Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12, quý IV và năm 2022 tỉnh Lạng Sơn

Thứ tư - 28/12/2022 22:00
Kinh tế tỉnh Lạng Sơn phục hồi đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 22.683 tỷ đồng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 7,22%.
Năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tỉnh Lạng Sơn bước vào triển khai nhiệm vụ năm 2022 trong điều kiện có một số thuận lợi cơ bản, tiếp nối kết quả thực hiện thành công “mục tiêu kép” năm 2020, 2021; đồng thời cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm; những diễn biến bất thường của thời tiết gây nhiều thiệt hại đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một số huyện; Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách ”Zero Covid” đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu và kết quả thu ngân sách của tỉnh; xung đột tại một số quốc gia đã tác động đến thị trường chung của thế giới, giá cả một số mặt hàng tăng cao, nhất là nhiên liệu, ảnh hưởng lớn tới sản xuất, đời sống của Nhân dân. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh uỷ, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện các giải pháp tích cực, đồng bộ trên các lĩnh vực, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
1.1. Tăng trưởng kinh tế
Kinh tế tỉnh Lạng Sơn phục hồi đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn[1] (GRDP) ước đạt 22.683 tỷ đồng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 7,22% (mục tiêu từ 7 - 7,5%), trong đó: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,01%, đóng góp 1,06 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp - xây dựng tăng 11,03%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm vào mức tăng chung; dịch vụ tăng 6,6%, đóng góp 3,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,53% đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả. Tiếp tục theo dõi, kiểm tra giám sát việc duy trì hoạt động của 10 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt, hỗ trợ năm 2020, 2021; hoàn thành triển khai hỗ trợ 05 chuỗi giá trị mới; cấp 04 giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Công tác cấp mã số vùng trồng được đẩy mạnh thực hiện, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Các sản phẩm OCOP có nhiều chuyển biến tích cực về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất, chế biến cũng như mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc, đã công nhận mới 34 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm được chứng nhận OCOP lên 94 sản phẩm. Tích cực tham gia các Hội chợ, Chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá các loại sản phẩm nông, lâm sản đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn. Sản xuất nông, lâm nghiệp có sự chuyển biến tích cực về cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích các loại có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ tốt.
Khu vực công nghiệp - xây dựng :  Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 ước tăng 7,09%. Sản lượng 9/13 sản phẩm công nghiệp chủ yếu hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đã ban hành quyết định thành lập Cụm công nghiệp Bắc Sơn 2; đang thực hiện quy trình lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thành lập các Cụm công nghiệp Đình Lập, Na Dương 2, Văn Lãng, Quảng Lạc; tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đẩy nhanh thực hiện quy trình, thủ tục thành lập Khu công nghiệp Hữu Lũng. 
Khu vực dịch vụ: Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát đã thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi, diễn ra sôi động hơn so với cùng kỳ, công tác bình ổn giá được thực hiện tốt, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước 24.451,4 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch, tăng 15,03% so với cùng kỳ. Tổ chức thành công Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lạng Sơn 2022). Hoạt động vận tải cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, tổng doanh thu vận tải 1.984 tỷ đồng,  tăng 17,73% so với cùng kỳ. Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục được cải thiện, nâng cao chất lượng, doanh thu đạt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch có sự phục hồi khởi sắc, tổng lượng khách du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên lượng khách quốc tế còn hạn chế do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ước đạt khoảng 3,5 triệu lượt khách. Tổ chức khởi công và triển khai dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; khởi động lại Dự án đầu tư Khách sạn sân golf Hoàng Đồng - Lạng Sơn với nhiều hoạt động đặc sắc thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư tiềm năng, trong đó nổi bật là tổ chức thành công Lễ hội Kỳ Hoa tỉnh Lạng Sơn năm 2022.
1.2. Cơ cấu kinh tế
Quy mô GRDP theo giá hiện hành ước tính đạt 41.487 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng: nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,1%, công nghiệp - xây dựng 24,4%, dịch vụ 49,98%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,52%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 51,72 triệu đồng, tương đương 2.155,1 USD.
2. Tài chính, ngân hàng       
2.1. Tài chính[2]
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Công tác quản lý, điều hành ngân sách nhà nước được tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách ưu đãi theo quy định để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, kích cầu và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế, thu nội địa đạt kết quả tích cực, cao hơn chỉ tiêu được giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chưa đạt do chính sách phòng, chống Covid-19 của phía Trung Quốc. Với các nỗ lực, cố gắng trong công tác thu ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước hoàn thành dự toán giao đầu năm, ước đạt 7.910 tỷ đồng, đạt 100,76% dự toán, giảm 27,72% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 2.908 tỷ đồng, đạt 123,74% dự toán, giảm 9,76%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.000 tỷ đồng, đạt 90,91% dự toán, giảm 35,19%, các khoản huy động, đóng góp 1,87 tỷ đồng.
 
Thu ngân sách nhà nước năm 2022
- Về chi ngân sách địa phương
Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách, điều hành ngân sách, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương bảo đảm đúng quy định, định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Dự ước tổng chi ngân sách địa phương là 13.822 tỷ đồng, đạt 115,06% dự toán, tăng 9,22% so với cùng kỳ, trong đó chi cân đối ngân sách địa phương 9.983,54 tỷ đồng, đạt 103,31% dự toán, tăng 2,94%; chi các chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung có mục tiêu 1.979,19 tỷ đồng, đạt 84,25% dự toán, tăng 78,59%.
Chi ngân sách nhà nước năm 2022
2.2. Ngân hàng[3]
Tình hình kinh tế đang trong thời kỳ phục hồi sản xuất, kinh doanh, hoạt động thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và các nhiệm vụ, chính sách có liên quan, tăng cường huy động vốn để đáp ứng vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện có hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; chấp hành nghiêm các quy định về lãi suất, quản lý ngoại hối; chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt góp phần thực hiện chuyển đổi số... Hoạt động ngành ngân hàng ổn định và an toàn, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế xã hội địa phương. Ước thực hiện đến ngày 31/12/2022, tổng huy động vốn đạt 36.250 tỷ đồng, tăng 8,4% so với 31/12/2021.
Các ngân hàng trên địa bàn chủ động rà soát, nắm bắt tình hình kinh doanh của khách hàng, áp dụng kịp thời các biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ kịp thời cho khách hàng; tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dư nợ tín dụng đạt 39.520 tỷ đồng, tăng 5,3% so với 31/12/2021.
3. Chỉ số giá
3.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 12/2022
* So với tháng trước: CPI tháng 12/2022 giảm 0,23%. Trong 11 nhóm mặt hàng chính, có 7 nhóm hàng tăng, 2 nhóm hàng giảm và các nhóm hàng còn lại không thay đổi so với tháng trước. Trong đó biến động của một số nhóm mặt hàng chủ yếu:
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,47%. Trong nhóm, giá thịt gia súc, gia cầm tháng này giảm hơn so với tháng trước, gia súc giảm 0,96%, gia cầm giảm 0,31%, riêng giá thịt lợn giảm 1,09%, gà giảm 0,32%; thịt chế biến giảm 2,73% là do nguồn cung ứng dồi dào hơn. Giá thịt gia cầm giảm nên các sản phẩm giá trứng các loại cũng giảm 0,29%; giá rau tươi, khô và chế biến tháng này giảm 0,39%, đây là nhóm luôn có biến động nhiều nhất. Nhóm lương thực tăng 0,17%, chủ yếu tăng ở mặt hàng gạo tẻ thường và gạo nếp.
- May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,31%, tăng nhẹ ở một số mặt hàng như giầy dép, khăn choàng, tất các loại, quần áo may sẵn ...
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,08%: Chỉ số giá của một số mặt hàng trong nhóm có sự biến động tăng, giảm như sau: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,34%, giá nước sinh hoạt tăng 2.74%, giá điện sinh hoạt tăng 4,98%, gas và các loại chất đốt khác tăng 2,93%.
- Nhóm giao thông giảm 2,87%. Trong đó, chỉ số giá nhóm mặt hàng nhiên liệu giảm 7,47% so với tháng trước: Do trong tháng thực hiện điều chỉnh giá xăng, dầu vào các kỳ, cụ thể: Ngày 01/12, điều chỉnh xăng RON 95 giảm 1.083 đồng/lít xuống mức 22.701 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 992 đồng/ lít xuống mức 21.679 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.855 đồng/lít xuống mức 23.213 đồng/lít, dầu hoả giảm 1078 đồng/lít xuống mức 23.562 đồng/lít, dầu mazut giảm 823 đồng/kg xuống mức 13.953 đồng/kg; Ngày 12/12, điều chỉnh giá xăng RON 95 giảm 1.504 đồng/lít xuống mức 21.200 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 1.333 đồng/lít xuống mức 20.346 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.543 đồng/lít xuống mức 21.670 đồng/lít, dầu hoả giảm 1.661 đồng/lít xuống mức 21.901 đồng/lít, dầu mazut: giảm 937 đồng/kg xuống mức 13.016 đồng/kg;  Ngày 21/12, thực hiện điều chỉnh giá xăng RON 95 giảm 493 đồng đồng/ lít xuống mức 20.707 đồng/lít, xăng E5 RON 92 giảm 371 đồng/lít xuống mức 19.975 đồng/lít, dầu diesel giảm 69 đồng/lít xuống mức 21.601 đồng/lít, dầu hoả giảm 65 đồng/lít xuống mức 21.836 đồng/lít, dầu mazut giảm 153 đồng/kg xuống mức 12.863 đồng/kg.
* So với cùng kỳ năm trước: chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2022 tăng 4,17%, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 7,45% (trong đó, nhóm lương thực – thực phẩm tăng 7,77%, riêng lương thực tăng 3,88%; thực phẩm tăng 8,30% và đây cũng là nhóm có biến động nhiều nhất, nhóm thịt gia súc tăng 21,91%; gia cầm tăng 5,63% ); Nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 2,35%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,75%; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,57%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,89%; Nhóm giáo dục tăng 14,57%; Nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 9,71%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,26%.
Chỉ số giá tiêu dùng các tháng năm 2022
so với cùng kỳ năm trước
Riêng nhóm giao thông giảm 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Do thị trường xăng dầu thế giới trong năm 2022 chịu tác động của nhiều yếu tố như: lo ngại về nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng gia tăng, nhu cầu nhiên liệu suy yếu trong bối cảnh Mỹ có khả năng tăng lãi suất; việc áp dụng giá trần đối với dầu của Nga chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12; việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19... Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen, nhưng giá dầu thế giới nhìn chung là giảm. Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng liên tục tăng cao nhưng từ tháng 7 đến tháng 10 giá liên tục đi xuống với biên độ cao. Thực tế là giá vốn cao còn giá bán ở mức thấp đã kiến xã danh nghiệp kinh doanh bị lỗ, dẫn tời thiếu hụt xăng xầu ở một số thời điểm.
Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước
3.2. Bình quân 12 tháng năm 2022
CPI chung toàn tỉnh bình quân 12 tháng năm 2022 tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,96%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,39%; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,98%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,03%;  Nhóm Thuố và dịch vụ y tế tăng 0,02%; Nhóm giao thông tăng 10,5%; Nhóm giáo dục tăng 5,01%; Nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 3,92%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,11%.
Các nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ gồm: Nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình giảm 0,94% (Nhóm lương thực tăng 3,39%; trong nhóm, bột mì và ngũ cốc khác tăng 4,27%, lương thực chế biến tăng 6,06%, gia cầm tăng 2,77%; Nhóm thực phẩm giảm 2,44%; Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,36%) và Nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,22%.
3.3. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
- Chỉ số giá vàng: Trong tháng 12/2022, giá vàng thế giới biến động tăng – giảm mạnh hơn các tháng trước, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng – giảm theo giá thị trường thế giới. Giá vàng trong nước so với tháng trước tăng 1,0%, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,8%, so với năm gốc năm 2019 tăng 41,61%. Bình quân 12 tháng năm 2022 chỉ số giá vàng tăng 3,73% so với bình quân cùng kỳ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ: so với tháng trước giảm nhẹ 0,4%, so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 5,11% và so với năm gốc năm 2019 tăng 6,10%. Bình quân 12 tháng năm 2022 giá chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,34% so với bình quân cùng kỳ.
4. Đầu tư, xây dựng
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm và biến động giá xăng dầu, một số nguyên vật liệu tăng cao; cùng với diễn biến bất thường của thời tiết là những khó khăn không nhỏ trong công tác thực hiện đầu tư, triển khai xây dựng trong năm 2022. Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA; quyết liệt triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022. Chính quyền địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, xây dựng chính sách hỗ trợ, bồi thường tái định cư; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí xác định dự án trọng điểm; tăng cường quản lý công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện trong năm đã hoàn thành đưa vào sử dụng một số công trình, hạng mục công trình, như: Công trình, dự án thành phần thuộc Chương trình mở  rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả  (cải tạo, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Tri  Lễ và Yên Phúc thuộc huyện Văn Quan, xã Lâm Ca thuộc huyện Đình Lập); dự  án xây dựng phòng ở cho học sinh nội trú Trường phổ thông dân tộc nội trú  THCS&THPT huyện Lộc Bình; dự án trụ sở Thanh tra giao thông vận tải; dự án nhà giảng đường Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ; hạng mục nhà chính dự  án trụ sở làm việc Công an tỉnh; hỗ trợ giải phóng mặt bằng Hồ chứa nước Bản Lải. Đặc biệt, một số dự án khởi công mới có tiến độ thực hiện tốt, hoàn thành ngay trong năm 2022, như: Dự án cải tạo sửa chữa  đường tỉnh ĐT. 239 (Pác Ve - Điềm He, huyện Văn Quan) đoạn từ Km15+700 đến Km23+500; dự án cải tạo nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.
4.1. Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước thực hiện 2.977,2 tỷ đồng, tăng 5,28% so với cùng kỳ, đạt 89,12% so với kế hoạch, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.671,7 tỷ đồng, giảm 11%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 1.305,5 tỷ đồng, tăng 37,47%. Tốc độ giải ngân năm 2022 chậm so với năm 2021, đến hết năm nguồn vốn  giải ngân thấp tập trung vào nhóm dự án vốn nước ngoài (ODA), một số dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng phát sinh đơn thư, của các hộ dân về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Nhu cầu nguồn lực để thực hiện 03 chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh là rất lớn, trong khi đó nguồn vốn phân bổ hỗ trợ còn hạn chế, phạm vi, địa bàn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo quy định không được trùng lặp với 02 chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững do đó khó khăn cho các địa phương trong việc lập, xây dựng kế hoạch.
4.2. Tình hình vốn đầu tư thực hiện
Kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cả năm 2022 tăng 19,03% so với cùng kỳ, nguyên nhân tăng chủ yếu do nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, các dự án lớn được được cấp phép đang khẩn trương đầu tư xây dựng như: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông với dự án Nhà máy chế biến hoa hồi Lạng Sơn ở huyện Văn Quan, tổng mức đầu tư 1.133,4 tỷ đồng; Công ty TNHH đầu tư hữu nghị Phúc Khang với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc khu phi Thuế quan tổng mức đầu tư 722,3 tỷ đồng; Công ty TNHH mặt trời Mẫu Sơn với dự án Quần thể khu sinh thái cáp treo Mẫu Sơn tổng mức đầu tư 3.499 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát với dự án Khu đô thị mới Mai Pha, thành phố Lạng Sơn tổng vốn đầu tư 3.380 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hoàng Dương với dự án Khu đô thị Phú Lộc I + II tổng mức đầu tư 877 tỷ đồng; Công ty cổ phần may Diêm - Sài Gòn với dự án Khu đô thị phía đông thị trấn Đồng Mỏ tổng mức đầu tư 1.554 tỷ đồng; Công ty liên doanh TNHH phát triển mới An Khánh với dự án khách sạn, sân golf Hoàng Đồng tổng mức đầu tư 1.057 tỷ đồng... Các dự án lớn triển khai sẽ mang lại cho thành phố Lạng Sơn một tổ hợp công trình có chất lượng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội.
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh quý IV ước đạt 6.661,6 tỷ đồng, tăng 19,17% so với cùng kỳ, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện ước đạt 1.695,8 tỷ đồng, tăng 8,74%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngoài Nhà nước quý IV năm 2022 ước đạt 4.922,5 tỷ đồng, tăng 22,83%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 43,3 tỷ đồng. Phân theo khoản mục đầu tư, đầu tư xây dựng cơ bản quý IV năm 2021 ước đạt 5.701,6 tỷ đồng, chiếm 85,59%; đầu tư mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất không qua xây dựng cơ bản ước đạt 523,3 tỷ đồng, chiếm 7,86%; vốn đầu tư sửa chữa lớn nâng cấp tài sản cố định ước đạt 436,7 tỷ đồng, chiếm 6,56%.
Dự ước vốn đầu tư thực hiện năm 2022 đạt 20.395 tỷ đồng, tăng 19,03% so với cùng kỳ. Phân theo nguồn vốn: Vốn Nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.698,9 tỷ đồng, tăng 11,46% so với cùng kỳ. Vốn ngoài Nhà nước 15.552,3 tỷ đồng, tăng 21,08% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  143,9 tỷ đồng. Trong tổng số vốn thực hiện phân theo khoản mục đầu tư, đầu tư xây dựng cơ bản cả năm 2022 ước đạt 17.207,9 triệu đồng, chiếm 84,37%.
4.3. Tình hình triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm
Ngay sau khi được giao kế hoạch vốn, các chủ đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, chủ động triển khai thực hiện dự án và xây dựng kế hoạch thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án chuyển tiếp triển khai thực hiện theo tiến độ được phê duyệt. Các dự án khởi công mới gồm: 19/19 dự án hoàn thành phê duyệt đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm 2022; 17/19 dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt; 02/19 dự án có tiến độ thực hiện trong năm còn chậm, hoàn thành phê duyệt dự án trong quý IV/2022. Các dự án chuẩn bị đầu tư đã hoàn thành thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư 06/19 dự án; 10/19 dự án hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư; 03/19 dự án bố trí thực hiện từ nguồn vốn khác, dừng thực hiện hoặc vướng mắc về quy hoạch chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đối với vốn nước ngoài có 03/07 dự án có khối lượng thực hiện nhưng tiến độ nghiệm thu, thực hiện thủ tục rút vốn chậm; 04/07 dự án thực hiện hồ sơ trình điều chỉnh dự án, gia hạn dự án, tiến độ thi công chậm do vướng giải phóng mặt bằng tại một số địa điểm, giá các nguyên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng mưa nhiều trong các tháng 4, 5/2022..., phải thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2022.
- Dự án cải tạo, nâng cấp QL4B (đoạn Km3+700 - Km18) thực hiện cơ bản đáp ứng tiến độ, đang thi công đào, đắp nền đường, công trình thoát nước; đến hết năm 2022 hoàn thành 60% khối lượng nền đường và 6/8 công trình cầu.
- Dự án hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (ODA) thực hiện chậm so với tiến độ: đã hoàn thành và tạm bàn giao tiểu dự án Hệ thống cấp nước sinh hoạt liên xã Cường Lợi và thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập; đang thi công xây dựng 03 tiểu dự án gồm: giao thông thuộc hợp phần 1, 01 tiểu dự án nước sạch thuộc hợp phần 2. Hợp phần 3 đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư chưa khởi công. Hợp phần 4 chưa triển khai. Nguyên nhân chậm chủ yếu do khả năng huy động nhân lực, máy móc, thiết bị của nhà thầu thi công của các hợp phần 1, 2 chưa đáp ứng yêu cầu, chậm thực hiện các thủ tục đầu tư đối với hợp phần 3.
- Dự án khởi công mới: 02 dự án thực hiện cơ bản đáp ứng tiến độ (Dự án Nút giao đường cao tốc vào Khu công nghiệp Hữu Lũng, đã hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, khởi công xây dựng trong tháng 7/2022;  Dự án Khu tái định cư dân cư xã Hồ Sơn, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu tư vấn đấu thầu gói thầu thiết kế, gói thầu xây lắp trong tháng 9/2022). Dự án nâng cấp đoạn Km18 -Km80, Quốc lộ 4B, tỉnh Lạng Sơn thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thực hiện chậm so với tiến độ, do vướng mắc trong việc giao cơ quan chủ quản dự án (bất cập giữa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Giao thông đường bộ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).
5. Tình hình doanh nghiệp
Từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, có 442 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 2,64% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 4.829,4 tỷ đồng tăng 13,84% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 271 doanh nghiệp tăng 37,56%, doanh nghiệp thông báo giải thể 131 doanh nghiệp giảm 57,32% so với cùng kỳ.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên tổng số 33 doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo hỏi về xu hướng kinh doanh. Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý IV/2022 so với quý trước: 32,26% doanh nghiệp đánh giá tốt lên; 38,71% doanh nghiệp giữ ổn định; 29,03% số doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Trong đó, khu vực FDI 25% doanh nghiệp đánh giá tốt lên, 75% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất giữ ổn định; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 33,33% đánh giá tốt lên và 33,33 % giữ ổn định, 33,33% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn quý trước.

Đánh giá tình hình hoạt động xây dựng quý tiếp theo có 8,33% doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn; 60% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn, 31,67% doanh nghiệp đánh giá tình hình không đổi so với quý trước. Về chi phí hoạt động xây dựng và tình hình sử dụng lao động trong các doanh nghiệp hoạt động xây dựng, chủ yếu các doanh nghiệp nhận định về chi phí xây dựng tăng và số lượng lao động của doanh nghiệp chủ yếu ổn định; trong đó có 43,33% doanh nghiệp đánh giá tổng chi phí xây dựng tăng và 46,67% doanh nghiệp không thay đổi số lượng lao động trong quý tiếp theo. Đánh giá xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp xây dựng, kết quả cho thấy xu hướng tổng quan tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp quý IV/2022 thuận lợi hơn so với quý III/2022.
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được các cấp, các ngành của địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện: Công trình thủy lợi được nâng cấp, sửa chữa (Nhà nước hỗ trợ vật tư kỹ thuật, người dân tham gia lao động); hướng dẫn, tuyên truyền vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng của địa phương; tổ chức thăm đồng để đưa ra những giải pháp, phòng trừ, khắc phục kịp thời sâu bệnh gây hại....; Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030” tiếp tục được triển khai, sản phẩm dựa trên lợi thế về nguyên liệu của địa phương. Công tác bảo vệ thực vật, chuyển giao khoa học kỹ thật: Công tác dự tính dự báo, điều tra phát hiện dịch hại trên cây trồng đã được cơ quan chuyên môn thực hiện thường xuyên, theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình, dự báo chính xác, Kịp thời, ban hành các thông báo khuyến cáo người dân biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng trên địa bàn. Trong năm, tình hình dịch hại trên cây trồng nông nghiệp ít xảy ra, chủ yếu các đối tượng dịch hại phát sinh, gây hại có mật độ, tỷ lệ gây hại thấp; một số  đối tượng phát sinh gây hại như: rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ trên lúa Xuân, sâu keo mùa Thu hại ngô đã được điều tra phát hiện kịp thời và tổ chức chỉ đạo phòng trừ có hiệu quả, ít ảnh hưởng tới năng suất cây trồng và không gây thành dịch.
6.1. Nông nghiệp
6.1.1. Cây hằng năm
Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm toàn tỉnh thực hiện được  92.839,86 ha, tăng 0,87% so với cùng kỳ năm trước.
Cây lúa diện tích gieo trồng cả năm thực hiện được 48.128,93 ha, tăng 1,87%; năng suất đạt 43,24 tạ/ha, tăng 0,55%; sản lượng đạt 208.129,38 tấn, tăng 2,43%. Diện tích lúa vụ Đông Xuân gieo trồng  được 15.598,11 ha, tăng  3,95% , diện tích gieo trồng cây lúa tăng do thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi, có mưa lớn đảm bảo lượng nước cho việc tưới tiêu nên người dân đã đẩy nhanh tiến độ cày ải, nên diện tích gieo trồng tăng hơn so với năm trước. Năng suất lúa  đạt 51,62 tạ/ha, giảm 0,19%, do ảnh hưởng của đợt mưa to kéo dài đầu tháng 5  đã gây ngập úng diện tích lúa ở các khu vực ven sông, suối nên năng suất giảm. Sản lượng lúa đạt 80.517,34 tấn, tăng 3,75%.
Cây ngô diện tích gieo trồng được 19.186,83 ha, tăng 2,51%; năng suất đạt 50,06 tạ/ha; sản lượng đạt 96.055,48 tấn, tăng 2,48%, tăng ở sản lượng vụ Mùa. Cây ngô trong giai đoạn phát triển đã tiến hành phòng trừ sâu bệnh kịp thời, tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều gây ngập úng nên năng suất giảm.
Cây lấy củ có chất bột diện tích gieo trồng thực hiện được 3.556,65 ha, tăng 0,18% so với cùng kỳ. Cây khoai lang diện tích gieo trồng thực hiện được  1.421,05 ha, tăng 2,74%, diện tích gieo trồng tăng chủ yếu ở huyện Lộc Bình,  do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với giống khoai nghệ, sản phẩm có thương lái thu mua nên người dân mở rộng diện tích gieo trồng. Sản lượng đạt 9.604,58 tấn, tăng 4,61%. Cây sắn diện tích gieo trồng thực hiện được 1.008,12 ha, giảm 3,39%, diện tích giảm do giá trị của sắn không cao, công thu hái mất nhiều thời gian, nên bà con đã chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn như: cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp. Sản lượng đạt 9.596,29 tấn, giảm 3,28%. Cây khoai tây diện tích gieo trồng thực hiện 581,17 ha. Năng suất đạt 126,43 tạ/ha. Sản lượng đạt 7.347,53 tấn.
Cây thuốc lá diện tích gieo trồng thực hiện được 2.258,13 ha, tăng 3,37%. Thuốc lá được trồng chủ yếu ở các huyện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, giá bán trên thị trường hai năm trở lại  đây giữ mức ổn định giao động từ 50.000 -  55.000 đồng/kg, có thương lái đến tận nơi thu mua nên người dân yên tâm mở rộng sản xuất. Sản lượng đạt 4.654,64 tấn, tăng 3,1%.
Cây rau, đậu các loại và hoa: Diện tích gieo trồng thực hiện được 9.581,60 ha, giảm 3,72% so với cùng kỳ. Trong đó diện tích gieo trồng rau các loại thực hiện được 8.633,19 ha, giảm 3,12%. Năng suất đạt 124,94 tạ/ha, giảm 0,74%. Sản lượng đạt 107.859,64 tấn, giảm 3,84%. Đậu/đỗ các loại diện tích gieo trồng được thực hiện 921,18 ha, giảm 7,46%, năng suất đạt 12,59 tạ/ha,  tăng 0,26%, sản lượng đạt 1.159,90 tấn, giảm 7,21%.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm khác thực hiện được 6.601,87 ha, giảm 1,62% so với cùng kỳ. Cây gia vị hàng năm có diện tích 2.028,91 ha, giảm 14,71% so với cùng kỳ, do diện tích cây ớt cay giảm. Cây dược liệu, hương liệu hàng năm có diện tích 110,81 ha giảm 0,48%.
6.1.2. Cây lâu năm
Ước tính diện tích cây lâu năm sơ bộ năm 2022 là 50.507,32 ha, tăng 1,27% so với cùng kỳ. Trong đó diện tích cây ăn quả là 16.777,62 ha, chiếm 33,22% tổng diện tích cây lâu năm, giảm 0,99% so với cùng kỳ; diện tích cây lấy quả chứa dầu 41,17 ha; diện tích cây chè 420,6 ha, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước; cây gia vị, dược liệu lâu năm có diện tích 32.421,75 ha, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước. Cây lâu năm khác 846,18 ha, tăng 10,99% so với cùng kỳ năm trước.
Một số loại cây ăn quả chính: cây na được trồng chủ yếu ở huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng, sản lượng 36.495 tấn, tăng 3,29%, Giá trị kinh tế của quả na đem lại giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu; cây hồng được trồng nhiều ở các huyện: Văn Lãng, Cao Lộc, Chi Lăng, sản lượng ước 9.895 tấn, tăng 26,57% so với cùng kỳ. Giống hồng chủ yếu được trồng là hồng Vành Khuyên và hồng Bảo Lâm do có giá trị kinh tế, năng suất và sản lượng cao, giá cả tương đối ổn định. Cây quýt sản lượng 5.199 tấn, giảm 7,87% so với cùng kỳ. Cây quýt trồng nhiều ở các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định. Cây bưởi sản lượng 7.682 tấn, tăng 5,86%. Cây bưởi trồng chủ yếu ở huyện Chi Lăng, Hữu Lũng. Cây nhãn sản lượng 6.670 tấn tăng 9,65%. Cây vải sản lượng 10.265 tấn, giảm 7,99%. Giá vải bình quân từ 12.000-15.000 đ/kg.
Diện tích chè 420,6 ha, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích trồng chè búp là chủ yếu với 378,59 ha, giảm 5,09% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng 1.731 tấn, giảm 0,65%. Cây chè búp trồng chủ yếu ở huyện Đình Lập, Lộc Bình, Bình Gia, Bắc Sơn.
Cây hồi có diện tích 31.917,37 ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 15.547 tấn, giảm 3,04% so với cùng kỳ năm trước do diện tích cho sản phẩm và năng suất giảm. Giá bán hồi bình quân khoảng 30.000-50.000 đ/kg tươi, 150.000-180.000 đ/kg khô. Cây hồi được trồng nhiều ở các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Đình Lập.
6.1.3. Chăn nuôi
Ước tổng đàn trâu đạt 63.016 con, giảm 1,25% so với cùng kỳ năm trước. do nhu cầu sức kéo bằng gia súc được thay thế bằng máy nông nghiệp, các hộ nuôi chủ yếu là trâu để giết thịt.
Tổng đàn bò ước đạt 28.386 con, tăng 0,62% so với cùng kỳ, bò chủ yếu được nuôi để lấy thịt. Để hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế, một số chương trình đã được tổ chức và thực hiện có hiệu quả như dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã nông thôn mới và chương trình 30a hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các hộ gia đình (Đình Lập, Bình Gia), mô hình vỗ béo bò thịt chủ yếu ở các huyện Văn Quan, Tràng Định.
Ước tổng đàn lợn 179.530 con, tăng 6,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng đàn lợn thịt có 144.400 con, tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tinh cơ bản đã được kiểm soát nên các hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi chủ động tái đàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Ước tính tổng đàn gia cầm: 4.410,79 nghìn con, giảm 1,63% so với cùng năm trước. Do đàn lợn cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường, nên nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm giảm. Hiện nay, chăn nuôi gia cầm quy mô lớn đang được đầu tư phát triển, áp dụng  khoa học kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ dịch bệnh. Các cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn tập trung chủ yếu ở các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc và Đình Lập.
6.2. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới năm 2022 thực hiện được 11,04 nghìn ha, tăng 0,46% so với cùng kỳ năm trước. Những năm gần đây trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao, khâu tiêu thụ sản phẩm được đảm bảo, giúp cho người dân yên tâm mở rộng sản xuất. Diện tích trồng phân tán tăng mạnh do có dự án cấp giống cây trồng nên bà con tận dụng những diện tích cây phân tán đã khai thác từ năm trước và những diện tích đất trống, rải rác để trồng cây các loại cây lâm nghiệp.
Trong năm khai thác gỗ rừng trồng tiếp tục được các chủ rừng đẩy mạnh khai thác rừng đến tuổi bán cho các cơ sở chế biến gỗ và buôn bán gỗ rừng trồng. Sản lượng gỗ khai thác năm 2022 thực hiện 206,32 nghìn m3, tăng 22,14% so với cùng kỳ năm trước, tăng cao do các yếu tố như: Rừng trồng ngày càng được các chủ rừng quan tâm đầu tư giống và chăm sóc tốt, cây rừng phát triển nhanh, rút ngắn chu kỳ trồng rừng, chủ yếu là gỗ nhóm 4, 5, 6, 7. Sản lượng gỗ khai thác tăng do trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích rừng sản xuất ngày càng lớn; gỗ đến tuổi khai thác và nhu cầu chế biến gỗ. Sản lượng củi khai thác và tiêu thụ năm 2022 là 1.381,53 nghìn ste, tăng 5,11% so với cùng kỳ năm trước. Khai thác củi tập trung chủ yếu ở khu vực hộ cá thể, được dùng cho mục đích đun nấu và một phần được tiêu thụ trên thị trường.
Sản lượng nhựa thông khai thác được 52.374 tấn, tăng 19,03% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm nhựa thông được khai thác chủ yếu trên địa bàn huyện Đình Lập và Lộc Bình, sản lượng nhựa thông tăng cao là do nhiều rừng trồng đã đến tuổi khai thác nhựa, bên cạnh đó giá nhựa thông trong năm ổn định, giá dao động trung bình từ 28.000 – 34.000 đồng/kg nên các hộ gia đình tăng sản lượng khai thác nhựa để tạo thêm thu nhập cho gia đình.
6.3. Thủy sản
Sản lượng thủy sản khai thác 293 tấn, tăng 1,53% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá khai thác là 190 tấn, tăng 1,40% so với cùng kỳ năm trước, do mực nước trên các sông, suối, lòng hồ ổn định. Ở những huyện có nhiều sông, suối, người dân tranh thủ lúc thời vụ nông nhàn để khai thác, vừa để cải thiện bữa ăn vừa để tăng thêm thu nhập. Sản lượng khai thác thủy sản chủ yếu tập trung nhiều ở các xã có lòng hồ đập, ven sông suối như các xã: Bắc La, Thành Hòa, Bắc Hùng, Bắc Việt của huyện Văn Lãng,.... Đặc biệt, tại xã Bắc La người dân thu được nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ thủy điện Thác Xăng và đã đầu tư phương tiện đánh bắt với khoảng 63 chiếc thuyền, bè các loại phục vụ khai thác thủy sản.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong năm 1.505 tấn, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá nuôi là 1.496 tấn, tăng 0,94% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng là do phát triển mô hình nuôi cá lồng nhằm tận dụng, khai thác tối đa diện tích mặt nước đối với các loài cá truyền thống và các loài cá khác nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống của người dân nuôi trồng thủy sản. Nâng cao nhận thức của người dân thay đổi phương thức sản xuất chuyển từ khai thác thủy sản tự nhiên sang nuôi  trồng  thủy sản có chất lượng.
7. Sản xuất công nghiệp
Trong năm 2022, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina; tình hình lạm phát duy trì ở mức cao ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa, giá xăng dầu tăng đã tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ gây áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đã có những tác động làm chậm sự phục hồi của nền kinh tế; việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid” kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng; giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than điện cực, gỗ,…) tăng cao đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp làm giảm tốc độ phục hồi và phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp.
7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12/2022
7.1.1. So với tháng trước
So với tháng trước IIP tháng 12 tăng 13,13%, các đơn vị sản xuất tăng công suất, hoàn thành các đơn hàng đã ký kết trong năm. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 11,35% trong đó: than tăng 10,23%, đảm bảo đáp ứng sản lượng than cho nhu cầu sản xuất điện của nhà máy nhiệt điện trên địa bàn. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự ước tăng 13,09%,  một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoạt động hiệu quả như ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ với sản phẩm chính là ván ép công nghiệp. Ngành sản xuất và phân phối điện: Do thiếu nước các nhà máy thuỷ điện chạy công suất thấp, do vậy để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và trong dân cư nhà máy nhiệt điện tăng sản lượng. Chỉ số sản phẩm điện sản xuất dự ước tăng 16,87%, điện thương phẩm tăng 0,14%. Trong ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,27%; nhu cầu dọn dẹp nhà cửa, công trình tăng là nguyên nhân làm cho hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 10,23%.
7.1.2. So với cùng kỳ
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 năm 2022 tăng 6,19%. Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,70%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,15%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 5,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 4,08%.
Trong ngành công nghiệp khai khoáng, hoạt động khai thác than giảm12,9%; hoạt động khai thác đá tăng 7,59%
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số sản phẩm sản xuất tăng so với tháng cùng kỳ, như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có chỉ số sản xuất tăng rất cao. Sản xuất kim loại tăng 16,49%, nguyên liệu sản xuất phục vụ đủ cho nhu cầu sản xuất. Sản phẩm rượu trắng tăng cao, các nhà hàng, quán ăn và hoạt động du lịch phát triển dẫn đến nhu cầu tiêu thụ tăng. Sản phẩm in, sao chép các loại bản ghi tăng 25,53% với nguyên vật liệu đầu vào vật tư chính như giấy ổn định.
Ngành công nghiệp điện, sự tăng, giảm sản lượng phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Sản lượng điện sản xuất tháng 12/2022 giảm 6,71%; điện thương phẩm tăng 3,41% so với cùng kỳ. Ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước giảm 7,14%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 15,83%
7.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV và cả năm 2022 so với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp quý IV/2022 dự tính tăng 3,68% so với cùng kỳ, với ngành khai khoáng giảm 2,73%; ngành chế biến, chế tạo tăng 8,91%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,93%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 0,36%. Mức tăng chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung ở các sản phẩm: Dịch vụ sản xuất thuộc, sơ chế da; sản phẩm móc khoá cài; ván ép từ gỗ; bật lửa gas dùng một lần; muối công nghiệp; rượu trắng. Trong quý IV năm 2022 Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, do đó lãi suất cho vay cũng điều chỉnh tăng lên, một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khó tiếp cận vốn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất.
So với cùng kỳ IIP năm 2022 tăng 7,09%. Đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển của toàn ngành công nghiệp trong năm 2022 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với IIP ước tăng 10,25%; một số sản phẩm chính của ngành tăng cao so với cùng kỳ như: Sản phẩm sơ chế da, việc doanh nghiệp chuyển từ trực tiếp sản xuất sang nhận gia công cho các đơn vị khác ở trong nước là yếu tố làm cho chỉ số IIP ngành 15 tăng. Các sản phẩm từ gỗ như: Gỗ dán, gỗ lạng, ván ép công nghiệp, trong những năm gần đây trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao, khâu tiêu thụ sản phẩm được đảm bảo, người dân mở rộng diện tích rừng trồng sản xuất với cây trồng chủ yếu là keo, thông và bạch đàn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng ở hoạt động gia công cơ khí trong các cơ sở cá thể như cơ sở sản xuất khung nhôm, cửa kính, hàn xì lợp mái tôn, hoạt động xây dựng tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng sản phẩm tăng; các hoạt động du lịch dần mở cửa, nhà hàng, quán ăn mở rộng hoạt động, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống tăng theo. Ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng cao người dân có nguyên liệu gỗ tăng, đặt làm những sản phẩm như bàn, ghế, vật dụng từ gỗ khác tăng. Sản phẩm bật lửa ga tăng 15,26%, trong năm 2022 đã giải quyết được tình trạng thiếu vốn sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Sản phẩm chủ lực của tỉnh: Sản phẩm Xi măng Portland đen, clanhke xi măng dự ước giảm do chi phí nguyên vật liệu đầu vào (nguyên liệu than) tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng trong khi giá xuất khẩu không tăng dẫn đến lợi nhuận thấp đơn vị sản xuất cắt giảm khối lượng sản xuất. Sản lượng điện sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, dự ước trong năm 2022 sản lượng điện đạt 850,76 triệu Kwh, tăng 5,44% so với cùng kỳ; sản phẩm than của Công ty Than Na Dương tăng theo nhu cầu sản xuất điện của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương, sản lượng ước đạt trên 564,92 nghìn tấn, tăng 4,06% so với cùng kỳ.
7.3. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2022 tăng 0,75% so với cùng kỳ; cộng dồn cả năm giảm 5,08% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ trong năm 2022 giảm sâu ở một số ngành như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 52,04%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 9,04%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 28,47% do sức cạnh tranh sản phẩm của địa phương chưa cao, một số ngành thiếu nguyên liệu sản xuất.
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng  cao như: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 334,92%, in, sao chép bản ghi các loại tăng 49,76%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 151,87%. Những ngành này đều có chỉ số sản xuất trong năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ.
Chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo tháng 12/2022 giảm 10,57% so với tháng trước và giảm 14,52% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ chỉ số tồn kho giảm chủ yếu ở ngành sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất kim loại do các doanh nghiệp đã chủ động tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống. Sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất máy móc và thiết bị chưa được phân vào đâu chỉ số sản xuất giảm kéo theo chỉ số tồn kho giảm. Sản phẩm xe điện có mẫu mã và giá cả hợp lý, bên cạnh đó nhu cầu thị trường tăng, tồn kho giảm. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có chỉ số tồn kho tăng rất cao so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là năng lực các doanh nghiệp trong nước vẫn hạn chế; chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường.
7.4. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động tháng 12/2022 giảm 0,11% so với tháng trước và giảm 5,63% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm trước chỉ số sử dụng lao động giảm ở tất cả các ngành kinh tế cấp I của ngành công nghiệp, trong khi sản lượng sản xuất tăng, phản ánh mức độ thay thế con người bằng máy móc ngày càng cao cũng như việc sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động. Cụ thể, ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 0,61%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,54%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,44%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 11,5%, cùng với quá trình cổ phần hóa, Công ty cấp thoát nước Lạng Sơn cắt giảm lao động. Bình quân, cả năm 2022 chỉ số sử dụng lao động giảm 4,79% so với cùng kỳ năm trước.
8. Thương mại và dịch vụ
Năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, giảm mạnh so với cùng kỳ, do phía Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng chính sách "Zero Covid". Hoạt động XNK vẫn được duy trì ở 04 cửa khẩu: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga quốc tế đường sắt Đồng Đăng và cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Chi Ma. Tháng 12  là tháng cuối năm, do vậy các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có xu hướng thúc đẩy việc XNK hàng hóa tiêu thụ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đoán; tình hình XNK hàng hóa qua lại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh bắt đầu đi vào ổn định, lượng hàng XNK tăng trở lại dẫn đến kim ngạch hàng hóa XNK qua địa bàn tăng hơn so với các tháng trước. Kim ngạch hàng hóa XNK trong tháng đạt 4.374,1 triệu USD. Lũy kế, tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 23.849 triệu USD. Trong đó xuất khẩu mở tờ khai tại Lạng Sơn đạt 900,9 triệu USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu mở tờ khai tại Lạng Sơn đạt 1.906,9 triệu USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ[4].
Hoạt động thương mại, dịch vụ có mức tăng khá, hàng hoá giá cả ổn định đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Thị trường hàng hóa đa dạng phong phú, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và khan hiếm hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm cung ứng đầy đủ, nhất là các nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế, thiết bị phòng dịch bệnh..., các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh - trật tự an toàn xã hội được tăng cường; duy trì môi trường ổn định.
8.1. Bán lẻ hàng hóa
Tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, các hệ thống phân phối hàng hoá đảm bảo nguồn hàng cung ứng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng khan hiếm hàng hoá hoặc tăng giá đột biến.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2022 dự ước 21.728,9 tỷ đồng, tăng 14,02% so với năm trước. Nhóm lương thực, thực phẩm ước 12.053,4 tỷ đồng, tăng 17,44% so với năm trước do nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của người dân tăng. Nhóm hàng may mặc ước 2.521,6 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm trước, do nhu cầu mua sắm quần áo và các đồ dùng phục vụ cá nhân vào cuối năm của người dân... Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước 2.112 tỷ đồng, tăng 12,02% so với năm trước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhiều cửa hàng kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng đang có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để kích cầu người tiêu dùng mua sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ cho mùa đông như điều hoà, bình nóng lạnh, lò sưởi, lò vi sóng, bếp từ và các đồ dùng trang thiết bị gia đình… Gỗ và vật liệu xây dựng ước 1.609,9 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, do vào những tháng cuối năm hầu hết các công trình xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện để bàn giao do đó các mặt hàng thuộc nhóm vật liệu xây dựng tăng. Nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 17 tỷ, tăng 6,26% so với năm trước do nhu cầu mua sắm phương tiện phục vụ đi lại tăng cao. Phương tiện đi lại trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) ước đạt 434,2 tỷ đồng, tăng 9,61% so với năm trước, tăng ở mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện là chủ yếu, các mặt hàng này hiện nay rất thông dụng phổ biến.  Xăng, dầu, các loại ước 891,7 tỷ đồng, tăng 16,97% so với năm trước, do nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng nhiên liệu, xăng dầu tăng cao. Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ước đạt 557,3 tỷ đồng, tăng 10,98% so với năm trước.
8.2. Dịch vụ
8.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2022 dự ước doanh thu 2.198,1 tỷ đồng, tăng 26,62% so với năm trước: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước 120,5 tỷ đồng, tăng 18,64% so với năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống ước 2.077,6 tỷ đồng, tăng 27,12% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ lữ hành năm 2022 ước 13,5 tỷ đồng, so với năm trước tăng 47,83%.
Hiện nay, tỉnh cũng đã và đang tập trung phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại một số huyện trên địa bàn tỉnh, như: Vườn quýt Hang Hú, Mỏ mắm của huyện Bắc Sơn, Thác Đăng Mò huyện Bình Gia; Đường vành đai biên giới Bắc Xa của huyện Đình Lập, khu du lịch Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, du lịch văn hóa cộng đồng huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn và thăm quan các cửa khẩu biên giới,... Những điểm du lịch này đã thu hút được khách đến với Lạng Sơn tham quan du lịch.
8.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Dự ước năm 2022, doanh thu dịch vụ khác 510,8 tỷ đồng, so với năm trước tăng 12,49%. Doanh thu bất động sản tăng cao do trong năm thị trường mua bán, môi giới bất động sản sôi động, dịch vụ cho thuê ki ốt, nhà trọ có xu hướng giảm do nhiều hộ cá thể kinh doanh đã nghỉ kinh doanh hoặc chuyển ngành nghề kinh doanh… Các nhóm ngành dịch vụ khác còn lại doanh thu đều tăng hơn so với năm 2021. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đang được chú trọng đầu tư và phát triển thu hút khách du lịch từ mọi miền đến thăm quan và du lịch, nghỉ dưỡng các cơ sở hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân.
8.3. Vận tải
Trong tháng 12/2022 hoạt động của ngành vận tải đã có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại và kinh doanh buôn bán của người dân trên địa bàn tỉnh. Xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện khai báo trực tuyến và xử lý trên nền tảng cửa khẩu số nhằm giảm bớt thời gian, công sức và khối lượng công việc của cơ quan quản lý tại cửa khẩu; đồng thời giảm bớt thời gian đi lại và giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.
Tổng doanh thu toàn ngành vận tải tháng 12/2022 ước 212,1 tỷ đồng, tăng 24,61% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách đạt 19,6 tỷ đồng, tăng 3,91%. Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 126,87 tỷ đồng, tăng 11,24%. Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 65,16 tỷ đồng, tăng 76,71%; hoạt động bưu chính, chuyển phát đạt 0,45  tỷ đồng, tăng 8,64% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự ước năm 2022, doanh thu vận tải ước đạt 1.983,6 tỷ đồng, tăng 17,73% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hành khách đạt 224,1 tỷ đồng tăng 18,47%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 10,41%; hành khách luân chuyển tăng 14,84% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hoá đạt 1.137 tỷ đồng, tăng 10,52%. Khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 19,03%; hàng hoá luân chuyển tăng 14,25% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 618,5 tỷ đồng tăng 33,59%; dịch vụ chuyển phát đạt 4 tỷ đồng tăng 10,28% so với cùng kỳ.
Hoạt động vận tải những tháng cuối năm ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân. Doanh thu ngành vận tải tăng so với cùng kỳ năm 2021, tăng cả ở vận tải hành khách và vận tải hàng hoá: Do những tháng cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng, khối lượng hàng hóa cũng nhiều hơn nên doanh thu của ngành vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng tăng khá so với cùng kỳ.
II. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư
Trong năm 2022, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cơ bản ổn định không có biến động lớn, giá cả một số mặt hàng được bình ổn, cung ứng đầy đủ nguồn hàng chính sách và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Công tác an sinh xã hội trên địa bàn được thực hiện đầy đủ, có hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm trực tuyến và trực tiếp. Thực hiện trợ giúp các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nhâm Dần. Tổ chức chương trình, hoạt động ý nghĩa nhân dịpkỷ niệm 75 năm ngày Thương binh -Liệt sĩ. Các chương trình, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt kết quả tích cực. Tổ chức hiệu quả Kế hoạch giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đồng bộ các kế hoạch, giải pháp về bảo trợxã hội, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực, xâm hại trẻ em. Các chính sách về dân tộc, tôn giáo được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện, không để phát sinh những vấn đề nổi cộm về tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
1.2. Công tác an sinh xã hội
Thực hiện cung ứng đầy đủ, kịp thời, bảo đảm chất lượng các loại giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Chủ động các phương án phòng chống thiên tai, chống các loại bệnh dịch ở gia súc, gia cầm; nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng chống kịp thời, đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp; tăng cường quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ mùa 2022; tiếp tục chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh những thuận lợi tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp còn gặp những khó khăn như: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có những diễn biến phức tạp, đầu năm sản xuất thời tiết rét đậm, rét hại nên đã có những ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi; giá vật tư nông nghiệp có biến động; tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn vẫn có chiều hướng gia tăng do đó ảnh hưởng đến sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn.
Cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 06/02/2022 phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, Theo chuẩn nghèo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 là: Tổng số hộ nghèo 23.510 hộ, chiếm 12,20%; Tổng số hộ cận nghèo 23.248 hộ, chiếm 12,07%. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 3%, tương đương 5.785 hộ, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 9,27%.
Thực hiện cứu đói cho các hộ gia đình trên địa bàn, tổng số 4.683 hộ, (15.572 nhân khẩu) với 233.580 kg gạo, kinh phí: 3.572,813 triệu đồng. Tặng quà các gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: 1.730 hộ, tổng trị giá 1.038 triệu đồng; các đối tượng bảo trợ xã hội: 524 người trị giá 314,4 triệu đồng; Người cao tuổi: 10 người, trị giá: 6 triệu đồng; trẻ em 04 người, trị giá 2,4 triệu đồng; Thực hiện chuyển quà tặng từ tỉnh, huyện, xã và các nguồn xã hội hóa, các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, các cá nhân cho 29.193 người, trị giá quà tặng 15,489 tỷ đồng.
Thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đối với người có công, gia đình khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 45.552 lượt người có công và thân nhân với kinh phí 84.835 triệu đồng. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân, người hoạt động kháng chiến là 1.500 hồ sơ.
1.3. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội[5]
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, các chính sách lao động - việc làm được duy trì thường xuyên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, ước thực hiện cả năm là 23.740 lượt người, đạt 183% so với kế hoạch; số người đăng ký tìm việc làm: 1.883; số người được giới thiệu việc làm: 1.871 người, số người nhận được việc làm là: 991 người đạt 227% so sánh với cùng kỳ năm 2021; Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 4.746 người, số người có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng là 4.032 người, tăng 21,7% so năm 2021, với tổng số tiền chi trả là 54.756 triệu đồng, tăng 25,35% so năm 2021. Tạo việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động, tuyển sinh và đào tạo cho 19.436 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%.
Trong năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, kiểm soát việc cấp sổ thông hành cho người lao động và xử lý nghiêm các trường hợp công dân xuất cảnh, nhập cảnh trái phép qua các đường mòn biên giới góp phần ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, việc triển khai thực hiện cơ chế hợp tác lao động qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc được tạm dừng, tuy nhiên trên thực tế vẫn phát sinh tình trạng lao động xuất cảnh bất hợp pháp qua biên giới làm việc.
Các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai hiệu quả trên các lĩnh vực. Đã phê duyệt kinh phí giảm giá nước sạch đô thị năm 2021 cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số kinh phí 4,1 tỷ đồng; tổng số giảm giá thuê tài sản, dịch vụ tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp gần 4 tỷ đồng. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, ước cả năm thực hiện miễn giảm thuế giá trị gia tăng khoảng 1.000 doanh nghiệp với số tiền 280 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ tiền thuê nhà cho 331 người lao động với kinh phí 497,5 triệu đồng. Cho vay 05 chương trình tín dụng năm 2022 theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là 235,3 tỷ. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 120 tỷ đồng; cho vay đối với HSSV để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến 6,8 tỷ đồng;  cho vay nhà ở xã hội, số tiền 84 tỷ đồng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 0,6 tỷ đồng. Lũy kế đến nay toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ là 128,7 tỷ đồng cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tiếp tục triển khai thực hiện thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số người lao động đúng đối tượng, đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định đang thẩm định chờ phê duyệt là 331 người, đạt tỷ lệ 33,1% so với số người dự kiến (1.000 người). Tổng số tiền hỗ trợ 497,5 triệu đồng, đạt tỷ lệ 27,6% so với số tiền dự kiến (1.800 triệu đồng).
Tổng số thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đạt 1.719,7 tỷ đồng, đạt 96,9% kế hoạch, tăng 2,86% so với cùng kỳ, tổng chi 2.640 tỷ đồng, tăng 8,9%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,40%. Trong năm đã hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách ước đạt 428.161 thẻ. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội duy trì ổn định. Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước đạt 20,9%.
2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng[6]
Trong tháng 12, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo tiến độ, đặc biệt là các đối tượng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi, tiêm mũi 3 trẻ 12-18 tuổi, tiêm mũi 2 trẻ 5 đến dưới 12 tuổi. Đảm bảo y tế “vùng xanh” phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực các cửa khẩu. Tăng cường giám sát dịch bệnh, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dịch bệnh theo mùa như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, bệnh dại,... đẩy mạnh thực hiện các hoạt động duy trì hiệu quả Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ chăm sóc phục vụ bệnh nhân. Thực hiện Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” tại 14/14 bệnh viện theo kế hoạch; đảm bảo thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được duy trì thực hiện tốt.
2.1. Công tác y tế dự phòng
* Công tác phòng chống dich Covid-19 tính đến 15h00 ngày 22/12/2022:
Đánh giá cấp độ dịch của tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế (đánh giá ngày 03/10/2022):Quy mô xã: 200/200 xã, phường, thị trấn: Cấp 1 “Vùng xanh”. Trong tháng (từ ngày 15/11 đến 14/12/2022) phát hiện 68 ca. Hiện còn điều trị 11 người (08 người điều trị tại tỉnh, 03 người điều trị ngoại tỉnh). Lũy kế từ ngày 06/5/2021 đến nay 159.902 ca; đã khỏi bệnh 159.789 ca; tử vong 101 ca.
Tình hình tiêm chủng (số liệu đến hết ngày 21/12/2022): tổng số liều vắc xin đã tiếp nhận: 2.079.436 liều (liều lọ); đã tiêm: 2.096.787 liều (mũi tiêm). Từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 102,28%, mũi 2 đạt 100,87% (Bao gồm tiêm cho người ngoại tỉnh); Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại (mũi 3): 91,84%; Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4): 123,36% (bao gồm cả đối tượng mở rộng). Trẻ em từ 12-17 tuổi: Tỷ lệ mũi 1 đạt 99,08%; Tỷ lệ mũi 2 đạt 98,85%; Tỷ lệ tiêm liều nhắc lại (mũi 3): Đạt tỷ lệ 75,52%. Trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi: Tỷ lệ mũi 1 đạt 100,01%. Trong đó 03 huyện (Cao Lộc, Chi Lăng, Tràng Định) đạt tỷ lệ trên 100% (bao gồm cả đối tượng của các địa phương khác). Tỷ lệ mũi 2 đạt 88,33%.
Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, các hoạt động văn hóa - xã hội diễn ra thuận lợi, đời sống người dân được cải thiện.
* Công tác phòng, chống dịch bệnh khác: Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát, không để dịch lớn xảy ra. Trong tháng có 07 bệnh có số mắc tăng[7] và 03 bệnh có số mắc giảm[8] hoặc tương đương so với cùng kỳ; các bệnh truyền nhiễm phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch lớn.
2.2. Công tác khám chữa bệnh
Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được nâng lên, nhận được sự hài lòng của Nhân dân. Các đơn vị khám, chữa bệnh tổ chức trực 24/24 giờ, đảm bảo cơ sở vật chất, sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Kết quả khám và chữa bệnh công lập cả 3 tuyến ước đạt 1.362.349 lượt, điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã cho 145.481 lượt; điều trị ngoại trú cho 157.751 lượt. Cơ bản bảo đảm dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm,…phục  vụ phòng chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh. Năm 2022, có 32,9 giường bệnh và 11,2 bác sĩ/vạn dân; 180 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đạt 90%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%.
3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch[9]
Tổ chức thành công, có hiệu quả các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch nhân các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh... Công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được quan tâm, chú trọng; Phong trào “Toàn dân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ” tiếp tục được đẩy mạnh. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì, hoạt động thi đấu, biểu diễn thể thao phục vụ các ngày lễ, tết... của địa phương đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia. Hoạt động dịch vụ du lịch duy trì được mức tăng trưởng theo mục tiêu đề ra, dự án quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn được quan tâm, chú trọng; xúc tiến, quảng bá du lịch từng bước được tăng cường, góp phần thực hiện tốt việc quảng bá, trao đổi thông tin du lịch.
Bảo tàng tỉnh đã thực hiện 09 cuộc triển lãm chuyên đề[10], trong đó có 04 cuộc triển lãm tại Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh, 06 cuộc triển lãm lưu động tại các huyện, thành phố.
Phát triển mô hình Câu lạc bộ, Đội văn nghệ dân ca truyền thống Xứ hoa Đào. duy trì tốt hoạt động gần 500 câu lạc bộ tại 11 huyện, thành phố.09 Đội chiếu bóng lưu động thuộc đơn vị đã thực hiện tốt việc chiếu phim lưu động phục vụ bà con nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới trên địa bàn tỉnh với các bộ phim đặc sắc, phù hợp với dân tộc, vùng miền và văn hóa của địa phương. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền lồng ghép với các buổi chiếu với các nội dung như: Tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng, chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ, về phòng, chống dịch Covid-19…; tổ chức tốt công tác chiếu phim tại Rạp Đông Kinh.
Công tác thể dục thể thao cơ bản đáp ứng được nhu cầu tập luyện cho nhân dân; quản lý cơ sở vật chất, sân bãi được duy trì; Tổ chức các hoạt động Văn hóa, Thể thao, Du lịch và ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2022 tại khu du lịch Mẫu Sơn. Tổ chức các lớp thể thao hè năm 2022 với 6 môn thu hút đông đảo học sinh các lứa tuổi tham gia. Tổ chức các đoàn VĐV tham gia các giải thể thao khu vực và toàn quốc, công tác đào tạo và huấn luyện thể thao thành tích cao được quan tâm chú trọng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng; tham gia các giải thi đấu khu vực và toàn quốc, các đội tuyển thể thao của tỉnh đã đạt được kết quả tốt. Trong năm 2022, đã đạt 87 huy chương các loại gồm 17 huy chương vàng, 21 huy chương bạc, 49 huy chương đồng.
Du lịch Lạng Sơn cùng các địa phương khác và cả nước đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay chỉ có 08 doanh nghiệp lữ hành. Quý I năm 2022, tất cả các doanh nghiệp đều phải tạm dừng không đón khách và gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay các hoạt động du lịch đã khởi động hoạt động kinh doanh trong tình hình mới “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong năm 2022, tổng lượng khách du lịch ước đạt khoảng 3,5 triệu lượt khách, tăng 115,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 101,1% so với kế hoạch năm 2022. Trong đó: Khách quốc tế ước đạt khoảng 30 nghìn lượt khách; khách trong nước ước đạt khoảng 3,47 triệu lượt khách, tăng 116,2 % so với cùng kỳ.
4. Giáo dục[11]
Toàn tỉnh hiện duy trì 670 đơn vị trường học (giảm 04 trường so với năm học 2020-2021). Gồm: 232 trường Mầm non, 176 trường Tiểu học (TH), 140 trường Trung học cơ sở (THCS), 73 trường TH&THCS, 26 trường Trung học phổ thông (THPT), 11 trường THCS&THPT, 02 Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX),  09 Trung tâm GDNN-GDTX, 01 trường chuyên nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 670 trường chính, 723 điểm trường. Tổng số trẻ/học sinh/sinh viên đến thời điểm hiện tại là 20.6959 (tăng 2.760 với năm học 2021-2022). Tổng số cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên toàn ngành 20.039 người (giảm 1.028 người so với năm học 2021-2022).
Công tác dạy và học đảm bảo thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid -19. Kịp thời ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch giáo dục;  tích cực tổ chức dạy học, ôn tập trực tuyến, đảm bảo kế hoạch thời gian, Hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022. Chất lượng giáo dục các cấp học ổn định. Tổ chức an toàn, nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. kết quả thi TN THPT có chuyển biến tích cực, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt  97,95%, tăng 0,15% so với năm 2021. Trong năm,17 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường chuẩnquốc gia lên 269 trường, vượt chỉ tiêu 02 trường. Hoàn thành tổ chức lại Trường PTDTNT THCS các huyện Hữu Lũng, Đình Lập, Văn Lãng, Bắc Sơn thành Trường PTDTNT THCS& THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên1 tỉnh thành Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Tin học và Ngoại ngữ tỉnh.
5. Trật tự - An toàn giao thông[12]
Thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy, hạn chế các vụ tai nạn giao thông. Trong tháng xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 07 người, bị thương 17 người; lũy kế từ đầu năm trên địa bàn tỉnh đã sảy ra 55 vụ tai nạn giao thông (trong đó có 01 vụ tai nạn giao thông đường sắt), làm chết 40 người, bị thương 31 người. so với năm 2021, số vụ tai nạn giao thông tăng 03 vụ, giảm 9 người chết, tăng 12 người bị thương.
6. Môi trường
Trong tháng 12, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 3 vụ vi phạm môi trường bị phát hiện và xử lý với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1,2 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là: Thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; Thực hiện không đầy đủ nội dung về quan trắc, giám sát môi trường khác theo nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần đến dưới 10 lần; xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đếndưới 1,5 lần, với lưu lượng là 6.000 m3/ngày đêm; không có Giấy phép môi trường theo quy định.
So với tháng 12 năm 2021, tăng cả về số vụ vi phạm và số tiền xử phạt (tháng 12/2021 không có vụ vi phạm môi trường được phát hiện), tăng 3 vụ, tăng 1,2 tỷ đồng. Lũy kế năm 2022 có 05 vụ vi phạm môi trường bị phát hiện, tổng số tiền xử phạt 1,3 tỷ đồng, tăng 01 vụ so với cùng kỳ, tăng 1,1 tỷ đồng tiền xử phạt.
7. Thiệt hại do thiên tai
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của nhiều dạng hình thái thiên tai, đặc biệt từ ngày 09-15/5/2022 xảy ra đợt mưa lũ lớn, làm 03 người chết, 03 người bị thương, thiệt hại về nhà cửa, cây trồng, thủy sản, gia súc, gia cầm, thủy lợi, giao thông,... Trong tháng, trên khu vực tỉnh Lạng Sơn không xảy ra thiên tai; so với tháng 12 năm 2021 cũng không có thiên tai xảy ra. Lũy kế giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2022 là 411 tỷ đồng, số với năm 2021 tăng 399,1 tỷ đồng ( năm 2021 tổng giá trị thiệt hại 11,9 tỷ đồng).
Khái quát lại, năm 2022, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, tỉnh Lạng Sơn đối diện khó khăn do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng với sự lãnh đạo của các cấp, các ngành tỉnh Lạng Sơn, cùng với sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện đạt mục tiêu "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Các chỉ tiêu năm 2022 được triển khai quyết liệt, cơ bản đảm bảo tiến độ đề ra. Kịp thời khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, ổn định đời sống nhân dân sau thiên tai. Kinh tế tiếp tục phát triển, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục ổn định, đạt tiến độ kế hoạch; hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ sôi động trở lại, tiếp tục tăng trưởng;các nhiệm vụ chuyển đổi số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ; văn hóa, xã hội được quan tâm, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, tai nạn giao thông được kiềm chế; công tác đối ngoại tiếp tục duy trì có hiệu quả.
III. Đề xuất giải pháp
Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được xây dựng trong bối cảnh tỉnh Lạng Sơn có nhiều cơ hội, thuận lợi. Kinh tế - xã hội của đất nước, của vùng phục hồi và có bước tăng trưởng, cùng với đó những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua và sự phục hồi nhanh về kinh tế trong năm 2022 là tiền đề thuận lợi cho kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn vươn lên, bứt phá trong năm 2023. Đề xuất một số giải pháp thực hiện như sau:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"; Kế hoạch thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục bám sát các nhiệm vụ được giao, triển khai linh hoạt, đảm bảo giữa phòng, chống Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động phương án ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh khác có thể xảy ra.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được phê duyệt. Chủ động chuẩn bị và triển khai kế hoạch sản xuất đảm bảo thời vụ. Tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật; thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch trên cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp. Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030; thực hiện tốt công tác trồng rừng mới, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Chủ động các biện pháp phòng ngừa; kiểm soát an toàn thiên tai; kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thứ ba, huy động mọi nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án quan trọng theo hình thức đối tác công tư (PPP); tăng cường xúc tiến vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các dự án đầu tư, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng. Khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư, lựa chọn xong Nhà đầu tư, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để tổ chức khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Lạng Sơn theo kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3+700-Km18); Dự án Nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km18-Km80 thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tạo thuận lợi, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án về du lịch, các khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố, trọng tâm là Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn.
Thứ tư, tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục tăng cường công tác hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thông quan hàng hóa. Tiếp tục thực hiện điều chỉnh, hoàn thiện các quy hoạch tại khu vực cửa khẩu phù hợp định hướng phát triển. Xây dựng chiến lược phát triển các loại hình dịch vụ logistics. Phát huy tối đa lợi thế các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động thương mại, thu hút đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khu chức năng.
Thứ năm, tiếp tục tạo điều kiện để phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, công nghiệp xanh, an toàn và hiện đại. Hoàn thành thành lập và tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, trọng tâm là Khu công nghiệp Hữu Lũng và các cụm công nghiệp mới được thành lập. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy điện; thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư điện gió trên địa bàn. Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục  thực hiện tốt hoạt động tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp, Nhân dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống.
Thứ sáu, khai thác có hiệu quả lợi thế của tỉnh về thương mại, hệ thống chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại, khu vực các cửa khẩu; chủ động mở rộng, phát triển thị trường mới; chú trọng phát triển thương mại điện tử. Dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông tiếp tục mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tập trung phát triển toàn diện ngành du lịch, từng bước phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện các biện pháp kích cầu, phục hồi du lịch; tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ du lịch; từng bước phát triển hạ tầng du lịch để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Tổ chức khởi công và xây dựng một số hạng mục chính của dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn.
 

[1]Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 30/11/2022, thực hiện theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
[2] Nguồn: Sở Tài chính
[3] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
[4] Nguồn: Cục Hải quan.
[5] Nguồn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
[6] Nguồn: Sở Y tế.
[7] Sốt xuất huyết 01 ca (tăng 01 ca); Tay chân miệng 07 ca (tăng 06 ca); Bệnh do vi rut Adeno 12 ca (tăng 03 ca); Cúm 685 ca (tăng 259 ca); Thủy đậu 17 ca (tăng 11 ca); Tiêu chảy 263 ca (tăng 81 ca); Viêm gan virut khác 07 ca (tăng 04 ca).
[8] Lỵ Amip 01 ca (giảm 01ca); Lỵ trực trùng 04 ca (tương đương với cùng kỳ 2021); Quai bị 02 ca (giảm 02 ca).
[9] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch.
 
[11] Nguồn: Sở Giáo dục.
     [12] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh.

 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây