Trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

http://cucthongkelangson.gov.vn


Tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các lực lượng cơ sở và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đến nay tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát; các hoạt động kinh tế - xã hội đã cơ bản trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, đồng thời Chính phủ nước ta đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, do đó thị trường lao động trong quý II năm 2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý II năm 2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
I. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM QUÝ II NĂM 2022
1. Lực lượng lao động
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2022 là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng (tương ứng tăng 0,3 triệu người và 0,1 triệu người), lực lượng lao động nữ tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nam (0,3 triệu lao động của nữ so với gần 0,2 triệu lao động của nam). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng ở khu vực thành thị (tăng 0,6 triệu người) và giảm nhẹ ở nông thôn (0,06 triệu người).
Lực lượng lao động theo quý, 2020 – 2022
Đơn vị tính: Triệu người
Tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022

 Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II năm 2022 là 68,5%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,6%, thấp hơn 12,2 điểm phần trăm so với nam (74,8%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66,1%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 70,1%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 33,5%; nông thôn: 46,7%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 36,3%; nông thôn: 44,9%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị; đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý II năm 2022 là 26,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số 23,7 triệu người từ 15 tuổi trở lên không tham gia thị trường lao động (ngoài lực lượng lao động) của quý II năm 2022, có 12,7 triệu người trong độ tuổi lao động, tập trung nhiều nhất ở nhóm 15-19 tuổi (5,9 triệu người).
2. Số người có việc làm
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2022 là 50,5 triệu người, tăng 504,6 nghìn người (tương ứng tăng 1,01%) so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người (tương ứng tăng 1,41%) so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,7 triệu người (tăng 127,9 nghìn người so với quý trước và tăng 673,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước), và ở khu vực nông thôn là 31,9 triệu người (tăng 376,6 nghìn người so với quý trước và tăng 27,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước). Xu hướng tăng lao động có việc làm cũng được ghi nhận ở cả nam và nữ, tuy nhiên tốc độ tăng lao động có việc làm ở nữ giới cao hơn so với nam giới[1].
Trong quý II năm 2022, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,9 triệu người, tăng 12,6 nghìn người với quý trước và tăng 138,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng có 16,8 triệu người đang làm việc, tăng 62,1 nghìn người so với quý trước, và tăng 210,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm trong ngành dịch vụ là 19,8 triệu người, tăng 429,8 nghìn người so với quý trước và tăng 353,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2022 là 55,6%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ phi chính thức khu vực thành thị là 47,5%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 62,3%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với với quý trước và giảm 2,4 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước.
3. Lao động thiếu việc làm
Việc thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được triển khai đồng bộ trên cả nước đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động quý II năm 2022 phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, số người thiếu việc làm trong độ tuổi[2] quý II năm 2022 là khoảng 881,8 nghìn người, giảm 447,1 nghìn người so với quý trước và giảm 263,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý II năm 2022 là 1,96%, giảm 1,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,64 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 1,37% và 2,32%). Như vậy, tình hình thiếu việc làm của người lao động đã được cải thiện đáng kể với tỷ lệ này giảm ở cả khu vực thành thị và nông thôn (tương ứng là 2,39% và 3,40% ở quý I năm 2022)[3].

Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2022
 

Tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022 1

4. Thu nhập bình quân tháng của người lao động

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II là 6,6 triệu đồng, tăng 206 nghìn đồng so với quý trước và tăng 542 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,34 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,5 triệu đồng so với 5,6 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,38 lần khu vực nông thôn (8,0 triệu đồng so với 5,8 triệu đồng).
Quan sát thu nhập bình quân của người lao động theo từng quý trong những năm gần đây, kể cả những năm chưa chịu tác động của đại dịch Covid-19, có thể thấy, biến động thu nhập của người lao động trong quý II so với quý I năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước. Trong các năm từ 2019 đến 2021, thu nhập lao động quý II thường giảm so với quý I do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I. Ngược lại, trong năm nay, thu nhập bình quân của người lao động trong quý II không chứng kiến sự sụt giảm so với quý trước như mọi năm mà tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ. So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý II năm nay có tốc độ tăng trưởng khá, tăng 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng. Đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Thu nhập bình quân tháng của lao động quý I, II, giai đoạn 2019-2022

Đơn vị tính: Triệu đồng  

Tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022 2

Quý II năm 2022, thu nhập của lao động làm việc ở cả ba khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá. Trong đó, lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,5 triệu đồng, tăng 11,5%, tăng tương ứng khoảng 774 nghìn đồng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng, tăng 8,7%, tăng tương ứng khoảng 623 nghìn đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,8 triệu đồng, tăng 3,6%, tăng tương ứng khoảng 132 nghìn đồng.
Quý II năm 2022 cũng chứng kiến sự tăng trưởng trong thu nhập bình quân của lao động làm việc ở cả 21 ngành kinh tế so với cùng kỳ năm 2021. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá: Khai khoáng đạt mức 9,7 triệu đồng, tăng 17,1%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,4 triệu đồng, tăng 12,4%, tương ứng tăng khoảng 818 nghìn đồng; sản xuất và phân phối điện đạt 9,6 triệu đồng, tăng 10,7%, tương ứng tăng 928 nghìn đồng; dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 6,2 triệu đồng, tăng 10,2%, tương ứng tăng 572 nghìn đồng. Ngay cả ngành gặp nhiều khó khăn do sự biến động của giá xăng dầu như ngành Vận tải kho bãi cũng có mức tăng trưởng thu nhập khá, đạt mức 8,9 triệu đồng trong quý II năm 2022, tăng 4,2% so với quý trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý II là 7,5 triệu đồng, tăng khoảng khoảng 178 nghìn so với quý trước và tăng 707 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2021. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân của lao động nữ là 1,13 lần (7,9 triệu đồng so với 7,0 triệu đồng). Lao động làm việc trong khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân là 8,4 triệu đồng, cao hơn 1,24 lần mức thu nhập bình quân của lao động ở khu vực nông thôn (6,8 triệu đồng).
5. Thất nghiệp trong độ tuổi lao động
Để góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn sau 2 năm chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 và không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11). Chương trình này đã giúp cho doanh nghiệp và người dân sớm vượt qua những thách thức, khó khăn trong và sau đại dịch, là động lực để các hoạt động kinh tế - xã hội nước ta trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày 22/6/2022, cả nước có 25.660 người lao động (tương đương số tiền 14,124 tỷ đồng) được hỗ trợ tiền thuê nhà từ gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP, chính sách này đã tạo thêm động lực giúp người lao động yên tâm quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch tăng mạnh cùng với sự kiện SEA Games 31 vừa được tổ chức tại Việt Nam làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ nhộn nhịp và sôi động. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2022 là gần 1,1 triệu người, giảm 41,6 nghìn người so với quý trước và giảm 112,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2022 là 2,32%, giảm 0,14 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,30 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2022

Tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022 3

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý II năm 2022 là 7,63%, giảm 0,30 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,16 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,13%, cao hơn 2,30 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
6. Lao động làm công việc tự sản tự tiêu
Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý II năm 2022 là 4,3 triệu người (giảm mạnh so với quý trước (giảm hơn 0,4 triệu người) nhưng vẫn cao hơn 0,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý II năm 2022 là nữ giới (chiếm 63,2%). 
Trong tổng số 4,3 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 2,3 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 52,2%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn.
II. TÌNH HÌNH LAO ĐỘNG VIỆC LÀM 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
1. Lực lượng lao động
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2022 đạt 51,4 triệu người, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,1 triệu người, chiếm 37,2% lực lượng lao động; lực lượng lao động nữ đạt 24,0 triệu người, chiếm 46,8% lực lượng lao động của cả nước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 68,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Lực lượng lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên 6 tháng đầu năm 2022 ước tính là 13,4 triệu người, chiếm 26,1%, không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.
2. Lao động có việc làm
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2022 là 50,3 triệu người, tăng 417,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, tăng 762,0 nghìn người. Lao động nam là 26,7 triệu người, chiếm 53,1% tổng số lao động và tăng 286,5 nghìn người, tương ứng tăng gần 1,1% so với cùng kỳ năm trước và mức tăng lao động nam giới cao hơn gấp 2 lần so với mức tăng này ở lao động nữ (1,1% so với 0,6%).
Lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2022 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,9 triệu người, (chiếm 27,7%), giảm 27,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người (chiếm 33,4%), tăng 435,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực dịch vụ là 19,6 triệu người (chiếm 38,9%), tăng 8,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022 là 55,9%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; xu hướng giảm có thể thấy được ở cả khu vực thành thị, nông thôn, ở cả nam giới và nữ giới. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức lần lượt là 47,8% (giảm 0,7 điểm phần trăm), 62,6% (giảm 1,9 điểm phần trăm), 60,3% (giảm 1,0 điểm phần trăm) và 50,8% (giảm 1,9 phần trăm).
3. Lao động thiếu việc làm
Thiếu việc làm trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 1,1 triệu người, giảm 30,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2022 là 2,48%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,88% và 2,85%).
4. Thu nhập của người lao động
Thu nhập bình quân tháng của người lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% (tương ứng tăng 326 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 11% (tương ứng tăng 646 nghìn đồng) so với cùng kỳ năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,35 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,4 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (8,0 triệu đồng so với 5,6 triệu đồng).
So với 6 tháng đầu năm 2021 một số ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo có thu nhập bình quân là 7,3 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 476 nghìn đồng; lao động trong ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt có mức thu nhập bình quân là 9,6 triệu đồng, tăng 7,8%, tương ứng tăng 691 nghìn đồng; ngành vận tải kho bãi lao động có thu nhập bình quân là 8,7 triệu đồng, tăng 5,0%, tương ứng tăng 416 nghìn đồng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ lưu trú ăn uống có mức thu nhập bình quân là 6,1 triệu đồng, tăng 4,2%, tương ứng tăng 247 nghìn đồng.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong 6 tháng đầu năm 2022 là 7,4 triệu đồng, tăng khoảng 417 nghìn so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 699 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân của lao động nữ là 1,13 lần (7,8 triệu đồng so với 6,9 triệu đồng). Lao động làm việc trong khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân là 8,3 triệu đồng, cao hơn 1,24 lần mức thu nhập bình quân của lao động ở khu vực nông thôn (6,7 triệu đồng).
5. Thất nghiệp trong độ tuổi lao động
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2022 là gần 1,1 triệu người, giảm 47,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2022 là 2,39%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Số thanh niên (người từ 15-24 tuổi) thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 là khoảng 410,3 nghìn người, chiếm 36,8% tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 6 tháng đầu năm 2022 là 7,78%, tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,21%, giảm 0,76 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
6. Lao động tự sản tự tiêu
Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu 6 tháng đầu năm 2022 là gần 4,6 triệu người, cao hơn 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm 89,6%).
Gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 62,8%). Số lao động nữ giới làm công việc tự sản tự tiêu 6 tháng đầu năm 2022 tăng 432 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đây là nhóm lao động yếu thế và chịu nhiều ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ngay cả khi thị trường lao động mở cửa trở lại. Trong tổng số hơn 4,6 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, gần 2,5 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 52,1%).
 


[1] Tốc độ tăng lao động có việc của nam giới và nữ giới so với quý trước lần lượt là 0,79% và 1,25%; so với cùng kỳ năm trước thì tốc độ tăng này lần lượt là 1,40% và 1,42%. 
[2] Theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019, trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 6 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 8 tháng (năm 2022). 
[3]Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị theo quý năm 2020 là 1,07% (Quý I), 2,36% (Quý II), 1,96% (Quý III), 1,10% (Quý IV); ở khu vực nông thôn là 2,47% (Quý I), 3,32% (Quý II), 3,14% (Quý III), 2,20% (Quý IV). Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực thành thị theo quý năm 2021 là 1,52% (Quý I), 2,80% (Quý II), 5,33% (Quý III), 4,06% (Quý IV); ở khu vực nông thôn là 2,60% (Quý I), 2,49% (Quý II), 3,94% (Quý III), 2,95% (Quý IV).

Tác giả bài viết: Tổng cục Thống kê

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây