Trang thông tin điện tử Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

http://cucthongkelangson.gov.vn


Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn tháng 02 và 2 tháng đầu năm 2023

Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 02/2023 dự ước doanh thu đạt 237,5 tỷ đồng, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 35,11% so với cùng kỳ.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong tháng, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, người dân tập trung làm đất gieo trồng các cây rau màu vụ Xuân năm 2023, chủ động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, tiến độ gieo trồng được đảm bảo. Công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên, kịp thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm thiệt hại và lây lan phát sinh. Công tác bảo vệ và phát triển rừng thực hiện có hiệu quả; rừng tiếp tục được quản lý bảo vệ theo quy định; công tác quản lý giống cây lâm nghiệp thường xuyên được cập nhật, theo dõi.
1.1. Nông nghiệp
1.1.1 Trồng trọt
Thời tiết trong tháng có mưa thuận lợi cho khâu làm đất với tổng diện tích cày ải ước thực hiện được 12.246,25 ha, tăng 7,4%  so với cùng kỳ. Bà con tiến hành gieo trồng các loại cây nông nghiệp hàng năm khi đến vụ như: cây ngô có diện tích ước 352 ha, tăng 0,57% so với cùng kỳ; diện tích cây khoai lang ước 46,58 ha, tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước, giá khoai lang ổn định, sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu địa phương với giống khoai lang tím, vàng, được trồng nhiều nhất ở huyện Lộc Bình; diện tích gieo trồng cây mía ước 74,86 ha, tăng 1,37% so với cùng kỳ; diện tích gieo trồng rau các loại ước 1.069,84 ha, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm trước; các giống rau chủ yếu là rau diếp, cải các loại, bắp cải, su hào.
1.1.2 Chăn nuôi
Tổng đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định. Tổng đàn trâu hiện có ước 67.850 con, tăng 6,07%. Số trâu xuất chuồng là 1.488 con, tăng 2,62% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất chuồng đạt 433,01 tấn, tăng 2,62% so với cùng kỳ. Tổng đàn bò hiện có ước 28.059 con, giảm 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Số bò xuất chuồng ước 498 con, tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 125 tấn, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn lợn hiện có ước 185.640 con, tăng 6,53% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, tổng đàn lợn phát triển tương đối ổn định, số con xuất chuồng trong tháng ước 32.540 con, tăng 12,38% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hơi xuất chuồng đạt 25.387,2 tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn gia cầm ước 4.492,54 nghìn con, giảm 0,47% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước 1.956,29 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 5.583,24 nghìn quả. Thị trường tiêu thụ ổn định nên người dân nuôi gà đẻ trứng nhiều đặc biệt là giống gà siêu trứng cho sản lượng trứng cao.

1.2. Lâm nghiệp
Ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp tại vườn ươm và ngoài hiện trường, cơ bản nguồn cây giống phục vụ chương trình trồng rừng theo chỉ tiêu được giao và xuất bán ra thị trường các tỉnh lân cận đảm bảo chất lượng. “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Quý Mão năm 2023, số điểm ra quân đầu xuân trên địa bàn tỉnh 390 điểm, trồng được 296.923 cây. Diện tích rừng trồng mới tập trung 20,2 ha, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy rừng (thành phố Lạng Sơn 03 vụ, huyện Chi Lăng 08 vụ, huyện Hữu Lũng 04 vụ), thiệt hại khoảng 26,3 ha rừng.
Công tác khai thác và thu hoạch các sản phẩm lâm nghiệp tập trung chủ yếu vào thu hái củi đun làm chất đốt phục vụ cho nhu cầu sử dụng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Khai thác gỗ tròn các loại trong tháng 2 ước đạt 9.590 m3, tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác tăng do trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích rừng sản xuất ngày càng lớn; gỗ đến tuổi khai thác và nhu cầu chế biến gỗ. Củi các loại khai thác tháng 02 ước đạt 46.200 ste, tăng 0,11% so cùng kỳ năm trước.

1.3. Thủy sản
Hoạt động thủy sản trong tháng chủ yếu là khai thác tận thu các ao, hồ đang nuôi thả; người dân tập trung chăm sóc đàn cá đã thả theo đúng quy trình kỹ thuật và tăng cường phòng, chống rét. Tiếp tục chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá bố, mẹ theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo cá phát triển tốt, tỷ lệ thành thục cao, phục vụ tốt quy trình sinh sản nhân tạo đầu năm 2023. Tiếp tục thực hiện cung ứng cá giống đảm bảo chất lượng cho nông dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong tháng cung ứng được 36.600 con cá giống các loại (mè, trôi, trắm, chép, chim, trê, vược…) cho người dân trên địa bàn tỉnh.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2023
2.1.1. So với tháng trước
Trong tháng thời tiết giá buốt, nồm ẩm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và năng suất của người lao động, bên cạnh đó do sau Tết Nguyên đán các hoạt động lễ, hội Xuân, giao lưu văn hoá, văn nghệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tổ chức nhộn nhịp, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp chưa hoạt động trở lại nên sản lượng các sản phẩm đạt thấp.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2023 so với tháng 01/2023 giảm 11,64%, giảm chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với chỉ số IIP giảm 21,7%; ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,68%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 0,59%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 2,4%.

Trong công nghiệp khai khoáng, ngành khai thác than cứng và than non giảm 9,72%; khai khoáng khác tăng 6,2%. Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, một số sản phẩm trong tháng Tết nhu cầu tiêu thụ rất lớn, sau Tết thường có biến động giảm sâu do nhu cầu tiêu thụ giảm, như: rượu trắng; may đo quần áo; hàn xì, bắn mái tôn; giường, tủ… dẫn đến IIP ngành sản xuất đồ uống giảm 18,93%, sản xuất trang phục giảm 21,83%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 20,37%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 20,96%. Để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của nhân dân, cung cấp điện thương phẩm tăng 0,99% so với tháng trước, sản lượng điện sản xuất trong tháng giảm 0,8% do hoạt động sản xuất của một số ngành giảm. Trong ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải: Hoạt động cung cấp nước sạch dự ước giảm 6,29%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 1,23%.

2.1.2. So với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2023 tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,31%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,76%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,64%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,29% so với cùng kỳ.
Trong ngành khai khoáng: Sản xuất, khai thác than tăng 5,36% (sự tăng giảm của khai thác than phụ thuộc vào nhu cầu nguyên liệu cho hoạt động sản xuất nhiệt điện trên địa bàn), khai thác đá tăng 7,34% so với cùng kỳ, do tháng 02/2022 trùng dịp tết nên thời gian sản xuất ngắn, sản lượng đạt thấp.
Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Một số ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất giảm so với tháng cùng kỳ, cụ thể: Ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 14,97%, giảm chủ yếu ở sản phẩm Colophan do sự cố cháy xưởng của doanh nghiệp sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh chưa được khắc phục. Một số sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, khó tiêu thụ, bên cạnh đó công nghệ sản xuất chưa được đầu tư đổi mới kịp thời, năng suất đạt thấp nên trong thời gian gần đây chỉ số sản xuất của những ngành này ngày càng giảm như: sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 33,77%. Sản phẩm xe điện trong tháng giảm 14,47% so với cùng kỳ năm trước do các chuyên gia chưa quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Ngành sản xuất và phân phối điện: Sự tăng giảm sản lượng phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. So với cùng kỳ, sản lượng điện sản xuất tháng 02/2023 tăng 1,08%; điện thương phẩm giảm 2,71% do nhu cầu sử dụng điện phục vụ đời sống giảm.
So với cùng kỳ năm trước, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý, xử lý rác thải tăng. Hoạt động cung cấp nước tăng 7,75%; dịch vụ vận hành hệ thống thoát nước tăng 4,72% và hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 5,19%.
Sản phẩm chủ lực của tỉnh: Sản phẩm Xi măng Portland đen cộng dồn 02 tháng đầu năm ước đạt 187,41 nghìn tấn, tăng 11,92% đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho hoạt động xây dựng không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh mà còn cung cấp cho một số tỉnh lân cận, riêng sản phẩm clanhke xi măng dự ước giảm 13,52% so với cùng kỳ do lợi nhuận mang lại từ sản xuất không cao như cùng kỳ năm trước nên doanh nghiệp cắt giảm sản lượng, chủ yếu sản xuất trực tiếp xuất kho chế biến tiếp sản phẩm xi măng. Riêng trong tháng 02/2023 đơn vị sản xuất sản lượng lớn sản phẩm này trên địa bàn tỉnh cho dừng lò không sản xuất sản phẩm clanhke, trực tiếp mua sản phẩm từ bên ngoài để sản xuất sản phẩm xi măng. Sản lượng điện sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương dự ước trong hai tháng sản lượng điện đạt 150,52 triệu Kwh, giảm 0,19% so với cùng kỳ; sản lượng than sản xuất từ Công ty Than Na Dương ước đạt 96,95 nghìn tấn, tăng 3,97% so với cùng kỳ.

2.2. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động tháng 02/2023 tăng 0,12% so với tháng trước và giảm 6,23% so với cùng kỳ. Cụ thể, ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động tăng 0,49%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,77%, trong đó có 02 ngành sử dụng nhiều lao động là ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 49,58% do một số lao động nghỉ việc và một bộ phận lao động doanh nghiệp đã cho thôi việc; ngành chế biến gỗ giảm 36,69%, do doanh nghiệp tổ chức sắp xếp lại sản xuất kinh doanh nên cắt giảm nhân sự; một số ngành do áp dụng máy móc thay thế con người hoặc do cắt giảm sản lượng nên lao động giảm. Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,65%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,9%. Bình quân hai tháng đầu năm, lao động toàn ngành công nghiệp tỉnh Lạng Sơn giảm 7,2% so với cùng kỳ.
3. Đầu tư, xây dựng
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh hoạt động đầu tư, xây dựng trên địa bàn. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư môi trường đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh; gắn mục tiêu vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp với quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thủ tục đầu tư cũng như quá trình tổ chức triển khai thực hiện, thi công công trình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt, các dự án đã và đang triển khai thực hiện. Thực hiện rà soát định kỳ tình hình triển khai các dự án đã được cấp phép, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp.
Trong tháng 02/2023 các dự án mới bắt đầu thi công như: Đường tránh ĐT 226 (đoạn qua thị trấn Bình Gia, Văn Mịch) và khu tái định cư, dân cư thị trấn Bình Gia với mức đầu tư 249,7 tỷ đồng; dự án đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp 3 Trung tâm y tế tuyến huyện với mức đầu tư 98 tỷ đồng; dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, tỉnh Lạng Sơn sử dụng vốn vay Nhật Bản với mức đầu tư 813,5 tỷ đồng; dự án đường Tân Tri - Nghinh Tường, huyện Bắc Sơn với mức đầu tư 117,4 tỷ đồng .
Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 02/2023 thực hiện được 200,6 tỷ đồng, đạt 4,37% kế hoạch năm 2023, tăng 65,20 % so với cùng kỳ, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 126,3 tỷ đồng, tăng 83,23%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 74,4 tỷ đồng, tăng 41,54%.
 Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 02 tháng năm 2023 ước thực hiện 370,7 tỷ đồng, đạt 8,08% kế hoạch năm, tăng 46,19% so với cùng kỳ, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 229,6 tỷ đồng, tăng 57,38%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 141,1 tỷ đồng, tăng 31,03 % so với cùng kỳ năm 2022.
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
- Dự án Kè trái bờ sông Kỳ Cùng, đoạn từ sân bay Mai Pha đến cầu Đông Kinh, công trình có tổng mức đầu tư 201,3 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 02/2023 ước thực hiện được 110,3 tỷ đồng, đạt 54,78% so với kế hoạch.
- Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700 - km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 02/2023 ước thực hiện được 633,5 tỷ đồng, đạt 64,11% kế hoạch.
- Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần): Công trình có tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 02/2023 ước thực hiện được 522,6 tỷ đồng, đạt 37,95% kế hoạch.
 - Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28), huyện Cao Lộc công trình có tổng mức đầu tư 299,7 tỷ đồng, lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 02/2023 ước thực hiện được 209 tỷ đồng, đạt 69,73% so với kế hoạch.

4. Tài chính, ngân hàng
4.1. Tài chính[1]
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 02 năm 2023 ước thực hiện 627,5 tỷ đồng. Trong đó: thu nội địa ước thực hiện là 307 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) ước thực hiện 320 tỷ đồng. Lũy kế thực hiện 2 tháng đầu năm thu ngân sách đạt 1.041,5 tỷ đồng, đạt 12,7% so với dự toán, bằng 65,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, đối với thu nội địa, ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung xây dựng phương án, thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, duy trì ổn định sản xuất; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ diễn ra ổn định, giá cả được kiểm soát, thị trường bình ổn trong 2 tháng đầu năm. Thu nội địa 2 tháng đầu năm đạt 524,4 tỷ đồng, đạt 23,84% dự toán tỉnh giao, tăng 32,74% so với cùng kỳ. Đối với hoạt động XNK, nhìn chung, tình hình XNK diễn ra tương đối thuận lợi do phía Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, hoạt động thông quan hàng hóa đang duy trì tại 5 cửa khẩu gồm Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng. Các cửa khẩu phụ còn lại chưa được khôi phục hoạt động. Hiệu suất thông quan chưa đạt 100% so với thời điểm trước dịch Covid-19 nên phần nào ảnh hưởng đến số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 516,1 tỷ đồng, đạt 8,6% so với dự toán giao, bằng 43% so với cùng kỳ năm 2022.
- Về chi ngân sách địa phương
Chi ngân sách địa phương được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn, định mức. Đối với chi thường xuyên chủ yếu chi lương, các khoản có tính chất lương và chi hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Chi đầu tư chủ yếu thực hiện thanh toán vốn đối với các công trình đã có khối lượng thực hiện năm 2022 chuyển sang. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách bảo đảm đúng định mức, chế độ; thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại ngân sách để tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, dành nguồn chi trả nợ và kiểm soát nợ công ngay trong dự toán giao đầu năm. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 02 năm 2023 là 979,1 tỷ đồng. Lũy kế ước thực hiện 2 tháng đầu năm 2023 là 1.607,6 tỷ đồng, đạt 11,8% dự toán tỉnh giao, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng chi ngân sách bao gồm: chi cân đối ngân sách địa phương đạt 1.385,6 tỷ đồng, đạt 13,8% dự toán giao đầu năm và tăng 24,7% so cùng kỳ năm 2022; chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác 222 tỷ đồng đạt 6,2% dự toán, tăng 218,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong chi cân đối ngân sách địa phương, chi đầu tư phát triển đạt 182,6 tỷ đồng, đạt 14,6% dự toán, tăng 24,7% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 1.198 tỷ đồng, đạt 14,1% dự toán, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022.

4.2. Ngân hàng[2]
Chính sách điều hành tín dụng trên địa bàn được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế. Khả năng thanh khoản của các ngân hàng được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế và chi trả cho khách hàng, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ước thực hiện đến 28/02/2023: Tổng huy động vốn ước đạt 38.650 tỷ đồng, tăng 4,2% so với 31/12/2022. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 38.700 tỷ đồng, giảm 1,7% so với 31/12/2022.
5. Thương mại và dịch vụ
Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm hàng hoá của nhân dân tăng mạnh, các loại hàng hoá thiết yếu được cung ứng đầy đủ, đa dạng về mẫu mã, phong phú về kiểu cách, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Giá cả các mặt hàng ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hàng hoá và tăng giá đột biến, công tác bình ổn giá trên thị trường trong dịp Tết cũng được các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, đảm bảo cân đối cung - cầu thị thường hàng hoá trong và sau Tết. Trong tháng, diễn ra nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc với nhiều giá trị và nét đẹp văn hóa đặc trưng như Lễ hội đền Vua Lê, Hội chùa Bắc Nga, Lễ hội Quỳnh Sơn - Bắc Sơn, lễ hội Bủng Kham... đặc biệt, lễ hội đền Kỳ Cùng tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng âm lịch hằng năm, Tuần văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức lại sau 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là những yếu tố thu hút đông đảo lượng khách du lịch đến thăm quan.
Hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn cơ bản đã được khôi phục bình thường nhưng chủ yếu vẫn chỉ duy trì tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma và Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng. Tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua địa bàn đạt 2.926,9 triệu USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa XNK mở tờ khai tại Lạng Sơn đạt 164,9 triệu USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022 (xuất khẩu đạt 84,5 triệu USD, tăng 229,9%; nhập khẩu đạt 80,4 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ). Kim ngạch hàng hóa XNK tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu giảm sâu (-18,1%) do thời gian nghỉ Tết kéo dài, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các Doanh nghiệp thời gian đầu năm thường khá thấp do tập tục, thói quen thương mại hàng năm; bên cạnh đó, mặc dù từ 08/01/2023 phía Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên khách xuất cảnh sang Trung Quốc vẫn phải test covid, các cửa khẩu phụ, lối mở chưa hoạt động trở lại, cửa khẩu Cốc Nam hoạt động tuy nhiên số lượng hàng hóa thông quan rất hạn chế, chỉ thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu
[3].
5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
 Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 02 năm 2023 dự ước 1.897,1 tỷ đồng, giảm 1,07% so với tháng trước và tăng 8,36% so với cùng kỳ. Nhóm lương thực, thực phẩm ước 1.055,7 tỷ đồng, tăng 6,21% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ do vào tháng tháng Giêng, nhiều lễ hội diễn ra trong tháng nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng mạnh. Nhóm hàng may mặc ước 204 tỷ đồng, giảm 3,57% so với cùng kỳ, do nhu cầu mua sắm quần áo và các đồ dùng phục vụ cá nhân giảm vào đầu năm Âm lịch của người dân… Các nhóm hàng cũng có xu hướng giảm doanh thu do thói quen mua sắm, tiêu dùng của dân cư giảm sau dịp Tết Nguyên đán, bao gồm: Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước 198,8 tỷ đồng, giảm 6,95% so với tháng trước; nhóm vật phẩm, văn hóa, giáo dục ước đạt 5,6 tỷ đồng, giảm 19,44%. Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước 136,3 tỷ đồng, giảm 11,07% với tháng trước do hầu hết các công trình xây dựng đã hoàn thiện và bàn giao vào thời điểm trước Tết Nguyên đán do đó các mặt hàng thuộc nhóm vật liệu xây dựng giảm. Nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 1,7 tỷ, tăng 0,91% so với tháng do nhu cầu mua sắm phương tiện phục vụ đi lại tăng. Phương tiện đi lại trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) ước đạt 40,7 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước, tăng ở mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện là chủ yếu, các mặt hàng này hiện nay rất thông dụng phổ biến. Xăng, dầu các loại ước 80,2 tỷ đồng, tăng 5,33% so với tháng trước, do nhu cầu đi lại, sử dụng nhiên liệu, xăng dầu sau Tết Nguyên đán và giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng cao. Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ước đạt 46,8 tỷ đồng, giảm 21,09% so với cùng kỳ do nhu cầu của người dân giảm.
5.2. Dịch vụ
5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
- Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 02/2023 dự ước doanh thu đạt 237,5 tỷ đồng, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 35,11% so với cùng kỳ: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước 12,9 tỷ đồng, tăng 7,78% so với tháng trước và tăng 25,09% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước 224,6 tỷ đồng, tăng 8,33% so với tháng trước và tăng 35,73% so với cùng kỳ.
- Doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 02/2023 ước hơn 1,2 tỷ đồng, tăng 1,54% so với tháng trước và so với cùng kỳ tăng 24,18%.

5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Hầu hết các nhóm dịch vụ trong tháng 02/2023 đều tăng hơn so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động dịch vụ ước đạt 45,6 tỷ đồng, tăng 9,04% so với cùng kỳ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đang được chú trọng đầu tư và phát triển thu hút khách du lịch từ mọi miền đến thăm quan và du lịch, nghỉ dưỡng các cơ sở hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ đáp ứng được nhu cầu của người dân.

5.3. Vận tải
Trong tháng 02/2023 hoạt động của ngành vận tải, kho bãi tăng hơn so với cùng kỳ năm trước vì tháng 02 năm trước là tháng có những ngày trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tất cả các ngành bắt đầu đi vào hoạt động trở lại.
Tổng doanh thu toàn ngành vận tải tháng 02/2023 ước đạt 183,6 tỷ đồng, tăng 8,37% so với cùng kỳ năm trước, cộng dồn từ đầu năm ước đạt 353,4 tỷ đồng và tăng 1,51% so với cùng kỳ năm trước
Doanh thu vận tải hành khách đạt 21,7 tỷ đồng, tăng 11,2%. Khối lượng hành khách vận chuyển tăng 9,84%; hành khách luân chuyển tăng 17,27% so với cùng kỳ. Cộng dồn 02 tháng ước đạt 42,2 tỷ đồng tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 66,6 tỷ đồng, tăng 3,59%. Khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 0,78%; hàng hoá luân chuyển tăng 21% so với cùng kỳ. Cộng dồn 2 tháng ước đạt 130,8 tỷ đồng giảm 1,79% so với cùng kỳ năm trước (do Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng và kinh doanh tổng hợp – VVMI không còn có doanh thu đường sắt).
Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 95,1 tỷ đồng, tăng 11,31%;  hoạt động bưu chính, chuyển phát đạt 0,2 tỷ đồng, tăng 10,12% so với cùng kỳ năm trước.

6. Chỉ số giá
Sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tại trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị, chợ truyền thống… trên địa bàn tỉnh hoạt động kinh doanh diễn ra khá sôi động, lượng hàng hóa dồi dào đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến hay khan hiếm hàng hoá
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 02/2023 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước:
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 năm 2023 so với tháng trước
Trong 11 nhóm mặt hàng chính, có 7 nhóm hàng tăng, 3 nhóm hàng giảm,  riêng nhóm bưu chính, viễn thông có giá ổn định so với tháng trước. Trong đó:
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 1,19%, chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,53%, giá gạo tăng do nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng vào dịp Tết Nguyên đán: Giá gạo nếp tăng 0,96% so với tháng trước, gạo tẻ thường tăng 0,49%, gạo tẻ ngon tăng 0,14%. Nhóm thực phẩm giảm 0,02% do sau Tết Nguyên đán thời tiết thuận lợi cho các loại rau, củ phát triển, nguồn cung dồi dào. Cụ thể, giá của một số mặt hàng như sau: Giá bắp cải giảm 5,83%, su hào giảm 7,15%, khoai tây giảm 2,71%, đỗ quả tươi giảm 2,99%, rau tươi khác giảm 4,54%. Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,01%, đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,28% do nhu cầu tiêu dùng tăng.
- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 02/2023 tăng 1,26%, trong đó: Giá điện sinh hoạt tăng 1,76% so với tháng trước do nhu cầu dùng điện để sấy quần áo và hút ẩm do thời tiết chuyển nồm ẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,89% so với tháng trước, vật liệu bảo dưỡng nhà ở chính tăng 1,23%, vật liệu bảo dưỡng nhà ở khác tăng 0,06%. Bên cạnh đó, trong nhóm, giá nước sinh hoạt giảm 0,34%, dầu hoả giảm 1,01% so với tháng trước.
- Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,98% nguyên nhân chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và mức thuế bảo vệ môi trường. Trong tháng 02, thực hiện điều chỉnh giá xăng, dầu trong 2 kỳ ngày 13/02 và 21/02, cụ thể: Ngày 13/02, Xăng RON 95 tăng 620 đồng/ lít, có mức 23.767 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng/lít, có mức 22.869 đồng/lít; dầu diesel giảm 692đ/lít có mức là 21.562 đồng/lít; dầu hoả giảm 982 đồng/lít, có mức 20.840 đồng/lít; dầu mazut giảm 298 đồng/kg, có mức 13.636 đồng/kg. Ngày 21/02, Xăng RON 95 giảm 320 đồng/lít, có mức 23.440 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giảm 320 đồng/lít, có mức 22.540 đồng/lít; dầu diesel giảm 700 đ/lít, có mức là 20.860 đồng/lít; dầu hoả giảm 750 đồng/lít, có mức 21.594 đồng/lít; dầu mazut tăng 620 đồng/kg, có mức 14.250 đồng/kg. Trong nhóm giao thông, cùng với chỉ số giá nhóm nhiên liệu, chỉ số giá nhóm phụ tùng trong tháng tăng 0,75%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,6% so với tháng trước.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước
CPI tháng 02 tăng 3,57%, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,05%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,72%; Nhóm may mặc, mũ nón, giầy, dép tăng 3,34%; Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,85%; Nhóm hàng thiết bị đồ dùng gia đình tăng 2,61%; Nhóm giáo dục tăng 14,8%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 8,98%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,6%.

6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
- Chỉ số giá vàng: Trong tháng 02/2023 giá vàng thế giới biến động tăng - giảm thất thường, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng - giảm theo giá thị trường thế giới. Giá vàng trong nước so với tháng trước tăng 0,93%, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%, so với năm gốc năm 2019 tăng 43,51%.
- Chỉ số giá đô la Mỹ: So với tháng trước tăng 0,45%, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,77%, so với năm gốc năm 2019 tăng 6,53%.

7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội[4]
Tổ chức tuyên truyền, tư vấn chính sách pháp luật về lao động - việc làm cho 1.464 lượt người, lũy kế từ là 6.177 lượt người. Lao động đăng ký tìm việc làm qua Trung tâm: 55 người. Số người lao động được giới thiệu việc làm nhận được việc làm: 09 người (trong tỉnh: 06 người; ngoài tỉnh: 03 người). Tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm với 392 lượt người tham gia. Duy trì tiếp nhận hồ sơ hưởng TCTN và thực hiện các quy trình có liên quan đến giải quyết chính sách BHTN.
Đến hết tháng 01 năm 2023, số lao động tham gia BHXH là 66.525 người, bằng 20,6% lực lượng lao động trong độ tuổi; số lao động tham gia BHTN là 43.516 người, bằng 13,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tổng số đối tượng đang quản lý và chi trả BHXH hàng tháng là 30.244 người, giảm 48 người so với cùng kỳ năm 2022; quản lý, chi trả 1.747 người hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, tăng 96 người so với cùng kỳ.
Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 3.729 người có công và thân nhân với kinh phí 7.045 triệu đồng. Lũy kế chi trả trợ cấp là: 7.496 lượt người có công, kinh phí: 14.133,8 triệu đồng.
Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến trong tháng là 126 hồ sơ 5, lũy kế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân: 238 hồ sơ.

7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng[5]
Trong tháng 02 năm 2023, công tác y tế được tăng cường đảm bảo cho dịp sau Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân Xứ Lạng năm 2023, các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Đảng (03/02/2023) trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn, không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.
Tình hình dịch Covid-19: Tính từ ngày 01/01/2023 đến nay (Tính đến ngày 24/02/2023) ghi nhận 09 ca, không ghi nhận ca tử vong. Lũy kế từ ngày 06/5/2021 đến nay 159.929 F0, trong đó 607 ca mắc lần 2; 14 ca mắc lần 3 được báo cáo; đã khỏi bệnh 159.828 ca; tử vong 101 ca. Tình hình tiêm chủng: tổng số liều vắc xin đã tiếp nhận: 2.084.836 liều (liều lọ). Từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 102,31%, mũi 2 đạt 100,92% ; tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) đạt 91,91%; tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đạt 124,08% (bao gồm cả đối tượng mở rộng). Trẻ em từ 12-17 tuổi: Tỷ lệ mũi 1 đạt 99,08%; tỷ lệ mũi 2 đạt 98,88%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại (mũi 3) đạt tỷ lệ 77,52%. Trẻ từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi: Tỷ lệ mũi 1 đạt 100,48%; tỷ lệ mũi 2 đạt 90,39%. Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát, không để dịch lớn xảy ra. Số liệu bệnh sau truyền nhiễm trong tháng  (tính từ ngày 01/01/2023 - 31/01/2023) so với số liệu cùng kỳ năm 2022, có 8 bệnh có số mắc tăng
[6]; 01 bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ[7]. Các bệnh truyền nhiễm khác phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được duy trì thực hiện tốt. Các đơn vị khám, chữa bệnh đảm bảo trực 24/24 giờ. Kết quả trong tháng khám được 87.845 lượt, cộng dồn 194.085 lượt đạt 13,5% kế hoạch năm. Khám chữa bệnh ngoài công lập, trong tháng khám được 18.786 lượt, trong đó khám bảo hiểm y tế 18.828 lượt; chuyển viện 1.007 lượt; khám sức khỏe 1.188 lượt. Cộng dồn 02 tháng khám được 42.491 lượt, trong đó khám bảo hiểm y tế 37.894 lượt; chuyển viện 1.689 lượt; khám sức khỏe 3.264 lượt. Hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em tiếp tục được duy trì thực hiện. Tổng số trẻ dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi là 1.139 trẻ/19.058 trẻ được cân; luỹ kế là 2.327 trẻ/38.145 trẻ được cân. Tổng số trẻ sinh ra <2500 gram. Tổng số trẻ đẻ ra sống được cân: 17 trẻ/726 trẻ đẻ ra sống được cân, luỹ kế: 38 trẻ/1.404 trẻ đẻ ra sống được cân. 
7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch[8]
Thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng đất nước và của tỉnh. Tổ chức các hoạt động mừng Đảng -mừng Xuân Quý Mão năm 2023; triển khai các hoạt động: Lễ hội Hoa Đào Xứ Lạng, các hoạt động mừng Đảng mừng Xuân 2023; Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tiếp tục thực hiện tốt nghiệp vụ thư viện tại thư viện tỉnh, đáp ứng nhu cầu tra cứu của độc giả, tổng số lượt độc giả truy cập: 11.200 lượt. Mở cửa Nhà trưng bày, phòng chuyên đề, các  gian chợ phiên Kỳ Lừa xưa tại Bảo tàng 5.515 lượt. Quảng bá Di sản Văn hóa Lạng Sơn tại khu đô thị Mailand Hoàng Đồng – TPLS phục vụ 500 lượt khách tham quan.
Chiếu chương trình phim dành cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tổng số buổi hoạt động là 126 buổi tại 19 lượt xã, 126 lượt thôn, 600 lượt tuyên truyền các nội dung, phục vụ 10.000 lượt người nghe, xem. Tổ chức các hoạt động văn nghệ trong khuôn khổ Lễ hội hoa đào Xứ Lạng 2023: Giao lưu Hát Sli, lượn, Múa sư tử; Giao lưu Khiêu vũ quốc tế mở rộng...tại khu đô thị Mailan Hoàng Đồng; tổ chức Hội hát Sli, lượn và thi Lày cỏ dân tộc Nùng, Tày Lạng Sơn tại khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn.
Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao (TDTT) cơ sở nhằm thúc đẩy phòng trào tập luyện TDTT của người dân. Tổ chức các hoạt động TDTT chào mừng Xuân Quý Mão 2023; trong khuôn khổ Lễ hội Mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023, tổ chức giải Đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng năm 2023, giải Bóng chuyền hơi mùa Xuân tỉnh Lạng Sơn năm 2023; chương trình biểu diễn võ thuật năm 2023 trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tiếp tục duy trì công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên năng khiếu, huấn luyện các đội tuyển tham gia các giải thể thao khu vực và toàn quốc.
Lũy kế 2 tháng năm 2023, tổng lượng khách du lịch ước đạt 671.462 lượt khách, tăng 1.039,9% so với cùng kỳ 2022, đạt 18% so với kế hoạch năm 2023. (Trong đó: Khách quốc tế đạt 10.097 lượt khách, tăng 2.202,7% so với cùng kỳ 2022, đạt 5,05% so với kế hoạch; khách trong nước đạt 661.356 lượt khách, tăng 1.035,5% so với cùng kỳ, đạt 18,6% so với kế hoạch).

7.4. Giáo dục
Các đơn vị giáo dục trên địa bàn thực hiện triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2022-2023 theo kế hoạch. Tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023 tỉnh Lạng Sơn có 54 thí sinh tham gia, chia thành 09 đội  tuyển với 09 môn thi: Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Trung Quốc. Tăng cường nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; theo kế hoạch, trong tháng 02/2023 đã thực hiện tổ chức tuyển dụng viên chức bổ sung năm 2022 nhằm đảm bảo nguồn nhân lực hoạt động trong công tác dạy và học.
7.5. Trật tự - An toàn giao thông[9]
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong tháng xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 07 người, bị thương 03 người; So cùng kỳ năm 2022 tăng 06 vụ, tăng 07 người chết, tăng 03 người bị thương.
7.6. Môi trường
Trong tháng 02, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 01 vụ vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 160 triệu đồng. Hành vi vi phạm là thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo ĐTM; thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đầy đủ tần suất; bố trí khu vực lưu giữ chất thải không đáp ứng kỹ thuật. So với cùng kỳ (tháng 02/2022) số vụ vi phạm không có biến động, tăng 90 triệu đồng số tiền xử phạt. So với tháng trước (tháng 01/2023) tăng 01 vụ, tăng 160 triệu đồng số tiền xử phạt.
Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy; trong đó 15 vụ cháy rừng (xảy ra trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng) thiệt hại 26,3 ha rừng và 01 vụ cháy gara ô tô tại huyện Chi Lăng làm bị thương 02 người. Ước tổng giá trị thiệt hại 946,6 triệu đồng.

7.7. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng, trên khu vực tỉnh Lạng Sơn không xảy ra thiên tai; so với tháng 02 năm 2022 cũng không có thiên tai xảy ra.
 

[1] Nguồn: Sở Tài chính
[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
[3] Nguồn: Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn.
[4] Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
[5] Nguồn: Sở Y tế.
[6] Sốt xuất huyết 02 ca (tăng 02 ca); bệnh do vi rut Adeno 07 ca (tăng 03 ca); cúm 434 ca (tăng 89 ca); lỵ Amip 04 ca (tăng 01 ca); lỵ trực trùng 02 ca (tăng 01 ca); quai bị 01 ca (tăng 01 ca); thủy đậu 09 ca (tăng 09 ca); tiêu chảy 261 ca (tăng 147 ca)
[7] Viêm gan virut khác 0 ca (giảm 04 ca).
[8] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.
            [9] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây