Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, quý II và 6 tháng đầu năm 2023

Thứ sáu - 30/06/2023 04:00
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,32% so với cùng kỳ.
Kinh tế Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát tăng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và bất ổn tài chính; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã được cải thiện, nhưng tốc độ mở rộng thương mại năm 2023 dự kiến vẫn ở mức dưới trung bình do bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột ở U-crai-na. 
Đối với tỉnh Lạng Sơn, bên cạnh những thuận lợi như: Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt; các ngành, lĩnh vực tiếp tục có sự hồi phục sau đại dịch; Trung ương quan tâm bổ sung nguồn lực, chấp thuận chủ trương thực hiện nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh; từ đầu năm Trung Quốc thay đổi chính sách phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn, tỉnh cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước, những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế (như: Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng yếu kém…) ngày càng bộc lộ rõ nét. Tình hình thời tiết không thuận lợi (ít mưa), doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; một số cửa khẩu phụ chưa trở lại hoạt động; môi trường đầu tư kinh doanh, công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; những khó khăn, điểm nghẽn của nền kinh tế, sự bất cập giữa các cơ chế, chính sách cũng đã tác động lớn đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.
I. PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)
1.1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,32% so với cùng kỳ. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,83 điểm % vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,93%, đóng góp 1,73 điểm % vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng 5,20%, đóng góp 2,58 điểm % vào mức tăng chung; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,63%, đóng góp 0,18 điểm % vào mức tăng chung.  

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, công tác giám sát, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng được thực hiện thường xuyên, kịp thời và hiệu quả. Người dân đã dần thay đổi phương thức sản xuất, nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng như: Lựa chọn loại giống mới thích hợp, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, chuyển đổi cây trồng, tăng diện tích áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến; trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Một số cây trồng mới năm nay đến tuổi thu hoạch.  Năm nay thời tiết thuận lợi một số cây cho sản lượng cao. Tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân về nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương. Nhiều mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp xử lý chất thải làm phân bón hữu cơ rất có hiệu quả. Tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế, các cơ sở chăn nuôi đã chủ động tái đàn và vẫn duy trì thường xuyên công tác tăng đàn và tái đàn, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được duy trì và phát triển; công tác kiểm soát dịch bệnh ngày càng chủ.
Khu vực công nghiệp - xây dựng: Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì ổn định, các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường và các đơn hàng mới để đẩy mạnh sản xuất. Một số ngành hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ đóng góp vào mức tăng chung của toàn ngành. Trong đó ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,76%, đóng góp 0,66 điểm %. Hoạt động xây dựng được đẩy nhanh tiến độ. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021- 2025. Trong kỳ các ngành, các địa phương và các đơn vị chủ đầu tư đã kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm hoàn tất thủ tục thanh toán, đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và biến động giá nhiên liệu, vật liệu đến các hoạt động xây dựng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công và tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Ngành xây dựng tăng 6,65%, đóng góp 0,85 điểm % vào mức tăng chung.
Khu vực dịch vụ: Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định, các hoạt động thương mại, dịch vụ mở cửa trở lại bình thường, diễn ra sôi động so với cùng kỳ, công tác bình ổn giá được thực hiện tốt, giá cả thị trường được kiểm soát, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Mở cửa an toàn, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế trên địa bàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng đạt 5,20%, trong đó ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 10,91%, đóng góp 1,09 điểm %.

 

1.2. Cơ cấu kinh tế
Quy mô GRDP 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước tính đạt 21.294 tỷ đồng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,25%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 24,82%; khu vực dịch vụ chiếm 50,35%; thuế sản phẩm trừ (-) trợ cấp sản phẩm chiếm 4,58%.
2. Tài chính, ngân hàng    
2.1. Tài chính1
Trong 6 tháng đầu năm thực hiện rà soát đề xuất thu hồi về ngân sách tỉnh để bổ sung chi khác ngân sách đáp ứng nhu cầu chi các nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Công tác thu, chi ngân sách được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, chủ động đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) đáp ứng nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của tỉnh góp phần ổn định đời sống Nhân dân; an toàn nợ công được giữ vững.
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Ước thực hiện thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm (bao gồm ghi thu ghi chi tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với số tiền nhà đầu tư đã ứng trước được đối trừ tiền thuê đất và tiền sử dụng đất; thu khác quản lý qua ngân sách các đơn vị sự nghiệp) là 4.307.931 triệu đồng, đạt 53,2% dự toán Trung ương giao, đạt 52,5% dự toán tỉnh giao, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa: 1.341.500 triệu đồng, đạt 64,1% dự toán Trung ương giao, đạt 61% dự toán tỉnh giao, bằng 111,1% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 2.700.000 triệu đồng, đạt 45% dự toán giao, bằng 118,9% so với cùng kỳ; các khoản huy động, đóng góp: 3.477 triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ dần ổn định. Một số chính sách hỗ trợ miền, giảm, giãn nợ thuế của trung ương tiếp tục có hiệu lực đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khôi phục nhanh sản xuất kinh doanh, kích cầu và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho tăng thu NSNN. Hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh diễn ra tương đối thuận lợi do phía Trung Quốc điều chỉnh, nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19; thực hiện song song 02 phương thức giao nhận hàng hoá (giao nhận không tiếp xúc và giao nhận truyền thống).
- Về chi ngân sách địa phương
Ủy ban nhân dân tỉnh đã điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, các nhiệm vụ chi được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, quản lý nhà nước và đảm bảo kinh phí phòng chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN. Các đơn vị sử dụng ngân sách và các cấp ngân sách đã nghiêm túc tổ chức triển khai các giải pháp đề ra, thực hiện chi ngân sách bám sát quy định về định mức chi; công tác thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy định. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 5.310.560 triệu đồng, đạt 39,4% dự toán Trung ương giao, bằng 39,1% dự toán tỉnh giao, bằng 129,9% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi cân đối ngân sách địa phương là 4.272.000 triệu đồng, đạt 42,5% dự toán tỉnh giao, bằng 112,7% so cùng kỳ; chi Chương trình MTQG, chương trình mục tiêu và nhiệm vụ khác là 1.038.560 triệu đồng, đạt 29,2% dự toán tỉnh giao, bằng 349,9% so cùng kỳ.
2.2. Ngân hàng2
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh; tăng cường huy động vốn để đáp ứng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh; chấp hành nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định của pháp luật về lãi suất; quản lý ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu; thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông. Hoạt động ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ổn định và an toàn, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ước thực hiện đến ngày 30/6/2023, tổng huy động vốn đạt 40.523 tỷ đồng, tăng 16,56% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng đạt 40.400 tỷ đồng, tăng 4,83% so với cùng kỳ.
Các ngân hàng trên địa bàn chủ động rà soát, nắm bắt tình hình kinh doanh của khách hàng, áp dụng kịp thời các biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ kịp thời cho khách hàng gặp khó khăn; chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng đối với lĩnh.
3. Chỉ số giá 
3.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 6/2023
* So với tháng trước: Chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 0,15% (khu vực thành thị giảm 0,02%; khu vực nông thôn tăng 0,24%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, trong đó có 6 nhóm hàng tăng giá; 3 nhóm hàng giảm giá và 02 nhóm hàng giữ nguyên.
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,32%: Chủ yếu tăng ở mặt hàng thực phẩm, so với tháng trước tăng 0,49%: Giá thịt lợn tăng 2,04%, (khu vực thành thị tăng 1,13%; khu vực nông thôn tăng 2,45%), nguyên nhân khu vực nông thôn tăng cao hơn là vì chủ yếu là tự sản, tự tiêu nên nguồn cung không nhiều như khu vực thành thị (giá thịt lợn chung cả hai khu vực tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg); giá thịt lợn tăng kéo theo giá các loại giò, chả, nội tạng, giá mỡ cũng tăng theo; giá thịt gà giảm 0,15%; giá thịt chế biến tăng 0,49%; giá một số loại rau củ vào cuối vụ thu hoạch nên giá cả tăng, giá các loại rau tươi, khô và chế biến tăng 0,32%, trong đó giá bắp cải tăng 21,29%, su hào tăng 6,78%, khoai tây tăng 16,26%, măng tươi tăng 6,61%... đó cũng là  nguyên nhân dẫn đến giá thực phẩm tháng này tăng. Nhóm lương thực giảm 0,17% so với tháng trước. Nhóm ăn uống ngoài gia đình giảm 0,03% so với tháng trước, giảm chủ yếu ở nhóm đồ ăn nhanh mang đi (giảm 1,25%).
 - Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,30%. Trong đó, diễn biến giá một số mặt hàng trong nhóm như sau: Giá điện sinh hoạt tăng 4,50% do EVN thông báo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ  ngày 4 tháng 5; giá gas và các loại chất đốt khác giảm 5,54% ( Giá ga giảm 8,43%; dầu hoả giảm 4,29%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,31%; Giá nước sinh hoạt tăng 1,41%%; giá dịch vụ về nước sinh hoạt tăng 1,62% (tiền công thợ nước).
 - Nhóm giao thông tăng 0,10% so với tháng trước. Nguyên nhân tăng giảm ở nhóm này là do biến động giá xăng, dầu trong nước tăng, giảm liên tục theo giá nhiên liệu thế giới và mức thuế bảo vệ môi trường. Trong tháng có 3 kỳ điều chỉnh ngày 01/6/2023; ngày 12/6/2023 và ngày 21/6/2023. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng khác của xe máy trong tháng cũng tăng 0,3%; nhiên liệu tăng 0,45% so với tháng trước (xăng +0,50%; dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 1,92%; dịch vụ giao thông công cộng giảm  0,13%.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2023 so với cùng kỳ năm trước
CPI chung toàn tỉnh tháng 6/2023 tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Trong 9 nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ, nhóm giáo dục tháng 6/2023 tăng cao nhất với 11,54% do học phí năm học 2022 - 2023 không còn được áp dụng miễn, giảm học phí do ảnh hưởng của dịch và các mặt hàng văn phòng phẩm tăng giá so với năm trước; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 9,18% do các dịch vụ văn hóa, giải trí được phục hồi, giá cả tăng so với cùng kỳ; các mặt hàng khác tăng trong khoảng 1-2%. Ở chiều ngược lại 02 nhóm hàng gồm nhóm giao thông giảm 13,2% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,40% so với cùng kỳ.
 

3.2. Bình quân 6 tháng năm 2023
Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 tăng 2,42% so với cùng kỳ năm trước, gồm 9 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá. Những nguyên nhân chính tác động tăng chỉ số giá trong 6 tháng đầu năm do: Nhu cầu tiêu dùng trong dân tăng, giá cả một số nhóm hàng tăng như: Lương thực tăng 4,76%, thực phẩm tăng 5,01%. Ngày 04/5/2023 Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông báo điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ điện bình quân nên chỉ số giá điện sinh hoạt tăng cao(+ 4,50%), hơn nữa học phí năm học 2022 - 2023 tăng cao không còn được áp dụng miễn, giảm học phí do ảnh hưởng của dịch (Tỉnh Lạng Sơn vẫn thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ - CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ và Nghi quyết số 09/2022/NQ-HĐND tỉnh Lạng Sơn ngày 7 tháng 7 năm 2022). Riêng 02 nhóm hàng gồm nhóm giao thông và nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ.
3.3. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Tháng 6/2023, giá vàng trong nước tiếp tục biến động tăng, giảm với giá vàng thế giới. Trên xu hướng biến động chung của giá vàng trong nước, giá vàng trên địa bàn tháng này giảm nhẹ 0,21% so với tháng trước, tăng 1,23% so với cùng kỳ năm trước, và so với năm gốc năm 2019 tăng 42,44%. Bình quân 6 tháng tăng 2,46% so với cùng kỳ.  
Đô la so với tháng trước tăng nhẹ 0,03%, so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,74% và so với năm gốc năm 2019 tăng 5,27%. Bình quân 6 tháng năm 2023  giá chỉ số giá đô la Mỹ tăng 6,94% so với bình quân cùng kỳ.
4. Đầu tư, xây dựng
Lĩnh vực đầu tư xây dựng được tập trung thực hiện thủ tục đầu tư của các dự án khởi công mới, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, đã lựa chọn nhà thầu và khởi công 06/11dự án khởi công mới năm 2023; các dự án chuyển tiếp cơ bản được triển khai thực hiện theo tiến độ, tuy nhiên có 15/38 dự án tiến độ chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục phê duyệt thiết kế chi tiết, điều chỉnh dự án. Hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 03 Trung tâm Y tế tuyến huyện và 50 Trạm Y tế tuyến xã, tỉnh Lạng Sơn; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án Nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đã phê duyệt chủ trương đầu tư và hoàn thành lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.
4.1. Tình hình vốn đầu tư thực hiện 
Tổng vốn đầu tư thực hiện quý II năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt 4.923,5 tỷ đồng, tăng 10,77% so với cùng kỳ. Bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 1.466,7 tỷ đồng, tăng 28,47% so với cùng kỳ; Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngoài Nhà nước đạt, 3.428,4 tỷ đồng, tăng 5,37% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 28,4 tỷ đồng dạt 57,50%, so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 9.067 tỷ đồng, tăng 11,45% (tương đương tăng 931,2 tỷ đồng) so với cùng kỳ, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện ước đạt 2.368,6 tỷ đồng, tăng 26% (tương đương tăng 488,6 tỷ đồng so với cùng kỳ). Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngoài Nhà nước ước đạt 6.657 tỷ đồng, chiếm 73,42% tổng vốn, tăng 7,59% so với cùng kỳ. Các dự án đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng lớn là các dự án xây dựng nhà máy, trụ sở sản xuất kinh doanh; Dự án Khu đô thị phía Đông thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) ước thực hiện 183 tỷ đồng; dự án Quần thể khu sinh thái cáp treo Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) ước thực hiện 242 tỷ đồng; dự án Khu đô thị mới  Bến Bắc (thành phố Lạng Sơn) ước thực hiện tỷ đồng 156 tỷ đồng; dự án Thủy điện Bản Nhùng (Kỳ Cùng 6) ước thực hiện 196 tỷ đồng; dự án Nhà ở xã hội số 2 ước thực hiện 140 tỷ đồng; dự án khách sạn sân golf Hoàng Đồng -Lạng Sơn với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng; dự án Nhà máy chế biến hoa hồi Lạng Sơn ước thực hiện 48 tỷ đồng... Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 41,4 tỷ đồng.
 

4.2 Tình hình triển khai một số dự án đầu tư công trọng điểm
Dự án Cải tạo nâng cấp QL.4B (đoạn Km3+700 đến Km18): Dự án tiếp tục thực hiện công tác GPMB, thi công đào, đắp nền đường một số hạng mục của 02 cầu trên tuyến. Lũy kế từ khởi công ước đạt 50% giá trị hợp đồng xây lắp, giải ngân 6 tháng đầu năm ước đạt 44,5% kế hoạch vốn. Tuy nhiên so với yêu cầu tiến độ vẫn còn chậm, đến hết tháng 6 chưa bàn giao được 100% mặt bằng, khu tái định cư chưa hoàn thành, vẫn còn một số đoạn đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa triển khai thi công được do còn vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di chuyển, khu vực được bàn giao còn xen kẹp nhiều thửa đất chưa được bàn giao mặt bằng nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo 50 Trạm y tế tuyến xã, tỉnh Lạng Sơn (tổng mức đầu tư: 123,158 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương: 100 tỷ đồng; ngân sách huyện đối ứng: 23,158 tỷ đồng): đã khởi công được 06/11 dự án thành phần (Văn Lãng, Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan, Hữu Lũng), còn 05/11 dự án thành phần thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu trong tháng 6/2023, dự kiến khởi công trong tháng 7/2023 (Bắc Sơn, Thành phố, Đình Lập, Tràng Định, Chi Lăng).
Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT: Thực hiện xong các thủ tục giao Nhà đầu tư đề xuất dự án lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân công trách nhiệm đơn vị chủ trì, các đơn vị phối hợp đối với các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và Nhà đầu tư đề xuất dự án trong quá trình lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, giao các cơ quan tham mưu thực hiện các thủ tục về đất đai để triển khai, đảm bảo tiến độ phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 13/6/2022. Hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi để trình thẩm định, chưa đáp ứng tiến độ đề ra, do nhà đầu tư đề xuất dự án trình và chỉnh sửa hồ sơ phục vụ thẩm tra chậm.
Dự án Khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Lạng Sơn: Tổng diện tích đất thu hồi bao gồm cả dự án BT và dự án khác: 166.264,3 m2; Riêng đối với dự án BT, diện tích 94.651,2 m2. Trong đó, diện tích cần giải phóng mặt bằng là 76.934,0m2. Đến thời điểm báo cáo, đã giải phóng mặt bằng 46.018m2/76.934,0m2 Lũy kế giá trị khối lượng thực hiện và huy động vốn của Nhà đầu tư ước đạt khoảng 78,3 tỷ đồng. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024 tại Quyết định số 670/QĐ-UBND ngày 04/5/2024.
Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo 50 Trạm y tế tuyến xã, tỉnh Lạng Sơn (tổng mức đầu tư: 123,158 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương: 100 tỷ đồng; ngân sách huyện đối ứng: 23,158 tỷ đồng): đã khởi công được  06/11 dự án thành phần (Văn Lãng, Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan, Hữu Lũng), còn 05/11 dự án thành phần thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu trong tháng 6/2023, dự kiến khởi công trong tháng 7/2023 (Bắc Sơn, Thành phố, Đình Lập, Tràng Định, Chi Lăng).
5. Tình hình doanh nghiệp
Từ đầu năm đến hết tháng 5/2023, có 225 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,83% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký kinh doanh là  1.201,2 tỷ đồng, giảm 62,39% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động 213 doanh nghiệp tăng 23,12%, doanh nghiệp thông báo giải thể 36 doanh nghiệp giảm 18,19% so với cùng kỳ.
 

Xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên tổng số 33 doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo được hỏi về xu hướng kinh doanh. Đánh giá chung về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý II/2023 so với quý trước: 43,33% doanh nghiệp đánh giá tốt lên; 26,67% doanh nghiệp giữ ổn định; 30% số doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Trong đó, khu vực FDI 75% doanh nghiệp đánh giá tốt lên, 25% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 38,46% đánh giá tốt lên và 30,77% giữ ổn định, 30,77% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn quý trước.
Xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh, trong quý II, có 45% doanh nghiệp xây dựng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh  thuận lợi hơn; 42,50% doanh nghiệp xây dựng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh không có thay đổi so với các quý trước còn lại; 12,50% doanh nghiệp xây dựng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. 60% doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất tiếp tục tăng ở các quý tiếp theo; 30% doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất không đổi còn lại 10% doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất giảm so với các quý trước. Vì vậy dự báo 6 tháng cuối năm ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng như 6 tháng đầu năm.
6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, công tác chống hạn và sản xuất vụ Xuân được quan tâm triển khai sớm; dịch bệnh được kiểm soát, nguồn giống, vật tư ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn, phát triển chăn nuôi. Hoạt động trồng rừng, bảo vệ và phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có xu hướng giảm về số lượng đàn trâu, bò; đàn ngựa, dê và chăn nuôi khác phát triển tương đối ổn định; tổng đàn lợn, gia cầm có xu hướng tăng so với cùng kỳ, người chăn nuôi đẩy mạnh công tác tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Các mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi, vừa nâng cao chất lượng môi trường nước, giảm rủi ro dịch bệnh, đồng thời vừa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cá thương phẩm cung ứng cho thị trường….
Tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện phân cấp quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo quy định. Tăng cường giám sát, duy trì và xây dựng mã số vùng trồng đối với sản phẩm chủ lực, nâng tổng diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh được cấp mã số là 1.068,3 ha với 189 mã vùng trồng.
6.1. Nông nghiệp
6.1.1. Cây hằng năm
Thời tiết vụ Đông trên địa bàn ấm hơn cùng kỳ, ít xảy ra các đợt rét đậm, rét hại so với năm trước, thuận lợi cho công tác gieo trồng. Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết nóng, khô, ít mưa hơn cùng kỳ, lượng mưa nhỏ, rải rác cũng ảnh hưởng đến công tác sản xuất vụ Xuân. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông Xuân năm 2023 thực hiện được 45.543,48 ha, giảm 0,21% (-97,04 ha), trong đó riêng cây thạch đen giảm 566,19 ha so với cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước thực hiện được 154.041,45 tấn, tăng 3,38% (+5.036,16 tấn) so với cùng kỳ. 
Cây lúa diện tích gieo trồng sơ bộ thực hiện được 15.435,48 ha, giảm 1,04% (-162,61 ha). Do khô hạn kéo dài, trong thời vụ gieo trồng năm nay nhuận hai tháng hai, xuất hiện mưa nhỏ, lượng mưa ít, ảnh hưởng đến công tác làm đất gieo trồng. Những ngày cuối tháng 5 đến nay đã có mưa rào rải rác, lượng mưa đều, cung cấp kịp thời nước tưới tiêu cho các xứ đồng, diện tích lúa đang bị khô hạn đã được phục hồi phát triển trở lại, với việc sử dụng các loại giống lúa lai có sức phát triển cao, năng suất lúa ước đạt 52,82 tạ/ha, tăng 2,33% (+1,2 tạ/ha), sản lượng lúa ước đạt 81.531,48 tấn, tăng 1,26% (+1.014,14 tấn) so với cùng kỳ. Sâu bệnh đối với cây lúa có phát sinh sâu cuốn lá nhỏ diện rộng, bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh khô vằn lúa có phát sinh với tỉ lệ thấp, ít ảnh hưởng tới năng suất thu hoạch lúa vụ xuân.
Cây lấy củ có chất bột diện tích gieo trồng thực hiện được 1.501,13 ha, tăng 1,34% (+19,85 ha). Diện tích tăng chủ yếu ở cây khoai tây, sơ bộ gieo trồng 618,56 ha (+41,39 ha); năng suất ước đạt 132,79 tạ/ha, tăng 4,54%; sản lượng đạt 8.213,72 tấn (+882,20 tấn) so với cùng kỳ. Trong đó, tăng cao ở huyện Tràng Định do cây thạch đen giảm diện tích gieo trồng, người dân chuyển sang gieo trồng khoai tây; diện tích tăng ở huyện Tràng Định (+16,75 ha) và Lộc Bình (+35,17 ha)... Bên cạnh đó, các loại cây khoai lang, khoai mỡ, khoai môn, dong giềng và các cây lấy củ có chất bột khác giảm diện tích gieo trồng so với cùng kỳ do hiệu quả kinh tế không cao. 
Cây thuốc lá là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao và giá cả ổn định, được người dân quan tâm đầu tư, gieo trồng, chăm sóc. Diện tích gieo trồng sơ bộ thực hiện được 2.574,9 ha, tăng 14,03% (+316,77 ha). Thuốc lá được trồng chủ yếu ở huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, giá bán trên thị trường hai năm trở lại đây giữ mức ổn định từ 50.000 - 53.000 đồng/kg nên người dân yên tâm mở rộng sản xuất. Năng suất đạt 20,74 tạ/ha, tăng 0,62% (+0,13 tạ/ha). Sản lượng đạt 5.340,72 tấn, tăng 14,74% (+686,08 tấn) so với cùng kỳ.
 

Cây rau, đậu các loại và hoa diện tích gieo trồng thực hiện được 6.105,27 ha, tăng 0,96% (+58,35 ha), năng suất đạt 132,85 tạ/ha, tăng 4,35%, (+5,54 tạ/ha) so với cùng kỳ. Sản lượng đạt 81.110,49 tấn, tăng 5,36% (+4.123,64 tấn) so với cùng kỳ. Rau được trồng chủ yếu cải các loại, cải bắp, rau ngọn bí, cà chua, đậu đỗ co ve, dưa chuột, bí xanh... các lại rau phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết, cùng với việc một số vùng rau được bao tiêu sản phẩm bán cho địa phương khác, thương lái thu mua tận ruộng nên người dân yên tâm sản xuất, gieo trồng.
Tổng diện gieo trồng cây hằng năm khác sơ bộ thực hiện được 4.450,11 ha, giảm 7,23% (-353,82 ha); trong đó cây thạch đen trồng tập trung chủ yếu ở huyện Tràng Định và Bình Gia, một số ít trồng ở Văn Lãng, Bắc Sơn. Diện tích gieo trồng sơ bộ thực hiện được 2.029,55 ha, giảm 21,81% (-566,19 ha), khâu tiêu thụ xuất khẩu sản phẩm thạch sang Trung Quốc giảm, giá bán ra thấp hơn nên một phần diện tích người dân chuyển đổi cây trồng sang các loại cây hàng năm khác. Năng suất cây thạch ước đạt 51,78 tạ/ha, tăng 0,58%, sản lượng đạt 10.508,07 tấn, giảm 21,36% (tương đương giảm 2.853,91 tấn) so với cùng kỳ. 
6.1.2. Cây lâu năm 
Trong 6 tháng đầu năm, không phải là mùa thu hoạch chính cây ăn quả tuy nhiên cũng là thời gian đầu vụ, cây ra quả non, có thể phát sinh một số bệnh như sâu ăn lá, rệp sát gây hại đến cây trồng; bà con nông dân chủ động thực hiện phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn nên sâu bệnh được phòng trừ, không lan rộng. Diện tích cây lâu năm 6 tháng đầu năm 2023 hiện có ước thực hiện được 51.102,96 ha, tăng 1,28% (+645,45 ha) so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích cây ăn quả hiện có ước thực hiện được 17.105,89 ha, chiếm 33,45% tổng diện tích cây lâu năm; cây gia vị, dược liệu lâu năm ước thực hiện được 32.765,45 ha, chiếm 63,94% tổng diện tích cây lâu năm, tăng 1,12% (+364 ha) so với cùng kỳ. Cây lâu năm khác ước thực hiện được 790,70 ha, tăng 5,81% (+43,4 ha) so với cùng kỳ. 
Một số loại cây ăn quả: Cây vải ước thực hiện được 1.508,12 ha, giảm 0,67% (-8,66 ha); sản lượng vải ước đạt 10.327,38 tấn, giảm 0,88% (-91,67 tấn) so với cùng kỳ. Cây táo ước thực hiện được 199,91 ha, giảm 2,94% (-6,06 ha), diện tích cây táo giảm nhiều ở huyện Chi Lăng và Hữu Lũng do người dân chặt bớt diện tích cây già cỗi, cho năng suất kém; tập trung chăm sóc diện tích cây đang sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất, sản lượng cao hơn so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 1.373,65 tấn, tăng 1,39% (+18,83 tấn). Cây mận ước thực hiện được 764,14 ha, tăng 2,3% (+17,18 ha), đây là cây có sức kháng bệnh cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; sản lượng ước đạt 2.764,49 tấn, tăng 3,11% (+83,38 tấn). Diện tích cây na ước thực hiện được 4.460,41 ha, tăng 3,24%, trồng chủ yếu ở 02 huyện Chi Lăng (2.668,1 ha) và Hữu Lũng (1.692 ha), do có chất đất phù hợp, cho chất lượng quả ngon. Giá trị kinh tế của quả na đem lại giúp người dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện nay, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, người nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển, ra na trái vụ, tuy sản lượng chưa cao nhưng đã phần nào đáp ứng yêu cầu của thị trường. 
Cây hồi ước thực hiện được có 32.271,80 ha chiếm 98,49% trong tổng diện tích cây gia vị, dược liệu, tăng 1,11% (+221,28 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch hồi tứ quý trong 6 tháng đầu năm ước đạt 4.308,41 tấn, tăng 14,57% (+547,75 tấn). Là cây trồng truyền thống phù hợp với điều kện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, có hiệu quả kinh tế cao; trồng nhiều nhất ở huyện Văn Quan, hiện nay các địa phương trong tỉnh cũng chú trọng phát triển diện tích cây trồng. Giá bán hồi tươi vụ tứ quý dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg tươi, 145.000 - 148.000 đồng/kg khô.
Cây chè cây dược liệu lâu năm 434,55 ha, tăng 0,43% (+1,86 ha) so với cùng kỳ ăm trước. Trong đó, diện tích trồng chè búp là chủ yếu với 405,57 ha, chiếm khoảng 93,33% trong tổng diện tích chè, tăng 0,46% (+1,84 ha). Sản lượng ước đạt 1.136,53 tấn, giảm 11,95% (+154,18 tấn) chủ yếu giảm ở vùng trồng nhiều chè Đình Lập do giá bán chè thấp, thời tiết khô hạn, năng suất chè giảm, nhiều hộ trồng chè không thu hoạch mặc dù cây cho sản phẩm.
6.1.3. Chăn nuôi
Ước tổng đàn trâu 63.875 con, giảm 2,11% (-1.377 con) so với cùng kỳ năm trước. Số trâu xuất chuồng ước: 8.515 con, tăng 4,89% (+397 con), tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 2.096 tấn, tăng 5,23% (+104,13 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Người dân xuất bán nhiều do được chăm sóc, vỗ béo phục vụ nhu cầu thị trường.
Sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu 
6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước 
Ước tổng đàn bò 29.628 con, giảm 2% (-605 con) so với cùng kỳ năm trước. Số bò xuất chuồng ước: 2.211 con, tăng 2,98% (+64 con), tương ứng với sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 497,48 tấn, tăng 4,42% (+21,05 tấn) so với cùng kỳ.
Ước tổng đàn lợn 176.628 con, tăng 1,78% (+3.086 con) so với cùng kỳ năm trước. Số lợn xuất chuồng ước tính 165.112 con, tăng 0,12% (+199 con); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 13.231,3 tấn, tăng 6,52% (+809,33 tấn) so với cùng kỳ. Tình hình bệnh dịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế, các cơ sở chăn nuôi đã chủ động tái đàn và vẫn duy trì thường xuyên công tác tăng đàn và tái đàn, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được duy trì và phát triển. Tập trung đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại và hộ chăn nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh, nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 8/6/2023 dịch bệnh xảy ra tại 105 hộ/30 thôn/18 xã/07 huyện, tiêu hủy 424 con lợn với tổng trọng lượng 24,1 tấn. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 04/18 xã qua 21 ngày không phát sinh dịch.
Ước tính tổng đàn gia cầm toàn tỉnh 4.790,32 nghìn con, tăng 3,88% (+178,85 nghìn con) do nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm tăng, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán, sau Tết nhân dân đẩy mạnh tái đàn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu thụ; sản lượng xuất chuồng đạt 8.277,93 tấn, tăng 6,06% (+473,2 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
6.2. Lâm nghiệp
Từ đầu năm 2023 đến nay, trời ít mưa và chủ yếu là mưa nhỏ, thời tiết khô hạn kéo dài nên không mấy thuận lợi cho việc trồng rừng tập trung mới. Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, diện tích rừng sản xuất trồng mới đạt 6.553,80 ha, giảm 5,8% (- 403,7 ha) so với cùng kỳ. Số cây trồng phân tán thực hiện được 46,6 nghìn cây (tương đương 23,25 ha), tăng 0,5% (+0,2 ha) so với cùng kỳ. Diện tích rừng trồng sau khi được nghiệm thu chuyển sang chăm sóc, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh thực hiện chăm sóc được 47.820,36 ha, tăng 0,86% (+409,48 ha) so với cùng kỳ, do người dân quan tâm chăm sóc, quản lý để cây phát triển nhanh và rút ngắn chu kỳ sản xuất. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được quan tâm, thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết tại các vùng trên địa bàn tỉnh, kịp thời cảnh báo tới chính quyền các cấp, các chủ rừng và người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Lũy kế 6 tháng đầu năm xảy ra 13 vụ cháy, gây thiệt hại 10,97 ha.    

Sản lượng gỗ khai thác 6 tháng đầu năm 2023 đạt 348,3 m3, tăng 5,21% so với cùng kỳ. Trên địa bàn khai thác gỗ chủ yếu thuộc nhóm 5,6 và nhóm 7. Hiện nay, sản phẩm ván bóc và các sản phẩm gỗ trên địa bàn đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, không bị ứ đọng, tồn kho nên người dân đã chủ động khai thác sớm để tiếp tục sản xuất kinh doanh trồng rừng mới. Sản lượng củi khai thác và tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 295,92 nghìn ste, tăng 5,41% so với cùng kỳ. Khai thác củi tập trung chủ yếu ở khu vực cá thể, được dùng cho mục đích đun nấu phục vụ sinh hoạt gia đình và một phần được tiêu thụ trên thị trường
6.3. Thủy sản
Sáu tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 913,77 tấn, tăng 3,85% (+33,89 tấn) so với cùng kỳ, nguyên nhân tăng chủ yếu tập trung ở sản phẩm thủy sản nuôi trồng (chiếm 83,23%). Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 760,54 tấn, tăng 4,3% (+31,38 tấn). Trong đó, sản lượng cá nuôi trồng là 754,62 tấn, tăng 3,87% (+28,11 tấn) so với cùng kỳ. Sau khi bị thiệt hại nặng do mưa lũ ngày 09-10/5/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan kịp thời triển khai, hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản các biện pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai, bão, lũ, khắc phục hậu quả ổn định  sản xuất góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Sản xuất cá giống ước đạt 7,76 triệu con, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ kỹ thuật cho người dân về công tác tẩy dọn, bơm nước vào các ao để tiếp tục ươm nuôi các loại (cá hương, chép, trắm, vược, rô phi…). Tạo điều kiện môi trường phát triển tốt cho cá giống, góp phần làm tăng sản lượng thủy sản nuôi trồng.
7. Sản xuất công nghiệp
Sáu tháng đầu năm 2023, ngành công nghiệp tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đà tăng trưởng, phát triển ổn định và theo định hướng quy hoạch. Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh tập trung phát triển một số ngành chính gồm công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo (chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, xi măng, xe điện), sản xuất và phân phối điện. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất với số lượng lớn, đảm bảo hợp đồng các đơn đặt hàng và phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. 
7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6/2023
7.1.1. So với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 giảm 0,75%; trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,03%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,61%, ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 3,03%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 0,76%. Đối với các ngành kinh tế giảm thì ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 19,25% do 02 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm clanke tồn kho nhiều không tiêu thụ được, trong đó công ty Cổ phần xi măng Hồng Phong vừa mới chuyển đổi chủ sở hữu nên sản xuất cầm chừng; đây là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp và yếu tố chủ yếu làm chỉ số của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 2,78% do sản phẩm khó tiêu thụ nên doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 3,54% do sản phẩm khó tiêu thụ, sản xuất trang phục giảm 3,61% (chủ yếu ở các hộ sản xuất kinh doanh cá thể) do nhu cầu người dân không cao.
7.1.2. So với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 so với cùng kỳ tăng 8,22%. Cụ thể, công nghiệp khai thác tăng 1,87%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,86%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 12,99%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 0,69% so với cùng kỳ. Ngành điện tăng 12,99% do nhu cầu thị trường tăng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương tăng sản lượng nhiệt điện bổ sung nguồn điện đảm bảo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong điều kiện thời tiết nắng nóng; điện sản xuất tăng 12,82%, điện thương phẩm tăng 15,02% so với cùng kỳ.
7.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý II và 6 tháng đầu  năm 2023 so với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp dự ước quý II năm 2023 tăng 8,23% so với cùng kỳ; ngành khai khoáng tăng 0,74%; ngành chế biến, chế tạo tăng 13,61%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,88%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 1,37%. Mức tăng chủ yếu của ngành khai khoáng tập trung ở sản phẩm than đá; ngành chế biến, chế tạo tập trung ở các ngành: chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất; sản xuất phương tiện vận tải khác; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế. 
Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh dự ước 6 tháng năm 2023 tăng 6,81% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,98%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,09%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp; sản xuất và phân phối điện tăng 3,57%; cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 2,02%. 
Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng  năm 2023
so với cùng kỳ năm trước  

Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá cao góp phần thúc đẩy chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,28%, sản xuất đồ uống tăng 27,43% phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong Tết Nguyên đán, các dịp các lễ, hội Xuân, dịp nghỉ lễ… trên địa bàn tỉnh; dịch vụ sản xuất thuộc, sơ chế da tăng 17,57% do số lượng đơn đặt hàng gia công sản phẩm cho một số công ty trong nước tăng, hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trở lại, nhu cầu đặt hàng gia công tăng cao; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn như hoạt động hàn xì, sản xuất cửa hoa, cửa sắt, hàn xì lợp mái tôn tăng 40,41%, sản phẩm giường, tủ bàn, ghế tăng 32,34% do đáp ứng nhu cầu xây dựng và hoàn thiện các công trình xây dựng của hộ dân cư và các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh tăng; sản phẩm phương tiện vận tải như xe đạp, xe máy điện tăng 22,48%, sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo khác như bật lửa ga, bút bi, bóng thể thao khác tăng 40,4% do các đơn vị sản xuất nhận thêm nhiều đơn đặt hàng; các sản phẩm từ gỗ như gỗ dán, gỗ lạng, ván ép công nghiệp tăng 26,59% đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh do nguồn nguyên liệu nhiều, có sẵn trên địa bàn, dự báo sản phẩm gỗ và các sản phẩm từ gỗ có xu hướng tăng do thị trường Trung Quốc mở của trở lại; sản phẩm hoá chất như muối công nghiệp, colophan và axit nhựa cây và các dẫn xuất tăng 47,39% do hiện nay trên địa bàn vào mùa thu hoạch nhựa thông, có 02 doanh nghiệp sản xuất và chế biến sản phẩm từ nhựa thông hoạt động ổn định và nhận thêm nhiều đơn hàng đặt hàng mới, Công ty cổ phần Kim Đạt sản xuất thêm sản phẩm mới (muối công nghiệp NH4). 
Sản phẩm chủ lực của tỉnh: Xi măng Portland đen ước đạt 658,4 nghìn tấn, tăng 1,71% (khoảng 11,1 nghìn tấn) so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho hoạt động xây dựng không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh mà còn cung cấp cho một số tỉnh lân cận, riêng sản phẩm clanhke xi măng giảm 19,31% (khoảng 111,8 nghìn tấn) so với cùng kỳ do sản phẩm tồn kho nhiều, lợi nhuận mang lại từ sản xuất không cao như cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp cắt giảm sản lượng và chỉ sản xuất cầm chừng theo kế hoạch. Sản lượng điện sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là của Công ty cổ phần Nhiệt điện Na Dương ước 6 tháng năm 2023 sản lượng điện đạt 542,1 triệu Kwh, tăng 3,53% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác than của Công ty Than Na Dương 6 tháng năm 2023 đạt 309 nghìn tấn, tăng 1,79 % so với cùng kỳ.
7.3. Chỉ số tiêu thụ, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chỉ số tiêu thụ tháng 6/2023 giảm 5,23% so với tháng trước và tăng 11,97% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm đến cuối 6 tháng năm 2023 tăng 6.53% so với cùng kỳ, chỉ số tiêu thụ tăng cao ở một số ngành như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,46%, chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ tăng 18,48%, sản xuất hoá chất và các sản phẩm hoá chất tăng 153,27%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 294,57%, sản xuất các phương tiện vận tải khác tăng 29,72%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 16,77% do khối lượng sản xuất tăng nên chỉ số tiêu thụ tăng cao. Bên cạnh đó, một số ngành giảm sâu ở một số ngành như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 77,9%, sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 35,04%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 34,32%, sản suất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (clanhke xi măng) giảm 14,33% do doanh nghiệp không nhận được đơn đặt hàng, khối lượng sản xuất giảm nên không có tiêu thụ.
Chỉ số tồn kho ngành chế biến chế tạo tháng 6/2023 tăng 11,65% so với tháng trước và tăng 24,08% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ chỉ số tồn kho tăng cao chủ yếu ngành: Sản xuất đồ uống (sản phẩm rượu) tăng 146,48%, chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ tăng 285,82%, sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 42,91% do các doanh nghiệp đã chủ động tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống dẫn đến khối lượng sản xuất tăng trong kỳ nên tồn kho tăng cao; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 54,93% do sản phẩm clanke không xuất khẩu được. Các nhóm sản phẩm có chỉ số hàng tồn kho giảm so với cùng kỳ do khối lượng sản xuất giảm, doanh nghiệp trong tháng không sản xuất sản phẩm, tập trung tiêu thụ sản phẩm tồn kho như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 47,02%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 98.59%, sản xuất sẩn phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 77,01%, công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 70,01%. 
7.4. Chỉ số sử dụng lao động 
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 6/2023 tăng 0,96% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ. Cộng dồn đến cuối tháng chỉ số sử dụng lao động giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước, các ngành sản xuất công nghiệp đều giảm do một số doanh nghiệp có sản phẩm khó tiêu thụ, giảm sản lượng sản xuất, doanh nghiệp tổ chức sắp xếp lại sản xuất kinh doanh, một số ngành do áp dụng máy móc thay thế con người, doanh nghiệp thực hiện quá trình cổ phần hóa ... nên cắt giảm lao động. Cụ thể: Ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 0,85%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,91%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,27%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,56%.
8. Thương mại và dịch vụ
Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 6 diễn ra sôi dộng do hiện tại là thời điểm thu hoạch của nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu như vải thiều, sầu riêng, nhãn, xoài, mít. Trên địa bàn tỉnh duy trì thực hiện thông quan hàng hóa tại 05 cửa khẩu (Hữu Nghị, Ga Đồng Đăng, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam). Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã tăng cường phối hợp, điều tiết phương tiện chở nông sản, trái cây vào Khu Phi thuế quan; trao đổi, thống nhất với Trung Quốc để điều tiết một phần mặt hàng sầu riêng xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, giảm tải cho cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. 
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 6 ước đạt 530 triệu USD, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.285 triệu USD, đạt 60,1% kế hoạch, tăng 101,1% so với cùng kỳ. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 ước đạt 360 triệu USD, lũy kế 6 tháng ước đạt 1.280 triệu USD, đạt 98,5% kế hoạch, tăng 322,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tháng 6 ước đạt 170 triệu USD, lũy kế 6 tháng đạt 1.005 triệu USD, đạt 40,2% kế hoạch, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Hàng xuất khẩu địa phương trong tháng 6 ước đạt 15 triệu USD, lũy kế 6 tháng đạt 70 triệu USD, đạt 45,5% kế hoạch, tăng 20,7% so với cùng kỳ3
Thương mại và dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023
so với cùng kỳ năm trước 
 

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 6 tháng năm 2023 đạt 15.489,4 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông và chuyên môn khoa học), tăng 24,93% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao so với cùng kỳ do sự phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
8.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13.865,8 tỷ đồng,  tăng 25,08% so với cùng kỳ. Một số nhóm ngành hàng dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ: Nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 1.160,8 tỷ đồng tăng 53,92%, tiếp theo là nhóm phương tiện đi lại, trừ ô tô con ước đạt 494,8 tỷ đồng, tăng 29,69%; nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 7.712,1 tỷ đồng, tăng 25,31% so với cùng kỳ nhóm hàng hóa khác ước đạt 674,8 tỷ đồng, tăng 25,18%; nhóm ô tô con ước đạt 19,3 tỷ đồng, tăng 23,13% so với cùng kỳ.
8.2. Dịch vụ
8.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Trong cuối tháng 5 và đầu tháng 6 là thời điểm rơi vào dịp nghỉ hè của học sinh, sinh viên. Các tour du lịch trong nước đang thực hiện nhiều gói ưu đãi, khuyến mãi giảm giá sâu để kích cầu khách du lịch. Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 1,2 tỷ đồng, tăng 3,37% so với tháng trước và tăng 1,47% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.334,4 tỷ đồng, tăng 27,09% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 7,1 tỷ đồng, tăng 14,98% so với cùng kỳ (nguyên nhân tăng cao so với cùng kỳ do nhu cầu sử dụng dịch vụ lưu trú, ăn uống trong các dịp lễ, Tết, các kỳ nghỉ lễ của nhân dân sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát). 
8.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Doanh thu dịch vụ khác tháng 6 năm 2023 ước đạt 47,15 tỷ đồng, giảm 1,14% so với tháng trước và tăng 10,98% so với cùng kỳ. Cộng dồn 6 tháng ước đạt 282,2 tỷ đồng tăng 9,79% so với cùng kỳ. Trong đó, một số nhóm dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ như: Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí ước đạt 31,5 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cùng kỳ; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội ước đạt 32,8 tỷ đồng, tăng 23,58% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ ước đạt 59,9 tỷ đồng, tăng 18,96% so với cùng kỳ.
8.3. Vận tải
Trong tháng 6/2023 hoạt động vận tải kho bãi trên địa bàn tỉnh sôi động hơn tháng trước, đặc biệt là hoạt động vận tải hành khách do nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên tăng cao khi bắt đầu dịp nghỉ hè; bên cạnh đó hoạt động vận tải hàng hóa và kho bãi cũng tăng do nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng và hàng nông sản ở các tỉnh phía Nam về khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Doanh thu hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm 2023
So với cùng kỳ năm trước
 

 Dự ước doanh thu vận tải kho bãi 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.146,7 tỷ đồng, tăng 13,24% so với cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 363,7 tỷ đồng, bằng 98,22%; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 127,6 tỷ đồng, tăng 17,09%; doanh thu hoạt động kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 654 tỷ đồng, tăng 22,92%; doanh thu hoạt động bưu chính, chuyển phát ước đạt 1,4 tỷ đồng, tăng 3,73% so với cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 3,9 triệu tấn, tăng 2,88% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 340,9 triệu tấn.km, bằng 97,35% so với cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 2,97 triệu HK, tăng 18,73% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 145,9 triệu HK.km, tăng 16,84% so với cùng kỳ.
II. CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư
1.1. Công tác an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh giảm dần qua từng năm, đời sống của người dân được nâng cao, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện chuẩn nghèo theo quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 áp dụng giai đoạn 2021-2025. Đây là chế độ chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ kịp thời hộ trong diện còn nhiều khó khăn tại các khu vực cả nông thôn và thành thị. Thực hiện chuyển quà của Ủy ban nhân dân tỉnh đến các gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với 30.598 xuất quà trị giá 17.428 triệu đồng... Cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, chính sách hỗ trợ giảm nghèo  được triển khai đồng bộ, hiệu quả như:  Hỗ trợ giáo dục, đào tạo. Trong 6 tháng đầu năm đã hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách ước đạt 403.132 thẻ.
Chi trả trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua hệ thống Bưu điện đảm bảo kịp thời cho 33.446 lượt người, thực hiện cứu đói cho các hộ gia đình trên địa bàn cho 8.662 nhân khẩu với 180.030 kg gạo, trị giá 2.883,147 triệu đồng.
Thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đối với người có công, gia đình khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 22.312 người có công và thân nhân với kinh phí  42.115 triệu đồng;  tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người  hoạt động kháng chiến là 900 hồ sơ. 
1.2. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, các chính sách lao động - việc làm được duy trì thường xuyên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội duy trì ổn định. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công tác chăm lo đời sống cho người lao động, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã chú trọng các chính sách để thu hút người lao động gắn bó lâu dài. Việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trả lương cho người lao động tại các doanh nghiệp cơ bản được thực hiện ở các doanh nghiệp có quy mô lớn, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa chấp hành nghiêm Luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội như: Chưa thực hiện đúng thời gian làm việc, không đóng bảo hiểm cho người lao động, một số doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến việc chi trả lương cho người lao động thấp. Do vậy, lực lượng lao động của tỉnh đi làm thuê ở ngoài tỉnh tương đối lớn... Tổng thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 808,8 tỷ đồng, tổng chi 1.353,7 tỷ đồng. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 86,4%; tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 20,4% (Chưa bao gồm số lao động có hộ khẩu tại tỉnh đi làm việc tại các tỉnh khác).
2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng4
2.1. Công tác y tế dự phòng 

 Công tác phòng chống dich Covid-19 tính đến ngày 16/6/2023: 161.214F0 (trong đó 979 ca mắc lần 2; 37 ca mắc lần 3 được báo cáo); đã khỏi bệnh 161.067 ca; tử vong 101 ca. Đánh giá cấp độ dịch của tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế (đánh giá ngày 16/6/2022): Quy mô xã: 200/200 xã, phường, thị trấn: Cấp 1 “Vùng xanh”.
Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát, không để dịch lớn xảy ra. Tình hình bệnh truyền nhiễm trong tháng (tính từ ngày 01/05/2023- 31/05/2023) so với cùng kỳ, có 04 bệnh có số mắc tăng; 07 bệnh có số mắc giảm so với cùng kỳ. Các bệnh truyền nhiễm phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch.
2.2. Công tác khám chữa bệnh
Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được nâng lên, nhận được sự hài lòng của Nhân dân. Các đơn vị khám, chữa bệnh đảm bảo trực 24/24 giờ. Kết quả trong tháng khám được 131.500 lượt, điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế  xã 12.339 lượt, điều trị ngoại trú 9.668 lượt. Cộng dồn 6 tháng: Khám bệnh 665.964 lượt đạt 46,14%  so với kế hoạch năm; điều trị  nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã 67.644 lượt đạt 44,11% so với kế hoạch năm; điều trị ngoại trú 61.231 đạt 101,24% so với kế hoạch năm.
Khám chữa bệnh tại các phòng khám đa khoa ngoài công lập: Trong tháng khám được 26.219 lượt, trong đó khám bảo hiểm y tế 21.889; Chuyển viện 902 lượt;  khám sức khỏe 1.617 lượt (trong đó, khám sức khỏe theo Thông tư 14/2013/TT-BYT: 809 lượt, khám sức khỏe lái xe: 1489  lượt). Cộng  dồn 6  tháng khám được 145.374 lượt, trong đó khám bảo hiểm y tế 121.546 lượt; Chuyển viện 5. 226 lượt; khám sức  khỏe 12.431 lượt (trong đó, khám sức khỏe  theo Thông  tư 14/2013/TT-BYT: 4.452, khám sức khỏe lái xe: 7.979).
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý luôn được quan tâm, đảm bảo thực hiện đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ.
Hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em: Tổng số trẻ dưới 2 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi: 1.279/18.425 trẻ được cân; Luỹ kế: 7.001/112.283 trẻ được cân. Số bà mẹ sau sinh được uống bổ sung vitamin A  trong tháng: 394/644 (đạt 61,2%); Luỹ kế: 2.315/3.209 (đạt 72,1%).
3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch5
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Nghiên cứu, rà soát 01 hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng quốc gia và 06 hồ sơ di tích trình xếp hạng cấp tỉnh của Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng, Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn; thực hiện công tác trùng tu tôn tạo di tích, kiểm kê di tích trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện quy trình đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức tài trợ cho di tích và lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng văn hóa cơ sở và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới đã được các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2023: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa ước đạt 55%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá ước đạt 99,4%; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới ước đạt 60%; đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa ước đạt 92%; đăng ký danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa ước đạt 93%; đăng ký danh hiệu Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa ước đạt 97%.
Hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Tính đến ngày 12/6/2023 đã  thực hiện  biểu diễn được 60/110 chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ các  nhiệm vụ chính trị, các ban ngành và cơ sở (đạt 55% kế hoạch giao).
Hoạt động Thư viện: Tổ chức các hoạt động hè cho đối tượng độc giả thiếu niên, nhi đồng và tổ chức Chương trình “Vui đọc sách hè” năm 2023.
Hoạt động Bảo tàng: Lựa chọn, cung cấp 336 hiện vật phục vụ tuyên  truyền, triển lãm chuyên đề. Cung cấp tài liệu, hiện vật liên quan đến di sản vật  thể, phi vật thể thuộc 6 huyện trong vùng công viên địa chất, phục vụ lập hồ sơ  về công viên địa chất; nhập 78 bộ hồ sơ hiện vật mới đăng ký vào phần mềm quản lý hiện vật. Đón tiếp, phục vụ khách tham quan nghiên cứu, học tập  tại Bảo tàng đạt: 18.980/15.000 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập (đạt  126%  kế hoạch).
Hoạt động Chiếu phim: Trong 06 tháng đầu năm 2023 đạt 830/1.670 buổi (50% kế hoạch năm), phục vụ khoảng trên 71 nghìn lượt người nghe và xem. Hoạt  động chiếu phim tại Rạp: Số phim chiếu 65 phim; thực hiện 309 suất chiếu; phục vụ 2.578 lượt người xem; số buổi chiếu Hợp đồng: 26 buổi, phục vụ 6.440 lượt người xem; số buổi chiếu chính trị: 5 buổi, phục vụ 1.200 lượt người; doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 156 triệu đồng.
Lĩnh vực thể dục, thể thao: Tiếp tục duy trì công tác đào tạo, huấn luyện  vận động viên năng khiếu, huấn luyện các đội tuyển tham gia các giải thể thao khu vực và toàn quốc. Thành tích đặc biệt nổi  bật: Vận động viên Nông Văn  Hữu tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) tại  Campuchia đã mang về cho thể thao nước nhà 01 huy chương vàng, 01 huy chương đồng; trước đó tham dự giải Vô địchWushu quốc gia năm 2023 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đạt 02 huy chương vàng.
Trong 6 tháng đầu năm thu hút 2.820,9 nghìn lượt khách du lịch, đạt 75,3% kế hoạch, tăng 24,5% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 2.161,9 tỷ đồng, tăng75,8% kế hoạch, tăng 145,4%, hiện nay ngành du lịch của tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp để thu hút khách đến du lịch, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2023.  
4. Giáo dục
Nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, các cấp học phổ thông hoàn thành đúng tiến độ chương trình, nội dung; chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được duy trì và phát huy6; tổ chức kỳ thi trung học phổ thông năm 2023 và công tác tuyển sinh năm học 2023 - 2024; công nhận mới 06 trường học đạt chuẩn quốc gia7, nâng số trường đạt chuẩn lên 275 trường; công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2022 đối với 11 huyện, thành phố8. Hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh từ năm học 2023 - 2024; hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 11.
5. Trật tự - An toàn giao thông9
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Triển khai công tác quốc phòng địa phương; giáo dục quốc phòng, an ninh; thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng và an ninh theo kế hoạch. Triển khai đợt vận động đặc biệt ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới, từ ngày 15/12/2022 đến 31/5/2023 đã xây dựng được 80 đường nhánh lên kiểm tra các mốc biên giới với tổng chiều dài 10,7 km, lũy kế đã có 178 đường với tổng chiều dài 22,8km đã được đầu tư xây dựng. Tổ chức đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, chủ động nắm tình hình, xây dựng các phương án ứng phó với mọi tình huống, không để xảy ra các vụ việc phức tạp về tội phạm, mất an ninh trật tự. Phạm pháp hình sự tiếp tục được kiềm chế; công tác điều tra được tăng cường, tỷ lệ khám phá án đạt 95,88%. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Trong tháng xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông, làm chết 04 người, bị thương 01 người; lũy kế từ đầu năm 2023 xảy ra 30 vụ, làm chết 26 người, bị thương 14 người. 
6. Môi trường
Trong tháng 6, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, không có vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý. So với tháng 5/2023 không có vi phạm môi trường được phát hiện và xử lý, so với tháng 6/2022 giảm 01 vụ, giảm 20 triệu đồng tiền xử phạt. Lũy kế từ đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn phát  hiện và xử lý 01 vụ, xử phạt 160 triệu đồng.
7. Thiệt hại do thiên tai 
Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết tại các vùng trên địa bàn tỉnh, kịp thời cảnh báo tới chính quyền các cấp, người dân chủ động thực hiện các  biện pháp phòng chống thiên tai… Trong  tháng 6 trên địa bàn  tỉnh xảy ra 01 vụ cháy rừng, thiệt hại khoảng 0,02 ha rừng trồng; lũy kế đến thời điểm báo cáo xảy ra 13 vụ cháy, gây thiệt hại 10,97 ha. Trong ngày 03-04/6/2023 địa bàn huyện Tràng Định có mưa to và giông lốc làm cho 30 hộ dân bị tốc mái (trong đó: 03 hộ bị tốc mái trên 70%; 27 hộ bị tốc mái trên 30%); khoảng 1,0 ha rau màu bị thiệt hại trên 30%. Ước thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Công tác vệ sinh  tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở, kịp thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm thiệt hại và lây lan phát sinh.
III. Một số khó khăn, hạn chế, nguyên nhân
1. Khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn, hạn chế chủ yếu như sau:
- Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thấp hơn so với cùng kỳ, mặc dù cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các ngành sản xuất tuy đã phục hồi nhưng còn chậm, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện việc cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp còn hạn chế. Hiện nay hoạt động thông quan hàng hóa chỉ duy trì tại 05 cửa khẩu của tỉnh, các cửa khẩu khác chưa được khôi phục hoạt động.
- Thời tiết trong những tháng đầu năm khô hạn, ít mưa đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân; xảy ra cháy rừng tại một số địa bàn, số vụ cháy rừng tăng so với cùng kỳ; xảy ra tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất và nhân dân từ cuối tháng 5.
- Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là các dự án trọng điểm chưa đáp ứng được yêu cầu. 
- Tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, cả ba tiêu chí đều tăng so với cùng kỳ.
- Công tác cải cách hành chính tuy đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính giảm so với năm 2021; công tác triển khai thực hiện, thực thi, cụ thể hoá các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo của tỉnh, của các sở, ban, ngành, cấp huyện còn hạn chế, chưa kịp thời, đầy đủ, linh hoạt, chủ động, sáng tạo. 
2. Nguyên nhân
Những hạn chế, khó khăn nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó chủ yếu do tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động khó lường, phức tạp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam cũng như tỉnh Lạng Sơn. Với những điều kiện khó khăn đặc thù của tỉnh biên giới, quy mô kinh tế nhỏ, địa hình miền núi bị chia cắt phức tạp, nhất là nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh đối với Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tuy đã được quan tâm cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; còn có sự chưa thống nhất giữa quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ở một số nơi còn thiếu tính quyết liệt, chủ động, sáng tạo, quyết liệt; có tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức chưa nghiêm, đạo đức công vụ còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Đánh giá chung, 6 tháng đầu năm 2023, với sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh uỷ, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự tham gia, phối hợp tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -xã hội, sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, cùng với sự đoàn kết, thống nhất của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng khá so với cùng kỳ; sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, kinh tế cửa khẩu được quan tâm lãnh đạo, tập trung triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu; sản xuất công nghiệp, xây dựng duy trì đà tăng trưởng; hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh; thu ngân sách đạt tiến độ dự toán và tăng cao so với cùng kỳ; tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công tăng so cùng kỳ; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện; số doanh nghiệp thành lập mới tăng so cùng kỳ; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
IV. Đề xuất giải pháp
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm, để bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 7 - 7,5%, tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm phải đạt từ 8,5% trở lên. Để phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong 6 tháng cuối năm các cấp, các ngành cần nâng cao trách nhiệm, bám sát tình hình, chỉ đạo của cấp trên, chủ động, sáng tạo, hành động quyết liệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Hai là, Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án, chính sách thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt; đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 
Ba là, Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ cao nhất. Tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng và các công tác phối hợp triển khai Dự án trọng điểm, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các dự án đầu tư, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư, lựa chọn xong Nhà đầu tư, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để tổ chức khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT, đảm bảo cuối năm 2023 tổ chức khởi công; dự án Nâng cấp đoạn Km18 - Km80, Quốc lộ 4B, phấn đấu khởi công trong quý III/2023. 
Bốn là, Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Triển khai kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn giáo viên trong dịp hè năm 2023; công tác tuyển sinh và khai giảng năm học 2023-2024. Duy trì kết quả và nâng chuẩn chất lượng phổ cập giáo dục; tiếp tục kiểm tra, công nhận mới trường học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch. 
Năm là, Duy trì ổn định sản xuất của các cơ sở công nghiệp. Hỗ trợ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án phát triển công nghiệp như: Dự án khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn và các cụm công nghiệp đã được phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thành lập các cụm công nghiệp Na Dương 1, 2, 3, Hoà Sơn 1.
Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, làm tốt công tác định hướng phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của địa phương. 
Sáu là, Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn lớn, tiềm năng; hướng dẫn, tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi sau đại dịch; xây dựng Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 71-CTr/TU ngày 09/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. 


[1] Nguồn: Sở Tài chính.
[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn.
[3] Nguồn số liệu: Sở Công Thương.
[4] Nguồn: Sở Y tế.
[5] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch.
[6] Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa: Có 16 giải (chiếm 29,6% số học sinh tham gia thi) tăng 04 giải so với năm học 2021- 2022, trong đó có 02 giải Nhì, 04 giải ba và 10 giải Khuyến khích. Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia: 01 giải Ba. Ngày hội khởi nghiệp của học sinh, sinh viên cấp Quốc gia lần thứ V: 01 giải Ba. Thi học sinh giỏi cấp tỉnh có 659 học sinh đạt giải, trong đó 25 giải nhất, 148 giải nhì, 486 giải ba.
[7] Trong 06 tháng đầu năm công nhận tổng số 10 trường đạt chuẩn, trong đó 06 trường công nhận mới, 04 trường công nhận lại.
[8] Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi đạt chuẩn, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ mức độ 2.
[9] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh.


 

Tác giả bài viết: Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây