/2025 lối thông qua Tân Thanh – Pò Chài chính thức được khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh cho người và phương tiện chở người.
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ 13/01/2025 đến hết ngày 12/02/2025 của tất cả các loại hình XNK (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) đạt 4.674,7 triệu USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa XNK mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đạt 267,9 triệu USD (giảm 35,2% so với cùng kỳ năm trước), trong đó xuất khẩu đạt 59,7 triệu USD (giảm 43,1% so với cùng kỳ năm trước); nhập khẩu đạt 208,2 triệu USD (giảm 32,6% so với cùng kỳ năm trước).
Lũy kế từ 01/01/2025 đến hết ngày 12/02/2025, Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn của tất cả các loại hình XNK (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) đạt 6.914,5 triệu USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa XNK mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đạt 413,5 triệu USD (giảm 26,9% so với cùng kỳ năm trước), trong đó xuất khẩu đạt 90,9 triệu USD (giảm 64,5% so với cùng kỳ năm trước); nhập khẩu đạt 322,6 triệu USD (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước).
- Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng lý của 253.783 lượt hành khách xuất nhập cảnh (trong đó: khách xuất cảnh: 128.738 lượt, khách nhập cảnh: 125.045 lượt).
4.2. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
* So với tháng trước
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 02/2025 ước tính đạt 3.073,5 tỷ đồng, giảm 3,05%. Hầu hết các mặt hàng đều giảm so với tháng trước do trong tháng vào thời điểm sau Tết nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, trong đó: Nhóm lương thực, thực phẩm giảm 2,08%; nhóm hàng may mặc giảm 7,47%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 3,47%; nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 1,74%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng giảm 4,88%; nhóm ô tô con (loại 9 chỗ ngồi trở xuống) giảm 1,62%; nhóm phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) giảm 4,59%; nhóm xăng dầu các loại giảm 0,55%; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) giảm 1,05%; nhóm dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 12,66%.
Bên cạnh những nhóm hàng hóa giảm cũng có những nhóm hàng hóa tăng do nhu cầu tiêu dùng của người dân như: Nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 30,86% do trong tháng có ngày Thần Tài, nhu cầu mua vàng để cầu may tăng cao; nhóm hàng hóa khác tăng 3,4%.
* So với cùng kỳ
Nhìn chung các nhóm hàng trong tổng mức bán lẻ hàng hoá đều đạt mức tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng 13,55%, cụ thể: Đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 35,23%; lương thực, thực phẩm tăng 21,07%; Ô tô các loại (loại 9 chỗ ngồi trở xuống) tăng 16,67%; nhiên liệu khác ( trừ xăng, dầu) tăng 16,48%; phương tiện đi lại (trừ ô tô , kể cả phụ tùng) tăng 13,04%; xăng, dầu các loại tăng 12,77%; gỗ và vật liệu xây dựng khác tăng 12,60%; hàng hoá khác tăng 12,16%; hàng may mặc tăng 8,85%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,87%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 6,07%; tăng ít nhất dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 1,19%.
Cộng dồn 2 tháng đầu năm 2025 doanh thu tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 6.243,7 tỷ đồng, tăng 14,05%.
4.3. Dịch vụ
4.3.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Từ ngày 21 tháng Giêng, lượng du khách đến Lạng Sơn đã tăng vọt so với ngày thường. Đặc biệt, vào các ngày cao điểm (từ 24 đến 26 tháng Giêng), hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm lễ hội; doanh thu và hoạt động của các cơ sở lưu trú, ăn uống tăng cao so với tháng trước và so với cùng kỳ.
Hình ảnh người dân và du khách tham gia lễ hội đền Kỳ Cùng – Tà Phủ
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 02/2025 ước đạt 287,7 tỷ đồng, tăng 7,33% so với tháng trước và tăng 21,68% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 16 tỷ đồng, tăng 10,26% so với tháng trước và tăng 13,36% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 271,7 tỷ đồng, tăng 7,16% so với tháng trước và tăng 22,21% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 920 triệu đồng, tăng 3,45% so với tháng trước và tăng 11,48% so với cùng kỳ.
Cộng dồn 02 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 555,8 tỷ đồng, tăng 16,92% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lữ hành cộng dồn 02 tháng đạt 1,8 tỷ đồng, tăng 9,21% so với cùng kỳ.
4.3.2. Doanh thu dịch vụ khác
Doanh thu dịch vụ khác tháng 02/ 2025 ước đạt 143,8 tỷ đồng, giảm 6,9% so với tháng trước và tăng 4,73% so với cùng kỳ. Lũy kế 02 tháng đầu năm doanh thu dịch vụ khác ước đạt 298,3 tỷ đồng, tăng 4,34% so với cùng kỳ. Trong đó, hầu hết nhóm dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ trước như: Dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 2,14%; dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 0,74%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 1,79%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 8,55%; dịch vụ khác tăng 4,6%.
4.4. Vận tải
Hoạt động vận tải tháng 02 năm 2025 duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ do hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa được đẩy mạnh; số lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch nội địa tăng so với cùng kỳ, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao vào dịp sau Tết Nguyên đán.
Dự ước doanh thu vận tải, kho bãi tháng 02 đạt 227,52 tỷ đồng, tăng 13,41 so với cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 0,56 triệu hành khách (HK), tăng 7,07% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 35,7 triệu HK.km, tăng 5,31% so với cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 0,2 triệu tấn, tăng 18,74% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 56,5 triệu tấn.km, tăng 13,55% so với cùng kỳ.
Dự ước tổng doanh thu vận tải, kho bãi 02 tháng đầu năm 2025 đạt 452,5 tỷ đồng, tăng 11,27% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 60,3 tỷ đồng, tăng 12,02%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 209,7 tỷ đồng, tăng 10,86%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 181,8 tỷ đồng, tăng 11,45%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 0,7 tỷ đồng, tăng 30,05% so với cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 1,1 triệu hành khách (HK), tăng 7,95% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 71,1 triệu HK.km, tăng 6,86% so với cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 0,4 triệu tấn, tăng 18,99% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 112,2 triệu tấn.km, tăng 12,29% so với cùng kỳ.
5. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
5.1 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 02/2025 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước; CPI 02 tháng năm 2025 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước:
* So với tháng trước:
CPI tháng 02/2025 không có biến động lớn, giá cá các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, đồ uống, dịch vụ vui chơi, giải trí…. được kiểm soát tốt do nguồn cung dồi dào; tâm lý tiêu dùng của người dân trong dịp Tết đã có nhiều thay đổi; các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý giá, cung ứng hàng hoá đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, gồm 10 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và 01 nhóm mặt hàng không biến động so với tháng trước.
- Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%. Trong đó nhóm lương thực tăng 0,13%, nhóm thực phẩm tăng 0,01%, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18%.
+ Lương thực (+0,13%)
Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,13%, chủ yếu tăng ở các mặt hàng: gạo tăng 0,16% (gạo tẻ thường tăng 0,04%, gạo tẻ ngon tăng 0,15%, gạo nếp tăng 1,15%); bột mì và ngũ cốc khác tăng 0,63% (ngô tăng 0,78%, khoai tăng 0,53%, sắn tăng 0,96%).
+ Thực phẩm (+0,01%)
Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,01%, tăng chủ yếu ở một số nhóm như: nhóm giá thịt gia súc tăng 0,22% (trong đó, thịt lợn tăng 0,22%); nhóm giá thịt gia cầm tăng 0,36% (trong đó thịt gà tăng 0,35%, thịt gia cầm khác tăng 0,39%); nhóm thịt chế biến tăng 0,01% (tăng ở các mặt hàng thịt quay, giò, chả tăng 0,1%, thịt hộp tăng 0,26%); nhóm thuỷ sản tươi sống tăng 0,39%. Trong nhóm, thịt và sản phẩm từ thịt có chỉ số tăng do đây là tháng sau Tết Nguyên đán, có nhiều lễ, hội nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là nhóm luôn có chỉ số biến động vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thiên tai, dịch bệnh và nguồn cung ứng đầu vào.
+ Nhóm ăn uống ngoài gia đình (+0,18%)
Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18%, tăng chủ yếu mặt hàng ăn ngoài gia đình tăng 0,19%, uống ngoài gia đình tăng 0,11%. Do tháng này là thời điểm của các lễ, hội diễn ra, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình của người dân tăng cao.
- Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%. Nhóm này tăng chủ yếu ở nhóm rượu bia, tăng 0,37%.
- Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%, tăng chủ yếu ở nhóm giầy dép tăng 0,24%.
- Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,46%. Nhóm này tăng chủ yếu ở nhóm hàng nhà ở, tăng 0,25%; nhóm hàng vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,84%; nhóm hàng điện sinh hoạt tăng 1,61% do trong tháng 2 nhiệt độ giảm sâu, rét đậm, rét hại nên nhu cầu sử dụng các thiết bị điện như bình nóng lạnh, điều hòa, máy sưới tăng cao.
- Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%, trong đó: Nhóm thiết bị và đồ dùng trong nhà tăng 0,05% (máy điều hoà nhiệt độ tăng 0,11%, máy giặt tăng 0,16%...), nhóm đồ dùng trong nhà tăng 0,16% (đèn điện thắp sáng tăng 0,11%; máy đánh trứng, trộn đa năng tăng 0,26%, đồ nhôm, inox tăng 1,74%...). Nhóm này luôn có biến động tăng, giảm do nhu cầu tiêu thụ của người dân và do các siêu thị, các cửa hàng, các hộ kinh doanh cá thể thay đổi chương trình khuyến mại theo nhà phân phối hoặc xả hàng để kích cầu tiêu dùng.
- Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. Nhóm này tăng chủ yếu ở mặt hàng thuốc tim mạch, tăng 0,44%, dụng cụ y tế tăng 0,2%.
- Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,28%. Nhóm này tăng chủ yếu ở một số nhóm như: Nhiên liệu tăng 0,52% (xăng tăng 0,65%) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,19% (vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,58%, vận tải hành khách bằng taxi tăng 1,07%) do tháng này là tháng sau Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại du Xuân của người dân tăng cao. Giá xăng, dầu biến động tăng, giảm theo giá nhiên liệu của thế giới.
- Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,01%. Nhóm này tăng chủ yếu ở mặt hàng máy điện thoại di động thông thường, tăng 0,03%.
- Chỉ số giá nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,03%, tăng chủ yếu ở mặt hàng dịch vụ khách sạn, tăng 1,2% do tháng này là mùa lễ, hội, đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trẩy hội nên nhu cầu sử dụng khách sạn tăng cao.
- Chỉ số giá nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,1%, tăng chủ yếu ở mặt hàng đồ trang sức, tăng 3,26% do giá vàng trong nước tăng và trong tháng 2 có ngày vía Thần Tài (10 tháng Giêng Âm lịch) và ngày lễ Valentine (14/02) nên nhu cầu mua trang sức làm quà tặng của người dân tăng cao.
- Chỉ số giá nhóm giáo dục giữ mức ổn định.
* Chỉ số giá tháng 02 năm 2025 so với cùng kỳ năm trước
Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng có 08 nhóm tăng giá và 03 nhóm giảm giá. Cụ thể:
- 08 nhóm hàng tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,1% (lương thực tăng 7,28%; thực phẩm tăng 4,77% ); đồ uống và thuốc lá tăng 2,82%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,31% (nhóm may mặc khác và mũ nón tăng 0,56%, nhóm dịch vụ may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,45%...); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,91%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,42%; nhóm thuốc và dụng cụ y tế tăng 6,41%; nhóm văn hoá, giải trí, du lịch tăng 1,07%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,7%.
- 03 nhóm giảm gồm: Nhóm giao thông giảm 2,99%, bưu chính viễn thông giảm 0,19% và giáo dục giảm 4,53%.
* Chỉ số giá 02 tháng năm 2025 so với cùng kỳ năm trước
Khu vực thành thị tăng 1,66%; khu vực nông thôn tăng 2,71%, gồm 08 nhóm tăng giá và 03 nhóm giảm giá, cụ thể:
- Chỉ số giá một số nhóm hàng tăng, như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,93% (lương thực tăng 8,06%, thực phẩm tăng 5,66%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,58%); so với cùng kỳ năm trước nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng khá cao như gạo, thịt gia súc, thuỷ sản chế biến, rau tươi khô và chế biến,... nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, bên cạnh đó một phần do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi từ những tháng giữa năm 2024, chi phí đầu vào tăng đã tác động làm tăng giá nhóm này. Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 3,56%. Nhóm may mặc, mũ nón giầy dép tăng 0,46%. Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,7%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,33%. Thuốc và dụng cụ y tế tăng 6,42% nhóm này có chỉ số giá tăng do giá dịch vụ y tế tăng theo Nghị quyết 28/2024/NQ – HĐND ngày 31/12/2024 của HĐND tỉnh Lạng Sơn, áp dụng từ ngày 01/01/2025. Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,1%. Nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 3,93%.
- Nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông giảm 1,99%, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,25%, giáo dục giảm 14,5%.
5.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Tháng 02/2025, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Trên xu hướng giá vàng trong nước tăng trong thời gian vừa qua, giá vàng trên địa bàn tăng 4,75% so với tháng trước, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước, so với giá gốc 2019 tăng 125,02%. Chỉ số giá vàng bình quân 02 tháng đầu năm 2025 tăng 36,42% so với cùng kỳ.
5.3. Chỉ số giá đô la Mỹ
Trong tháng 02/2025, đồng đô la Mỹ giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, so với năm gốc năm 2019 tăng 9,4%. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 02 tháng đầu năm 2025 tăng 3,73% so với cùng kỳ.
6. Tài chính, ngân hàng
6.1. Tài chính3
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 02 năm 2025 là 651,9 tỷ đồng, luỹ kế ước thực hiện 02 tháng đầu năm 1.603,7 tỷ đồng, đạt 17,6% so với dự toán Trung ương giao, đạt 16,1% so với dự toán tỉnh giao, tăng 29,3% so với cùng kỳ. Trong đó:
Thu nội địa: 559,0 tỷ đồng, đạt 21,1% so với dự toán Trung ương giao, đạt 16% dự toán tỉnh giao, tăng 19,9% so với cùng kỳ. Do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và du lịch, thương mại được duy trì ổn định.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 1.044,0 tỷ đồng, đạt 16,2% so với dự toán tỉnh giao, tăng 35,0% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra sôi động, thông suốt qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, hàng hóa được thông quan thuận lợi.
Các khoản huy động, đóng góp: 0,7 tỷ đồng.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 02 năm 2025
- Về chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 02 tháng năm 2025 là 2.172,0 tỷ đồng, đạt 11,6% dự toán giao đầu năm, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm. Trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 1.802,0 tỷ đồng, đạt 12,6% dự toán giao đầu năm và tăng 49,3% so cùng kỳ. Chi các chương trình mục tiêu và một số chương trình, dự án, nhiệm vụ khác là 370,0 tỷ đồng đạt 8,4% dự toán, tăng 26,8% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách địa phương được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn, định mức. Đối với chi thường xuyên chủ yếu chi lương, các khoản có tính chất lương và chi hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Chi đầu tư chủ yếu thực hiện thanh toán vốn đối với các công trình đã có khối lượng thực hiện năm 2024 chuyển sang.
Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách bảo đảm đúng định mức, chế độ; thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại ngân sách để tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, dành nguồn chi trả nợ và kiểm soát nợ công ngay trong dự toán giao đầu năm.
6.2. Ngân hàng4
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2025; chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và pháp luật về hoạt động ngân hàng, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường huy động vốn, mở rộng đầu tư tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế. Kết quả huy động vốn và cho vay ước thực hiện đến 28/02/2025: Tổng huy động vốn ước đạt 51.660 tỷ đồng, tăng 2,66% so với 31/12/2024. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 45.652 tỷ đồng, tăng 0,04% so với 31/12/2024.
Tình hình thực hiện lãi suất: Thực hiện giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm lãi suất, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đến nay, lãi suất của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được duy trì ổn định ở mức thấp phù hợp với thị trường và định hướng của NHNN.
+ Lãi suất huy động bằng VND đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng dao động ở mức 0,1 - 0,5%/năm; đối với kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng dao động từ 2,9% - 4,65%/năm; kỳ hạn từ 06 tháng trở lên ở mức 4,6-6,2%/năm. Lãi suất huy động bằng USD tối đa đối với cá nhân và tổ chức là 0%⁄/năm theo quy định của NHNN Việt Nam.
+ Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 05 lĩnh vực ưu tiên tối đa là 4,0%/năm; Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND dao động ở mức 7,0% - 10,0%/năm; Cho vay trung, dài hạn bằng VND dao động từ 9,0% - 11,0%/năm.
+ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn áp dụng mức lãi suất riêng theo quy định; lãi suất cho vay thấp nhất là 3%/năm, lãi suất cho vay cao nhất là 9%⁄năm.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội
Giải quyết việc làm: Tổng số lượt người được tư vấn về chính sách pháp luật lao động,việc làm, định hướng nghề và GTVL: 2.768 lượt người giảm 7,97% so với cùng kỳ năm 2024 (3.008 lượt người). Số NLĐ được giới thiệu việc làm nhận được việc làm: 63 lượt người, số người có quyết định hưởng TCTN là 242 người giảm 36,89% so với cùng kỳ năm 2024 (414 người), lũy kế từ đầu năm 2025 là 631 người. Số người chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp là 344 người, tăng 61,10% so với cùng kì 2024 (219 người). Thông báo chấp thuận 13 vị trí công việc được sử dụng người lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh của 04 doanh nghiệp. Cấp 08 giấy phép lao động, trong đó cấp mới 07 giấy phép lao động, cấp lại 01 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Bảo đảm an sinh xã hội: Phân bổ và chuyển 2.300 suất quà bằng tiền mặt, tổng kinh phí là 1.380 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Thực hiện chi trả trợ cấp cho gần 30.000 đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Chi nhánh Lạng Sơn thực hiện chương trình “Ấm tình mùa Xuân 2025”, trao tặng 100 xuất quà cho trẻ em khuyết tật, mồ côi, vùng sâu vùng xa, người già neo đơn, người nghèo, hộ gia đình khó khăn tại Xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng và xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn mỗi xuất 500.000 đồng, với số tiền 50 triệu đồng.
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng5
Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn; đảm bảo thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.
Công tác khám, chữa bệnh: Khám chữa bệnh công lập, trong tháng, khám được 86.040 lượt (cộng đồn được 189.610 lượt, đạt 18,4% kế hoạch), điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã được 10.467 lượt (cộng dồn được 21.942 lượt, đạt 13,8% kế hoạch năm), điều trị ngoại trú được 10.723 lượt (cộng dồn được 21.974 lượt, đạt 32,2% kế hoạch). Khám chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa ngoài công lập, trong tháng khám được 24.625 lượt (cộng dồn 52.889 lượt), trong đó khám bảo hiểm y tế 21.764 lượt (cộng dồn 46.179 lượt); chuyển tuyến 1.538 lượt (cộng dồn 2.499 lượt); khám sức khỏe 1.391 lượt (cộng dồn 4.222 lượt), trong đó, khám sức khỏe: 495 lượt (cộng dồn 1.396 lượt), khám sức khỏe lái xe 896 lượt (cộng dồn 2.826 lượt).
Trong kỳ, không ghi nhận dịch bệnh lớn xảy ra. Các bệnh truyền nhiễm như: Sởi, Thủy đậu, Tiêu chảy có số ca mắc tăng nhẹ so với cùn g kỳ năm trước nhưng đã được kiểm soát kịp thời. Đặc biệt, số ca mắc Viêm gan virus B, Cúm và Dại giảm đáng kể. Công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn được triển khai hiệu quả, đảm bảo thực hiện nghiêm quy trình và quy định an toàn tiêm chủng. Trong tháng, tỉnh đã tiêm chủng 723/809 trẻ dưới 1 tuổi, đạt 89,4%, và tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh cho 736/801 trẻ, đạt 91,9%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai tiêm đủ AT2+ đạt 87,3%.
Công tác tuyên truyền, truyền thông giáo dục sức khỏe được triển khai tích cực qua hình thức trực tiếp và gián tiếp. Các buổi tư vấn, thảo luận nhóm và tuyên truyền cộng đồng được thực hiện tại tuyến huyện, xã, giúp nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh.
7.3. Giáo dục
Tổ chức kiểm tra, đánh giá công nhận tiêu chuẩn Thư viện trường học đối với thư viện các trường: Trung học phổ thông (THPT) chuyên Chu Văn An, Trung học cơ sở &THPT Bình Độ, THPT Cao Lộc; tổ chức các hội nghị, hội thảo đảm bảo chất lượng;
7.4. Trật tự - An toàn giao thông6
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tổ chức thực hiện các đợt cao điểm trấn áp các loại tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Tháng 02 xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 04 người, bị thương 39 người.
7.5. Môi trường
Trong tháng trên địa bàn tỉnh phát hiện 04 vụ vi phạm môi trường, giảm 17 vụ so với tháng trước, do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân nên số vụ vi phạm, số tiền xử phạt trong tháng giảm; lũy kế từ đầu năm đến tháng báo cáo là 25 vụ. Trong tổng số vụ vi phạm phát hiện đã xử lý là 01 vụ, lũy kế từ đầu năm đến tháng báo cáo là 12 vụ; số tiền xử phạt 2,5 triệu đồng, lũy kế từ đầu năm đến tháng báo cáo là 86,7 triệu đồng.
7.6. Thiệt hại do thiên tai: Trong tháng, trên khu vực tỉnh Lạng Sơn không xảy ra thiên tai.
[1] Sản phẩm clanke giảm 91,59% so với tháng trước do Công ty Cổ Phần Xi Măng Đồng Bành bảo dưỡng máy móc sản xuất sản phẩm Clanhke nên sản lượng giảm. Xi măng giảm 47,68% do thiếu clankke, chỉ sử dụng tiếp clanke tồn kho để sản xuất nên sản lượng giảm.
[2] Nguồn: Cục Hải quan.
[3] Nguồn: Sở Tài chính.
[4] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn.
[5] Nguồn: Sở Y tế.
[6] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh.
Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn