Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2022

Chủ nhật - 27/03/2022 22:49
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự ước trong quý I năm 2022 tăng 6,40% so với cùng kỳ.
Năm 2022, hoạt động kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi. Mặc dù giá năng lượng tăng nhưng lạm phát tiếp tục được kiềm chế nhờ giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định và nhu cầu trong nước còn yếu. Mặc dù nền kinh tế tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu và đang phục hồi, nhưng rủi ro đã tăng cao do các ca nhiễm Omicron đang diễn ra trên cả nước và xung đột giữa Nga và Ukraine làm gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát.
Từ những ngày đầu năm 2022, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống Covid-19; vận động  người dân nâng cao ý thức, không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tụ tập đông người, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân năm 2022. Tập trung đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng mùa xuân. Chủ động chuẩn bị dự trữ đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, thuốc kháng vi rút, nhân lực sẵn sàng đáp ứng cho tình huống nếu dịch lây lan rộng; đã tổ chức tốt điều trị F0 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh công tác phòng chống dịch Covid-19, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư; kết quả tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý I năm 2022 đạt được một số kết quả như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh trong Quý I/2022 tương đối ổn định; người nông dân đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông 2021 - 2022; khẩn trương làm đất, gieo trồng vụ Xuân 2022 đảm bảo đúng thời vụ.
1.1.1 Trồng trọt
* Cây hàng năm: Tính đến trung tuần tháng 3/2022, toàn tỉnh đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích gieo trồng vụ Đông 2021 với 3.943,04 ha, giảm 15,74% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích giảm chủ yếu ở diện tích rau các loại giảm 7,83%, cây ớt cay do giá bán thấp.
- Cây lúa: Diện tích gieo trồng vụ Xuân trong quý I ước thực hiện 802,53 ha, tăng 6,98% so với cùng kỳ, diện tích trên chủ yếu trồng các huyện Hữu Lũng và Bắc Sơn.
- Cây ngô: Diện tích thu hoạch vụ Đông ước đạt 171,16 ha, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Năng suất ước 45,37 tạ/ha, tăng 3,31% so với cùng kỳ. Sản lượng ước 776,6 tấn, tăng 0,62% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng vụ Xuân trong quý I ước thực hiện 6.523,46 ha, tăng 4,01% so với cùng kỳ.
- Cây khoai lang: Diện tích thu hoạch vụ Đông ước 76,65 ha, tăng 7,22%, năng suất ước 64,8 tạ/ha, tương ứng sản lượng ước 496,69 tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng vụ Xuân trong quý I ước đạt 446,36 ha, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Giống cây khoai lang ruột vàng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cho năng suất ổn định, được trồng nhiều nhất ở huyện Lộc Bình.
- Cây mía: Diện tích thu hoạch vụ Đông ước 169,85 ha, tăng 0,95%. Sản lượng thu hoạch ước 6.139,57 tấn, tăng 1,79%  so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng vụ Xuân ước 194,42 ha so với cùng kỳ. Diện tích mía trồng nhiều ở huyện Cao Lộc.
- Cây thuốc lá: Diện tích gieo trồng được 1.998 ha, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây thuốc lá tăng là do huyện Chi Lăng năm nay bà con trồng tập trung gieo trồng ở vụ Xuân.
* Cây lâu năm: Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị kinh tế, những năm gần đây cây ăn quả được coi là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Lạng Sơn. Một trong số những loại cây ăn quả được các cấp, ngành chức năng của tỉnh định hướng, người dân đem vào trồng nhiều nhất là cây na, bưởi diễn, hồng vành khuyên, táo. Bên cạnh đó, có nhiều loại cây đang đứng trước nguy cơ thoái hóa như: Cây vải, đào Mẫu Sơn.
- Cây chuối diện tích hiện có 1.237,2 ha, giảm 5,72%, sản lượng thu hoạch 2.230,98 tấn, giảm 0,55% so cùng kỳ năm trước. Cây xoài diện tích hiện có 414 ha, tăng 0,29%. Cây dứa diện tích hiện có 258 ha, giảm 1,41%. Cây vải thiều diện tích hiện có 1.563 ha, giảm 5,25% so với cùng kỳ năm trước. Một số cây ăn quả đã già cỗi, cho năng suất thấp nên người dân chặt bỏ và những cây ăn quả giá trị sản phẩm thấp, khó tiêu thụ vì chất lượng quả kém nên giảm diện tích trồng. Cây thanh long với diện tích hiện có 106,4 ha, tăng 21,23% so với cùng kỳ và được trồng nhiều ở huyện Hữu Lũng, giống thanh long ruột đỏ thích hợp với điều kiện tự nhiên cho năng suất cao. Cây cam là 730,4 ha, tăng 2,07%, được trồng nhiều ở huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, giống cam được trồng chủ yếu là cam đường Canh, cam Vinh do cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên nên sinh trưởng, phát triển tốt, cây ra quả nhiều (30-50 quả/cây), chất lượng quả đáp ứng được nhu cầu của người dân, thị trường tiêu thụ ổn định. Cây bưởi là 1.487,1 ha, tăng 1,1%, diện tích bưởi tăng nhiều do giá trị kinh tế của quả bưởi đem lại mức thu nhập cao, bưởi diễn, bưởi da xanh được bà con trồng nhiều, giá bưởi diễn trung bình 25.000 - 30.000 đồng/quả bình quân mỗi cây từ 20 - 40 quả to đẹp và đều, hiện nay được trồng nhiều ở huyện Chi Lăng, Hữu Lũng.
- Cây công nghiệp lâu năm: Diện tích chè hiện có 400,08 ha, giảm 17,77% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng tập trung chè búp chủ yếu vùng thị trấn Nông trường Thái Bình của huyện Đình Lập, ngoài ra còn phân bố rải rác một số huyện như huyện Bình Gia, Bắc Sơn, Lộc Bình. Sản lượng chè thu hoạch ước đạt 623,08 tấn, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm trước, diện tích giảm do thị trường tiêu thụ chậm, thiếu nhân công chăm sóc, thu hoạch.

1.1.2. Chăn nuôi
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh điều kiện chăn nuôi tương đối thuận lợi, ít đợt rét đậm, rét hại. Người dân tận dụng rơm khô, cỏ khô tích trữ từ đầu vụ Đông làm thức ăn cho trâu, bò, đảm bảo trâu, bò không bị chết đói. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại đã làm chết 258 con trâu, 116 con bò, 867 con dê, 34 con lợn, 28 con ngựa.
- Tổng đàn trâu: Hiện nay, đàn trâu có xu hướng giảm do nhu cầu sử dụng sức kéo bằng gia súc giảm, mặt khác, người dân xuất bán trâu để đầu tư cho trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ước tính số đầu con trâu hiện có 70.013 con, giảm 1,36%; số con trâu xuất chuồng đạt 6.017 con, giảm 8,76% so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng ước đạt 1.444,2 tấn.
- Tổng đàn bò:  Số con hiện có 33.550 con, giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước. Số bò xuất chuồng ước 2.134 con, tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 407,65 tấn, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng đàn lợn: Số con hiện có 123.395 con, tăng 10,39% so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn phát triển tương đối ổn định, số con xuất chuồng ước 83.041 con, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hơi xuất chuồng đạt 6.228,04 tấn, tăng 5,95% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng đàn gia cầm ước 5.225,94 nghìn con, tăng 1,33% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước 4.578,2 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 14.398,5 nghìn quả.
- Dịch tả lợn châu Phi: xảy ra tại 02 hộ/ 02 thôn/02 xã/02 huyện. Tổng số con mắc bệnh là 05 con, trọng lượng 582 kg, buộc phải tiêu hủy (trong đó lợn thịt 02 con 165 kg; lợn nái, lợn đực 03 con, trọng lượng 417 kg).

1.2. Lâm nghiệp
Đối với trồng rừng tập trung: Từ đầu năm đến nay đã trồng được 3.191,08 ha, tăng 1% so với cùng kỳ, nhân dân tự trồng rừng sản xuất khi thời tiết thuận lợi.
Khai thác gỗ tròn các loại trong quý I ước 43.400 m3, tăng 8,5% so cùng kỳ. Khác thác gỗ từ đầu năm tăng cao diện tích trồng rừng sản xuất ngày càng mở rộng do trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, cây lâm nghiệp được trồng chủ yếu là keo, mỡ, bạch đàn; các cơ sở chế biến gỗ ép ngày càng tăng công suất, đáp ứng được đầu ra cho người dân tại địa phương.
Củi các loại: Ước 315.268,54 ste, giảm 0,23% so cùng kỳ. Do nhu cầu sử dụng củi đun trong sinh hoạt giảm, củi chủ yếu là tận thu từ việc phát cành từ rừng sản xuất.

1.3. Thủy sản
Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai; chuyển từ chăn nuôi quảng canh, tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa có đầu tư đạt hiệu quả kinh tế cao vì giá bán các sản phẩm thủy sản ổn định hơn so với các sản phẩm nông nghiệp khác, rủi ro thấp, dịch bệnh ít xảy ra do được áp dụng phương pháp nuôi an toàn sinh học. Tiến hành thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản vào một số hồ chứa và dự án nuôi cá lồng giống trắm cỏ, chép lai và cá thịt ghép trong ao. Diện tích nuôi cá không sử dụng lồng, bè, bể bồn đến nay ước đạt 1.285,34 ha, tương đương với cùng kỳ năm trước; sản lượng thu hoạch ước 415,02 tấn, tăng 1,13% Trong tháng Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung ứng được 42.790 con cá giống các loại (mè, trôi, trắm, chép, chim, trê, vược…) cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ước tính khai thác thuỷ sản các loại trong quý I ước đạt 34,55 tấn, tăng 1,02% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm khai thác thủy sản chủ yếu là đánh bắt ở sông, suối, hồ...

2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3/2022
2.1.1. So với tháng trước
Nhìn chung, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động trở lại, khối lượng sản phẩm tăng so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng 10,24%: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 21,07%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,28%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 8,91%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 5,98%.
Trong công nghiệp khai khoáng, ngành khai thác than cứng và than non (sản phẩm than) ước đạt 54 nghìn tấn, tăng 23,68%; khai khoáng khác (sản phẩm đá xây dựng khác) tăng 17,95%.
Các sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phần lớn có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước, do người lao động quay lại sản xuất sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, hoàn thành các đơn hàng trong tháng. Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 14,79% (Công ty cổ phần chè Thái Bình, trong tháng 01 và 02 doanh nghiệp tập trung tiêu thụ sản phẩm, sang tháng 3 đầu vụ chè dự tính bắt đầu sản xuất); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 26,07% (tăng chủ yếu ở sản phẩm Xi măng Portland đen và hạt đá mài); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 97,8%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 32,81%, tăng chủ yếu ở sản phẩm muối công nghiệp tăng 100% do nhu cầu nhập khẩu từ phía đối tác Trung Quốc tăng cao; một số sản phẩm như bật lửa ga, bóng thể thao, móc khóa… đều có xu hướng tăng trong tháng 3. Bên cạnh đó, một số sản phẩm có chỉ số giảm, như: Chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm 4,05%; sản xuất kim loại giảm 25,71% do không nhập được nguyên liệu để sản xuất; đặc biệt ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm do khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, riêng sản phẩm ăngten giảm 37,5%. 
Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng 8,91% so với tháng trước, trong đó, sản lượng điện sản xuất tăng 10,04% do nhu cầu sử dụng điện của các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng; điện thương phẩm tăng 1% so với tháng trước.
Ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,98% so với tháng 2/2022. Với hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 7,88%, thời tiết chuẩn bị sang mùa hè, nhu cầu tiêu thụ tăng; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 4,51%.

2.2.2. So với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 so với cùng kỳ tăng 11,65%. Cụ thể, công nghiệp khai thác tăng 4,34%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,7%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 4,63%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 7,43% so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp khai khoáng tăng chủ yếu ở sản phẩm đá xây dựng tăng 14,74%, việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, cùng với nhu cầu xây dựng trong dân cư tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ đá xây dựng tăng so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số tăng 21,7% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ có chỉ số sản xuất tăng 123,04%, với lợi thế kinh tế đồi rừng phát triển, nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, các cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động chế biến ván bóc tăng cao, dự ước doanh thu trong tháng 3/2022 đạt 55,33 tỷ đồng; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan so với cùng kỳ tăng 29,95%, đơn hàng gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước tăng; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 39,49%, tăng chủ yếu các sản phẩm gia công cơ khí như hoạt động hàn xì, sản xuất cửa hoa, cửa sắt trong dân cư với doanh thu từ các cơ sở cá thể trong tháng ước đạt 22,33 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 109,4%, riêng sản phẩm bật lửa ga tăng cao trên 300% do trong quý I năm 2021 sản phẩm tiêu thụ chậm và một số doanh nghiệp lớn sản xuất sản phẩm thiếu vốn để sản xuất; sản xuất đồ uống tăng 28,89% trong đó tăng cao ở sản phẩm rượu có độ cồn từ 25 độ trở lên, một số doanh nghiệp lớn sản xuất trong ngành này ký kết được đơn hàng tiêu thụ ổn định, các nhà hàng, các quán ăn đã mở cửa trở lại dẫn đến nhu cầu tiêu thụ tăng.
Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động dựa theo đơn đặt hàng, cụ thể: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất máy bơm….
Riêng ngành điện, sự tăng giảm sản lượng phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Sản lượng điện sản xuất tháng 3/2022 tăng 3,55%; điện thương phẩm tăng 14,78% so với cùng kỳ, do nhu cầu sử dụng điện phục vụ đời sống ngày càng cao. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất của các doanh nghiêp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng nên nhu cầu sử dụng điện tăng.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 7,43%. Cụ thể: Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 1,83%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 20,5%, việc nâng cấp sửa chữa đường ống, tăng công suất hoạt động của nhà máy xử lý nước thải; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 11,99%.

2.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp Quý I năm 2022
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự ước trong quý I năm 2022 tăng 6,40% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,97%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp; công nghiệp khai khoáng tăng 4,96%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,15%; cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 3,59%.
Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá cao, như: Dịch vụ sản xuất thuộc, sơ chế da do hoạt động gia công sản phẩm cho một số công ty trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trở lại, nhu cầu đặt hàng gia công tăng cao; các sản phẩm từ gỗ như gỗ dán, gỗ lạng, ván ép công nghiệp là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, trên cơ sở áp dụng khoa học, công nghệ từ khâu trồng, khai thác cho đến chế biến gỗ, các sản phẩm chế biến gỗ ngày càng đa dạng hơn, mẫu mã và chất lượng ngày càng phù hợp, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu xuất khẩu; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng cao, trong đó sản phẩm Colophan và axit nhựa cây trong quý I năm 2022 ước đạt 1.949 tấn, tăng 72,48% so với cùng kỳ, do sản lượng nhựa thông khai thác trong dân cư tăng cao (dự ước sản lượng nhựa thông khai thác tăng 19 - 20% so với cùng kỳ), đảm bảo về nguyên liệu cho hoạt động chế biến của doanh nghiệp liên tục, đáp ứng đủ cho các đơn hàng xuất khẩu; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng ở hoạt động gia công cơ khí trong các cơ sở cá thể như cơ sở sản xuất khung nhôm, cửa kính, hàn xì lợp mái tôn, hoạt động xây dựng tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng sản phẩm tăng; các hoạt động du lịch dần mở cửa, nhà hàng, quán ăn mở rộng hoạt động, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống tăng theo.

 

Sản phẩm chủ lực của tỉnh: Sản phẩm Xi măng Portland đen ước đạt 280,55 nghìn tấn, giảm 71,95 nghìn tấn so với cùng kỳ, do áp lực cạnh tranh gia tăng, sản phẩm tiêu thụ chậm, lượng tồn kho lớn. Sản lượng điện sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, dự ước trong quý I năm 2022 sản lượng điện đạt 232,41 Triệu Kwh, tăng 3,69% so với cùng kỳ; sản phẩm than của Công ty Than Na Dương tăng theo nhu cầu sản xuất điện của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương, sản lượng ước đạt 147,25 nghìn tấn, tăng 3,65%.
Để tiếp tục đà tăng trưởng trong quý II năm 2022, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp của tỉnh; đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng và phát triển thương hiệu Việt.
2.4. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2022 tăng 4,06% so với cùng kỳ; cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 3/2022 giảm 10,65% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ trong quý I năm 2022 giảm sâu ở một số ngành như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (giảm 79,44%), sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (giảm 18%), sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (giảm 63,71%) do sức cạnh tranh sản phẩm của địa phương chưa cao, đơn hàng giảm. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng  cao như: Sản phẩm Colophan và axit nhựa cây (tăng 24,99%), khuôn đúc bằng kim loại màu (tăng 27,8%), cửa ra vào bằng sắt, thép (tăng 140,1%). Chỉ số sản xuất sản phẩm tăng cao, nên chỉ số tiêu thụ tăng so với cùng kỳ.
Chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo tháng 3/2022 giảm 11,17% so với tháng trước và giảm 1,52% so với cùng kỳ. Giảm chủ yếu ở ngành sản xuất sản phẩm điện tử 72,29%; sản xuất máy bơm giảm 50,28%; sản xuất da giảm 41,3% do chỉ số sản xuất sản phẩm giảm. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng như sản xuất đồ uống tăng 133,54%; sản xuất kim loại tăng 54,21%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 38,8% do các doanh nghiệp đã chủ động tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống, sản xuất và cung cấp mặt hàng, dịch vụ mới theo nhu cầu của thị trường, thay đổi giá sản phẩm, dịch vụ và đẩy mạnh thương mại điện tử; đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài tăng.
2.5. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 3/2022 tăng 1,72% so với tháng trước và giảm 3,85% so với cùng kỳ. Cụ thể, so với cùng kỳ ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 0,24%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,37%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,60%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 13,7%. Bình quân, 3 tháng đầu năm 2022, chỉ số sử dụng lao động giảm 4,57% so với cùng kỳ năm trước.
2.6. Xu hướng sản xuất kinh doanh quý I năm 2022
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên tổng số 34 doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo hỏi về xu hướng kinh doanh. Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I/2022 so với quý trước: 12,5% doanh nghiệp đánh giá tốt lên; 40,63% doanh nghiệp giữ ổn định; 46,88% số doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Trong đó, khu vực FDI có 25% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn và 75 % giữ ổn định, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 50% đánh giá tốt lên và giữ ổn định.

3. Đầu tư, xây dựng
Năm 2022, tỉnh Lạng Sơn có 22 dự án khởi công mới được phê duyệt (gồm 16 dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương và 6 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương). Xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp nhiều tuyến đường theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Việc thúc đẩy các dự án đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022.  Một trong những nhiệm vụ trọng tâm Lạng Sơn đặt ra trong năm 2022 là đa dạng hóa các nguồn lực để tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là phát huy hình thức đối tác công tư tại các vùng khó khăn. Lạng Sơn cũng xác định tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án có tính lan tỏa như: Dự án thành phần 2, thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B kết nối với quốc lộ 18; Đường kết nối huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) với huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên)...

 

Tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh. Ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Từ đầu năm đến hết tháng 02/2022, có 74 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 1,37% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 553,86 tỷ đồng tăng 26,16% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 119 doanh nghiệp tăng 83,07%, doanh nghiệp thông báo giải thể 18 doanh nghiệp giảm 57,14% so với cùng kỳ.
3.1. Tình hình vốn đầu tư thực hiện quý I năm 2022
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 3.816,97 tỷ đồng, tăng 18,76% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện ước đạt 403,1 tỷ đồng, giảm 9,62%. Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước ước đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 238,19% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn của dân cư và tư nhân quý I năm 2022 ước đạt 3.010,64 tỷ  đồng, tăng 18,93%. Trong đó, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước thực hiện đạt 1.578,96 tỷ đồng, vốn đầu tư của khu vực dân cư đạt 1.431,68 tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quý I năm 2022 ước đạt 17,50 tỷ đồng.
 

3.2. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước
Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 03/2022 thực hiện được 143,4 tỷ đồng, đạt 5,74% so với kế hoạch năm 2022, giảm 14,3% so với cùng kỳ, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 88,8 tỷ đồng, giảm 11,42%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 54,6 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ.
 Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh quý I năm 2022 ước thực hiện 397 tỷ đồng, đạt 15,89% kế hoạch năm, giảm 9,74% so với cùng kỳ, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 234,6 tỷ đồng, giảm 9,07%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 162,4 tỷ đồng, giảm 10,69% so với cùng kỳ.
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
- Dự án cải tạo, nâng cấp đường lên Khu du lịch Mẫu Sơn, giai đoạn 2 (đoạn km6-km12) huyện Lộc Bình có tổng mức đầu tư 116,94 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 03/2022 ước thực hiện được 99,60 tỷ đồng, đạt 85,17% so với kế hoạch.
- Dự án Đường đến trung tâm xã Tân Yên (huyện Tràng Định) có tổng mức đầu tư 432,1tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 03/2022ước thực hiện được 364,87 tỷ đồng, đạt 84,43% so với kế hoạch.
- Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 - km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 03/2022 ước thực hiện được 434,69 tỷ đồng, đạt 43,98% kế hoạch.
- Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần): Công trình có tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng,lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 03/2022 ước thực hiện được 411,36 tỷ đồng, đạt 29,86% kế hoạch.

4. Tài chính, ngân hàng 
4.1. Tài chính[1]
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 3 tháng đầu năm 2022 là 2.202,44 tỷ đồng, đạt 28,4% so với dự toán Trung ương giao, đạt 28,1% so với dự toán tỉnh giao, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Quý I năm 2022, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, đa số các địa bàn huyện, thành phố đã trở thành vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam), tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh bị ảnh hưởng dẫn đến số thu nội địa giảm. Kết quả thu nội địa quý I ước thực hiện 600,6 tỷ đồng, đạt 26,7% dự toán Trung ương giao, đạt 25,6% so với dự toán tỉnh giao, bằng 78,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thu nội địa không bao gồm thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu là 444,75 tỷ đồng,  đạt 30,7% so với dự toán tỉnh giao, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra một số khoản thu chính của tỉnh đều chưa đạt tiến độ dự toán, giảm mạnh so với cùng kỳ: thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phía Trung Quốc tăng cường các biện pháp chống dịch, hạn chế  hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu dẫn đến năng lực thông quan giảm, hàng hóa nông sản bị ùn ứ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.600 tỷ đồng, đạt 29,1% so với dự toán giao, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2021. Các khoản huy động, đóng góp: 1,83 tỷ đồng, tăng 266% so với cùng kỳ năm 2021.
- Về chi ngân sách địa phương
Tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 03 tháng năm 2022 là 1.960,4 tỷ đồng, đạt 17,8% dự toán giao đầu năm, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 1.798,4 tỷ đồng, đạt 18,6% dự toán giao đầu năm và bằng 98,5% so cùng kỳ năm 2021; Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 162 tỷ đồng đạt 12,3% dự toán, bằng 74% so với cùng kỳ năm 2021. Trong chi cân đối ngân sách: Chi đầu tư phát triển là 253 tỷ đồng, đạt 20% dự toán, bằng 79,5% so với cùng kỳ năm 2021. Chi thường xuyên: 1.509 tỷ đồng, đạt 18,6% dự toán, bằng 100,5% so với cùng kỳ năm 2021.

4.2. Ngân hàng[2]
Chính sách điều hành tín dụng trên địa bàn được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế. Khả năng thanh khoản của các ngân hàng được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế và chi trả cho khách hàng, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ước thực hiện đến 31/3/2022: Tổng huy động vốn ước đạt 34.050 tỷ đồng, tăng 1,8% so với 31/12/2021. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 37.500 tỷ đồng, giảm 0,1% so với 31/12/2021.

5. Thương mại và dịch vụ
Mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương và công tác tuyên truyền phòng chống dịch  kịp thời nên các hoạt động trao đổi mua bán, sản xuất, kinh doanh thương mại vẫn hoạt động bình thường, số lượng hóa lưu thông và sức mua của người tiêu dùng tăng mạnh. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng khan hiếm hàng hoá, tăng giá đột biến, đảm bảo nguồn hàng cung ứng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Bên cạnh đó, công tác bình ổn giá trên thị trường trong dịp Tết Nguyên đán cũng được các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc theo Chỉ thị số 12/CT- BCT ngày 12/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; Chỉ thị 02/CT-BTC ngày 25/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị thường hàng hoá cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
 5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2022 dự tính đạt 1.769,5 tỷ đồng, tăng 1,07% so với tháng trước và tăng 10,13% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý I/2022 ước đạt 5.304,7 tỷ đồng, tăng 6,55% so với cùng kỳ năm trước. Có 7/12 nhóm ngành hàng tăng trên 9% còn lại các nhóm ngành hàng khác tăng bình quân ở mức từ 1-7%. Chủ yếu tăng ở các nhóm ngành hàng hóa sau: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 11,51%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,39%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 9,09%; nhóm phương tiện tăng 9,97%; nhóm xăng dầu, nhiên liệu khác tăng trên 9%; có hai nhóm ngành giảm là nhóm hàng may mặc giảm13,22% và nhóm vật phẩm văn hóa giáo dục giảm 5,17% so với cùng kỳ.

5.2. Dịch vụ
5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Doanh thu ước tính hoạt động lưu trú, ăn uống tháng 3 năm 2022 đạt 160,6 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 8,66% và so cùng kỳ tăng 18,3%. Doanh thu dịch vụ lữ hành dự tính đạt 0,9 tỷ đồng giảm 8,37% so với tháng trước và giảm 16,61% so với cùng kỳ.
Dự tính doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I năm 2022 đạt 518,6 tỷ đồng so với quý cùng kỳ năm trước tăng 16,82%; trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 14,74%; dịch vụ ăn uống tăng 16,96%. Doanh thu lữ hành dự ước cả quý I đạt 2,8 tỷ đồng tăng 8,65% so với quý cùng kỳ.
So với quý I năm trước hoạt động dịch vụ lưu trú ăn uống tăng mạnh, do sau Tết Nguyên đán các lễ hội truyền thống vẫn được diễn ra trong phạm vi cho phép thu hút lượng khách địa phương và thập phương đến thăm qua du lịch và mua sắm tương đối đông, các nhà hàng,quán ăn phục vụ nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch theo đúng quy định. Riêng hoạt động lữ hành tăng nhẹ so với cùng kỳ là do tình hình dịch bệnh của các nước trên thế giới hiện nay vẫn rất căng thẳng, do đó các tour du lịch ngoài nước chưa hoạt động trở lại, chỉ có các tour du lịch trong nước là chủ yếu và một số khách đi dự hội nghị, hội thảo đăng ký qua các trung tâm lữ hành.

5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 3 năm 2022 đạt 42,4 tỷ đồng, tăng 1,26% so với tháng trước và tăng 4,26% so cùng kỳ năm trước. Dự ước doanh thu dịch vụ trong quý I năm 2022 đạt 126,9 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hầu hết các hoạt động dịch vụ trong quý I/2022 đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhóm dịch vụ tăng mạnh nhất là dịch vụ y tế tăng 16,6% do dịch bệnh bùng phát lây nhiễm nhanh nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân đến khám tại các cơ sở y tế tăng mạnh. Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ khác như spa, thẩm mỹ, cửa hàng cắt tóc gội đầu và dịch vụ sửa chữa đồ dùng cá nhân trong tháng trước và sau Tết diễn ra bình thường chỉ có một số dịch vụ không thiết yếu đến thời điểm hiện tại vẫn đang tạm ngừng hoạt động.

5.3. Vận tải
Đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải được duy trì và vẫn theo chu kỳ hằng năm, ngay từ đầu năm 2022 khối lượng hàng hóa các tỉnh phía Nam dồn về các cửa khẩu lớn. Do đó, việc vận chuyển hàng hoá lưu thông xuât khẩu sang Trung Quốc và các nước chủ yếu bằng đường bộ và đường sắt nên doanh thu hoạt động vận tải hàng hoá có mức tăng khá; trong tháng 02 và đầu tháng 3 năm 2022, một số cửa khẩu tạm dừng hoạt động do phía Trung Quốc siết chặt công tác phòng chống dịch Covid-19, nhưng được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các ngành, các cấp có liên quan đã tìm cách tháo gỡ, khắc phục hàng hóa được thông quan trở lại. Các doanh nghiệp, cơ sở cá thể kinh doanh vận tải đã chủ động trong khai thác nguồn hàng nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động thông quan hàng hóa tại 04 cửa khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu cơ bản ổn định, lượng hàng hóa thông quan trong ngày vẫn duy trì ở mức trung bình so với cùng kỳ năm 2021.
Dự ước tổng doanh thu toàn ngành vận tải tháng 3/2022 đạt 129,86 tỷ đồng, tăng 16,57% so với cùng kỳ: Doanh thu vận tải hành khách đạt 20,41 tỷ đồng, tăng 9,98%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 74,88 tỷ đồng, tăng 8,81%; doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 34,25 tỷ đồng, tăng 44,35%; hoạt động bưu chính, chuyển phát tăng 7,11% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước quý I/2022 tổng doanh thu toàn ngành vận tải đạt 437,06 tỷ đồng, tăng 7,14% so với cùng kỳ: Vận tải hành khách đạt 60,81 tỷ đồng, tăng 4,36%; vận tải hàng hóa đạt 270,84% tỷ đồng, tăng 5,46%, hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 104,5 tỷ đồng, tăng 13,57%; hoạt hoạt động bưu chính, chuyển phát tăng 9,27% so với cùng kỳ năm 2021.

6. Chỉ số giá
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 3/2022 tăng 0,85% so với tháng trước, cụ thể:
* Nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm:
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,23%: Chủ yếu tăng ở mặt hàng thực phẩm, so với tháng trước tăng 0,4%. Trong đó, giá thịt gia súc tăng 0,37%, giá thịt gia cầm tăng 0,06%, giá quả tươi tăng 3,15% (tăng chủ yếu ở những mặt hàng quả có múi trái vụ như bưởi, cam), giá rau tươi tăng 3,44% (tăng chủ yếu ở những mặt hàng gia vị như gừng, nghệ, xả …). Nguyên nhân tăng giá do nhu cầu tiêu dùng sản phẩm của người dân tăng. Nhóm lương thực giảm 0,37%: Chỉ số giá nhóm lương thực giảm chủ yếu ở mặt hàng gạo (giảm 0,76%) do nguồn cung dồi dào. Ăn uống ngoài gia đình giảm nhẹ 0,04%: Trong tháng 3, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm nhẹ do tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu ăn uống phục vụ tại chỗ cũng hạn chế.
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,96%: biến động chủ yếu ở một số mặt hàng: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,98% do giá thép tăng cao, nguyên nhân giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá thành sản xuất của các công ty tăng theo. Giá điện sinh hoạt tăng 0,49%, do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng. Giá gas tăng 9,68% so với tháng trước, nguyên nhân do giá giao dịch gas thế giới ở mức 907,5 USD/tấn, tăng 132,5 USD/tấn so với tháng 02/2022 kéo giá gas bán lẻ trong nước tăng 42.000đ/bình. Giá dầu hỏa tăng 18,29%, do trong kỳ liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá theo diễn biến giá dầu của thế giới.
- Nhóm giao thông tăng 4,85%: Chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,85% so với tháng trước: Do trong tháng đã có 3 lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào ngày 01/3, 11/3 và  21/3:
+ Ngày 01/3, giá xăng A95 III là 27.360đ/lít (tăng 1.680đ/lít so với tháng trước); giá dầu Diezen là 21.730đ/lít (tăng 1.293đ/lít so với tháng trước). Trước những diễn biến về giá thành phẩm xăng, dầu thế giới trong thời gian gần đây và thực hiện điều hành giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quyết định về trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 220 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 250 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
+ Ngày 11/3, giá xăng A95 III là 29.310đ/lít (tăng thêm 1.950đ/lít so với kỳ ngày 01/3); giá dầu Diezen là 24.313đ/lít (tăng thêm 2.583đ/lít so với kỳ ngày 01/3). Về trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tiếp tục thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 1.000 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 750 đồng/lít, dầu diesel ở mức 1.500 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít.
+ Ngày 21/3, giá xăng A95 III là 29.103đ/lít (giảm 207đ/lít so với kỳ ngày 11/3); giá dầu Diezen là 23.778đ/lít (giảm 535đ/lít so với kỳ ngày 11/3). Về trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tiếp tục thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 50 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít..
- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,63%: Chỉ số giá nhóm hàng này tăng chủ yếu ở mặt hàng trang sức (tăng 1,31%) do ảnh hưởng giá vàng tăng.
* Nhóm hàng hóa chủ yếu có chỉ số giá giảm so với tháng trước
Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,49%: Chỉ số giá nhóm này giảm chủ yếu ở mặt hàng rượu, bia (giảm 0,6%) và mặt hàng đồ uống không cồn (giảm 1,74%), do nhu cầu tiêu dùng rượu, bia và nước ngọt giảm.

6.2. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I năm 2022 so với cùng kỳ.
CPI chung toàn tỉnh tháng 3/2022 tăng 0,15% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,77%; Nhóm may mặc, mũ nón giày dép tăng 0,19%; Nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 3,33%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,6%; Nhóm giao thông tăng 18,63%  do thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trước xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga gây nên thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm, trong khi nhu cầu xăng dầu đang tăng mạnh; ngoài ra nhóm Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,58%.
CPI chung bình quân quý I năm 2022 giảm 0,58% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 7,82%; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giamr,03%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,75%.

6.3. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ.
- Chỉ số giá vàng: Trong tháng 3/2022, giá vàng thế giới biến động mạnh hơn các tháng trước, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng, giảm theo giá thị trường thế giới. Giá vàng trong nước so với tháng trước tăng 2,96%, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,5%, so với năm gốc năm 2019 tăng 41,48%. Bình quân quý I năm 2022 chỉ số giá vàng tăng 0,41% so với bình quân cùng kỳ. Nguyên nhân do giá vàng thế giới tăng mạnh khi từ đầu năm 2022, cuộc khủng hoảng tại Ukraine leo thang. Bất chấp nỗ lực kêu gọi của các bên, Nga vẫn đang mở rộng quy mô và tấn công vào nhiều khu vực trên lãnh thổ Ukraine. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Nga mà nhiều nước trên toàn cầu, bởi các giao dịch kinh tế bị hạn chế. Chính bởi vậy, giới đầu tư lo ngại rủi ro tăng cao, nên đã đẩy mạnh mua vàng.
- Chỉ số giá đô la Mỹ: So với tháng trước tăng 0,88%, so với cùng kỳ năm trước giảm 2,13%, so với năm gốc năm 2019 giảm 1,2%. Bình quân quý I năm 2022 giá chỉ số giá đô la Mỹ giảm 1,5% so với bình quân cùng kỳ.

7. Một số tình hình xã hội
7.1. Đời sống dân cư
 Trong những tháng đầu năm 2022, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản ổn định không có biến động lớn, giá cả một số mặt hàng được bình ổn, cung ứng đầy đủ nguồn hàng chính sách và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.  Trong dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức thăm, chúc Tết các tập thể, đơn vị, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Chính sách bảo đảm an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện đồng bộ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện đầy đủ. Các chính sách về dân tộc, tôn giáo được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện, không để phát sinh những vấn đề nổi cộm về tôn giáo.
Thực hiện cứu đói cho các hộ gia đình trên địa bàn, tổng số 4.683 hộ, (15.572 nhân khẩu) với 233.580 kg gạo, kinh phí: 3.572,813 triệu đồng. Thực hiện chuyển quà của UBND tỉnh đến các gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: 1.730 hộ, tổng trị giá 1.038 triệu đồng; các đối tượng bảo trợ xã hội: 524 người trị giá 314,4 triệu đồng; Người cao tuổi: 10 người, trị giá: 6 triệu đồng; trẻ em 04 người, trị giá 2,4 triệu đồng; Thực hiện chuyển quà tặng từ tỉnh, huyện, xã và các nguồn xã hội hóa, các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, các cá nhân cho 29.193 người, trị giá quà tặng 15,489 tỷ đồng.

7.2. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội[3]
Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến ngày 10/03/2022 toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 112.914 triệu đồng, trong đó chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là 42.690 triệu đồng; Hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg: 70.223 triệu đồng.
Tổng số người được tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động, việc làm,tư vấn việc làm, bảo hiểm thất nghiệp: 949 lượt người, lũy kế từ đầu năm 4.609 lượt người. Số người được giới thiệu việc làm: 58 người; Số người nhận được việc làm: 58 người. Tổ chức 05 phiên giao dịch việc làm hàng tuần tại Trung tâm với 440 lượt người được tư vấn việc làm. Duy trì tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và thực hiện các quy trình có liên quan đến giải quyết chính sách BHTN, kết quả: Số người nộp hồ sơ hưởng BHTN: 321 người. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: 270 người. Số kinh phí chi trả trợ cấp thất nghiệp là: 3.471 triệu đồng.
Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 3.810 người có công và thân nhân với kinh phí 7.606 triệu đồng, lũy kế chi trả trợ cấp là 11.482 lượt người có công, kinh phí: 22.179 triệu đồng. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến là 160 hồ sơ, lũy kế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân: 252 hồ sơ.

7.3. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng[4]
7.3.1. Công tác y tế dự phòng
Công tác phòng chống dich Covid-19 tính đến 15h00 ngày 24/3/2022:
Trong tháng 3, các cấp, các ngành tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chủ động thực hiện chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid- 19" theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, của tỉnh. Đến nay tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tuy số ca có tăng nhưng vẫn cơ bản vẫn được kiểm soát; công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tiếp tục được tăng cường nhằm giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Đánh giá cấp độ dịch của tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế (đánh giá ngày 21/3/2022).
- Quy mô tỉnh: Cấp 1.
- Quy mô huyện: 02/11 huyện, thành phố Cấp 1 “Vùng xanh”; 01/11 huyện, thành phố Cấp 2 “Vùng vàng”; 08/11huyện, thành phố Cấp 3 “Vùng cam”.
- Quy mô xã: 25/200 xã, phường, thị trấn: Cấp 1 “Vùng xanh”; 21/200 xã: Cấp 2 “Vùng vàng”; 154/200 xã: Cấp 3 “Vùng cam”.
Tính từ ngày 01/01/2022 đến ngày 24/3/2022, toàn tỉnh ghi nhận 122.310 ca. Lũy kế toàn tỉnh từ đầu năm 2021 đến nay: 124.240 ca F0; đã khỏi bệnh 84.112 ca; tử vong 75 ca (Tỉ lệ tử vong trên số ca mắc toàn tỉnh là 0,06%; tỉ lệ tử vong trên toàn quốc là 0,5% so với tổng số ca nhiễm). Hiện còn điều trị 40.053F0, trong đó: 40.047 F0 điều trị tại tỉnh (99,99%); 05F0 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 01 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Tim Hà Nội (0,01%).
Cộng dồn tổng số liều vắc xin đã tiếp nhận: 1.643.188 liều.Lũy kế đến nay đã tiêm: 1.569.635 liều đạt 95,52% liều được cấp. Từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,84%; Tỷ lệ tiêm 2 mũi đạt 98,69%; Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại: 84,34%. Trẻ em từ 12-17 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 98,55%; mũi 2 đạt 94,79%.

7.3.2. Công tác khám chữa bệnh
Các hoạt động, chương trình y tế tiếp tục triển khai ngay từ đầu năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức trực 04 cấp, đảm bảo trực 24/24 giờ; bảo đảm đủ số thuốc chữa bệnh phục vụ Nhân dân, quản lý chặt chẽ chất lượng thuốc và giá thuốc, giá các dịch vụ y tế. Thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2022. Khám và chữa bệnh công lập cả 3 tuyến, khám được 254.104 lượt, giảm 4% so với cùng kỳ; điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã cho 29.855 lượt, giảm 1%; điều trị ngoại trú cho 37.619 lượt, tăng 3%. Khám chữa bệnh ngoài công lập được 37.864 lượt, trong đó khám bảo hiểm y tế 22.547 lượt.
7.4. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch[5]
Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch dịp đầu năm 2022 tiếp tục dừng, không tổ chức do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì vậy nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân bị hạn chế, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cùng với đó lượng khách du lịch đến Lạng Sơn trong quý I/2022 vẫn duy trì ở mức thấp.
Hoạt động Thư viện: Bổ sung sách từ nguồn biếu tặng đạt 50 tên sách, 287 bản sách; xử lý kỹ thuật sách từ các nguồn biếu tặng, xử lý sách ngoại văn. Nhập mới 80 biểu ghi cơ sở dữ liệu Báo (Tổng số 11.940 biểu ghi). Số hóa tài liệu được 600 trang. Phục vụ bạn đọc tại chỗ và lưu động với 15.600 lượt; luân chuyển 37.450 lượt sách. Tổng số lượt độc giả truy cập thư viện điện tử đạt 37.533 lượt. Thực hiện tốt công tác bàn giao sách do các nhà xuất bản biếu tặng về cơ sở.
Trong quý I năm 2022 các đội chiếu bóng lưu động thực hiện được 44/1.670 buổi chiếu, đến 09 lượt xã, 44 lượt thôn, 257 lượt nội dung tuyên truyền, phục vụ 3.617 lượt người nghe và xem. Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 và các nội dung khác đạt 359 buổi, 332 lượt xã, đạt 179.500 lượt người nghe tuyên truyền. Rạp Đông Kinh đã thực hiện 44 suất chiếu, phục vụ 378 lượt người xem.
Tổ chức thi đấu môn Bóng chuyền hơi trong khuôn khổ Đại hội TDTT tỉnh Lạng Sơn lần thứ IX năm 2022, giải Bóng đá Thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2022.
Tổng lượng khách du lịch tháng 03/2022 đạt 610.450 lượt khách.Trong đó: Khách quốc tế đạt 920 lượt khách; khách trong nước đạt 609.530 lượt khách.  Doanh thu ước đạt 213 tỷ đồng. Tổng lượng khách Quý I năm 2022 đạt 755.950 lượt khách, tăng 7,9% so với cùng kỳ, đạt 22% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó: Khách quốc tế đạt 1.640 lượt khách, giảm 82,3% so với cùng kỳ, đạt 0,3% so với kế hoạch năm 2022; Khách trong nước đạt 754.310 lượt khách, tăng 9,1% so với cùng kỳ, đạt 26% so với kế hoạch năm 2022. Doanh thu ước đạt 277 tỷ đồng, giảm 19,3% so với cùng kỳ, đạt 11% so với kế hoạch năm 2022.

7.5. Giáo dục
Hoàn thành sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2021 - 2022; sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các cơ sở giáo dục bảo đảm các điều kiện tổ chức học trực tiếp từ ngày 07/02/2022, đồng thời linh hoạt kết hợp dạy học trực tuyến theo tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 THPT đợt 2. Tiếp tục triển khai Chương trình sữa học đường cho học sinh mầm non, tiểu học công lập năm học 2021 - 2022; thực hiện hỗ trợ, phân bổ chương trình “Sóng và máy tính cho em” lần 1 được 1.150 máy tính bảng; hỗ trợ (đợt 02) bằng tiền mặt cho 07 huyện. Trong quý, công nhận 09 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tổ chức sơ kết 3 năm triển khai thực hiện đề án 904 về thí điểm triển khai giáo dục STEM trong các trường phổ thông tỉnh Lạng Sơn.
Tổ chức các Hội thi: Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp và Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh của học sinh, sinh viên năm 2021; Hội thi Giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2021-2022; Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022; Tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm học 2021-2022 tại tỉnh Lạng Sơn. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi các môn Khoa học xã hội THPT cấp tỉnh năm học 2021-2022.

7.6. Trật tự - An toàn giao thông[6]
Tháng 3 năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông đường bộ; làm 02 người chết, 01 người bị thương. Cộng dồn quý I năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông làm 6 người chết, 01 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 05 vụ (-50%), giảm 02 người chết (-25%), giảm 02 người bị thương (-66,67%). Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do phóng nhanh vượt ẩu của người điều khiển phương tiện đã không làm chủ được tốc độ.
7.7. Môi trường
Trong tháng 03, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không có vụ vi phạm môi trường được phát hiện, vì vậy không có vụ vi phạm cần phải xử lý và tiến hành xử phạt. So với tháng 03 năm 2021 cũng không có vụ vi phạm môi trường được phát hiện. Lũy kế từ đầu năm 2022 có 01 vụ vi phạm môi trường được phát hiện, xử phạt 70 triệu đồng.
7.8. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng 03, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm chết gia súc, cụ thể: Trâu 258 con; bò 116 con; dê 867 con; lợn 34 con; ngựa 28 con. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 10.000 triệu đồng. Những ngày đầu tháng 3/2022 trên địa bàn tỉnh, tình hình thời tiết ấm lên, không mưa và chưa có thiệt hại. So với tháng 03 năm 2021 không có thiệt hại do thiên tai gây ra.
 

[1] Nguồn: Sở Tài chính
[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
[3] Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
[4] Nguồn: Sở Y tế.
[5] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.
     [6] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây